1.Trong mảnh sân nhỏ trước nhà ông có trồng một cây hoàng lan. Chúng tôi, đám học trò của ông, dù đã có tuổi, vẫn đùa: rẽ vào ngõ, bao giờ thấy một cây hoàng lan khẳng khiu nhất, là tới nhà thầy. Tôi đã thật sự xúc động khi xem bộ phim về Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Bùi Văn Ba. Đặc biệt là đoạn ông trở về thăm quê, thắp hương trên mộ mẹ và anh trai. Ông đã có một tuổi thơ sống cảnh mẹ goá con côi tại một làng quê nghèo ở Quảng Ngãi, và dằng dặc hàng mấy mươi năm trời sống xa quê, làm việc trên đất Bắc. Đành rằng, ông có một gia đình hạnh phúc với người vợ, người gốc Hà Nội rất xinh đẹp, lịch lãm, tinh tế và những đứa con thông minh, sáng láng. Nhưng tôi vẫn thấy bùi ngùi, không phải chỉ cho mình ông, mà cho cả thế hệ những người con miền Nam sống trên đất Bắc, sau ngày hiệp định Giơnevơ 1954, đằng đẵng xa quê suốt hàng hai mươi năm. Tôi cứ nhớ đến câu thơ của ông cậu tôi, người cùng trang lứa với GS. Bùi Văn Ba, cũng là học trò trường cấp 3 Lê Khiết, Quảng Ngãi, tập kết ra Bắc, viết đằng sau tấm ảnh mẹ, tức bà ngoại của tôi: “Chiều nay gió lạnh lòng con/ Hướng về xứ Quảng không nguôi lòng buồn”. Chắc ông cũng có những tâm sự giống vậy qua những năm tháng sống xa quê hương dằng dặc như thế. Nhưng cậu tôi, sau ngày giải phóng đất nước 1975 còn được gặp lại mẹ. Còn ông, không thể có được niềm vui ấy, bởi người mẹ yêu quí của ông đã hy sinh từ những ngày chiến tranh chống Mỹ ác liệt ở Quảng Ngãi khi tuổi đời mới ngoài năm mươi. Cho tôi xin một lần được chia sẻ nỗi đau này với ông, bởi không chỉ là mẹ, mà ông còn có người anh trai cũng là liệt sĩ, những người ruột thịt duy nhất trên đời này của ông. Nhưng, lứa thanh niên miền Nam ngày ấy, trong đó có ông, dù luôn mang trong mình những nỗi đau mất mát và xa cách quê hương, đều đã ra sức học hành, phấn đấu không mệt mỏi và hầu hết đã trở thành những người con ưu tú của đất nước trên nhiều lĩnh vực.
Được là học trò của ông từ những ngày đại học, sau đại học, cho đến khi trở thành cán bộ tổ Lý luận văn học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong tôi, ông luôn là tấm gương lao động không mệt mỏi đáng kính trọng và là con người của những tình cảm luôn nồng nhiệt như thưở còn trai trẻ, đa tài lẫn đa tình...
Tôi đã học được ở ông rất nhiều. Ba tôi, giáo sư Lê Trí Viễn, đã nhiều lần dặn tôi: Phải học tập ở chú Ba (tôi đã gọi ông như vậy từ lúc tôi mười tuổi, sống ở Quần Ngọc, Hưng Yên, nơi sơ tán của cán bộ Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, thời kỳ chống Mỹ 1967-1969), ý chí, sự chăm chỉ và cách lập kế hoạch lâu dài cho con đường nghiên cứu của mình. Bởi nếu không có ý chí và sự chăm chỉ, thì dẫu anh có tài năng, trong khoa học cũng chỉ là con số không. Và cách làm việc có kế hoạch của ông là: các bài báo, công trình đều thoát thai từ các bài giảng, từ hệ đại học đến sau đại học, tiếp đó là tập hợp thành các chuyên luận, giáo trình. Để cả đời mình, không bỏ phí bất cứ điều gì mình đã làm, bởi nó luôn nằm trong hệ thống những vấn đề chuyên môn lớn mà mình quan tâm. Để làm được điều đó, quả không hề dễ dàng chút nào. Cũng nhờ ý chí và sự chăm chỉ đó mà các công trình, các bài báo của ông giờ đã lên đến con số hàng trăm và luôn được cập nhật thông tin mới mẻ.
Có lần, vì công việc, cần đọc lại toàn bộ tập Lý luận phê bình văn học của ông, cầm quyển sách trên tay, tôi thực sự hơi bị choáng. Để làm được những gì viết trong cuốn sách này, chưa nói đến những lao tâm khổ tứ, mà chỉ nói đến số lượng thời gian thực tế để viết ra nó, thì không biết ông đã phải tìm đến một khối lượng sách vở như thế nào, và phải mất bao nhiêu thời giờ? Có lẽ, ông không còn có thì giờ để làm những việc khác nữa chăng?
