Lý luận văn học

Các lí thuyết diễn ngôn hiện đại: kinh nghiệm phân loại -O.F. Rusakova


15-10-2020

Suốt cả thế kỉ XX, các khoa học nhân văn bị hiện tượng ngôn ngữ hút hồn. Nói theo Richard Rorty, “ngôn ngữ chiêu mộ thế giới” và, tất nhiên, tri thức đáng tin cậy nhất về thế giới đã được mã hoá trong ngôn ngữ. Nghiên cứu ngôn ngữ là chìa khoá để nghiên cứu con người và thế giới. Định đề này được ghi nhớ như là cơ sở phương pháp luận của các khoa học xã hội khác nhau và được trao cho danh hiệu “bước ngoặt ngôn ngữ học”. Từ cuối những năm 1960, trước tiên, nhờ hệ thống thuật ngữ và tư tưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại và kí hiệu học được quảng bá rộng rãi trong giới học thuật, “bước ngoặt ngôn ngữ học” biến thành “bước ngoặt diễn ngôn”.

Sự thâm nhập mạnh mẽ của phân tích – diễn ngôn vào khoa học nhân văn và chính trị - xã hội học không thể không dẫn tới sự bùng nổ dữ dội của các lí thuyết diễn ngôn khác nhau, nền móng của những lí thuyết này là các quan niệm về thế giới và phương pháp luận cụ thể trong việc giải thích bản thân khái niệm diễn ngôn, là những truyền thống nghiên cứu khác nhau, là phương thức giải thích và mô tả các thực tiễn diễn ngôn cùng cấu trúc và chức năng của chúng.

Ngày nay, lĩnh vực nghiên cứu có tên gọi “lí thuyết diễn ngôn” là một trong những khuynh hướng đang phát triển mạnh mẽ nhất trong các khoa học xã hội hiện đại. Chứng cớ là hàng năm, số lượng các ấn phẩm, các hội thảo khoa học, các giáo trình đại học, các luận văn, luận án dành cho những lĩnh vực khác nhau trong việc vận dụng các lí thuyết diễn ngôn và phân tích - diễn ngôn đang không ngừng tăng lên.

Ở thời điểm hiện nay, trong phạm vi khoa học hàn lâm, đã thấy xuất hiện các trường phái và khuynh hướng khởi xướng nhiều mô hình lí thuyết diễn ngôn và phương pháp ứng dụng phân tích - diễn ngôn độc đáo. Ở đây, những ai quan tâm theo dõi các quá trình diễn ra trong lĩnh vực nghiên cứu - diễn ngôn hiện đại đều có nhu cầu tiến hành điều tra, khảo sát, tìm hiểu một cách tổng thể và hệ thống vô số lí thuyết - diễn ngôn dưới hình thức nghiên cứu so sánh và phân loại.

Trong các công trình nghiên cứu ở thời gian gần đây, thấy xuất hiện nhiều ý đồ phân loại và hệ thống hoá các lí thuyết diễn ngôn và phân tích - diễn ngôn hiện có theo những cách khác nhau. Nhìn từ khía cạnh phương pháp luận được đề xướng, có lẽ thú vị nhất là cách phân loại của Teun A. Van Dijk, Jacob Torfing, Marianne Jorgensen và Louise Phillips.

1.     Cách phân loại của Van Dijk

        Teun Adrianus van Dijk 

Cơ sở phân loại các lí thuyết diễn ngôn của Van Dijk là hướng tiếp cận khoa học – nguồn được ông trình bày trong bài giới thiệu cho tập I của bộ sách bốn tập do ông làm chủ biên: Cẩm nang về phân tích - diễn ngôn (1985)[1].

Trong bài viết nói trên, Van Dijk trình bày phân tích - diễn ngôn như một khoa học liên ngành, sự phát triển của nó gắn với việc mở rộng phạm vi đối tượng nghiên cứu, với việc vận dụng tất cả các môn khoa học mới vào nghiên cứu diễn ngôn, rốt cục, điều đó sẽ dẫn tới quá trình hình thành các xu hướng phân ngành phân tích - diễn ngôn khác nhau trong khoa học xã hội và nhân văn. Ngoài ra, Van dijk xem việc mở rộng phạm vi đối tượng của phân tích - diễn ngôn là kết quả của các tiến trình tích hợp liên ngành.

Theo Van Dijk, quá trình mở rộng phạm vi đối tượng nghiên cứu kéo theo việc ứng dụng quan điểm phương pháp luận mới mẻ được vay mượn từ các bộ môn khoa học khác vào lí thuyết diễn ngôn.

Van Deijk cho rằng sự hình thành phân tích - diễn ngôn như một môn khoa học mới được bắt đầu từ việc vận dụng các phương pháp của ngôn ngữ học cấu trúc trong quá trình nghiên cứu các tác phẩm văn học và huyền thoại văn hoá. Theo ông, có thể xem Hình thái học truyện cổ tích thần kì (1928) của Vladimir Propp và các công trình nghiên cứu cấu trúc huyền thoại nguyên thuỷ của Levi-Strauss vào những năm 30 của thế kỉ XX là những kinh nghiệm sơ khởi.

Van Dijk gắn sự xuất hiện của những công trình chuyên biệt đầu tiên về lí thuyết và thực hành phân tích - diễn ngôn với việc xuất bản ở Pháp các tuyển tập “Communications 4” và  “Communications 8”[2]. Những công trình vận dụng ngôn ngữ học và ngữ nghĩa học vào văn học của Todorov, những công trình đầu tiên của Barthes, Eco và nhiều tác giả khác về kí hiệu học và lí thuyết kí hiệu học được công bố trong các tuyển tập trên. Nhờ kết hợp phân tích cấu trúc với phân tích kí hiệu học, phạm vi đối tượng của phân tích - diễn ngôn được mở rộng sang việc nghiên cứu sản phẩm văn hoá và giao tiếp đại chúng (điện ảnh, quảng cáo, hoạt động tự xuất bản, mốt và các lĩnh vực khác).

Đồng thời, vào những năm 60 của thế kì XX, bắt đầu diễn ra sự phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực ngôn ngữ học mới mà kết quả của nó là dẫn tới sự xuất hiện các lí thuyết diễn ngôn của ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học nhân chủng, ngôn ngữ học văn hoá xã hội… (Broun, Bernsnein, Gumperz, Bright…). Dưới ánh sáng của ngôn ngữ học mới, đối tượng của phân tích - diễn ngôn được mở rộng sang lĩnh vực nghiên cứu phong cách văn hoá, nghệ thuật lời nói, các hình thức chỉ dẫn, nghiên cứu bối cảnh xã hội và bối cảnh văn hoá của các dạng giao tiếp khác nhau: đàm thoại, quảng cáo, bản tin (Halliday, Leech, Crystall).

Ở phần cuối bài tổng quan trình bày ngắn gọn quá trình hình thành của phân tích - diễn ngôn, Van Dijk rút ra một loạt kết luận khái quát. Thứ nhất, lúc đầu, hứng thú thực hành phân tích - diễn ngôn một cách có hệ thống là chủ trương của cấu trúc luận gắn với việc vận dụng quan điểm phương pháp luận cấu trúc trong các công trình nghiên cứu ngôn ngữ học và nhân chủng học. Đố tượng nghiên cứu ở đây không chỉ là huyền thoại và các thể loại dân gian, mà còn là hoạt động tương tác của lễ nghi. Thứ hai, vào những năm 1960, phân tích - diễn ngôn được làm phong phú thêm nhờ các phương pháp kí hiệu học được đưa vào nghiên cứu văn bản, nghiên cứu các phương thức giao tiếp đại chúng và các sự kiện giao tiếp. Thứ ba, sự xuất hiện của các khuynh hướng nghiên cứu mới trong phạm vi ngôn ngữ học thúc đẩy phân tích - diễn ngôn tiếp tục phát triển cả trong lẫn ngoài phạm vi ngôn ngữ học.

Theo Van Dijk, đến giai đoạn 1972 – 1974, phân tích - diễn ngôn đạt tới vị thế của một khoa học độc lập. Vào những năm 1970, thấy xuất hiện những chuyên luận đầu tiên và những công trình tập thể dành hoàn toàn hoặc một phần cho phân tích - diễn ngôn như một lĩnh vực tri thức liên ngành.

Vào những năm 1970, trong lĩnh vực ngôn ngữ học xã hội, xuất hiện các loại lí thuyết về diễn ngôn thường nhật, diễn ngôn đàm thoại (Labov, Sacs, Schegloff, Jefferson), còn trong lĩnh vực triết học ngôn ngữ, xuất hiện lí thuyết hành vi lời nói (Austin, Grice, Searle), với loại lí thuyết này, sự chú ý được tập trung vào các chiều kích ngoài ngôn ngữ của diễn ngôn mà cụ thể là ý đồ của người nói, đức tin, định hướng giá trị và quan hệ giữa người nói và người nghe.

Đồng thời, diễn ngôn thường nhật trở thành đối tượng nghiên cứu của các bộ môn xã hội học mới: xã hội học vi mô và xã hội học hiện tượng luận (Goffman, Garfinkel…). Ngôn ngữ tự nhiên và tự phát trong giao tiếp đàm thoại bắt đầu được nghiên cứu qua lăng kính của ngữ dụng và các tình huống xã hội. Phân tích - diễn ngôn  tiếp thụ thêm yếu tố đối thoại và yếu tố tình huống trong sự đo lường (phân tích - diễn ngôn tình huống biến hoán). Đối tượng quan tâm là diễn ngôn đối thoại được thể thức hoá thuộc các loại khác nhau, ví như hội thoại của học sinh các lớp trong nhà trường phổ thông (Sinclair và Coulthard).

Theo Van Dijk, vào những năm 1970, chí ít là con hai bộ môn nữa từng có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển các lí thuyết mới về diễn ngôn. Đó là tâm lí học tri nhận và tin học. Sự phát triển của tâm lí học tri nhận dẫn tới sự ra đời cảu các loại lí thuyết diễn ngôn của tâm lí học, hoặc tâm lí học diễn ngôn (Kintsch, Bower, Rumelhart, Charniak). Sự phát triển của tin học giúp phân tích - diễn ngôn trở nên giàu có thêm bằng thiết bị phân loại có khả năng mô tả sự tái hiện tri thức trong trí nhớ nhân tạo.

          Trong vòng mươi năm tiếp theo (1974 – 1985), theo Van Dijk, sự liên kết khoa học được tăng cường trong lĩnh vực phân tích - diễn ngôn. Tiến trình liên ngành trong nghiên cứu diễn ngôn trở thành tiến trình đơn nhất và tự trị. Phân tích - diễn ngôn hoá thành một siêu khoa học, ngày càng có thêm nhiều đối tượng mới bị cuốn vào không gian nghiên cứu của nó. Phân tích - diễn ngôn thâm nhập vào không gian tư pháp, biến các tài liệu tư pháp có bản chất văn bản và đối thoại thành đối tượng nghiên cứu của mình. Việc nghiên cứu giao tiếp đại chúng tiến triển từ phân tích - nội dung sang phân tích - diễn ngôn phức tạp hơn ở các văn bản - truyền thông, diễn từ - truyền thông ngày càng phức tạp hơn. Cũng như trong kí hiệu học, ở đây, không chỉ các diễn ngôn bằng lời, mà còn cả các diễn ngôn thị giác, ví như ảnh chụp, phim, truyện tranh, cũng trở thành đối tượng phân tích hệ thống. Tâm lí học lâm sàng vươn tới nghiên cứu diễn ngôn điều trị, tâm lí học xã hội nghiên cứu sự  tác động qua lại giữa các phương diện xã hội và tri nhận trong giao tiếp động cơ, phân tích tác động qua lại bằng lời nói gián tiếp qua diễn ngôn.

