Nghiên cứu khoa học

[câu hỏi, thơ chữ Hán, đối thoại, tâm lí bất an, hiện thực bất ổn]

CÂU HỎI TRONG THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU: BỨC CHÂN DUNG MỘT THẾ GIỚI NHIỀU BẤT ỔN


15-10-2021
Câu hỏi là một trong những kiểu loại câu thơ hiện diện khá nhiều ở ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Câu hỏi thực hiện nhiều chức năng và thể hiện các trạng thái tâm lí khác nhau của người viết: hoài nghi chất vấn, trăn trở day dứt, mệt mỏi buông xuôi, bất bình căm phẫn,… Câu hỏi gắn liền với hành trình kiếm tìm bản ngã, giải tỏa ẩn ức cá nhân, hành trình tìm kiếm bình yên trong cõi không gian, thời gian vô định, hình bóng tri âm xa xôi, hư ảo và hành trình kiểm định lại các giá trị cuộc sống. Nó phản ánh tâm thế bất an của con người giữa thế giới đầy bất ổn.

CÂU HỎI TRONG THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU:

BỨC CHÂN DUNG MỘT THẾ GIỚI NHIỀU BẤT ỔN

 

TS. Đỗ Thị Mỹ Phương

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Tóm tắt: Câu hỏi là một trong những kiểu loại câu thơ hiện diện khá nhiều ở ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Câu hỏi thực hiện nhiều chức năng và thể hiện các trạng thái tâm lí khác nhau của người viết: hoài nghi chất vấn, trăn trở day dứt, mệt mỏi buông xuôi, bất bình căm phẫn,… Câu hỏi gắn liền với hành trình kiếm tìm bản ngã, giải tỏa ẩn ức cá nhân, hành trình tìm kiếm bình yên trong cõi không gian, thời gian vô định, hình bóng tri âm xa xôi, hư ảo và hành trình kiểm định lại các giá trị cuộc sống. Nó phản ánh tâm thế bất an của con người giữa thế giới đầy bất ổn.

Từ khóa:câu hỏi, thơ chữ Hán, đối thoại, tâm lí bất an, hiện thực bất ổn.

 

1. Mở đầu

Thơ chữ Hán Nguyễn Du để lại cho người đọc ấn tượng về một thế giới u uẩn, nhiều bóng tối. Không gian khép kín, thời gian ngưng trệ, con người chìm đắm trong suy tư, trăn trở. Ngay cả khi tâm hồn thi nhân hướng ra ngoại cảnh, kết nối với âm thanh, màu sắc, chuyển động của cuộc sống hiện thực, thế giới thơ cũng không vì thế mà tươi tắn, nhiều sức sống hơn. 250 bài thơ lưu trữ những trải nghiệm nhân thế, những nỗi niềm tâm sự sâu kín - hành trình kiếm tìm bản ngã, kiếm tìm gương mặt đích thực của nhân sinh thế sự, kiếm tìm bình yên vừa riết róng vừa xót xa, tuyệt vọng. Đó là tiếng lòng của con người nhiều khát khao và cũng nhiều mặc cảm, của bậc “nhất thế tài hoa”[1] mà lương tri, trí tuệ hơn người luôn khiến ông đau nhiều hơn nỗi đau của kiếp sống nhân sinh.

Ám ảnh trong thơ chữ Hán Nguyễn Du là cảm giác bất an – trạng thái tâm lí của con người cá nhân luôn thấy mình thiếu sự sẻ chia, thấu hiểu, thấy không bằng lòng với những sắp đặt vốn có, những định giá muôn thuở. Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục - thế giới riêng tư, tập nhật kí tâm hồn, bức chân dung tự họa của cá nhân thi sĩ có rất nhiều câu hỏi. Câu hỏi có mặt trong cả những bài thơ Nguyễn Du trò chuyện với chính mình và nhận diện thế giới quanh mình. Sự hiện diện của các câu hỏi tạo nên trạng thái không yên ổn cho những tập thơ vốn mang tính hướng nội, trầm lặng. Nó khắc họa những biến động âm thầm mà dữ dội, hành trình con người nhận thức về bản thân, về thân phận con người, về lịch sử với tất cả sự bất định của chúng.

2. Nội dung nghiên cứu

Xét về tần xuất, câu hỏi hiện diện ở cả ba tập thơ chữ Hán nhưng với các mức độ khác nhau. ỞThanh Hiên thi tập, tỉ lệ bài thơ có mặt câu hỏi cao nhất (45 câu hỏi ở 36/78 bài thơ - 46%), trong khi Bắc hành tạp lục có số lượng câu hỏi nhiều nhất (90 câu hỏi trong 55/132 bài thơ - 42%). Câu hỏi và văn bản có sự hiện diện của câu hỏi ở Nam trung tạp ngâm khiêm tốn hơn nhưng vẫn là con số đáng kể (9 câu hỏi ở 9/40 bài thơ – 23%). Tần số xuất hiện của câu hỏi trên những chừng mực nhất định có thể xem là một phương diện chỉ dẫn không chỉ nội dung tư tưởng các tập thơ mà còn cả sự tiếp nối và biến chuyển trong cách Nguyễn Du cảm nhận về một thế giới bất toàn ở các chặng thời gian khác nhau.

Xét từ phạm vi và đối tượng hỏi, thế giới nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du có màu sắc khá đặc thù. Đa phần các câu hỏi, đối tượng hướng đến không hiển lộ.Đó có thể là cá nhân nhà thơ (tự hỏi), hoặc là một con người cụ thể trong cuộctrò chuyệntưởng tượngbất chấp giới hạn không- thời gian, hay thiên hạ, người đời - đối tượng có thực nhưng vô định, là tất cả mà dường như chẳng là ai. Tuy nhiên, cách chủ thể hỏi tự giấu mình, rất ít xưng danhvà đối tượng tiếp nhận hầu hết có tính hàm ẩn khiến câu hỏi của Nguyễn Du có xu hướng chuyển từ hình thức đối thoại sang độc thoại. Đây cũng là một phương diện tạo nên tính hướng nội của thơ ca Nguyễn Du, đồng thời, nó phản chiếu thế giới tinh thần đầy bất ổn, ẩn chứa rất nhiều xaođộng của chủ thể sáng tác. Có rất nhiều điều khiến nhà thơ đất Tiên Điền băn khoăn, trăn trở. Chúng là vấn đề thuộc về cuộc sống cá nhân nhà thơ, thuộc về nhân sinh, thế sự, là hiện tại nhưng cũng có thể là quá khứ và tương lai. Những câu hỏi phơi bày mất mát, hé lộ trạng thái chông chênh, hỗn loạn của thực tại mà Nguyễn Du đang chứng kiến, đang dấn thân, cho thấy đời sống tâm lí nhiều hoang mang, lo lắng của thi sĩ. Với Nguyễn Du, dường như mọi hiện hữu đều trong trạng thái không hoàn bị, chưa thể khép lại, kể cả lịch sử.

Xét chức năng, câu hỏi trong thơ chữ Hán Nguyễn Du không chỉ hướng đến mục đích hỏi. Thực sự, hỏi và tự hỏi, khao khát kết nối và chấp nhận buông xuôi, trăn trở day dứt và mệt mỏi cam chịu, bất an và chán nản là những trạng thái tâm lí luôn song hành. Chờ đợi lời giải đáp không phải lúc nào cũng là đích đến. Ẩn chứa sau những câu hỏi là nỗi hoài nghi, là mong muốn được đối thoại nhưng cũng cònlà nhu cầu định giá lại các giá trị trong cuộc sống, nhu cầu giải tỏa những ẩn ức cá nhân. Câu hỏi không chỉ là những băn khoăn thắc mắc mà còn mang ý nghĩa như lời tổng kết, đánh giá, luận bàn; không chỉ thể hiện những hoài nghi mà còn có giá trị khẳng định hay phủ định; không chỉ xuất phát từ nhu cầu kết nối, sẻ chia, đối thoại mà còn phơi bày đổ vỡ trong tâm hồn, trạng thái cô độc, tuyệt giao của chủ thể trữ tình. Hỏi là sự quay lưng với thực tại nhưng có khi lại cho thấy bản lĩnh, quyết tâm đối mặt với thực tại. Tiến hành khảo sát, chúng tôi nhận thấy Nguyễn Du sử dụng câu hỏi để thực hiện nhiều chức năng khác nhau. Tất nhiên, việc nhận diện ý đồ của thi nhân chỉ mang tính tương đối, bị chi phối bởi suy nghĩ chủ quan của người tiếp nhận, nhưng con số thống kê sơ bộ ít nhiều cũng giúp chúng ta quan sát được diện mạo đa chiều của một kiểu loại câu thơ trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du.

