Ngôn ngữ

Tìm hiểu giá trị văn hóa- quyền lực được đánh dầu bằng hành vi xưng hô trong giao tiếp gia đình người Việt


14-10-2020

Sự lựa chọn những phương tiện xưng hô trong giao tiếp phạm vi gia đình người Việt đánh dấu sự hòa quyện khó tách bạch của yếu tố quyền uy và thân hữu, thậm chí tương quan quyền cũng có “hai mặt” vừa bình đẳng vừa có những khác biệt nhất định về vị thế. Tương quan bình đẳng có thể gắn với tâm lý trọng tình nghĩa, coi trọng vai trò phụ nữ trong văn hóa bản địa; ảnh hưởng tư tưởng bác ái của Phật giáo; đồng thời có cả ảnh hưởng của tư tưởng bình quyền của phương Tây du nhập vào sau này. Còn sự khác biệt vị thế có thể gắn với chế độ phụ quyền lâu đời dưới ảnh hưởng Nho giáo. Ngôn ngữ Việt cung cấp những phương tiện hiệu quả để chuyển tải những tương quan quyền lực rất phức tạp đó.

Tìm hiểu giá trị văn hóa-  quyền lực được đánh dầu bằng

hành vi xưng hô trong giao tiếp gia đình người Việt

Ths. LƯƠNG THỊ HIỀN

Tạp chí Khoa học – ĐHSP Hà Nội, số 12 (2007), 27-35

           Xưng hô trong tiếng Việt là một hiện tượng ngôn ngữ- văn hóa phức tạp, với nhiều khía cạnh lý thú có thể được tiếp cận từ những góc độ khác nhau. Việt ngữ học đã có nhiều công trình nhận diện, miêu tả, phân tích những hiện tượng ngôn ngữ xuất hiện trong xưng hô trên quan điểm ngôn ngữ học cấu trúc (Nguyễn Tài Cẩn (1975), Nguyễn Minh Thuyết (1988), Nguyễn Văn Tu (1996)…), trên quan điểm ngôn ngữ xã hội học (Lương Văn Hy (1986), Nguyễn Đức Hoạt (1995), Nguyễn Văn Khang (1996), Nguyễn Thị Thanh Bình (1996), Vũ Thị Thanh Hương (1997),… ), trên quan điểm ngôn ngữ học đối chiếu so sánh (Nguyễn Duy Bảo (1988), Nguyễn Văn Chiến (1992), Nguyễn Văn Quang (1999)…)…Các công trình nghiên cứu chủ yếu đóng góp cho việc nhận diện các đơn vị ngôn ngữ, đặc biệt là từ xưng hô, trong quan hệ hệ thống chặt chẽ. Tuy nhiên, mặt hành chức của các đơn vị đó trong thực tiễn giao tiếp thì vẫn có những vấn đề còn bỏ ngỏ. Các tác giả gần đây như Nguyễn Văn Khang, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Quang…mở rộng việc nghiên cứu hiện tượng xưng hô dưới sự quy định của các điều kiện văn hóa- xã hội, song sự lý giải thường tập trung từ góc độ văn hóa truyền thống của người Việt.

Mỗi nền văn hoá có một hệ thống giá trị văn hóa riêng. Trong đó, sự phân cấp quyền lực (power hierachy) chỉ mức độ phân bố và chấp nhận quyền lực theo định chế trong các tổ chức có thứ bậc như trong gia đình (bố mẹ và con cái), ở trường (thầy và trò), ở nơi làm việc (chủ và thợ), ở trong các hình thức tổ chức chính trị tập trung hoặc phân chia quyền lực... Sự cách biệt quyền lực chỉ ra mức độ mà ở đó những nhóm nắm quyền lực ít hơn sẽ phải chấp nhận việc phân chia quyền lực và ở mức độ này thì sự gắn kết giữa các nhóm vẫn được duy trì. Vậy, sự bất bình đẳng quyền lực là nhân tố nền tảng trong bất cứ xã hội nào, và các mối quan hệ quyền lực khác nhau trong xã hội đã điều chỉnh các quyết định lựa chọn các phương tiện xưng hô ở những cách thức và mức độ khác nhau.Và do đó, phân tích hiện tượng ngôn ngữ xưng hô còn có thể tiết lộ những mối quan hệ quyền lực hay quan hệ bất bình đẳng được ẩn giấu trong quá trình xã hội.

