NGÔN NGỮ XÃ HỘI trong phóng sự VŨ TRỌNG PHỤNG
SOCIAL LANGUAGES IN VU TRONG PHUNG’S REPORT TAGES
VÕ XUÂN HÀO (PGS.TS; Đại học Quy Nhơn)
NGUYỄN VĂN TRANG (HVCH; Đại học Quy Nhơn)
1. Đặt vấn đề
Trong mấy thập niên gần đây, ngôn ngữ học xã hội – một chuyên ngành của ngôn ngữ học ra đời và phát triển ngày càng mạnh mẽ. Dù vẫn còn nhiều bất đồng trong việc xác định phạm vi và đối tượng cụ thể, nhưng nó đã có những đóng góp thiết thực vào quá trình nghiên cứu ngôn ngữ cộng đồng, những biến thể cụ thể của các hình thức nói năng trong các hoàn cảnh ngôn ngữ giao tiếp xã hội.
Theo Nguyễn Văn Khang trong “Ngôn ngữ học xã hội – Những vấn đề cơ bản”, ngôn ngữ xã hội là một vấn đề phức tạp, có tính liên ngành. Ngôn ngữ xã hội bao gồm một phạm vi bao quát khá lớn, do đó sự thể hiện của nó cũng khá phong phú và đa dạng. Vậy, ngôn ngữ xã hội là gì? Đây là câu hỏi liên quan đến những vấn đề xã hội vĩ mô và vi mô. Vì thế, những nội dung liên quan đến câu trả lời cho câu hỏi này quá rộng lớn. Trong phạm vi tư liệu khảo sát, chúng tôi xin được giới hạn rằng: ngôn ngữ xã hội – thuộc đối tượng nghiên cứu của bài báo khoa học này – là một hệ thống bao gồm tiếng lóng, khẩu ngữ, từ ngữ giao tiếp trong các hoàn cảnh ngôn ngữ cụ thể. Ngôn ngữ xã hội là sản phẩm của quá trình tương tác giữa các lĩnh vực ngôn ngữ, tâm lí xã hội, tính cách, ngôn ngữ cá nhân và bản chất văn hoá của một dân tộc cụ thể. Cơ chế hoạt động của lớp từ này khá phong phú và tồn tại dưới nhiều biến thể. Tùy theo mục đích và nhu cầu của người sử dụng, hệ thống ngôn ngữ xã hội sẽ có những biểu hiện linh hoạt, thích ứng với các nội dung giao tiếp cụ thể trong những ngữ cảnh giao tiếp cụ thể.
Khi đi vào tác phẩm văn học, ngôn ngữ xã hội được xem là một dạng thức của ngôn ngữ nghệ thuật, những từ ngữ đã được chắt lọc, lựa chọn và tổ chức ở bậc cao – ngôn ngữ văn học. Xét về mặt lí luận, ngôn ngữ xã hội là hệ quả của mối quan hệ giữa ngôn ngữ và xã hội, là kết quả các phương cách sử dụng ngôn ngữ trong một xã hội hay một nhóm xã hội cụ thể. Một trong những vấn đề cơ bản mà người nghiên cứu về ngôn ngữ xã hội cần quan tâm là sự phân biệt ngôn ngữ về mặt xã hội ở tất cả bình diện của cấu trúc ngôn ngữ, tìm hiểu đặc điểm các quan hệ tương hỗ giữa cấu trúc ngôn ngữ và cấu trúc xã hội.
Với tư cách là một bộ phận cấu thành diện mạo ngôn ngữ trong tác phẩm phóng sự của Vũ Trọng Phụng, ngôn ngữ xã hội không phải là những chất liệu thô ráp được dẫn dụng một cách tùy ý, “vô tội vạ” mà là lớp từ ngữ được chắt lọc, được tuyển chọn trong hàng ngàn tấn “quặng vỉa” ngôn ngữ đời sống muôn màu muôn vẻ. Ngôn ngữ xã hội trong tác phẩm của “ông vua phóng sự đất Bắc” này bao gồm nhiều hệ thống khác nhau, chúng tồn tại như một phương thức cơ bản góp phần giúp tác giả đi sâu khám phá, khái quát bản chất của các hiện tượng xã hội, các thói tệ mà nhà văn muốn đả phá, châm biếm hay phân tích miêu tả nhằm đưa ra những đặc trưng trội bật của đối tượng cụ thể, chính xác, có giá trị thực tế, mang đặc trưng của ngôn ngữ báo chí.
