Ngôn ngữ

XÂY DỰNG BÀI TẬP ĐỂ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC NỘI DUNG THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT TRONG SÁCH GIÁO KHOA MÔN NGỮ VĂN


01-04-2024

Phan Thị Hồng Xuân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 136 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.

Ngày nhận bài 23/4/2023; Ngày nhận bài đã chỉnh sửa 14/5/2023; Ngày duyệt đăng 15/9/2023.

TÓM TẮT: Thực hành tiếng Việt là một trong những nội dung dạy học trong môn Ngữ văn hiện nay. Giống như các nội dung đọc, viết, nói và nghe, dạy học Thực hành tiếng Việt cũng được tổ chức thông qua các hoạt động dạy học. Để tổ chức tốt các hoạt động này, rất cần một phương tiện, đó là bài tập. Giờ học Thực hành tiếng Việt nói riêng và Ngữ văn nói chung có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống bài tập. Tuy nhiên, việc xây dựng bài tập để tổ chức tốt hoạt động dạy học phụ thuộc vào nhiều yếu tố và là một thách thức đối với nhiều giáo viên. Bài viết nghiên cứu quan niệm, vai trò, yêu cầu, quy trình xây dựng bài tập trong dạy học nội dung Thực hành tiếng Việt nhằm giúp giáo viên nâng cao kĩ năng xây dựng bài tập để tổ chức hiệu quả hoạt động dạy học nội dung này.

TỪ KHÓA: Bài tập, vai trò của bài tập, yêu cầu, quy trình xây dựng bài tập, hoạt động dạy học.

1. Đặt vấn đề

Thực hành tiếng Việt là một trong những nội dung dạy học trong môn Ngữ văn hiện nay. Theo quy định của Công văn 5512 /BGDĐT-GDTrH ban hành ngày 18 tháng 12 năm 2020, các môn học đều phải dạy học thông qua các hoạt động mở đầu, hình thành kiến thức mới, luyện tập, vận dụng. Giống như các nội dung đọc, viết, nói, nghe, dạy học Thực hành tiếng Việt cũng được tổ chức thông qua các hoạt động dạy học. Để tổ chức tốt các hoạt động này rất cần một phương tiện, đó là bài tập. Giờ học Thực hành tiếng Việt nói riêng và Ngữ văn nói chung có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống bài tập. Tuy nhiên, xây dựng bài tập để tổ chức tốt hoạt động dạy học phụ thuộc vào nhiều yếu tố và là một thách thức đối với nhiều giáo viên. Bài viết nghiên cứu quan niệm, vai trò, yêu cầu, quy trình xây dựng bài tập trong dạy học nội dung Thực hành tiếng Việt nhằm giúp giáo viên nâng cao kĩ năng xây dựng bài tập để tổ chức hiệu quả hoạt động này.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Một số vấn đề về bài tập

2.1.1. Quan niệm về bài tập

Theo Từ điển Oxford: Bài tập là một tập hợp các câu hỏi trong sách để kiểm tra kiến thức hoặc thực hành kĩ năng của bạn. Trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên, bài tập có nghĩa là: “Bài ra cho học sinh làm để tập vận dụng những điều đã học. Thí dụ, làm bài tập đại số, ra bài tập về nhà” [1]. Còn theo tác giả Thái Duy Tuyên, bài tập là: “Một hệ thông tin xác định bao gồm những điều kiện và những yêu cầu được đưa ra trong quá trình dạy học, đòi hỏi người học một lời giải đáp, mà lời giải đáp này về toàn bộ hoặc từng phần không ở trạng thái có sẵn của người giải tại thời điểm mà bài tập được đặt ra” [2].

Từ những nghiên cứu trên, chúng tôi đưa ra quan niệm về bài tập trong dạy học Ngữ văn như sau: Bài tập trong dạy học Ngữ văn là một hệ thông tin xác định bao gồm những điều kiện và yêu cầu được đưa ra trong quá trình dạy học Ngữ văn, đòi hỏi người học một lời giải đáp. Lời giải đáp này về toàn bộ hoặc từng phần không ở trạng thái có sẵn của người giải tại thời điểm mà bài tập được đặt ra nhằm đạt được mục tiêu dạy học.