Van Dijk cho rằng, từ giữa những năm 1980, phân tích - diễn ngôn bước vào giai đoạn phát triển theo hướng chuyên môn hoá trong nội bộ chuyên ngành. Bắt đầu xuất hiện các lí thuyết diễn ngôn chuyên ngành, ví như lí thuyết diễn ngôn tư tưởng hệ, lí thuyết diễn ngôn dân tộc học, lí thuyết diễn ngôn của nhóm xã hội thiểu số, lí thuyết diễn ngôn của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc… Một trong những khuynh hướng rộng lớn và nhiều cành nhánh nhất là phân tích - diễn ngôn. Trong những năm cuối đời, bản thân Van Dijk cũng tập trung vào vào lĩnh vực nghiên cứu diễn ngôn tư tưởng hệ.

2.     Sự phân loại các lí thuyết diễn ngôn của  Jacob Torfing[3]

                 Jacob Torfing

J. Torfing cho rằng, sự xuất hiện của lí thuyết diễn ngôn vào cuối những năm 1970 là một sự phản ứng tinh thần nào đấy trước tình trạng khủng hoảng trong nghiên cứu lí thuyết của những cánh “tân tả” theo hình mẫu năm 1968, trước sự phê bình lí thuyết ngôn ngữ, văn hoá và xã hội của chủ nghĩa cấu trúc, cũng như phản ứng trước sự khủng hoảng của chủ nghĩa Mác đang từ bỏ quan điểm của mình khi đối mặt với sức mạnh tư tưởng hệ đang lên của chủ nghĩa tân tự do và tân bảo thủ. Mục đích cơ bản của lí thuyết diễn ngôn là mở rộng viễn cảnh cho sự phân tích kiểu mới trong việc nghiên cứu các phương thức kiến tạo căn tính xã hội, chính trị và văn hoá. Tính đa trị và sự cởi mở của các lí thuyết diễn ngôn mới có sức hấp dẫn đối với phần đông giới nghiên cứu, những học giả tìm thấy ở đó một sơ đồ làm việc không giáo điều để phát triển nhữg xu hướng khoa trí tuệ mới dựa trên nền tảng trực giác hậu cấu trúc luận và chủ nghĩa hậu hiện đại.

Lí thuyết diễn ngôn được trình bày trong các truyền thống nghiên cứu, các bộ môn khoa học và các quan niệm bản thể luận khác nhau. Theo J. Torfing, hậu cấu trúc luận là trào lưu có ảnh hưởng lớn nhất, trào lưu đề xuất một hướng kiến giải cụ thể về lí thuyết – diễn ngôn. Ông khẳng định, truyền thống phân tích - diễn ngôn hậu cấu trúc luận có tác động to lớn tới các khoa học chính trị. Nhìn chung, lí thuyết diễn ngôn góp phần đổi mới theo tinh thần phê phán kho vũ khí phương pháp luận của nhiều bộ môn khoa học, bao gồm lí thuyết quan hệ quốc tế, lí thuyết bản sắc châu Âu, hành chính công, phân tích truyền thông đại chúng, địa văn hoá luận và đô thị luận.

J. Torfing chỉ ra, lí thuyết diễn ngôn đã thuyết phục nhiều lí thuyết gia hàng đầu chú ý tới một loạt vấn đề, ví như vấn đề hệ hình tri thức, sự hình thành căn tính, hay sự kiến tạo diễn ngôn cho các chuẩn mực, giá trị và các biểu tượng đã kết tụ. J. Torfing khái quát, lí thuyết diễn ngôn xuất hiện như là sự gặp gỡ của các ngành khoa học ở ý đồ liên kết các quan điểm cốt lõi của ngôn ngữ học và thông diễn học với những tư tưởng then chốt của khoa học xã hội và khoa học chính trị. Ý đồ đó được khuyến khích bởi sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa ngôn ngữ học và chính trị học trong quá trình biến đổi xã hội. Các sự kiện xã hội và chính trị làm thay đổi kho từ vựng của chúng ta, còn sự đổi mới của ngôn ngữ học và tu từ học lại tạo điều kiện thuận lợi cho sư vận động của các chiến lược và dự đồ chính trị mới. Cách nhìn vấn đề như thế là kết quả nghiên cứu phân tích ở giai đoạn cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980.

Chuẩn mực cơ bản được J. Torfing sử dụng để phân loại các lí thuyết diễn ngôn hiện hữu là cung độ lí giải diễn ngôn trong dải tần từ lí thuyết văn bản của ngôn ngữ học đến hậu cấu trúc luận. Ứng với mức độ mà sự giải thích diễn ngôn vượt ra ngoài giới hạn bó hẹp trong quan điểm ngôn ngữ học để tiến lại gần với quan niệm hậu cấu trúc luận cực kì rộng rãi về diễn ngôn như một phương thức kiến tạo thế giới, J. Torfing phân biệt ba thế hệ lí thuyết diễn ngôn, hay ba truyền thống phân tích - diễn ngôn.

Các lí thuyết diễn ngôn của thế hệ thứ nhất giải thích diễn ngôn đóng khung trong ý nghĩa ngôn ngữ học, mà cụ thể là xác định diễn ngôn như một đơn vị văn bản của ngôn ngữ hội thoại hoặc hoặc ngôn ngữ viết, trọng tâm chú ý được nhắm vào các đặc điểm của văn bản khẩu ngữ và văn bản viết. Về cơ bản, lí luận diễn ngôn của thế hệ thứ nhất tập trung phân tích đặc điểm ngôn ngữ của các cá nhân tác giả, hay là các “cá nhân ngôn ngữ” có tính đến quan điểm xã hội của họ. Chẳng hạn, xã hội học ngôn ngữ phân tích quan hệ giữa hoàn cảnh kinh tế xã hội của người nói và vốn từ vựng của anh ta (Douns, 1984). Hàng loạt lí thuyết tâm lí học diễn ngôn ra đời trên cơ cở lí thuyết hành động lời nói, một lí thuyết phát triển trong khuôn khổ của tâm lí học phân tích hướng sự chú ý vào chiến lược của người nói trong quá trình hội thoại được J. Torfing liệt vào thế hệ thứ nhất này (Labov, Franchel, 1977; Potter, Wetherell, 1987).

Đồng thời, cũng như tâm lí học diễn ngôn dừng lại ở việc phân tích ngôn ngữ hội thoại, các nhà ngôn ngữ học phê bình (Fowler, 1979) nới rộng phạm vi khảo sát diễn ngôn sang nghiên cứu các phương thức biểu đạt hiện thực mang tính cạnh tranh đồng thời trong cả ngôn ngữ hội thoại và ngôn ngữ viết. Dựa vào quan niệm về nguồn gốc tư tưởng hệ của Pêcheux (Michel Pêcheux, 1982), các nhà ngôn ngữ học phê bình tập trung chú ý vào chỗ: sự lựa chọn một diễn ngôn nào đó như một phương thức biểu đạt, bao gồm cả ngôn ngữ và phong cách, bao giờ cũng mang tính tư tưởng hệ.

Thiên hướng ngôn ngữ học của các lí thuyết diễn ngôn thuộc thế hệ thứ nhất, theo J. Torfing, đã dẫn tới chỗ, ý đồ gắn chặt phân tích diễn ngôn với phân tích chính trị học và đấu tranh chính trị đã không được thể hiện rõ nét trong sự phân tích hội thoại của xã hội học ngôn ngữ. Trong khi đó, việc tập trung chú ý vào chiến lược của người nói trong tâm lí học diễn ngôn và các biến thái tư tưởng hệ lại cho phép tiến hành phân tích hiệu quả áp đảo của các hình thức diễn ngôn khác nhau. Đáng tiếc là trong các lí thuyết - diễn ngôn của thế hệ thữ nhất, kì vọng này không thấy có sự tiến triển xa hơn về mặt lí luận.

J. Torfing cho rằng, các lí thuyết diễn ngôn của thế hệ thứ hai giải thích diễn ngôn rộng hơn nhiều, chứ không không giới hạn lãnh địa của nó ở ngôn ngữ hội thoại và ngôn ngữ viết. Phạm vi đối tượng của phân tích - diễn ngôn được mở rộng sang nghiên cứu các hoạt động thực tiễn xã hội.

Cả một mảng rộng lớn các công trình nghiên cứu gắn kết với nhau dưới tên gọi “phân tích - diễn ngôn phê bình” được Torfing xếp vào thế hệ thứ nhất của lí thuyết diễn ngôn. Nhà nghiên cứu chủ chốt của xu hướng này là Norman Fairclough, người lấy cảm hứng từ những công trình phân tích diễn ngôn của Michel Foucault, xem diễn ngôn là một trong số các phương thức xác lập quyền lực, điều chỉnh quan hệ tòng thuộc của các vai xã hội.

Trong  phân tích - diễn ngôn phê bình, diễn ngôn được xem là tổng thể các hoạt động thực tiễn xã hội có nội dung kí hiệu học. Tất cả các thực tiễn gián tiếp mang tính ngôn ngữ học, cũng như những hình ảnh và cử chỉ có thể xẩy ra và diễn giải từ phía các vai xã hội đều được các lí luận gia của phân tích - diễn ngôn phê bình xếp vào thực tiễn diễn ngôn. Các giai cấp xã hội và các nhóm sắc tộc tạo ra những diễn ngôn có ý nghĩa tư tưởng hệ nhằm xác lập và duy trì bá quyền của mình, cũng như nhằm mục đích thay đổi thực tại. Do đó, thực tiễn diễn ngôn không chỉ tái tạo trật tự xã hội và trật tự chính trị, mà còn góp phần vào quá trình làm biến đổi xã hội. Bởi vậy, phân tích - diễn ngôn phê bình thể hiện rất rõ hiệu quả quyền lực của diễn ngôn.

Đồng thời, theo J. Torfing, phân tích - diễn ngôn phê bình chưa giải đáp câu hỏi: giữa diễn ngôn và ngữ cảnh phi diễn ngôn của nó có quan hệ như thế nào? Diễn ngôn được quy về sự hoà giải ngôn ngữ học dành cho các sự kiện chịu sự chế định của những sức mạnh và cơ chế nhân quả, những cấu trúc xã hội tồn tại tự do không lệ thuộc vào diễn ngôn. Torfing cho rằng, hướng tiếp cận như vậy đã làm cho sức mạnh giải thích của phân tích - diễn ngôn trong lí thuyết của phân tích - diễn ngôn phê bình bị giảm giá trị. Những lí thuyết này đã xa rời quan điểm của Foucault, người từng cho rằng, mọi thực tiễn xã hội đều là thực tiễn diễn ngôn, hiểu theo nghĩa, chúng được mô tả bởi những luật lệ kiến tạo ra chúng, những luật lệ luôn thay đổi theo thời gian và không gian văn hoá – lịch sử.

Với trung tâm chú ý là các hoạt động thực tiễn xã hội và chính trị, thế hệ thứ ba của lí thuyết diễn ngôn thể hiện rõ đặc điểm của hậu cấu trúc luận. Theo tinh thần hậu cấu trúc luận, khái niệm diễn ngôn được mở rộng thành  một phạm trù xã hội phổ quát. Diễn ngôn được giải thích như là phạm trù đồng nghĩa với thực tiễn kiến tạo xã hội. Công thức rộng nhất của Jacques Derrida được người ta chọn làm cơ sở: “Tất cả đều là diễn ngôn”. Nguồn mạch tri thức của phân tích - diễn ngôn hậu cấu trúc luận là những công trình của Roland Barthes, Julia Kristeva, Jacques Lacan, trong đó, diễn ngôn được xem là tổng thể các thực tiễn xã hội mà mọi ý nghĩa và tư tưởng đều được kiến tạo và tái tạo trong khuôn khổ của nó.

Quan niệm diễn ngôn của hậu cấu trúc luận tương đồng với khái niệm ngôn ngữ của Richard Rorty và khái niệm giao tiếp của Nicholas Luckmann.

Nguồn mạch tri thức của lí thuyết diễn ngôn hậu trúc luận còn là những tư tưởng hậu marxiste của Louis Althusser và Antonio Gramsci.

