Nghiên cứu khoa học

TẬP TỤC VÀ KIÊNG KỊ TRONG CÁC LÀNG GỐM


18-08-2021

 

Trương Minh Hằng

 

 1.  Tục “Nam thú đồng hương, nữ giá bản quán”

Một trong những nét riêng được bảo tồn lâu bền trong phong tục tập quán của các làng gốm đồng bằng sông Hồng là lệ “không gả con gái cho người ngoài làng”. Mặc dù cho đến nay, lệ này không bắt buộc phải tuân thủ chặt chẽ như trước.

Đây là điều cũng thường xảy ra trong các làng nghề thủ công truyền thống. Cùng xuất phát từ mục đích bảo lưu nghề nghiệp, giữ gìn những bí quyết trong công nghệ và trong phương thức làm ăn, nhưng mỗi nơi có một quy lệ khác nhau. Một số làng không truyền nghề cho con gái, không truyền nghề cho người ngoại tộc, ngoại phường. Một số khác (trong đó có Thổ Hà, Phù Lãng, Bát Tràng, Hương Gián), cho con gái học nghề, nhưng lại không cho phép lấy chồng thiên hạ. Có một câu phương ngôn đã từng “đóng đinh” trong tập tục hôn nhân ở các làng gốm xứ Bắc thuở xưa và được ghi lại trong văn bia đình Thổ Hà: “Nam thú đồng hương, nữ giá bản quán” (đã được dịch: Trai khôn lấy vợ cùng làng, Gái khôn kén bạn đồng sàng cùng quê).

Nếu câu này được hiểu là sự cấm đoán khắt khe trong luật lệ các phường gốm thì chưa hoàn toàn đúng. Tại sao người ta lại khắt khe (?). Người làng gốm, từ khi còn nằm trong bụng mẹ đã biết làm gốm (vì người mẹ khi mang thai vẫn phải ngồi chuốt gốm), khi “lên năm, lên ba” đã quen dần với đất, với lò, củi, cỏ. Thợ gốm chỉ cần nhìn bề mặt nguyên liệu có thể đánh giá được chất lượng và phân loại, đất nào có thể làm được sành, đất nào chỉ để làm gạch ngói. Vậy, nếu cưới một cô vợ làm ruộng về thì người vợ biết làm gì? Chẳng lẽ lúc ấy mới bắt đầu học nghề.

Như vậy, có lẽ cái mà người làng gốm muốn giữ là người chứ không phải nghề. Điều này xuất phát từ quy trình gia công gốm bao giờ cũng cần một thợ chuốt - một công việc chỉ thích hợp với đôi bàn tay và vóc dáng của người phụ nữ, nên phụ nữ trong hầu hết các làng gốm đều được truyền nghề và trở thành lao động chính trong những công việc có yêu cầu cao về kĩ thuật. Đó là nguyên nhân khiến cho người phụ nữ ở đây chỉ được phép lấy chồng là người làng. Trừ một số đã thoát li khỏi làng, chỉ một số rất ít phụ nữ được lấy chồng là dân ngụ cư. Trong những trường hợp như thế này, họ buộc phải bỏ nghề.

So với các làng gốm khác, ở làng Quế, tục lệ này dường như uyển chuyển hơn do làng nhỏ, ít việc. Con gái làng Quế hiếm khi đi lấy chồng ngoài làng, nhưng nếu làm dâu làng khác mà được bên nhà chồng thuận thì cô gái vẫn có thể về làng làm nghề.

Việc chủ yếu gả con gái trong phạm vi các thôn làm gốm, mà thực chất có thể coi đây là việc giữ thợ chuốt cho làng, còn xuất phát từ một nguyên nhân nữa. Đó là sự khó trong việc học nghề chuốt. Một nghệ nhân cho biết: trông thì rất đơn giản, nhưng để chuốt được một sản phẩm, người khéo tay nhất cũng  phải mất vài ba tháng. Có người mất hàng năm. Và có người học mãi mà không thành nghề. Trong khi đó, ở các khâu khác, việc học nghề được tiến hành thuận lợi hơn rất nhiều (trừ một số khâu thợ cả không có ý định truyền).

