Lý luận văn học

[Jon Fosse]

Diễn từ nhận Nobel Văn học 2023 của Jon Fosse


15-12-2023

 

Trong diễn từ đọc trước Viện Hàn lâm Thụy Điển, nhà văn Na Uy Jon Fosse nói về ngôn ngữ thinh lặng và những trải nghiệm suốt sự nghiệp sáng tác hơn 40 năm.

Viết để giành lại ngôn ngữ từ nỗi sợ hãi

Hồi tôi học cấp 2, có một chuyện bất ngờ xảy đến. Khi cô giáo yêu cầu tôi đọc to, lập tức nỗi sợ hãi chẳng biết từ đâu ập đến xâm chiếm tôi. Tôi như tan biến trong nỗi sợ đó và nỗi sợ là tất-cả-tôi. Tôi đứng dậy, chạy ra khỏi lớp.

Tôi biết những đôi mắt tròn xoe của chúng bạn và cô giáo đang dõi theo tôi. Sau đó, tôi cố giải thích hành vi kỳ cục của mình bằng cách nói tôi phải đi toilet. Nhìn khuôn mặt của những người đang lắng nghe mình, tôi biết chẳng ai tin tôi cả. Có lẽ họ nghĩ tôi khùng, đúng vậy, tôi đang trở nên điên rồ.

Nỗi sợ đọc thành tiếng vẫn theo tôi. Thời gian trôi qua, tôi thu hết can đảm xin các giáo viên miễn cho tôi đọc to. Một số thầy cô tin tôi và đồng ý, số khác nghĩ rằng tôi đang bày trò trêu chọc họ.

Tôi đã học được điều gì đó quan trọng về con người từ trải nghiệm này.

Tôi đã học thêm nhiều điều khác.

Vâng, rất có thể đó là bài học giúp tôi đủ dũng khí đứng đây và đọc to diễn từ này trước quý vị khán giả hôm nay. Và bây giờ hầu như không còn nỗi sợ hãi nào.

Tôi đã học được gì?

Đại loại là nỗi sợ hãi đã lấy đi ngôn ngữ của tôi, và tôi phải giành lại nó. Để làm điều đó, tôi không thể bắt chước ai, mà phải theo cách riêng của mình.

Tôi bắt đầu viết ra dòng chữ của riêng mình, thơ ngắn, truyện ngắn.

Rồi tôi phát hiện ra việc làm đó mang lại cho tôi cảm giác an toàn, đối nghịch với sự sợ hãi.

Bằng cách nào đó, tôi đã tìm ra một nơi bên trong mình, nơi chỉ thuộc về tôi, và từ nơi đó tôi có thể viết ra những gì chỉ thuộc về tôi.

Giờ đây, sau 50 năm, tôi vẫn ngồi viết - và vẫn viết từ nơi bí mật bên trong mình. Thực lòng mà nói, tôi không biết gì về nơi đó ngoài chuyện nó tồn tại.

Nhà thơ Na-uy Olav H. Hauge từng làm một bài thơ so sánh việc viết lách với đứa trẻ dựng túp lều lá giữa rừng, bò vào trong, thắp nến, ngồi yên và cảm thấy an toàn trong những đêm thu tăm tối.

Tôi nghĩ đó là hình ảnh đẹp mô tả chính xác cách tôi trải nghiệm viết lách. Bây giờ - cũng như 50 năm trước.

Nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia Jon Fosse (sinh năm 1959) nhận bằng Tiến sĩ Danh dự tại ĐH Bergen (Na-uy) năm 2015. Ông từng theo học ngành Văn học So sánh tại đây. Ảnh: AFP

Nhà văn Jon Fosse nhận giải Nobel Văn học ở Stockholm, Thụy Điển hôm 10/12/2023. Ảnh: AFP

Ngôn ngữ thinh lặng

Và rồi tôi học nhiều hơn. Tôi học được rằng, ít nhất là đối với tôi, có một sự khác biệt lớn giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, hoặc giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ văn học.

