NHỚ VỀ “TỔ ẤM”, NHỚ VỀ THẦY CÔ


24-01-2022

Ngày mai các con sẽ bay đi khắp bốn phương trời, sẽ vươn tới những đỉnh cao chưa hề tới, sẽ lên thuyền ra biển vượt trùng khơi. Nhưng các con sẽ không bao giờ quên tổ ấm Khoa Văn - nơi từ đó các con khôn lớn...”.

Những lời ấm áp nghĩa tình vang lên bên tai tôi, thấm vào trái tim tôi từ lần đầu tiên trong lễ khai giảng năm thứ nhất đời sinh viên, cũng là lễ chia tay các anh chị Văn 4 ra trường...

Lần đầu tiên tôi tiếp nhận hình ảnh vị Chủ nhiệm Khoa quyền uy đường bệ, vị giáo sư nổi tiếng tài hoa, nghiêm túc trong khoa học với tấm lòng một người cha. Dặn dò bọn sinh viên mới nhập trường còn đầy bỡ ngỡ, thầy lên giọng “phú ông”: “Khoa không đòi môn đăng hộ đối, cũng không bảo cháu còn bé lắm, khoa chỉ bảo rằng: - Ối các con ơi, đừng bôi gio trát trấu vào mặt Khoa!”. Cả hội trường cười ồ bởi câu đùa ngoa ngoắt mà dí dỏm, nhưng cũng thật thấm thía vì chẳng có lời nhắc nhở nào ân cần chu đáo mà chí tình hơn. Đúng là tâm tư của một người cha có con gái “rượu”: kiêu hãnh, tự hào mà biết mấy lo âu!...

Sau bài nói chuyện có tính chất huấn thị của phòng công tác chính trị, thầy giới thiệu GS. Nguyễn Đình Chú lên phát biểu với tư cách một thầy giáo lâu năm và gắn bó với Khoa Văn. Cả hội trường lại vỗ tay vang dội bởi lời kết bài phát biểu: “Dù ai có nói gì về Khoa Văn và sinh viên Khoa Văn đi nữa, thì tôi vẫn thấy Khoa Văn và học trò Khoa Văn thật đáng yêu!”. GS Nguyễn Đình Chú giơ cả hai tay bắt tay GS Đỗ Hữu Châu: “Tôi với ông này luôn gặp nhau ở chỗ lúc nào cũng vì học trò và yêu mến học trò”.

…Nhưng chúng tôi có biết một người thứ hai cùng chia sẻ sâu sắc với GS Đỗ Hữu Châu tình yêu và sự nghiệp lớn ấy. Đó chính là người bạn đời, người vợ thủy chung, người cần vụ tận tụy, người cộng sự đắc lực - người mẹ hiền không phải chỉ của cô con gái yêu Đỗ Phượng Trinh của thầy mà còn là của học trò Khoa Văn ở mọi hệ đào tạo chúng tôi trong suốt mấy thập kỷ qua: cô Nguyễn Thị Ngọc Diệu.

 

Người ta từng thấy thầy cô những năm 80 của thế kỷ trước là một cặp đôi với hình ảnh ông chồng đội mũ phớt, ngồi trên xe “Cá ươn”, vẻ hài lòng, đèo bà vợ trẻ trung, ăn vận có phần “diêm dúa” ở phía sau! Những khi xe không nổ máy được, ông bèn xuống xe, đạp phành phạch và có khi dắt bộ về nhà...

Nhưng cô không chỉ là người đàn bà kiêu hãnh ngồi sau “Cá ươn” để làm nên vẻ đẹp hài hòa cho bức chân dung vị giáo sư khả kính. Cô cũng là người cùng chia sẻ những bận tâm của thầy về nỗi vui buồn, no đói của sinh viên và học viên... Sẽ rất nhiều học trò trở thành cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ, không thể quên sự động viên, khuyến khích và giúp đỡ về cả vật chất lẫn tinh thần của cô. Nếu chẳng gặp cô, sẽ có những học trò “yếu bóng vía” không dám trở lại để được nhận tấm lòng đôn hậu và những tri thức khoa học phong phú, phương pháp tư duy sâu sắc của thầy. Tất cả chúng tôi đã từng “sợ chết khiếp” cái dáng lừ lừ khủng khỉnh khi mở cửa, câu hỏi chẳng tuân theo “nguyên tắc lịch sự” Grice tí nào, và cả những lời quở mắng “lôi đình”, trước khi nhận ra đằng sau bộ da “sư tử” là cả một tấm lòng độ lượng, bao dung. Tôi không thể nào quên lần đầu phải diện kiến thầy với một lý do chẳng mấy “sang trọng”: “đầu thú” vì tội đánh răng, dội nước vào chính vị chủ nhiệm khoa vừa bước ra từ một phòng ký túc xá sau cuộc họp. Bất chấp thân hình bấy giờ đã chẳng mấy nhẹ nhàng, thầy chạy một mạch lên tầng ba, la ầm ĩ khiến tôi không đủ can đảm ra giáp mặt, để rồi sau đó phải lóc cóc theo lớp trưởng lên tận tầng 4 - B3 tìm thầy và chịu phạt dọn vệ sinh tầng trệt một tuần, để sau mới nghiệm ra rằng thầy không đáng sợ như tôi tưởng... Có lẽ bởi vì, động cơ thưởng - phạt của thầy đều rất vô tư, và tự đáy lòng, thầy không hề muốn trách phạt ai...