2.  Bình vôi và tục ăn trầu của người Việt Bắc Bộ         

Trong số di sản vật thể thuộc loại hình đồ gia dụng còn lại đến ngày nay đang được lưu giữ và trưng bày tại các bảo tàng và các sưu tập tư nhân, bình vôi chiếm tỉ lệ khá lớn. Đây là một loại vật dụng phần lớn được làm bằng chất liệu gốm. Liên quan đến loại hình đồ gia dụng này là tục ăn trầu của người Việt. Người Việt có hẳn một truyền thuyết về “trầu cau” và trong nhiều thế kỉ, tục ăn trầu là một nghi lễ quan trọng trong giao lưu văn hóa cũng như trong các nghi thức tín ngưỡng khác.

Theo truyền thuyết thì tục ăn trầu ở Việt Nam có từ thời vua Hùng Vương thứ tư, vì vậy, bình vôi có thể đã có mặt từ thời thượng cổ, nhưng cho đến nay, giới khảo cổ học chưa phát hiện được chiếc bình vôi nào thuộc thời kì văn hóa Đông Sơn. Tính đến cuối thế kỷ XX, chiếc bình vôi cổ nhất tìm được ở Việt Nam mang niên đại thế kỷ IV sau công nguyên, khai quật được trong một ngôi cổ mộ thời Bắc thuộc. Như vậy, tục ăn trầu xuất hiện sớm, nhưng tục ăn trầu với vôi có thể xuất hiện muộn hơn. Bình vôi gốm nói chung thường có dáng tròn hoặc tròn dẹt, có hoặc không có quai xách, có chân đế và được trổ một lỗ ở vai bình làm miệng. Loại hình sản phẩm này vô cùng đa dạng về kiểu dáng, màu sắc và lối trang trí. Chúng có thể được làm từ chất liệu đất nung, sành hoặc gốm men. Hoạ tiết trang trí cũng rất đa dạng mô phỏng theo cành cau, cây cau và dây trầu không... Chính sự đa đạng của bình vôi đã tạo nên sức hấp dẫn đối với giới thưởng ngoạn và sưu tập đồ cổ.

Theo một tư liệu khảo cổ học, bình vôi bằng gốm men thời Trần hình dáng giống như quả dưa, không có quai xách, trên đỉnh có núm nhọn hoặc tua cau nằm ngang, men trắng ngà, bóng đẹp. Đôi khi bình vôi được tạo dáng trái đào. Còn bình vôi bằng sành thường có hình quả, tròn, không quai xách, đỉnh có núm nhọn hoặc tròn, bên trên là mấu nhọn. Những bình vôi sành thế kỉ XIV được phát hiện ở nhiều địa danh cho thấy tục ăn trầu của người Việt thời kì này đã rất phổ biến, không chỉ ở đồng bằng châu thổ mà cả vùng núi như Tuyên Quang, Yên Bái và các  vùng ven biển ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An. Một trong những làng gốm sành vùng châu thổ Bắc Bộ đã vào Thừa Thiên - Huế lập nên làng sành Mỹ Xuyên. Các nhà khảo cổ học phát hiện, nhiều bình vôi gốm không quai ở Mỹ Xuyên còn lưu giữ phong cách bình vôi thế kỉ XIV.

Bình vôi trong xã hội Việt Nam cổ truyền còn có chức năng như một vị thần cai quản mọi việc thường nhật trong gia đình nên được gọi là "ông bình vôi" hay "ông vôi", tương tự như Ông táo trong bếp. Vì vậy mà bình vôi bao giờ cũng được lưu giữ cẩn thận. Nếu lỡ bị hư hại, sứt mẻ thì chủ nhà cũng không được vứt đi mà đem treo ở gốc đa hoặc đưa ra nghĩa địa đặt lên mộ tiền nhân. Những bình vôi này thường đặc ruột vì vôi để ăn trầu lâu ngày đóng cứng lại không dùng được nữa.