Ứng với hai phương diện hệ thống và hoạt động của ngôn ngữ, ta có thể phân biệt hai loại tương quan quyền trong ngôn ngữ. Quyền lực tuyệt đối gắn với điểm nhìn thụ động của người nói về những mối quan hệ liên cá nhân được hình thành bởi tình trạng bất bình đẳng. Áp lực của quyền lực tuyệt đối đa phần mang tính chất ước lệ xã hội. Dẫn giải theo Galbraith (1983: 2): “Quyền lực là khả năng áp đạt ý muốn của ai lên người khác. Quyền lực ở phương Tây là công cụ để tạo nên sự lựa chọn và sản sinh ra khả năng tự quyết định của cá nhân. Quyền lực trực tiếp, không có sự tương hỗ (hay chiều không có sự phản hồi). Ngược lại, ở Nhật Bản và cũng trong tình trạng đó với những nền văn hoá Đông Nam Á quyền lực có tính chất tương hỗ, trong tập thể và dựa trên sự lệ thuộc chung”.[dt 6, 56] Như vậy, nói đến quyền lực tuyệt đối phải chú trọng đến các nhân tố liên quan đã tạo nên nó, đó là: sự duy trì các vai xã hội đúng như kỳ vọng của công đồng, đảm bảo đúng chuẩn mực văn hóa giao tiếp của xã hội. Trong khi đó, quyền lực tương đối lại được xét trong các ngữ cảnh, tình huống cụ thể tại thời điểm diễn ra cuộc thoại. Mỗi người nói lựa chọn hình thức ngôn ngữ để tái tạo lại tình huống tương tác, thay đổi khoảng cách xã hội cho phù hợp mục đích giao tiếp của mình. Như vậy, có thể nói quyền lực tương đối chính là sản phẩm của chiến lược ngữ dụng. Có thể coi tương quan quyền lực tuyệt đối là cái khung chuẩn mực để nhân vật giao tiếp để điều chỉnh tương quan quyền lực tương đối trong ứng xử ngôn ngữ.

Trong phạm vi bài viết, do chưa có điều kiện khảo sát ngữ liệu ghi âm thực tế, chúng tôi chỉ khảo sát 114 cuộc thoại ở phạm vi gia đình, tình huống trực diện, với một số quan hệ cơ bản như ông, bà- cháu; cậu, mợ, dì..- cháu;  bố, mẹ- con; vợ- chồng… trong các tác phẩm văn học, bao gồm “Tuyển tập Nam Cao” - tập 1, tập 2, NXB Văn học, H. 2004, “Nguyễn Công Hoan- truyện ngắn chọn lọc”- NXB Văn học, H, 2004, và tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, tập 1, NXB Văn học, H, 2004. Chúng tôi nhận thấy các thành viên trong gia đình người Việt những năm đầu thế kỷ XX chủ yếu chọn lựa đại từ nhân xưng và danh từ thân tộc, chiếm 98% tổng số các phương tiện xưng hô được sử dụng.

Xét về mặt lý thuyết, giao tiếp trong gia đình có thể được phân ra làm ba loại tương quan về quyền sau đây:

- Giao tiếp với người trên quyền (Con với bố, mẹ; cháu với ông, bà, cậu, mợ…);

- Giao tiếp với người bằng quyền (vợ và chồng);

- Giao tiếp với người dưới quyền (bố, mẹ với con; ông, bà, cậu, mợ với cháu…).

Sự phân chia như trên là căn cứ vào nguồn gốc của quyền lực, đó là xuất phát từ vị trí trong tổ chức gia đình, họ tộc. Nó chỉ có tính tương đối vì quyền lực có thể nảy sinh từ một hoặc tổng hợp đồng thời từ nhiều nguồn gốc khác.

1. Đại từ nhân xưng đánh dấu tương quan quyền

1.1.           Đại từ nhân xưng đánh dấu tương quan quyền trong họ tộc

Tổng hợp các số liệu thống kê đại từ nhân xưng trong 62 cuộc thoại giữa bà và cháu, bố, mẹ và con, cho thấy: đại từ nhân xưng chỉ xuất hiện trong tương quan quyền người trên nói với người dưới, trong những lời người ở vị thế cao hơn trong gia đình như bố, mẹ, bà... và xuất hiện với mật độ cao. Cụ thể: Ngôi 1 xuất hiện 129 lần trong tổng số 302 phương tiện xưng hô được sử dụng (chiếm tỷ lệ 42%), và ngôi 2 xuất hiện 191 lần trong tổng số 312 phương tiện xưng hô được sử dụng (chiếm tỷ lệ 60%).