2.1.2. Vai trò của bài tập trong dạy học

Bài tập là một yếu tố quan trọng của quá trình dạy học. Có thể nói, quá trình dạy học là quá trình giải một hệ thống bài tập đa dạng [2]. Một giờ học có hiệu quả, có nâng cao được tính tích cực, chủ động, sáng tạo, có góp phần phát triển được phẩm chất và năng lực của học sinh hay không phụ thuộc rất lớn vào hệ thống bài tập được biên soạn và sử dụng tốt hay không. Hiện nay, theo quan điểm dạy học tiến bộ, hướng vào học sinh, coi học sinh là trung tâm, quá trình dạy học càng cần tới các bài tập.

Với giáo viên: Bài tập là phương tiện không thể thiếu giúp giáo viên tổ chức tiến trình dạy học, qua đó trang bị kiến thức, hình thành kĩ năng, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Hiện nay, bài tập là phương tiện tốt nhất và không thể thay thế để giáo viên tổ chức các hoạt động học cho học sinh, bao gồm hoạt động: khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập, vận dụng. 

Với học sinh:

- Bài tập giúp học sinh hình thành, củng cố kiến thức, kĩ năng, phát triển phẩm chất và năng lực. Hiện nay, để trang bị kiến thức cho học sinh, giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện nhiệm vụ như quan sát, phân tích, tổng hợp về một ngữ liệu, trả lời các câu hỏi và tự rút ra kết luận về kiến thức đó. Qua quá trình giải bài tập, học sinh được trang bị kiến thức mới. Khi giải bài tập, học sinh phải hiểu, nhớ, vận dụng tốt kiến thức và kinh nghiệm của mình để giải quyết thành công các nhiệm vụ đặt ra. Từ đó, kiến thức, kĩ năng hình thành qua bài học được củng cố bền vững hơn, đồng thời giúp các em triển phẩm chất và năng lực.

- Bài tập giúp học sinh phát triển trí tuệ. Phát triển trí tuệ được hiểu là việc nâng cao chất lượng của hoạt động trí tuệ. Có nhiều cách để phát triển trí tuệ, trong đó, rèn luyện với các vấn đề cần tập trung suy nghĩ, huy động tri thức, kinh nghiệm để giải quyết vấn đề đặt ra là một cách. Trong học tập, việc cho học sinh giải bài tập là một cách rèn luyện nhằm phát triển trí tuệ. Khi giải bài tập, học sinh cần xem xét tìm hiểu các điều kiện, vận động các thao tác tư duy như quan sát, phân tích, so sánh, tổng hợp, suy luận, phán đoán, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm để tìm câu trả lời, qua đó các thao tác tư duy của các em được phát triển. Giải bài tập cần suy nghĩ logic, mạch lạc, kiên trì, bền bỉ. Đồng thời, đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức linh hoạt, nhuần nhuyễn làm tư duy của các em mềm dẻo, từ đó góp phần bồi dưỡng phẩm chất tư duy cho học sinh. Một điều nữa cũng cần thấy là bộ óc con người khi vận động thì sẽ phát triển, làm cho con người thông minh hơn. Ăng-ghen đã nói: Sự phát triển của trí tuệ con người không tách rời khỏi sự vận động của bộ não. Hơn nữa, bài tập giúp các em mở rộng kiến thức, trong khi kiến thức là chất liệu của hoạt động trí tuệ [2]. Đây cũng là một lí do để khẳng định: giải bài tập giúp học sinh phát triển trí tuệ.

- Bài tập là một phương tiện giáo dục tốt đối với học sinh. Giải bài tập khiến học sinh luôn phải đối mặt với các thách thức, đòi hỏi các em tính kiên trì, tỉ mỉ, gắng sức, vuợt khó. Giải bài tập cũng đòi hỏi sự trung thực, tự giác hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời gian cho phép, đồng thời đòi hỏi các em có trách nhiệm với kết quả công việc. Nếu làm việc nhóm, để hoàn thành bài tập thì các em cần đoàn kết, giúp đỡ chia sẻ trách nhiệm và kết quả với các thành viên khác. Khi bài tập có kết quả, học sinh tự tin vào khả năng của bản thân, tự tin vào khoa học và dần đam mê, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu. Bài tập giúp học sinh yêu tiếng Việt, yêu các tác phẩm văn học nghệ thuật, các áng văn nghị luận... của dân tộc. Như vậy, bài tập giúp các em hình thành các phẩm chất tốt đẹp. Đây chính là điều kiện để thích nghi và thành công trong cuộc sống.