Chức năng của câu hỏi

Thanh Hiên thi tập

Nam trung tạp ngâm

Bắc hành tạp lục

Hỏi

16

2

16

Khẳng định

3

2

15

Phủ định

9

0

18

Cảm thán

5

5

25

Luận bàn, đánh giá

5

0

16

Câu hỏi trong thơ chữ Hán Nguyễn Du có thể tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, từ đó soi chiếu nhiều phương diện trong đời sống nội tâm, trong thế giới nghệ thuật của thi sĩ đất Tiên Điền. Ở bài viết này, chúng tôi tiếp cận hệ thống câu hỏi với tư cách chất liệu kiến tạo bức tranh nhân thế nhiều khiếm khuyết, bất ổn. Bởi dù hướng đến mục đích nào, hỏi luôn là hành trình tìm kiếm (cả trong hi vọng, thất vọng hay tuyệt vọng), gắn liền với cảm giác chưa thấu hiểu thực tại. Hỏi là cách Nguyễn Du đối diện với chính mình, đi đến tận cùng nỗi đau và cảm giác mất mát. Hỏi cũng là con đường thi nhân giải tỏa nỗi u uẩn, chia sẻ sự cô đơn và tìm kiếm sợi dây kết nối với thế nhân.

2.1. Câu hỏi và hành trình kiếm tìm bản ngã

Sinh ra, lớn lên trong bối cảnh xã hội nhiều thăng trầm, biến động, Nguyễn Du đã sống một cuộc đời không bình yên, bằng phẳng. Không chỉ chứng kiến lịch sử trong trạng thái sinh thành, huỷ diệt không ngừng, sơn hà xã tắc đổi thay, cuộc sống con người đầy rẫy truân chiên, đau khổ…, cái bất trắc của hiện thực còn được thi nhân thể nghiệm bằng chính cuộc đời mình: gia cảnh sa sút, anh em li tán, bạn bè chia biệt, ngoảnh lại nhìn quá khứ hoàng kim đang lụi tắt, trông hiện tại thấy mình bị quăng quật, va đập giữa gió bụi, nhìn phía trước tương lai mịt mờ, vô định. Bất ổn của đời thực di chuyển vào thơ là nỗi trăn trở chưa thấy lời giải đáp, là hành trình kiếm tìm không đến đích, là trạng thái thỏa hiệp trong giằng xé, dằn vặt,…Nguyễn Du vốn là người tài hoa, kiêu bạt nhưng bản sống nội tâm, thiên về suy tư hơn hành động. Người anh thân thiết Nguyễn Đề từng xót xa khi nói về em trai mình: “Tự hữu lăng vân chí/ Hoàn vô thiệp thế tài” (Vốn có chí lớn cưỡi mây/ Rút cục lại không có tài giao thiệp với đời)[2]. Lịch sử trong cơn cuồng phong đảo tung mọi giá trị không phải là cơ hội để nhà thơ họ Nguyễn “chọc trời khuấy nước”, vẫy vùng khẳng định bản thân mình. Nó phơi bày đổ vỡ, tạo ra hiểm họa khiến ông hoang mang. Nó cho Nguyễn Du thấy sự bé nhỏ của con người cá nhân, sự bế tắc, bất lực của bản thân, sự vô nghĩa của nhữngđiều vốn từng là giá trị bất biến.Ông thu nhận nỗi đau cuộc đời để làm đầy thêm đau khổ trong tâm hồn mình chứ không đạp phá, tung hê để tạo lập, lựa chọn con đường mới. Mâu thuẫn giữa khát vọng và hiện thực, giữa tham vọng với hành động thực tiễn, giữa nỗ lực dấn thân và mặc cảmbất lực đã tạo nên bi kịch tinh thần trong Nguyễn Du. Nhiều lần trong thơ ca, ông nói vềhùng tâm, tráng chí nhưng tất cả lí tưởng, hoài bão lớn lao đều thuộc về quá vãng, hiện tại chỉ còn sự suy tàn, nuối tiếc, xót đau. Và cũng cũng hơn một lần, nhà thơ cay đắng phơi bày sự thất bại của cá nhân: Sinh bình văn thái tàn lung phượng/ Phù thế công danh tẩu hác xà (Dáng vẻ nho nhã lúc bình sinh xơ xác như con phượng trong lồng/ Công danh trên cõi đời tuột mất như rắn chạy vào hang – “Tống Nguyễn Sĩ Hữu nam quy”); Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/ Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên/ Xuân lan thu cúc thành hư sự/ Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên (Tráng sĩ đầu bạc ngửng nhìn trời, lòng bi đát/ Hùng tâm, sinh kế cả hai đều mờ mịt/ Xuân lan thu cúc đã thành chuyện hão/ Đông rét hè nóng cướp cả tuổi xuân – “Tạp thi”); Nhất sinh từ phú tri vô ích/ Mãn giá cầm thư đồ tự ngu (Một đời chuyên về từ phú, biết là vô ích/ Sách đàn đầy giá, chỉ mình làm ngu mình – “Mạn hứng”)... Nguyễn Du chọn cho mình lối sống “tàng thân” ẩn nhẫn nhưng tâm lại không an yên với lựa chọn của bản thân. Ám ảnh bị đánh mất chính mình và cảm giác không thích nghi được với thực tại thường xuyên hiện diện, day dứt trên những trang viết: Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục/ Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân (Ở đất khách, giả vụng về để phòng kẻ tục/ Gặp đời loạn, muốn giữ toàn sinh mệnh nên luôn luôn sợ người ta – “U cư, bài 1”); Tiếu đề tuẫn tục can qua tế/ Giam mặc tàng sinh lão bệnh dư (Lúc loạn lạc, cười khóc cũng phải theo đời/Thân già yếu nên im lặng để giữ mình – “Tạp thi, bài 2”); Anh hùng tâm sự hoang trì sính/ Danh lợi doanh trường lụy tiếu tần (Tâm sự anh hùng đã nguội lạnh, không nghĩ đến chuyện rong ruổi/ Trên đường danh lợi, buồn hay vui cũng đều bị trói buộc – “Xuân tiêu lữ thứ”). Những mất mát đời thực là căn nguyên của cuộc hành trình tìm lại chính mìnhmà Nguyễn Du chỉ có thể thực hiện trong thơ ca.Và câu hỏi chính là một hình thức kiếm tìm bản ngã. Ở đó có cảm giác hoang mang, bế tắc, có nỗi lo sợ, tuyệt vọng, và có cả niềm kiêu hãnh, ngạo nghễ. Nó hé mở biết bao trăn trở, giằng xé. Yên ổn là trạng thái dường như không tồn tại trong thế giới nghệ thuật thơ chữ Hán của Nguyễn Du.