Như vậy, trong hoàn cảnh giao tiếp gia đình thân mật, các nhân vật giao tiếp ở bậc trên có xu hướng trút bỏ vai, chỉ sử dụng những đại từ nhân xưng cơ sở (tôi, tao, mày). Xu hướng trút bỏ vai trong phát ngôn người trên với người dưới ở đây không phải là sự cào bằng vị thế xã hội theo kiểu “cá mè một lứa”. Bởi lẽ, xu hướng này chỉ ra ở một chiều người trên với người dưới, mà không có chiều ngược lại. Cặp đại từ đối ứng tao- mày có phạm vi sử dụng hạn chế, tiềm tàng khả năng gây nên những thay đổi về thứ bậc trong giao tiếp, có thể làm tổn hại đến luật tôn ti vững chắc trong văn hóa gia đình Việt. Vì vậy, chỉ những đứa con vô học, bất hiếu mới dùng đại từ trong cách xưng hô với cha mẹ mình.

Cũng cần lưu ý trường hợp SP1 ở địa vị thấp dùng đại từ “tôi” để xưng với SP2 ở địa vị cao. Cách xưng hô này đánh dấu vị thế xã hội của người nói: (i) Người nói đã ở độ tuổi trưởng thành, thường là đã có gia đình riêng và có con cái… (ii) Người nói thuộc tầng lớp trí thức- tiểu tư sản, ảnh hưởng văn hóa Tây học; hoặc sống trong những gia đình ở thành thị. Ở góc độ nào đó, có thể nói cách xưng này của SP1 phản ánh diễn biến tình hình tư tưởng trong thời kỳ đầu thế kỷ XX, đất nước có những tiếp nhận mới về văn hóa phương Tây, biểu hiện ở xu hướng nhấn mạnh vào cuộc sống cá nhân và sự thành đạt trong khả năng của cá nhân.

Trường hợp dùng cặp đại từ mượn “moa- toa” mà chúng tôi khảo sát thấy rất hiếm, chỉ được chấp nhận trong gia đình trí thức chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Trên thực tế, ngôn ngữ Việt Nam thiếu một hệ thống đại từ nhân xưng gần gũi có thể làm phương tiện xưng hô thay thế cho các loại từ khác trong mọi tình huống, mọi ngữ cảnh như I/ You trong tiếng Anh, hay Moi/ Toi trong tiếng Pháp…Việc sử dụng cặp đại từ trung tính kia sẽ triệt tiêu nét nghĩa khác biệt vị thế- một đặc điểm quan trọng trong văn hóa giao tiếp người Việt. Có thể nói đây chính là lý do tại sao hiện tượng xưng hô này không nhân rộng được, bị đẩy ra “biên” của hệ thống và “biên” trong giao tiếp.

1.2. Đại từ nhân xưng đánh dấu tương quan quyền giữa vợ chồng

Trong gia đình, vợ và chồng gắn bó với nhau không theo quan hệ huyết thống mà theo quan hệ hôn nhân. Với quan hệ này, tương quan quyền hoàn toàn thay đổi. Trong các cuộc thoại vợ chồng, mật độ xuất hiện của đại từ nhân xưng ngôi 1 cao hơn hẳn ngôi 2, và có bổ sung thêm đại từ dùng chung cho cả hai ngôi - “mình”.  Cụ thể như sau: Tỷ lệ đại từ nhân xưng ngôi 1 mà người chồng sử dụng là 189 lần/211 lần chiếm 89,5%, ngôi 2 là 51 lần/153 lần chiếm 33,3% tổng số phương tiện xưng hô; Tỷ lệ đại từ nhân xưng ngôi 1 mà người vợ sử dụng là 204 lần/226 lần chiếm 90,2%, ngôi 2 là 46 lần/185 lần chiếm 24.8% tổng số phương tiện xưng hô.   