2.1.3. Yêu cầu đối với một bài tập trong dạy học Thực hành tiếng Việt

Bài tập dạy học Thực hành tiếng Việt cũng như bài tập trong dạy học các nội dung khác cần tuân thủ một số yêu cầu cơ bản, như sau:

- Bài tập phải giúp việc dạy học thực hiện được mục tiêu giáo dục, yêu cầu cần đạt của bài học.

- Bài tập phải đảm bảo tính khoa học: phải dựa trên cơ ngôn ngữ học, văn học, logic học, tâm lí, giáo dục học.

- Bài tập phải thú vị: Sự thú vị trước hết đòi hỏi ngữ liệu phải hay, sau đó yêu cầu của bài tập đòi hỏi phải huy động kiến thức rộng, sâu. Đồng thời, qua giải bài tập sẽ bộc lộ bản chất, những nét độc đáo, đặc thù, những điều ẩn giấu của kiến thức, giúp học sinh có kĩ năng thuần thục và hình thành các năng lực và phẩm chất cho học sinh.

- Hệ thống bài tập phải đa dạng để phục vụ các yêu cầu của các hoạt động dạy học. Bài tập được xây dựng để tổ chức các hoạt động học nào phải phù hợp với hoạt động đó về mục tiêu, nội dung, sản phẩm và cách thức tổ chức thực hiện hoạt động.

2.2. Xây dựng bài tập để tổ chức hoạt động dạy học phần Thực hành tiếng Việt

2.2.1. Hoạt động dạy học theo Công văn 5512

Theo Công văn 5512, tiến trình dạy học gồm bốn hoạt động: Hoạt động 1: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/ mở đầu; Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới/ giải quyết vấn đề/ thực thi nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1; Hoạt động 3: Luyện tập; Hoạt động 4: Vận dụng. Mỗi hoạt động gồm các nội dụng sau: Mục tiêu, nội dung, sản phẩm, tổ chức thực hiện.

2.2.2. Quy trình xây dựng bài tập trong dạy học Thực hành tiếng Việt

Bài tập cần được xây dựng theo quy trình khoa học, bao gồm các bước sau:

Bước 1: Tìm hiểu chương trình, sách giáo khoa để hiểu rõ những nội dung Thực hành tiếng Việt và những nội dung liên quan từ đó xác định cơ sở xây dựng bài tập cho các hoạt động.

Bước 2: Xác định vị trí, mục đích của bài tập. Bài tập được sử dụng trong hoạt động học nào; hoạt động này có mục tiêu, nội dung, sản phẩm cần đạt và cách thức tổ chức thực hiện như thế nào để từ đó xác định mục đích, số lượng, kiểu bài tập sẽ xây dựng.

Bước 3: Xây dựng bài tập phù hợp với vị trí, mục đích và các yêu cầu cần một bài tập trong dạy học Thực hành tiếng Việt.

Bước 4. Phân tích, chỉnh sửa và hoàn thiện bài tập.

2.2.3. Minh hoạ việc xây dựng hệ thống bài tập để tổ chức dạy học Thực hành tiếng Việt trong môn Ngữ văn

Hệ thống bài tập để dạy học Thực hành tiếng Việt nội dung: “Từ đơn và từ phức (từ ghép, từ láy)” thuộc chủ đề “Truyện (truyền thuyết và cổ tích)” (Ngữ văn 6, Tập 1, bộ Cánh Diều) có thể được xây dựng như sau:

Tìm hiểu và phân tích nội dung dạy học phần Thực hành tiếng Việt trong chương trình, sách giáo khoa.

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn [3], phần Kiến thức tiếng Việt ở lớp 6 quy định dạy Từ đơn và từ phức, từ ghép và từ láy. Sách giáo khoa lớp 6 của các bộ sách (trong đó có bộ Cánh Diều), đã hiện thực hoá quy định này trong nội dung Thực hành tiếng Việt ở một chủ đề.

