Ngôn ngữ

Phép quy chiếu trong tiếng Việt và tiếng Anh


31-07-2021
   Bài viết bàn về một số điểm giống và khác nhau của phép quy chiếu trong đoạn văn giải thích tiếng Anh và tiếng Việt. Tất cả các phép quy chiếu được phân tích và thảo luận cả về lý thuyết và thực tiễn nhằm giúp người Việt học tiếng Anh có một lượng kiến thức nhất định về phép quy chiếu, một phép liên kết đã được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hằng ngày và góp phần làm cho những đoạn văn thêm phần chính xác và hiệu quả. Từ khóa: Phép quy chiếu trong đoạn văn giải thích.

Phép quy chiếu trong tiếng Việt và tiếng Anh

BUI THI MINH NGUYETNGUYEN HOAI DUNGDOAN THI THANH HIEU
(Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Quy Nhơn)

1. Đặt vấn đề

     Giao tiếp là một phần của cuộc sống hàng ngày. Khi nói cũng như khi viết, ai cũng luôn cố gắng truyền đạt ý nghĩ một cách có hiệu quả, rõ ràng và súc tích. Để đạt được điều đó, nắm vững từ vựng và cấu trúc ngữ pháp chưa đủ, chúng ta cần phải nắm vững các phương tiện liên kết. Phép quy chiếu là một trong những phương thức liên kết quan trọng nhất góp phần vào sự mạch lạc, súc tích của văn bản. Không có phép quy chiếu, chúng ta khó có thể có một văn bản tốt, chúng ta không thể viết lại những tên riêng, những cụm từ ngữ quá dài nhiều lần trong một đoạn văn vì như vậy vừa mất thời gian, vừa làm cho đoạn văn nhàm chán. Hơn nữa, trong tiếng Việt và tiếng Anh, phép quy chiếu được sử dụng rất rộng rãi và phổ biến. Trong bài nghiên cứu này, bằng phương pháp đối chiếu so sánh tiếng Việt và tiếng Anh(1), chúng tôi nhằm tìm hiểu sự khác nhau và giống nhau giữa hai ngôn ngữ dưới góc độ phép quy chiếu trong đoạn văn giải thích.

     So sánh và đối chiếu hai ngôn ngữ trong lĩnh vực phép liên kết quy chiếu là một việc làm cần thiết. Việc làm này nhằm đi sâu tìm hiểu những yếu tố trong phép quy chiếu được sử dụng trong tiếng Anh và trong tiếng Việt; từ đó giúp cho những người Việt học tiếng Anh và ngược lại khỏi nhầm lẫn trong việc dùng từ. Thêm vào đó, những nét tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn phép quy chiếu trong tiếng Việt và tiếng Anh để chúng ta áp dụng vào quá trình hình thành những đoạn văn hay và hiệu quả.

     Cơ sở lý luận cho bài nghiên cứu này dựa trên lý thuyết từ nhiều sách liên quan đến phép quy chiếu trong tiếng Việt và tiếng Anh. Hơn nữa, bài nghiên cứu này chỉ đi sâu phép quy chiếu trong đoạn văn giải thích nên chúng tôi lấy 50 đoạn văn giải thích tiếng Việt và cũng số đó của tiếng Anh do người bản ngữ viết thu được từ nhiều sách làm cứ liệu khảo sát. Cứ liệu này được phân tích, thảo luận theo lý thuyết đã nêu ra.

