Ngôn ngữ

Phê bình ngôn ngữ học - sự kết nối ngôn ngữ học và văn học


14-10-2020
Tác giả: GS. TS Diệp Quang Ban

Giới thiệu sơ bộ: ‘PHÊ BÌNH NGÔN NGỮ HỌC’ – SỰ NỐI KẾT NGÔN NGỮ HỌC VÀ VĂN HỌC

 TRONG GIAI ĐOẠN SAU CẤU TRÚC LUẬN VÀ KÍ HIỆU HỌC

 

  GS. TS. Diệp Quang Ban

Cependant, ce qui demeure, outre l'ennemi capital (la Norme bourgeoise), c'est la conjonction nécessaire de ces deux gestes : pas de dénonciation sans son instrument d'analyse fine, pas de sémiologie qui finalement ne s'assume comme une sémioclastie.”

(Roland Barthes, tháng Hai 1970)

“Tuy nhiên, cái còn lại, ngoài kẻ thù chủ yếu (Chuẩn mực tư sản), là sự kết hợp cần thiết giữa hai thao tác ấy: chẳng tố cáo nào lại không có công cụ phân tích tinh vi để tố cáo, chẳng kí hiệu học nào cuối cùng lại không đi đến bài bác kí hiệu.”

                        (NHỮNG HUYỀN THOẠI của Roland Barthes, tr. 16, Nxb Tri thức, 2008 – người dịch: Phùng văn Tửu)

 

---

Cấu trúc luận và kí hiệu học văn học đã từng là một hiện tượng phức tạp và luôn luôn biến động trong thế kỉ XX, và là một thành tựu lớn của thế kỉ. Nhận xét về tính phổ biến của nó, nhà nghiên cứu T. Threadgold ghi nhận: “Các gương mặt xuất sắc đã chuyển cư từ trường này sang trường khác, từ đất nước này sang đất nước khác, vượt qua các biên giới về chính trị và ý thức hệ.” (The major figures have migrated from school to school, country to country, crossing political and ideological boundaries – [11 : 4359]). Cấu trúc luận và kí hiệu học văn học cũng đến được với đất nước Việt Nam và cũng được đón nhận một cách nhiệt thành và đã tạo ra nhiều kết quả. Quả thực, cấu trúc luận và kí hiệu học văn học trong lí thuyết đã khẳng định được những đường hướng phân tích khoa học rất thuyết phục, làm say mê nhiều nhà nghiên cứu trong thời hưng thịnh của chúng. Các kiến thức đó đã đạt đến điểm đỉnh và được lưu giữ lại như tài sản chung của con người – đã trở thành kinh điển, có giá trị lâu dài.

Tuy nhiên, một lí thuyết khi đã đạt đến độ ‘hoàn tất và khép lại’ (total and closed – chữ dùng của Gillert Wells và Ruth Wodak khi nói về các lí thuyết hoàn chỉnh như của N. Chomsky và M. A. K. Halliday trong ngôn ngữ học) thì rất có thể đồng thời gợi ra những chân trời mới mà lí thuyết đó chưa đạt đến được với tư cách một lí thuyết không chiết trung. Với ngôn ngữ học cấu trúc luận, đó là thành tựu mà Z. Harris đã đạt đến, và cũng chính ông đề cập đến ‘Phân tích diễn ngôn’ như một hướng phát triển mới. Những điều cần biết trong bản thân hệ thống ngôn ngữ dường như đã khép lại, những điều kì lạ với sức mạnh giải thích lớn hơn nằm trong việc sử dụng ngôn ngữ thường nhật. Và dụng học (Pragmatics) trong ngôn ngữ học ra đời để đáp ứng nhu cầu hiểu biết đó.

Sức mạnh của dụng học, đến lượt mình, lại làm xáo trộn các ngành khoa học có dính líu với ngôn ngữ, trong đó có sự xuất hiện của Dụng học văn học (Literary Pragmatics), “một thuật ngữ  được đặt ra với tư cách một cái tên hội tụ các cách tiếp cận đối với văn bản như là đối với diễn ngôn trong ngữ cảnh xã hội”[i][1](The term ‘literary pragmatics’ has been coined as a collective for approaches to text as discourse in social context; ... – [7 : 2220]). Như lời trích cho thấy, dụng học văn học trả cái gọi là ‘ngữ cảnh xã hội’ trở lại cho văn bản văn chương, trước đó người ta đã cô lập văn bản văn chương với ngữ cảnh xã hội gắn bó với nó.

1. ‘Tái ngữ cảnh hoá trong văn học’ hay là ‘Dụng học văn học’

Văn bản văn chương, cũng như diễn ngôn, vốn gắn liền với ngữ cảnh, nhưng khi giải thích văn bản văn chương, Phê bình luận thực hành (Practical Criticism) và Tân Phê bình pháp (New Critics) đã cô lập hoá văn bản văn chương với ngữ cảnh. Khi dụng học ra đời trong ngôn ngữ học, một số nhà nghiên cứu văn học nhận ra đây là cơ sở lí thuyết để trả văn bản văn chương trở về với ngữ cảnh vốn có của nó (kể cả ngữ cảnh hư cấu), trên cơ sở đó mà có cách gọi ‘tái ngữ cảnh hoá trong văn học’ (The Re-contextualization of Literature).