Trong khoa học chính trị, lí thuyết diễn ngôn hậu cấu trúc luận được phát triển độc đáo qua các công trình của Ernesto Laclau và Chantal Mouffe.

Qua phân tích so sánh quan niệm về diễn ngôn của thế hệ thứ hai và thế hệ thứ ba, J. Torfing chỉ ra, khác với các vị đại diện của phân tích - diễn ngôn phê bình, các nhà lí luận diễn ngôn hậu cấu trúc luận, mà đại biểu là Ernesto Laclau và Chantal Mouffe, đã bác bỏ bản thể luận tự nhiên chủ nghĩa chứa đựng tư tưởng cho rằng, theo cách nào đó, diễn ngôn chịu sự quy định của các sức mạnh ngoài diễn ngôn ở cấp độ kinh tế học và thiết chế nhà nước. Họ không tán thành quan điểm cho rằng, các hiện tượng có vẻ phi diễn ngôn, ví như kĩ nghệ, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các quan hệ kinh tế được tổ chức theo một cách khác nào đó, không tham gia vào các thực tiễn diễn ngôn. Họ xem diễn ngôn là thuộc tính của mọi hoạt động xã hội và mọi hoạt động thiết chế hoá xã hội.

Torfing sáng tạo ra phân tích - diễn ngôn của riêng mình trên cơ sở hệ hình hậu cấu trúc luận, và như thế ông tự chứng tỏ mình thuộc thế hệ thứ ba của các nhà lí thuyết diễn ngôn.

Đặc trưng lí thuyết diễn ngôn hậu cấu trúc luận được Torfing mô tả qua việc làm nổi bật những quan điểm cơ bản có tính hệ hình của nó.

Thứ nhất, cơ sở lí lẽ của nó là bản thể luận phản – bản thể  và nhận thức luận phản – nòng cốt. Nói cách khác, nó khẳng định, không hề tồn tại một bản chất khởi nguyên, bản chất tự xác quyết, bản chất quyết định và điều chỉnh mọi quan hệ của căn tính. Không tồn tại những trung tâm siêu việt quyết định các tiến trình lịch sử và tổ chức xã hội, kiểu như Thượng đế, Lí trí, Nhân loại, Tự nhiên, hay Luật Thép của Chủ nghĩa Tư bản. Lí thuyết diễn ngôn hậu trúc luận tập trung nghiên cứu kết quả của sự cự tuyệt tư tưởng trung tâm siêu việt. Kết quả của sự cự tuyệt ấy là sự thừa nhận tính cách trò chơi đóng vai trò quyết định mọi sự đồng nhất và các ý nghĩa xã hội.

Lí thuyết diễn ngôn nói trên tán thành khẳng định của Rorty (1989), theo đó, sự thật là thuộc tính của ngôn ngữ, chứ không phải là thuộc tính của thế giới bên ngoài. Không có thực tại ngoài diễn ngôn, không có hiện thực trực quan, không có phương pháp luận và chuẩn mực khoa học có thể trở thành vật đảm bảo cho Sự thật hay Chân lí khoa học. Khái niệm sự thật bao giờ cũng có tính cục bộ và đỏng đảnh, vì nó lệ thuộc vào một quy tắc diễn ngôn nào đó, quy tắc diễn ngôn ấy xác lập cái gì là sự thật và cái gì là giả dối. Nói cách khác, sự thật là một kiến tạo diễn ngôn.

Thứ hai, trong lí thuyết diễn ngôn hậu cấu trúc luận, nổi trên bình diện thứ nhất là cái nhìn chiết trung, tuỳ theo ngữ cảnh và mang tính lịch sử nghiêm nhặt đối với sự cấu thành căn tính. Lí thuyết này khẳng định, rằng căn tính được hình thành từ quá trình vị thế hoá trong tương quan của các hiện tượng được biểu đạt khác. Chẳng hạn, ý nghĩa của khái niệm “chủ nghĩa xã hội” chỉ được bộc lộ trong tương quan với các khái niệm như “chủ nghĩa tự do”, “chủ nghĩa bảo thủ”, “chủ nghĩa phát xít”… Muốn chiếm lĩnh ý nghĩa của các khái niệm cần nghiên cứu ngữ cảnh và các phương thức diễn giải.

Thứ ba, lí thuyết nói trên khẳng định, trật tự cơ cấu của diễn ngôn không mang tính ổn định, nó thường xuyên tái cấu trúc dưới áp lực của các tiến trình chính trị và lịch sử.

Ở phần kết luận, Torfing nhấn mạnh những vấn đề có ý nghĩa lí thuyết – phương pháp luận cốt yếu đang đặt ra trước các nhà nghiên cứu diễn ngôn hiện đại. Một trong số vấn đề được nhấn mạnh ở đây là làm thế nào để tiếp tục mở rộng lĩnh vực đối tượng của phân tích - diễn ngôn bằng con đường chuyển trọng tâm nghiên cứu từ hệ vấn đề chính sách đồng nhất (chủng tộc, quốc gia, dân tộc, giới tính, dân tộc, thiểu số - tính dục) sang hệ vấn đề truyền thống của khoa học chính trị: nghiên cứu sự điều hành quốc gia, cải cách chính trị, các chiến lược và tư tưởng hệ…

 

3.     Sự phân loại lí thuyết diễn ngôn của M. Jorgensen và L. Phillips

Trong cuốn Discourse  Analysis as Theory and Method  của M. Jorgensen và L. Phillips[4], việc phân loại các lí thuyết diễn ngôn được thực hiện thông qua sự so sánh ba quan điểm lí thuyết – phương pháp luận phân tích diễn ngôn mà theo các tác giả có thể xếp chung vào cùng một lĩnh vực khoa học liên ngành: phân tích - diễn ngôn theo thuyết kiến tạo - xã hội.

Ba cách tiếp cận phân tích diễn ngôn theo quan điểm của thuyết kiến tạo xã hội[5] là: 1. Lí luận diễn ngôn của Laclau và Mouffe; 2. Phân tích - diễn ngôn phê bình và 3. Tâm lí học diễn ngôn.

Các tác giả cuốn sách khẳng định: “Nền móng của mọi hướng tiếp cận là ý niệm chung cho rằng, phương pháp giao tiếp của chúng ta không chỉ phản ánh thế giới, phản ánh cái đồng nhất và các tương quan xã hội, mà, ngược lại, còn có vai trò tích cực trong việc sáng tạo và thay đổi nó”[6].

Các tác giả đã tiến hành phân tích ba loại lí thuyết diễn ngôn trên cơ sở, thứ nhất, khám phá những đặc điểm cơ bản của thuyết kiến tạo xã hội với tư cách là siêu hệ hình nối kết cả ba lí thuyết diễn ngôn, thứ hai, làm nổi bật đặc điểm khác biệt của từng loại lí thuyết bằng cách sử dụng phương pháp định vị. M. Jorgensen và L. Phillips viết: “Mỗi hướng tiếp cận đều có tiền đề triết học và lí thuyết riêng, bao gồm quan niệm đặc biệt về diễn ngôn, thực tiễn xã hội và phê bình”[7]. Những điểm  có khác biệt lớn liên quan tới các mặt sau đây. Thứ nhất: cách giải quyết vấn đề phạm vi hoạt động của diễn ngôn: diễn ngôn tạo ra toàn bộ, hay chỉ một phần thế giới xã hội? Thứ hai: vẫn có sự khác nhau trong lời giải đáp câu hỏi: đối tượng nghiên cứu cơ bản của phân tích diễn ngôn là gì? Có loại lí thuyết chỉ phân tích diễn ngôn của dân chúng trong các quan hệ xã hội thường nhật, một loạt lí thuyết khác lại ưu tiên phân tích các loại diễn ngôn công cộng, tư tưởng hệ và hàn lâm.

Ngoài ra, còn một hướng tiếp cận phân tích diễn ngôn nữa (hướng thứ tư) cũng được cuốn sách khảo sát. Hướng phân tích diễn ngôn này hình thành trên cơ sở của thuyết kiến tạo xã hội. Có thể gọi đó là hướng tiếp cận hỗn hợp. Nó lựa chọn và liên kết các yếu tố của cả ba hướng tiếp cận khác theo một cách nào đó tạo thành một sự tổng hợp lí tưởng các lí thuyết diễn ngôn hiện đại. Trên thực tế, M. Jorgensen và L. Phillips đề xuất nên sử dụng hướng tiếp cận hỗn hợp này như  một mô hình lí thuyết phổ quát về phân tích - diễn ngôn.

Jorgensen và L. Phillips bắt đầu phân tích so sánh các lí thuyết diễn ngôn từ việc khám phá các điều kiện cơ bản, có tính tiên quyết, tạo thành nền tảng của hướng tiếp cận diễn ngôn theo quan điểm của thuyết kiến tạo xã hội. Có mấy điều kiện tiên quyết được nhấn mạnh như sau: 1. Tri thức và ý niệm của chúng ta về thế giới không phải là sự phản ánh trực tiếp thế giới bên ngoài, mà là kết quả phân loại hiện thực bằng các phạm trù; tri thức của chúng ta là sản phẩm của diễn ngôn do nó được biểu đạt bằng ngôn ngữ phân tích - diễn ngôn; 2. Các phương thức nhận thức và biểu đạt thế giới chịu sự quy định của ngữ cảnh lịch sử và văn hoá; “diễn ngôn là hình thức của hành vi xã hội dùng để mô tả thế giới xã hội (bao gồm tri thức, con người và các quan hệ xã hội)”; 3. Tri thức xuất hiện trong quá trình tương tác xã hội, ở đó con người kiến tạo chân lí, chứng minh cho nhau, cái gì là đúng đắn, cái gì là sai lầm; 4. Ứng với một thế giới quan nào đó, những loại hành vi nào đó sẽ được định hình như những hành vi tự nhiên, còn những hành vi khác thì bị cự tuyệt, quan niệm xã hội khác nhau về thế giới sẽ dẫn tới hành vi xã hội khác nhau, vì thế cấu trúc xã hội của tri thức và chân lí có những hệ quả xã hội”[8].

Theo Jorgensen và L. Phillips, cả ba hướng tiếp cận phân tích diễn ngôn từ lập trường của thuyết kiến tạo xã hội có chung một nguồn gốc. Chúng đều ra đời ngay trong lòng chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc luận. Chúng đều dựa vào cách giải thích ngôn ngữ trên quan điểm cấu trúc luận và hậu cấu trúc luận, xem ngôn ngữ là những sức mạnh kiến tạo thế giới. Đem nhãn hiệu hậu cấu trúc luận gán cho ba hướng tiếp cận trên, mức độ phù hợp hay không phù hợp sẽ nói lên sự khác nhau giữa chúng.

Jorgensen và L. Phillips cho rằng, lí thuyết diễn ngôn của Laclau và Mouffe - được trình bày trong những công trình viết chung gần đây của họ, ví như chuyên luận Hegemony and Socialist Strategy. Towards a Radical Democratic Politics (1985) và bài báo  Post-Marxism without apologies (1990) -  thể hiện sự “trung thành tuyệt đối” với hậu cấu trúc luận.

Trong những công trình này, diễn ngôn được xem là các phương thức giao tiếp và nhận thức thế giới xã hội, chúng cạnh tranh với nhau để tăng cường những ý nghĩa nào đó cho thế giới xã hội. Các diễn ngôn thường xuyên bị cuốn vào cuộc đấu tranh để giành giật vị thế chủ chốt. “Đấu tranh giữa các diễn ngôn” là từ chìa khoá của lí thuyết này.

Theo Laclau và Mouffe, mục đích của phân tích - diễn ngôn là làm thế nào để phác hoạ được các tiến trình kiến tạo hiện thực xã hội, trong đó, sẽ có những nét nghĩa nào đó được củng cố đằng sau những kí hiệu này hay kí hiệu kia; những biến đổi của quan hệ đồng nhất thường xuyên được xác lập, được tái tạo và được khắc phục. Laclau và Mouffe gọi các tiến trình này là “khớp nối”[9]. “Chúng tôi gọi khớp nối là mọi hành động xác lập quan hệ giữa các yếu tố sao cho sự đồng nhất của các kí sẽ thay đổi ở kết quả của thực tiễn khớp nối. Chúng tôi gọi toàn bộ sự thống nhất xuất hiện ở kết quả của thực tiễn khớp nối là diễn ngôn[10].

