CÔ ĐẶNG ANH ĐÀO - NGƯỜI THẦY LỚN CỦA TÔI


08-03-2022

Ngưỡng mộ cô từ lúc còn là học sinh, khi vào học ở Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, tôi được nghe kể nhiều về cô qua những câu chuyện của thầy giáo dạy văn. Trong lời kể của thầy, điều mà tôi nhớ nhất là sự nghiêm khắc của cô, thầy nói: “Khi thầy được cô hướng dẫn luận văn, mỗi lần đến nhà cô, thầy đều run run, cho đến bây giờ thầy vẫn còn cảm giác đó”.

Lúc chúng tôi học đại học thì cô đã nghỉ hưu nên tôi không được học với cô. Cơ duyên để được trở thành học trò của cô, chỉ đến khi tôi theo học lớp cao học Văn học nước ngoài K25. Nhớ lại lời kể của thầy năm xưa, tôi chợt lo: không biết mình có “run run” giống thầy không! Thời gian này, cô đã bước sang tuổi 83. Do tình hình sức khỏe nên cô hạn chế đi lại và chỉ dạy học viên tại nhà.

Lớp học của cô thật đặc biệt, chiếc bảng mica đặt lên giá vẽ, bàn giáo viên là hai, ba chiếc ghế nhựa được xếp chồng lên nhau. Mỗi buổi đến học, tôi đều thấy cô đã ngồi chờ học trò. Ngoài tám mươi nhưng lời giảng của cô vẫn trầm bổng, say sưa, chứa đầy tâm huyết của người thầy đã gắn bó với nghề gần 60 năm.

Trong giờ học, cô nghiêm khắc nhưng lúc giải lao, cô lại ân cần hỏi han học trò về công việc, gia đình, tình cảm. Cô thường tự tay pha tách trà thơm và lấy hoa quả ra, mời trò cùng thưởng thức. Ngoài giờ dạy học hay viết bài cho các báo, cô vẫn lướt Facebook, nhắn tin, gọi điện qua Messenger đều đặn. Tận tụy với học trò nhưng cô không bao giờ nhận quà gì ngoài những bó hoa tươi thắm, chúng tôi mang đến tặng thứ khác là cô bắt cầm về, cô bảo “Các em còn đi học, đừng mua quà gì tặng tôi, tôi không thiếu gì cả”.

Có lần, tôi xin phép đến gặp cô lúc 10h để nộp đề cương luận văn. Vì cuối tuần nên đường Hoàng Hoa Thám bị tắc và hơn 11h tôi mới tới. Tôi thầm nghĩ, chắc cô sẽ giận lắm, vì cô vốn không thích ai sai hẹn! Vậy mà không, bấm chuông xong tôi thấy cô tự ra mở cửa, vừa nhìn thấy tôi, cô đã hỏi: “Sao dạo này em gầy thế?”. Cô rất lo lắng và hỏi han thêm một hồi. Sau đó, cô sửa bài luôn cho tôi.

Trong quá trình hướng dẫn luận văn, cô luôn theo sát tiến độ của tôi, từ việc làm đề cương cho đến chi tiết đến từng phần, từng chương. Cô tỉ mỉ đọc và góp ý, cô bảo “Thái phải chú ý cách đặt dấu câu, dùng từ cho đúng để sau còn đi dạy học trò nữa”. Lúc tôi gần bảo vệ, luận văn vẫn ngổn ngang và chưa hoàn thành. Cô nói: “Nếu em làm không tốt thì tôi chưa đồng ý cho bảo vệ đợt này”. Bởi vậy, nên tôi phải khẩn trương viết và sửa. Khi tôi mang bài đến thì ngay ngày hôm sau cô đã gọi tôi qua lấy, cầm tập bài cô sửa trên tay, tôi hiểu rằng đêm trước cô đã thức rất khuya để đọc và phê những gì chưa ổn. Sự tận tụy ấy khiến tôi xúc động. Qua đó, tôi càng thêm hiểu được sự cẩn trọng, nghiêm túc, tâm huyết với nghề và với khoa học nơi cô.

Với sự miệt mài của trò và sự chỉ dẫn tận tình của cô, luận văn của tôi cũng được bảo vệ thành công. Khi ấy, tôi mới chuẩn bị đi dạy học sau mấy năm làm cán bộ Đoàn, chuyên trách tại trường (Đại học Sư phạm Hà Nội). Lúc này, cô lại lo lắng cho tôi, khi tôi chuyển sang một công việc mới. Trước thềm năm học, cô gọi tôi đến nhà chơi, bên tách trà hoa nhài thơm dịu cô chia sẻ những kinh nghiệm đứng trên bục giảng của mình, từ việc soạn giáo án đến tư thế viết bảng, giao tiếp với học trò v.v...

Đi dạy được một thời gian, tôi chẳng may bị tai nạn trên đường đi gửi sách cho các em học sinh vùng cao và phải nằm điều trị trong viện khá lâu. Biết trò bị ngã, cô liền vào thăm, mặc dù cô không được khỏe. Suốt một tháng, hầu như ngày nào cô cũng nhắn tin, gọi điện để hỏi han tình hình. Cách ba, bốn hôm, cô lại mang theo hoa quả, thuốc men cho cậu học trò. Mỗi khi cô tới thăm tôi về thì bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cùng buồng bệnh với tôi lại trầm trồ vì tình cảm yêu thương của cô đối với trò. Có người bảo: “Nhìn cô phúc hậu cứ như mẹ của Thái ấy nhỉ”.

Sau khi ra viện, tôi may mắn được cùng các học trò khác của cô, đưa cô lên Mộc Châu để ngắm hoa Ban trắng. Ở tuổi 85, nhưng cô vẫn có thể đi xe khách, đến những điểm du lịch, di tích trên lưng chừng đồi khá cao hay ngồi trên thuyền dọc lòng hồ con sông Đà. Nhìn cô, không ai nghĩ cô đã hơn tám mươi. Từ đó, chúng tôi càng thêm nể phục cô về trí tuệ, sự minh mẫn và sự bền bỉ về sức khỏe.

Giờ đây, mỗi khi được đến thăm cô, tôi luôn thấy ấm áp, bình yên đến lạ. Bước vào căn phòng thân quen ấy, tôi vẫn bắt gặp hình ảnh cô ngồi bên bàn đọc sách hoặc viết lách.

Sự minh mẫn tuyệt vời đó không khỏi làm tôi và nhiều học trò khác thêm ngưỡng mộ cô! Để rồi, trong những giờ giải lao ở trường, tôi thường kể cho học trò của mình nghe về cô - người đã dìu dắt, truyền cho tôi ngọn lửa yêu nghề!

Hà Công Thái

Post by: admin
08-03-2022