Lí thuyết hành động nói của Austin (tiếp theo là Grice và Searle) ra đời đã đưa diễn ngôn về với ngữ cảnh của nó. Theo nhận xét của R. D. Sell, lí thuyết hành động nói, khi vận dụng vào văn học, tỏ ra “có tiềm năng nhạy cảm hơn đối với ngữ cảnh” (...was potentially more sensitive to context) và hơn nữa, “nó còn là cần thiết với tư cách một cố gắng làm cho ý tưởng của ngôn ngữ học và văn học xích lại gần nhau hơn, …, nó đòi hỏi phát triển lí thuyết hành động nói của Austin, Grice và Searle thế nào để bao phủ được các văn bản văn chương.” (It was also important as an attempt to bring linguistic and literary thought closer to together; …, it sought to develop the speech-act theory of Austin, Grice and Searle so as to cover literary texts. [10 : 2250], chỗ in đậm do chúng tôi thực hiện.)

Người quan tâm đến vấn đề này sớm là nhà nghiên cứu nữ M. L. Pratt 1977 với công trình nghiên cứu nhan đề Tiến tới một lí thuyết hành động nói của diễn ngôn văn chương (Toward a Speech Act Theory of Literary Discourse). Theo R. D. Sell, “bà (= Pratt) đã tấn công các quan điểm của hình thức luận cho rằng văn chương là tự hoàn tất”, và theo bà “văn bản văn chương thực ra là thực hiện một hành động nói đặt trong những điều kiện có thể giải thích được”. Tuy nhiên bà cũng nêu những giới hạn đối với phạm vi và lực tương tác của giải thích văn chương bằng lí thuyết hành động nói. Trên thực tế, dụng học văn học vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn thảo, xét căn cứ trên những tài liệu có trong thập kỉ 90 và trong những năm đầu thế kỉ XXI.

Thuật ngữ phê bình trong văn học đã có từ trước, nhưng trong ngôn ngữ học thì cho đến gần đây (vài mươi năm cuối thế kỉ XX và đầu XXI), phân môn ‘phân tích diễn ngôn’ mới phát triển một cách sâu rộng, và ở giai đoạn sau của nó đã xuất hiện ‘phân tích diễn ngôn phê bình’, mặc dù nó có phải là một lí thuyết không thì vẫn đang còn là vấn đề (Gilbert Weiss và Ruth Wodak 2003 đề nghị coi nó là một trường – school, hay một cương lĩnh – programme [12])[ii][2]. Phân tích diễn ngôn là hướng nghiên cứu thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu tầm cỡ, bởi sức mạnh giải thích của nó lớn hơn các hướng trước kia rõ rệt và cũng bởi đối tượng ứng dụng của nó rộng lớn, bao quát được tất cả các kiểu diễn ngôn, không loại trừ diễn ngôn thể chế (institutional) và cũng không loại trừ diễn ngôn văn chương.

Sự ‘phê bình’ trong ngôn ngữ học góp phần làm cho mối quan hệ giữa ngôn ngữ học với văn học trở nên khắng khít hơn một cách rõ rệt, góp phần vào việc  định rõ các miền nghiên cứu và các thủ pháp nghiên cứu trong quá trình phân tích một diễn ngôn cụ thể. Chẳng hạn, về phía ngôn ngữ học, nhà phân tích diễn ngôn phê bình Norman Fairclough đã nêu ra ‘quan niệm về ba chiều đo của diễn ngôn’ (three-dimentional conception of discourse) gồm  (i) văn bản, tức sản phẩm ngôn ngữ nói hay viết, (ii) thực tế của diễn ngôn, (iii) thực tế xã hội-văn hoá. Trên cơ sở đó, ông đã đưa ra ‘phương pháp phân tích diễn ngôn theo ba chiều đo’ (three-dimentional method of discourse analysis) gồm (i) miêu tả, tức là phân tích bề mặt từ ngữ của văn bản, (ii) tìm hiểu, tức là thực hiện quá trình phân tích sâu hơn, (iii) giải thích, tức là phân tích mặt xã hội để hiểu thấu đáo hơn (x. thêm [13b] và [13-c, tr. 167-170]). Phương pháp phân tích theo ba chiều đo là thủ pháp phân tích có hiệu quả[iii][3], bởi lẽ nó không dừng lại ở các ý nghĩa “bên trong” văn bản, mà tính đến tất cả các thứ ý nghĩa có thể có trong thực tế đời sống xã hội có liên hệ đến văn bản, trong đó có những hiện tượng thuộc về ý thức hệ, thuộc về tập tục, thuộc về lớp xã hội v.v... Những ý tưởng như vậy làm thành điểm gặp gỡ giữa các nhà ngôn ngữ học và văn học và hình thành nên một điểm chung được gọi là Phê bình ngôn ngữ học.