Jorgensen và L. Phillips nhấn mạnh, cách diễn giải diễn ngôn của Laclau và Mouffe rất gần với quan niệm của Saussure về cấu trúc như sự định vị các kí hiệu trong mạng lưới quan hệ. Nhưng nếu như Saussure xem cấu trúc là tổ chức tương đối bền vững, thì Laclau và Mouffe lí giải diễn ngôn như cấu trúc chưa hoàn kết, còn bỏ ngỏ để có thể thay đổi, như giải quang phổ đa biến của những khớp nối, như sự kết hợp, trong đó, ngoài ý nghĩa đã được định hình, bao giờ cũng tồn tại những dạng thức ý nghĩa tiềm ẩn khác có khả năng cải biến cấu trúc của diễn ngôn[11].

Ngoài ra, nếu Saussure xem mục đích của phân tích cấu trúc là phát hiện cấu trúc của ngôn ngữ và diễn ngôn, thì Laclau và Mouffe lại tập trung vào việc tìm hiểu cấu trúc của diễn ngôn hình thành và biến đổi thế nào. Điều này trở thành cách thức có thế có dành để phân tích các khớp nối thường xuyên sản sinh, thách thức, thay đổi ý nghĩa các thành phần cấu trúc của diễn ngôn.

Trong sự diễn giải của Laclau và Mouffe, một căn tính nào đó sẽ có được chủ thể nhờ vào sự kiến tạo thế giới xã hội bằng diễn ngôn và thực hiện các liệu pháp định vị bên trong diễn ngôn. Chủ thể là một cái gì đó, vì trong các diễn ngôn, nó đối lập với một cái gì đó.

Jorgensen và L. Phillips nhấn mạnh, theo lí thuyết của Laclau và Mouffe, cá nhân được đặt vào bên trong diễn ngôn. Chủ thể tìm thấy căn tính của mình trong các thực tiễn diễn ngôn. Theo Laclau và Mouffe, căn tính bao giờ cũng được tạo ra phù hợp với nguyên tắc về tính tương đối. Vì thế, chủ thể bao giờ cũng bị tách ra, nó có những căn tính khác nhau, bao giờ nó cũng có khả năng tìm thấy một căn tính khác. Con người liên kết với nhau thành nhiều nhóm nhờ một số căn tính có thể có nào đấy bắt đầu hoạt động như những khả năng được đa số chấp thuận và vì thế chúng được ưu tiên. Đồng thời, những dạng thức căn tính khác lại bị coi thường, bị loại ra khỏi trò chơi chính trị. Trong xu thế chủ đạo của căn tính, các nhóm xã hội có thể đại diện cho những căn tính có thể có khác sẽ thuộc về khái niệm “người khác”.

Trong quá trình đấu tranh diễn ngôn, có thể hình thành những căn tính loại trừ nhau. Điều đó sẽ dẫn tới đối kháng xã hội.  Theo Laclau và Mouffe, có thể khắc phục đối kháng nhờ vào bá quyền (thuật ngữ “bá quyền” được vay mượn từ lí thuyết bá quyền của Antonio Gramsci). Bá quyền được giải thích như là chuyển khớp nối của các thực tiễn diễn ngôn đối kháng.

Khi phân tích so sánh các lí thuyết diễn ngôn, Jorgensen và L. Phillips đặc biệt quan tâm nghiên cứu vấn đề tương quan giữa thực tiễn diễn ngôn và thực tiễn phi diễn ngôn. Họ nhận thấy rằng, Laclau và Mouffe không ngần ngại đưa toàn bộ thực tiễn xã hội vào lĩnh vực phân tích diễn ngôn, bởi vì họ không tách riêng bất kì một loại thực tiễn xã hội phi diễn ngôn đặc biệt nào. Trong cách giải quyết vấn đề này, Jorgensen và L. Phillips nhận ra sự khác biệt ở lí thuyết diễn ngôn của Laclau và Mouffe so với lí thuyết diễn ngôn của phân tích - diễn ngôn phê bình qua đại diện của nó là Fairclough: “Trong khi Fairclough… dẫn ra sự khác nhau giữa các chiều kích diễn ngôn và phi diễn ngôn của thực tiễn xã hội và nhìn thấy sự thay đổi biện chứng giữa các chiều kích ấy, thì Laclau và Mouffe xem thực tiễn xã hội hoàn toàn là thực tiễn diễn ngôn”[12].

          Jorgensen và L. Phillips giải thích: quan điểm xem thực tiễn diễn ngôn như là các khớp nối mà nhờ đó, cấu trúc tri nhận của toàn bộ hiện thực xã hội được sinh ra, nhìn chung, không phủ nhận sự tồn tại của thế giới xã hội như là hiện thực khách quan. Để khẳng định luận điểm này, họ đưa ra ví dụ được rút từ bài viết của Laclau và Mouffe: “hòn đá tồn tại độc lập với hệ thống phân loại xã hội, nhưng liệu có nên xem nó như một quả tạc đạn hay một tác phẩm nghệ thuật hay không, việc đó hoàn toàn lệ thuộc vào ngữ cảnh diễn ngôn mà nó tồn tại”[13].

Lí thuyết diễn ngôn của Laclau và Mouffe đặc biệt quan tâm tới việc phân tích chính trị. Họ gắn chính trị với thực tiễn diễn ngôn vì trong thực tế nó là phương thức kiến tạo, tái tạo và cải tạo thế giới xã hội. Nói đúng ra, toàn bộ chính trị được xem là phạm vi đấu tranh giữa các diễn ngôn nào đó. Là phương thức cai trị và phân bố quyền lực, các khớp nối chính trị luôn luôn quyết định việc chúng ta sẽ hành động và suy nghĩ như thế nào.

Laclau và Mouffe phân tích sự cạnh tranh diễn ngôn chính trị thông qua việc sử dụng khái niệm “bá quyền” mà Jorgensen và L. Phillips hoàn toàn có cơ sở để tìm thấy ở đó, lí thuyết của học có nguồn cội từ chủ nghĩa Mác, mà cụ thể là mối liên hệ với lí thuyết bá quyền của Antonio Gramsci[14].

Trong lí thuyết của Gramsci, bá quyền là tổ chức đồng thuận xã hội. Bá quyền là công cụ cai trị bằng cách tạo ra các ý nghĩa. Bằng cách tạo ra ý nghĩa, quyền lực huy động con người tích cực hoạt động chống lại các điều kiện hiện hữu.

Laclau và Mouffe phát triển lí thuyết bá quyền của Antonio Gramsci ở bình diện giúp họ vượt ra ngoài khuôn khổ của bản chất luận khách quan marxiste mà bản thân  Gramsci không thể khắc phục nổi. Khác với Gramsci, họ không xem các khái niệm “giai cấp”, “nhóm xã hội”, “dân tộc” là bản chất khách quan, mà chỉ xem là sản phẩm của bá quyền diễn ngôn: “Với Laclau và Mouffe, không hề có bất kì quy luật khách quan nào từng chia xã hội thành những nhóm nào đó. Các nhóm bao giờ cũng được tạo ra trong các tiến trình diễn ngôn chính trị”[15].

Còn về phân tích - diễn ngôn phê bình, theo Jorgensen và L. Phillips, trào lưu khoa học này rất gần gũi với quan điểm marxiste hơn nhiều so với lí thuyết của Laclau và Mouffe và, vì thế, nó là hậu cấu trúc luận ít “thuần khiết” hơn.

Khác với lí thuyết diễn ngôn của Laclau và Mouffe, phân tích - diễn ngôn phê bình khẳng định diễn ngôn chỉ là một trong vô số bình diện của của bất kì thực tiễn xã hội nào. Diễn ngôn trước hết là hệ thống kí hiệu bao gồm những thành phần như ngôn ngữ và hình ảnh. Diễn ngôn không chỉ kiến tạo thế giới, mà bản thân nó cũng do thế giới kiến tạo nên. Jorgensen và L. Phillips nhấn mạnh: “Với một chuyên gia trong lĩnh vực phân tích - diễn ngôn phê bình, diễn ngôn là hình thức thực tiễn xã hội vừa tạo ra thế giới xã hội, lại vừa được tạo ra bằng các thực tiễn xã hội khác. Thực tiễn xã hội và diễn ngôn có quan hệ biện chứng với các đơn vị xã hội khác. Mối liên hệ này không chỉ góp phần hình thành và thay đổi các cấu trúc xã hội, mà còn phản ánh chúng”[16].

Trong phân tích - diễn ngôn phê bình, hiện thực xã hội khách quan được xem là cấu trúc có ảnh hưởng tới thực tiễn diễn ngôn. Cuốn sách đã dẫn ra những đoạn mô tả gia đình của Fairclough để làm thí dụ cho hướng tiếp cận như vậy. Ông nói, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái chỉ được hình thành phần nào theo cách diễn ngôn. Nhưng, trong khi đó, gia đình là một cái gì đó được xác lập, có những truyền thống cụ thể, có bản sắc và những mối quan hệ qua lại ổn định. Sự hình thành của những truyền thống như thế bao giờ cũng diễn ra qua sự tác động của các thực tiễn diễn ngôn, nhưng điều đó không có nghĩa là các thực tiễn ấy chẳng có cơ sở khách quan. Fairclough chỉ ra: “Sự hình thành xã hội diễn ra với sự hỗ trợ của diễn ngôn tuyệt nhiên không nhờ ở chỗ, con người có thể tự do đùa bỡn với các tư tưởng. Nó là hệ quả của thực tiễn xã hội của con người, thực tiễn cắm rễ sâu vào đời sống của họ và được định hướng nhắm vào các cấu trúc hiện thực, cấu trúc vật chất xã hội”[17].

Theo M. Jorgensen và L. Phillips, khuynh hướng marxiste trong phân tích - diễn ngôn phê bình được kết hợp với tư tưởng của Michel Foucault, người giải thích diễn ngôn như một sức mạnh quyền lực tạo nên sự bất bình đẳng giữa các chủ thể xã hội. Các tác giả viết rằng, lí thuyết của phân tích - diễn ngôn phê bình khẳng định là diễn ngôn góp phần hình thành và tái phân bố quyền lực không đồng đều giữa các nhóm xã hội, ví như giữa các giai cấp, đàn ông và đàn bà, các dân tộc thiểu số và các dân đông người[18].

Trung tâm chú ý của phân tích - diễn ngôn phê bình là vai trò của thực tiễn diễn ngôn trong việc duy trì trật tự xã hội và thực hiện thay đổi xã hội. Một trong số khái niệm trung tâm của nó là khái niệm “sự kiện giao tiếp”. Sự kiện giao tiếp được diễn giải như là sự liên kết giữa lôgic của thực tiễn diễn ngôn với lô gic khách quan của trật tự xã hội và kinh tế. Chẳng hạn, việc đi vào siêu thị như một sự kiện giao tiếp bao gồm giao tiếp bằng lời với nhân viên bán hàng (hành động của lôgic diễn ngôn) và thực hiện hợp đồng kinh tế dưới dạng mua – bán (hành động thuộc lôgic khách quan của quan hệ thị trường). Cả hai loại lôgic được đặt trong trạng thái tương tác biện chứng, sự tác động này dẫn tới những thay đổi trong phạm vi xã hội. Ví như sự phát triển của quan hệ thị trường sẽ dẫn tới việc quảng bá diễn ngôn tiếp thị. Đến lượt mình, diễn ngôn tiếp thị lại buộc các thực tiễn diễn ngôn thuộc các loại thiết chế xã hội khác nhau lệ thuộc vào nó (giáo dục, y tế, văn hoá). Fairclough dùng thuật ngữ “tiếp thị hoá diễn ngôn” để chỉ quá rtình này.

