Vấn đề nữ quyền
trên tạp chí Từ bi âm (1932 - 1945)
ThS Lê Tùng Lâm
Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN
Nửa đầu thế kỷ XX, trong xã hội Việt Nam, người phụ nữ cả đời bị coi là kẻ “vị thành niên”[1], không có quyền tự quyết định số phận của mình. Khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, tình hình đã dần dần được cải thiện, đặc biệt ở những nơi thành thị song đa phần vẫn chỉ là hình thức. Do không được xã hội công nhận nên nhiều người phụ nữ tuy gánh vác kinh tế gia đình nhưng vẫn phải mang tiếng “không tự nuôi lấy mình được, phải nhờ về người khác nuôi cho, vậy nên người đàn ông mới lấy cái cách khuyển mã nô lệ mà súc dưỡng”. Bấy giờ họ đã có chức nghiệp như công nhân, y tá, thư ký, giáo viên, nhà văn, nhà báo…, tham gia rộng rãi vào các hoạt động xã hội. Có rất nhiều tiếng nói đề cao vị thế của phái nữ dưới nhiều góc độ khác nhau:
“Phấn son tô điểm sơn hà,
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”.
(Phụ nữ tân văn)
“Người góp của, kẻ giúp công
Làm cho rõ mặt nữ trung anh hào”.
(Bài hát khuyên đàn bà)
“Người mẹ quý hơn người cha vạn phần, vì mẹ ấy chính là cái hồn của nhân loại đó” (Nam Phong).
Vấn đề nữ quyền được tranh luận rất sôi nổi. Có những ý kiến phản đối quyết liệt do chính phụ nữ phát ngôn: “ ‘Phụ nữ đi làm dù thế nào cũng có hại’ vì sẽ làm nạn thất nghiệp tăng lên do tranh chỗ làm của đàn ông hay sẽ làm cho gia đình bị bỏ phế vì không có người chăm sóc…, gia đình là gốc của xã hội mà gia đình không vững thì xã hội sẽ tan”. Ngay trong những ý kiến ủng hộ cũng có nhiều mức độ khác nhau. Nhiều người tuy ủng hộ quyền được giáo dục của phụ nữ song vẫn giới hạn vai trò của họ trong phạm vi gia đình: “Tôi có bàn nên lập một trường học riêng cho các bậc khuê các ở nước ta. Gọi là trường học mà không phải là trường học, vì đàn bà con gái bậc thượng lưu không cần gì văn bằng tốt nghiệp, không cần gì thi cử văn bài, chỉ cần mở mang trí tuệ, khải phát tâm hồn, mà đoàn luyện lấy cái tư cách phong nhã ở đời”. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến đấu tranh cho quyền lao động, chính trị của nữ giới như quyền được nghỉ thai sản, được hưởng lương ngang với nam giới, quyền bầu cử, ứng cử, thậm chí vận động nữ giới tham gia công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu thêm một mảnh ghép về vấn đề nữ quyền dưới góc nhìn Phật giáo trên tạp chí Từ bi âm (1932 - 1945).
1. Đôi nét về tạp chí Từ bi âm
Đầu thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo đã diễn ra ở nhiều nước Châu Á, và đạt được nhiều thành tựu. Bên cạnh đó, phương Tây cũng đã tìm hiểu và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với kho tàng giáo lý của Đức Phật. Ở trong nước, trong khuôn khổ đường lối đấu tranh ôn hòa thì việc xây dựng nền quốc học và đi tìm căn tính dân tộc là những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu. Tinh thần tôn giáo được chú trọng vì giúp con người vượt qua dục vọng tầm thường để đặt niềm tin vào giá trị vĩnh cửu của những lý tưởng cao đẹp, góp phần xây dựng xã hội giàu mạnh. Trong tình hình tôn giáo nước ta, Công giáo chưa được đón nhận rộng rãi một phần vì gắn liền với hình ảnh thực dân Pháp; Nho giáo bộc lộ nhiều bất cập cùng sự suy bại của triều Nguyễn; Phật giáo với ảnh hưởng sâu rộng trong mọi tầng lớp xã hội là một đối tượng đầy hứa hẹn. Tinh thần nhân bản, tự lực tự cường, dùng trí tuệ để đạt đến giải thoát là cực kỳ phù hợp với nhu cầu xã hội đương thời. Hơn nữa, những ký ức hào hùng thời Lý Trần càng làm cho sự ủng hộ đối với Phật giáo gia tăng mạnh mẽ. Phan Khôi kiên quyết phản bác những ý kiến phủ nhận giá trị của đạo Phật: “Chúng tôi không chuyên một tôn giáo nào hết… vào thuở nhà Lý, nhà Trần, đạo Phật tràn ngập cả nước, chùa chiền khắp nơi, thầy tu làm dân tráng, nhưng nước nhà chưa hề có cái vẻ tích nhược như hồi Lê trung hưng hay Nguyễn thống nhất là cái thời đại Nho học thịnh hành. Trái lại, nhà Lý, nhà Trần mạnh lắm, dân khí còn hăng lắm: mấy phen giặc Tàu sang chúng ta đuổi đi như đuổi vịt. Lịch sử là cái chứng mạnh lắm. Không ai cãi được. Nó đã làm bằng chứng cho Phật giáo; không phải là một thứ như thuốc phiện làm mòn yếu con người”.