Ngôn ngữ nói thường là sự giao tiếp độc thoại của một thông điệp kiểu "cái gì đó nên là thế này hay thế khác", hoặc hùng biện với sự thuyết phục, xác tín.

Ngôn ngữ văn học không bao giờ như vậy - nó không mang tính thông tin, nó chuyên chở ý nghĩa hơn là đảm nhiệm việc giao tiếp. Nó có sự tồn tại riêng của mình.

Theo cách ấy, một áng văn hay rõ ràng là đối lập với tất cả loại thuyết giảng, dù là thuyết giảng tôn giáo, chính trị hay bất cứ lĩnh vực gì.

Từ nỗi sợ đọc to, tôi đã bước vào địa hạt của cô đơn - không nhiều thì ít là cuộc sống của người viết lách - và ở yên đấy từ đó đến nay.

Tôi đã viết rất nhiều văn xuôi và kịch.

Tất nhiên, đặc điểm của kịch là dùng ngôn ngữ viết, trong đó đối thoại, trò chuyện, hoặc những nỗ lực diễn đạt thành lời, cùng những tính chất có thể thuộc về độc thoại, luôn luôn là một vũ trụ tưởng tượng, một phần của điều gì đó tồn tại mà không cần thông báo, sở hữu bản thể riêng của nó.

Khi nói đến văn xuôi, Mikhail Bakhtin có lý khi cho rằng phương thức biểu đạt, chính là hành động kể chuyện, có hai giọng nói trong nó.

Hiểu đơn giản thì đó là giọng của người nói, người viết và giọng của người được nói đến. Hai giọng nói này thường trượt vào nhau đến mức không thể biết được giọng nào của ai.

Chúng trở thành một giọng nói kép - đương nhiên là một phần của vũ trụ ngôn ngữ viết và logic bên trong nó.

Mỗi tác phẩm tôi viết ra đều có vũ trụ hư cấu riêng, thế giới riêng của nó. Một thế giới mới mẻ cho mỗi vở kịch, mỗi cuốn tiểu thuyết.

Nhưng một bài thơ hay (tôi cũng làm thơ rất nhiều) cũng đồng thời là vũ trụ của nó - chủ yếu chỉ liên quan đến chính nó. Khi ai đó đọc lên, họ có thể bước vào vũ trụ của bài thơ ấy - vâng, nó giống như một kiểu hiệp thông hơn là giao tiếp.

Điều này đúng với mọi tác phẩm tôi đã viết.

Viết để thoát khỏi chính mình

Có một việc chắc chắn là tôi chưa bao giờ viết để bộc lộ bản thân, như người ta thường nói, mà để thoát khỏi chính mình thì đúng hơn.

Và kết quả là tôi trở thành nhà viết kịch - vâng, tôi có thể nói gì về điều đó chứ?

Tôi viết tiểu thuyết, làm thơ và chẳng có khao khát nào với sân khấu. Nhưng vào đúng thời điểm, tôi đã viết kịch vì người ta trả cho tôi - một tác giả nghèo -món tiền khá hậu hĩnh để viết cảnh mở đầu của một vở kịch. Khoản tài trợ này là một phần của sáng kiến cộng đồng nhằm sáng tác thêm nhiều vở kịch mới cho Na-uy. Cuối cùng, tôi đã viết một vở kịch trọn vẹn - tác phẩm sân khấu đầu tiên và được biểu diễn nhiều nhất của tôi: "Có người sắp đến".

Lần đầu tiên viết kịch mang đến cho tôi bất ngờ lớn nhất trong suốt cuộc đời sáng tác của mình. Với văn xuôi và thơ, tôi phải cố gắng viết những gì mà thông thường - bằng ngôn ngữ nói phổ biến - không thể diễn đạt thành lời. Vâng, đúng vậy. Tôi cố gắng bày tỏ những điều không thể nói ra, vốn được xem là lý do tôi thắng giải Nobel.