3. Phê bình ngôn ngữ học và một vài khái niệm hữu quan 

Trong những năm 80 thế kỉ XX, cùng với tên gọi phong cách học, người ta cũng dùng thêm tên gọi có tính chất trung hoà là ‘ngôn ngữ học văn chương’ (literary linguistics) và một tên khác có phần mạnh mẽ hơn là ‘phê bình ngôn ngữ học’ (linguistic criticism, sẽ viết tắt bằng PBNNH) nhằm làm rõ sức mạnh giải thích của ngôn ngữ học trong giai đoạn mới (7 : 2220).

PBNNH được hiểu là việc nghiên cứu có tính chất phê bình đối với diễn ngôn, trong đó từ phê bình, theo cách nghĩ rất chung về phê bình hiện đại và của lí thuyết hậu cấu trúc, có nghĩa là nhà ngôn ngữ không phải bị thu hút vào việc ngôn ngữ là cái gì (what) mà là ngôn ngữ để làm gì (why), không phải diễn ngôn có ý nghĩa gì mà là diễn ngôn có ý nghĩa như thế nào [2 : 788]. Ngoài cách hiểu chung như vậy, thuật ngữ ‘phê bình’ ở đây hàm chứa những nội dung có phần khác nhau như có người đã đề cập. Trong cách hiểu đó PBNNH quan tâm đến một số vấn đề, trong đó có vấn đề được chú ý nhiều là về ý thức hệ (Ideology), về mối quan hệ giữa diễn ngôn và kí hiệu học xã hội (Discourse and Social Semiotics), về sự kiểm soát (Control). 

3.1 Về ý thức hệ[iv][4]

PBNNH cũng nghiên cứu các cấu trúc, nhưng không phải là các cấu trúc của ngôn ngữ và của các văn bản, mà nghiên cứu các cấu trúc của con người trong xã hội và của các thể chế ảnh hưởng đến nghĩa của các văn bản bằng những con đường khác nhau. PBNNH quan niệm rằng “mối quan hệ giữa hình thức và nội dung của diễn ngôn được quyết định (và bị câu thúc) (hay ‘khống chế’ – chú thích của DQB) về mặt văn hoá, về mặt xã hội cũng như về mặt chính trị, bởi quyền lực của các cơ cấu về thể chế/ về sự suy diễn (hay sự biện luận, tức là hệ thống các suy diễn, biện luận – DQB)” (the relationship between the form and content of discourse… is determined (and constrained) culturally, socially, and politically by the power of institutional/ discursive formations” [2 : 788]). Từ ý tưởng đó, Birch kết luận: “việc phân tích diễn ngôn trong PBNNH là sự phân tích các cấu trúc và các ý nghĩa chất chứa ý thức hệ” (Analysis of discours within linguistic criticism is analysis of ideologically loaded strutures and meanings. [2 : 788]). Tầm quan trọng của ý thức hệ đối với PBNNH đến mức một tiên đề cơ sở đối với hoạt động của PBNNH là tất cả các văn bản như thế  “ở mọi nơi và không thể tránh được, đều được cấu trúc theo ý thức hệ, và sự cấu trúc theo ý thức hệ đó của cả ngôn ngữ lẫn các văn bản lại có thể không khó liên hệ đến các cấu trúc và các quá trình xã hội vốn là các nguyên bản (origins) của các văn bản cụ thể” (...everywhere and inescapably idelogically structured, and that the ideological structuring of both language and texts can be related readily enough to the social structures and processes of the origins of particular texts – G. Kress 1985, Discours, texts, readers and the pro-nuclear argument – Dẫn theo [2 : 788]).

Cái gì cho phép nhà phân tích nhận ra được hoạt động của ý thức hệ trong ngôn ngữ? Để làm được việc đó cần dùng cách “hoá giải (tháo dỡ, bóc bỏ) tính huyền thoại (demythologizing) của các quá trình và các điểm sản xuất (tạo ra văn bản) và tiếp nhận (văn bản)” [2 : 788]. Nói cách khác, nhà phân tích không phải tập trung vào việc chẳng hạn như tìm chủ đề tư tưởng của văn bản bên dưới những lời lẽ bóng bẩy, xa xôi theo kiểu hư ảo, mà phải phơi trần các quá trình và các nơi tạo ra và tiếp nhận các văn bản, chẳng hạn làm rõ xem người tạo ra văn bản đó như thế nào và ở cương vị nào, còn người nhận tiếp nhận văn bản như thế nào và ở cương vị nào. Điều này không nói lên rằng viết văn không dùng đến ngôn ngữ hình tượng, không dùng kiểu huyền thoại, mà vấn đề là ở chỗ người phân tích phải biết đằng sau sự “nguỵ trang” có tính chất nghệ thuật đó là cái gì về mặt ý thức hệ, để tìm đến với cái “thế nào” (“why”) của ngôn ngữ, của diễn ngôn.