Cả hai NVGT đều có quyền sử dụng đại từ nhân xưng “tôi”, “mình” trong xưng và hô, biểu thị sự thân mật, xóa nhòa khoảng cách vị thế. Nếu người vợ hoặc người chồng tự xưng bằng đại từ ngôi 1 “tao” thì khi hô phải lựa chọn các biểu thức ngôn ngữ kết hợp (bu nó, bu em, bu mày; thầy nó, thầy em, thầy mày). Vì sắc thái tiêu cực nên đại từ đối ứng “mày” không được dùng để hô, trừ những tình huống mâu thuẫn căng thẳng. Sự phân bố quyền lực trong tương tác vợ chồng là tương đối cân bằng. Đại từ nhân xưng được sử dụng giúp xóa nhòa chức năng định vị xã hội, gia tăng thêm các nét nghĩa chỉ sự thân mật. Có lẽ đó cũng là một đặc điểm của văn hóa Việt, tôn trọng sự hài hòa uyển chuyển trong lời ăn tiếng nói, nhất là hai thành viên vợ và chồng lại gắn kết với nhau theo quan hệ hôn nhân. 

2. Các danh từ thân tộc đánh dấu tương quan quyền

2.1.           Các danh từ thân tộc với tương quan quyền trong họ tộc

Trong tất cả các danh từ thân tộc, không có một từ nào cho bản thân (ego) trong mạng lưới họ tộc. Người xưng phải tùy vào tương quan quyền giữa mình và người hô mà quy chiếu bản thân. Chẳng hạn “con” (SP1) thích hợp với “bố, mẹ, u, mợ” (SP2); “cháu” (SP1) thích hợp với “ông”,“bà”, “cậu”, “mợ”,” dì” (SP2)…. Khi người dưới nói với người trên để đảm bảo phát ngôn có tính lễ phép, người nói dùng các danh từ thân tộc có nét nghĩa chỉ bậc dưới vai sau: em, con, cháu. Trường hợp người trên nói với người dưới, để tự xưng, thường dùng danh từ thân tộc chỉ bậc trên, vai trước: ông, bà, bố (thầy), mẹ (me, bu, u)…Như vậy, bản chất việc xưng hô bằng danh từ thân tộc đã đánh dấu trật tự thế hệ trong cấu trúc gia đình họ tộc. Các thành viên trong mạng lưới quan hệ thân tộc được liên kết lại trong một hệ thống có phân biệt thứ bậc tôn ti trên dưới một cách nghiêm ngặt. Chuẩn mực chung của xã hội người Việt về tôn ti xưng gọi giữa các thành viên trong gia đình mang tính chất ổn định, là biểu hiện của quyền lực tuyệt đối. Trong tương tác, các nhân vật giao tiếp mặc nhiên thừa nhận mối quan hệ phi đối xứng về thứ bậc này và sử dụng các danh từ thân tộc theo đúng vị trí của mình trên trục dọc quyền uy đó. Xét từ góc độ văn hóa xã hội, tôn trọng sự phân biệt trong hệ thống tôn ti gia đình, gia tộc cũng là một biểu hiện của yêu cầu giữ gìn trật tự xã hội.

Tương quan quyền giữa các thành viên có thể có những thay đổi nhất định do chiến thuật thay đổi điểm tham chiếu (referential perspective swiching) của NVGT. Xem xét ví dụ sau để thấy sự di động của điểm tham chiếu và sự biến động về mức độ quyền uy trong lời nói. Trong cùng một tình huống tương tác, người con có thể lựa chọn một trong các hình thức nhân xưng sau để nói với bố mình: 1- Sao bố không gọi con? 2- Sao ông không gọi con?; 3- Sao cụ không gọi con? Ở (1) người nói lấy điểm tham chiếu của con, còn (2), (3) người nói lấy điểm tham chiếu của cháu) để gọi người tiếp thoại. Lựa chọn hình thức ngôn ngữ này, không lựa chọn hình thức ngôn ngữ khác chính là chiến lược ngữ dụng của người nói. Với cách gọi ở câu (2), (3) người nói ngầm thông báo ý thức lớn hơn về vị thế, quyền lực của người nghe trong một đại gia đình đã có con, cháu, chắt…

Mức độ quyền lực tỉ lệ thuận với sự lựa chọn hình thức xưng hô để nâng đối tượng giao tiếp lên bậc cao hơn thứ bậc được quy định bởi khoảng cách tự nhiên giữa hai NVGT. Chiến lược thay đổi điểm tham chiếu này gắn với mục đích của người nói là điều chỉnh khoảng cách xã hội, nâng cao quyền uy, địa vị người nghe, và chủ đích này được thế hệ trên tiếp nhận một cách rõ ràng, tạo nên tương quan quyền lực tương đối trong từng tình huống giao tiếp cụ thể.