Những điều quan trọng nhất trong đời đều không thể nói ra, mà chỉ có thể viết – xin phép biến tấu một chút câu nói của Jacques Derrida [1].

Vì thế, tôi cố gắng đặt từ ngữ vào lời nói thầm.

Còn khi viết kịch, tôi có thể sử dụng lời nói thầm, con người im lặng, theo cách hoàn toàn khác với văn xuôi và thơ. Chỉ cần tôi viết ra từ "tạm dừng" (pause), là đã đặt được lời nói thầm ở đó rồi. Trong kịch của tôi, "tạm dừng" chắc chắn là từ quan trọng nhất và được dùng nhiều nhất - tạm dừng dài, tạm dừng ngắn, hay chỉ đơn giản là tạm dừng.

Mỗi khoảng tạm dừng có thể chất chứa rất nhiều, hoặc rất ít. Rằng có điều gì đó không thể nói được, không muốn nói ra, hoặc tốt nhất là không nói gì cả.

Tuy nhiên, tôi khá chắc chắn rằng thực thể lên tiếng nhiều nhất qua những khoảng dừng chính là sự im lặng.

Có lẽ tất cả điệp ngữ trong văn xuôi của tôi đều thực hiện chức năng tương tự như khoảng dừng trong kịch. Tôi nghĩ: Trong khi kịch có lời nói thầm, tiểu thuyết có một ngôn ngữ vô thanh đằng sau câu chữ, và nếu tôi muốn viết hay, thì ngôn ngữ vô thanh này cần được bộc lộ. Chẳng hạn như trong "Septology" (Bộ 7), chính ngôn ngữ vô thanh đã sử dụng vài ba ví dụ đơn giản, cụ thể để nói rằng Asle thứ nhất và Asle khác có thể là cùng một người, và cả cuốn tiểu thuyết dài khoảng 1.200 trang đó có thể chỉ là biểu hiện bằng văn bản của một trang được trích xuất mà thôi.

Nhưng lời xưng hô thầm lặng, hay ngôn ngữ vô thanh, chủ yếu cất tiếng từ tính toàn thể của tác phẩm. Dù là tiểu thuyết hay kịch, bản thân các bộ phận không quan trọng bằng tính toàn thể - đặc tính cũng phải có trong từng chi tiết nhỏ. Có lẽ tôi dám nói tới cả tinh thần của cái toàn thể - một tinh thần có thể lên tiếng theo cách nào đó từ cự ly gần lẫn xa.

Bạn nghe được gì, nếu lắng tai đủ kỹ?

Bạn nghe được sự thinh lặng.

Và như người ta vẫn nói, chỉ trong sự thinh lặng, bạn mới có thể nghe được giọng nói của Chúa.

Có lẽ vậy.

Viết là lắng nghe

Giờ ta quay về Trái đất. Tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác mà việc viết kịch đã mang đến cho tôi. Viết là công việc cô đơn, như tôi đã nói, và sự cô đơn này tốt - miễn là con đường quay lại với những người khác vẫn để mở, trích một bài thơ khác của Olav H. Hauge.

Còn điều thu hút tôi nhất khi lần đầu tiên xem tác phẩm của mình được diễn trên sân khấu thì hoàn toàn trái ngược với cô đơn - nó là sự đồng hành để sáng tạo nghệ thuật thông qua chia sẻ, cho tôi cảm giác vô cùng hạnh phúc và an toàn.

Trải nghiệm sâu sắc này đã theo tôi từ đó, và tôi tin rằng nó đóng vai trò quan trọng giúp tôi không chỉ kiên định, với một tâm hồn an tĩnh, mà còn cảm thấy phảng phất hạnh phúc ngay cả khi xem những bản dựng dở từ kịch bản của mình.

Diễn kịch thật ra là một hoạt động lắng nghe quy mô - đạo diễn phải, hay ít nhất là nên, lắng nghe vở kịch, theo cách mà các diễn viên lắng nghe lẫn nhau và nghe đạo diễn nói, cũng như theo cách khán giả lắng nghe toàn bộ buổi diễn.