2. Hệ thống ngôn ngữ xã hội trong phóng sự Vũ Trọng Phụng
2.1. Tiếng lóng trong ngôn ngữ phóng sự Vũ Trọng Phụng
Như đã nói, khái niệm ngôn ngữ xã hội được chúng tôi sử dụng trong khuôn khổ bài viết này được xem là những từ ngữ phản ánh nhiều phương diện khác nhau của xã hội. Do đó, để có được một cái nhìn cá biệt hóa, trong ngôn ngữ phóng sự của Vũ Trọng Phụng, chúng tôi khảo sát tiểu loại từ ngữ xã hội căn bản là tiếng lóng.
Tiếng lóng là những từ được dùng để gọi tên các sự vật, hiện tượng vốn đã có tên gọi, được một tập thể xã hội nhất định sử dụng nhằm mục đích muốn che giấu những điều mà người nói không muốn cho người ngoài tập thể biết hoặc muốn bộc lộ cái vẻ riêng của tập thể mình hoặc bộc lộ thái độ một cách mạnh mẽ. Trong “Sổ tay từ – ngữ tiếng lóng tiếng Việt”, Đoàn Tử Huyến và Lê Thị Yến cho rằng, về đặc điểm, tiếng lóng là một phương ngữ xã hội (và chúng do các nhóm xã hội tạo ra, chủ yếu được sử dụng trong nhóm xã hội ấy; sự thay đổi của chúng phụ thuộc vào bối cảnh xã hội). Đặc điểm thứ hai là tiếng lóng chỉ được dùng trong giao tiếp không nghi thức và có giá trị trong một phạm vi xã hội hạn hẹp. Cuối cùng, tiếng lóng có tính chất lâm thời, chúng là một hiện tượng kí sinh vào tiếng Việt, xuất hiện và mất đi, thay đổi thường xuyên, không ngừng.
Qua khảo sát một số phóng sự của Vũ Trọng Phụng, chúng tôi thống kê và thu được số lượng cụ thể như sau:
Bảng 1. Hệ thống tiếng lóng trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng
STT |
Tác phẩm |
Số lượng tiếng lóng |
1 |
Cạm bẫy người |
73 |
2 |
Kĩ nghệ lấy Tây |
8 |
3 |
Vẽ nhọ bôi hề |
2 |
4 |
Cơm thầy cơm cô |
7 |
5 |
Lục xì |
15 |
Trong các phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Cạm bẫy người có mật độ sử dụng tiếng lóng dày đặc. Chỉ riêng các ngón cờ bạc bịp, dân chơi đã dùng biết bao tiếng lóng mà “người ngoài” chẳng thể nào hiểu nổi: đánh giác, đánh kiệu, đánh ống, đánh siệng, đánh Vân Nam, đòn Ba Giai, đòn bàn nhé, đòn gió, đòn kìm, đòn lưỡng diện, đòn nam châm, đòn nội phản, đòn thùy châu…
Chính những tiếng lóng được sử dụng thường xuyên, đặc biệt là trong đối thoại đã góp phần khắc họa chân dung nhân vật. Như, chỉ qua một lời nói cũng đủ để biết nhân vật Vân trong Cạm bẫy người là một “tay chơi” trong giới bạc bịp: “Để lần sau bác sang, tôi gọi cho mấy via nữa đến, rồi ta lại sẽ có dịp được chia hương hỏa với nhau. Nhưng tôi muốn bác cho xem qua các ngón để sau này mà tránh…”.
Chính lớp từ ngữ xã hội đặc biệt này đã trở thành phương tiện nghệ thuật ngôn từ đặc sắc giúp nhà văn phản ánh chân thực thực đời sống xã hội Việt Nam những năm kinh tế khủng hoảng 1929-1933. Hoàn cảnh lịch sử và xã hội đó đã tạo ra một bộ phận tiểu tư sản bị lưu manh hóa, luôn ở trong tình trạng phá sản và một bộ phận dân nghèo thành thị sống gấp với những ngón nghề mới bất chấp truyền thống và đạo lí như: Cạm bẫy người (1933) phản ánh về nghề cờ gian bạc lận, Kĩ nghệ lấy Tây (1934) viết về các me Tây và cái nghề được nâng thành “kĩ nghệ” lấy Tây. Một xã hội bất chấp đạo lí, đầy những bất công, giả dối, không còn gì là chuẩn mực thì ngôn ngữ chuẩn mực làm sao có thể phản ánh trung thực đời sống của xã hội? Tiếng lóng là phương tiện nghệ thuật tối ưu để vạch trần bản chất của con người và xã hội đương thời, tiếng lóng là phương tiện trung thực để nói lên tiếng lòng của tác giả trước thực trạng đau buồn của xã hội Việt Nam những năm 30.