M. Jorgensen và L. Phillips nói rằng, không có sự thống nhất giữa các lí thuyết thuộc nhóm phân tích - diễn ngôn phê bình trong cách lí giải diễn ngôn như là sức mạnh quyền lực. Vị dụ, khác với Foucault, Van Dijk xem quyền lực là sức mạnh trấn áp, hơn là sức mạnh sinh lợi, sáng tạo[19].

M. Jorgensen và L. Phillips cho rằng, so với lí thuyết diễn ngôn của Laclau và Mouffe, một trong những đặc điểm nổi bật của phân tích - diễn ngôn phê bình là trong quá trình nghiên cứu diễn ngôn của sự tương tác xã hội, họ đã đưa việc phân tích văn bản ngôn ngữ theo quan điểm ngôn ngữ học vào kho phương pháp luận của mình, trong khi đó, Laclau và Mouffe không nâng sự nghiên cứu trực quan lên trình độ phân tích ngôn ngữ học.

Theo các tác giả, chính việc sử dụng hướng tiếp cận ngôn ngữ học đã tạo nên sự khác biệt giữa phân tích - diễn ngôn phê bình với tâm lí học diễn ngôn, bởi vì tâm lí học diễn ngôn không chú ý tới việc phân tích ngôn ngữ học, mà tập trung vào việc phân tích tu từ học diễn ngôn.

Tâm lí học diễn ngôn, dạng thức thứ ba của lí thuyết diễn ngôn kiến tạo - xã hội, nghiên cứu diễn ngôn như là sự sử dụng ngôn ngữ và lời nói có tính chất tình huống trong thực tiễn giao tiếp thường nhật.

Trong quan niệm của tâm lí học diễn ngôn, ngôn ngữ không đơn giản là kênh mô tả hiện thực và kinh nghiệm tâm lí. Gần như ngược lại, mọi hiện thực tâm lí chủ quan được tạo ra bằng diễn ngôn. Diễn ngôn được xem là “kiến trúc sư” của hiện thực tâm lí được lưu lại.

Tâm lí học diễn ngôn đặc biệt chú ý tới việc phân tích ngữ cảnh văn hoá, lịch sử và xã hội của giao tiếp. Đối tượng nghiên cứu cơ bản của nó là thái độ (phương hướng, ý đồ) của các bên tham gia giao tiếp và các xung đột nhóm.

Các nhà kiến tạo luận xã hội cho rằng, cần tìm nguyên nhân hình thành một thái độ nào đó ở các phương thức tương tác xã hội, tức là ở ngữ cảnh của hệ thống ý nghĩa phổ quát hơn, chứ không phải ở các cấu trúc tri nhận mang tính cá nhân. Thái độ là sản phẩm của tương tác xã hội.

Khi phân tích xung đột xã hội gắn với thái độ kì thị của những nhóm người này với nhóm người khác, các nhà tâm lí học diễn ngôn cho rằng, cần tính đến nhân tố văn hoá có ảnh hưởng tới việc con người phân loại thế giới và tiến hành đồng nhất hoá như thế nào. Chẳng hạn, kết quả của những công trình nghiên cứu đa văn hoá chứng minh, trẻ con sống ở mhững môi trường khác nhau không giống như ở môi trường mà chúng vẫn kì thị lẫn nhau trong giao tiếp thường nhật[20].

Có những vấn đề như sau đã nẩy sinh trong tiến trình của phân tích - diễn ngôn: con người sử dụng các thông tin của mình để làm gì? Các ý kiến trở thành quan niệm vững chắc bằng cách nào? Các dạng thức quan niệm về thế giới thay nhau sụp đổ như thế nào?

Trong công trình của mình, M. Jorgensen và L. Phillips chỉ ra, khi khảo sát cứu các vấn đề trên, tâm lí học diễn ngôn thường nghiên cứu các diễn ngôn bị ghìm lại trong đối thoại và bị nén vào tiềm thức. Người ta đã phát hiện ra rằng, có những phương thức giao tiếp cho phép thảo luận về một số chủ đề nào đó, nhưng các phương thức khác thì lại áp đặt huý kị cho những chủ đề ấy. Vì thế người nói buộc phải lựa chọn các diễn ngôn được phép sử dụng trong giao tiếp, còn những diễn ngôn huý kị buộc phải giữ lại trong tiềm thức.

 M. Jorgensen và L. Phillips xếp các tác giả sau đây vào loại chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lí học diễn ngôn: Jonathean Potter, Margaret Wetherell, Michael Billig, Sue Widdicomb và Rob Wooffitt. Theo M. Jorgensen và L. Phillips, các vị chuyên gia hàng đầu ấy được gắn kết với nhau ở sự trung thành của họ với những bình diện cốt lõi sau đây của lí thuyết diễn ngôn:

- Diễn ngôn được xem là sự sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp và các văn bản thường nhật, nó là hình thức năng động của thực tiễn xã hội, thực tiễn này tạo ra thế giới xã hội, cá nhân và các căn tính. Cá nhân được hình thành qua con đường sở đắc tinh thông các đối thoại xã hội. Quyền lực phát huy hiệu lực bằng cách định vị con người trong các phạm trù diễn ngôn khác nhau. Mọi hiện thực tâm lí chủ quan đều hình thành trong diễn ngôn.

- Con người sử dụng diễn ngôn một cách hoa mĩ để tiến hành hoạt động xã hội trong những tình huống giao tiếp nào đó.

- Ngôn ngữ không chỉ hình thành ý thức, mà còn hình thành cả tiềm thức. Có thể kết hợp phân tâm học với phân tích - diễn ngôn để lí giải cơ chế tâm lí của sự hình thành cái “khôn tả”[21].  

Ngoài việc làm nổi bật những đặc điểm chung của xu hướng diễn ngôn phân tích này, M. Jorgensen và L. Phillips còn tiến hành phân loại các trào lưu khác nhau trong nội bộ tâm lí học diễn ngôn. Các ông làm nổi bật ba hướng tiếp cận khác nhau trong phạm vi tâm lí học diễn ngôn:

          1. Quan điểm hậu cấu trúc luận có cơ sở ở lí thuyết diễn ngôn, quyền lực, căn tính và chủ thể của Michel Foicault (W.Hollway, I.Parker);

          2. Quan điểm tương tác luận, hay là những người ủng hộ quan điểm tương tác dựa trên cơ sở phân tích chuyển hoán (phân tích hội thoại) và phương pháp nhân chủng học (C.Antaki, S.Widdicomber);

          3. Quan điểm tổng hợp, kết hợp hai quan điểm trên (J.Potter, M.Wetherell, M.Billig).

Trọng tâm chú ý của hướng tiếp cận thứ nhất là những vấn đề như: con người hiểu thế giới như thế nào? Căn tính trong các diễn ngôn nào đó được tạo ra và thay đổi thế nào? Hệ quả xã hội của những cấu trúc diễn ngôn ấy là gì?

Hướng tiếp cận thứ hai tập trung vào vấn đề: văn bản và đàm thoại được định hướng vào tương tác xã hội bằng cách nào và ở chừng mức ra sao? Với sự hỗ trợ của phương pháp luận nhân chủng học, người ta đã biết được quan niệm về tổ chức xã hội đã hình thành như thế nào qua ngôn ngữ và sự giao tiếp ở những tộc ngươi khác nhau. Ở hướng tiếp cận này, diễn ngôn được phân tích như là phương thức phân chia xã hội thành các phạm trù xuất hiện trong tiến trình giao tiếp.

Ở hướng tiếp cận thứ ba, hai mối quan tâm nói trên được kết hợp lại với nhau: quan tâm tới việc diễn ngôn tạo ra chủ thể và khách thể như thế nào và diễn ngôn hướng tới tương tác xã hội trong bối cảnh cụ thể ra sao. Mọi sự chú ý được dồn vào việc nghiên cứu xem con người làm gì với diễn ngôn và lời nói của họ, họ chọn lựa loại diễn ngôn nào để đưa vào nguồn dự trữ của mình. Ở hướng tiếp cận tổng hợp, thay vì khái niệm “diễn ngôn”, người ta thường sử dụng khái niệm “sở trường diễn giải” do Potter và Wetherell khởi xướng để nhấn mạnh diễn ngôn là nguồn dự trữ linh hoạt sự tương tác xã hội. Mỗi sở trường diễn giải đàm bảo đủ nguồn dự trữ mà người ta có thể sử dụng để kiến tạo các giả thuyết về hiện thực. Potter và Wetherell viết: “Chúng tôi gọi sở trường diễn giải là các nhóm thuật ngữ, kiểu mô tả và hình ảnh lời nói thường tập trung trong các ẩn dụ và hình tượng sống động đã được nhận thức rõ ràng”[22].

Vấn đề trung tâm ở những công trình khảo nghiệm của Potter và Wetherell là: các đại biểu của những dân tộc nào đó đã sử dụng ra sao các diễn ngôn chuyên biệt hoặc các sở trường diễn giải để tiến hành phân hạng người khác với phương tiện là các khái niệm ví như “văn hoá”, “chủng tộc”, “dân tộc”. Trong quá trình khảo nghiệm, các tác giả kì vọng sẽ chỉ ra hệ quả xã hội của những sở trường diễn giải nào đó. Ví dụ như, họ đã chỉ ra, các sở trường hiện hiện hữu của chủng tộc vẫn lưu giữ quan niệm về đẳng cấp giữa các dân tộc bản địa và dân tộc ngụ cư, giữa những người “thuần chủng” và những người “trộn máu” đã tạo ra sự kì thị xã hội như thế nào[23].

M. Jorgensen và L. Phillips nhận ra sự khác nhau giữa ba hướng tiếp cận nằm ở cách giải thích khái niệm “đồng nhất”: “Từ quan điểm tương tác, tập hợp căn tính là nguồn dự trữ mà con người tuyển lựa để giao tiếp… Vấn đề trung tâm được chú ý đặc biệt là: trong hội thoại, giữa một bối cảnh cụ thể, các căn tính được sử dụng thế nào để thực hiện một số hành động xã hội nào đó, ví như việc hợp thức hoá quan điểm, hoặc ý kiến riêng lẻ nào đó. Khác với quan điểm này, hai hướng tiếp cận trong tâm lí học diễn ngôn (hậu cấu trúc luận và hướng tổng hợp) xác định và phân tích các phương thức giao tiếp đặc thù, trong đó, căn tính được xem là diễn ngôn tổ chức và giới hạn giao tiếp trong bối cảnh của sự tương tác. Hướng tiếp cận của Foucault và các môn đệ của ông xác định căn tính là sản phẩm của các quan điểm chủ quan trong giới hạn của các diễn ngôn. Hướng tiếp cận tổng hợp xem căn tính vừa là sản phẩm của các diễn ngôn cụ thể, vừa là nguồn dự trữ các hành động xã hội trong hoạt động tương tác”[24].

Trong hướng tiếp cận tổng hợp, tiến trình xuất hiện căn tính được phát hiện qua khái niệm “định vị”. Định vị là quá trình con người dựa vào để tạo ra ý kiến trên hành trình tương tác và trao đổi với những người khác. Những người tham gia vào sự tác động qua lại với nhau được xét ở ba mặt: 1) như sản phẩm của những diễn ngôn nào đó, 2) như những người sáng tạo diễn ngôn, 3) như những tác nhân tái sản xuất và thay đổi văn hoá xã hội.

M. Jorgensen và L. Phillips cho rằng, cả quan điểm hậu cấu trúc luận, lẫn quan điểm tổng hợp cùng chỉ ra sự thất thường của các căn tính và khả năng loại trừ lẫn nhau do chúng bị áp vào các diễn ngôn đối kháng. Ví dụ, căn tính của tín đồ Kitô giáo có thể xung đột với căn tính của “tín đồ nữ quyền luận”, hoặc người “công nhân”. Căn tính “người tiêu dùng” có thể mâu thuẫn với căn tính “chiến sĩ bảo vệ môi trường”. Trong quá trình định vị, có thể xuất hiện các dạng căn tính mới gắn với sự pha trộn các diễn ngôn. Chẳng hạn, đem pha trộn diễn ngôn tiêu dùng với diễn ngôn “bảo vệ môi trường”, có thể xuất hiện căn tính “người tiêu dùng bảo vệ môi trường”.