Viết văn là cách mà tôi lắng nghe: Khi viết tôi không bao giờ chuẩn bị, không lên kế hoạch gì cả, mà chỉ tiến hành bằng cách lắng nghe.

Vì vậy, nếu phải dùng một ẩn dụ để chỉ hành vi viết văn, thì đó là lắng nghe.

Và như một lẽ hiển nhiên, viết lách gợi nhớ đến âm nhạc. Đâu đó trong độ tuổi thiếu niên, tôi trực tiếp chuyển từ hoạt động âm nhạc sang viết lách. Thật ra tôi đã dừng hoàn toàn việc tự chơi nhạc lẫn nghe nhạc và bắt đầu viết, rồi trong câu chữ của mình, tôi cố gắng tái tạo điều mà mình đã trải nghiệm khi chơi nhạc. Đó là những gì tôi đã làm từ thời niên thiếu cho đến hôm nay.

Còn một điều nữa, có lẽ hơi lạ lùng, là khi sáng tác, có thời điểm tôi luôn cảm thấy văn bản đã được viết sẵn rồi, đang ở đâu đó ngoài kia, chứ không phải trong tôi, và tôi chỉ cần viết nó ra trước khi câu chữ biến mất. Khi thì tôi cứ chép ra mà chẳng thay đổi gì, lúc lại phải kiếm tìm câu chữ bằng cách viết lại, cắt gọn và biên tập, rồi cẩn thận mang nó ra khỏi văn bản có sẵn.

Hạnh phúc của nhà văn

Và thế là tôi - người từng không muốn viết kịch - cuối cùng cũng làm việc này được 15 năm. Những vở kịch tôi viết thậm chí còn được trình diễn, vâng, theo thời gian, được dựng thành kha khá phiên bản trên sân khấu nhiều nước.

Tôi vẫn không tin được điều này.

Cuộc đời thật không thể tin nổi.

Cũng như tôi không thể tin được bây giờ mình đang đứng đây, cố gắng nói gì đó ít nhiều hợp lý về chuyện viết văn, liên quan đến giải Nobel Văn học được trao cho mình.

Theo tôi được biết, tôi được trao giải Nobel nhờ cả kịch và thơ của mình.

Sau nhiều năm hầu như chỉ viết kịch, thình lình tôi cảm thấy đủ rồi, vâng, quá đủ rồi, tôi quyết định ngưng viết kịch.

Nhưng viết lách đã thành thói quen mà tôi không thể sống thiếu - chắc cũng như Marguerite Duras, bạn có thể gọi nó là bệnh - nên tôi quyết định quay lại điểm khởi đầu mọi chuyện, viết văn xuôi và các thể loại khác, theo cách tôi đã làm trên dưới một thập niên trước khi trở thành nhà viết kịch.

Tôi đã làm thế suốt 10 - 15 năm qua. Khi bắt đầu viết lại văn xuôi một cách nghiêm túc, tôi không dám chắc mình có thể làm được không. Tôi viết Trilogy (Bộ 3) trước - và giải thưởng Văn học của Hội đồng Bắc Âu trao cho tiểu thuyết này như một sự xác nhận tuyệt vời rằng tôi cũng có khả năng viết văn xuôi.

Sau đó, tôi viết Septology (Bộ 7).

Suốt quá trình sáng tác tiểu thuyết này, tôi trải nghiệm những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của một nhà văn, chẳng hạn như khi Asle phát hiện một Asle khác nằm trên tuyết, nhờ đó mà cứu mạng anh ta. Hoặc như đoạn kết, lúc Asle - nhân vật chính - bắt đầu cuộc hành trình cuối cùng của mình trên chiếc thuyền đánh cá cũ, cùng Åsleik, bạn thân nhất và cũng là người bạn duy nhất của anh, đón Giáng sinh với em gái Åsleik.

Tôi không có ý định viết tiểu thuyết dài, nhưng cuốn sách ít nhiều tự viết nên chính nó. Tôi cứ thế viết ra nhiều chương sách, trôi chảy đến mức mọi thứ đều ổn ngay lập tức.

