SUY NGHĨ THÊM VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN CHƯƠNG DÂN GIAN VỚI VĂN CHƯƠNG VIẾT


08-11-2024

                                                                PGS.TS. Phạm Quang Trung

                                                                              Trường Đại học Đà Lạt

 

            Văn chương viết gắn liền với sự xuất hiện của chữ viết – nhân tố quyết định tới sự thay đổi mang tính đột biến của nền văn minh nhân loại. Cần nhấn mạnh tới sự chuyển biến triệt để về chất của văn chương từ khi có chữ viết. Đến nỗi, trong nhiều ngôn ngữ phương Tây, khái niệm văn chương (như tiếng Pháp: littérature) hầu như đều có gốc chung là littera, nghĩa là chữ. Không có chữ không thể có văn chương đúng nghĩa. Nhiều nhà nghiên cứu thậm chí còn cả quyết rằng, văn chương truyền khẩu (tên gọi khác của văn chương dân gian) là một khái niệm mâu thuẫn, vì đã là văn chương thì nhất thiết phải được thể hiện dưới hình thái văn bản bằng con chữ.

            Một quan niệm như thế không phải hoàn toàn không có cơ sở. Nhất là trong cái nhìn hiện đại của chúng ta ngày nay. Quả thực có chữ viết mới có văn bản, nhờ thế mà tác phẩm văn chương được định hình, định dạng. Từ đó mới dần dà hình thành nên quan niệm về lao động nghề nghiệp gắn với con chữ của nhà văn. Để rồi bước vào thời hiện đại, nghề văn mới được thừa nhận rộng rãi, tính chuyện nghiệp của nhà văn mới được xã hội chú trọng, đề cao. Phải thấy, so với văn chương dân gian, thì đó là những thay đổi căn bản, góp phần đưa văn chương tách khỏi văn hóa dân gian bằng những đặc thù nổi trội, nhất là bằng những ưu thế riêng có thể nói ít có hình thái ý thức hoặc hình thái nghệ thuật nào sánh kịp.

            Từ khi xuất hiện văn chương viết, vào thời đại nào và với dân tộc nào cũng thế, mối quan hệ của nó với văn chương dân gian luôn được đặt ra trên cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn. Tuy nhiên, vẫn còn đấy nhiều vấn đề buộc chúng ta phải suy nghĩ thêm, suy nghĩ tiếp, trong đó có những vấn đề vốn để ngỏ từ trước, lại có những vấn đề mới phát sinh. Trong tham luận ngắn này, tôi xin mạnh dạn đặt ra một vài vấn đề như thế, những mong góp thêm tiếng nói để cùng các đồng nghiệp quan tâm giải quyết.

  1. Tính đặc thù của mối quan hệ giữa văn chương dân gian với văn chương viết

Theo chỗ tôi được biết thì hình như vấn đề này chưa được nhiều nhà nghiên cứu chú trọng tìm hiểu. Như ta đã rõ, văn chương khi nào cũng mang tính xã hộitính lịch sử. Mối quan hệ giữa văn chương dân gian và văn chương viết cần được soi sáng dưới góc nhìn đó. Bởi vậy ở đây tính đặc thù không thể không đề cập tới.

Trước hết là đặc thù dân tộc. Cho dầu đổi mới tư duy văn học ra sao, triệt để đến mức nào, thì vẫn luôn phải quan tâm và gìn giữ tính dân tộc. Cố nhiên, trong sự hòa hợp với tính nhân loại - cái chúng không được phép nguôi quên. Tuy, cái riêng cũng cần được ghi nhớ. Chẳng hạn, vào thời trung đại, có lẽ ít nơi như ở Việt Nam, mối quan hệ giữa hai bộ phận văn chương dân gian và văn chương thành văn lại mật thiết đến thế. Kể cũng lạ thật! Nhà nước quân chủ thì ở đâu mà chẳng thế: độc đoán, chuyên quyền nhiều khi đến mức hà khắc. Sự phân biệt giữa quân và thần, quan và dân là rành mạch, dứt khoát, ranh giới thường không thể và không được phép vượt qua. Vậy mà các nhà nho Việt Nam, tác giả chủ chốt của văn chương thành văn, đôi khi lại thể hiện tinh thần dân chủ cởi mở, rộng rãi đến mức lạ lùng. Mối quan hệ văn thơ giữa vị minh quân Lê Thánh Tông và người thôn nữ Tống Sơn tức cô gái Nguyễn Thị Ngọc Hằng sau này lên ngôi hoàng hậu là một minh chứng hùng hồn. Nếu cần kể thêm, ta có thể nhắc tới những giai thoại chung quanh bậc Đại nho Nguyễn Trãi với thiếu nữ bán chiếu gon sau trở thành thiếp yêu của ông là Nguyễn Thị Lộ… Có thể giải thích bằng sức sống của cấu trúc làng xã trong xã hội Việt Nam truyền thống. Cũng có thể lý giải bằng thân phận riêng hiếm thấy, không làm quan (thì) / hết làm quan (về) làm thầy (thầy thuốc, thầy đồ, thầy địa lý…) của phần đông các bậc nho sỹ, kể cả những bậc danh nho Việt Nam thời phong kiến. Nhưng dẫu sao thì đó cũng là một nét riêng cần được lưu tâm tìm hiểu.