Việc sáng tạo diễn ngôn bao giờ cũng bị giới hạn bởi phạm vi dự trữ diễn ngôn mà các cá nhân có được. Thông thường, người ta cảm thấy dễ dàng hơn khi tiếp nhận những căn tính do ai đó ấn định trước.

Trong cả hai hướng tiếp cận diễn ngôn tổng hợp và hậu cấu trúc luận, định vị và căn tính được xem là hoạt động của quyền lực: “Quyền lực hoạt động hợp lí theo con đường tự nó vừa định vị trong các diễn ngôn, vừa thúc đẩy các phạm trù diễn ngôn tương đối riêng lẻ khác, ví như phạm trù thành viên của phương Tây “văn minh”, hay của thế giới Hồi giáo “mọi rợ”[25].

M. Jorgensen và L. Phillips nhấn mạnh rằng, đem so với lí thuyết diễn ngôn của Laclau và Mouffe trong tổng thể của nó, tâm lí học diễn ngôn đã đi trệch ra ngoài xu hướng hậu cấu trúc luận, vì nó không xem diễn ngôn là các hiện tượng trừu tượng, mà xem là ngôn ngữ tình huống, việc sử dụng nó bị lệ thuộc vào hoàn cảnh thực tiễn xã hội. Hơn nữa, nó thừa nhận sự tồn tại của hiện thực ngoài diễn ngôn. “… Đa số các nhà tâm lí học diễn ngôn khẳng định, rằng các sự kiện, quan hệ và cấu trúc xã hội có điều kiện tồn tại phía bên ngoài phạm vi diễn ngôn. Chẳng hạn, họ khẳng định, chủ nghĩa dân tộc hình thành không chỉ nhờ vào sự hỗ trợ của diễn ngôn, mà còn nhờ vào cả sự cưỡng bức và sức mạnh của nhà nước hiện hành, sức mạnh và sự cưỡng bức ấy có bản chất vật chất và làm tăng thêm ý nghĩa đặc biệt trong các diễn ngôn… Vì vậy, diễn ngôn tâm lí đã đưa một số thực thiễn xã hội nhất định ra ngoài phạm vi của diễn ngôn, dù khi làm như vậy, nó không vạch ra sự khác biệt rõ rệt giữa thực tiễn diễn ngôn và thực tiễn phi diễn ngôn giống như phân tích - diễn ngôn phê bình đã làm”[26].

M. Jorgensen và L. Phillips xếp hướng tiếp cận phân tích - diễn ngôn của bản thân mình vào loại hỗn hợp. Hướng tiếp cận này dựa vào sự lựa chọn một số  khái niệm, quan điểm, phương pháp từ  cả ba loại lí thuyết kiến tạo – xã hội của diễn ngôn nhằm mục đích kết hợp chúng với nhau tạo thành nền móng cho một hướng nghiên cứu diễn ngôn đa kiến tạo kiểu mới. Họ viết: “Chúng tôi dựa vào giả định cho rằng, việc phối hợp các lí thuyết và phương pháp khác nhau tạo nên cấu trúc của một hướng nghiên cứu tổng hợp đa phối[27] là phù hợp về mặt phương pháp luận với phân tích - diễn ngôn kiến tạo xã hội. Một phần, do phối cảnh luận vốn là đặc điểm của kiến tạo luận[28]. (tức là các xu hướng phối hợp những quan điểm lí thuyết khác nhau)[29].

Trong lí thuyết diễn ngôn hỗn hợp, hoặc đa phối, diễn ngôn được diễn giải theo nghĩa rất rộng, nó chính là sự giới hạn các xác quyết tiểm năng dẫn tới sự hạn chế số lượng nghĩa. Diễn ngôn quyết định những gì có thể và không thể nói trong hoàn cảnh nào đó.

Các loại diễn ngôn được phân tích từ ba chiều kích: thực tiễn diễn ngôn, văn bản và thực tiễn xã hội. Hướng tiếp cận các diễn ngôn căn tính của Laclau và Mouffe được vận dụng để phân tích thực tiễn diễn ngôn. M. Jorgensen và L. Phillips khảo sát tương quan giữa thực tiễn diễn ngôn và thực tiễn xã hội từ quan điểm gần gũi với quan điểm của Fairclough: diễn ngôn được diễn giải như là một phần của các sự kiện xã hội. Nhưng khác với hướng tiếp cận dựa trên cơ sở khác biệt bản thể giữa cái diễn ngôn và cái phi diễn ngôn của Fairclough, hướng tiếp cận hỗn hợp được kiến tạo trên sự khác biệt phân tích giữa các thực tiễn diễn ngôn (các đối tượng của diễn ngôn – phân tích mang tính kinh nghiệm) và các sự kiện xã hội rộng lớn hơn mà người ta xem là cái cái nền dùng để phân tích diễn ngôn. “Nói cách khác, - các tác giả nhấn mạnh,-  đó là vấn đề vị thế bản thể của diễn ngôn và thực tiễn diễn ngôn được đưa ra ngoài dấu ngoặc. Chỉ mỗi kích thước phân tích khác biệt với thực tiễn xã hội là được khảo sát”[30].

Trong các công trình nghiên cứu của Wetherell và Potter, hướng tiếp cận vừa giới thiệu ở trên được bổ sung bằng quan điểm tiếp cận tâm lí học diễn ngôn. Nền tảng của nó là quan niệm về diễn ngôn như là nguồn dự trữ linh hoạt ở việc kiến tạo căn tính và ý niệm về thế giới trong quá trình hoạt động tương tác.

Ngoài ra, M. Jorgensen và L. Phillips còn đề xuất đưa thêm các lí thuyết xã hội về chính trị, về phương thức giao tiếp, về rủi ro và căn tính vào cấu trúc của phân tích - diễn ngôn hỗn hợp bằng cách phiên dịch sơ bộ chúng sang ngôn ngữ của phân tích - diễn ngôn. Đặc biệt, họ cho rằng, cần làm cho lí thuyết về rủi ro của Ulrich Beck, triết lí tiêu dùng của Anthony Bauman và Zygmunt Bauman, lí thuyết về chính sách đời sống của Anthony Giddens thích ứng với phương pháp luận của phân tích - diễn ngôn.

Khi phân tích hướng tiếp cận hỗn hợp trong công trình của M. Jorgensen và L. Phillips, cần thấy thêm ý nghĩa đặc biệt của việc kết hợp khái niệm “trật tự diễn ngôn”[31] do Fairclough khởi xướng với cách lí giải của tâm lí học diễn ngôn về diễn ngôn như  nguồn dự trữ nguyên liệu, cũng như sự kết hợp “trật tự diễn ngôn” với khái niệm “kí hiệu bất ổn”[32] trong lí thuyết diễn ngôn của Laclau và Mouffe. Ví dụ, trong diễn ngôn chính trị, khái niệm “dân chủ” được xem là khái niệm bất ổn, vì những chủ thể khác nhau sẽ điền vào đó những nội dung khác nhau. Đặt vào ngữ cảnh của trật tự diễn ngôn , kí hiệu bất ổn chỉ ra, rằng diễn ngôn này có thể thành công hơn các diễn ngôn khác trong việc định vị ý nghĩa của khái niệm “dân chủ”, rằng các diễn ngôn khác thường xuyên tranh đấu để giành lấy vị trí ấy.

Một trong những nhiệm vụ cơ bản của phân tích - diễn ngôn hỗn hợp là phê phán loại thực tiễn diễn ngôn luôn tỏ ra mình là “cái đương nhiên”.

Bản chất của sự phê bình là nhằm chỉ ra, những gì người ta nghĩ là đương nhiên thực ra chỉ là một cái gì đó giống như diễn ngôn chủ chốt. Chỉ cần thay đổi nguồn dự trữ, hoặc tái cấu trúc trật tự diễn ngôn, thì cái từng được xem là đương nhiên lại hoá ra là cái có vấn đề. Chẳng hạn, hình ảnh giả định cyborg[33] thường được sử dụng ở những công trình nghiên cứu nữ quyền, trong đó ưu thế của đàn ông so với đàn bà và ưu thế  của các dân tộc “văn minh” so với các dân tộc “mọi rợ” bao giờ cũng được xem là cái đương nhiên.

Khi tìm hiểu hệ thống phương pháp của hướng phê bình trên, M. Jorgensen và L. Phillips rất chú ý tới công trình nghiên cứu của nhà lí luận nữ quyền Donna Haraway: Tuyên ngôn của cyborg.

Cyborg là sự lai ghép giữa cơ thể và máy móc, giữa tự nhiên và văn hoá. Nhờ sự lai ghép ấy mà nó có khả năng xoá bỏ những quan niệm mà con người vẫn xem là cái đương nhiên. Đặc biệt, cyborg có khả năng thoát ra ngoài bức tranh thế giới vẫn giả định cấu trúc thực tại được kiến tạo trên cơ sở của một bản danh sách rất dài các cặp đối lập: tôi/người khác, đàn ông/đàn bà, văn minh/mông muội… Từ quan điểm của cyborg, các diễn ngôn chủ chốt cần được xem là những cấu trúc sản sinh huyền thoại, là nguồn mạch của huyền thoại chính trị, chứ không phải là gì khác[34].

Theo ý của M. Jorgensen và L. Phillips, việc phê phán các diễn ngôn chủ chốt sẽ mở ra khả năng cho việc tổ hợp các yếu tố của trường diễn ngôn và tái diễn giải cái đương nhiên theo kiểu mới, nhờ đó, làm xuất hiện tri thức mới.

Những cách phân loại các lí thuyết diễn ngôn được trình bày ở trên không có tham vọng bao quát toàn bộ công trình nghiên cứu hiện có trong lĩnh vực phân tích - diễn ngôn. Sự phân loại ở đây nhằm vào mục đích khác: tạo ra ý niệm mang tính chỉnh thể về những hướng tiếp cận chủ yếu với khái niệm “diễn ngôn” và các phương pháp nghiên cứu diễn ngôn đã được tạo ra trong môi trường hàn lâm, được các học giả có uy tín, các trường phái khoa học, các trào lưu nghiên cứu có ảnh hưởng lớn trình bày.

Như đã chỉ ra, cơ sở của mỗi cách phân loại là nguyên tắc cơ bản được dùng để chia tách và kiến tạo các tổ hợp lí thuyết - diễn ngôn nào đó.

Với Van Dijk, nguyên tắc phân loại là hướng tiếp cận khoa học – nguồn. hướng tiếp cận này cho phép tiến hành phân chia các lí thuyết diễn ngôn, với điểm xuất phát là công cụ phương pháp luận của bộ môn khoa học nào đó có ảnh hưởng nhiều nhất tới sự phát triển của phân tích - diễn ngôn ở một lát cắt thời gian cụ thể.

Trong các công trình của Torfing, sự phân loại các lí thuyết diễn ngôn được thực hiện thông qua việc làm nổi bật các truyền thống nghiên cứu trong phạm vi từ các hướng tiếp cận diễn ngôn của ngôn ngữ học cho tới các hướng tiếp cận diễn ngôn của hậu cấu trúc luận.

Cơ sở phân loại của M. Jorgensen và L. Phillips là nguyên tắc phân biệt các lí thuyết diễn ngôn kiến tạo – xã hội, xuất phát từ chỗ, các lí thuyết ấy đã diễn giải như thế nào về mối quan hệ tương hỗ giữa thực tiễn diễn ngôn và thực tiễn phi diễn ngôn.

Dĩ nhiên vẫn có thể có những dạng thức phân loại khác đối với các lí thuyết diễn ngôn hiện hữu. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu với độc giả sơ đồ phân loại diễn ngôn – lí thuyết của bản thân chúng tôi. Điểm nhấn ở đây là thành tựu của các tác giả nổi tiếng và khả kính đã đạt được trong lĩnh vực này.  