2.2. Hệ thống ngữ liệu dân gian trong ngôn ngữ phóng sự Vũ Trọng Phụng
Ngữ liệu còn được gọi là ví dụ, dẫn chứng, minh họa, tư liệu, dẫn liệu, cứ liệu… có thể được dẫn dụng, trích dẫn, khai thác, lựa chọn từ nhiều nguồn khác nhau tùy thuộc vào mục đích, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể của vấn đề, thể loại, nội dung phản ánh. Do đó, ngữ liệu là những tư liệu ngôn ngữ của một dân tộc hay cụ thể hơn là ngôn ngữ của một tác phẩm văn chương, báo chí. Trong quá trình tìm hiểu đề tài và viết các thiên phóng sự của mình, Vũ Trọng Phụng đã lựa chọn một hệ thống ngữ liệu có nguồn gốc từ văn học, văn hóa dân gian. Chúng tôi tạm gọi đó là hệ thống ngữ liệu dân gian.
Không chỉ có năng khiếu đặc biệt trong việc nhìn nhận, phát hiện vấn đề, Vũ Trọng Phụng còn là một nhà ngôn ngữ bậc nhất. Qua các sáng tác của ông, nhất là ở mảng phóng sự, chúng ta có thể nhận thấy rằng, để viết nên một thiên phóng sự, nhà văn đã huy động và khai thác một lượng từ ngữ rất lớn.
Đọc hàng loạt thiên phóng sự, trước hết ta thấy tác giả rất có ý thức trong việc dùng ngôn ngữ sao cho thật gây ấn tượng. Ngay từ cách đặt các tiêu đề của các thiên phóng sự, từ ngữ đã gây tò mò và kích động trực tiếp vào trí não độc giả: Ông quân sư của bạc bịp, Đố anh nào bịt được mắt ta, Xưởng chế tạo khí giới (Cạm bẫy người). Ngoài ra, tác giả cũng chú ý đến việc sử dụng đan xen nhiều dạng thức ngôn ngữ: ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ nghề nghiệp, ngôn ngữ báo chí ngắn gọn, đanh thép, giàu thông tin và ngôn ngữ văn chương giàu hình ảnh.
Ở lớp ngôn ngữ đời thường, một đặc điểm dễ nhận thấy là tác giả đã chú ý sử dụng rất nhiều các lớp từ mang đậm yếu tố dân gian như các thành ngữ, tục ngữ. Trong Cạm bẫy người với khoảng 300 trang sách, số lượng thành ngữ sử dụng là 62, số lượng tục ngữ là 2; ở Kĩ nghệ lấy Tây số lượng thành ngữ, tục ngữ là 36/2/800 trang; ở Lục xì là 10/2/180 trang.
Bảng 2. Hệ thống ngữ liệu văn học dân gian trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng
STT
|
Tác phẩm
|
Số lượng
|
Trong đó
|
Thành ngữ
|
Tục ngữ
|
1
|
Cạm bẫy người
|
64
|
62
|
2
|
2
|
Kĩ nghệ lấy Tây
|
38
|
36
|
2
|
3
|
Vẽ nhọ bôi hề
|
8
|
8
|
0
|
4
|
Cơm thầy cơm cô
|
22
|
21
|
1
|
5
|
Lục xì
|
12
|
10
|
2
|
Thành ngữ, tục ngữ là những cụm từ, câu mang tính khái quát cao. Việc sử dụng các thành ngữ và tục ngữ không chỉ làm tăng hình ảnh và sắc thái biểu cảm của câu văn mà còn có tác dụng lột tả hết bản chất của đối tượng được miêu tả, làm cho người đọc hiểu đến tận ngọn nguồn của nó.
Chẳng hạn, “Ông ấm ấy vẫn thản nhiên như người vô công rồi nghề đi dạo chơi phố xá, thản nhiên theo cái lối viên tướng võ lão thành, đã từng được bách chiến bách thắng, đến nỗi một cuộc khải hoàn cũng chẳng đủ làm cho say sưa” (Cạm bẫy người). Hay, “Bữa ấy giận cá chém thớt, ông chủ cũng gọi con sen ra tặng cho mười hai cái bạt tai, mặc dầu nó chẳng đáng tội tình gì” (Cơm thầy cơm cô), “No cơm ấm cật giậm giật mọi nơi” các ngài ơi, điều ấy ta phải trả tiền là chính đáng lắm” (Lục xì).