Mặc dù ăn trầu là một tập tục của cả vùng Đông Nam Á, nhưng bình vôi gốm của Việt Nam không phải là một mặt hàng phục vụ cho các thị trường mậu dịch gốm thế kỷ XV. Chỉ có một số rất ít được xuất khẩu. Một số khác được tìm thấy tại di chỉ tàu đắm như tại di chỉ Pandanam ở Philippines, hoặc Cù Lao Chàm ở Việt Nam.  Cả hai di chỉ này, có một số bình vôi còn đang đựng vôi, điều đó giúp các nhà sử học khẳng định đây là vật dụng cá nhân của các thuỷ thủ trên tàu. Trong trường hợp này, các bình vôi đã góp phần xác nhận được nguồn gốc, xuất xứ của con tàu và thuỷ thủ. Một chiếc bình vôi bị mất quai được tìm thấy ở Indonexia, bị nhầm là bình nhỏ nước. Trên thực tế, bình vôi cũng thường dùng làm bình nhỏ nước. Trong nhiều năm gần đây, các nhà quý tộc ở Nhật Bản sưu tầm bình vôi và sử dụng bình vôi làm bình chuyên nước và là đối tượng đàm đạo trong trà đạo. Khi nghi lễ trà đạo kết thúc, bình vôi không được dùng để chứa vôi mà được dùng để cắm hoa.

Một trong những nét riêng, cũng có thể coi là một tập tục trong lịch sử chế tác gốm của người Việt là: mặt hàng bình vôi thường được các làng gốm sản xuất với số lượng lớn vào những năm nhuận. Đây là một hiện tượng rất đáng lưu ý. Phải chăng, hiện tượng này có liên quan đến một tập quán (hiện chỉ còn lưu giữ tại một số địa phương) là người Việt thường thay bình vôi vào các năm nhuận (bằng cách mang treo lên cành đa đầu làng hoặc thả trôi sông). Nhưng tại sao lại thay bình vôi vào thời điểm đó?. Có ý kiến cho rằng, theo quan niệm của người Trung Hoa, năm nhuận được hiểu là năm “dư”, tháng “thêm’ (được thêm hoặc có thêm). Như vậy, sản xuất và thay thế bình vôi vào năm nhuận, cả người mua và người bán đều được “dôi dư”, thịnh vượng. Còn hiện tượng mang bình vôi cũ bỏ, treo lên cành đa đầu làng hoặc thả trôi sông, chúng tôi cho rằng, có thể nó xuất phát từ một tín ngưỡng của người Việt - tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”. Bình vôi là vật được sử dụng “thâm canh” trong nhà, từ năm này qua năm khác, lại đựng một thứ để ăn (vào miệng) nên khi thay thế, họ mang thả dưới sông cho “nó”(hay “ông” bình vôi) được “sạch sẽ, mát mẻ”. Hoặc nếu đem treo lên cành đa, cành gạo đầu làng là để “các cô, các cậu” - tức những vong linh chết trẻ, thường luẩn quẩn, nương nhờ ở các cây cổ thụ được dùng (ăn). Người ta thường nói: “Thần cây đa, ma cây gạo” là vậy[1].

Căn cứ vào cấu tạo của bình vôi trong lịch sử, chúng ta thấy, ngoài bình đựng vôi để ăn trầu, người Việt còn dùng một số vật dụng khác kèm theo (như cối giã trầu, ống nhổ quết trầu, hộp đựng trầu cau… được làm bằng chất liệu đồng, đá, gỗ, sơn ta, gốm men hoặc sứ), trong đó, bình vôi là vật dụng còn lại đến nay một số lượng lớn.

Bình vôi còn là một đồ dùng quan trọng trong mỗi gia đình, ngoài ý nghĩa để đựng vôi - một trong ba vị chính (trầu, vỏ, vôi) làm nên một miếng trầu - nó còn là biểu tượng cho quyền uy của bà “nội tướng” trong nhà.

Cùng với bình vôi, tục ăn trầu, mời trầu của người người Việt đã trở thành nét văn hoá độc đáo, tồn tại suốt quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, từ truyền thống đến hiện đại. Nó đã trở thành biểu tượng nghệ thuật, đã đi vào thi ca và làm nao lòng bao người con xa xứ. Có rất nhiều người thưởng ngoạn sành điệu trở thành nhà sưu tập bình vôi. Từ sưu tập bình vôi của người Việt qua các thời kì lịch sử đang được lưu giữ và trưng bày tại các bảo tàng, các sưu tập tư nhân trong và ngoài nước, một phần tính cách dân tộc, bản sắc văn hoá Việt đã được bộc lộ. Đây là một trong những nguồn tư liệu quý để có thể nghiên cứu văn hoá truyền thống Việt Nam một cách toàn diện.