... Suốt mười mấy năm thầy làm Chủ nhiệm Khoa, cũng là một thời “hoàng kim” của Khoa Văn - không chỉ với những hoạt động chuyên môn nghiêm túc, nề nếp mà còn sôi nổi với những hội diễn văn nghệ, thể thao, đêm thơ sinh viên... thu hút sự quan tâm không chỉ của Khoa Văn mà cả các khoa bạn và trường bạn; để lại ấn tượng sâu sắc và trở thành hành trang quý báu trong ký ức mỗi người... Trong những hoạt động này, thầy luôn nhận được sự khích lệ nhiệt tình và cả sự tham gia đóng góp bằng niềm say mê, khiếu thẩm mỹ và đầu óc tổ chức quản lý tài tình cũng như khả năng lôi cuốn, vận động quần chúng đầy thuyết phục của người bạn đời, cộng sự: cô Nguyễn Thị Ngọc Diệu. Vai Thị Kính, Thị Mầu, mẹ Đốp, xã trưởng - sinh viên do cô “đạo diễn” là một trong những vai gây ấn tượng sâu sắc nhất với người xem. Chẳng mấy ai

biết được cô còn là một tay chơi măng- đô-lin có hạng, một giọng ca “tiền chiến” cừ khôi! Cô là người cùng song tấu mandolin - guitar với thầy những đêm hè oi bức. Cô là người chia sẻ niềm rung cảm sâu xa với thầy trong những ca khúc Văn Cao. Cô cũng là nguồn cảm hứng vô tận và dẫn chứng sinh động cho thầy khi viết về hội thoại và giao tiếp trong lý thuyết dụng học Việt

 ngữ. Chắc chắn thầy nghĩ đến cô và thú vị “tự trào” hình ảnh của chính mình khi dẫn ra những lời thoại trong truyện ngắn Nam Cao: “Có chồng con nhà nào như thế không, suốt ngày chỉ vác cái mặt lên như con trâu nghênh. Để con ăn đất ngoài sân kia kìa!” Cô Diệu kể rằng: Khi cô sinh con gái đầu lòng, thầy khoe với bạn bè ở khoa. Họ hỏi: “Làm sao biết” thì thầy hồn nhiên trả lời: “Tình cờ đi qua đấy biết”!

Và tụi học trò cao học, nghiên cứu sinh chúng tôi còn lăn ra cười mãi vì một lần có việc lên trình thầy, nghe cô ca thán hết lời về “tội” đuểnh đoảng việc nhà, ham làm khoa học, “tội” để cô phải van xin mới chịu thay quần áo cho giặt..., ra tới hành lang, bỗng nghe tiếng hát ngân nga và tiếng đàn “tình tính tang” vui nhộn, yêu đời, hết sức “vô can” của thầy. Thì ra những lời ca cẩm muôn đời của các bà vợ kia là nói ai ấy chứ không phải “quy chiếu” vào GS. Đỗ Hữu Châu! Và cứ để cho các bà ca cẩm theo phát hiện của nhân vật Điền. Cứ nói cho thoải mái rồi lại cặm cụi đi giặt là từng chiếc áo, đơm từng chiếc cúc rơi, nấu những món ăn cầu kỳ với tiêu chuẩn “mềm, nhừ” vì “ông Châu thích” như thực hiện nghĩa cử thiêng liêng nhất trên đời! Thầy đã “tri kỷ - tri âm” với người bạn đời như vậy!