Với cứ liệu thống kê trên chúng ta thấy, trong ngôn ngữ phóng sự của Vũ Trọng Phụng, sự góp mặt của các thành phần ngôn ngữ dân gian không đồng đều. Số lượng thành ngữ được sử dụng nhiều hơn tục ngữ. Có lẽ giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa biểu trưng của các thành ngữ không chỉ làm tăng sức khái quát cho chủ đề, đề tài mà còn góp phần tạo nên tính sinh động, trực quan và giàu hình ảnh biểu trưng cho lời thoại của các nhân vật. Cùng với thành ngữ, tục ngữ và lớp từ ngữ dân gian nói chung đã khẳng định phong cách ngôn ngữ đa dạng, linh hoạt, gần gũi với phong cách khẩu ngữ quần chúng. Có thể khẳng định, đây là một điều kiện rất căn bản để những thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng đến gần với người đọc và sống mãi với độc giả như chúng sẽ tiếp tục tìm hiểu ở mục 2.3.
2.3. Lớp từ khẩu ngữ trong phóng sự Vũ Trọng Phụng
Việc sử dụng khẩu ngữ thông tục, theo chúng tôi, là cả một quan niệm của người cầm bút. Thứ nhất, nó là một phương cách để nhà văn kéo cái điều đang được diễn tả đến gần hơn với thực tế, như “Tiên sư cái kiếp đi ở! Thân phận tôi đòi khổ thật”, “Mà cái thân tôi đến nước này thì tôi còn giữ gìn làm gì mà chả đâm vào cái nghề hoa nguyệt cho nó bõ dây oan một phen” (Cơm thầy cơm cô). Nói theo cách của Vũ Trọng Phụng là để cho ta được nhận diện cái cuộc đời không chỉ có “ngày xuân vui” mà còn có bao nhiêu sự “ăn gian nói dối” của nó. Thứ hai, không chỉ giản đơn có thế, sử dụng những lời thô, sắc, gai góc, những câu văng tục, chửi rủa, Vũ Trọng Phụng còn muốn dùng nó để giáng trả cái xã hội giả dối lẫn xu hướng văn học lãng mạn lúc bấy giờ. Đặc biệt là nhóm Tự lực Văn đoàn thời điểm đó, vẫn đang đuổi theo lối diễn đạt kiểu cách, hoa mĩ, làm dáng trí thức, vô hình che đậy bao điều ghê tởm, xấu xa mà Vũ Trọng Phụng vẫn thường đả kích là dùng những lời điêu trá. Và thứ ba, có lẽ đối với cái cuộc đời “chó đểu” ấy thì việc dùng một hệ lời thông tục, đôi khi có tác dụng hóa giải những phẫn uất, căm hờn trong chính bản thân Vũ Trọng Phụng. Như lời chửi của một tay cờ bạc bị “Thần đỏ đen” bỏ rơi: “Hiện nguyên hình rồi! Chó quá, lại trần như nhộng!” (Cạm bẫy người).
Bảng 3. Khẩu ngữ trong một số phóng sự của Vũ Trọng Phụng
STT |
Tác phẩm |
Khẩu ngữ |
1 |
Cạm bẫy người |
135 |
2 |
Kĩ nghệ lấy Tây |
55 |
3 |
Vẽ nhọ bôi hề |
7 |
4 |
Cơm thầy cơm cô |
108 |
5 |
Lục xì |
47 |
Trong khi sử dụng ngôn ngữ đời thường, các tác giả phóng sự cũng rất chú ý sử dụng các lớp khẩu ngữ tự nhiên phù hợp với từng loại nhân vật. Có lời nói mộc mạc đầy vẻ cầu cứu của cô bé nhà quê ra thành thị đi làm thuê để kiếm miếng ăn: “Khốn nạn, nào tôi có tài giỏi gì mà dám nếm cơm ai! Tôi chỉ cầu vào một cửa đãi mình cho vừa phải, đừng bắt mình làm quá sức, đừng đánh chửi mình như cái nhà tôi vừa bỏ đi thì khốn nạn, nó năm cha ba mẹ quá, ai cũng đánh chửi được mình. Người này sai chưa xong việc này, người khác đã lại ới. Thành ra mình là cái thân ba vạ” (Cơm thầy cơm cô). Có khẩu ngữ nhuốm màu thị thành của những me Tây đã già đời trong nghề: “Việc gì mà sợ? Có đánh chết cái ba vạn? Bọn họ toàn một thứ tính mềm nắn rắn buông mà thôi. Trừ phi bắt được quả tang ngủ với giai hãy chịu, chứ đường đường chính chính ra, mình phải mà họ trái, thì… chửi thì chửi trả, đánh cũng đánh trả. Các cô có biết gái này thế nào không? Đã có lần bị đấm một cái mà tát lại được ba cái đấy. Giơ dao lên dọa, gái này cũng tốc phăng ngay cái coóc xê lên. Anh nào cũng phải gờm!” (Kĩ nghệ lấy Tây).
