LỊCH SỬ QUA TÂM HỒN VÀ SỰ KIỆN (ĐỌC THƠ ĐỒNG NAI CỦA HUỲNH VĂN NGHỆ)


12-10-2020

Trong tay tôi hiện giờ là cuốn tặng phẩm - tập Thơ Đồng Nai của Huỳnh Văn Nghệ. Tập thơ ấn phẩm của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, in xong và nộp lưu chiểu tháng 12/2014. Đây là tái bản của bản gốc Thơ Đồng Nai do Đoàn Văn hóa Kháng chiến Biên Hòa ấn hành (Nhà xuất bản Tiếng rừng, 1949). Sau 65 năm trôi dạt, hai di vật ấn bản được sưu tầm, đối chiếu, xác minh, được in lại vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.

Trong tay tôi hiện giờ là cuốn tặng phẩm - tập Thơ Đồng Nai của Huỳnh Văn Nghệ. Tập thơ ấn phẩm của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, in xong và nộp lưu chiểu tháng 12/2014. Đây là tái bản của bản gốc Thơ Đồng Nai do Đoàn Văn hóa Kháng chiến Biên Hòa ấn hành (Nhà xuất bản Tiếng rừng, 1949). Sau 65 năm trôi dạt, hai di vật ấn bản được sưu tầm, đối chiếu, xác minh, được in lại vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.

Kỷ vật của gia đình, cũng là chứng tích lịch sử của văn hóa Đồng Nai. Tôi đã đọc tập thơ với một hứng thú và cảm thức lịch sử, với tâm thế của người có trải nghiệm không khí lịch sử, từ đó nhận ra giá trị đặc sắc của tập thơ.

***

Huỳnh Văn Nghệ lớn lên trong một gia đình nghèo nhưng giàu lòng yêu nước. Người cha giỏi võ, luyện võ thuật và nghĩa khí cho trai tráng vùng quê. Bà mẹ thường kể chuyện nghĩa quân, và hát ru con bằng Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu.

Anh thanh niên có học, nên hiểu biết thêm về quê hương, đất nước mình và nặng lòng với truyền thống lịch sử:

Đồng Nai sông nước anh hùng

Người xa, xa tận núi rừng hoang vu

                        Đồng Nai – 1948

Câu thơ mở đầu gợi ra  những trang hào hùng của một vùng đất mới được hình thành đã 300 năm.

Trong lòng nhà thơ chắc hẳn có những kỷ niệm khắc ghi về chiến công khai hoang phá rậm của bao thế hệ, để có mảnh đất làm ăn, sinh sống ngày nay. Đất Đồng Nai cũng là nơi diễn ra những chiến tích của nghĩa quân chống Pháp một thời với những tên tuổi lẫy lừng khí phách của Nguyễn Tri Phương, Trương Định.

Truyền thống nghĩa khí can trường của con người Miền Đất Mới đã hun đúc tâm trí chàng trai trẻ Huỳnh Văn Nghệ. Từ Quê hương, mở lòng ra Đất nước.

Ban đầu, khi đi làm có thể do ảnh hưởng của một thời Thơ mới, chàng thanh niên có khiếu văn thơ cũng có giấc mộng trở thành thi sĩ. Nhưng cũng ngay từ đầu, nhà thơ ấy đã biết đau nỗi đau chung, biết buồn cho phận khổ chung. Đó chính là “lệ hồn” và niềm thương nhớ đã mang tầm con người dân tộc. Nhớ Bắc (1943, 1948) là đúc kết tấm lòng yêu nước sâu thẳm, mạnh mẽ của nhà thơ trẻ. Có thể nói, nhà thơ tìm về lịch sử xa xôi, và chính truyền thống ấy đã nhập vào tâm hồn anh như một sức mạnh kỳ diệu. Có thể nói:  lịch sử đã biến nhà thơ thành chiến sĩ để rồi ta có nhà thơ-chíến sĩ.

Đã từ rất sớm, Huỳnh Văn Nghệ là một trong những nhà thơ “thống nhất” hàng đầu của Đất nước: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. “Non sông giống Lạc Hồng” là muôn thuở trong lòng người. Tình Bắc – Nam sau này còn được phát triển trong nhiều sáng tác khác (Mùa xuân sẽ nở đều trên hai miền Nam, Bắc; Bức thư tháng bảy,…).Cuộc đời cũng là sự kết nối Nam-Bắc –Nam để cuối cùng yên nghỉ đời đời nơi quê hương yêu dấu.