Khi bàn về M. Foucault, nhà nghiên cứu J. Cook ghi nhận sự “nguỵ trang” theo tinh thần của Foucault: “Diễn ngôn, giống như ý thức hệ, nguỵ trang các hoạt động của quyền lực, và văn chương, trong tư cách là một kiểu diễn ngôn, có thể tham dự vào sự nguỵ trang đó” (Discourse, like ideology, masks the operations of power, and literature, as a mode of discourse, can participate in this masking.). Foucault đã phân tích quan hệ quyền lực trong diễn ngôn như là quan hệ quyền lực của một xã hội có phân chia giai cấp theo kiểu phê bình Mác-xít: thứ quyền lực “đặt lên trên hay bảo đảm các lợi ích của một giai cấp cụ thể” [3 : 968]. 

Mối quan hệ giữa ý thức hệ và ý nghĩa của diễn ngôn là trung tâm điểm của PBNNH, cho nên nhiều nhà nghiên cứu có ảnh hưởng lớn từ các bộ môn như triết học, xã hội học, nghiên cứu văn hoá, và khoa học chính trị đã đến với nó.

3.2 Về mối quan hệ giữa diễn ngôn và kí hiệu học xã hội

            Ngôn ngữ học truyền thống trong nửa đầu thế kỉ XX (gồm cả cấu trúc luận) tập trung vào việc tìm hiểu bản thân hệ thống ngôn ngữ, tức là nằm trong giai đoạn khám phá xem ngôn ngữ là cái gì, vì vậy chưa xem xét các diễn ngôn thực tại của ngôn ngữ như là một bộ phận trong các cấu trúc và các quá trình của xã hội, cũng tức là chưa tính đến việc các diễn ngôn có nghĩa thế nào. Nhà nghiên cứu R. Fowler đã nêu nhận xét rằng “ngôn ngữ học hiện đại không thể bị lôi cuốn vào phê bình luận mà đứng ngoài sự điều tiết của hiện thực” (contemporary linguistics cannot be absorbed into criticism without real modification – Dẫn theo [2 : 789]). Còn sự điều tiết đó,  theo N. Fairclough và D. Birch, “dựa một cách vững chắc trên một nhận thức cho rằng toàn bộ diễn ngôn là cái được cấu tạo đa tầng, đa lớp hạng, là cái đa chức năng, và vì vậy, là cái được tạo thành đa nghĩa” (... rests firmly on a recognition that all discourse is mutileveled, multiranked, multifunctional, and therefore multimeaninged – Dẫn theo [2 : 789]).

            Những lời giải thích trên cho phép người ta nhận định rằng đối với PBNNH, “cái tiền đề cơ sở là không có một thứ ý nghĩa đơn lẻ ‘nằm trong’ văn bản, mà là một cái tiềm ẩn của nhiều ý nghĩa, trong đó một số là những ý nghĩa mang đặc quyền và đã được tiên thiên hoá bởi các lí do xã hội, văn hoá, và các lí do chính trị dành cho (= để tạo ra – DQB) các lí do khác nhau nữa (xuất hiện – DQB) tại những thời điểm khác nhau. (The basic premise is that there is no single meaning ‘in’ the text but a potential of many meanings some of which are privileged and prioritized for social, culural, and political reasons for various reasons at various times. [2 : 789]).

Phần trích dẫn giúp hiểu được rằng ý nghĩa trên bề mặt của từ ngữ trong văn bản chưa phải là tất cả, mà bên dưới bề mặt từ ngữ đó còn tiềm tàng nhiều thứ ý nghĩa khác, trong số đó nổi rõ lên là những ý nghĩa mà thể chế, tổ chức xã hội, văn hoá, chính trị dành cho một đặc quyền. Có thể lấy vai giám đốc trong một công ti làm ví dụ, các ý nghĩa thuộc vai này vừa mang tính đặc quyền (do vị trí giám đốc đem lại) lại còn được coi “vốn là như thế” (được ‘tiên thiên hoá’), vị trí của vai người tiếp nhận phải hiểu theo cái tính ‘đặc quyền’ đó, theo cái sự ‘tiên thiên hoá’ đó. Kí hiệu học xã hội trong trường hợp này là việc sử dụng kiến thức về kí hiệu học ứng dụng vào các vấn đề xã hội, để phát hiện các ý nghĩa tiềm ẩn liên quan đến quyền lực, đến thể chế, đến lợi ích của lớp xã hội v.v... trong các từ ngữ, các cấu trúc của văn bản

 Để làm bộc lộ các thứ ý nghĩa đó, người phân tích phải dùng cách suy diễn kiểm chứng được (bằng nhân chứng, vật chứng, hay bằng suy lí logic) để chứng minh rằng những từ ngữ như thế, những cấu trúc như thế chỉ có thể hiểu được như thế này chứ không thể hiểu khác được, trên cơ sở đó có thể đánh giá tính tích cực/ tiêu cực của các ý tưởng được phát hiện. Nói một cách giản dị, người phân tích không được phép tư biện (suy nghĩ và biện luận theo suy nghĩ của mình), mà phải dùng dấu vết, chứng cứ hiển nhiên để suy diễn, biện giải ra những ý nghĩa loại như vậy.