Nói về chuyện tình cảm, chuyện tình cảm với ông, tôi nghĩ, chắc luôn gắn với trách nhiệm. Nhưng đến bây giờ, khi đã ở tuổi “tri thiên mệnh”, tôi mới hiểu một điều, tình cảm gắn với trách nhiệm là những tình cảm đáng trân trọng nhất. Bởi gắn với trách nhiệm là những gánh vác nặng nề có thật, người ta phải làm những điều gì đó, mất thời gian, mất tiền bạc thực sự. Chứ còn những tình cảm chỉ thể hiện bằng lời nói thì dễ dàng hơn rất nhiều. Ở ông, tình cảm đó thể hiện ở việc lãnh đạo tổ và mối quan tâm đến những bậc hậu sinh như chúng tôi, những đồng nghiệp ít tuổi hơn ông trong tổ. Suốt 40 năm ở trong tổ, hơn 20 năm dưới sự lãnh đạo của ông, tôi hiểu một điều: ở đây, mọi cố gắng của bất cứ ai cũng đều được cổ vũ; mọi bước tiến, đường đi của chính mình là tự do, phụ thuộc vào năng lực và ý chí của chính mình. Điều đó, không phải ở tập thể nào cũng có được.
Để khuyến khích sự phấn đấu của nghiên cứu sinh, ông đã dành một số tiền không nhỏ để thành lập một Giải thưởng cho nghiên cứu sinh của Khoa Ngữ văn hàng năm. Không phải ai cũng có thể bỏ ra một số tiền như thế chỉ hoàn toàn vì chuyện tình cảm. Chúng tôi biết, ông cũng chỉ kiếm tiền bằng việc viết sách báo khoa học chuyên ngành. Mà viết những thứ đó, có bao giờ được nhiều tiền!
Cũng có một thời tuổi trẻ như ai, trong những ngày chiến tranh chống Mỹ ác liệt ở miền Bắc, ông đã làm tất cả những việc khó khăn không tên tuổi của một Khoa sơ tán với gần ngàn sinh viên. Dạy học, chủ nhiệm lớp, hướng dẫn ngoại khoá, phụ trách đời sống cho Khoa, rồi hướng dẫn đào hầm, trực chiến, tham gia bắn máy bay... tất cả những việc đó, ông đều làm với với một tinh thần trách nhiệm cao với bao công sức nhọc nhằn. Tôi vẫn còn nhớ những bè gỗ to khủng khiếp đối với lứa tuổi lên mười của chúng tôi ngày đó, mà ông đã chỉ đạo đưa từ trên rừng về những ngày ở Quần Ngọc, rồi những buổi liên hoan văn nghệ, tiếng cười sảng khoái khi đóng vai các cụ già bắn rơi máy bay của chính ông. Nhiệt tình đó ở tuổi trẻ, khi ở tuổi cao hơn, lại lắng đọng vào công việc chuyên tâm cả đời ông: nghiên cứu khoa học.
Trên bàn thờ mẹ ông trong phòng làm việc, tôi biết, ông thường đặt những bông hoa hoàng lan của cây hoàng lan nhà trồng ngoài sân. Hương hoa ấy có khi lặng lẽ thoang thoảng cả hàng tháng trời. Tôi nghĩ, mùi hương đó không chỉ toả ra từ tình cảm người con đối với mẹ, mà còn là biểu tượng của chính cuộc đời ông: vẻ đẹp âm thầm, lặng lẽ của một đời lao động trí tuệ không mệt mỏi và những tình cảm sâu xa.
Tôi không biết nhiều về cụ bà Võ Thị Lựu, nhưng tôi biết cụ là một liệt sĩ. Vậy thay lời các học trò của ông, xin kính thưa với cụ rằng: Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Bùi Văn Ba đã luôn mang tên cụ trong bút danh khoa học của mình, bút danh Phương Lựu, ấy là cụ đã sống mãi với các công trình khoa học của Giáo sư, một cách báo hiếu nghĩa tình, trọn vẹn và vẻ vang nhất.
2. Nhiều người khi nói đến GS. Bùi Văn Ba thường hay nhắc đến bút danh Phương Lựu. Lựu là tên thân mẫu của GS mà tôi đã giải thích ở trên, Phương chính là tên nhạc mẫu của ông. Còn người bạn đời của ông là cô Phương Thi. Cô dạy Bộ môn Hán Nôm cũng tại Khoa Ngữ văn ĐHSPHN.