Nội bộ Phật giáo cũng có nhu cầu chấn hưng bởi nhiều lý do phức tạp: một bộ phận không nhỏ tăng sĩ bị tha hóa; giữa các sơn môn chỉ có mối quan hệ lỏng lẻo; nhiều người dân Việt Nam chỉ coi chùa chiền như một cơ sở thờ tự để cầu cúng chứ không hiểu thế nào là Phật pháp; sự ra đời của nhiều tôn giáo tín ngưỡng mới như Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương… Do đó, phong trào chấn hưng Phật giáo đã diễn ra sôi nổi trên cả ba miền đất nước. Phật giáo vừa quay trở về cội nguồn giáo lý để gạn lọc những giá trị tinh túy; vừa hấp thu những giá trị văn minh phóng khoáng, tiến bộ trên thế giới để vận dụng trong hoàn cảnh mới đầy gian nan và thử thách. Nhiều vị cao tăng như Hòa thượng Khánh Hòa, Giác Tiên, Trí Hải, Thanh Hanh… đã tích cực vận động và tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa: vận động thống nhất tăng đoàn, mở hội nghiên cứu, trường học, giảng pháp, dịch và xuất bản kinh sách, xuất bản báo chí nhằm chấn chỉnh việc tu học, cứu độ quốc dân…
Trong đó, báo chí với tư cách là phương tiện truyền thông đại chúng tân tiến đã phát huy giá trị rất tích cực. Hàng loạt tạp chí Phật giáo nối tiếp nhau ra đời: Pháp âm, Từ bi âm, Viên âm, Đuốc tuệ, Tiếng chuông sớm, Duy tâm Phật học, Tiến hóa, Bát nhã âm… Phật giáo tuy là một tôn giáo ngoại nhập song đã được truyền bá vào nước ta từ hàng ngàn năm trước, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Dẫu vậy, do kinh sách lưu hành trước đây chủ yếu được viết bằng Hán văn cổ, công nghệ in ấn lại lạc hậu nên nhiều tăng ni, Phật tử không có điều kiện tiếp cận. Trong tình hình đó, các tạp chí Phật giáo ra đời đã có công lớn trong việc phổ cập chữ quốc ngữ và truyền bá Phật học đến giới tăng ni, Phật tử và cả những đối tượng không phải là Phật tử trong phạm vi toàn xã hội:”Các ông cụ, bà cụ không biết đọc quốc ngữ cũng có thể nhờ con cháu mình đọc lên cho mà nghe; mà vì đây là sách báo quốc âm cho nên nghe tới đâu là các cụ hiểu ngay tới đó. Ngày xưa, các cụ đi chùa chỉ để lễ bái tụng kinh, học ăn chay và làm việc phúc thiện; bây giờ các cụ có thể hiểu thế nào là Phật Pháp Tăng, thế nào là Tam Bảo, thế nào là Tam quy, Ngũ giới, Tứ đế, Thập nhị nhân duyên”.
Theo Dương Thanh Mừng, “phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam được mở đầu bằng sự kiện Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học thành lập tại Sài Gòn vào ngày 26/8/1931”. Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học có Chánh Hội trưởng là Hòa thượng Từ Phong, Phó Nhứt Hội trưởng là Hòa thượng Khánh Hòa, Phó Nhì Hội trưởng là Cư sĩ Trần Nguyên Chấn, Chánh Hội trưởng danh dự là Thống đốc Nam kỳ Krautheimer. Từ bi âm là tạp chí của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, do cư sĩ Phạm Ngọc Vinh sáng lập, chủ nhiệm tạp chí là Hòa thượng Khánh Hòa. Mục đích của tạp chí được thể hiện rõ trong bài thơ mở đầu số báo đầu tiên:
Từ tâm nguyện độ khắp nơi nơi,
Bi trí ngàn xưa xót sự đời;
Âm hướng sắp khua vần Bát nhả,
Ra vào trông thoát lối trần ai;
Đời nhơ ác thế mờ đôi mắt,
Kêu mãi tàn canh nhắc một lời;
Tỉnh tỉnh miễn cho lòng đặng tỉnh,
Người người mới phải đạo làm người;
Mê tân chìm nổi con thuyền dại,
Mộng trạch mơ màng chút bóng rơi;
Tỏ thấy trăng in lòa mặt nước,
Lại e mây tỏa khuất lòng trời:
Chơn nguyên lóng sạch chi còn bợn,
Giác hải trong veo hãn tuyệt vời;
Ngày bữa xin đừng vong tánh Phật,
Xưa nay chung nẻo Niết Bàn chơi.
(Hòa thượng Bích Liên)
Tạp chí ấn hành số đầu tiên vào ngày 01-01-1932, phát hành được tất cả 235 số, đến năm 1945 thì đình bản. Nội dung Từ bi âm được chia làm 7 mục: Luận về triết lý nhà Phật, Luân lý nhà Phật, Phiên dịch kinh Phật, Lịch sử nhà Phật, Thời sự nhà Phật, Tiểu thuyết nhà Phật, Văn uyển. Thời gian đầu, tạp chí có lượng bài vở khá phong phú nhưng về sau thì sa sút dần, những số cuối phải dùng lại những bài đã đăng từ trước. Về học thuật, tạp chí đã giới thiệu nhiều vấn đề Phật học như Thiền tông, Tịnh độ tông, Duy thức học…; phiên dịch nhiều kinh điển như kinh Diệu pháp liên hoa, kinh Thủ lăng nghiêm, kinh Địa tạng, kinh Kim cang… và Phật học đại từ điển lược diễn do Đinh Phước Bảo biên soạn. Những bài khảo cứu chuyên sâu, phiên dịch kinh điển có giá trị được đăng thành nhiều kỳ, sau đó được gom lại, in thành quyển để phục vụ nhu cầu của độc giả. Đóng góp lớn nhất của Từ bi âm là phổ biến Phật học bằng chữ Quốc ngữ. Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, tạp chí còn thường xuyên trăn trở vấn đề ứng dụng Phật pháp như thế nào trong hoàn cảnh xã hội đương thời. Trong đó, nữ quyền tuy không phải chủ đề trọng điểm song lại có nội dung rất thú vị.