Sau đó là đặc thù thời đại. Chắc chắn mỗi thời đại lịch sử bao giờ cũng để lại dấu vết đôi khi khá đậm nét lên mối quan hệ giữa văn chương dân gian và văn chương viết. Chẳng hạn, ảnh hưởng của văn chương dân gian tới văn chương cổ điển thời trung đại thường dễ thấy và trực tiếp hơn so với thời cận đại và hiện đại. Chỉ cần tìm hiểu Truyện Kiều của Nguyễn Du và mảng thơ Nôm của nữ sỹ Hồ Xuân Hương là đủ rõ. Riêng văn chương đương đại thì mối quan hệ này gần như ẩn chìm, khó thấy hơn. Vào thời nay, mối quan hệ đó biến dạng thành những hình thái khác vừa có những nét đồng nhất vừa có những nét khác biệt thú vị với dạng thức truyền thống như mối quan hệ giữa đội ngũ nhà văn chuyện nghiệp với các cây bút nghiệp dư, giữa văn chương tinh hoa văn chương đại chúng. Có nhiều câu hỏi mới mẻ thật sự có ý nghĩa nảy sinh từ đó không dễ tìm được câu trả lời thỏa đáng. Ví như, phong trào người người làm thơ, nhà nhà làm thơ như hiện nay là thuận hay là nghịch đối với sự phát triển thi ca hiện đại của dân tộc? Hoặc, hiểu như thế nào về khái niệm cận-văn chương, đâu là chỗ nên khuyến khích, cảm thông, thể tất còn đâu là chỗ hạn chế cần nhận ra và định hướng lại?... Đại để còn không ít những câu hỏi nan giải, khó có tiếng nói thống nhất tương tự mà các nhà nghiên cứu và phê bình văn chương hiện luôn phải đối mặt.

  1. Tác động của văn chương dân gian đối với văn chương viết

Nhiều nhà nghiên cứu đã có những phát hiện thấu đáo chung quanh vấn đề này, ở tầm mức vĩ mô cũng như ở góc nhìn vi mô, đến mức tưởng như không còn đất trống nào cho sự suy nghĩ tiếp nữa. Thật ra, nếu xem xét kỹ, lại không hoàn toàn như thế! Các công trình nghiên cứu thường có xu hướng tập trung vào những ảnh hưởng dễ thấy về cách thức sử dụng ngôn từ, trong đó Truyện Kiều có lẽ được đào xới nhiều nhất. Nếu giá trị chính yếu của văn chương không tồn tại độc lập ở phương diện hình thức nghệ thuật thì có lẽ ta nên mở rộng diện tìm hiểu đến những nhân tố khác mang tính quyết định hơn.

Chẳng hạn, yếu tố tục trong văn chương thành văn Việt Nam thời trung đại. Nhiều người nhắc tới bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Hiển nhiên ảnh hưởng của văn chương dân gian ở hiện tượng này là quá rõ và rất đậm, đến mức tưởng như nếu không có dân gian thì sẽ không thể nảy sinh ra thứ đặc sản tinh thần có một không hai này. Không chỉ ở nước ta thôi đâu! Kỳ lạ đến nỗi hành trạng của nhà thơ nổi danh sống cách thời hiện đại chưa bao xa này vẫn còn nằm trong huyền thoại mờ ảo và có lẽ sẽ còn tiếp tục mờ ảo. Riêng tôi lại nhớ tới hai câu thơ quen thuộc của Nguyễn Khuyến: Xưa nay ta vẫn xem bằng mũi/ Đếch thấy mùi thơm một tiếng khà! Sự lạ lùng lại nằm ở chỗ khác: ông là bậc Đại nho đỗ đạt cao mà phong cách thơ lại rất thanh nhã, rất bác học. Chỉ có điều, dám chắn là vị Tam nguyên Yên Đổ sẽ không viết thế nếu không thường xuyên sống gần gũi với dân chúng ở làng quên thân thuộc của ông.

Cũng cần nói tới chất phản kháng từ dân gian đã thật sự tác động tới tinh thần, làm nên giá trị tư tưởng nhiều truyện thơ Nôm mà Truyện Kiều là một điển hình. Nhân vật Từ Hải đã có hình mẫu trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Nhưng việc chấp nhận dùng lại chất liệu đó qua sự tái tạo thần tình làm nên một hình tượng bi hùng vào bậc nhất trong văn chương cổ điển này không thể tìm đâu khác ngoài ảnh hưởng từ dân gian. Giai thoại, cứ gọi là thế, Ngang quá ông Chẳng nói với chúng ta về điều đó. Tôi không nghĩ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn lại không có ảnh hưởng dầu là gián tiếp tới Nguyễn Du. Ta biết rằng, khi cuộc khởi nghĩa này thành công, Nguyễn Nhạc lên ngôi vua, nhưng không quên công ơn của những người đã hết lòng cưu mang giúp đỡ trong buổi đầu lập nghiệp muôn vàn gian khó trong đó có gia đình cụ Hồ Phi Phục ở An Nhơn Bình Định. Nhà vua có ý phong tước vị cho trưởng lão tục còn gọi là ông Chảng này. Ông già gặp vua, xin tự phong là: Bùng binh chi tướng/ Uýnh cướng chi quan/ Bộn bàn chi chức/ Chảng chảng ngang thiên. Chúng ta có thể cười, nhưng đằng sau tiếng cười là lòng cảm phục một khí phách ngang ngược, một thái độ bất cần rất… dân dã.

