NHÀ GIÁO NGUYỄN VĂN ĐÀM


10-01-2022

Nhà giáo Nguyễn Văn Đàm (1939 - 2022), quê ở thôn Mậu Lương, xã Kiến Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Mậu Lương, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học. Năm 1947, khi thầy lên 8 tuổi, giặc Pháp đã bắt và sát hại người cha yêu quý của thầy. Mồ côi cha, thầy sống với mẹ trong cảnh nghèo khó, đi học ở trường làng, rồi Trường Tiểu học Nguyễn Văn Ngọc tại Hà Đông, Trường Trung học Đức Tính, Minh Tân - Hà Đông. Năm 1959, thầy thi vào Trường Trung cấp Sư phạm Liên tỉnh Hà Nội – Hà Đông - Sơn Tây tại Đông Phù (huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Năm 1961, tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm, thầy được phân công vào dạy ở Trường Học sinh miền Nam số 27 Chương Mỹ, Hà Đông, sau chuyển sang Trường 26 cùng khu. Từ năm 1964 - 1968, giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, thầy cùng nhà trường và học sinh chuyển tới Đông Triều, chuyển ra Trường Học sinh Miền Nam số 03 Móng Cái, Quảng Ninh, cuối cùng chuyển sang trường cấp 2 Nguyễn Văn Bé thuộc Khu Học sinh Miền Nam ở Quế Lâm, Trung Quốc. Trong những năm tháng khó khăn ấy ở đâu thầy cũng được công nhận là giáo viên dạy giỏi và luôn luôn hết lòng vì học sinh thân yêu.

Năm 1968, thầy được cử đi học đại học tại Khoa Ngữ Văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau 4 năm học tập miệt mài, tới năm 1972, tốt nghiệp loại xuất sắc, thầy được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Tiếng Việt - Ngôn ngữ tại Khoa Ngữ văn.

Năm 1980, thầy bảo vệ Tiểu luận cấp 1. Với kinh nghiệm giảng dạy ngôn ngữ trong nhiều năm, thầy đã cùng với nhà giáo Đinh Thị Thu Hương và Nguyễn Thị Thìn soạn thảo Giáo trình giảng dạy môn Tiếng Việt Thực hành. Thầy đồng thời còn là tác giả của nhiều báo cáo khoa học có giá trị.

Từ năm 1984, 5 năm liền, thầy được cử sang Campuchia làm chuyên gia dạy môn tiếng Việt và Ngôn ngữ học cho sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Phnom - Penh (sau là Trường Đại học Tổng hợp Phnom - Penh). Năm 1989, thầy tiếp tục về giảng dạy tại Khoa Ngữ văn,Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đồng thời 8 năm liền tham gia thỉnh giảng tại Đại học Huế và thường xuyên tham gia giảng dạy tại hơn 30 tỉnh thành phố trên cả nước.

Năm 1990, nhà giáo Nguyễn Văn Đàm đã được phong hàm Giảng viên chính. Năm 2000, mặc dù nghỉ hưu, nhưng thầy vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy cho Khoa và Trường đến năm 2010 mới nghỉ hẳn.

Trong suốt thời gian dạy học của mình, thầy đã kinh qua các công tác: Tổ trưởng chuyên môn, Tổ trưởng Đảng, Tổ trưởng Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên, Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn. Dù ở cương vị nào, thầy cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thầy luôn sống giản dị, nghiêm túc, đấu tranh thẳng thắn vì quyền lợi chung của tập thể, của sinh viên. Trong suốt thời gian công tác, thầy luôn chân tình, cởi mở, chan hòa với đồng nghiệp, tận tình hết lòng với học sinh, sinh viên, đặc biệt quan tâm, thấu hiểu, động viên, giúp đỡ những em hoàn cảnh khó khăn. Cho đến nay, hình ảnh người thầy tâm huyết, chân tình, với nụ cười hiền hậu vẫn in đậm trong tâm trí lớp lớp thế hệ đồng nghiệp, học trò ở những ngôi trường thầy từng giảng dạy, đặc biệt là ở Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi thầy gắn bó phần lớn thời gian học tập và làm việc của mình.

Cả cuộc đời của nhà giáo Nguyễn Văn Đàm là một tấm gương mẫu mực về nghị lực và lòng quyết tâm rèn luyện, học tập, giảng dạy, vượt qua mọi khó khăn, thử thách vì sự nghiệp “trồng người”. Với những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, thầy đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương kháng chiến Hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhì (do Campuchia trao tặng), Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương vì sự nghiệp Xây dựng Công đoàn; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thư khen của Bộ Giáo dục Campuchia; Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng,...

Trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà, đồng thời thầy còn luôn tận tâm, chu đáo với gia đình thân yêu của mình. Năm 1959, thầy kết hôn cùng cụ bà Lê Thị Hãnh và sinh được 5 người con (2 trai, 3 gái, con gái thứ không may mất sớm). Từ năm 2008, cụ bà qua đời, thầy hết lòng chăm lo nuôi dạy bốn người con phương trưởng, thành đạt, để đến nay, gia đình nhỏ năm xưa của hai cụ đã trở thành một đại gia đình lớn với 8 người con, 12 cháu, 6 chắt nội ngoại. Ký ức học tập và giảng dạy từ trong những ngày tháng gian khổ và ác liệt khi còn chiến tranh, hay những ngày tháng vất vả công tác bên nước bạn vẫn được thầy kể với con cháu, nhất là mỗi dịp khai trường hay kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Những câu chuyện giản dị mà sinh động ấy đã, đang và sẽ mãi mãi là hành trang quý giá nhắc nhở các con, cháu về tấm gương mẫu mực, kiên cường, cao quý của cha, ông mình. Nối tiếp truyền thống của cha, ông, các con, cháu của thầy đã phấn đấu học tập rèn luyện để đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp chung của cộng đồng, đất nước. Con gái, cháu nội của thầy nay cũng trở thành nhà giáo, tiếp bước thầy thực hiện sứ mệnh “trồng người” cao quý.

 

Post by: admin
10-01-2022