Biến cố thời đại khiến gia đình lớn của Nguyễn Du rơi vào tình cảnh điêu đứng và cuộc đời ông chệch ra khỏi quỹ đạo quen thuộc: học hành – thi cử, đỗ đạt – làm quan. Nguyễn Du dấn thân giữa gió bụi trong một tâm thế đầy bị động. Những lựa chọn trong chặng đường đời nhiềuthăng trầm, thử thách của thi nhân đều có kết cụclỡ dở: kế nghiệp võ của bố nuôi nhưng không thành tựu, mưu toan hưng Lê phục quốc bất thành, ý đồ chống Tây Sơn thất bại, việc tìm đường vào Nam theo Nguyễn Ánh lỡ dở. Nguyễn Du chọn cách sống thu mình, giấu đi những ước mơ và khao khát. Nhưng ẩn phía sau bức chân dung người đàn ông với thể trạng suy yếu, râu tóc bạc trắng, ánh nhìn mệt mỏi và nỗi lo âu cơm áo dày vò (như nhà thơ tự họa chính mình trong Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm) là ý thức về giá trị bản thân, ý thức về sự khác biệt của cá nhân trong thế giới ông tồn tại. Con người mà sử nhà Nguyễn từng nhận xét rất tinhlà “ngạo nghễ tự phụ” nhưng “bề ngoài tỏ ra kính cẩn[…], sợ hãi như không nói được” [4, tr.357] mang trong mình nhiều ủy khuất. Nguyễn Du không có cái kiêu bạc của kẻ đứng trên thế nhân, lạc quan phơi phới bất chấp nghịch cảnh “được mất dương dương người tái thượng/ Khen chê phơi phới ngọn đông phong” như Nguyễn Công Trứ sau này. Những thăng trầm, đổ vỡ làm suy kiệt hình hài, tạo thành sóng gió trong đời sống nội tâm.Cuộc sống tha hương, đói khổ, ốm đau bệnh tật, hành trình tìm đường không tới đích khiến cho con người với chí nguyện hành động suy tàn nhưng con người với ý niệm về giá trị bản thân không ngừng day dứt. Ông tự hỏi –tự khẳng định mình trong tâm tưởng: Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn? (Tính ta vẫn không thay đổi, giống như chân chim hạc, sao có thể cắt ngắn được? – “Tự thán, bài1”). Sách Trang Tử, thiên “Biền mẫu” viết: “Con người chính đạo thì giữ được sự thể tự nhiên của tính mệnh (trời sinh ra sao thì cứ để như vậy). Cho nên, ngón chân liền nhaucũng không gọi là dính, ngón tay có mọc nhánh cũng không gọi là dư, dài không cho là thừa, ngắn không cho là thiếu. Vì vậy mà chân vịt tuy ngắn, nếu nối cho dài thì vịt sẽ đau; chân hạc tuy dài, nếu cắt ngắn đi thì hạc sẽ khổ [11, tr.242]. Điều cốt yếu của con người cũng như sự vật tồn tại trên cõi đời này là sống đúng với bản tính tự nhiên mà mình được phú bẩm. Thời thế buộc Nguyễn Du buông bỏ khát vọng, hoài bão nhưng từ sâu thẳm ý thức cá nhân, ông biết con người đang hiện hữu không phải là con người đích thực của chính mình. Mượn hình ảnh “hạc hĩnh” kèm theo lời chất vấn “hà dung đoạn”, nhà thơ vừa thể hiện thái độ phản kháng, không bằng lòng với những sắp đặt đang cóvừa ngầm ý khẳng định những giá trị cốt lõi không thể thay đổi của bản thân. Rõ ràng, hoàn cảnh bế tắc, cơ cực (công chưa thành, danh chưa toại mà mái tóc đã bạc phơ, thân thể suy yếu; chặng đường phía trước còn vô định, con người “tự thán” trong nỗi bơ vơ, cô độc) không khiến ôngcam chịu đánh mất mình. Nguyễn Du ví mình như viên ngọc, khi lăn lộn trong cõi trần an,viên ngọc ấy không thể bảo toàn được chân tính. Ông sẵn lòng từ bỏ những thành tựu (theo thang giá trị thông thường) để trở về với con người thật của mình: Thái phác bất toàn chân diện mục/ Nhất châu hà sự tiểu công danh (Tôi như viên ngọc trong đá không giữ vẹn được mặt thật/ Chút công danh nho nhỏ ở một châu có đáng gì? – “Kí hữu”). Câu hỏi như sự phủ nhận lợi danh, vừa cho thấy một Nguyễn Du tự tôn, ngạo nghễ vừa thể hiện chí hướng của nhà thơ. Chức quan nhỏ ở một châu thực sự không phải là điều đáng kể đến trên hành trình lập thân của kẻ mang “tâm sự anh hùng”[3], nhưng nhiều hơn, ông hỏi là để nhắc nhở bản thân dứt bỏ những những vướng lụy tầm thường, tìm về “chân diện mục”. Theo các nhà nghiên cứu, những lời tâm sự gửi bạn này của Nguyễn Du được viết khi ông mới ra làm quan cùng nhà Nguyễn, được bổ nhiệm chức tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (Hưng Yên ngày nay). Với người mới chỉ đỗ tam trường, sự khởi đầu này có thể xem là thuận lợi. Nhưng Nguyễn Du lại bước vào chính trường với cảm giác đầy bất an, mất mát. Đó là trạng thái tâm lí của người ý thức mình bắt đầu phải tha hóa - sống khác với chính mình. “Thái phác” là viên ngọc thô lúc vẫn trong đá, khi bị mài giũa để đem ra sử dụng, hình hài, bản chất của nó không còn giữ được sự vẹn nguyên. Cũng giống như Nguyễn Du, vì gánh nặng trách nhiệm, vì bổng lộc, vì sự đeo đuổi của giấc mơ hiển vinh thời trẻ và cũng có thể vì bản tính không quyết liệt trong hành độngmà phải dấn thân chốn quan trường, chấp nhận uốn mình cho vừa khuôn khổ,hao tổn cốt cách và giá trị bản thân. Qua những câu hỏi, người đọc có thể cảm nhận được hành trình tìm lại mìnhđầy chật vật, chua xót. Tư tưởng Đạo gia thấm đẫm trong nhiều bài thơ của Nguyễn Du, nó không chỉ mang giấcmơ giải thoát mà còn gắn liền với ám ảnh về sự đánh đổi, mất mát. Ý niệm về bản ngã tạo nên hai dòng cảm xúc đối lập, vừa cay đắng vừa tự hào. Nó phản chiếu sự giằng co giữa khát vọng buông bỏ để “toàn hình bảo chân” (Lời Trang Tử, dẫn theo [6]) và thất bại trước nhữngníu giữ của thế tục ở Nguyễn Du, đồng thời, nó là điểm tựa nâng đỡ và an ủi ông giữa những tháng ngày vô vọng. Mang thân phận của kẻ lưu lạc, sống trầm lặng, khép mình nhưng thi nhân vẫn tin vào sự khác biệt của bản thân so với thế giới xung quanh: Bình sinh bất khởi thương dăng niệm/ Kim cổ thuỳ đồng bạch nghĩ oa? (Bình sinh chưa hề có ý nghĩ của loài ruồi nhặng/ Xưa nay ai lại cùng chung tổ với lũ mối? – “Tạp ngâm, bài 1”).Cuộc sống phiêu dạt nơi góc bể chân trời có thể khiến hùng tâm tráng chí trở nên điêu tàn nhưng bản chất trong sạch, thanh cao, không chấp nhận ngang hàng với những kẻ tầm thường, vô dụng là giá trị bất biến không thay đổi. Câu thơ của Nguyễn Du gợi liên tưởng đến ý thức về lương tricủa nàng Kiều những ngày tháng quằn quại nơi lầu xanh Tú Bà: “Mặc người mây Sở, mưa Tần/ Riêng mình nào có biết xuân là gì” [2, câu 1239-1240]. Nguyễn Du giống nhân vật nữ mà ông rất mực yêu thươngở cách ứng xử với thực tại: chấp nhận bằng tinh thần không nhập thế, xác lập nguyên tắc nhị phân trong nhận thức và tồn tại: thế giới của người và thế giới của mình, con người ngoại hiện và con người tâm tưởng.

Chặng đường tìm lại chính mình của Nguyễn Du còn gắn liền với cuộc tìm kiếm khát vọng đích thực - những mộng ướcbị hiện thực tàn khốc tước đoạt. Không phải tráng tâm hùng chí, không phải hoài bão kinh bang tế thế mà khao khát lánh xa thế tục, an nhiên tự tại trong thế giới không biến động, không cần phân định đúng – sai, được – mất, cao- thấp mới là giấc mơ ông theo đuổi. Một điểm rất dễ nhận thấy trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du là “giấc mộng gác vàng” (hoàng mộng các), “chí cưỡi mây” (lăng vân chí) – lí tưởng hành động, khát vọng nhập thế rất ít được nhắc đến. Nếu như có xuất hiện, chúng cũng luôn ở trạng thái đã lụi tàn, vĩnh viễn thuộc về những tháng ngày xưa cũ.Sau nhiều thăng trầm, đổ vỡ, dường như thi sĩ họ Nguyễn đã không còn hứng thú nói về tham vọng gánh vác sơn hà, giấc mộng tuổi trẻ chỉ gợi lại trong ông nỗi chua chát, chán chường. Con người Nho gia với tinh thần tự nhiệm và nhiệt huyết cống hiến rất mờ nhạt, con người mưu cầu tự do tuyệt đối trở thành đích đến, chính xác hơn là lí tưởng Nguyễn Du tìm về. Đạo giáo, Phật giáo với chủ trương gạt bỏ mọi ràng buộc, đưa con người trở về trạng thái tự chủ cao nhất trở thành điểm tựa tinh thần”an ủi, xoa dịu nỗi đau, lấp đầy trống rỗng” khi “lí tưởng cái tôi lẫn cái tôi lí tưởng ở Nguyễn Du đều bị tổn thương nặng nề” [10]. Từ trong mất mát, thi nhân tìm đường trở về với những mộng ước ban sơ: Hà năng lạc phát quy lâm khứ?/ Ngoạ thính tùng phong hưởng bán vân (Làm thế nào có thể có thể gọt tóc vào rừng ở/ Nằm nghe tiếng thông reo lưng chừng mây– “Tự thán, bài2”). Không gian trong trẻo, nơi có tiếng thông reo vi vút là nhạc, có mây trắng thong dong tạo hình, nơi con người có thể lãng quên âu lo, rũ bỏ buồn hận đang mời gọi, thúc giục ông. Nguyễn Du biết đó là hạnh phúc nhưng con đường đi tới, ông vẫn đang loay hoay kiếm tìm: “làm thế nào?”. Câu thơ vừa nhẹ bẫng cảm giác của sự giải thoát, vừa trĩu nặng ưu tư. Dường như giữa Nguyễn Du và giấc mơ của ông vẫn còn có một khoảng cách, nó không quá xa xôi nhưng chưa thể sáp nhập lại. Bởi thế, cái nhìn của thi nhân hướng về thế giới mơ ước vẫn là cái nhìn ngóng vọng và tâm thế của ông vẫn là tâm thế của kẻ đứng ngoài, đợi chờ, hi vọng.