2. Vấn đề nữ quyền trên tạp chí Từ bi âm
2.1. Khẳng định phẩm chất và thành tựu của nữ giới trong lịch sử Phật giáo
Ở Ấn Độ, khi Phật giáo ra đời, địa vị của phụ nữ ở trong tình trạng bi đát. Bộ luật Manu buộc tội người phụ nữ là nguồn gốc của sự đau khổ. Người vợ phải phục tùng chồng hoàn toàn vô điều kiện, nếu không sẽ phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc: “Một người vợ hiền thì phải thờ… chồng như thờ một vị thần, không bao giờ làm phiền lòng chồng, bất kể chồng có thân phận gì trong xã hội, thậm chí chồng hoàn toàn vô đạo đức. Người vợ nào cãi lời chồng thì kiếp sau bị đầu thai thành chó rừng”. Trong tình hình đó, đạo Phật đã đả phá những phong tục lạc hậu đương thời, xóa bỏ mọi sự phân biệt về giai cấp, xuất thân, giới tính… để khẳng định ai ai cũng có thể thành Phật.
Bắt nguồn từ tư tưởng chúng sinh bình đẳng, nam nữ chỉ là hình tướng giả hợp; nữ giới đã không còn là một đối tượng phụ thuộc, mà có được nhân cách độc lập của riêng mình, có thể tự khẳng định bản thân, dũng mãnh tinh tiến bước đi trên hành trình giải thoát. Nữ giới có những điểm đặc trưng về tâm sinh lý, nhưng cũng có những ưu điểm riêng, hoàn toàn có thể trở thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tư tưởng này xuyên suốt lịch sử phát triển của Phật giáo từ Phật giáo nguyên thủy cho đến Phật giáo Đại thừa. Phật giáo nguyên thủy khẳng định nữ giới có thể chứng quả A la hán. Ngang hàng với các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên… thì ni chúng cũng có thập đại đệ tử ni: Tỳ kheo ni Khema được tôn xưng là Trí tuệ đệ nhất, Tỳ kheo ni Uppalavanna là Thần thông đệ nhất… Còn vấn đề nữ giới trong Phật giáo Đại thừa thì đã được Liên Tôn giải quyết tương đối ổn thỏa trên Từ bi âm, sẽ được chúng tôi phân tích trong phần sau của bài viết này.
Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng có tồn tại sự mâu thuẫn trong quan điểm về nữ giới của Phật giáo. Bên cạnh sự khen ngợi, khích lệ; trong kinh điển cũng tồn tại những lời phê phán nặng nề đối với phái nữ. Như trong phẩm Mã Vương, kinh Tăng nhất A hàm: “Phàm là người nữ thì có chín điều xấu. Thế nào là chín? Một là người nữ hôi hám không sạch, hai là người nữ ác khẩu, ba là người nữ không biết đền ơn, bốn là người nữ tật đố, năm là người nữ bỏn xẻn, sáu là người nữ ưa thích rong chơi, bảy là người nữ nhiều sân nhuế, tám là người nữ nhiều vọng ngữ, chín là ngưòi nữ lời nói khinh suất. Như thế này Tỳ kheo, người nữ có chín hạng tội ác như thế”.
Chúng tôi cho đây là tinh thần Tùy duyên hóa độ của Phật giáo. Trong Phật giáo, Kinh (tiếng Phạn là sūtra) còn được gọi là Khế kinh. Khế có nghĩa là phù hợp. Quán vô lượng thọ kinh trực chỉ sớ viết:
經者. 梵語修多羅. 此云契經. 契有二義. 一上契諸佛之理. 二下契眾生之機.
Kinh giả, Phạn ngữ Tu đa la, thử vân Khế kinh. Khế hữu nhị nghĩa, nhất thượng khế chư Phật chi lý, nhị hạ khế chúng sinh chi cơ.
Kinh, tiếng Phạn là Tu đa la, đó gọi là Khế kinh. Khế có hai nghĩa, một là trên khế hợp với lý của chư Phật, hai là dưới khế hợp với cơ của chúng sinh.
Đức Phật xuất hiện trên đời vì một đại sự nhân duyên lớn: khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến. Nhưng giáo pháp nhà Phật là “thậm thâm vi diệu” mà chúng sinh lại muôn hình vạn trạng, có lợi có độn nên Phật Thích Ca phải tùy theo căn cơ để thuyết giảng. Những kinh trình bày chân lý tuyệt đối một cách rõ ràng, trọn vẹn được gọi là kinh Liễu nghĩa; những kinh trình bày chân lý tương đối, chưa trọn vẹn rốt ráo là kinh Bất liễu nghĩa. Trong Tứ y pháp, có một điều là Y liễu nghĩa kinh, bất y Bất liễu nghĩa kinh. Dựa trên tinh thần Tùy duyên hóa độ, trường hợp đức Phật thuyết giảng về nhược điểm của phái nữ đã trích dẫn phần trên là kinh Bất liễu nghĩa, nhằm giúp cho các nam đệ tử không bị đắm nhiễm vào nữ sắc. Mở đầu phẩm Mã Vương, kinh Tăng nhất a hàm là việc người Bà la môn Ma Ê Đề Lợi thành La Duyệt muốn dâng người con gái nhan sắc tuyệt trần của mình cho đức Phật. Người từ chối song vị trưởng lão Tỳ kheo cầm quạt đứng hầu phía sau thì lại động tâm, nên Như Lai mới thuyết pháp như vậy. Đó gọi là phương tiện quyền xảo của nhà Phật.