2. Cơ sở lí luận

     2.1. Quy chiếu chỉ ngôi

     Quy chiếu chỉ ngôi gồm ba loại: đại từ nhân xưng, tính từ sở hữu và đại từ sở hữu. Trong tiếng Việt, Nguyễn Hữu Quỳnh (1994) chia đại từ nhân xưng ra làm ba nhóm: ngôi thứ nhất (tôi, chúng tôi, tao, chúng tao, mình, chúng mình, v.v.), ngôi thứ hai (mày, chúng mày, bạn, các bạn, tụi bay, chúng bay, v.v.) và ngôi thứ ba (nó, chúng nó, hắn, họ, v.v.). Giống như Nguyễn Hữu Quỳnh, Trần Ngọc Thêm (1985) chia đại từ nhân xưng ra làm ba loại: điểm gốc (tôi, tao, tớ, mình, anh, chị, v.v.), điểm gần (mày, cậu, anh, chị, đồng chí, v.v.) và điểm xa (hắn, y, thị, nó, chúng nó, v.v.). Ông còn thêm rằng, tùy thuộc vào tình huống, đại từ nhân xưng ở điểm gần và điểm gốc và thường xảy ra trong phép quy chiếu ngoại hướng. Trong tiếng Anh, chúng ta có các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất (chủ ngữ: I, we; tân ngữ: me, us), ngôi thứ hai (chủ ngữ: you; tân ngữ: you) và ngôi thứ ba (chủ ngữ: he, she, it, they, one(s)); tân ngữ: him, her, it, them, one(s)). Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ ở đây là trong tiếng Anh đại từ nhân xưng có sự biến đổi về mặt hình thức khi làm chức năng chủ ngữ và tân ngữ. Mặt khác, trong tiếng Việt, việc sử dụng đại từ nhân xưng cần được lựa chọn một cách tinh tế do sự phân hóa về sắc thái nghĩa một cách rõ rệt, còn trong tiếng Anh chúng ta không cần.

     Một điều khác biệt giữa hai ngôn ngữ nữa là một số đại từ nhân xưng trong tiếng Việt có thể đứng trước tên riêng như anh, chị, v.v. nhưng trong tiếng Anh đại từ nhân xưng luôn đứng một mình.

     “My, your, his, her, its, their, one’s” là những tính từ sở hữu trong tiếng Anh. Trong tiếng Việt, không tồn tại tính từ sở hữu nhưng có hình thức sau: của + đại từ nhân xưng. Điểm đáng chú ý ở đây là tính từ sở hữu trong tiếng Anh đứng trước danh từ nhưng hình thức tương đương của nó trong tiếng Việt luôn đứng sau danh từ nó bổ nghĩa.

     Người ta dùng những đại từ sở hữu “mine, yours, his, hers, its, theirs, ones’” trong tiếng Anh. Chúng khác với các loại quy chiếu chỉ ngôi khác ở chỗ trong khi các loại khác chỉ cần một yếu tố quy chiếu nhằm làm rõ nghĩa thì đại từ sở hữu đòi hỏi hai yếu tố: mộtsở hữu và một được sở hữu. (trả lời câu hỏi “cái gì của ai?” Khi so sánh, đối chiếu với tiếng Anh, tiếng Việt không có những từ tương đương trực tiếp nhưng chúng ta có thể dịch là: “vật + của + đại từ nhân xưng”.

     2.2. Quy chiếu chỉ định

     Quy chiếu chỉ định gồm hai loại: chỉ định danh từ và trạng từ chỉ định.

     Chỉ định danh từ được chia nhỏ thành mạo từ xác định và từ chỉ định. Mạo từ xác định hay còn gọi là quy chiếu chỉ định trung hòa THE được sử dụng rất phổ biến trong tiếng Anh. Theo Halliday và Hasan (1976) thì THE có thể thuộc quy chiếu nội hướng lẫn quy chiếu ngoại hướng. Còn Randolph Quirk và Sydney Greenbauu (1976) thì cho rằng THE có hai loại: quy chiếu cụ thể và quy chiếu chung. Ta gọi là quy chiếu cụ thể khi chúng ta có trong đầu những vật hay người cụ thể mà từ không rõ nghĩa ám chỉ; ngược lại quy chiếu chung là trường hợp chúng ta không có trong đầu vật cụ thể nào cả. Hoàn toàn khác biệt, trong tiếng Việt không có hình thức tương đương với mạo từ xác định THE. Từ chỉ định được chia theo tiêu chí: vật gần, vật xa; số ít, số nhiều và từ chỉ định được dùng như tính từ hay đại từ nhân xưng. Trong tiếng Anh, để xác định vật gần người ta sử dụng this và these, và vật xa với thatthose. Những từ tương đương trong tiếng Việt là “này, đấy, nọ, kia, v.v.”. Trần Ngọc Thêm (1985) thêm rằng trong lặp bộ phận thì sau lặp tố nhất thiết phải có đại từ dấu hiệu (từ chỉ định) đi kèm. Đặc biệt, trong tiếng Anh khi biến đổi từ chỉ định để phù hợp với danh từ số ít hay số nhiều, ta có this → thesethat → those nhưng trong tiếng Việt ta dùng hình thức: những + danh từ + từ chỉ định (nàyđấynọkia, v.v.). Mặt khác, khi từ chỉ định được dùng như tính từ thì vị trí của nó là: this/that/these/those + danh từ số ít hay số nhiều. Trong tiếng Việt ta có “(những) + danh từ + này, nọ, đó, kia, v.v.”. Ngoài ra, từ chỉ định trong tiếng Anh có thể đứng một mình không cần thêm danh từ và trong tiếng Việt cũng vậy hay hình thức: cái/điều, v.v. + này, đó, nọ, kia, v.v. Một điều thú vị là từ chỉ định đứng một mình nếu làm chủ ngữ thì sau nó thường là động từ “BE” trong tiếng Anh và “LÀ” trong tiếng Việt.