Câu hỏi là hình thức Nguyễn Du bày tỏ thái độ quyết liệt chối bỏ danh và lợi: Trung thọ chỉ bát thập/ Hà sự thiên niên kế?[…] Nhãn tiền đắc táng dĩ nan nhận/ Hà sự mang mang thân hậu danh? (Sống lâu chỉ tám mươi tuổi/ Cần gì tính chuyện ngàn năm? […] Chuyện trước mắt hay dở đã không biết/ Việc gì phải lo cái danh xa xôi sau khi chết? - “Hành lạc từ, bài 1”). Khác con người đau đáu trông chờ sự kết nối, sẻ chia từ phía tương lai mà Nguyễn Du từng bày tỏ (Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? “Độc Tiểu Thanh kí”), nhiều thời khắc trên đường đời, ông lựa chọn buông bỏ vật dục, chỉ quan tâm đến hiện tại và sự tự tại của cá nhân. Câu hỏi đồng thời cũng là hình thức ông khẳng định lí tưởng sống đích thực mà mình theo đuổi và tự nhắc nhở mình trân trọng mong muốn của bản thân: Đại địa văn chương tuỳ xứ kiến/ Quân tâm hà sự thái thông thông? (Mặt đất rộng lớn, ở đâu cũng có cảnh đẹp/ Việc gì anh phải quá vội vàng (chẳng dừng chân đứng ngắm)? – “Hoàng Mai kiều vãn diểu”); Phù lợi vinh danh chung nhất tán/ Hà như cập tảo học thần tiên? (Danh lợi hão huyền cuối cùng tiêu tan hết/ Làm sao bằng sớm theo đạo thần tiên? – “Mộ xuân mạn hứng”); Sinh tiền bất tận tôn trung tửu/ Tử hậu thuỳ kiêu mộ thượng bôi? (Lúc sống không uống cạn chén rượu/ Chết rồi, ai rưới trên mồ cho? – “Đối tửu”). Hình thức hỏi tạo ra cuộc đối thoại mà cả người hỏi lẫn người tiếp nhận đều chính là Nguyễn Du. Người hỏi là cái tôi tự ý thức được khát vọng của riêng mình, người tiếp nhận là cái tôi vẫn chưa tách mình ra khỏi thế giới tha nhân hỗn độn. Biển rộng, núi cao, trăng sáng, gió thổi, chim hót, mây bay, ông chài nằm say ngủ, em bé thổi sáo thảnh thơi,…là cõi an nhiên, tự tại thi nhân khao khát. Đã nhận ra đích đến trên hành trình mình đi nhưng bước chân của ông vẫn mãi không chạm tới được. Đó là bởi những ràng buộc níu kéo của cõi nhân gian. Ngồi một mình trong đêm, ông xót xa nghĩ về gánh nặng mưu sinh khiến con người bị trói buộc tự do: Bạch đầu sở kế duy y thực/ Hà đắc cuồng ca tự thiếu niên? (Đầu bạc rồi, chỉ mãi lo về chuyện cơm áo/ Làm sao được hát ngông cuồng như thuở trẻ? - “Dạ tọa”). Ngắm sông nước, tâm hồn thi nhân cũng không nguôi ngoai những day dứt: Tiễn nhĩ dã âu tuỳ thuỷ khứ/ Phù sinh lao lục kỷ thì hưu? (Thấy bầy chim âu lềnh bềnh trôi theo mặt nước mà thèm/ Cuộc sống vất vả bao giờ mới thôi? – “Đồng Lung giang”). Đáp lời thơ một người bạn, ông cũng nhắc đến nỗi lo sinh kế khiến kẻ xa nhà không thể thực hiện mơ ước của mình: Đại canh hữu thiệt sinh thường túc/ Khứ quốc hà tâm lão bất quy? (Anh dạy học trò, cuộc sống no đủ/ Tôi xa nhà, lòng nào mà mãi vẫn chưa về? - “Y nguyên vận kí Thanh Oai Ngô Tứ Nguyên”). Những giới hạn của con người cá nhân Nguyễn Du còn đến từ những ám ảnh về sự thất bại. Tuổi già, tóc bạc, trách nhiệm xã hội ngăn cản, khiến ông không thể biến khao khát buông bỏ thành hành động: Mỗi liên cố thái duy cuồng tại/ Dục mịch tân hoan nại lão hà? (Thương thay cho tính cũ vẫn còn ngông cuồng/ Muốn tìm vui mới nhưng già rồi biết làm sao? – “Từ Châu đạo trung”); Dục điển túc sương mưu nhất tuý/ Nại hà đầu dĩ bạch như ngân? (Muốn bán áo cừu túc sương, mua lấy một cuộc say/ Làm sao được khi mái đầu đã bạc trắng? – “Quảng Tế kí thắng”); Đáo đắc thanh sơn tận/ Kì như bạch phát hà? (Đến được chỗ tận cùng núi xanh/ Đầu bạc biết sao bây giờ? - “Hoàng Mai đạo trung”); Thử thân dĩ tác phàn lung vật/ Hà xứ trùng tầm hãn mạn du?(Thân này đã làm vật trong lồng trong chậu/ Còn tìm lại ở đâu cuộc chơi phóng khoáng, tự do? – “Tân thu ngẫu hứng”). Ý niệm về giải thoát thường song hành cùng ý thức về sự bất lực, bởi thế, như một đối xứng với con người “đeo mặt nạ”, sống đúng phận vị, con người bản ngã của Nguyễn Du cũng hiện diện, nhưng chỉ trong thế giới mộng tưởng của thi nhân. Như ông từng ngậm ngùi chia sẻ: Tri giao quái ngã sầu đa mộng/ Thiên hạ hà nhân bất mộng trung? (Các bạn quen biết lấy làm lạ tại sao ta sầu mộng/ Thiên hạ ai là người không ở trong mộng? – “Ngẫu đề”). Hỏi cũng chính là để giải thích, hàm ý vừa khẳng định và vừa phủ định.

Cũng giống như con người với những ứng xử nhiều mâu thuẫnngoài đời thực, con người cá nhân trong thơ chữ Hán Nguyễn Du cũng đầy nỗi bất an. Qua hệ thống câu hỏi, có thể thấy bức chân dung tự họa của thi nhân với những đối cực: vừa kiêu hãnh, tự tôn vừa mặc cảm, yếu đuối; vừa quyết liệt, dứt khoát vừa chấp nhận, cam chịu; vừa tự ý thức một cách mạnh mẽ, vừa dường như muốn che giấu ý thức – con người thật của chính mình. Chỉ có sự đối lập giữa bản ngã và thực tại là điều Nguyễn Ducảm nhận rõ rệt và muốn chia sẻ một cách thành thực với người đọc thơ ông.

2.2. Câu hỏi và hành trình kiếm bình yên

“Con người cô đơn, bơ vơ, lạc lõng nơi dị hương, loạn thế” [9] là hình ảnh người đọc thường xuyên bắt gặp trong bức chân dung tự họa của Nguyễn Du ở thơ chữ Hán. Có lẽ không ở đâu, con người cảm nhận thế giới quanh mình lại nhiều bất an đến thế, cảm giác bất an không đến từ nỗi lo âu về những hiểm họa rình rập mà đến từ ý thức - mặc cảm bản thân không thuộc về không gian mình đang tồn tại. Có một cuộc tìm kiếm mải miết (trong lo âu day dứt, trong xót xa tuyệt vọng) không gian, thời gian, người đồng hành – thế giới an bình, ấm áp mà Nguyễn Du thiếu vắng. Bên cạnh giấc mơ giải thoát là giấc mơ kết nối, chúng là những đối cực song hành trong cả ba tập thơ chữ Hán.