Tiếp nối truyền thống tư tưởng tốt đẹp của Phật giáo, trên Từ bi âm cũng có nhiều tiếng nói đề cao phẩm chất của người phụ nữ: “Thiết tưỡng về tinh thần trí huệ, chẳng những nữ giới không kém gì nam giới mà lại có tình cảm dồi dào, tín tâm hăn hái”. Trong đó đáng chú ý nhất là bài khảo cứu công phu dài 6 kỳ Bàn về ý nghĩa Đại thừa Phật giáo đối với nữ tánh của Tỳ kheo Liên Tôn. Trong đệ nhất nghĩa đế của Phật giáo không có tướng nam nữ, hình tướng sai biệt chỉ là kết quả của nghiệp báo, còn chúng sinh ai ai cũng có đủ “trí huệ đức tướng của Như Lai”. Tác giả đã liệt kê thành tựu của nữ giới trong lịch sử Phật giáo nhằm chứng minh quan điểm này. Kinh tạng có chép chuyện nàng Long nữ trong kinh Pháp hoa; Hưu Xã Ưu bà di, Từ Hạnh đồng nữ, Ma Da phu nhân, Hữu Đức đồng nữ trong kinh Hoa nghiêm; nàng Thiên nữ đối đáp với Tôn giả Xá Lợi Phất trong kinh Duy Ma Cật sở thuyết; mười pháp đại thọ của phu nhân Thắng Man trong kinh Thắng Man sư tử hống nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh. Chúng tôi sẽ đi sâu phân tích vài ví dụ để làm rõ bản ý của tác giả. Diệu pháp liên hoa kinh, phẩm Đề Bà Đạt Đa ghi lại việc nàng Long nữ 8 tuổi “tức thân thành Phật”. Nàng thuộc hàng súc sinh trong lục đạo, tuổi còn nhỏ, lại mang “nữ thân ngũ ngại” nhưng vẫn có thể thành Phật trong chớp mắt - cả Tôn giả Xá Lợi Phất trí tuệ đệ nhất hàng Thanh văn và Bồ tát Trí Tích đều không thể tin nổi điều này. Đó là vì trí tuệ của họ đạt được do huân tập, chứ không phải Nhất thiết trí của chư Phật. Long nữ liền xuất hiện trước mặt đại chúng, dâng hạt bảo châu có giá trị sánh ngang với tam thiên đại thiên thế giới cho đức Phật, rồi biến thành nam tử, bước sang cõi Vô Cấu, giác ngộ thành Phật, giảng pháp màu cho vô số chúng sinh. Nên giải thích điều này như thế nào? Vì Long nữ có sẵn trong mình hạt giống Phật từ vô thủy đến vô chung, và tất cả chúng sinh trong pháp giới cũng đều như vậy – đây chính là sự bình đẳng tuyệt đối mà Phật Thích Ca luôn nhắc nhở. Hạt giống Phật không ở đâu xa, không cần tìm ở ngoài kia mà hãy đánh thức, trưởng dưỡng nó ngay trong chính bản thân mình. Vậy nên khi được nghe diệu pháp, nàng khởi lòng thành tín dâng lên báu vật không gì sánh nổi của mình; và lập tức thấu triệt nguyên lý chân không diệu hữu, vượt thoát tất cả mọi giới hạn về không gian và thời gian để thành Phật.
Trong kinh Duy Ma Cật sở thuyết, nàng Thiên nữ đã rải hoa trời tán thán khi được nghe diệu pháp của Bồ tát Văn Thù và Cư sĩ Duy Ma Cật. Hoa rơi trên người chúng Bồ tát thì không vướng mắc gì, nhưng dính lại trên người các đại đệ tử của Phật, dù dùng thần lực cũng phủi không đi. Đó là do các vị đại đệ tử Phật mới chỉ đắc pháp Thanh văn, còn chưa lìa được hết các kiết sử. Một lần nữa, vị A la hán trí tuệ đệ nhất Xá Lợi Phất lại xuất hiện và tỏ lòng thán phục, hỏi Thiên nữ vì sao cứ mang thân nữ mà không chuyển thành nam, nàng trả lời: “Tôi tìm từ mười hai năm nay, tìm tướng thân nữ trọn không thể được, làm sao mà chuyển?”. Thời gian 12 năm ở đây, số 12 là sáu căn kết hợp với sáu trần. Đối với người thường, sáu căn duyên với sáu trần sẽ tạo ra sáu thức, hình thành ác kiến vô minh che mờ tuệ giác bản lai. Nhưng Thiên nữ đã bước tới bờ giác ngộ nên với nàng vạn pháp đều là hư dối không thật. Kẻ nào còn chấp vào tướng nữ, tướng nam là vẫn còn vướng mắc vào đối đãi phân biệt, chưa thể chứng đắc pháp môn Bất nhị. Sau đó, Thiên nữ lại dùng thần lực để biến Xá Lợi Phất thành Thiên nữ, còn mình thì biến thành Xá Lợi Phất để chỉ bày tất thảy đều chỉ là vọng tưởng điên đảo. Như vậy, tuy họ mang thân nữ song thành tựu lại không thể nghĩ bàn, khi thuyết pháp thì biện tài vô ngại, sức thần thông cũng diệu dụng khôn lường.
Tiếp đó, Liên Tôn khảo cứu công tích của phụ nữ Trung Hoa trong các môn tham thiền, nghiên cứu Phật giáo và tu Tịnh nghiệp. Các bậc tài nữ như Tổng Trì, Linh Chiếu, Không Thất đạo nhân, Đạo Hinh, Linh Quang, Hạ Vân Anh, vợ ông Ôn Tịnh Văn, Quách Diệu Viên… đều để lại tiếng thơm trong sử sách. Chúng tôi xin tạm trích một bài kệ “tỏ ngộ viên lý” của Không Thất đạo nhân:
“Vật, ta vốn không khác,
Như lượng hiện gương trong.
Rõ ràng siêu chủ bạn.
Rốt ráo suốt chơn không;
Một thể hàm nhiều pháp.
Lưới châu bóng xen lồng,
Trùng trùng biết mấy lớp,
Động tịnh thãy viên thông”.