Theo tôi, có những nhân tố khoa học – tri nhận khách quan và chủ quan quyết định quá trình xuất hiện và quỹ đạo phát triển của loại lí thuyết diễn ngôn này, hay lí thuyết khác.

Chúng tôi xếp những khuynh hướng khách quan của sự tích hợp liên ngành và chia tách các bộ môn khoa học mà kết quả là làm xuất hiện những phương pháp nghiên cứu mới, cũng như làm hình thành phạm vi đối tượng của các ngành và tiểu ngành khoa học vào nhân tố khoa học – tri nhận khách quan. Lí thuyết diễn ngôn và phân tích - diễn ngôn đã xuất hiện như là kết quả của các tiến trình khách quan này. Chúng đang tiếp tục nhân rộng và phát triển nhờ sự giao thoa giữa các khu vực đối tượng và phương pháp của những khoa học khác nhau. Từ những điểm giao thoa như thế, tất yếu sẽ xuất hiện nhiều dạng lí thuyết diễn ngôn.

 Chúng tôi xếp vào nhân tố khoa học – tri nhận chủ quan, yếu tố quyết định sự xuất hiện của các lí thuyết diễn ngôn khác nhau, trước hết là các truyền thống, phương hướng nghiên cứu, các mô thức tư duy, các hệ hình chủ chốt và các hệ thống phân loại được hình thành trong các nhóm hàn lâm nào đấy, nói tóm lại là tất cả những gì có thể gọi chung bằng thuật ngữ “biểu đồ tinh thần của giới học giả”.

Sau đó, cần xếp thêm vào loạt nhân tố khoa học – tri nhận chủ quan các sự thiên vị của các bộ lọc nhận thức luận cá nhân, tức là quan điểm của các nhà nghiên cứu cụ thể thực hiện việc lựa chọn “biểu đồ tinh thần” với tư cách là cơ sở khởi đầu để xây dựng các hệ thống lí thuyết độc đáo cho riêng mình.

Dựa vào điều vừa nói, có thể phân biệt ba tiêu chí cơ bản dùng để phân loại các lí thuyết diễn ngôn như sau: 1. Đặc điểm và nội dung của tổ hợp khoa học liên ngành nền móng đã trở thành cơ sở ra đời các lí thuyết diễn ngôn cụ thể, 2.  Truyền thống nghiên cứu, phương pháp luận và tư tưởng hệ nào đó giữ vai trò là biểu đồ tinh thần đối với hàng loạt lí thuyết diễn ngôn, 3. Những thành tựu mang ý nghĩa cách tân của các tác giả cụ thể trong lĩnh vực sáng tạo lí thuyết diễn ngôn.

Ứng với ba tiêu chí nói trên, chúng tôi đề xuất ba hướng phân loại các lí thuyết diễn ngôn.

Hướng thứ nhất: giả định sẽ tách thành một nhóm những diễn ngôn lí thuyết tương ứng với một lĩnh vực liên ngành mới nào đó có ảnh hưởng quyết định tới việc hình thành cơ sở lí thuyết và phương pháp luận của chúng.

Rõ ràng, các khoa học tổng hợp mới, ví như ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học giao tiếp, ngôn ngữ học văn hoá, trần thuật học, kí hiệu học, tâm lí học văn hoá… đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của phân tích - diễn ngôn.

Chẳng hạn, S.Slembrouck đã liệt kê những bộ môn khoa học - mà các lí thuyết - diễn ngôn khác nhau đã ra đời trong khuôn khổ của chúng - như sau: 1. Triết học phân tích, bao gồm cả lí thuyết hành vi lời nói và lí thuyết trao đổi thông tin; 2. Ngôn ngữ học, bao gồm ngôn ngữ học cấu trúc, ngôn ngữ học văn bản, ngữ dụng…; 3. Nhân loại học ngôn ngữ, bao gồm dân tộc học lời nói, thi học nhân chủng, xã hội học ngôn ngữ tương tác…; 4. Các công trình nghiên cứu văn học mới; 5. Lí thuyết hậu cấu trúc luận; 6. Các công trình nghiên cứu kí hiệu học và văn hoá học; 7. Các lí thuyết xã hội của Pierre Bourdieu, Michel Foucault, Jürgen Habermas; 8. Xã hội học tương tác, bao gồm phân tích chuyển hoán và phương pháp luận nhân chủng học[35].

Ứng với bảng phân chia các bộ môn khoa học nói trên, S.Slembrouck cho rằng, các lí thuyết của John Austin và John Searle đã hình thành trong khuôn khổ của lí thuyết hành vi lời nói. Các lí thuyết diễn ngôn của Cristal và Davy, cũng như của Halliday ra đời trong phạm vi của ngôn ngữ học cấu trúc. Hệ thống quan điểm của Laclau, Mouffe và Torfinga được ông xếp vào các lí thuyết diễn ngôn xuất hiện trong khuôn khổ của hậu cấu trúc luận. S.Slembrouck chỉ ra, lí luận diễn ngôn của trường phái Birmingham đứng đầu là Stuart Hall ra đời trong khuôn khổ của những công trình nghiên cứu kí hiệu học và văn hoá học. Lí thuyết diễn ngôn của  John Gumperz và E.Schegloff ra đời trong khuôn khổ ngôn ngữ học xã hội tương tác. Lí thuyết diễn ngôn của Harold Garfinkel thuộc phạm vi phân tích chuyển hoán, lí thuyết diễn ngôn của Harold Garfinkel thuộc pham vi phương pháp luận nhân chủng học.

Theo tôi, cách phân loại của S.Slembrouck chưa phải đã hoàn toàn chính xác, vì không phải cả tám nguồn mạch làm nảy sinh các lí thuyết diễn ngôn như đã nêu ra ở trên đều có thể xếp vào các bộ môn khoa học hoặc các trào lưu nghiên cứu trong nội bộ một bộ môn. Chẳng hạn, chủ nghĩa cấu trúc chủ yếu là một khuynh hướng thế giới quan, chứ không phải là một tổ hợp các bộ môn khoa học.

Về những nguồn mạch khác của các lí thuyết phân tích - diễn ngôn mà S.Slembrouck đã liệt kê, quả thật có thể xem đó cơ sở của các môn khoa học để tiến hành phân loại các lí thuyết diễn ngôn cực kì đa dạng.

Tôi chỉ bổ sung thêm về sự xuất hiện của lí thuyết tự sự học diễn ngôn gắn với sự phát triển của lịch sử trí tuệ hiện đại, mà đại diện là những công trình của  H. White và F. Ankersmit[36].

Chúng tôi bắt gặp trong các công trình nghiên cứu của L.M. Makarov một quan điểm tương tự như thế về cách phân loại lí thuyết diễn ngôn. Theo quan điểm của Makarov, đặc trưng của một loại lí thuyết diễn ngôn nào đó trước hết chịu sự quy định của hệ hình trung tâm có sẵn trong nền móng của một bộ môn khoa học nào đó. Chẳng hạn, một trong số nguồn cội của phân tích - diễn ngôn hiện đại là hệ hình giao tiếp vốn là nền móng của xã hội học vi mô theo hướng hiện tượng luận (microsociology phenomenological) và xã hội học ngôn ngữ. Những bộ môn khoa học này đang phát triển nhờ các công trình nghiên cứu của Erving Goffman, Aaron Sikurelya, Harold Garfinkel. Tên tuổi của Harold Garfinkel gắn chặt với truyền thống phương pháp luận nhân chủng trong xã hội học. Truyền thống phương pháp luận này thường được sử dụng để phân tích cấu trúc giao tiếp đàm thoại trong sinh hoạt thường nhật và những cách diễn giải nằm trong cơ sở của nó.

Hướng phân tích chuyển hoán được phát triển từ phương pháp luận nhân chủng. Phân tích chuyển hoán sinh ra các lí thuyết diễn ngôn của Seglov và Sacks. Cơ sở của phân tích diễn ngôn theo phương pháp chuyển hoán là mô hình cấu trúc đổi vai trong giao tiếp.

Makarov nhận xét, xã hội học ngôn ngữ dẫn tới sự xuất hiện của các lí thuyết diễn ngôn dựa vào hệ hình của các loại hình xã hội. Rốt cục, đối tượng của những công trình nghiên cứu chuyên biệt là các loại diễn ngôn giao tiếp xã hội đa dạng, ví như diễn ngôn giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, giữa thày thuốc và bệnh nhân, diễn ngôn phiên toà v.v…[37].

Theo Makarov, lí thuyết về các ý niệm xã hội được sinh ra từ chiều sâu tâm lí xã hội giữ vai trò quan trọng trong sự hình thành của các lí thuyết diễn ngôn thuộc nhóm phân tích - diễn ngôn phê bình. Ông viết: “Dẫu phân tích -  diễn ngôn phê bình không vay mượn bộ máy và khái niệm của lí thuyết về các ý niệm xã hội, nhưng có thể nhận ra rất rõ mối liên hệ tư tưởng và phương pháp luận giữa chúng với nhau”[38].

Nhìn chung, theo tôi, có thể phân nhóm cho các lí thuyết diễn ngôn theo môn khoa học lớn hơn, bằng cách lấy những ngành khoa học cơ bản mà các lí thuyết diễn ngôn khác nhau đã sinh ra từ các cành nhánh của chúng làm cơ sở. Ngôn ngữ học, lí thuyết giao tiếp, xã hội học, tâm lí học, văn hoá học, lịch sử học là những bộ môn khoa học cơ bản như thế.

Chẳng hạn, vô số lí thuyết diễn ngôn, ví như ngôn ngữ học xã hội, tâm lí học ngôn ngữ, văn hoá học ngôn ngữ, chính trị học ngôn ngữ… đã phát triển từ nền tảng ngôn ngữ học. Tôi gọi đó là các lí thuyết diễn ngôn theo thiên hướng ngôn ngữ học. Lí thuyết diễn ngôn của James Gee[39], W.Labov[40], E. Goffman[41] thuộc thiên hướng này. Có thể xếp vào dạng thức lí thuyết diễn ngôn này cả những phác thảo mới mẻ ở lĩnh vực ngôn ngữ học chính trị trong các công trình nghiên cứu Gill Seidel[42], M.V. Gavrilova[43], N.M. Mukharijamov và L.M. Mukharijamova[44] v.v...

Lí luận diễn ngôn theo thiên hướng ngôn ngữ học là nhóm có số lượng lớn nhất. Theo tôi, các lí thuyết diễn ngôn theo thiên hướng kí hiệu học tạo thành một nhóm lí thuyết khác.  Lí thuyết diễn ngôn của R. Barthes, U. Eco, J. Baudrillard, P. Sériot thuộc vào nhóm này.

Cũng có thể chia thành các nhóm riêng lẻ: lí thuyết diễn ngôn theo thiên hướng kí hiệu học - giao tiếp (E.I Seigal, O. Rusakova)[45]lí thuyết diễn ngôn theo thiên hướng văn hoá học – giao tiếp (S. Holl, V. Krasnyh, V. Karasik)[46]

Hướng thứ hai: tiến hành phân loại các lí thuyết diễn ngôn dựa vào sự hiện diện của các trường phái và khuynh hướng đã hình thành xong xuôi (về mặt thế giới quan, tư tưởng hệ, phương pháp luận) trong phạm vi phân tích - diễn ngôn. Nói cách khác, các lí thuyết diễn ngôn được phân nhóm theo đặc điểm của những trào lưu nổi tiếng được thể hiện ở chúng: 1. Phân tích - diễn ngôn hậu hiện đại; 2. Phân tích -diễn ngôn phê bình; 3. Tâm lí học diễn ngôn; 4. Phân tích - diễn ngôn  hỗn hợp; 5. Cultural Studies[47]; 6. Visual Studies[48]; 7. Ngôn ngữ học chính trị v.v…

Hướng thứ ba: phân loại các lí thuyết diễn ngôn dựa vào tiêu chí: những đối tượng - diễn ngôn nào là trọng tâm chú ý chủ yếu của một lí thuyết phân tíc - diễn ngôn cụ thể.