Các nhà nghiên cứu đã từng nói nhiều về các kiểu loại không gian, thời gian, mô hình thế giới trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. “Nó khác với nền chung là không - thời gian vũ trụ và gần với không – thời gian đời thường chật hẹp của văn học lãng mạn: Không gian bao la rộng lớn tưởng chừng như vận động, điều khiển dẫn dắt con người tới một không gian có mái che, nhỏ hẹp hơn đó là nấm mồ. Và thời gian dù được đẩy ngược lên tận nghìn vạn năm nhưng rồi cũng khép chặt con người bởi áp lực chớp mắt của nó” [13, tr.171]. Không gian, thời gian “đều chung một sắc thái ảm đạm và gợi những tàn phai”, “nhà thơ có xu hướng tìm đến những khoảng trống vắng, quạnh hiu không chỉ của vũ trụ mà ngay cả trên mặt đất này” [13, tr.161, tr.174]. Đó là thế giới thiếu vắng sự sống, đang trên hành trình tàn úa, phai rữa. Nhưng còn thế giới khác, một thế giới đầy bất định, nơi cả thời gian, không gian và gương mặt con người ở đó đều chưa định hình, đang được kiếm tìm, kiến tạo. Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục có rất nhiều câu hỏi tìm kiếm không gian, thời gian, tìm kiếm một tấm lòng thấu hiểu, chia sẻ. Những cụm từ thể hiện sự dõi trông, ngóng đợi xuất hiện trở đi trở lại trên các trang thơ, từ lúc Nguyễn Du lưu lạc trong gió bụi, đến khi ông tìm được đường về cố hương và cả khi nhà thơ đã xác lập danh phận trong xã hội: hà tại, tại hà (ở đâu), hà xứ (nơi nào), hà thì, hà niên (bao giờ, năm nào), hà nhân (người nào), thùy (ai). Dường như với thi sĩ họ Nguyễn, mọi hiện hữu đều vô nghĩa, còn những điều ông chờ mong lại ngoài tầm tay với, mơ hồ, khó nắm bắt. Căn phòng nhỏ có ngọn đèn chập chờn, cánh cổng thường khép kín, hoa nở trong vườn, cây xanh ngoài ngõ, ánh trăng sáng lạnh in bóng cây trùng điệp, gió thổi xuyên qua rặng núi, vệt đom đóm lập lòe trên đám cỏ hoang những trong đêm sâu,… - những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống đời thường, dưới tầm mắt nhìn của Nguyễn Du lại là hiện thân của thế giới xa lạ, nơi thi nhân không thuộc về, không được nâng đỡ, đùm bọc. Chiều tà, đếm tối, những sớm ban mai sương ướt lạnh rồi xuân, hạ, thu, đông – bốn mùa nối tiếp chảy trôi trong tri giác thời gian của nhà thơ đất Tiên Điền cũng không đọng lại trong ông ấn tượng về nhịp điệu của niềm vui, sự sống. Những cuộc tiếp xúc và những lần biệt li khơi sâu thêm ấn tượng về sự biến động, bất ổn,tiếp thêm cho ông niềm tin rằng bình yên và hạnh phúc không thuộc về hiện tại. Nguyễn Du bước vào hành trình miệt mài định vị thế giới bình yên. Nếu như với chuyến đi tìm bản ngã, những câu hỏi đồng thời cũng chính là câu trả lời, vừa cho thấy ý thức vừa phản ánh sự bất lực của Nguyễn Du trên con đường trở về với chính mình thì ở đây, câu hỏi là những hoài nghi, trăn trở chưa tìm được lời giải đáp. Biên độ không gian chưa xác định, mốc thời gian mơ hồ, gương mặt tri âm xa xôi, hư ảo là ám ảnh để lại phía sau những câu hỏi tìm bình an.

Nguyễn Du luôn thấy mình như ngọn cỏ bồng giữa trời nổi gió, lúc nào cũng lênh đênh và phiêu dạt. Bởi thế, cuộc tìm kiếm điểm tựa không gian trong thơ ông là ám ảnh thường trực: Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp/ Tất cánh phiêu linh hà xứ quy? (Thân nay như ngọn cỏ bồng lìa gốc, trước luồng gió tây thổi mạnh/ Không biết cuối cùng sẽ giạt đến chốn nào? – “Tự thán, bài 1”). Lạc lõng giữa thực tại, nhà thơ không thể thiết lập sự kết nối giữa bản thân với vạn vật quanh mình. Đứng ở nơi đây nhưng ông cứ đau đáu ngóng trông về nơi nào đó xa xăm. Ngay tại thời khắc chia tay anh em và bè bạn, ông đã đầy âu lo với dự cảm biệt li mãi mãi, hoang mang với câu hỏi về nơi mà những người thân yêu của ông đang đến, nơi ôngcó thể gặp lại họ: “Cao sơn lưu thuỷ” vô nhân thức/ Hải giác thiên nhai hà xứ tầm? (Khúc đàn “cao sơn lưu thuỷ” không có người hiểu/ Nơi chân trời góc bể, biết tìm anh ở đâu? – “Lưu biệt Nguyễn đại lang”); Nhất biệt bất tri hà xứ trú?/ Trùng phùng đương tác tái sinh khan (Kể từ khi từ biệt, nay không biết anh ở nơi nào?/ Cuộc trùng phùng có lẽ phải đợi đến kiếp sau – “Ức gia huynh”); Thiên hạc đàm ngư hà xứ tầm?/ La Thành nhất biệt thập niên thâm (Hạc trời, cá đầm biết đâu mà tìm?/ Từ ngày chia xa ở La Thành chốc đã mười năm – “Tặng Thực Đình”). Hà xứ - nơi đâu, ở đâu là những kiếm tìm khắc khoải sau mỗi cuộc li biệt, vừa biểu đạt khao khát làm chủ không gian, vừa thể hiện nỗi cô đơn, sự nhỏ bé, bất lực của con người. Những mơ ước và mộng tưởng của Nguyễn Du cũng gắn liền với không gian “hà xứ” – kiểu không gian chưa được định danh, chưa được xác lập đường biên. Không gian bất định này là nơi nhà thơ hướng đến để tìm ánh sáng xua đi cái lạnh lẽo, u tịch của đêm xuân, cái mệt mỏi, chán chường trong lòng người lữ thứ: Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?/ Tiểu song khai xứ liễu âm âm (Trời tối đen, tìm đâu thấy cảnh xuân tươi sáng?/ Qua khuôn cửa sổ nhỏ, chỉ thấy bóng liễu âm u – “Xuân dạ”); tìm kiếm mùa xuân tươi vui đích thực: Xuân tòng giang thượng lai hà xứ?/ Nhân ỷ thiên nhai trệ nhất quan (Xuân theo dòng sông đi về đâu?/ Người nương chân trời lụn trệ vì một chúc quan – “Ngẫu thư công quán bích”); tìm vị thuốc tiên chữa bệnh cũ mười năm: Thập niên túc tật vô nhân vấn/ Cửu chuyển hoàn đan hà xứ tầm? (Bệnh cũ mười năm không ai thăm hỏi/ Tìm đâu ra thuốc tiên luyện chín lần? – “Ngọa bệnh”); tìm lại niềm vui xa xôi trong quá vãng: Hà xứ Vân Hoà hiệp kĩ diên/Hồng Lĩnh mộng trung hoang xạ liệp (Còn đâu núi Vân Hoà tiệc vui ca kĩ/ Hồng Lĩnh trong giấc mộng thiếu vắng những cuộc đi săn – “Hàm Đan tức sự”); tìm về cố hương – điểm tựa tinh thần bền bỉ nhất: Vọng ngoại Hồng sơn tam bách lí/ Tương tòng hà xứ vấn tiền lân (Nhìn về núi Hồng, cách 300 dặm/ Biết chốn nào mà hỏi thăm xóm cũ ngày trước – “Ngẫu đắc”); tìm sự gắn kết giữa con người với thế giới xa lạ quanh mình: Cực mục thương tâm hà xứ thị/ Thu phong lạc mộc quá Nguyên Tương (Nhìn hết tầm mắt, đau lòng không biết là ở đâu/ Gió thu thổi, lá cây rụng khi qua vùng Nguyên, Tương – “Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu”); tìm kiếm những âm thanh của cuộc sống đời thường: Tảo hàn dĩ giác vô y khổ/ Hà xứ không khuê thôi mộ châm? (Mới rét, đã khổ vì không áo/ Mà nơi đâu tiếng đập vải của người khuê phụ rộn rã trong chiều hôm? – “Thu dạ, bài 2”);… Giữa những tháng ngày bơ vơ, lạc lõng nơi đất khách, bị bủa vây bởi bóng tối và nỗi cô độc, Nguyễn Du vẫn dõi trông và chờ đợi nơi chốn bình yên cho mình. Sự kiếm tìm, mong ngóng khiến nhà thơ nhận thức rõ hơn thực tại ảm đạm, đồng thời nó giăng mắc thêm những sợ tơ hi vọng, níu giữ ông lại thế giới tồn tại vốn chỉ có sự trống rỗng, vô hồn.