Những người phụ nữ này tuy sống trong những thời đại và hoàn cảnh khác nhau, hành trì nhiều pháp môn khác nhau song lại có một điểm tương đồng là lòng tín tâm bất hoại và tinh thần dũng mãnh vô úy, tu hành miên mật trên đường cầu đạo. Việc tu hành không chỉ giúp bản thân họ đạt được giải thoát, mà còn đem lại phúc lạc cho thân tộc và mọi người xung quanh. Vậy nên phụ nữ cần phải đứng lên để phát triển năng lực của mình, thành công trong nhiều phương diện của cuộc sống:“Vậy ngu giả này thiệt rất trông mong cho các chị em nữ lưu đả phá hết thảy cái tập quán hẹp hòi của phụ nữ hồi xưa, mà dùng cái phong độ nhà đại tư tưởng đem hết bản năng “khoan hồng tinh minh” mà liều sức cùng Phật pháp, ra công học hỏi, gom góp ý kiến trong chư phương, nhóm cả tài lực và nhơn lực, cùng nhau trù tính một cái biện pháp cụ thể, rồi do đó đồng nhận định một cách xu hướng mà đứng ra đảm phụ cái gánh hoằng dương Phật hóa, do nơi một làng sinh ra một tỉnh, do nơi một tỉnh sinh ra một nước, rồi do một nước suy ra cả toàn cầu, thì tất nhiên cuộc hòa bình của nhơn loại có thể trông thấy và cái kiếp vận của thế giái có thể kéo lại đặng, chớ không khó gì”. Đây là sự khẳng định mạnh mẽ về vị thế của phụ nữ ở cả hai phương diện thế gian và xuất thế gian: khi tu hành có thể giác ngộ thành Phật; trong xã hội thì có thể gánh vác nhiều trách nhiệm lớn.
Trong bài Ít lời biện bạch cùng ông Cư sĩ ở Trà Vinh, Liên Tôn tiếp tục giải quyết hai vấn đề vốn gây tranh luận từ lâu. Một là thuyết “nữ thân cấu trược” của Tiểu thừa. Theo quan điểm Đại thừa thì vạn pháp giai không, không phân biệt nam nữ. Thân người là do tinh huyết cấu thành, nếu đàn bà là ô uế thì đàn ông cũng chẳng tinh khiết gì. Tôn giả Xá Lợi Phất do chấp vào kiến giải của Tiểu thừa, nên mới có ba lần thất thố trước Loa Kế Phạm vương, Duy Ma Cật và Thiên nữ trong kinh Duy Ma Cật, nghi ngờ thành tựu của Long nữ trong kinh Pháp hoa. Thứ hai là việc đức Phật nhiều lần từ chối bà Mahàpajàpati, có ý không cho phụ nữ xuất gia. Tuy nhiên đó chỉ là thử thách, để khiến cho phái nữ càng thêm dốc sức tu hành.
Trên thực tế, vấn đề nữ giới trong Phật giáo là hết sức phức tạp, còn nhiều điểm chưa được bàn tới như Bát kính pháp và giới luật dành do ni lưu, thuyết thu nhận nữ giới vào tăng đoàn thì thời gian Phật pháp trụ thế sẽ giảm đi 500 năm, sự phát triển của quan điểm về nữ giới trong lịch sử Phật giáo, … Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đầu thế kỷ XX, chúng ta không nên đánh giá quá khắt khe. Về cơ bản, Tỳ kheo Liên Tôn đã học một biết mười, lý giải thấu đáo tinh thần coi trọng phụ nữ của Phật giáo.
2.2. Đề xuất “nam nữ bình quyền, tăng ni bình đẳng”, kêu gọi phụ nữ cùng nhau đoàn kết để hành động
“Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” vốn là tinh thần cơ bản của Bồ tát đạo, tuy nhiên để thực hiện điều đó trong tình cảnh mưa Âu gió Á đương thời thật không dễ dàng gì. Đặc biệt giới phụ nữ nước ta đa phần ít học; lại bị ràng buộc bởi nhiều thói “đồi phong bại tục” nên còn thiếu tự chủ, thiếu mục đích sống…Vậy nên, hàng nữ Phật tử phải thức tỉnh rồi đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng tiến bước.
“Dật dờ trong cảnh phong ba,
Canh gà vừa trổi, tỉnh ra giấc nồng;
Chợt nhìn Nam, Bắc, Tây, Đông,
Ngẩn ngơ cuộc thế, đau lòng thiết tha;
Nguyện cùng nữ phái chúng ta,
Kết tình liên lạc thuận hòa với nhau;
Muốn cho đoàn thể thanh cao,
Một lòng thù tạc, trước sau trọn niềm”.
(Tầm đường Tịnh độ - Tín nữ Diệu Quang)
Trách nhiệm đầu tiên của người Phật tử là phải tự độ: thâm nhập kinh điển, nghiêm trì giới luật, tu hành tinh tiến.
“Nghiên kinh cứu luận lòng thêm tỏ,
Vào định ra thiền tánh đặng an;
Biển thức lóng trong bùn kiếp trược,
Trời chơn hiện rõ bóng viên quang;
Rung chuông thức tỉnh làng ni chúng,
Mở mắt nhìn xem cảnh Lạc ban”.