Phần Thực hành tiếng Việt nội dung: “Từ đơn và từ phức (từ ghép, từ láy)” thuộc chủ đề “Truyện (truyền thuyết và cổ tích)” (Ngữ văn 6, Tập 1, bộ Cánh Diều) được trình bày ở ba mục:

Thứ nhất: Yêu cầu cần đạt. Mục này trình bày yêu cầu sau: Sử dụng được từ đơn và các loại từ phức (từ ghép, từ láy) trong hoạt động đọc, viết, nói và nghe.

Thứ hai: Kiến thức ngữ văn. Mục này trình bày các khái niệm từ đơn, từ phức, từ ghép, từ láy và phân biệt từ láy với những từ ghép ngẫu nhiên có sự trùng lặp về ngữ âm giữa các tiếng tạo thành.

Thứ ba: Thực hành tiếng Việt. Mục này gồm 5 bài tập. Bài tập 1 giúp học sinh hiểu rõ khái niệm từ đơn, từ láy, từ ghép đã được trang bị ở phần Kiến thức ngữ văn của bài này. Bài tập 2 giúp học sinh hiểu: Có loại từ ghép được tạo thành do ghép các yếu tố gần nhau hoặc giống nhau, có loại được tạo thành do ghép các yếu tố có nghĩa trái ngược nhau. Từ đó, các em có thể tạo ra từ ghép theo cách như bài tập gợi ý. Bài tập 3 giúp học sinh hiểu: Từ ghép có loại được cấu tạo từ yếu tố chỉ loại lớn đứng trước và yếu tố sau làm rõ nghĩa cho đứng trước. Từ đó, các em có thể tạo ra từ ghép theo cách như bài tập gợi ý. Bài tập 4 giúp học sinh hiểu: Từ láy có loại gợi tả dáng vẻ, trạng thái của sự vật, có loại gợi tả âm thanh. Từ đó, các em có thể tạo ra các từ láy tả dáng vẻ, trạng thái của sự vật và âm thanh theo cách bài tập gợi ý. Đây chính là những kiến thức và kĩ năng sơ giản của các em về các loại từ ghép từ láy. Các bài tập trên được sử dụng trong hoạt động luyện tập.

Từ sự phân tích trên đây, có thể dự kiến: Cần phải xây dựng bài tập cho hoạt động mở đầu, hoạt động hình thành kiến thức mới, hoạt động vận dụng. Còn hoạt động luyện tập có thể sử dụng các bài tập trong sách giáo khoa.

Xây dựng bài tập cho hoạt động Mở đầu:

- Mục tiêu: Giúp học sinh xác định được nhiệm vụ cần giải quyết trong bài học: Hiểu được từ đơn, từ phức, từ ghép, từ láy; sử dụng được từ đơn và các loại từ phức (từ ghép, từ láy) trong hoạt động đọc, viết, nói, nghe.

- Nội dung: Giáo viên giao cho học sinh hoàn thành một bài tập giúp học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc có kiến thức về từ đơn, từ phức, từ ghép, từ láy và việc sử dụng các kiểu từ này trong hoạt động đọc, viết, nói, nghe.

- Sản phẩm cần đạt: Sản phẩm thể hiện được một tri thức, trải nghiệm nền liên quan tới vấn đề nhận diện ranh giới giữa các từ của học sinh, sự hứng thú, tích cực, chủ động, mong muốn hiểu rõ và sử dụng từ đơn và các loại từ phức (từ ghép, từ láy) trong giao tiếp của học sinh.

- Tổ chức thực hiện: Giáo viên giao cho học sinh làm bài tâp. Học sinh trình bày kết quả, giáo viên nhận xét và kết nối với bài mới để học sinh xác định nhiệm vụ cần giải quyết trong bài học…

Dựa trên nội dung trình bày trong sách giáo khoa và các nội dung của hoạt động hình thành kiến thức mới có thể xây dựng bài tập cho hoạt động này như sau:

Em hiểu nghĩa của câu “Hổ mang bò vào rừng” như thế nào? Vì sao em lại hiểu như vậy?