     Những trạng từ chỉ định trong tiếng Anh bao gồm trạng từ định vị không gian here, there và trạng từ định vị thời gian now, than. Những từ tương đương trong tiếng Việt lần lượt là () đây, (đến) đó, đấy; bây giờ, bấy giờ, (lúc) ấy, v.v.

     2.3. Quy chiếu so sánh

     Quy chiếu so sánh gồm có so sánh chung và so sánh cụ thể.

     So sánh chung theo tính đồng nhất, tính giống nhau và tính khác nhau. Trong tiếng Anh, người ta sử dụng same, equal, identical, identically như những yếu tố chỉ dự đồng nhất giữa hai vật thành một. Có thể nói rằng chung, cùng, v.v. được xem như những từ tiếng Việt tương đương với yếu tố chỉ sự đồng nhất trong tiếng Anh. Tuy nhiên, chung và cùng mang nghĩa liên kết trong phạm vi câu chứ không phải trong phạm vi văn bản như trong tiếng Anh. Tuy nhiên, such, similar, so, similarly, likewise là những yếu tố chỉ sự giống nhau của hai vật, hai sự việc. Trong trường hợp này người Việt dùng các từ tương tự, tương tự như, như nhau, v.v. Trong tiếng Anh, những từ chỉ sự khác nhau bao gồm other, another, different, else, và otherwise. Trong tiếng Việt, những cách dùng tương đương là “danh từ + khác” hoặc “danh từ + khác nhau”.

     So sánh cụ thể theo số lượng và theo chất lượng. As, more, fewer, further, additional, v.v. là những từ để so sánh về số lượng trong tiếng Anh. Còn người Việt thường sử dụng hình thức “danh từ + nữa”, “ít + danh từ + hơn”, nhưbằng, v.v. Trong khi đó, những từ ngữ dùng để so sánh chất lượng là better, equally good, v.v. Khác với tiếng Anh, trong tiếng Việt, Trần Ngọc Thêm (1985) cho rằng quy chiếu so sánh về chất lượng chỉ xảy ra trong cụm động từ với những yếu tố điển hình sau: cũng, lại, còn. Như vậy sự giống nhau giữa hai ngôn ngữ trên lĩnh vực so sánh về chất lượng là vị trí từ để so sánh đều nằm trước từ nó bổ nghĩa; chỉ khác nhau ở chỗ trong tiếng Anh chúng bổ nghĩa cho tính từ hay danh từ, trạng từ nhưng trong tiếng Việt, chúng bổ nghĩa cho động từ.

3. Kết quả nghiên cứu

     Phép quy chiếu của đoạn văn giải thích trong tiếng Việt và tiếng Anh được sử dụng một cách không đồng đều giữa các loại và giữa hai ngôn ngữ, thể hiện qua bảng 1 dưới đây:

Bảng 1. Chỉ số sử dụng phép quy chiếu trong đoạn văn giải thích

  Quy chiếu
nhân xưng
Quy chiếu
chỉ định
Quy chiếu
so sánh
Tổng số
các quy chiếu
Tiếng Anh 327 (45,74%) 313 (43,77%) 75 (10,49%) 715 (100%)
Tiếng Việt 215 (66,77%) 77 (23,91%) 30 (9,32%) 322 (100%)

