Ngôn ngữ

TIẾNG VIỆT: SỰ TRONG SÁNG VÀ VẤN ĐỀ CHUẨN HÓA


24-03-2023

Kể từ khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động công cuộc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (Tạp chí Học tập, số tháng 4/1966) cho đến nay đã gần 46 năm. Phong trào này đã được toàn xã hội, đặc biệt là giới Việt ngữ học hưởng ứng với một “lộ trình” lúc lên, lúc xuống, lúc rầm rộ, lúc âm ỉ… nhưng chưa bao giờ vấn đề giữ gìn và bảo vệ tiếng Việt bị lãng quên…

Tiếng Việt đang ở đâu?

Tiếng Việt đang là ngôn ngữ chính thức của nước CHXHCN Việt Nam với số dân gần 88 triệu người, trong đó người Việt chiếm đa số. Trên đất nước ta, tiếng Việt phân nhánh ra nhiều vùng phương ngữ khác nhau (tiêu biểu là 3 phương ngữ Bắc, Trung, Nam). Nhưng dù đã qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, tiếng Việt vẫn là một ngôn ngữ thống nhất, giữ vai trò là công cụ giao tiếp quan trọng trong một cộng đồng cư dân rộng lớn, đa dạng…  Tiếng Việt chính là một nhân tố không thể thiếu được làm nên đặc thù và bản sắc văn hoá Việt Nam.

Nhưng ít có ngôn ngữ nào chịu sức ép từ các nhân tố lịch sử - địa lí mạnh mẽ như tiếng Việt. Trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc, với biết bao biến cố trong đời sống xã hội, không thể nói là ngôn ngữ (một hiện tương xã hội đặc biệt) lại đứng ngoài những biến cố đó. Trái lại, chính ngôn ngữ lại là nhân tố đầu tiên đứng trước sự đồng hoá.

Nhà cai trị ngoại bang nào cũng muốn áp đặt các thiết chế quyền lực, trong đó có chính sách ngôn ngữ đối với quốc gia họ vừa thôn tính. Và thực tế ở nước ta, nhà nước phong kiến đã dùng chữ Hán trong các văn bản hành chính quốc gia trong suốt quá trình tồn tại. Tiếp đó, khi các giáo sĩ phương Tây vào truyền giáo rồi thực dân Pháp xâm lược, chữ Quốc ngữ xuất hiện và đây là bước thay đổi quan trọng trong tiến trình phát triển ngôn ngữ Việt. Cả tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Hán cùng tồn tại nhưng đó chỉ là một dạng “tam ngữ bất bình đẳng”. Tiếng Pháp dần dần giữ vai trò độc tôn, đẩy chữ Hán vào miếu đường cổ hủ của các nhà Nho và coi chữ Quốc ngữ là một văn tự “không chính thống”, sống “kí sinh” trong lòng tiếng Pháp.

Một trong những sự khác biệt rõ rệt của mỗi dân tộc chính là ngôn ngữ. Tiếng Việt với sức sống kì lạ, lâu bền của mình đã trường tồn cùng lịch sử. Giờ đây, ta vẫn nhận chân được giá trị của tiếng Việt ngàn đời qua các tác phẩm còn lưu truyền của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… và vô vàn những tác phẩm dân gian truyền khẩu (ca dao, dân ca, tục ngữ…). Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thừa nhận một điều: Dấu ấn của văn hoá Hán và tiếng Hán, văn hoá Pháp và tiếng Pháp còn biểu hiện rất rõ trong tiếng Việt. Hơn 60% từ Việt có gốc Hán (theo thống kê của H. Maspéro, 1972) và quãng hơn  2.000 từ gốc Pháp (thống kê của Nguyễn Quảng Tuân và Nguyễn Đức Dân, 1992). Gần đây, tiếng Việt thu nhận thêm nhiều từ ngoại lai nữa (chủ yếu là tiếng Anh). Từ điển từ mới  (Viện Ngôn ngữ học, 2002) đã thu thập khoảng 3.000 từ mới các loại trong vòng 15 năm (1985-2000).

Đây là hệ quả của nhiều năm mở cửa, đổi mới, hội nhập. Và không chỉ tiếng Việt, nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới (kể cả các ngôn ngữ “mạnh” như tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung) cũng phải “gồng” lên chống đỡ “cơn bão tiếng Anh” thổi khắp hoàn cầu. Yếu tố kinh tế, thương mại trong bối cảnh hoà nhập vô hình trung đã biến tiếng Anh thành ngôn ngữ “number one (số 1)” trên thế giới.

