Lúc bấy giờ thầy Nguyễn Lương Ngọc dạy chúng tôi môn Lý luận Văn học, thầy làm Chủ nhiệm Khoa, chắc chắn bận nhiều nhưng thầy vẫn dành tâm huyết và thời gian để tận tình dẫn chúng tôi nhập môn một môn học khó. Nếu tôi nhớ không nhầm, ở cái thời điểm những năm 60 ấy, duy nhất chỉ có mình thầy viết lý luận văn học thành sách cho sinh viên nương theo đó mà đi tới. Ngày nay, lý luận về văn chương tất nhiên đã được đẩy đi xa hơn dựa vào những công trình nghiên cứu của nhiều tài năng trên thế giới. Còn lúc bấy giờ làm giáo trình lý luận văn học như thầy Ngọc là một việc làm đầy trách nhiệm vì lớp hậu sinh.
Nếu tôi nhớ cũng không nhầm thì lúc bấy giờ, cả khoa Văn (ĐHSP-HN) có lẽ chưa có ai dám “vượt qua” thầy Ngọc để viết bài này bài nọ thuần lý luận đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học... chẳng hạn. Ấy vậy mà tôi nhận thấy thầy Ngọc dạy dễ hiểu, thầy nói chắc mà sâu. Đặc biệt những lúc thầy đem truyện Kiều ra làm dẫn chứng minh họa cho lý luận thì tôi lịm cả người. Ở phổ thông, tôi đã say mê những vần thơ của Nguyễn Du với thầy Lại Cang, đến khi lên đại học, tôi và chắc nhiều bạn khác cũng như tôi lại rung động mạnh mẽ trước những câu Kiều.
Từng bộ môn học lúc đó đều có cán sự. Thoạt đầu, anh Nguyễn Trường Tâm - một sĩ quan Quân đội học cùng lớp Văn B - làm cán sự Lý luận Văn học. Rồi sau thầy Ngọc chỉ định tôi thay anh Tâm. Tôi còn nhớ một buổi thầy triệu tập tôi (và một số cán sự bộ môn khác thì phải) đến căn nhà lá văn phòng khoa (lúc bấy giờ trường Đại học sư phạm còn là nhà gianh vách đất, khi lớp văn B sắp ra trường, trường mới bắt đầu “ngói hóa”). Thầy ôn tồn chỉ dẫn về việc nghiên cứu. Thầy nói, hãy bắt đầu từ những cái đơn giản quanh mình. Thầy chỉ căn nhà lá, nghiêm trang một cách dịu dàng, thí dụ rằng về các bộ phận tạo nên căn nhà này, liệu chúng tôi đã gọi được hết tên chính xác của chúng chưa? (quả thật là chưa, nhất là đối với anh nông dân
cày đường nhựa như tôi). Nào là rui, mè, đòn tay... cùng hàng chục thứ nữa. Sau này, thỉnh thoảng làm vài công việc tạm coi là nghiên cứu nho nhỏ, tôi cũng thường bắt đầu từ cái bình dị, thiết thực. Tôi nhớ mãi hình ảnh và lời giảng của thầy.
Ngày tôi dạy chuyên văn ở Hà Nội (Trường Phổ thông cấp 3 Việt Đức), tôi đã mời thầy đến bình cho lớp học trò của tôi nghe bài “Nam quốc sơn hà”. Thầy bình trong 1 giờ mà còn chưa đã. Các bạn có biết không, ngày ấy thầy còn khá khỏe, tôi đã chở thầy đến và về bằng chiếc xe đạp cũ của tôi. Ôi, những ngày nghèo khổ mà giàu ý nghĩa, tình cảm biết bao! Tôi cũng không thể quên hình ảnh thầy Ngọc đã đến dự đám cưới vợ chồng tôi tổ chức ở trường Chu Văn An - Hà Nội.
Hồi ấy, thỉnh thoảng tôi lại đến phố Châu Long thăm thầy, cô. Ôi căn nhà của thầy, cô sao mà tuềnh toàng, cũ xám vậy! Nhà máy điện Yên Phụ còn không ngừng thả bụi than sang. Tôi đến với thầy như một đứa con hơn là người học trò cũ. Thầy đưa cho tôi mượn đọc mấy vở kịch của thầy viết (trong đó có vở về thầy Đồ Chiểu), và cả truyện ngắn mang tính ngụ ngôn của thầy nữa. Tiếc rằng đến lúc tôi viết những dòng này, những tác phẩm ấy của thầy vẫn chưa chào đời, vì thầy khiêm nhường quá, cẩn trọng quá. Đến khi thầy sắp mất, nhờ người nhà tích cực mới in được một cuốn tiểu thuyết và một quyển hồi kí về các bạn văn, thơ hồi thầy hoạt động trong nhóm Xuân Thu nhã tập trước 1945.
Có lần tôi trân trọng mời thầy đến nhà tôi. Thầy nhận lời, thế là hai thầy trò (trò bấy giờ cũng đã ngoại ngũ tuần rồi) nắm tay nhau bước chậm trên đường. Tôi làm sao có thể quên được những giờ phút hạnh phúc đó. Biết thầy mệt, gượng mà đi, tôi không dám giữ thầy ngồi lâu. Thầy nói cho tôi nghe về việc thi cử, đỗ đạt thời Nguyễn Khuyến... Tôi muốn hỏi nhiều nữa mà lại thôi, sợ thầy mệt.
Về sau, tôi vào thành phố Hồ Chí Minh dạy học. Rất may, tôi được gặp lại thầy Ngọc ở nơi chói trang ánh nắng phương nam này. Thầy có con gái, con rể ở đây nên thầy vào chơi, cũng là để tránh cái lạnh xứ bắc không hợp với tuổi già. Lúc này thầy đã nghỉ hưu, bị cao huyết áp nên hầu như bị “cấm” làm việc, đọc sách. Việc đi lại của thầy cũng khó khăn. Nhà thầy ở khá gần nhà tôi, tôi đến thăm thầy, gặp được thầy, mừng ơi là mừng.
Từ lúc được thụ giáo thầy đến giờ, tôi càng ngày càng nhận, cảm một cách sâu sắc rằng thầy Nguyễn Lương Ngọc đúng là một thầy giáo già gương mẫu, điển hình; một người thầy hết sức xứng đáng với chữ Thầy cao đẹp.
Xin gửi vài lời tâm huyết để tri ân người Thầy đã đi xa mà còn gần mãi với tôi, với chúng ta.
Trần Đồng Minh