Tự độ là để độ tha, mà độ tha cũng chính là tự độ. Muốn làm vậy phải xóa trừ định kiến “ở vãi chỉ lo mần công quả và làm dâu chỉ lo giữ gia đình”, đề xuất “nam nữ bình quyền, tăng ni bình đẳng”. Phụ nữ cả hai giới xuất gia và tại gia xưa nay đều hay phải chịu sự khinh rẻ trong xã hội: Ưu bà di vốn nặng nợ gia đình; mà bên ni chúng thì tình hình lại càng thêm phức tạp. Nhiều nơi ni chúng không có chùa riêng, phải ở chung với tăng nên dễ sinh ra lắm tệ đoan, phải làm nhiều việc công quả, không được tạo điều kiện tu học. Những việc quét tước, cơm nước, may vá… trong thiền môn chỉ là phước điền, hoàn toàn không phải là công quả: “Theo như ý kiến ngu hèn của chúng tôi nghĩ, thì hai chữ “công quả” mà các ngài dạy đó, đâu phải là sự hành động ở bề ngoài. Tự mình tìm cầu chơn lý là “công”, khi thấy được chơn lý rồi là “quả”. Thường tưởng niệm bản lai diện mục của mình là “công”, khi thấy được rồi là “quả”. Tinh tấn thi hành những công việc chánh đáng của mình đã hy vọng là “công”, khi sự hy vọng đã mỹ mãn rồi là “quả”. Ra sức gieo giống bồ đề là “công”, khi đơm bông kiết trái là “quả””.
Để giải quyết được những vấn đề đó thì vun bồi tuệ giác là chuyện cấp thiết hàng đầu. Ni Diệu Tịnh nhiều lần khẳng định tín tâm cầu đạo của phái nữ, xuất gia là để đạt đến bờ giác ngộ chứ không phải vì hoàn cảnh xô đẩy; đề xuất phải lập ra trường học riêng cho nữ giới, một lớp dành cho hạng xuất gia, một lớp cho hạng tại gia. Cây bút Thích Nữ càng quyết liệt hơn, khuyên bên ni chúng nếu không được sư trưởng tạo điều kiện tu học thì phải tự mình đập vỡ gông xiềng: “Sư nhược bất minh đương biệt tầm lương đạo. (師若不明當别尋良道). Nghĩa là: Thầy mình bằng bất minh thì phải tìm đạo lành nẻo chánh”. Võ Thị Khánh kêu gọi chị em phải học hỏi công tích của các nữ Phật tử trong nước và quốc tế để mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội, đăng đàn thuyết pháp, xuất bản tờ báo dành riêng cho bên ni nữ. Nhìn chung, các tác giả đều khẳng định lợi ích toàn diện của việc học Phật: về phương diện cá nhân thì tăng trưởng đạo đức, trí tuệ, nghị lực; trong đường gia đạo có thể chăm lo gia đình êm ấm, nuôi dưỡng cháu con “thành tài đạt đức”; ngoài xã hội thì đảm đương việc hoằng dương chánh pháp, bài trừ các loại tệ nạn đương thời.
Đối với những người chưa phải là Phật tử thì phương pháp truyền bá giáo pháp được chú trọng đặc biệt. Trong quá trình tiếp xúc với nền văn minh phương Tây, xã hội Việt Nam đã có những biến động dữ dội. Nhiều tín niệm cũ bị sụp đổ mà chưa được thay thế; nhiều tầng lớp xã hội mới xuất hiện… Nhiều trường nữ học được mở, có tầng lớp nữ lưu tân học ra đời tạo nên một luồng gió mới trong xã hội nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ chạy theo lối sống Âu hóa lố lăng, kệch cỡm; nhiều người phụ nữ nông thôn buộc phải trôi dạt ra chốn thành thị mưu sinh, làm công nhân, đầy tớ, mại dâm… với điều kiện rất khổ sở. Trước tình hình phức tạp đó, Phật giáo đã nỗ lực hòa nhịp với bước chuyển mình của dân tộc theo cách của riêng mình. Cây bút Diệu Minh dựa theo đối tượng truyền bá để phân chia thành hai trường hợp: tuyên truyền cho cá nhân và tuyên truyền cho toàn xã hội. Khi truyền giáo cho cá nhân thì có thể dựa theo tâm sinh lý của phụ nữ để chia làm ba thời kỳ. Đối với đối tượng thời ấu niên, tuổi nhỏ ngây thơ thì tập trung giảng dạy giáo lý nhà Phật: giảng nói sự tích Phật, ngâm vịnh thi ca về Phật giáo, vẽ tranh ảnh Phật giáo, học thuộc những lời cách ngôn của Phật. Đối với đối tượng tuổi trung niên thì thường đã có gia đình, nên căn cứ vào hoàn cảnh riêng để chia thành 6 trường hợp: người đang tật bệnh, người mất đi người thương yêu, người quả phụ, hạng học giả, hạng quan sang và hạng có chức nghiệp. Với đối tượng cao tuổi thì dục vọng đã giảm sút, ưa lối sống bình dị; sức khỏe suy yếu, hay lo sợ về cái chết thì khuyên họ tu Tịnh nghiệp, giảng kinh, nói về lý nhân quả báo ứng, nói về việc từ thiện.
Còn khi tuyên truyền về Phật giáo trong xã hội thì có thể lựa chọn các chủ đề chính: nói về gia đình, nói về công xưởng, nói về sở tế lương, nói về lao ngục nhốt người, nói về trường học. Tùy vào từng chủ đề, trường hợp mà Diệu Minh đã bám sát tình hình thực tế để đề xuất những biện pháp khá uyển chuyển và tinh tế. Ví dụ những người phụ nữ đã lầm đường lỡ bước phải vào sở tế lương thì một là bị người lừa gạt, hai là lối sống có vấn đề. Tuy nhiên, người Phật tử vẫn dùng lòng từ bi giúp họ học hỏi Phật pháp, sám hối lỗi lầm, hồi tâm hướng thiện:
“1. Giải nói rõ ràng lý nhơn quả cho họ nghe,
2. Khiến họ biết xấu hổ đau đớn mà ăn năn những lỗi trước,
3. Nói về sự hại của a phiến với rượu,
4. Khuyên họ gắng sức cải tạo cái tâm tánh lại cho trở nên bậc hiền mẫu lương thê,
5. Khuyên họ thêu vẽ và lễ bái tượng Phật,
6. Dạy họ học bài tán hương và câu kệ tụng,
7. Khai thị cho họ rõ chỗ đại ý của Phật pháp”.
Trong trường học, đối với hạng có kiến thức như giáo viên và học sinh thì càng cần tìm một nơi nương tựa tâm hồn; nên người Phật tử phải lựa theo sở học mà bổ khuyết, giúp họ thấy được lợi ích của việc học Phật: “Người sở trường về văn học thì cũng nhờ Phật giáo giúp ích được lắm ý vị, và khi tập dùng những danh từ không rõ được chỗ phát nguyên, thì cũng phải nghiên cứu kinh Phật một phen mới thỏa lòng khoái chí. Người thâm hiểu về triết lý cũng khổ về nỗi triết học không triệt để viên dung, cho nên cũng có lắm người nghiên cứu Phật học, để hội thông về một quy lưu vậy. Người chuộng về nghệ thuật cũng muốn đem Phật giáo nghệ thuật làm một món chuyên môn nghiên cứu, cho nên có lắm người phụ nữ ở Thái tây, trải qua muôn dặm trùng dương, chỉ được một ít cái cổ tích của Phật giáo mỹ thuật cũng đã làm cho họ vui lòng”. Những biện pháp này tuy có phần bất cập theo tiêu chuẩn hiện đại nhưng nếu được áp dụng vào thực tiễn hẳn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho xã hội. Đặc biệt đối với những trường hợp đã trót sa ngã lỗi lầm; người Phật tử không hề kì thị, xa lánh họ mà đối xử bằng thái độ cảm thông, thấu hiểu, tin tưởng vào thiện căn tiềm ẩn trong mỗi con người.
Tuy vậy, do đứng trên quan điểm tôn giáo nên nhiều vấn đề cụ thể trong cuộc sống như thời trang, thể thao, hôn nhân gia đình, công ăn việc làm, quyền lợi chính trị… chưa được đề cập đến. Ngược lại, có nhiều bài viết tập trung vào chủ đề phụ nữ không nên si mê những hạnh phúc thế tục mà tu hành giải thoát mới là “chơn hạnh phúc vĩnh viễn của chị em”. Trong đó cũng có một số ý kiến khá cực đoan, như cây bút Diệu Nhựt đã phải rào đón trước là không dám kêu gọi tất cả chị em đều xuất gia: “Như chị em nào hiện đương đầu xanh tuổi trẻ, chưa gây nợ ái tình, thì đừng vướn nhiễm đến nó, để cho tâm trí an nhàn mà lo công việc hành đạo; còn chị em nào đã mắc phải nợ ái tình, thì nên thương lượng với người yêu dấu của mình cho thỏa hợp, trước kia làm bạn tình, ngày nay làm bạn đạo, mà cùng nhau tu niệm để giải thoát thân tâm”. Với tinh thần tranh luận phóng khoáng, ý kiến này đã bị Diệu Minh phản bác sau 3 số báo: phụ nữ chỉ nên đoạn tuyệt ái tình dục lạc chứ không nên đoạn tuyệt ái tình sinh dục để gìn giữ giống nòi.
Đến đây, chúng ta có thể nhận xét những ý kiến này là phiến diện và thiếu thực tế. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ của người Phật tử thì tấm lòng tha thiết mong tất cả mọi người đều được tiếp xúc và làm theo Chánh pháp là rất đáng trân trọng. Trong những vấn đề nữ quyền đầu thế kỷ XX ở Việt Nam thì quyền được giáo dục có thể coi là vấn đề quan trọng nhất. Vì giáo dục cung cấp phương tiện giúp con người có thể phát triển về nhận thức: nhìn nhận mình là ai, mình đang ở trong hoàn cảnh nào, cách giải quyết vấn đề của mình là gì… Trước đó, người phụ nữ bị cho là đối tượng phụ thuộc, tư cách thấp kém nên không cần học hành gì nhiều, chỉ có những nhà khá giả mới thuê thày dạy hoặc được tự giáo dục trong gia đình. Khi các trường nữ học được mở thì vẫn có nhiều ý kiến trói buộc nữ giới trong vai trò nội tướng. Nhưng trí tuệ Bát nhã của nhà Phật thì không bị vướng mắc bởi những loại thành kiến ấy; nhiệt thành cổ động tất cả mọi cá nhân không phân biệt giới tính, màu da, tuổi tác, địa vị, tài sản... giúp đỡ nhau học và thực hành Phật pháp. Kho tàng tri thức đối với nhà Phật không chỉ là những môn học nữ công, vệ sinh, khoa học, văn chương… mà càng quan trọng hơn là những lời dạy thấm nhuần từ bi và trí tuệ của chư Phật, chư tổ nhằm giúp người phụ nữ nói riêng và tất cả chúng sinh nói chung chứng nhập Niết bàn – diễn giải theo ngôn ngữ hiện đại là trở thành một con người tự do, hạnh phúc, phóng khoáng, có trí tuệ sáng suốt và một trái tim nhân hậu.