Bên cạnh cảm giác hoang mang của con người đánh mất sự ràng buộc, tha thiết với không gian hiện thực là nỗi âu lo khắc khoải của kẻ mang tâm thế mất quyền tự chủ, quyền kiểm soát thời gian. Ý niệm về thời gian trong thơ Nguyễn Du trĩu nặng nỗi u uất như cảm nhận của nhà thơ về cuộc sống của mình. Ông sống giữa hiện tại nhưng đau đáu câu hỏi về thời khắc kết thúc. Mười tuần trong lao tù, thấp thỏm chuyện sống – chết, Nguyễn Du mong chờ đến lúc mọi sầu lo, buồn hận của thất bại, bế tắc chấm dứt: Bình Chương di hận hà thì liễu/ Cô Trúc cao phong bất khả tầm(Bao giờ mới hết mối hận Bình Chương?/ Khó mà có được phong cách cao thượng của người nước Cô Trúc – “Mi trung mạn hứng”). Hà thì – bao giờ, khi nào, mốc thời gian không xác định hàm chứa bao trông mong, ngóng đợi. Nguyễn Du đãthấm thía đến tận cùng nỗi đắng cay của thất bại, bế tắc. Hỏi thực chất là để ông nhắc nhở với lòng mình rằng hành trình tìm kiếm thời gian của bình yên vô vọng đến tuyệt vọng. Những mất mát đưa nhà thơ đất Tiên Điền lựa chọn cách sống không dấn thân, sống chỉ để chờ khi mọi buồn vui trong kiếp sống nhân sinh khép lại: Bách niên ai lạc hà thời liễu/Tứ bích đồ thư bất yếm đa (Cuộc vui buồn trăm năm bao giờ mới hết?/ Sách vở đầy bốn vách, bao nhiêu cũng vừa – “Tạp ngâm, bài1”). Nhưng con đường đó còn rất dài. Sự mệt mỏi, chán nản vương ám trên từng con chữ, Nguyễn Du hỏi nhưng thiếu niềm tin rằng mình có thể thoát ra khỏi gánh nặng trần ai. Hiện tồn đối với ông là sự chịu đựng. Và từ các câu hỏi, thêm một khía cạnh nữa trong bức chân dung Nguyễn Du được hé lộ - con người của niềm khắc khoải thời gian, luôn trong cuộc đợi chờ triền miên: chờ trong đêm - bao giờ trời sáng, chờ trên bước đường ra đi – bao giờ trở về, chờ trong cơn biến loạn – bao giờ yên ổn, chờ trong cuộc đời - bao giờ thoát khỏi vòng trần tục,… Nguyễn Du không phải đang trò chuyện, đối thoại mà bản thân ông thật sự bất lực trước những câu hỏi của cuộc đời.

Hành trình đi tới bình yên của Nguyễn Du còn gắn liền với cuộc kiếm tìm trong khắc khoải người tri âm, thấu hiểu. Sống trầm lặng, khép mình nhưng thi nhân luôn khao khát được lắng nghe, chia sẻ. Ông tự biết mình cô đơn và chưa bao giờ cảm thấy an yên trong nỗi cô đơn ấy. Những câu hỏi tìm người tri kỉ trong cõi nhân gian rộng lớn đầy da diết, vừa phơi bày trạng thái bất ổn, thiếu cân bằng trong đời sống cá nhânvừa phản ánh mong muốn mở lòng kết nối của thi sĩ. Nguyễn Du thấy mình lẻ loi, đơn độc, đáng thương khi bên cạnh không có người đồng cảm: Trệ khách yêm lưu Nam Hải trung/ Tịch liêu lương dạ dữ thuỳ đồng? (Người khách bê trệ nằm bẹp mãi ở vùng biển nam/ Đêm đẹp vắng lặng, biết chia sẻ cùng ai? – “Trệ khách”). Đêm thanh vắng, thơ mộng vì thế trở nên dằng dặc, lòng người cũng sầu não, chán chường. Thiếu quê hương, xa người thân, vắng bạn bè, cảm giác cô độc và ao ước có bạn tâm tình luôn thường trực.Trên các trang thơ, người đọc có thể thường xuyên quan sát được ánh mắt, tâm tư trông ngóng, tìm kiếm tri âm của thi nhân: Trung tình vô hạn bằng thùy tố?/ Minh nguyệt thanh phong dã bất tri (Mối tình chan chứa biết ngỏ cùng ai?/ Trăng thanh, gió mát cũng không thể hiểu thấu – “Hoàng hạc lâu”). Ông mong muốn gỡ bỏ “nỗi lòng u uẩn”, phá vỡ trạng thái đơn độc, hướng đếnnhững tiếng lòng đồng vọng. Không chỉ ở thời khắc hiện tại, Nguyễn Du còn trông chờ sự tương giao, đồng cảm phía tương lai: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? (Không biết hơn ba trăm năm sau/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như? - “Độc Tiểu Thanh kí”); Sinh tiền bất tận tôn trung tửu/ Tử hậu thuỳ kiêu mộ thượng bôi? (Lúc sống không uống cạn chén rượu/ Chết rồi, ai rưới trên mồ cho? – “Đối tửu”). Không chỉ tìm cho cá nhân mình, ông còn khao khát sự cảm thông, thấu hiểu cho nhữngthân phận cô đơn, đáng thương trong cõi đời này. Đó là người ca nữ đất La Thành, một đóa hoa rực rỡmà oan khổ, sống phải chịu nghiệp chướng, chết rồi vẫn mang tiếng gió trăng: Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh?/ Trủng trung ưng tự hối phù sinh (Thiên hạ ai kẻ thương người bạc mệnh?/ Dưới mồ, chắc cũng hối hận cho kiếp phù sinh – “Điếu La Thành ca giả”). Đó là Khuất Nguyên– bậc trung thần tiết tháonhưng cuộc đời đầy ngang trái: Thiên cổ thuỳ nhân liên độc tỉnh?/ Tứ phương hà xứ thác cô trung? (Ngàn năm trước ai hiểu người tỉnh một mình?/ Bốn phương lòng trung biết gửi nơi nào? – “Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu, bài 2”). Trông chờ, tìm kiếm nhưng có lẽ bản thân Nguyễn Du cũng dự cảm được rằng thật khó tìm được tri kỉ giữa cuộc đời. Thùy, hà nhân – ai, người nào, những dấu hỏi mang theo cái nhìn ngóng vọng, vừa tha thiết vừa lo âu của ông trên hành trình tìm kiếm tri âm.

Câu hỏi trong thơ chữ Hán Nguyễn Du giúp người đọc hiểu hơn những mất mát trong cuộc đời thi nhân.Ở đó, có sự đan xen của hi vọng và cả sự hoang mang, tuyệt vọng. Bản thân mỗi câu hỏi là một cuộc kiếm tìm nhưng in hằn cảm giác về sự mịt mờ, bất lực. Hành trình đi đến bình yên của Nguyễn Du vì thế đầy nỗi xót xa, ai oán.

2.3. Câu hỏi và hành trình kiểm định lại các giá trị

Nguyễn Du có một cuộc sống cá nhân trầm lặng. Thời tuổi trẻ tung hoành với khao khát sắp đặt lại thế cục khá ngắn ngủi, những thất bại cá nhân và sự an bài của lịch sử đưa ông đến lựa chọn sống như cánh bèo trôi dạt, mặc dòng nước cuộc đời đẩy đưa. Cả khi sang Thái Bình lánh nạn, khi về Hồng Lĩnh náu mình lẫn khi ra làm quan cho nhà Nguyễn, ông đều giữ thái độ chấp nhận trong lặng lẽ. Nhưng từ sâu thẳm nội tâm là sự sục sôi những phản kháng, những mong muốn quẫy đạp, vượt thoát khỏi giới hạn hiện thực, khỏi nhịp điệu buồn tẻ, vô nghĩa của đời sống thường nhật. Nguyễn Du đưa thơ tâm thế bất an của người sống không là chính mình, không bằng lòng với diện mạo hiện có của thực tại. Câu hỏi có thể xem như một hình thức để nhà thơ lật lại bức tranh hiện thực trong thế chưa hoàn tất, bày tỏ quan điểm cá nhân, xem xét lại các giá trị.