Chẳng hạn ta có thể chứng minh tính tất yếu (bắt buộc, câu thúc) trong trật tự sắp xếp các từ trong câu Kiều:

Này chồng, này mẹ, này cha,

Tại sao ‘chồng’ được đặt trước cha mẹ? Tại sao ‘mẹ’ được đặt trước ‘cha’?

Câu hỏi thứ nhất được trả lời bằng cái định chế trở thành tín điều bất di bất dịch của xã hội phong kiến “tại gia tòng phu, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Kiều đã giao ước và thề nguyền với Kim Trọng, như vậy đã đủ để trở thành vợ của chàng Kim trong cách hiểu của thời bấy giờ, cũng tức là đã ‘xuất giá, nên phải ‘tòng phu’. Như vậy, trong quan hệ với Kiều, việc kể đến chồng trước hết là hợp ‘lẽ phải’ (tính đúng, chân lí) của thời đại. Đối với câu hỏi thứ hai, cũng xét trong quan hệ với Kiều là con gái, thì quan hệ với mẹ phải thân thiết hơn với cha: với người con gái thuở ấy, trong gia đình, người mẹ là nơi thổ lộ tâm tình,  người cha là quyền uy tối thượng; ai giữ được như vậy thì mới xứng danh con người “gia giáo”. Cách lí giải vừa rồi cho thấy rõ cái “lí” của nhà thơ. Còn như vấn đề vần điệu thì đây là cái “tài” của nhà thơ: bắt vần điệu phục vụ mình; chứ vì vần điệu mà làm méo mó cái lí phải tuân theo thì e rằng tài chưa cao.

Phân tích như vậy chính là một trong những cách giải thích mối quan hệ giữa diễn ngôn với kí hiệu học xã hội, đến mức không thể hiểu khác được, cho nên đó là tiền đề cơ sở cho việc thao tác với PBNNH.

Dưới giác độ lấy việc sản xuất diễn ngôn làm đề tài (khác với việc phân tích phê bình diễn ngôn, nhưng vẫn đúng cho phê bình), mối quan hệ của diễn ngôn với xã hội cũng đã được M. Foucault nhắc đến từ 1970 dưới hình thức một giả thuyết. Giả thuyết chủ yếu của ông là ‘trong mỗi xã hội, việc sản xuất ra diễn ngôn là đồng thời được kiểm soát, được lựa chọn, được tổ chức và được phân bố lại cho phù hợp với một số các thủ tục, mà vai trò của chúng (các thủ tục này – DQB) là ngăn ngừa các quyền lực và các nguy cơ của diễn ngôn, đối phó với những sự kiện có tính chất ngẫu nhiên (hay ‘may, rủi’ – DQB), vượt qua khỏi cái tính vật chất trì trệ và đáng sợ của nó.’ (‘... in every society the production of discourse is at once controlled, selected, organized and redistributed according to a certain number of procedures, whose role is to avert its powers and dangers, to cope with chance events, to evade its ponderous and awesome materiality’ (Foucaul 1971, Orders of discourse. Social science Information – Dẫn theo [3 : 965]). Và trên cơ sở đó Foucault đã đề xuất các ‘Quy tắc Ngăn chặn (hay Loại trừ -- DQB)’ (Rules of Exclusion) và các ‘Quy tắc nội tại’ (Internal Rules). Các quy tắc ngăn chặn gồm ba hệ thống: ‘các từ ngữ cấm kị’ (prohibited words), các mức độ điên giận (division of madness), và ý chí về chân lí (the will to truth). Các quy tắc nội tại gồm ba loại chính là ‘giải thích’ (comentary), ‘tác giả đó’ (the author) và ‘các kĩ luật’ (disciplines) (Dẫn theo [3 : 965-966]).