2.2.           Các danh từ thân tộc với tương quan quyền vợ chồng

Cấu trúc quyền lực được chia sẻ bởi hai thành viên gia đình này xác định được thông qua các hình thức xưng hô bằng từ thân tộc tương đối phức tạp. Trước hết, cũng như các danh từ thân tộc khác, hai từ “vợ” và “chồng” thuộc lớp từ vựng cơ bản xuất hiện từ sớm. Chúng tồn tại trong tương quan quyền lực đối ứng 1 – 1, giả định, phụ thuộc lẫn nhau. Trên thực tế, hai danh từ thân tộc này xuất hiện trong hệ thống với tư cách từ xưng hô với tần số rất thấp, phạm vi sử dụng hạn chế. NVGT chỉ dùng khi muốn xác lập tương quan quyền vì một mục đích ngữ dụng nào đó. Ví dụ khi người vợ nói “Cậu đừng cậy làm được ông Tham mà bắt nạt vợ là nhằm khẳng định vị thế bình đẳng của người vợ với với người chồng trong gia đình. Bên cạnh đó, trường hợp người chồng nói với người vợ “Là vợ mà chồng bảo không  nghe. Luân lý để ở đâu? Giáo dục để ở đâu?” thì anh ta đang muốn xác lập quyền uy tối thượng của người chồng và sự phục tùng tuyệt đối của người vợ theo quan niệm văn hóa Nho giáo “phu xướng phụ tùy”. Xét nghĩa vị cơ sở, hai từ này không đánh dấu về quyền lực, nhưng những ý nghĩa ngữ dụng chỉ quan hệ quyền lực đối xứng hoặc phi đối xứng đã hình thành trong lịch sử tư tưởng- văn hóa của người Việt. Lý do để hai cặp từ này không trở thành từ xưng hô phổ biến theo chúng tôi là do hai từ này có liên quan đến áp lực quyền lực- một vấn đề nhạy cảm, có thể gây nên những cảm xúc tiêu cực, làm tổn hại đến quan hệ giữa hai người vốn phải rất thân thiết, gắn bó, gần gũi cả đời.

Trong xưng hô gia đình, người chồng thường tự xưng “anh” và gọi vợ là “em”. Theo hướng này, người chồng và người vợ khớp ghép vào cấu trúc gia đình theo quan hệ ruột thịt, huyết thống. Cách xưng hô này một mặt chỉ ra tương quan quyền tương đối bình đẳng - “anh” và “em” thuộc cùng một thế hệ với ego; mặt khác cũng giả định một sự khác biệt vị thế giữa hai NVGT này - “anh” thuộc vai trước, “em” thuộc vai sau. Vị thế người chồng cao hơn người vợ, bất chấp quan hệ tuổi tác. Ngay cả khi người vợ nhiểu tuổi hơn thì cặp “em – chị” cũng không được sử dụng.

Khi trong các gia đình xuất hiện các thế hệ muộn hơn: con, cháu…, người chồng, người vợ thường quy chiếu theo địa vị của nhân vật thứ ba để xưng hô. Từ điểm nhìn của con, họ là “bố” (cậu), “mẹ” (u, bu,mợ, me) - thế hệ G +1; từ điểm nhìn của cháu, họ là “ông”, “bà” – thế hệ G+2…Trường hợp người nói thay đổi điểm tham chiếu gắn với sự  tôn trọng, vị nể vai thiên chức và vai trong gia đình của người chồng hoặc người vợ. Vị thế của  người phụ nữ đã thay đổi khi họ được “lên chức” làm bà, làm mẹ. Hình thức xưng hô này, cùng với cách xưng hô “anh- em” thể hiện xu hướng “thân tộc hóa”, “huyết thống hóa”, thắt chặt quan hệ gần gũi thân thiết giữa hai NVGT. Hai bình diện quyền uy và thân hữu trong quan hệ vợ chồng được lồng ghép một cách tinh tế trong cấu trúc gia đình.