Việc sử dụng các loại khẩu ngữ tự nhiên phù hợp với từng loại nhân vật cũng như ngôn ngữ nghề nghiệp không chỉ chứng tỏ sự am hiểu kĩ lưỡng của tác giả đối với từng đối tượng được miêu tả mà còn góp phần đắc lực trong việc cá tính hóa ngôn ngữ nhân vật. Chẳng hạn, chỉ mấy lời “Giời đất cha mẹ ơi! Sao lại không thích! Đang phải hầu hạ người ta mà nhẩy tót lên ngang hàng với người ta! Làm nhà trò thời mới mong có phen lên bà phán, bà kí, chứ là con sen thì may lắm cũng chỉ lấy đến cái hạng anh mà thôi. Tôi thấy hạng có của nó sai bảo tôi, chửi bố chửi mẹ tôi, mà tôi cứ phải câm, thì tôi khổ lắm, anh ạ”, đã phần nào lột tả được sự chua ngoa, ranh mãnh, lọc đời của nhân vật cái Đũi trong phóng sự “Cơm thầy cơm cô”.
Ngoài ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ miêu tả cũng được các tác giả phóng sự quan tâm và thể hiện rất hiệu quả. Nhiều thiên phóng sự lôi cuốn được bạn đọc chính là ở sự kết hợp tinh xảo giữa ngôn ngữ báo chí ngắn gọn, giàu thông tin với ngôn ngữ tiểu thuyết giàu hình ảnh.
Nói Vũ Trọng Phụng có được một hệ thống ngôn ngữ mới mẻ vào bậc nhất so với các nhà văn đương thời, trên một khía cạnh nào đó, cũng có nghĩa là nói ông đã đưa được vào văn chương một hệ thống ngôn ngữ mà có người đã ví là “đời” nhất, “bụi” nhất, tức là hệ thống những khẩu ngữ, những lời văng tục khá thoải mái, không câu nệ và dường như đã thoát khỏi mọi ràng buộc của phép tắc văn chương để hoàn toàn tôn trọng thực tế bằng cách để cho thực tế lên tiếng với ngôn ngữ riêng của nó. Tất nhiên, mọi đơn vị ngôn ngữ trong văn bản đều do nhà văn “nghĩ ra” nhưng Vũ Trọng Phụng khác một số người cầm bút đương thời ở chỗ là ông không hề “nghĩ hộ” hay “nói hộ” các nhân vật mà để cho các nhân vật cất lên tiếng nói thực sự của bản thân mình. Khi nhân vật được nói bằng tiếng nói của chính bản thân nó, người đọc như được tiếp xúc với một mảng đời nóng hổi, đầy bụi bặm nhưng rất thực.
Có một điều đặc biệt là các nhân vật của Vũ Trọng Phụng rất dễ văng tục. Nhân vật của các nhà văn khác như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nam Cao cũng biết văng tục, thậm chí ở Nguyễn Công Hoan, nhân vật của nhà văn này còn có những câu nói tục trần trụi và ác khẩu hơn, nhưng không thể với một “tần số” lớn và phong phú như trong lời ăn tiếng nói của nhân vật Vũ Trọng Phụng. Trong tác phẩm của ông, dường như mọi hạng người đều biết nói tục. Hễ nổi nóng là chúng văng tục và, đôi khi không có cớ gì để nổi nóng chúng vẫn cứ văng tục. Các nhân vật trong phóng sự và tiểu thuyết từ sang đến hèn, từ kẻ giàu nứt đố đổ vách cho đến kẻ nghèo rớt không xu dính túi đều không ngần ngại chửi bới, văng tục, đã đành, mà khi, kho từ vựng tiếng Việt ở chốn vỉa hè không đủ thì dùng tiếng tục… ngoại quốc! Những là Pháp bồi, Tàu bồi, những tiểu nà ma nị, xà lồ, sapristi…
Phần lớn lời trần thuật của Vũ Trọng Phụng trong các phóng sự không xuất phát từ điểm nhìn tác giả mà từ điểm nhìn của nhân vật người kể chuyện – một tay cờ bạc bịp, một me Tây, một hạng cơm thầy cơm cô, một gái đĩ lành nghề – nên có cái lối nói thô lỗ, xấc xược, trắng trợn, bất chấp.