3.3 Về kiểm soát

G. Kress và R. Hodge 1979, trong Ngôn ngữ xét như ý thức hệ (Language as Ideology) đã nêu lên rằng ngôn ngữ là “một công cụ để kiểm soát chẳng khác nào để giao tiếp” (an instrument of control as well as of communication – dẫn theo [2 : 789]). D. Birch nêu một ý thật giản đơn mà thật là chí lí: “Người ta có thể có cả hai: được nhận thông tin và bị lôi kéo bằng ngôn ngữ, và tất nhiên người ta cũng có thể thông tin và lôi kéo những người khác.” (People can be both informed and manipulted by language, and of course can inform and manipulate others. – [2 : 789]). Và cả hai việc đó đều chịu sự câu thúc từ nhiều phương diện (x. 3.1. Ý thức hệ trên đây). Như vậy, chúng ta có thể trở lại với một phần trích trong giả thuyết của Foucault 1970 đã được dẫn:  ‘trong mỗi xã hội, việc sản xuất ra diễn ngôn là đồng thời được kiểm soát, được lựa chọn, được tổ chức và được phân bố lại cho phù hợp với một số các thủ tục...’.

Với việc kiểm soát việc sử dụng ngôn ngữ, như đã thấy, các nhà PBNNH nhìn thấy rõ các mối quan hệ xã hội-văn hoá với diễn ngôn, những mối quan hệ khi tỏ khi mờ, phải suy diễn có căn cứ mới xác định được. Họ thấy được ngôn ngữ được dùng để “hệ thống hoá, truyền đi mà thường là những phân tích khó nhận biết về hiện thực; được dùng để điều chỉnh tư tưởng và hành vi của người khác; được dùng để phân loại và phân thứ hạng con người, các sự kiện và các đối tượng nhằm xác nhận cương vị về thể chế về nhân thân của con người.” (Fowler và các tác giả khác – dẫn theo [2 : 789]). Ngôn ngữ trong các văn bản văn chương cũng không phải là một ngoại lệ: Tất cả các văn bản đều “là chủ đề cho những phán quyết đúng như vậy về mặt ngôn ngữ học và mặt xã hội, những cái gọi là văn bản văn chương cũng chẳng kém gì những cái gọi là văn bản phi-văn chương” (are subject to the same linguistic and social determinations, so-called literary texts no less than so-called non-literary texts” (Kress 1988, dẫn theo [2 : 789]).

Tóm lại, kiểm soát cũng là một chức năng của ngôn ngữ như chức năng thông tin, xét trong việc sử dụng ngôn ngữ. Sử dụng ngôn ngữ để đưa ra thông tin thì cũng đồng thời thực hiện chức năng tự bộc lộ tư tưởng và hành vi của mình và tác động đến tư tưởng và hành vi của người, tự định vị quyền lực và vị trí của mình và định vị quyền lực và vị trí của người, trong một xã hội cụ thể. Đó là cách nhìn của PBNNH về phương diện chức năng diễn đạt ‘nghĩa biểu hiện’ (representative meaning, hay có thể gọi theo tên khác: ‘nghĩa kinh nghiệm’) của ngôn ngữ; như là một điều bổ sung vào cách hiểu chức năng diễn đạt kinh nghiệm, làm rõ hơn về kiểu nghĩa này: trong nghĩa biểu hiện không chỉ chứa sự việc, kinh nghiệm được phản ánh một cách thuần tuý!

Trong ý nghĩa vừa nêu, chức năng kiểm soát còn có tác dụng nhắc nhở người sản xuất cũng như người tiếp nhận văn bản nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm trong quá trình làm việc với diễn ngôn cả ở mặt lí tính lẫn ở mặt đạo đức.

*

Kết luận

Nhìn tổng quát, PBNNH không phủ định cấu trúc luận và kí hiệu học trong việc giải thích diễn ngôn, PBNNH mở rộng việc giải thích diễn ngôn ra bên ngoài ngữ cảnh của diễn ngôn (tái ngữ cảnh hoá), gồm ngữ cảnh vật lí và ngữ cảnh xã hội-văn hoá, chú ý nhiều hơn đến các quan hệ xã hội như các quan hệ về thể chế, về quyền lực, quan hệ giữa các lớp xã hội trong việc dùng ngôn ngữ, khơi sâu việc giải thích đến tận ý thức hệ và những câu thúc của ngữ cảnh văn hoá-xã hội của diễn ngôn, và vì vậy sự ‘kiểm soát’ trong việc sử dụng ngôn ngữ trở thành một hợp phần tất yếu, để ngôn ngữ được thể hiện như một thực tế trong đời sống xã hội. Từ ‘phê bình’ ở đây có thể hiểu với những sắc thái khác nhau ở các nhà nghiên cứu khác nhau, trong đó điểm chung có thể gặp trong định nghĩa của N. Fairclough: “Phê bình được dùng trong một ý có tính chất chuyên môn nhằm đến việc làm bộc lộ các mối nối kết có thể bị che khuất khỏi cái nhìn của con người – những nối kết kiểu như những nối kết giữa ngôn ngữ, quyền lực, ý thức hệ…” (Critical is used in the special sense of aiming to show up connections which may be hidden from people – such as the connections between language, power, ideology…) [4 : tr. 4]).

Một khi đã nhắc đến việc ‘làm bộc lộ các nối kết che khuất khỏi cái nhìn của con người’ trong PBNNH, người làm việc với diễn ngôn theo tinh thần PBNNH phải coi ‘thế đứng đạo đức’ (ethical stance’ – từ dùng của T. Huckin 1997, trong [8 : 78] và [13c : 174]) như một yêu cầu không thể thiếu.