Hình tượng Việt Nam Mẹ - Tổ quốc như hun đúc tâm hồn nhà thơ – chiến sĩ với một ý thức đấu tranh giải phóng đất nước toàn vẹn:

III

Mẫu thân tôi tuổi bốn mươi thế kỷ

Guốc Cà Mau và chiếc nón Nam Quan

Cửu Long Giang buông dài làn sóng tóc

Lưng thắt eo áo Huế đỏ sao vàng

1947

Đất nước mang quá khứ hào hùng: “Gươm Lê Lợi còn sáng ngời dưới nguyệt/ Máu xâm lăng còn đỏ mãi Bạch Đằng” và mở ra tương lai xán lạn: “Hăm lăm triệu một giống nòi Hồng Lạc/ Bước văn minh theo đều nhịp Hoàn Cầu”.

Những “ngàn năm” được nhắc nhiều lần trong thơ Huỳnh Văn Nghệ như từ ý thức của một nhà lịch sử. Quá trình dựng nước và giữ nước là cả một thời gian trường kỳ đấu tranh sinh tồn của dân tộc: “Máu anh hùng tô non sông cẩm tú/ Mồ hôi dân kết đọng ngọn lúa vàng”.

Ngay từ thời tiền sử, người Việt đã có mặt ở vùng đất Nam Bộ. Riêng ở Đồng Nai, có di chỉ khảo cổ từ thời đồ đá cũ nằm rải rác ở nhiều vùng ( Dầu Giây, Bình Lộc, An Lộc, Phú Quý, Trảng Bom, Cù Lao Đức, Núi Gốm,…). Văn hóa Óc Eo là nền tảng còn lưu lại nhiều dấu tích, nhất là những kiến trúc ở khu vực sông Tiền, sông Hậu đến cả vùng Vàm Cỏ, Đồng Nai ( Gò Ông Tùng, Trị An, Cây Gáo, Vĩnh Cửu). Như vậy, địa bàn sinh thái là rất  rộng lớn, bao la.

Đồng Nai được xếp hạng tới 40 di tích khảo cổ về lịch sử, văn hóa. Có những hạng mục rất xa xưa như Văn miếu Trấn Biên – 300 năm, các lăng mộ Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Đức Ứng và các nghĩa binh… Đồng thời, cũng có cả di tích về lịch sử cách mạng: Căn cứ Khu ủy Đông Nam Bộ, Địa đạo Suối Linh, Nhơn Trạch, Chiến khu Đ mà công lao xây dựng là của Trung tướng Nguyễn Bình và Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ góp sức  như chứng tích vẻ vang một thời.

Như vậy, Huỳnh Văn Nghệ vừa là nhân chứng, vừa là người góp phần làm nên lịch sử. Viết về Lịch sử Chiến khu Đ trong thơ Huỳnh Văn Nghệ, Tiến sĩ Sử học Hồ Sơn Đài ghi: “Nhớ về một sự kiện lịch sử nào đó, người ta đọc thơ ông để chứng minh, để cam kết sự có thực của nó”. Huỳnh Văn Tới thì tôn vinh Huỳnh Văn Nghệ là Người chép sử quê hương” (Huỳnh Văn Nghệ - tác giả và tác phẩm, Đồng Nai2010).

Nam Bộ nổ súng kháng chiến từ 23/9/1945.

Tuy nhiên, chàng trai Huỳnh Văn Nghệ đã sớm tạm gác công việc và mộng văn chương để đi vào trận tuyến  đối địch với kẻ thù. Anh tham gia phong trào Đông Dương đại hội từ  năm 1936, sau đó là Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, rồi đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Có những năm, anh phải phiêu dạt sang Bangkok, hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước (1942-1944)

Huỳnh Văn Nghệ là con người giàu xúc cảm, tràn đầy tình yêu thương gia đình, bè bạn, người thân, đồng chí, đồng bào… Tình thương vô biên ấy như “ bao trùm vũ trụ” lý tưởng cao đẹp  thôi thúc cháy bỏng ý định lên đường . Anh chiến đấu vì con người với quan niệm “Còn yêu thương là chiến đấu không thôi”. Huỳnh văn Nghệ từng viết báo, làm thơ những năm 1935-1938. Sự nghiệp “mài gươm, múa bút” là  song hành với nhau, mặc dù chủ yếu vẫn là binh nghiệp, việc quân trên hết. Thi sĩ tương lai đã nghe theo tiếng gọi khẩn thiết của lịch sử.