Sự xưng hô này càng trở nên phức tạp hơn nhưng tế nhị, tình cảm hơn trong các kết hợp hai phương tiện xưng hô: từ thân tộc chỉ vai thiên chức + một từ xưng hô khác (đại từ nhân xưng, danh từ thân tộc). Ví dụ: thầy em, u em, thầy mày, bu mày, bố mày, mẹ mày, thầy nó, u nó…Quan hệ vị thế do các danh từ thân tộc đảm nhiệm, còn quan hệ thân hữu được tạo nên từ sắc thái thân mật, có phần suồng sã của đại từ (mày/ nó) hoặc sắc thái yêu thương, âu yếm (em). Lưu ý là trong kết hợp “thầy em”, “u em”, từ “em” là danh từ thân tộc đã bị hư hóa nét nghĩa cơ sở chỉ thứ bậc, chỉ còn nét nghĩa bổ sung chỉ tình cảm.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, cách xưng hô được ưa chuộng trong các gia đình trí thức ảnh hưởng Tây học, hoặc các gia đình sống ở thành thị là cặp danh từ thân tộc “cậu- mợ”. Hai từ thân tộc này mang nét nghĩa đồng nhất là chỉ thể hệ trên ego một bậc, cùng thuộc họ đằng ngoại. Hiện tượng rất đáng lưu ý, và theo chúng tôi có thể tiết lộ những mã tư tưởng - văn hóa nhất định. Trước hết, cặp xưng hô này đánh dấu quan hệ quyền lực tương đối bình đẳng giữa vợ và chồng, cùng được nâng lên một bậc so với thế hệ ego nên “bằng vai phải lứa”. Mặt khác, cấu trúc quyền lực này đánh dấu sự khác biệt vị thế, trong đó quyền lực được ưu tiên lại dành cho người phụ nữ chứ không phải dành cho người đàn ông, cụ thể là cả hai danh từ thân tộc “cậu”, “mợ” đều chỉ người thuộc họ đằng ngoại. Điều này có vẻ gây mâu thuẫn, bởi lẽ văn hóa gia đình Việt vốn trọng đằng nội hơn đằng ngoại, trọng nam hơn nữ. Vậy tại sao người Việt không mượn cặp danh từ thân tộc đối ứng “chú- thím” mà lại mượn “cậu- mợ” ? Rất có thể cách xưng hô này gắn với những biến động về hệ tư tưởng trong xã hội đương thời. Lúc này, nền văn hóa Việt Nam có sự giao lưu, tiếp biến với văn hóa phương Tây, đặc biệt là hệ tư tưởng dân chủ của Pháp. Quan niệm phụ nữ bình quyền với nam giới, ít nhất ở phương diện lý thuyết, đã ít nhiều được xã hội thừa nhận. Phụ nữ hồi đầu thế kỷ được khuyến khích học tập để trở thành những người phụ nữ  thành đạt trong xã hội. Trong xu thế tôn vinh vai trò người phụ nữ, cặp xưng hô “cậu- mợ” trở thành một từ xưng hô lâm thời, mang tính chất của một thứ “mốt” thời thượng cho các cặp vợ chồng trí thức, thị dân đương thời.

3. Kết hợp đại từ nhân xưng và danh từ thân tộc biểu thị tương quan quyền

Trên đây, chúng tôi đã xem xét các phương tiện xưng hô trong cùng lớp từ. Hai phương tiện xưng hô này khi đi vào thực tiễn giao tiếp có khả năng kết hợp để tạo thành các cặp xưng- hô đối ứng, dựa trên nền tảng những cấu trúc quyền lực khác nhau. Mỗi đại từ nhân xưng gốc (gồm có: tôi, tao (ngôi 1); mày (ngôi 2) ) có phạm vi và khả năng kết hợp với danh từ thân tộc riêng.

3.1. Đại từ “tôi” kết hợp danh từ thân tộc

Đại từ nhân xưng “tôi” do sắc thái biểu cảm trung tính nên có khả năng kết hợp đối ứng với tất cả các danh từ thân tộc, tạo nên những tương quan quyền lực khác nhau, gắn với những mức độ thân mật khác nhau. Khả năng đó được khái quát như sau:

Xưng

Tương quan P

Mức độ S

Cấu trúc quyền lực

Tôi

Em

-

-

SP1 là người cùng thế hệ với SP2, vai trước; không thân mật

Anh, chị

=

-

SP1 ngang vai SP2, không thân mật (Vợ chồng trong các tình huống căng thẳng)

+

+/ -

SP1 là bậc trên (bà, bố, mẹ…) so với SP2, thái độ tôn trọng lịch sự, không thân mật

-

-

SP1 người cùng thế hệ SP2, vai sau; không thân mật (SP1 là em, xưng hô với SP2 là anh, chị)

Bố, mẹ (thầy, u, bu)