Cô là con gái Hà Nội gốc, nhà ở 32 phố Hàng Trống, ngay trung tâm phố cổ. Cô có nước da trắng ngần, rất đảm đang, dịu dàng và nhân hậu. Trong công việc, cô là người nghiêm túc, cẩn thận, có trách nhiệm. Thời làm chủ nhiệm lớp, trách nhiệm và tình cảm của cô đối với sinh viên thật mẫu mực. Tôi xin chia sẻ những dòng FB của bạn Đặng Hiền K37 đã khiến tôi thật sự xúc động : “Có một ngày, sau đám tang của chồng, từ trường trở về, Trần Oanh - một bạn gái cùng lớp đại học với mình - ngỡ ngàng khi nghe hàng xóm kể lại, có một bà giáo tìm đến nhà bạn ấy thắp hương chia buồn. Bà giáo chỉ nói bà là giáo viên chủ nhiệm lớp đại học của Oanh cách đây 26 năm. Oanh khóc, bạn ấy gọi điện thoại cho cô giáo Phương Thi và biết, bà giáo ấy chính là Cô, người đã tận tuỵ với lớp văn K37 Đại học Sư phạm Hà Nội của tụi mình trong suốt 2 năm làm chủ nhiệm 1987-1988. Thời ấy, khi chủ nhiệm lớp mình, cô mới độ ngoài 40 tuổi, nổi tiếng vì xinh đẹp và còn nổi tiếng hơn nữa vì là phu nhân của GS - nhà phê bình văn học Phương Lựu. Là giảng viên môn Hán Nôm, cô hầu như ít có giờ lên lớp nhưng tuần nào cô cũng xuống KTX nhà A7. Hễ có bạn nào ốm đau là lập tức cô đạp xe từ nhà - một căn hộ tập thể bé tý tẹo ở Thành Công - vào trường, cho thuốc uống, cho bánh trái. Mình vẫn nhớ chiếc xe đạp của cô, màu nâu, cũ và có vẻ cao so với dáng người cô bé nhỏ. Vẫn là xe đạp, 26 năm sau, cô lại mải miết đi tìm nhà học trò cũ để sẻ chia khi trò buồn đau vì mất mát. Mình nhớ, năm thứ nhất, chúng mình khổ sở vì vừa rời xa gia đình, khổ sở vì những bữa cơm nhà bếp, với canh cải xoong hoặc rau muống đen xì, với những miếng thịt toàn mỡ và mỏng bay như từ giấy, cô Phương Thi đã mang vào cho phòng mình 1kg chả cá cô đã rán sẵn từ nhà. Đấy cũng là ngày mình nằm cấp cứu dưới trạm xá vì trái tim yếu ớt. Cô đã xuống đó với mình. Khi ấy mình đã khóc. Và bây giờ, khi viết những dòng này, mình vẫn khóc. Tình yêu thầy cô dành cho chúng mình thật mênh mông như trời biển”.
Nhiều năm cô tham gia công tác Công đoàn Khoa. Ôi cái thời bao cấp đó, công đoàn làm phải làm những việc vất vả mà giờ kể lại ai cũng thấy buồn cười: chia nhu yếu phẩm, buôn pháo, mua gạo ở nơi xa, chiếu phim, liên hệ mua gà nuôi... Cô cùng với các nhiều thầy cô khác lo khá nhiều những việc không tên cho đời sống cán bộ trong Khoa. Là người phụ nữ của gia đình, cô Phương Thi cũng tảo tần nuôi gà, may vá... vất vả chả kém gì ai. Ở Bộ môn Lý luận văn học, có lần thầy La Khắc Hòa kháo chuyện: nhờ bà Phương Thi, ông Ba mới có điều kiện để làm người “Quân tử”, tức là chỉ ngồi đọc sách và viết lách, không phải đụng vào chuyện bếp núc bao giờ. Và ai cũng đồng ý, không có bà Thi thì sự nghiệp khoa học của ông Ba chả chắc đã được to lớn như hiện nay!
Đến giờ (2021), gia đình GS. Bùi Văn Ba đã chuyển sang nhà mới từ lâu. Tôi thấy sân nhà vẫn có một cây hoàng lan trước cửa. Có lần chúng tôi đến chơi, cả hai ông bà đang níu cành, hái sẵn những chùm hoa vàng thơm ngát, để chốc nữa chúng tôi bỏ túi mang về. Hương hoa ấy đi liền với sự tự nhiên tỏa hương của “cặp đôi hoàn hảo” của Khoa Ngữ văn chúng tôi là như vậy đấy!
Lê Lưu Oanh