     Nhìn chung, số lượng yếu tố của phép quy chiếu được sử dụng trong đoạn văn giải thích trong tiếng Anh gấp 2 lần trong tiếng Việt. Bảng 1 cho thấy sự chênh lệch giữa các loại quy chiếu trong hai ngôn ngữ về cơ bản giống nhau, cao nhất là quy chiếu chỉ ngôi rồi đến quy chiếu chỉ định và cuối cùng là quy chiếu so sánh. Nhưng khi đi vào cụ thể thì tỷ lệ phần trăm của các phép quy chiếu trong tiếng Anh và tiếng Việt thì chúng chênh lệch nhau rất lớn; hay nói cách khác, khoảng cách chênh lệch giữa quy chiếu nhân xưng và quy chiếu chỉ định, quy chiếu so sánh là không hoàn toàn giống nhau giữa hai ngôn ngữ.

     Liên quan đến các tiểu loại trong ba phép quy chiếu trên, ta thấy trong nhóm quy chiếu nhân xưng, “đại từ nhân xưng” trong tiếng Việt cao hơn trong tiếng Anh với tỉ lệ phần trăm lần lượt là 69,77%% và 58,71%.

Bảng 2. Chỉ số sử dụng phép quy chiếu nhân xưng trong đoạn văn giải thích

  Đại từ nhân xưng Tính từ sở hữu Đại từ sở hữu Tổng quy chiếu nhân xưng
Tiếng Anh 192 (58,71%) 132 (40,37%) 3 (0,92%) 327 (100%)
Tiếng Việt 150 (69,77%) 65 (30,23%) 0 (0%) 215 (100%)

     Cụ thể hơn, trong tổng 327 quy chiếu nhân xưng trong tiếng Anh có 192 đại từ nhân xưng thường được dùng để tạo sự liên kết với danh từ trước đó. Khảo sát cho thấy rằng “they”- “them” được dùng phổ biến nhất (22,63%), tiếp đến là “he” – “him”(9,18%), “it”, “we” – “us”, “I” -“me”, “you” và cuối cùng là “she”, “one”. Ví dụ:

“ … American spend a lot of money on their pets. They feed them expensive food with flavors that people like such as beef, chicken, liver and cheese.”

(Alice Oshima & Ann Hogue. Introduction to Academic Writing. Tr. 117.)

“…What would happen to an old man who has a heartstroke and whose family live in an apartment on the ninth floor of a flat block not equipped with any telephones? How could he get first-aid care?”

(Alice Oshima & Ann Hogue. Introduction to Academic Writing. tr. 153)

“… My ninety-year-old neighbor, having gained the sympathy of neighbours, often collected groceries and money from them. She dressed shabbily and lived in an old deteriocited house.”

(Regina L.Smalley & Mary K. Ruetten. Refining Composition Skills. Tr. 230.)

      Trong tiếng Việt, đại từ nhân xưng điểm xa được sử dụng với tỷ lệ phần trăm cao nhất (43,72%) và một cách không đồng đều. Đặc biệt, đại từ nhân xưng điểm xa đứng trước tên riêng nhiều hơn so với đại từ nhân xưng điểm xa đứng độc lập. Ví dụ:

Ở anh Trỗi, mối tình của anh với chị Quyên thật là đẹp. Anh rất yêu quý vợ.” (18.60%)

(Nxb Giáo dục phổ thông cấp III. Những bài văn chọn lọc. Tr. 196.)

Văn Nam Cao, ngay những tác phẩm đầu, đã thực sự sắc sảo. Anh nhìn sâu vào sự thật một cách sắc cạnh, nhiều khi mỉa mai. Không vuốt ve ngay bản thân mình và giai cấp mình như một vài nhà văn tiểu tư sản tìm an ủi trong một triết lý hàng chục chế độ đương thời, anh tạo được những điển hình giai cấp thật sống và cảm động. Trong lúc văn lãng mạn tư sản đã xa rời lời ăn tiếng nói của nhân dân, viết lai Tây như văn dịch, càng ngày càng trống rỗng, hình thức, anh đã tạo cho mình một lối văn mới, đậm đà bản sắc bình dân, nhưng không rơi vào chỗ thô tục.” (4,65%)

(Trần Thanh Đạm, Nguyễn Xuân Bá, Lương Duy Cán, Hoàng Lân. Làm văn 12. Tr. 122.)