3.  Đồ sành và táng tục của người Việt

Trước khi tìm hiểu tục chôn cất người chết, chúng ta cần nhắc đến một tập tục khá phổ biến của người Việt còn tồn tại tới giữa thế kỉ XX ở nhiều làng xã nông thôn là tục “chôn nhau” bà đẻ. Sau khi sinh, nhau (rau) của người phụ nữ được cắt cho vào một nồi gốm (đất nung hoặc sành) rồi đem chôn trong lòng đất (ở ngoài vườn hoặc ven bờ ao). Ngoài ý nghĩa sâu xa là để đứa trẻ khi lớn lên khỏe mạnh và gắn bó với cội nguồn (nơi “chôn nhau, cắt rốn”), tục này chắc chắn còn mang một ý nghĩa tâm linh nào đó trong mối quan hệ với tục mai táng của người Việt mà ở công trình này chúng tôi chưa tìm được lời giải.

Tục chôn cất người chết là hiện tượng phổ biến của cư dân nhiều nơi trên thế giới. Nguồn gốc của tục lệ này xuất hiện tại nhiều vùng miền, trong nhiều cộng đồng dân cư và không trong cùng một thời điểm lịch sử, nhưng sự phát triển của nó lại có quan hệ mật thiết với vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, với thế giới quan và những đặc trưng văn hóa của từng khu vực.

Bằng những nghiên cứu khảo cổ học, chúng ta được biết, từ thời tiền sử đến nay, Đông Nam Á là khu vực có nhiều yếu tố văn hóa chung thể hiện sự thống nhất và cả những yếu tố riêng thể hiện tính đa dạng. Một trong nhiều yếu tố văn hóa chung lại đồng thời chứa đựng hàng loạt các đặc điểm riêng cho từng văn hóa khảo cổ (hay từng khu vực cụ thể ở Đông Nam Á) là táng thức mộ chum[2].

Theo các tài liệu dân tộc học, phương thức cải táng (táng thức) và đi liền với nó là nghi lễ tang ma (táng tục) đã được hình thành từ giai đoạn phát triển cực thịnh của xã hội nguyên thủy vào hậu kì đồ đá và trở thành truyền thống bền vững của cư dân nông nghiệp Đông Nam Á. Đây là một hiện tượng phản ánh khá rõ những quan niệm và tín ngưỡng của con người về sự sống và cái chết, về sự tái sinh và sự bất tử của linh hồn - và đấy cũng là “mối bận tâm muôn thuở của loài người”. Người ta nhặt xương của người chết đem chôn hoặc cất dấu ở một nơi (trong khu mộ của bộ tộc/dòng họ) để linh hồn người chết khỏi bơ vơ, lạc lõng. Thời tiền sử, bên cạnh phương thức “hung táng” (chôn thi thể), phương thức hỏa táng (chôn than tro) xuất hiện muộn hơn và không phổ biến rộng rãi.

Cách chôn thi thể trong chum gốm tròn hình cầu với tư thế ngồi bó gối cho thấy hình ảnh một đứa bé trong bụng mẹ. Đây là quan niệm về một vòng luân hồi mới, nhất là khi trong chum có khoét những lỗ tròn như cửa để linh hồn tự do tiếp xúc với thế giới bên ngoài và trở về mộ chum là ngôi nhà - nơi cư ngụ của nó. Nghiên cứu và giải mã phương thức mai táng của các cư dân Đông Nam Á, Nguyễn Thị Hậu khẳng định: “Như vậy, mộ chum với tục hung táng là biểu hiện của tín ngưỡng Mẹ/khởi nguồn: chum gốm tượng trưng cho bụng mẹ, lòng mẹ, di cốt bó gối ngồi trong chum tượng trưng cho sự tái sinh”…, “Mộ chum ở Đông Nam Á là biểu tượng của chiếc thuyền thiêng, phương tiện đưa linh hồn người chết về với tổ tiên, là cầu nối thế giới người sống với người chết, biểu hiện một cách mãnh liệt sự cầu mong tái sinh hay chính là niềm tin về sự bất tử của con người” (Nguyễn Thị Hậu, “Táng tục mộ chum ở Đông Nam Á”).