Đằng sau những thành công và sự nghiệp của người đàn ông tài năng là một người phụ nữ. Với GS. Đỗ Hữu Châu, đó chính là người vợ tận tụy yêu thương, tưởng chừng trái ngược mà lại vô cùng thống nhất, hài hòa. Người dốc lòng vì sự nghiệp khoa học, phải gặp được một người biết lo toan mọi thứ trên đời, quên mình phụng sự chồng con, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, từ đôi dép dưới chân cho đến chiếc cà - vạt trên cổ áo... Người trầm tư, ít nói phải được nghe bà vợ nói nhiều để ngôn ngữ được “lên ngôi” và không khí gia đình không tẻ lạnh... Một điều chắc chắn rằng không thể có những công trình khoa học của giáo sư nếu thiếu bàn tay ân cần chăm sóc cho chính cuộc sống của giáo sư suốt mấy thập kỷ qua và cho đến giây phút cuối cùng! Gần hai năm cuối đời trên giường bệnh, có những thời gian “chết lâm sàng”, thầy có dịp hiểu hơn tấm lòng người vợ. Tuổi cận 70, cô lặn lội đi về ngày mấy lượt như thoi, săn sóc chồng trong những cơn nguy kịch và kiên trì tìm thuốc hay thầy giỏi khắp mọi phương. Với giọng ca run rẩy đầy cảm xúc, cô hát đi hát lại những ca khúc tiền chiến mà thầy từng yêu thích với hy vọng khiến thầy tỉnh lại, dù chỉ để cho cô được đi đổ gạt tàn... Cô giới thiệu với thầy từng đồng nghiệp cố tri, từng đứa học trò... để mong thầy nhận biết. Cũng như trước đây thầy cô từng chia sẻ, cảm thông và trăn trở rất nhiều trước những buồn vui số phận học trò... “Hai người yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng” (Saint Exupery). Với thầy Châu - cô Diệu, trong tình yêu với Khoa Văn và với học trò - quả đúng là như vậy. Hai người có thể dành thời gian hàng tiếng đồng hồ để lắng nghe tâm tư học trò, để cùng nhau tìm cách giúp đỡ các em. Đằng sau những trái ngược vẻ ngoài và tính cách, thực sự là một tình yêu lớn của hai nhân cách đáng trọng.

Ở Khoa Văn Đại học Sư phạm I chúng tôi, GS. Đỗ Hữu Châu được biết đến không những như một nhà khoa học lớn, vị giáo sư đầu ngành, nhà quản lý - người thầy nghiêm khắc, quyền uy, mà còn là một người cha hiền từ, đôn hậu. Và có lẽ không có vị Chủ nhiệm Khoa nào được học trò các thế hệ của khoa (và cả các khoa bạn) gọi bằng cái tên dân dã mà âu yếm và thân mật như thế: Bố Châu ơi! Như mỗi lần thầy lượn “cá ươn” qua kí túc xá sinh viên hay đủng đỉnh với chiếc xắc da từ văn phòng Khoa trở về, chúng tôi cùng đồng thanh gọi. Chỉ để thấy thầy cười, mái tóc bạc rung rung, đôi mắt kính ngước lên như tò mò, lạ lẫm và tiếng cười vang rõ tiếng “hà hà” hồn nhiên, thân mật, lành hiền. Chỉ để thấy ấm lòng...

Bây giờ thầy ở đâu? Chỉ có đôi mắt với ánh nhìn ấm áp vẫn lấp lánh cười sau cặp kính. Mái tóc bạc bay bay đầy kiêu hãnh trên vầng trán rộng và cao khiết như một ông tiên... Văng vẳng bên tai tôi lời ca khúc Văn Cao mà thầy hằng ưa thích. Tiếng ca như da diết, não nùng hơn qua giọng ca của người tri kỷ - người vợ hiền yêu quý: “Từng hẹn ngày xưa cùng xây nhà bên suối. Nghe suối róc rách trôi, hoa lừng hương gió ngát, đàn ai đùa trong khóm lá vàng tươi...”

Sau nửa thế kỷ cống hiến cho khoa học và sự nghiệp giáo dục đầy vinh quang và biết mấy nhọc nhằn, sau những phút suy tư, những giờ lên lớp miệt mài, thầy đã có thể hẹn cùng Lưu Nguyễn, thanh thản về chốn “Thiên Thai”, về với “Suối mơ” - nơi ngọn nguồn của sự sống và sáng tạo, nơi từ đó khai sinh khối di sản đồ sộ của khoa học ngôn ngữ nước nhà mà chúng tôi đang nâng ở trên tay. Và chúng con mãi nhớ Thầy - “Bố Châu ơi!”

Lê Thị Tuyết Hạnh ( CSV Văn khoá 1982 – 1986)

Post by: admin
24-01-2022