Những va đập cuộc đời khiến cái nhìn của Nguyễn Du thiếu vắng niềm tin. Ông hoài nghi về các giá trị vốn được xem là vững chãi, trường tồn. Lòng trung tín không đủ làm chỗ dựa cho con người khi đối mặt với sóng gió: Phong ba ná đắc tận năng bình?/ Trung tín đáo đầu vô túc thị (Sóng to gió lớn làm sao trấn hết được?/ Lòng trung tín khi gặp hiểm cũng không đủ tin cậy – “Ninh Minh giang chu hành”). Đức hiếu sinh của đất trời không đủ để dẹp yên bão tố phong ba, cho muôn vật cuộc sống an bình đích thực: Đế đức bản hiếu sinh/ Ná đắc trường như thị? (Trời vốn có đức hiếu sinh/ Sao để như vậy mãi? – “Lam giang”). Câu hỏi của Nguyễn Du khi đứng trước dòng Lam giang rộng lớn giữa mùa nước lũ, “bờ sông lở ầm ầm như sấm dữ, sóng dâng lên trông như những con quỷ kì dị” nhấn chìm vạn vật trong cơn cuồng nộ, đầy xót xa, day dứt. Nhà thơ cảm thấy bất nhẫn khi chứng kiến cuộc đối đầu không cân sức để duy trì sự sống, sức người quá nhỏ bé so với sự phá hủy của thiên nhiên. Con sông Lam còn là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời nhiều hiểm nguy, đe dọa, con người dù biết trước vẫn phải “xông pha”, và trong lòng không nguôi những thắc mắc về cơn cớ tại sao.

Ngay cả văn chương – sự kết tinh những giá trị cao quý, thứ từng khiến Nguyễn Du tin có thể bất tử hóa sự sống, cái đẹp[4]- giữa những va vấp đời thực cũng trở thành vô nghĩa. Không có niềm kiêu hãnh đến ngạo nghễ của kẻ sáng táctự thấy mình giàu có và hạnh phúchơn người, mãn nguyện trong thế giới do chính mình kiến tạo (kiểu như Nguyễn Trãi tự ý thức - “ngâm ông thùy dữ thế nhân đa?”), Nguyễn Dubị ám ảnh thường xuyên bởi sự đổ vỡ của các giá trị. Ông nói nói đến văn chương với tất cả sự bất lực trước hiện thực, khi đôi cánh nâng đỡ con người của nó đã hoàn toàn bị tước bỏ. Sự tương tác giữa một bên là niềm kì vọng vào điều lớn lao, tốt đẹp mà văn chương mang lại và một bên là cái nhìn không ảo tưởng về thực tại để lại những dư âm xót xa, cay đắng. Trong nỗi thất vọng của Nguyễn Du, có rất nhiều dằn vặt, phẫn uất. Dường như nhà thơ vẫn chưa thể hiểu, chưa thể quen với một sự thực hiển nhiên mà đầy phi lí– kiếp đời của văn nhân nghệ sĩ thường cơ cực, cay đắng và bế tắc. Những câu hỏi trở đi trở lại như sự từ chối chấp nhận thực tại. Nghĩ về mình, ông trăn trở: Văn tự hà tằng vi ngã dụng?/ Cơ hàn bất giác thụ nhân liên (Văn chương nào đã dùng được việc gì cho ta?/ Đâu ngờ phải đói rét để người thương – “Khất thực”). Nghĩ về những thi nhân ngày xưa, đặc biệt “bậc thầy văn chương muôn đời” Đỗ Phủ, ông không thôi những băn khoăn, day dứt: Văn chương quang diệm thành hà dụng?/ Nam nữ thân ngâm bất khả văn (Văn chương sáng chói nhưng có ích gì?/ Con trai, con gái rên rỉ nghe không đành– “Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng chi mộ, bài 2”); Dị đại tương liên không sái lệ/ Nhất cùng chí thử khởi công thi? (Ở hai thời đại khác nhau, thương nhau, luống rơi lệ/ Cùng khổ đến thế há phải bởi tại thơ hay? – “Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ, bài 1”). Tài năng, trí tuệ, lương tri hơn người lại là nguồn cơn của tai họa, khiến người sở hữu chúng phải chuốc lụy, mua phiền, phải nếm trải đủ những thăng trầm, đau khổ. Quy luật phi lí được tổng kết dưới hình thức câu hỏi mà không có câu trả lời phản ánh nỗi niềm u uất của chính người hỏi. Nó đang kết tụ lại, chẳng thể nào tiêu biến.

Nhìn từ hành trình định giá lại các giá trị, câu hỏi trong cho chữ Hán Nguyễn Duphản ánh cuộc sống đầy mâu thuẫn của ông. Có sự đối lập gần như tuyệt đối giữa thế giới trong tâm tưởng thi nhân và thực tại mà ông đang sống. Những gì nhà thơ phủ nhận, thậm chí phủ nhận một cách triệt để lại là những thứ mà ông phải lựa chọn sống chung. Những gì mà ông tin tưởng, kì vọng lại phơi bày sự thảm hại, bẽ bàng trong đời thực. Danh lợi – thứ giá trị hư ảo, phù phiếm mà Nguyễn Du quyết liệt chối từ nhưng nó chính là sợi dây trói buộc ông trong kiếp nhân sinh. Cho đến tận khi mất, giấc mơ thoát khỏi vòng danh lợi thi nhân vẫn không thực hiện nổi. Nhìn ra xung quanh, Nguyễn Du xót xa thấy bao người cũng trong bể trầm luân giống mình. Bức tranh hiện thực thật nhiều ngang trái: Nhân sinh quyền lợi thành vô vị/ Kim cổ thuỳ năng phá thử mê? (Trong đời người, quyền lợi thật là vô vị/ Xưa nay ai phá được điều mê muội đó?– “Tô Tần đình, bài 1”); Phù thế thao thao tử tuẫn danh/ Hồi đầu thuỳ khẳng niệm ngô sinh? (Cuộc đời trôi nổi, bao người chết vì danh/ Ai chịu ngoảnh đầu suy ngẫm về sinh mạng của mình? – “Nhị Sơ cố lí”). Ở chiều đối nghịch, các giá trị như văn chương, lí tưởng, tài năng, hoài bão lại trở nên bất lực trước số mệnh. Cuộc gặp gỡ xuyên thời gian giữa Nguyễn Du và người anh hùng bại trận Sở Bá Vương được mở đầu bằng câu hỏi nhức nhối về sự tương đố của tài mệnh: Bạt sơn giang đỉnh nại thiên hà?/ Túc hận du du kí thiển sa (Có sức dời núi nhấc vạc nhưng làm gì được mệnh trời?/Mối hận cũ dằng dặc gửi dưới cát mỏng –”Sở Bá Vương mộ, bài 1”). Hỏi không phải chờ đợi lời giai đáp mà để gửi gắm nỗi phẫn uất, bất bình. Vì không nhận lại được sự chia sẻ nên nó nặng trĩu sự mệt mỏi.

Sự phủ nhận lớn nhất và thường trực nhất trong thơ Nguyễn Du có lẽ là phủ nhận bản chất của thực tại, những gì đang diễn quanh ông và cả những tồn tại tưởng chừng như đã khép lại với sai – đúng, khen - chê. Cũng giống như nhà thơ vĩ đại Khuất Nguyên, Nguyễn Du mang trong lòng hàng ngàn câu hỏi về vũ trụ, nhân sinh nhưng từ trải nghiệm của bản thân, ông hiểu chúng chỉ rơi vào hư không, con người vĩnh viễn không tìm được câu trả lời minh bạch: Ám tụng “Thiên vấn” chương/ Thiên cao hà xứ vấn? (Thầm đọc “Bài ca hỏi trời”/ Trời cao, biết đâu mà hỏi? – “Bất mị”). Trời là chân lí tối cao, là điểm tựa cuối cùng con người hướng đến khi đối mặt với hiện thực quá nhiều chông chênh, ám muội. Nhưng trời cao biết ở nơi đâu? Hình thức câu hỏi có sự tương hợp gần như tuyệt đối với mục đích chối bỏ trong phát ngôn. Hỏi không còn là tìm kiếm, nó là lời khẳng định thực tại bất minh, đồng thời là sự phủ nhận giá trị đích thực của hiện tồn. Từ nhận thức, đánh giá lại đến hoài nghi và phủ nhận các danh xưng là hành trình khá quen thuộc của Nguyễn Du. Giữa cái được định danh và điều ông nghe – thấy – cảm nhận thường có khoảng cách khá xa. Ví như niềm tự tôn của người Trung Hoa về tinh thần trọng tiết nghĩa và cách họ đối xử với miếu xã của một vương triều, với mộ phần của bậc trung thần “đến chết tâm vẫn không thay đổi”: Cộng đạo Trung Hoa thượng tiết nghĩa/ Như hà hương hỏa thái thê lương? (Ai cũng nói người Trung Hoa trọng tiết nghĩa/ Tại sao ở đây hương khói tiêu điều thế? – “Quế Lâm Cù Các Bộ”). Ví như sự tôn vinh “kì công” của bậc danh tướng Mã Viện với thực trạng của công tích ấy là sinh mạng của ngàn vạn người vô tội: Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt/ Kì công hà thủ Hán tướng quân? (Từ thuở xa xưa, gió lạnh đã thổi bao đống xương trắng/ Chiến công của tướng nhà Hán có gì đáng khen? – “Quỷ Môn quan”). Ví như sự giả trá của kẻ cầm quyền, lợi dụng ý nghĩa thiêng liêng của linh thú để ngụy tạo danh tiếng: Lân hề quả vị thử nhân xuất/ Đại thị yêu vật hà túc trân? (Ôi kì lân! nếu mày vì kẻ ấy mà hiện ra/ Thì mày chỉ là đồ yêu quái, có gì đáng quý? – “Kì lân mộ”). Trong tín ngưỡng dân gian, kì lân là biểu tượng của lòng nhân, giống thú này không nhẫm lên vật sống, không bẻ cành cây tươi. Kì lân xuất hiện là điềm báo đời thái bình thịnh trị, thánh nhân ra đời. Mượn cái chết của con vật huyền thoại này, Nguyễn Du trực diện tố cáo sự tàn bạo, ám muội của Minh Thành tổ và con cháu hắn, đồng thời vạch trần luận điệu giả trá mà chúng sử dụng để biện minh, tô vẽ cho những hành động phi nhân phi nghĩa,… Thực sự, với Nguyễn Du, lịch sử không phải là những trang viết đã khép lại, có tính chất cố định, bất biến. Từ lịch sử để suy ngẫm về hiện tại là cách tiếp cận quá khứ của thi nhân. Bên cạnh đó, nhìn vào lịch sử để soi xét lại chính diện mạo của nó cũng là tâm thế thường trực của ông. Trên phương diện này, nhu cầu đối thoại từ các câu hỏi trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du hiện diện khá rõ nét.