Tiếng Việt hôm nay

Đứng trước thực trạng thay đổi khá nhanh chóng gần đây của ngôn ngữ, rất nhiều người lo lắng và lên tiếng cảnh báo về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ tuỳ tiện, cẩu thả làm “vẩn đục” tiếng Việt, thậm chí nhiều người còn cho rằng “tiếng Việt đang bị làm hỏng”, “sự xuống cấp trầm trọng của tiếng Việt” và “chúng ta phải có thái độ kiên quyết và rõ ràng để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phải hành động trước khi quá muộn”, v.v.

Những bức xúc như vậy không phải là không có căn cứ. Đó là hiện tượng nói và viết tiếng Việt tuỳ tiện, bừa bãi, trong đời sống hàng ngày và cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chả cần bước chân ra ngõ là đã có thể nghe thanh thiếu niên nói bậy, chửi tục, nói trống không, trái với thuần phong mĩ tục… Sách báo thì in sai, in lỗi hoặc để cho nhiều phát ngôn kém văn hoá ngang nhiên tồn tại (ngày xưa báo, nhất là sách lỗi in sai rất ít). Nhưng ngôn ngữ trên mạng mới thực sự là đáng sợ. Nó bát nháo, tuỳ hứng trăm hình vạn vẻ. Từ chuyện nói năng văng mạng (nói cho hả, nói lấy được) đến chuyện viết văng mạng, bất chấp các chuẩn mực chính tả tối thiểu. Đáng lo ngại là hiện tượng nói bậy, viết sai, nói lóng … lại phổ biến trong giới trẻ, ở tuổi học đường. Mà thế hệ này lại chiếm một tỉ lệ lớn trong cơ cấu dân số (chỉ riêng học sinh phổ thông năm 2009-2010 đã xấp xỉ 24 triệu). Họ sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước. Không rõ là cứ với đà này, tiếng Việt sẽ ra sao?

Muốn nhìn nhận, đánh giá đúng vấn đề này chúng ta cần phải có cái nhìn biện chứng, toàn cục, phải xuất phát từ quan điểm toàn diện, cụ thể. Và, trước tiên chúng ta phải cùng xác lập một vấn đề: Thế nào là trong sáng?

Có thể dẫn nghĩa 2, mục từ “trong sáng” trong Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học - Hoàng Phê chủ biên, 2006) là “ở trạng thái giữ được bản sắc tốt đẹp, không có hiện tượng pha tạp” để áp dụng cho tổ hợp “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Một tiếng Việt trong sáng là phải cơ bản thuần nhất, có cách nói, cách dùng từ chuẩn với đại đa số, mang tư duy dân tộc.

Có thể đại đa số mọi người không phản đối cách định nghĩa trên. Tuy nhiên, cách hiểu “thế nào là trong sáng” đang có sự phân hoá, chưa thống nhất. Thể hiện rõ nhất là thái độ đối với việc sử dụng từ nước ngoài.

Nhiều người cho rằng, phải căn cứ vào nguồn gốc của nguyên ngữ mà dùng từ cho chuẩn. Như vậy, có nhiều từ Hán - Việt ta mượn và dùng đúng theo nghĩa Hán (cả âm và nghĩa). Chẳng hạn, theo quan điểm của một số tác giả, phải dùng cứu cánh với nghĩa là “mục đích cuối cùng” chứ không dùng như hiện nay là “chỗ dựa, để thoát khỏi một tình trạng không hay”; phải dùng trầm kha (hay bệnh nặng) chứ không được dùng “bệnh trầm kha”, tham quan chứ không phải “thăm quan”, Hợp Chúng Quốc Mỹ chứ không phải “Hợp Chủng Quốc Mỹ”, v.v.