-

+/ -

SP1 là bậc dưới so với SP2; gần gũi về quan hệ huyết thống nhưng không thân mật về tình cảm

Cậu, mợ

=

+/-

SP1 ngang vai SP2, thân mật (vợ chồng)

+

-

SP1 là bậc trên so với SP2, không thân mật (SP1 là bậc anh chị gọi thay vai con)

-

-

SP1 là bậc dưới (cháu) so với SP2, không thân mật

Chú, bác, cô, dì, thím

+

+/ -

SP1 là bậc trên so với SP2, không thân mật (SP1 là bậc anh chị gọi thay vai con)

-

-

SP1 là bậc dưới (cháu) so với SP2, không thân mật

Ông, bà, cụ

-

+/ -

SP1 ngang hàng SP2, thân mật hoặc không thân mật (vợ chồng già)

-

-

SP1 là bậc dưới so với SP2, không thân mật (SP1 là bậc con, cháu, khi giận dữ có thể xưng hô nhằm nhấn mạnh sự xa cách về tình cảm)

Chú thích: +: Khoảng cách quyền lực cao; = : Khoảng cách quyền lực ngang bằng; - : Khoảng cách quyền lực thấp; P(viết tắt từ tiếng Anh “power”): Quyền lực; S (viết tắt từ tiếng Anh “solidarity”): Thân mật

 

Nhìn vào cấu trúc quyền lực trên, ta thấy đại từ nhân xưng “tôi” xuất hiện trong những tương quan quyền lực với cả ba vị thế: (i) Người nói là người bậc trên, không thân mật, thái độ lịch sự; (ii) Người nói là người bậc dưới, không thân mật, thái độ lịch sự, (iii) Người nói là người ngang hàng, không thân mật, thái độ lịch sự.

3.2. Đại từ nhân xưng “tao” kết hợp danh từ thân tộc

Cùng chỉ ngôi thứ 1 có đại từ nhân xưng “tao”. Song, “tao” không bao giờ kết hợp với danh từ thân tộc độc lập, mà luôn đi kèm các biểu thức ngôn ngữ xưng hô kết hợp ít nhất hai yếu tố: một yếu tố là danh từ thân tộc nâng bậc và một yếu tố là đại từ nhân xưng hoặc danh từ thân tộc thay vai. Ví dụ: thầy em, bu em, thầy mày, bu mày, thầy nó, bu nó…Khả năng kết hợp với yếu tố ngôn ngữ đối ứng của “tao” đã cho thấy “tao” là một biểu thức xưng hô bản thân nó đã có tính đa trị, mơ hồ về vị thế. Thực chất trong các đối ứng đó, “tao” mang nhiều hơn một giá trị vị thế: vị thế SP1 ngang bằng với SP2 và vị thế SP1 cao hơn người thứ ba (con, cháu) được SP1 gọi thay vai. Xét một cách khái quát, “tao” chỉ dành cho hai vị thế trong cấu trúc quyền lực: (i) Người nói là người bậc trên, thân mật; (ii) Người nói là người ngang hàng, thân mật.

3.3. Đại từ nhân xưng “mày” kết hợp danh từ thân tộc

Đại từ nhân xưng, ngôi 2 “mày” bên cạnh khả năng kết hợp với đại từ nhân xưng, ngôi 1 “tao” tạo thành cặp đại từ đối ứng xưng hô “cổ xưa” nhất, thì chỉ có khả năng kết hợp vơi các danh từ thân tộc mang nét nghĩa cơ sở chỉ bậc trên, vai trước. Khi đó SP1 tự xưng: anh, chị, bố, mẹ, bà, cậu…Khoảng cách vị thế xã hội, tương quan quyền lực cao và mức độ thân mật cũng cao.