Tại sao phải nói đến ‘thế đứng đạo đức’ trong PBNNH? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể tìm đến ý tưởng của Foucault trong những dòng diễn giải của J. Cook sau đây. Trong một bài giảng của mình năm 1970, Foucault đã tìm hiểu cương vị (status) và ý nghĩa (meaning) của ‘diễn ngôn’. Ông bắt đầu từ tính hiển minh phơi bày ra trong ý nghĩa của thuật ngữ: diễn ngôn là cái hoàn tất (the totality) của cái được viết ra và được nói ra. Nhưng tính hiển minh đó là cái có tính chất đánh lừa. Sự phản ứng cấp thời của Foucault đối với việc nhận diện diễn ngôn như vậy tạo nên nỗi băn khoăn, đến mức là sự nguy hiểm, mối lo này đến lượt mình làm nảy sinh một câu hỏi: Có gì nguy hại bằng, một khi mà trên thực tế con người vẫn nói, thì lời nói của họ cứ sinh sôi nảy nở ? (Hiểu là nói ‘vô tội vạ’ không có gì để khống chế, kìm hãm được – DQB.) Câu trả lời cho câu hỏi đó là phải đồng nhất diễn ngôn với một cái gì đó cần được kiểm soát, được che chắn chung quanh bằng những quy tắc và những câu thúc phức tạp. Những quy tắc và những câu thúc này không phải là tương đương với một ngữ pháp tạo sinh theo ý của Chomsky; không phải là những đặc trưng phi lịch sử trong tinh thần của con người, mà chúng là những hiện tượng có tính lịch sử, tính văn hoá và tính chính trị (xem [3 : 965]). (Chỗ in đậm do chúng tôi thực hiện)

Mặt khác, thế đứng đạo đức không tách rời ‘chân lí’ (truth, cũng dịch là ‘lẽ phải’, ‘tính đúng’ – DQB), vì nó quan hệ trực tiếp đến việc thẩm định các nội dung khác nhau như ý thức hệ, thể chế, lớp xã hội, văn hoá v.v..., trong khi ‘chân lí’ lại là một phạm trù liên quan đến những cái không ‘nhất thành bất biến’, theo cách hiểu của Foucault:

“Mỗi một xã hội có cái chế độ về chân lí của nó, ‘các chính sách chung’ về chân lí của nó; đó là các kiểu diễn ngôn mà nó chấp nhận và cho hành chức là có tư cách chân lí; đó là các cơ chế và các trường hợp điển hình có đủ năng lực để phân biệt các điều trình bày đúng và sai; đó là các phương tiện mà dùng đến chúng thì một cái nào đó là được phê chuẩn; đó là các công nghệ và các thủ tục đã đem lại giá trị trong việc đạt được chân lí; đó là cái cương vị của những ai được giao quyền tuyên bố cái gì là cái có giá trị chân lí. (Each society has its regime of truth, its ‘general politics’ of truth; that is, the types of discourse which it accepts and makes function as true; the mechanisms and instances (trường hợp điển hình) which enable one  to distinguish (đủ để có thể phân biệt) true and false statements, the means by which each is sanctioned (phê chuẩn, ban quyền, khuyến khích) ; the techniques and procedures accorded value in the acquisition of truth; the status of those who are charged with saying what counts as true. (Foucault 1980: 131 – Dẫn theo K. M. Kontopoulos, [ELL, Vol. 2, p. 606].)

Nói cách khác, “chân lí là một hệ thống thủ tục được sắp đối với việc sản xuất, việc điều hoà, việc lưu thông các điều trình bày và việc thao tác với các điều trình bày” (... truth is a system of ordered procefures for the production, regulation, circulation and operation of statements’ – Dẫn theo [9 : 606].)

Một khi đã chấp nhận tính câu thúc của xã hội-văn hoá đối với diễn ngôn và cả ‘chân lí’ như vừa nêu, thì trong thực hành, phải chăng đối với người chưa có nhiều kinh nghiệm nên suy nghĩ xem: (1) Ta là ai? (2) Ta đang ở đâu?” (3) Ta đang ở trong thời đại nào?; ba câu hỏi này có tác dụng quy định đối với câu hỏi (4) Ta đang làm gì (trong việc tạo ra diễn ngôn và trong PBNNH)? Cách trả lời bốn câu hỏi này thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với công việc và đối với chính bản thân người tạo ra diễn ngôn cũng như người làm PBNNH.