Nhưng nhân vật của Vũ Trọng Phụng là thế, trong tự xưng, nó không cần lịch sự, văn hóa; trong đối thoại, chúng sẵn sàng ném vào mặt nhau những lời thô bỉ nhất. Qua các đại từ nhân xưng và lối xưng hô, qua đối thoại và đa thoại của các nhân vật Vũ Trọng Phụng người ta có thể hình dung rõ một sự phá sản toàn bộ các mối quan hệ giữa người với người, trong đó có cả những mối quan hệ tình cảm quý báu, thiêng liêng nhất.
3. Kết luận
Phong cách ngôn ngữ của phóng sự thiên về lối viết tiếp cận trực tiếp, không phải là lối ngôn ngữ thiên về miêu tả những tình cảm, trạng thái, cảm xúc. Theo đó, hệ thống ngôn ngữ phải thực sự linh hoạt, đa dạng, vừa cụ thể, vừa khái quát và có thể giúp tác giả bộc lộ cái tôi, quan điểm cá nhân rõ nét, cụ thể qua những đánh giá, tổng thuật hay bình luận vấn đề đang đặt ra. Đọc các thiên phóng sự của một số cây bút kì cựu của làng báo đầu thế kỉ XX như Ngô Tất Tố, Tam Lang, Trọng Lang, Thiên Hư, Tiêu Liêu…, chúng ta thấy các tác giả rất có ý thức trong việc dùng ngôn ngữ thật sự hấp dẫn, chính xác, khái quát và tạo nên những ấn tượng cho người đọc. Điều đó dường như đã được thể hiện từ cách đặt các tiêu đề của các thiên phóng sự, sự vận dụng các lớp từ ngữ xã hội đã trực tiếp tác động mạnh mẽ đến trí não độc giả.
Xét từ phương diện nghệ thuật, hệ thống ngôn ngữ xã hội trong các thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng đã thực sự tạo nên những hiệu ứng thẩm mĩ đặc sắc. Nó khiến cho các trang phóng sự của ông vừa cụ thể tinh tế, vừa hấp dẫn khái quát. Nó có thể giúp nhà văn miêu tả đúng những gì ông đã thực sự điều tra, tìm hiểu, đồng thời cũng tỏ rõ một góc nhìn nghệ thuật đối với các vấn đề xã hội. Có lẽ đó cũng là lí do căn bản mà nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất gọi các thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng là những tiểu thuyết – phóng sự, một lằn ranh hấp dẫn, một sự giao thoa nghệ sĩ mà người con làng Hảo, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã tiên phong mở đầu và để lại một dấu ấn đậm nét.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đoàn Tử Huyến, Lê Thị Yến (2008), Sổ tay từ – ngữ lóng tiếng Việt, Nxb Công an nhân
dân, Hà Nội.
2. Nguyễn Văn Khang (1999), Ngôn ngữ học xã hội – Những vấn đề cơ bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Nguyễn Văn Khang (2003), Tiếng lóng Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Nguyễn Trọng Khánh (2006), Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Nguyễn Đăng Mạnh (1989), Vũ Trọng Phụng – ông vua phóng sự, (Lời giới thiệu phóng sự Kĩ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô), Nxb Hà Nội, Hà Nội.
6. Phan Ngọc (2000), Thử xét văn hóa – văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
7. Trần Đăng Thao (1996), Đóng góp của Vũ Trọng Phụng đối với lịch sử văn học Việt Nam hiện đại trong lĩnh vực phóng sự và tiểu thuyết, Luận án PTS Ngữ văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
8. Bùi Đức Tịnh (1999), Ngôn ngữ học và văn học (Tập 1&2), Nxb Văn Nghệ Tp Hồ Chí Minh.
9. Bùi Minh Toán (2012), Ngôn ngữ với văn chương, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, Số 7 (237)-2015