Nhìn chung, mỗi phương tiện xưng hô đều tiềm tàng những giá trị vị thế khác nhau. Những giá trị ấy được hiện thực hóa thông qua các kết hợp đối ứng xưng và hô. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng không thể giải thích những yếu tố đánh dấu quyền lực trong hiện tượng ngôn ngữ xưng hô nếu tách khỏi ngữ cảnh văn hóa - xã hội Việt Nam dưới ảnh hưởng của Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo trong nhiều thế kỷ. Nho giáo- học thuyết chính trị, tôn giáo ảnh hưởng mạnh mẽ nhất- đã trở thành nền tảng tư tưởng chính trị cho những triều đại phong kiến thịnh trị; tiếp tục tác động mạnh mẽ trong quá trình giao lưu, tiếp biến với văn hoá phương Tây  thời Pháp thuộc. Nho giáo cung cấp những mã đạo đức cho cách ứng xử của người Việt. Trong đó, gia đình được coi là nhân tố xã hội cơ bản và sử dụng cấu trúc của gia đình như là hình mẫu tối giản để xây dựng xã hội lý tưởng. Mỗi gia đình là một thiết chế có lệ luật, có tôn ti trật tự, giống như một thiết chế xã hội thu nhỏ. Sang đến giai đoạn 1930 -1945, khi làn sóng tư tưởng dân chủ phương Tây xâm nhập vào Việt Nam, cấu trúc đó có chịu những tác động nhất định (xem những phân tích về cặp xưng hô “cậu- mợ” ở 2.2) nhưng vẫn tương đối bền vững. Nghiên cứu dấu ấn của tương quan quyền lực trong giao tiếp gia đình giúp chúng ta đưa ra những giá trị ngôn ngữ- văn hóa làm nền tảng cho các hoạt động xã hội tồn tại trong lịch sử và kéo dài đến ngày nay.

Nhìn chung, sự lựa chọn những phương tiện xưng hô trong giao tiếp phạm vi gia đình người Việt đánh dấu sự hòa quyện khó tách bạch của yếu tố quyền uy và thân hữu, thậm chí tương quan quyền cũng có “hai mặt” vừa bình đẳng vừa có những khác biệt nhất định về vị thế. Tương quan bình đẳng có thể gắn với tâm lý trọng tình nghĩa, coi trọng vai trò phụ nữ trong văn hóa bản địa; ảnh hưởng tư tưởng bác ái của Phật giáo; đồng thời có cả ảnh hưởng của tư tưởng bình quyền của phương Tây du nhập vào sau này. Còn sự khác biệt vị thế có thể gắn với chế độ phụ quyền lâu đời dưới ảnh hưởng Nho giáo.

Ngôn ngữ Việt cung cấp những phương tiện hiệu quả để chuyển tải những tương quan quyền lực rất phức tạp đó. Sự đảm bảo và thích ứng trước áp lực của mối quan hệ bất bình đẳng về quyền lực thực chất là những cách thức sử dụng phương tiện ngôn ngữ nhằm tránh mâu thuẫn xã hội, điều hòa mối quan hệ liên cá nhân từ phạm vi trong gia đình đến ngoài xã hội. Việc lượng hóa yếu tố quyền lực trong ngôn ngữ theo các thang độ đánh giá đòi hỏi có thêm sự khảo sát và phân tích kỹ lưỡng, chúng tôi sẽ tiếp tục trong những nghiên cứu sau. 

SP1: Người nói thứ nhất; SP2: Người nói thứ hai; NVGT: Nhân vật giao tiếp

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Nguyễn Văn Chiến, Tiến tới xác lập vốn từ vựng văn hóa Việt (nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa), NXB Khoa học xã hội, H, 2004

2.    Fairclough N., Language and Power, Edinburgh: Pearson Education Limited, 2001.

3.    Hoạt, N.Đ, Politeness in Vietnamese Request, Ph,D Dissertation, Monash University, Melbourne, May, 1995.

4.    Nguyễn Hòa, Khía cạnh văn hóa của phân tích diễn ngôn, Ngôn ngữ.- 2005.- Số 12.- Tr.16-25.

5.    Hofstede G. H, Cultures and organizations: Software of the mind, New York : McGraw-Hill , 1991.

6.    Lương Văn Hy (chủ biên,. Ngôn từ, giới và nhóm xã hội từ thực tiễn tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, H, 2000.

7.    Nguyễn Văn Khang, Ngôn ngữ học xã hội- những vấn đề cơ bản, NXB Khoa học xã hội, H, 1999.

8.    Phan Huy Lê (chủ biên), Các nhà Việt Nam học nước ngoài viết về Việt Nam (2 tập), NXB Thế giới, H, 2002.

9.    Dương Thị Nụ, Một số khác biệt cơ bản về nghĩa của từ thân tộc trong tiếng Anh và tiếng Việt nhìn từ góc độ văn hóa, Ngôn ngữ.- 2004.- Số 10.- Tr.34-40.

10.     Trần Ngọc Thêm,  Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (cái nhìn hệ thống- loại hình), NXB Tp HCM, 1997.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020