Cái nhìn phản tỉnh củaNguyễn Dukhông chỉ có một chiều phủ định. Cho dù cảm quan hiện thực thường nghiêng về phía “cái không” (không gian vô định, thời gian vô định, người tri âm chưa tìm thấy, mọi hiện hữu ở trạng thái suy tàn, mất mát, chủ thể trữ tình bơ vơ, lạc lối giữa những khao khát kiếm tìm) thìthi nhân vẫn luônmong mỏi điều tốt đẹp được nâng niu, trân trọng. Ông đồng cảm sâu sắc với những người mà giá trị của họ bị phủ nhận: lòng trung bị nghi ngờ, nhân cách bị chà đạp, lí tưởng bị bài xích, tài năng bị rẻ rúng, nỗ lực công hiến bị gièm pha,… Song song với thái độ chấp nhận trong cô phẫn, coi đó như một phần của hiện thực trái ngang, Nguyễn Du cất lên tiếng nói phản đối. Nhu cầu bảo vệ các giá trị trở thành một mạch cảm hứng trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Hình thức câu hỏi cũng tham giam biểu đạt cảm hứng đó. Xót xa cho cuộc đời ngắn ngủi, mọi dự định đều dang dở của Giả Thái phó, ông chất vấn: Lập đàn bất triển bình sinh học/ Sự chức hà phương chí tử bi? (Đứng bàn việc nước, ông không thể đem hết những hiểu biết của mình ra thực hiện/ Làm tròn chức phận,ngại gì mà phải chịu chết đau thương? – “Trường Sa Giả Thái phó”). Nhà thơ trân trọng sự tận lực tận trung của họ Giả, vì vậy, ông bất bìnhtrước cảnh ngộ Giả Nghị vì bất đắc chí mà phải lựa chọn cái chết lúc mới 33 tuổi. Hỏi là hình thức Nguyễn Du ghi nhận đóng góp của danh sĩ họ Giả, đồng thời phản ứng lại với sự chèn ép của xã hội đương thời. Hai chiều khẳng định và phủ định luôn song hành. Cũng giống như trong “Thất thập nhị nghi trủng”, ông phủ nhận sự gian hùng của Tào Tháo (Xú danh mãn quách tàng hà dụng? - Tiếng xấu đầy hòm, chôn giấu để làm chi?) để khẳng định lòng nhân của Lưu Bị (Hà tự Cẩm Thành Tiên chủ miếu/ Chí kim tùng bách hữu quang huy – Làm sao bằng miếu Tiên chủ ở Cẩm Thành/ Đến nay cây tùng cây bách còn chói sáng), trong “Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài”, ông phủ nhận sự u mê, mùa quáng của cha con thái tử Chiêu Minh khi “khéo bày chuyện chia kinh, chỉ thêm rắc rối vô ích” (Phật bản thị không bất trước vật/ Hà hữu hồ kinh an dụng phân? – Đạo Phật vốn là không, không nhờ vào vật/ Đâu có ở kinh mà chia với phân?) để khẳng địnhsự thiêng liêng của đạo Phật là ở tâm chứ không phải ở ngôn ngữ, kinh kệ (Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa/ Thục vi Kim Cương vi Pháp Hoa - Văn thiêng không ở ngôn ngữ/ Cái gì là kinh Kim Cương, cái chi là kinh Pháp Hoa?). Xu hướng khẳng định giá trị làm điểm tựa bên cạnhnhững giá trị bị phủ nhận phần nào cho thấy Nguyễn Du không dửng dưng, không quay lưng mà vẫn mang lòng thiết tha với cuộc sống.

3. Kết luận

Câu hỏi trong thơ chữ Hán có thể xem là một mã khóa để mở cánh cửa vào thế giới tâm sự của Nguyễn Du, giải mã bức chân dung hiện thực với rất nhiều đổ vỡ và bất ổn. Nó phơi bày nỗi bất an của thi nhân khi đối diện với nhân sinh thế sự, đối diện với mình. Cho dù là chất vấn, hoài nghi, là dằn vặt, tự vấn, là bất bình, phẫn uất, hay là mệt mỏi, cam chịu, các câu hỏi luôn trĩu nặng nỗi âu lo, gợi cảm giác con người không bằng lòng với thực tại. Câu hỏi là một phần của “cuộc đối thoại – tranh biện về cõi nhân thế” [6] nhưng đồng thời nó cũng là hình thức để Nguyễn Du tìm về bản ngã, chia sẻ khao khát kết nối và khao khát tìm kiếm thế giới bình yên lí tưởng. Chỉ một lần đọc thơ chữ Hán Nguyễn Du, những cuộc kiếm tìm, trong hi vọng, tuyệt vọng và vô vọng, sẽ để lại ám ảnh mãi không thôi./.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Du (1978), Thơ chữ Hán Nguyễn Du (Lê Thước, Trương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch, sắp xếp), in lần thứ 2, Nxb. Văn học, Hà Nội.

[2] Nguyễn Du (2002), Truyện Kiều(Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính biên khảo và chú giải), câu 1239-1240, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.

[3] Nguyễn Du (2008), Thơ chữ Hán toàn tập (Vương Trọng dịch thơ), Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Hà Tĩnh.

[4] Đại Nam chính biên liệt truyện, T2 (1997), Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.357.

[5]Nguyễn Hành (2015), Thơ Nguyễn Hành, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nxb. Văn học, Hà Nội.

[6] Nguyễn Hiến Lê (1992),Đại cương triết học Trung Quốc – Liệt Tử và Dương Tử, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

[7] Trần Thị Hoa Lê (2015), “Thơ cổ phong chữ Hán của Nguyễn Du và cuộc đối thoại trường thiên về nhân thế”, Bài tham gia Hội thảo quốc tế Kỉ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 2015) “Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: di sản và các giá trị xuyên thời đại”, tổ chức tại Hà Nội ngày 8 tháng 8; in trong Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du – 250 năm nhìn lại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.

[8] Nguyễn Thị Nương (2009), Con người Nguyễn Du qua thơ chữ Hán, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[9] Nguyễn Thị Nương (2015), “Hình tượng tự họa trong thơ chữ Hán Nguyễn Du”, Bài tham gia Hội thảo quốc tế Kỉ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 2015) “Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: di sản và các giá trị xuyên thời đại”, tổ chức tại Hà Nội ngày 8 tháng 8, in trong Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du – 250 năm nhìn lại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.

[10] Đỗ Lai Thúy (2016), “Nguyễn Du – Từ một ai đó đến không ai cả”, in trong Bờ bên kia của viết, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

[11] Trang Tử và Nam Hoa kinh (Nguyễn Hiến Lê giới thiệu và chú thích) (1994), Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.

[12] Tuyển tập thơ chữ Hán Nguyễn Đề (1995), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[13] Lê Thu Yến (1999), Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Thanh niên, TP. Hồ Chí Minh.

 

[3] Chữ dùng của Nguyễn Du trong bài thơ “Xuân tiêu lữ thứ”.

[4]Trong “Hán Dương vãn diểu”, Nguyễn Du từng viết: “Thi thành thảo thụ giai thiên cổ”(Thơ làm xong, cỏ cây còn lại mãi mãi).

[Nguồn: Kỉ yếu Hội thảo khoa học "Những hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu và giảng dạy về Nguyễn Du và Truyện Kiều, Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội, 2020]

Post by: admin
15-10-2021