Mục đích của bài tập này là giúp học sinh bộc lộ trải nghiệm phân biệt ranh giới giữa từ ghép và cụm từ. Có em coi “Hổ mang” là từ ghép chỉ loài rắn hổ mang thì hiểu nghĩa của câu này là: con rắn hổ mang đang bò vào rừng. Có em coi “Hổ” là một từ,” mang” là một từ thì hiểu nghĩa câu này là: con hổ mang con bò vào rừng. Có em hiểu theo cả hai cách tùy theo cách hiểu tập hợp “Hổ mang” như thế nào. Từ đó, giáo viên nhận xét cách hiểu và giải thích của học sinh để rút ra kết luận: Muốn hiểu đúng nghĩa câu trên cần hiểu thế nào là từ đơn, từ phức, từ ghép, từ láy và phải căn cứ vào ngữ cảnh. Qua trải nghiệm này, học sinh nhận thấy tầm quan trọng của việc hiểu thế nào là từ đơn, từ phức, từ ghép, từ láy và sử dụng các kiểu từ này như thế nào trong đọc, viết, nói và nghe, từ đó có nhu cầu và tích cực chủ động khám phá bài học.

Xây dựng bài tập cho hoạt động Hình thành kiến thức mới:

- Mục tiêu: Học sinh hình thành được khái niệm từ đơn, từ phức, từ ghép, từ láy. Học sinh hiểu được sự khác nhau giữa từ ghép, từ láy.

- Nội dung: Học sinh đọc sách giáo khoa tìm hiểu khái niệm từ đơn, từ phức, từ ghép, từ láy; sự khác nhau giữa từ ghép, từ láy và hoàn thành phiếu học tập được giao.

- Sản phẩm cần đạt: Học sinh trình bày được khái niệm từ đơn, từ phức, từ ghép, từ láy; sự khác nhau giữa từ ghép, từ láy theo gợi dẫn của phiếu học tập được giao.

- Tổ chức thực hiện: Giáo viên phát phiếu học tập cho học sinh. Sau khi tìm hiểu mục Kiến thức Ngữ văn, học sinh hoàn thành phiếu học tập. Hình thức làm việc cá nhân. Dựa trên nội dung trình bày trong sách giáo và các nội dung của hoạt động hình thành kiến thức mới có thể xây dựng bài tập cho hoạt động này như sau:

Không có mô tả.

Đáp án của các bài tập trong phiếu học tập trên là:

1. Các từ được ẩn giấu gồm: (1) từ đơn – ô b3-b7; (2) từ phức – ô b3-h3; (3) từ ghép – ô g2-g7; (4) từ láy – ô k5-k9.

2. Điểm giống nhau giữa từ ghép và từ láy: Đều là từ phức (do hai hay nhiều tiếng tạo thành). Điểm khác nhau giữa từ ghép và từ láy: Các tiếng trong từ ghép có quan hệ về nghĩa với nhau. Các tiếng trong từ láy có âm đầu và vần (hoặc cả âm đầu và vần) giống nhau.

3. Học sinh lấy ví dụ và điền cột từ láy như: xinh xắn, tươi tắn, đầy đặn, lững thững...; điền vào cột từ ghép ngẫu nhiên có sự trùng lặp về ngữ âm giữa các tiếng tạo thành như: mặt mũi, tươi tốt, thúng mủng, đền đài.... Điều quan trọng là phải đúng loại cần điền.

Xây dựng bài tập cho hoạt động Luyện tập:

- Mục tiêu: Giúp học sinh củng cố, khắc sâu kiến thức về từ đơn và các loại từ phức (từ ghép, từ láy) mở rộng kiến thức về các từ ghép (từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ), từ láy (láy đôi, láy ba, láy tư; láy toàn bộ và láy bộ phận), chuyển hoá kiến thức thành kĩ năng sử dụng từ đơn, từ phức, từ ghép, từ láy trong các hoạt động đọc, viết, nói và nghe.

- Nội dung: Giáo viên giao cho học sinh làm các bài tập thực hành về từ đơn, từ phức (từ ghép, từ láy) trong phần Thực hành tiếng Việt.

- Sản phẩm: Là lời giải các bài tập nói trên.

- Tổ chức thực hiện: Giáo viên giao bài tập cho học sinh làm, sau đó trao đổi, đánh giá theo cặp và một số học sinh báo cáo kết quả trên lớp. Dựa trên nội dung trình bày trong sách giáo khoa và nội dung hoạt động luyện tập, có thể xây dựng bài tập cho hoạt động này như sau: Đọc bài tập trong sách giáo khoa và hoàn thành các bảng trống theo mẫu dưới đây: 

Không có mô tả.

Không có mô tả.