Hà Nội, 11-3-2010

--

D.Q.B

(*) Tên đầy đủ của bài viết là: Giới thiệu sơ bộ: ‘PHÊ BÌNH NGÔN NGỮ HỌC’ – SỰ NỐI KẾT NGÔN NGỮ HỌC VÀ VĂN HỌC TRONG GIAI ĐOẠN SAU CẤU TRÚC LUẬN VÀ KÍ HIỆU HỌC*

 

 


*Diệp Quang Ban, Đại học Sư phạm Hà Nội. Bài này có mục đích ‘giới thiệu’ nên phần trích dẫn có mật độ cao, nhằm bảo đảm độ chính xác của các ý tưởng của các nhà nghiên cứu trong các tài liệu gốc.

 

 


[v][1]Về sự phân biệt ‘văn bản’ với ‘diễn ngôn’, x. Diệp Quang Ban a. 2002, Giao tiếp, Văn bản, Mạch lạc, Liên kết, Đoạn văn, tại mục II Về tên gọi “văn bản” và “diễn ngôn, tr. 67-71; b. 2009, Giao tiếp, Diễn ngôn và Cấu tạo của văn bản, Mục 5.1 ‘Văn bản’ và ‘diễn ngôn’, tr. 193-217..

[vi][2]Gilbert Weiss và Ruth Wodak còn cho rằng phân tích diễn ngôn phê bình (CDA) khác hẳn với các lí thuyết đã ‘hoàn tất và khép lại’ (‘total and closed’ theories) như ‘Ngữ pháp chuyển hoá tạo sinh’ của Chomsky hay ‘Ngôn ngữ học chức năng hệ thống’ của Michael Halliday, “CDA đã chẳng bao giờ có được hình ảnh của một ‘môn phái’ và cũng không mong có được một hình ảnh như thế” (CDA has never had the image of a ‘sect’ and does not want to have such a image [Weiss and R. Wodak 2003, p. 13]).

[vii][3]X. Diệp Quang Ban 2009, Giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo văn bản, tr. 166-170.

[viii][4]Theo G. Weiss và R. Wodak 2003, thuật ngữ ideology (dịch Việt bằng ‘ý thức hệ’,‘tư tưởng hệ’) xuầt hiện tại Pháp vào khoảng cuối thế kỉ XVIII.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. Ngoại ngữ

1. Beaugrande R. de 1990, “Text linguistics through the years”. In: Text, 10 (1/2) (1990), pp. 9-17.

2. Birch D. 1994, “Criticism, Linguistic”. In: Encyclopedia of Language and Linguistics, Vol. 2, pp. 788-791.

3. Cook J. “Discourse, Ideology, and Literature”. In: Encyclopedia of Language and Linguistics, Vol. 2, pp.           965-969.

3. Crasnow E. 1994, “Deconstruction”. In: Encyclopedia of Language and Linguistics, Vol. 2, pp. 832-837.

4. Fairclough N., 2001 (first published 1989), Language and Power, Longman, Pearson Education.

5. Foucaul M. 1971, Orders of discourse. Social science Information – Dẫn lại theo [J. Cook, Discourse, Ideology, and Literature, in: ELL, p. 965]).

6. Foucault M. 1980 Power / Knowledge: Seleted Interviews and Other writings 1972-1977. Pantheon, New York – Dẫn lại theo K. M. Kontopoulos, x. tài liệu số 9, tại tr. 606.

7. Fowler R. 1994, “Linguistic Contributions”. In: Encyclopedia of Language and Linguistics, Vol. 4, pp. 2214-2222.

8. Huckin T. N. 1977, “Critical Discourse Analysis. In: . Functional Approaches to Written Text: Classroom Applications, Washington.

9. Kontopoulos K. M. 1994, “Collective Representations”. In Encyclopedia of Language and Linguistics, Vol. 2, pp. 604-607.

10. Sell R. D. 1994, “Literary Pragmatics”. In: Encyclopedia of Language and Linguistics, Vol. 4, pp. 2249-2261

11. Threadgold T. 1994, “Structuralism and Semiotics, Literary”. In: Encyclopedia of Language and Linguistics, Vol. 8, pp. 4359-4373.

12. Weiss G. and Wodak R. 2003, Critical Discourse Analysis –Theory and Interdisciplinarity. Edited by Gilbert Weiss and Ruth Wodak.

 

B. Tiếng Việt

13. Diệp Quang Ban: a. 2002, Giao tiếp, Văn bản, Mạch lạc, Liên kết, Đoạn văn. Nxb Khoa học xã hội (in tại Thành phố Hồ Chí Minh)

_________ b. 2007, “Tìm hiểu phân tích diễn ngôn phê bình”. In: Tạp chí “Ngôn ngữ” (Hà Nôi), 2007, số 8, tr. 45-55.

_________ c. 2009, Giao tiếp, Diễn ngôn và Cấu tạo của văn bản, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.

14. Nguyễn Hoà: a. 2003. Phân tích diễn ngôn: Một số vấn đề lí luận và phương pháp. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

_________ b. 2003. Phân tích diễn ngôn phê phán: Lí luận và Phương pháp. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

(Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ, số 7-2010, tr. 1-10)

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020