Kết luận
Trong lịch sử tồn tại của Từ bi âm, vấn đề nữ quyền hoàn toàn không phải chủ đề trọng điểm nhưng vẫn có những giá trị riêng. Chủ đề này được trình bày tản mát dưới nhiều hình thức (khảo cứu, xã luận, văn thơ, diễn văn, tâm thư) bởi nhiều cây bút, có tăng có tục. Trong đó, nổi bật nhất là hai tác giả: Tỳ kheo Liên Tôn với những bài khảo cứu uyên thâm; và Thích Nữ Diệu Tịnh với tinh thần cầu đạo quên mình, luôn chăm lo cho quyền lợi của nữ giới. Các quan điểm này có hay có dở; song đã cố gắng theo sát tình hình chính trị xã hội đương thời, khá đa dạng và phần nào bổ khuyết được cho nhau. Do điều kiện lúc bấy giờ, nguồn tài liệu chính mà các tác giả tham khảo là kho tàng kinh điển Hán tạng, chưa tìm thấy dấu hiệu của Pali tạng và Tạng tạng; nhưng về cơ bản đã “gạn đục khơi trong”, kế thừa và phát huy được chân giá trị của Phật giáo, cụ thể là tinh thần “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” của Phật giáo Đại thừa. Xuất phát từ quan điểm chúng sinh bình đẳng, Từ bi âm đã cất lên tiếng nói khẳng định vị thế của phụ nữ trên cả hai phương diện thế gian và xuất thế gian, nhiệt thành kêu gọi “nam nữ bình quyền, tăng ni bình đẳng”. Người phụ nữ được tôn vinh bởi những giá trị nội tại trong chính bản thân họ; được động viên, khuyến khích tu học, tham gia các hoạt động xã hội, đoàn kết lại để cùng nhau tiến bước, phấn đấu xây dựng một nếp sống mới, một xã hội mới ở Việt Nam và thậm chí trên phạm vi toàn thế giới – một cõi Tịnh độ Nhân gian mà Phật giáo đồ luôn tha thiết mong cầu.
Lời cám ơn: Tôi xin chân thành cám ơn ĐĐ Thích Trí Không, ĐĐ.TS. Thích Vạn Lợi, ThS Lê Đình Sơn đã góp ý và hỗ trợ tư liệu giúp tôi hoàn thành bài viết này.
Tài liệu tham khảo
I.Tài liệu tiếng Trung
1. 釋永明. (1997). 佛教的女性观. 佛光文化事业有限公司.
2. 郑为. (2019).《相应部》佛教女性观初探. 西北大学.
3. 中華電子佛典協會. https://www.cbeta.org/
4. 周玉茹. (2019). 从“女人五碍”到即身成佛:佛教女性解脱观的演进. 中国佛学, (02):94-98.
5. 卍續藏經. (2000). 福峰圖書光碟有限公司.台北.
II. Tài liệu tiếng Việt
1. Tạp chí Nam phong. (1917-1934). Viện Việt học.
2. Tạp chí Từ bi âm. (1932-1945). Bộ 18 tập do Thư viện Huệ Quang ấn hành năm 2020.
3. Bùi Thị Thanh Hương. (2013). Báo Phụ nữ tân văn: những việc làm và tư tưởng mới. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TPHCM số 46, tr 160 – 167.
4. Dương Thanh Mừng. (2018). Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam (1932 - 1951). Đà Nẵng.
5. Đặng Thị Vân Chi. (2013). Phụ nữ trí thức với khuynh hướng hội nhập ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Việt Nam học- kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần thứ 4 “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững”, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, 2013, tr. 217-241.
6. Đặng Thị Vân Chi. (2001). Vấn đề nữ quyền ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, Việt Nam học - Kỉ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội, 15-17/7/1998, tập IV (nhiều tác giả), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2001, tr. 37- 46.
7. Đặng Thị Vân Chi. (2010). Vấn đề phụ nữ ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945: nội dung và giải pháp - Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 3, tập 1, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 396 – 416.
8. Lê Tâm Đắc. (2008). Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ. Luận án Tiến sĩ Triết học.
9. Nguyễn Khắc Xuyên. (2001). Mục lục phân tích tạp chí Nam phong 1917 -1934. Thuận Hóa.
10. Nguyễn Lang. (2014). Việt Nam Phật giáo sử luận. Văn học.
11. Nhiều tác giả. (2016). Nữ giới Phật giáo Việt Nam: truyền thống và hiện đại. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh.
12. Phạm Thị Ngoạn. (1991). Tìm hiểu tạp chí Nam phong 1917 – 1934. Ý Việt.
13. Thích Nhất Hạnh. (2019). Sen nở trời phương ngoại. Văn hóa văn nghệ.
14. Thích Thanh Từ. (2014). Thích Thanh Từ toàn tập tập 4, tập 8. Tôn giáo.
15. Thích Tuệ Hải. (2018). Kinh Diệu pháp liên hoa giảng giải. Tôn giáo.
16. Thư viện điện tử Kinh sách Phật giáo tiếng Việt https://vnbet.vn/
17. Trần Nho Thìn. Tư tưởng nữ học của Đạm Phương nữ sử.
http://www.hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=15333%3A2013-11-14-02-16-27&catid=119%3Avan-hoc-viet-nam&lang=vi&site=142
18. Trần Thị Phương Hoa. Giáo dục và phong trào phụ nữ ở Bắc Kỳ trước 1945- nữ quyền không có gương mặt phụ nữ.
http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/4024-giao-duc-va-phong-trao-phu-nu-o-bac-ky-truoc-1945-nu-quyen-khong-co-guong-mat-phu-nu
19. Trần Viết Nghĩa. (2004). Văn hóa phương Tây với phụ nữ thành thị Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu số 4 năm 2004, tr 23 – 30.
20. Trần Vũ Linh. (2019). Báo Phụ nữ tân văn với việc vận động thúc đẩy giáo dục cho phụ nữ.
http://www.sugia.vn/portfolio/detail/1796/bao-phu-nu-tan-van-voi-viec-van-dong-thuc-day-hoat-dong-giao-duc-cho-phu-nu.html
21. Tuệ Sĩ dịch. (2008). Duy Ma Cật sở thuyết. Phương Đông.
22. Will Durant. (2014). Di sản phương Đông. Huỳnh Ngọc Chiến dịch. Hồng Đức.
Trần Viết Nghĩa. (2004). Văn hóa phương Tây với phụ nữ thành thị Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu số 4 năm 2004, tr 25, tr. 30.
Đặng Thị Vân Chi. (2001). Vấn đề nữ quyền ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, Việt Nam học - Kỉ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội, 15-17/7/1998, tập IV (nhiều tác giả), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2001, tr. 42.