     Tiếp theo là đại từ nhân xưng điểm gốc, chiếm 23,26%. Loại đại từ nhân xưng điểm gần rất hiếm gặp trong đoạn văn giải thích tiếng Việt, chỉ 2,79%.

     Tần suất xảy ra của “Tính từ sở hữu” và “đại từ sở hữu” thì ngược lại, trong tiếng Việt thấp hơn trong tiếng Anh, thậm chí “đại từ sở hữu” không xảy ra trong tiếng Việt. Chi tiết hơn, trong tiếng Anh 40,37% các yếu tố tính từ sở hữu được sử dụng phân bố như sau: their (23,24%), his (8,26%), our (4,89%), my (1,22%), your (1,22%), her (0,92%), its (0,62%), one’s (0%). Trong 30,23% các yếu tố tính từ sở hữu trong tiếng Việt, yếu tố điểm xa xảy ra nhiều nhất, tiếp theo là điểm gốc và cuối cùng là điểm gần.

     Nhóm quy chiếu chỉ định thì cao nhất là “chỉ định danh từ” nhưng trong tiếng Anh thành phần phần trăm cao hơn, và tiếp theo và cũng là cuối cùng “chỉ định trạng từ” rất hiếm được sử dụng thể hiện cụ thể trong bảng 3 dưới đây.

Bảng 3. Chỉ số sử dụng phép quy chiếu chỉ định trong đoạn văn giải thích

  Chỉ định
danh từ
Chỉ định
trạng từ
Tổng số
các quy chiếu chỉ định
Tiếng Anh 307 (98,08%) 6 (1,92%) 313 (100%)
Tiếng Việt 73 (94,80%) 4 (5,20%) 77 (100%)

     Trong tiếng Anh, chỉ định danh từ chiếm 98,08% trong khi chỉ định trạng từ chỉ chiếm 1,92%. Hơn nữa, chỉ định danh từ chủ yếu được dùng là “THE” (81,47%); điều này hoàn toàn không có trong tiếng Việt. Ví dụ:

The biggest reason our college does not want to sponsor soccer is finance. The money in the budget is not sufficient for two teams, and to be fair there must be a team of men and a team of women.

(Carolyn M. Spenncer & Beverly Arbon. Foundations of writing. Tr. 158.)

     Nhóm thứ ba là quy chiếu so sánh thì số lượng sử dụng của nó trong đoạn văn giải thích trong hai ngôn ngữ rất hạn chế, đứng đầu là so sánh chung rồi tới so sánh cụ thể.

Bảng 4. Chỉ số sử dụng phép quy chiếu so sánh trong đoạn văn giải thích

  So sánh chung So sánh cụ thể Tổng số
các quy chiếu so sánh
Tiếng Anh 60 (80,00%) 15 (20,00%) 75 (100%)
Tiếng Việt 28 (93,33%) 2 (6,67%) 30 (100%)

      Hơn nữa, trong số 75 quy chiếu chỉ định danh từ đếm được trong tiếng Anh, 80% thuộc về so sánh chung và 20% so sánh cụ thể. Trong tiếng Việt, tần số xảy ra của quy chiếu này chỉ bằng xấp xỉ một nửa trong tiếng Anh. Đặc biệt, chỉ có 2 từ chỉ so sánh cụ thể. Như vậy, mức độ sử dụng các từ, ngữ chỉ sự quy chiếu không đồng đều trong đoạn văn giải thích; tuy nhiên, điều cần thiết là chúng ta phải hiểu cách dùng của chúng để dùng một cách linh hoạt, đa dạng và có hiệu quả.

4. Kết luận

Tóm lại, từ những điều phân tích và cứ liệu về lượng trên, ta có thể đi đến nhận xét rằng nhìn chung tất cả các yếu tố thuộc phép quy chiếu đều xảy ra trong tiếng Việt và trong tiếng Anh, cụ thể là trong đoạn văn giải thích và ta có thể thấy rằng hai ngôn ngữ giống nhau rất nhiều nét về lĩnh vực này, nhưng khi đi vào chi tiết thì có sự khác nhau: nhiều yếu tố xuất hiện trong tiếng Anh nhưng không tồn tại trong tiếng Việt và ngược lại.