Người Việt cổ vùng đồng bằng sông Hồng từ thời văn hóa Phùng Nguyên đã có tục chôn cất người chết trong quan tài gốm, nhưng hiện chúng tôi chưa tiếp cận được một nghiên cứu nào phản ánh, thẩm định rằng, phương thức cải táng của họ liên quan đến mộ chum/vò. Tác giả bài “Đồ gốm hệ thống Phùng Nguyên - Đông Sơn ở châu thổ sông Hồng” cho rằng, liên quan đến táng tục của người Việt trong giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên - Đông Sơn còn có loại hình gốm tùy táng và gốm minh khí [3]. Một trong những di chứng còn lại cho đến nửa cuối thế kỉ XX là tục cải táng di cốt trong nồi hông, nồi đình của người Vân Đình (Hà Tây). Nhưng ngay cả hiện tượng này cũng không hoàn toàn thuyết phục được rằng đây là một phong tục truyền thống, bởi nó có thể được lý giải là do người Vân Đình có nghề làm nồi (với thói quen người Việt: làm nghề nào, ăn nghề ấy). Chỉ khi nào nồi đình (hoặc các chum, vò, nồi khác…) được bán cho cư dân lân cận như một thứ hàng hóa có chức năng cải cát thì hiện tượng trên mới được coi là tục lệ. Tại nhiều làng gốm châu thổ Bắc Bộ cho đến thế kỉ XX vẫn sản xuất một loại công cụ dành riêng cho cải táng là tiểu sành. Đây là một vật dụng gốm hình hộp chữ nhật có năm mặt, mặt trên, sau khi xếp đặt di cốt vào bên trong được đậy (nắp) lại bằng những viên gạch vuông (30 x 30)cm của Bát Tràng. Sau này, tiểu sành được cải tiến thành tiểu quách - “trong quan, ngoài quách” và tiểu lồng - “quan” và “quách” lồng vào nhau. Tiểu sành xuất hiện trong phong tục cải táng của cư dân đồng bằng Bắc Bộ cách đây khoảng ba, bốn thế kỉ. Một thợ gốm lâu năm ở Thổ Hà khẳng định, trong số các làng gốm sành ở lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình, Thổ Hà là nơi đầu tiên sản xuất tiểu(?). Sau Thổ Hà là Hương Canh. Điều này khá hợp lý bởi có ý kiến cho rằng, Hương Canh học nghề gốm ở Thổ Hà. Mãi tới nửa sau thế kỉ XX, các làng sành nâu khác như Phù Lãng, Vân Đình… mới sản xuất tiểu. Trên thực tế, đến tận bây giờ, dân gian và các thợ gốm vùng đồng bằng sông Hồng vẫn công nhận, tiểu sành của Thổ Hà và Hương Canh bền, đẹp và được ưa chuộng nhất.

Nếu phương tiện dùng trong táng tục của văn hóa Sa Huỳnh là những mộ chum, vò (rỗng lòng, bằng đất nung) chôn cất nơi bờ sông, bãi biển được các nhà khảo cổ học giải mã là những con thuyền tiễn đưa linh hồn người chết về với thế giới tổ tiên, thì hình dáng của những tiểu lồng/tiểu sành vùng châu thổ Bắc Bộ cũng mang dáng dấp của một con thuyền với các kiểu nắp đao đình, nắp chùa, nắp mui luyện (mui thuyền)… có các đầu đao, nóc mái cong lên như đang bồng bềnh trên sóng. Đặc biệt, phần thân tiểu cũng được khoét nhiều lỗ tròn để linh hồn tự do đi lại và để “âm dương hài hòa”, tăng thêm độ bền cho di cốt[4]. Mặc dù chưa tìm thấy “vạch nối” từ những mộ chum, mộ vò ở Nghệ An (di chỉ làng Vạc), Quảng Bình, Sa Huỳnh… đến các tiểu sành vùng châu thổ Bắc Bộ, nhưng chúng tôi cho rằng, với dòng chuyển cư về phía nam của người Việt diễn ra trong nhiều thế kỉ, giữa những vật dụng có cùng một chức năng này chắc chắn phải có một mối liên quan từ cội nguồn lịch sử.