Tôi nghĩ đó là lúc mình đến gần nhất với cảm giác mà người đời gọi là hạnh phúc.

Bộ Septology chứa đựng ký ức bên trong nó về những tác phẩm tôi đã viết được nhìn dưới ánh sáng khác. Việc tôi không dùng dấu chấm nào trong cả bộ tiểu thuyết cũng không phải phát minh gì mới mẻ. Tôi chỉ muốn viết cuốn tiểu thuyết như thế, theo một dòng chảy liên tục, một chuyển động không cần dừng lại.

Trong một bài phỏng vấn, tôi đã nói: Viết là một cách cầu nguyện. Tôi từng xấu hổ khi đọc bản in tác phẩm của mình. Nhưng sau này, tôi thấy an ủi phần nào khi biết Franz Kafka cũng từng nói như thế. Vậy có khi suy nghĩ đó cũng đúng nhỉ?

Những cuốn sách đầu tiên của tôi bị đánh giá khá tệ, nhưng tôi quyết không nghe theo giới phê bình, tôi chỉ tin vào bản thân, và kiên định với ngòi bút của mình. Nếu tôi không làm thế, có lẽ tôi đã ngưng viết ngay sau khi ra mắt tiểu thuyết đầu tay Đỏ, Đen vào 40 năm trước.

Sau này, tôi chủ yếu nhận được những đánh giá tốt, thậm chí còn bắt đầu nhận nhiều giải thưởng nữa - tôi nghĩ cần trung thành với logic cũ: Nếu tôi đã bỏ ngoài tai những lời chê bai, thì tôi cũng không để những tán tụng thành công ảnh hưởng đến mình. Tôi phải luôn bám chặt vào tác phẩm, kiên định với những gì mình đã sáng tạo nên.

Tôi nghĩ mình đã xoay xở để làm được điều đó, và tôi thật sự tin rằng mình sẽ tiếp tục làm thế sau khi nhận giải Nobel.

Khi được công bố thắng giải Nobel Văn học, tôi nhận được vô số email chúc mừng. Dĩ nhiên là tôi rất hài lòng. Đa số lời chúc tụng đều đơn giản và vui vẻ, nhưng một số người viết rằng họ đã hét toáng lên vì sung sướng, số khác cảm động rơi nước mắt. Tôi thật sự xúc động trước chân tình của độc giả.

Có khá nhiều vụ tự tử trong tác phẩm của tôi - nhiều hơn những gì tôi muốn nghĩ đến. Tôi từng lo sợ rằng bằng cách này, tôi vô tình góp phần vào việc hợp pháp hóa tự sát. Do đó, không gì làm tôi xúc động hơn khi độc giả thẳng thắn kể rằng tác phẩm của tôi đã cứu sống họ.

Trong chừng mực nào đó, tôi luôn biết rằng văn học có thể cứu người, thậm chí nó từng cứu mạng tôi cũng nên. Và nếu tác phẩm của tôi có thể cứu giúp người khác thì không gì làm tôi hạnh phúc bằng.

Xin cảm ơn Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao tặng tôi giải Nobel Văn học.

Và xin cảm ơn Chúa.

* Chú thích:

[1]: Jacques Derrida (1930 - 2004), triết gia người Pháp, cha đẻ thuyết "giải kiến tạo", có câu nói nổi tiếng: "Với những gì không thể nói thì không được im lặng, mà phải viết ra".

Source: https://vnexpress.net/dien-tu-nhan-nobel-van-hoc-2023-cua-jon-fosse-4688264.html#:~:text=Trong%20di%E1%BB%85n%20t%E1%BB%AB%20%C4%91%E1%BB%8Dc%20tr%C6%B0%E1%BB%9Bc,s%C3%A1ng%20t%C3%A1c%20h%C6%A1n%2040%20n%C4%83m. Post by: Khoa Ngữ văn
15-12-2023