Giáo viên yêu cầu học sinh thực hiện bài tập 3 và bài tập 4 ở trang 24 và trang 25 trong sách giáo khoa.

Giáo viên cũng có thể thiết kế thêm bài tập về các kiểu cấu tạo láy: có âm đầu giống nhau, có vần giống nhau (láy bộ phận: láy âm, láy vần) hoặc có cả âm đầu và vần giống nhau (láy toàn bộ). Ví dụ:

Bài 5: Cho các từ láy sau: xa xa, xinh xinh, sạch sẽ, long lanh, bối rối, lúng túng.

Về cấu tạo, các từ láy trên có thể chia thành mấy loại? Các từ láy này giống và khác nhau như thế nào? Với mỗi loại lấy thêm 2 ví dụ.

Đáp án của các bài tập trên là:

Bài 1: Từ đơn: a) vừa, về, tâu, vua

b) từ, ngày, bị

Từ ghép: a) sứ giả, kinh ngạc, mừng rỡ

b) công chúa, mất tích, nhà vua, vô cùng

Từ láy: a) vội vàng, đau đớn

Bài 2: Ghép các yếu tố có nghĩa gần nhau hoặc giống nhau: làng xóm, tìm kiếm, bờ cõi, tài giỏi, non yếu, hiền lành, trốn tránh, giẫm đạp.

Ghép các yếu tố có nghĩa trái ngược nhau: ngày đêm, trước sau, trên dưới, đầu đuôi, được thua.

Bài 3: Yếu tố đứng sau trong mỗi từ ghép đã cho thể hiện sự khác nhau giữa các món ăn được gọi là bánh. Các yếu tố này được xếp vào các nhóm thích hợp như sau:

a) Chất liệu để làm món ăn: bánh nếp, bánh tẻ, bánh khoai, bánh khúc, bánh đậu xanh, bánh cốm, bánh tôm.

b) Chỉ cách chế biến món ăn: bánh rán, bánh nướng.

c) Chỉ tính chất của món ăn: bánh dẻo, bánh xốp.

d) Chỉ hình dáng của món ăn: bánh gối, bánh tai voi, bánh bèo.

Bài 4: Xếp các từ láy vào nhóm thích hợp:

a) Gợi dáng vẻ, trạng thái của sự vật: lủi thủi, rười rượi, rón rén.

b) Gợi tả âm thanh: véo von.

Bài 5: Về cấu tạo, các từ láy trên chia thành 2 loại:

Loại 1 là các từ láy do hai tiếng có âm đầu hoặc vần giống nhau tạo thành: sạch sẽ, long lanh, bối rối, lúng túng.

Loại 2 là các từ láy do hai tiếng có cả âm đầu và vần giống nhau tạo thành: xa xa, xinh xinh.

Thêm ví dụ: Loại 1: nhẹ nhàng, bối rối

Loại 2: người người, nhà nhà

Xây dựng bài tập cho hoạt động Vận dụng:

- Mục tiêu: Giúp học sinh phát triển năng lực sử dụng từ đơn và các loại từ phức (từ ghép, từ láy) thông qua nhiệm vụ vận dụng kiến thức, kĩ năng về kiểu từ này để giải quyết thành công các vấn đề giao tiếp trong học tập và cuộc sống.

- Nội dung: Học sinh thực hiện các bài tập do giáo viên thiết kế.

- Sản phẩm: Là lời giải các bài tập.

- Tổ chức thực hiện: Học sinh thực hiện nhiệm vụ ngoài giờ học trên lớp sau đó nộp kết quả để giáo viên đánh giá. Dựa trên nội dung trình bày trong sách giáo khoa và nội dung hoạt động vận dụng có thể xây dựng bài tập cho hoạt động này như sau:

Bài 1: Mỗi ô trong bảng dưới đây là một kiểu từ phân chia theo cấu tạo.

a. Hãy điền mỗi từ trong số các từ: mờ, mờ ảo, mập mờ, lờ mờ, mập mà mập mờ, lờ tờ mờ, mờ mờ vào từng ô chứa kiểu từ phù hợp.

b. Hãy tìm 7 từ có chứa tiếng “nhỏ” thuộc 7 kiểu cấu tạo khác nhau và điền vào ô tương ứng:

Không có mô tả.