Một điều khá đặc biệt, trong lịch sử sinh tồn của đồ gốm, ngoài chất liệu đất nung và sành, chưa bao giờ các sản phẩm có chức năng táng tục được làm bằng gốm men hoặc sứ (?). Cũng chưa có ai đặt ra và giải đáp vấn đề này. Đây là vấn đề khoa học hay tâm linh? Nếu đơn thuần chỉ là vấn đề khoa học thì chúng ta có thể giải mã như sau: Mặc dù phần “vật chất” còn lại của người chết đã được chôn sâu “dưới ba tấc đất”, nhưng người sống vẫn mong muốn “nó” được bảo quản trong điều kiện tốt nhất. Để bảo quản tốt, không khí bên trong và bên ngoài đồ mai táng phải được lưu thông. Trong “không gian nội thất” của các đồ sành và đồ đất nung, việc trao đổi chất (ở đây là hơi nước và không khí) vẫn được diễn ra, còn với đồ gốm men và sứ thì không (hoặc khó, ít). Tuy nhiên, đây chỉ là một suy diễn chưa thật sâu sắc của chúng tôi trong khi chờ đợi một lý giải thuyết phục hơn từ phía các nhà khảo cổ học và dân tộc học.

Còn xét ở góc nhìn tâm linh, người ta cho rằng, hài cốt là phần vật chất của con người, khi trở về với đất, với “cát bụi”, nó phải được tiếp cận, được “gần gũi” với đất. Có lẽ vì vậy, ở các làng gốm men vùng đồng bằng Bắc Bộ (Bát Tràng, Chu Đậu, Hợp Lễ, Hương Gián…), chưa bao giờ sản xuất đồ cải táng. Điều đó có thể được coi là tất nhiên. Ngay cả với Phù Lãng, trong khi các sản phẩm sành nâu khác được tráng men da lươn thì riêng hàng tiểu để mộc (?). Điều này có thể liên quan đến một luật lệ hoặc tục hèm cổ xưa nào đó. Đây cũng là một trong những bí ẩn của loại sản phẩm này./.

 


[1] Hiện tượng người dân thường đem treo bình vôi lên cành đa, cành gạo đầu làng, chúng tôi đã đặt vấn nghi vấn từ rất lâu. Năm 2006, khi xuất bản cuốn Gốm sành nâu ở Phù Lãng (Trương Minh Hằng, Nxb KHXH), chúng tôi để ngỏ vì chưa có lời giải. Ý kiến giải mã trên đây chúng tôi tham khảo từ một cụ bà tên là Đức, người thôn Đoài, xã Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam.

[2] Táng thức mộ chum/vò là hình thức dùng những chum/vò bằng gốm đất nung để chôn nguyên thi thể người chết (hung táng), than tro hỏa táng hay cải táng di cốt. Cũng có thể trong chum/vò chỉ có đồ tùy táng mà không có di cốt hay than tro (mộ tượng trưng). Theo tác giả Nguyễn Thị Hậu, ở Việt Nam, táng thức mộ chum phân bố khá rộng rãi từ Bắc Trung Bộ vào đến Nam Bộ, trong các khu vực phân bố của văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Đồng Nai ở miền Đông Nam Bộ, văn hóa Lung Leng ở Tây Nguyên. Trên địa bàn văn hóa Đông Sơn, mộ vò có mặt từ Nghệ Tĩnh đến Quảng Bình - khu vực tiếp giáp văn hóa Sa Huỳnh. Khu mộ chum được biết đến sớm nhất ở Việt Nam là di tích Sa Huỳnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi, được người Pháp phát hiện và khai quật từ năm 1909. Văn hóa Sa Huỳnh phân bố trên các cồn cát ven biển từ Thừa Thiên  Huế vào đến Bình Thuận, phần lớn là những khu mộ táng chum/vò rộng lớn nhưng cũng có một số khu mộ nằm trong di chỉ cư trú ở vào giai đoạn sớm thuộc thời đại Đồng thau” (Nguyễn Thị Hậu, “Táng tục mộ chum ở Đông Nam Á”, Nguồn: http: //vannghesongcuulong. org/Vietnamese).

 

[3] Hán Văn Khẩn 2005, “Đồ gốm hệ thống Phùng Nguyên - Đông Sơn ở châu thổ sông Hồng”, Một thế kỉ khảo cổ học Việt Nam, tập 2, Nxb KHXH, tr. 392-428.

[4] Theo quan niệm dân gian, hài cốt phải được chôn trong những điều kiện nhất định về độ sâu, độ ẩm, độ lưu thông (thoát khí)… thì mới bền, chắc. Xem thêm Trương Minh Hằng 2011, Văn hóa gốm của người Việt vùng đồng bằng sông Hồng, Nxb KHXH, H, tr. 276.

 

 

(Nguồn: Thông báo văn hóa 2011 – 2012, Nhiều tác giả, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2013).

 

Post by: admin
18-08-2021