Nhưng có rất nhiều trường hợp, trong quá trình thu nhận và sử dụng, tiếng Việt đã có sẽ điều chỉnh, sai lệch. Chẳng hạn,  vô tình  ít dùng nghĩa “không có tình, bất nghĩa” như tiếng Hán mà dùng “ngẫu nhiên, không chủ định, không cố ý”; khiêm tốn không chỉ dùng với nghĩa chỉ “ý thức và thái độ đúng mực” mà còn dùng chỉ sự “ít ỏi, nhỏ bé” (đồng lương khiêm tốn, chiều cao khiêm tốn…); lẽ ra viết thống kế nhưng từ trước đến nay vẫn viết là “thống kê”; trụ ngụ lại viết là “trú ngụ”; trú sở viết thành “trụ sở”. Hoặc lẽ ra phải nói tiếng Hán (tiếng Hoa) nhưng hiện nay trong giao tiếp, đa số dùng “tiếng Trung”,… Đó là những lỗi quy về gốc là “sai”. Nhưng hiện tại chúng ta sử dụng trong giao tiếp đã hết sức quen thuộc đến mức không nhận ra lỗi sai và những cái sai đó đã được bình thường hoá (do không có sự hiểu lệch lạc, phù hợp với hiện tại). Ngay cả những cách nói được coi là “thừa” như: đường quốc lộ (lộ: đường), cây cổ thụ (thụ: cây), bà quả phụ (phụ: bà), ngày sinh nhật (nhật: ngày), vius HIV (V = virus),… nhiều khi vẫn được sử dụng (như một “độ dư cần thiết”) để hoặc là làm rõ nghĩa, hoặc là tăng sắc thái biểu cảm (Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ; Ngày sinh nhật Bác nắng đầy tiếng chim; Chúng tôi bước dưới tán cây cổ thụ; Xin mời bà quả phụ X. lên nói lời cảm ơn; v.v.).

GS Hoàng Phê từng nói: “Khi ta mượn một từ nước ngoài, thì với một ý nghĩa nào đó, chúng ta đã “tạo” một từ mới của ta: từ tiếng Việt này sẽ có một đời sống riếng của nó” (Hoàng Phê, Tuyển tập Ngôn ngữ học, 2008).

Tiếng Việt vay mượn khá nhiều. Có từ do áp lực ta phải dùng. Có từ ta chưa có mà phải “vay” (vay mượn thuật ngữ là rõ rệt nhất). Hoặc nhiều  từ ta có rồi nhưng vẫn mượn thêm để làm phong phú hơn cách sử dụng (tiếng Nga, tiếng Pháp là một ví dụ, vẫn mượn thêm từ tiếng Anh, sử dụng song song).

Khi ta mượn, có nhiều từ, dựa trên cơ sở âm và nghĩa gốc, người Việt đã uốn nắn lại (la plat = lập là, la clé = lắc lê, mangouste = măng cụt, casserol = xoong,  club = câu lạc bộ,…). Từ show (sô)  trong tiếng Anh có nghĩa là “buổi trình diễn nghệ thuật, suất diễn” nhưng hiện tại sô tiếng Việt còn thêm nhiều nghĩa: một phi vụ làm ăn (bể sô), một công việc nào đó đòi hỏi luân phiên, nhiều lần (chạy sô đi dạy, chạy sô đám cưới, chạy sô thuyết trình …). Từ hủ hoá, nghĩa gốc tiếng Hán là “thối nát” dùng để chỉ sự “hư hỏng, biến chất, sa đoạ”. Nhưng trong dân gian hay dùng để chỉ chuyện nam nữ “quan hệ bất chính, buông thả”.

Như vậy, nếu so sánh nhiều từ, ta thấy âm và nghĩa gốc có khi đã bị “mờ” đi. Đó là sự phát triển tự nhiên của ngôn ngữ vay mượn. Khi mượn một cách đúng mức và có phần sáng tạo, người Việt đã thực hiện một công cuộc Việt hoá triệt để nhiều từ ngữ để làm phong phú vốn từ của mình. Trên báo chí hiện nay, các cách nói: … tại sao không (why not), từ… đến… (from… to…), vấn đề là ở chỗ… (tiếng Nga: delo v tom, chto…)… đã quá quen thuộc và thông dụng. Chúng ta dùng theo cách của ta, hoà vào cách nói chung của tiếng Việt và rõ ràng, câu văn vì thế mà sinh động, uyển chuyển hơn.

V. I. Lênin đã từng  nói một ý sâu sắc: “Cái cốc ở nhà anh dùng để đựng nước. Nhưng sang nhà tôi, nó có thể được dùng  làm cái chặn giấy hoặc để nhốt một con bướm”. Đánh giá việc vay mượn từ ngữ cần phải có một cái nhìn lịch sử cụ thể, theo chiều hướng động. Ta chống việc vay mượn tràn lan, song cũng có cái đáng mượn. Có những cái ta mượn và biến thành “tài sản” của ta, khác đến nỗi “chủ nhân” của nó không còn nhận ra khi gặp lại. Phải nói rằng, tiếng Việt đã “giàu” và sinh động hơn nhờ vay mượn và Việt hoá một cách tuyệt vời một số lượng đáng kể từ ngữ gốc Hán và gốc Pháp.

                                                                                                                    PGS TS Phạm Văn Tình

(Nguồn: https://baochinhphu.vn)

Post by: Khoa Ngữ văn
24-03-2023