Tất nhiên, đó chỉ là những ví dụ mang tính gợi ý. Có điều ngày nay, không ít những ưu thế của văn chương dân gian chúng ta chưa có ý thức khai thác đến cùng. Đấy là chưa nói một đôi người còn coi nhẹ, xem đó chỉ là những biểu hiện ấu trĩ của văn chương trong giai đoạn sơ khai. Chẳng hạn, tính nguyên hợp của văn chương dân gian. Ai cũng biết một trong những biểu hiện của tính nguyên hợp là lời, ca, múa hài hòa với nhau. Có lẽ, trong khi văn hóa đọc đang bị thu hẹp như hiện nay, sự truyền bá của văn chương hiện đại nên quay lại học hỏi hình thức sinh hoạt mang tính cổ xưa mà sống động và hiệu quả ấy. Một số buổi trình diễn thơ gần đây phải chăng là biểu hiện xu hướng trở về với truyền thống dân gian? Chỉ có điều chúng không thật sự hòa nhập tới mức tự nhiên như trước và như cần phải có. Cảm giác ước lệ đến mức giả tạo đã khiến chúng ta không mấy hài lòng khi thưởng thức. Như thế, tinh thần dân gian đâu phải đã hoàn toàn lạc lõng, lỗi thời.

  1. Tác động của văn chương viết đối với văn chương dân gian

Chiều ảnh hưởng ngược lại này hình như không được các nhà nghiên cứu trước nay thật sự lưu tâm. Biểu hiện sự tác động của văn chương viết đối với văn chương dân gian có nhiều, tôi chỉ xin nêu ra một vài điểm chính yếu nhất.

Một là, khi văn chương viết thành hình và trở nên phổ biến thì một trong những nhiệm vụ trọng yếu đầu tiên của nó là ghi lại văn chương dân gian, thật sự chắp thêm đôi cánh cho bộ phận văn chương vốn là duy nhất trước đó. Từ đây, văn chương dân gian có thể bay xa hơn, vọng sâu hơn, để rồi ảnh hưởng xã hội và tác động văn chương của nó ngày càng được khẳng định. Điều này mang tính phổ quát đối với bất kỳ nền văn chương nào và đối với bất cứ thể tài văn chương dân gian nào.

Hai là, vai trò của các tên tuổi lớn đối với những sinh hoạt văn chương, văn nghệ dân gian. Chẳng hạn, các thầy dùi là những nhà nho, thậm chí những bậc danh nho như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu… trong các buổi hát Phường Vải ở Nghệ - Tĩnh. Chất lượng các sinh hoạt văn hóa dân gian nhờ thế mà được nâng cao dần lên, rồi thật sự trở thành môi trường hữu ích, góp phần nuôi dưỡng các tài năng văn chương đích thực.

Ba là, các nghệ sỹ dân gian được gần gũi thường xuyên với các tác giả danh tiếng, học hỏi ở họ nhiều điều về kỹ thuật viết văn, làm thơ, nhất là ý thức trau dồi văn chương theo những yêu cầu khe khắt mà tất yếu nếu muốn sáng tạo nên những tác phẩm vừa có ý nghĩa xã hội vừa có ý nghĩa nghề nghiệp. Ở đây, có lẽ những giai thoại chung quanh nhà thơ tài danh Nguyễn Công Trứ như Một cách khai lý lịch, hay Chiết tự chữ “đức” là những dẫn dụ điển hình (Xin xem thêm Giai thoại văn nghệ dân gian – Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam 1986).

Bốn là, lý luận văn chương nhờ gắn bó mật thiết với sự ra đời và hoàn thiện của văn chương viết có điều kiện phát triển, để rồi, bước vào thời hiện đại, nó tự giác đặt ra nhiệm vụ xây dựng một hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh, có khả năng bao quát không chỉ những hiện tượng, trạng thái tiêu biểu nhất của văn chương viết mà cả văn chương dân gian. Nhờ một hệ thống lý luận khoa học như thế, văn chương dân gian càng có điều kiện nhận chân ra mình, phát huy thêm những sức mạnh vốn có, nhằm ngày càng thỏa mãn những nhu cầu tinh thần ngày một cao của xã hội.

 

                                                                Đà Lạt, 12/2009

                                                                PQT.

Post by: Khoa Ngữ văn
08-11-2024