Bài 2: Tổ chức trò chơi Ai nhanh hơn: Các nhóm trong lớp tham gia cuộc đua và thi xem nhóm nào xong trước.

Điền mỗi từ phức chỉ màu trắng đã cho dưới đây vào một vị trí có đánh số trong bài thơ sao cho thích hợp, giải thích lí do em lựa chọn từ đó và thể hiện kết quả vào bảng sau:

(trắng đục, trắng bóng, trắng xoá, trắng phau, trắng tinh, trắng ngần, trắng nõn, trắng muốt, trắng trẻo, trắng bệch, trắng bạc, trắng hồng)

Tuyết rơi (1) một màu

Vườn chim chiều xế (2) cánh cò

Da người (3) ốm o

Bé khỏe đôi má non tơ (4)

Sợi len (5) như bông

Làn mây (6) bồng bềnh trời xanh (7) đồng muối nắng hanh

Hoa sen ở dưới bùn tanh (8)

Lay ơn (9) tuyệt trần

Sương mù (10) không gian nhạt nhòa

Gạch men (11) nền nhà

Trẻ em (12) hiền hoà dễ thương. [4]

Không có mô tả.

Không có mô tả.

Không có mô tả.

Không có mô tả.

Ngoài ra, sự lựa chọn này còn được gợi ý bởi vần, thanh điệu bài thơ. Ví dụ, câu 6 kết thúc bằng vần “au” mà câu 8 phải điền từ hợp với vần “au” thì chỉ có từ “trắng phau” là hợp. Tiếng thứ 4 của các dòng thơ là thanh trắc nên nếu chọn từ điền vào tiếng thứ ba và thứ tư của dòng thơ thì phải chọn từ có tiếng thứ hai là thanh trắc (Chẳng hạn: tuyết rơi thì phải “trắng xoá” một màu chứ không thể là “trắng hồng” hay “trắng tinh”).

Trên đây là một số bài tập được thiết kế để tổ chức các hoạt động dạy học phần Thực hành tiếng Việt nội dung: “Từ đơn và từ phức (từ ghép, từ láy)” thuộc chủ đề “Truyện (truyền thuyết và cổ tích)” (Ngữ văn 6, Tập 1, bộ Cánh Diều). Các bài tập này được xây dựng dựa trên chương trình, nội dung dạy học trong sách giáo khoa và các các hoạt động mà giáo viên thiết kế để tổ chức dạy học.

3. Kết luận

Bài tập là một phương tiện quan trọng trong quá trình dạy học tất cả các môn học, trong đó có môn Ngữ văn. Hoạt động dạy học có đạt được mục tiêu dạy học hay không phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống bài tập được xây dựng và sử dụng như thế nào. Các bài tập giúp việc tổ chức các hoạt động học bằng các phương pháp, kĩ thuật và phương tiện khác nhau, giúp học sinh chủ động, tích cực sáng tạo và rút ngắn quá trình đạt tới mục tiêu dạy học. Vì vậy, giáo viên cần chủ động xây dựng các bài tập để tổ chức các hoat động và nâng cao kết quả dạy học. Bài viết muốn đưa ra một quy trình xây dựng các bài tập để tổ chức các hoạt động dạy học nội dung Thực hành tiếng Việt trong môn Ngữ văn để giáo viên có thể tham chiếu khi dạy học nội dung này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hoàng Phê (Chủ biên), (2014), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.

[2] Thái Duy Tuyên, (2008), Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới, NXB Giáo dục. Hà Nội.

[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo, (26/12/2018), Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). 

[4] Lê Phương Nga, (2019), Bồi dưỡng học sinh giỏi tiếng Việt ở tiểu học, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[5] Phạm Thị Thu Hương (Chủ biên), (2022), Giáo trình Xây dựng kế hoạch môn Ngữ văn, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[6] Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên) - Đỗ Ngọc Thống (Chủ biên), (2021), Ngữ văn 6, tập 1, Cánh diều, NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

[7] Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên) - Đỗ Ngọc Thống (Chủ biên), (2021), Ngữ văn 6, tập 2, Cánh diều, NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

[8] Công văn 5512 /BGDĐT-GDTrH ban hành ngày 18 tháng 12 năm 2020.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Giáo dục, Tập 19, Số 9, tháng 09 năm 2023

 

Post by: Khoa Ngữ văn
01-04-2024