Trọng tâm chú ý của các lí thuyết phân tích - diễn ngôn thường gặp nhất là các đối tượng - diễn ngôn như sau:

1. Diễn ngôn giao tiếp thường nhật (hội thoại sinh hoạt, đàm thoại bằng hữu, tin đồn, xung đột sinh hoạt;

2. Diễn ngôn thể chế hoá (diễn ngôn hành chính, diễn ngôn văn phòng, diễn ngôn ngân hàng, diễn ngôn giáo dục, diễn ngôn y học, diễn ngôn quân sự, diễn ngôn nhà thờ…);

 3. Diễn ngôn công cộng (diễn ngôn tham luận và sáng kiến dân sự, diễn ngôn ngoại giao, diễn ngôn - PR…);

 4. Diễn ngôn chính trị (diễn ngôn của chính trị tư tưởng hệ, diễn ngôn thể chế chính trị; diễn ngôn hành động chính trị);

5. Diễn ngôn – truyền thông (diễn ngôn – TV, diễn ngôn điện ảnh, diễn ngôn quảng cáo…);

6. Diễn ngôn – nghệ thuật (diễn ngôn văn học, diễn ngôn âm nhạc, diễn ngôn nghệ thuật tạo hình, diễn ngôn mẫu…);

7. Diễn ngôn giao tiếp công vụ (diễn ngôn đàm phán công vụ, diễn ngôn giao tiếp – doanh lợi…);

 8. Diễn ngôn tiếp thị (diễn ngôn quảng cáo, diễn ngôn bán hàng, diễn ngôn tiêu dùng, diễn ngôn dịch vụ…);

9. Diễn ngôn hàn lâm (diễn ngôn hiệp hội khoa học, diễn ngôn các môn khoa học và nhân văn…);

10. Diễn ngôn văn hoá - thế giới quan (diễn ngôn của các thời đại văn hoá, diễn ngôn của các trào lưu triết học và tôn giáo khác nhau).

Dựa vào hướng thứ ba, lại có thể chia thành các nhóm riêng lẻ như sau:

- Lí thuyết diễn ngôn chính trị của M. Pesho, P. Chilton, K. Shaffner, J. Torfing, M. Il'in, E. Sheigal…;

- Lí thuyết diễn ngôn – truyền thông của Van Dijk, N. Ferklo, L. Chouliaraki…;

 - Lí thuyết diễn ngôn triết học của các nhà hậu cấu trúc luận và J. Habermas.

 

Toàn bộ cách phân loại diễn ngôn chúng tôi trình bày ở trên đã khẳng định điều này: các lí thuyết diễn ngôn không chịu sự ràng buộc của bất kì bộ môn khoa học, hay đối tượng - tâm điểm nào. Cơ sở phương pháp luận của lí thuyết - diễn ngôn về nguyên tắc có tính chất tổng hợp, liên ngành, còn phạm vi đối tượng của các lí thuyết này bao giờ cũng rộng mở dành cho sự tiếp tục phát triển. Trong tổng thể, các lí thuyết diễn ngôn nhiều không kể xiết thể hiện rất rõ xu hướng phát triển ráo riết và rộng rãi, mang tính đa hệ hình, đa ngành của nghiên cứu khoa học hiện đại.

 

Người dịch: Lã Nguyên

Nguồn: Современные теории дискурса: мультидисциплинарный анализ - Екатеринбург: Издательский Дом “Дискурс-Пи”, 2006, tr. 9 - 28.

 


[1] T.A.van Dijk.-  Introduction: Discourse Analysis as a New Cross-Discipline // Handbook of Discourse Analysis. Vol. 1. Disciplines of Discourse. Academic Press. 1985.

[2] Communications 4. Recherchers semiologique. Paris. Seuil. 1964; Сommunications 8. Recherchers semiologique. L`analyse structural du recit. Paris. Seuil. 1968. 

[3] Jacob Torfing.- Discourse Theory: Archivments, Arguments, and Chellengers // Discourse Theory in European Politics. Identity, Policy and Governance. Palgrave Vacmillan. 2005.

 

[4] Trong bản dịch tiếng Nga, cuốn sách được xuất bản với nhan đề: Diễn ngôn – phân tích (Дискурс-анализ. Теория и метод.- ND) . Kharkov, Nxb. “Trung tâm Nhân văn học”, 2004.

[5] Tiếng Nga: “конструкционизм”, dịch là “thuyết kiến tạo” (học thuyết xen tri thức là sự kiến tạo, chứ không phải là sự phản ánh thế giới khác quan) để phân biệt với “конструктивизм”, nghĩa là “chủ nghĩa cấu trúc”.- ND.

[6] M. Jorgensen và L. Phillips.- Diễn ngôn - phân tích. Lí luận và phương pháp (Bản dịch từ tiếng Anh). Kharkov, 2004, tr. 15.

[7]M. Jorgensen và L. Phillips.- Diễn ngôn - phân tích. Lí luận và phương pháp (Bản dịch từ tiếng Anh). Kharkov, 2004 .- Tr. 16.

[8] Tlđd.- Tr. 19 - 21.

[9] Tiếng Nga: “артикуляция”; tiếng Anh: “articulation”; tiếng Pháp “articulation” – đều có hai nét nghĩa: sự khớp nối, sự nối bằng khớp và sự cấu âm.- ND.

[10] Ttrích dẫn theo Jorgensen và L. Phillips.- Diễn ngôn – phân tích. Lí thuyết và thực tiễn. Tr. 49.

[11] Mô hình diễn ngôn của Laclau và Mouffe nhắc ta nhớ tới sự thay đổi hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy trong kính vạn hoa: cùng một loại hạt nhỏ như thế, mỗi lần quay ống kính theo kiểu mới, sẽ tạo ra cấu trúc của một bức tranh kiểu mới.

[12] M. Jorgensen và L. Phillips.- Diễn ngôn - phân tích. Lí luận và phương pháp. Tr. 62.

[13] Như trên, tr. 63.

[14] Như trên, tr. 58 – 59 (Antonio Gramsci: 22.1.1891 – 27.4.1937; nhà triết học, nhà báo, nhà hoạt động xã hội kiệt xuất người Ý, người sáng lập và lãnh đạo đảng cộng sản Ý, nhà lí luận marxiste.- ND).

[15] Như trên. Tr.59.

[16] Như trên. Tr. 101.

[17] Dẫn theo: M. Jorgensen và L. Phillips.- Diễn ngôn - phân tích. Lí luận và phương pháp.

Tr. 102.

[18] Như trên. Tr. 103.

[19] Như trên. Tr. 146.

[20] Như trên. Tr. 160-161.

[21] Như trên. Tr. 185-186.

[22] Như trên. Tr. 169.

[23] Như trên. Tr. 199-200..

[24] Như trên. Tr. 172-173

[25] Như trên. Tr. 174.

[26] Như trên. Tr. 163 – 164.

[27] “Đa phối”: dịch từ chữ “мультиперспективизм” ( tiếng Pháp: “multiperspectivisme”). “perspectivisme”: “phối cảnh luận”, học thuyết cho rằng mọi sự nhận thức đều là “phối cảnh”.- ND.

[28] “Kiến tạo luận” – tiếng Nga: “конструкционизм”, tiếng Pháp: “constructionisme”, học thuyết nhận thức, theo đó, tri thức của chúng ta không phải là sự phản ánh thế giới hiện thực, mà là sự kiến tạo.- ND.

[29] Dẫn theo: M. Jorgensen và L. Phillips.- Diễn ngôn - phân tích. Lí luận và phương pháp.

Tr. 236.

[30] Như trên. Tr. 241.

[31] Khái niệm trật tự diễn ngôn hàm chỉ hình thể của tất cả các dạng và thể loại diễn ngôn được sử dụng trong bất kì một lĩnh vực cụ thể nào đó, hoặc trong bất kì một thiết chế xã hội cụ thể nào đó. Chẳng hạn, nội bộ trật tự diễn ngôn của bệnh viện, thường có các thực tiễn diễn ngôn như sau: diễn ngôn tư vấn ý tế  trong giao tiếp “bác sĩ – bệnh nhân”, diễn ngôn nghề nghiệp dưới dạng thuật ngữ y học do các thày thuốc sử dụng trong hình thức khẩu ngữ cũng như văn viết, diễn ngôn giao dịch với công chúng (ví như tuyên truyền cho lối sống lành mạnh) v.v… Các thực tiễn diễn ngôn trong nội bộ của một trật tự diễn ngôn nào đó thường xuyên tác động qua lại lẫn nhau.

[32] Kí hiệu thất thường được hiểu là những yếu tố diễn ngôn hoàn toàn để ngỏ đối với các ý nghĩa và cách biểu đạt khác nhau.

[33] Tiếng Nga: “киборг” (tiếng Anh: “cyborg”, viết tắt từ “cybernetic organism” nghĩa là “cơ thể điều khiển học”): trong khoa học viễn tưởng, nhiều trường hợp, nó được sử dụng như một thuật ngữ chỉ “người máy”, nhưng trong y học, nó là một cơ thể sinh học, tuy có cả các thành phần cơ khí và điện tử. Vì thế, trong bản dịch này, chúng tôi sẽ dùng chữ “cyborg” để phân biệt với chữ “robot” nghĩa là “người máy”.- ND.

[34] Xem: M. Jorgensen và L. Phillips.- Diễn ngôn – phân tích. Lí thuyết và phương pháp. Tr. 296 -298.

[35] Slembrouck S. What is meant by «discourse analysis»? // http://bank.rug.ac.be/da/da/.htm#pr

[36] Xem: H. White.- Tropics of Discourse. - Baltimore, 1978; H. White.- Siêu lịch sử: Sự hình dung về lịch sử ở châu Âu thế kỉ XIX.- Ecaterinburg, 2002; F. Ankersmit.- Lôgic trần thuậtPhân tích ngữ nghĩa trong ngôn ngữ của các nhà lịch sử học. M., 2003; F. Ankersmit.- Lịch sử và phép chuyển nghĩa: sự lên voi xuống chó của ẩn dụ. M., 2003.

[37] M.L. Makarov.- Cơ sở lí thuyết diễn ngôn. M., 2003. Tr. 92.

[38] Như trên. Tr. 74.

[39] Xem: J. P. Gee.-  An Introduction to Discourse Analysis: Theory and Method. -  New York and London, 2005.

[40] Xem: W. Labov.- Sociolingvistic Patterns. – Philadelphia, 1973.

[41] Xem: E. Goffman .- Forms of Talk. – Oxford, 1981.

[42] Xem: Gill. Seidel.- Political Discourse Analysis // Handbook of Discourse Analysis. Vol. 4. Discourse Analysis in Society. – London, 1985.

[43] Xem: M.V. Gavrilova.- Diễn ngôn chính trị như là đối tượng của phân tích ngôn ngữ học// “POLIS”, 2004, № 2.  

[44] Xem: N.M. Mukharijamov và L.M. Mukharijamova.- Ngôn ngữ học chính trị như một bộ môn khoa học//”Khoa học chính trị”. 2003, № 3. 

[45] Xem: E.I. Seigal.- Kí hiệu học diễn ngôn chính trị.- M., 2004; O.F. Rusakova.- Diễn ngôn, diễn ngôn chính trị, diễn ngôn học chính trị// Sự đa dạng của diễn ngôn chính trị.- “Ekaterinburg, 2004.

[46] V.V. Krasnyh.- “Cái của mình” giữa cái “của những người khác”:huyền thoại hay hiện thực.- M., 2004.

[47] “Cultural Studies” được hiểu chủ yếu là Trường phái nghiên cứu văn hoá Anh (BSCS)

[48] Ngày nay, “Visual Studies” đã biến thành một môn khoa học hàn lâm tương đối độc lập. xem bài A.Iu. Zenkova.- Nghiên cứu bằng mắt như một môn khoa học hàn lâm.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020