     Trước hết, về quy chiếu chỉ ngôi, bên cạnh “đại từ nhân xưng”, tính từ sở hữu” đều có trong hai ngôn ngữ thì trong tiếng Anh còn tồn tại thêm “đại từ sở hữu”. Một sự khác nhau đáng chú ý nữa là cách chọn yếu tố quy chiếu. Trong khi người Việt phải dựa vào tuổi tác, giống, địa vị xã hội, sắc thái tình cảm,… của người nói và người nghe và tình huống cụ thể như là những tiêu chuẩn cơ bản để chọn từ quy chiếu thì trong tiếng Anh người ta chỉ dựa vào tiêu chuẩn giống và số. Thêm vào đó, một số đại từ nhân xưng chẳng hạn “anh”, “chị”, v.v. có thể đứng trước tên riêng trong tiếng Việt nhưng điều này không được chấp nhận trong tiếng Anh. Hơn nữa, vị trí của tính từ sở hữu của hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau: đứng trước danh từ (trong tiếng Anh); đứng sau danh từ hoặc theo hình thức “của + đại từ nhân xưng” (trong tiếng Việt). Tuy nhiên, có một điểm chung là các đại từ nhân xưng có thể đứng một mình mà không có danh từ theo sau.

     Còn về quy chiếu chỉ định, hầu như tất cả các yếu tố đều xảy ra trong tiếng Việt và trong tiếng Anh. Tuy nhiên, trong tiếng Anh thì chỉ định danh từ có hình thức số nhiều, số ít nhưng trong tiếng Việt người ta dùng hình thức “những + danh từ + từ chỉ định” cho từng trường hợp số nhiều. Thêm vào đó, THE chỉ xuất hiện trong tiếng Anh và không có hình thức tương đương trong tiếng Việt.

     Điều khác thú vị nhất giữa hai ngôn ngữ nằm trong phần quy chiếu so sánh. Trong tiếng Anh người ta so sánh để bổ nghĩa cho danh từ, tính từ hay trạng từ thì trong tiếng Việt ta chỉ so sánh để bổ nghĩa cho động từ.

     Trên đây là tất cả những tìm hiểu của chúng tôi về sự giống nhau và khác nhau của phép quy chiếu trong đoạn văn giải thích tiếng Việt và tiếng Anh. Tuy nhiên, những kết luận này không mang tính khẳng định, mà chỉ là những giả thuyết gợi ý cho những nghiên cứu tiếp theo về phép quy chiếu trong lĩnh vực rộng hơn và sâu hơn.

___________
(1) Trong phạm vi bài nghiên cứu này, với tiếng Anh, chúng tôi muốn nói đến tiếng Anh chung, không có sự phân biệt tiếng Anh của Mỹ, của Anh hay của Úc, v.v

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Brown, G. and Yule, G., Discourse Analysis, Cambridge University Press, (1983).

2. Halliday, M.A.K. and Hasan, Ruquaiya, Cohesion in English, Longman Publisher, (1976).

3. Halliday, M.A.K., An introduction to F.G., London: Armold, (1985).

4. Lê Khánh Sằn, Nguyễn Ngọc Hóa, Tập làm văn 9, Nxb Giáo dục, (1985).

5. Nguyễn Hữu Quỳnh, Tiếng Việt hiện đại, Nxb Giáo dục, (1994).

6. Oshima, Alice and Hogue, Ann, Writing Academic English, AddisonwesleyPublishing Company, (1998).

7. Quirk, Randolph and Greenbaun, Sydney, A university Grammar of English, The Australian Government, (1976).

8. Rajamanikan, Fernando, A collection of 556 essays and writings for all purposes, topics and levels, University of Cambridge, (1996).

9. Trần Ngọc Thêm, Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Nxb khoa học xã hội Hà nội, (1985).

10. Trần Thanh Đạm, Nguyễn Sử Bá, Lương Duy Cán, Hoàng Lân, Làm văn 12, Nxb Giáo dục, (1985).

Nguồn: Tạp chí Khoa học – Trường ĐH Quy Nhơn, ISSN: 1859-0357,
Tập 11, Số 2, 2017, Tr.21-27

Post by: admin
31-07-2021