Lực lượng vũ trang từ nhân dân mà ra. Xưa“dân ấp, dân lân” trở thành nghĩa binh, ngày nay quân đội chính là người dân mặc áo lính. Công lao lớn của vị Thi tướng chính là đã xây dựng được một đội ngũ chiến đấu ngày càng lớn mạnh.

Chi đội 10 là tiền thân của bộ đội Huỳnh Văn Nghệ, sau là Trung đoàn 310. Từ chức Chi đội trưởng, người chỉ huy tài năng, thao lược đã được cử làm Tư lệnh Khu miền Đông (Quân khu 7) thay Trung tướng Nguyễn Bình. Chiến khu Đ là một căn cứ được xây dựng ngày càng vững chắc của Vệ quốc quân – “Lập chiến khu kiên cố sát cạnh thành/ Quyết kháng chiến cho đến ngày toàn thắng (Tân Uyên).

Những chiến công trong những năm đầu kháng chiến là những trận thử lửa mang ý nghĩa lớn trong chiến sự. Thơ phản ánh chiến trận không nhiều, nhưng chỉ qua mấy bài thơ đặc sắc đã làm nổi bật những chiến công lịch sử: Tân Uyên, Dân Quân, La Ngà,… Đó là những trận thắng lợi về cả chiến thuật và chiến lược:các trận tiêu diệt hệ thống tháp canh đồn địch, trận đánh giao thông lớn nhất Nam Bộ…

             Chiến công và chiến thắng một thời qua thơ cũng mang rõ dấu ấn lịch sử. Từ sự trưởng thành của một chiến sĩ đến lực lượng quân sự, từ các trận đánh với quy mô ngày càng lớn với những chiến công vang dội.

                                                      ***

             Thơ Đồng Nai là tập thơ phản ánh hiện thực của một thời, mang tính chân thật lịch sử - chân thật về sự kiện, hiện tượng, chân thật về hồn người. Nổi bật là sự thể hiện một hào khí lịch sử: tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong đánh giặc giữ nước.

Huỳnh Văn Nghệ - mặc dù yêu thơ từ lâu, nhưng chưa phải lúc đó đã  là một thi sĩ có nghề. Lời thơ tự nhiên, giản dị, chân thành, có nét tài hoa riêng.Thơ có khuynh hướng hiện thực mới nhưng mang phong thái lãng mạn cách mạng. Ngôn từ thực ra cũng là của một thời và có sức hấp dẫn tâm hồn người đương thời. Những “binh đao”, “khói lửa”, đặc biệt là “yên cương”, “vó ngựa”, “sa trường”, “gươm kiếm” rồi “hiệp sĩ”, “ba quân”,… đầy rẫy trong thơ, văn, nhạc, hát hồi đầu cách mạng và những năm đầu kháng chiến.

Trước hết, đây là một sự thật lịch sử. Người dân trở thành người lính đánh giặc bằng những vũ khí thô sơ nhất, bằng tất cả những gì có trong tay: “Súng gươm chen với giáo mác, dao phay/ Cán cuốc  cùn cũng bửa tan đầu giặc (Dân quân), bằng  cách tự tạo: “Lột sắt đường tàu/ Rèn thêm dao kiếm” ( Nhớ-Hồng Nguyên) bằng cả “cướp súng giặc giết giặc”: “Giặc tiến  tới  đây, súng kia cùng nhau cướp lấy” (Du kích ca – Đỗ Nhuận).

Tuy nhiên, có thể và cần thông cảm vì đó là tâm thế của chủ thể sáng tác, cũng như của  người tiếp nhận qua thơ cũng như ca khúc  là như vậy. “Bao chiến sĩ anh hùng/ Lạnh lùng vung gươm ra sa trường… Ngựa phi nơi xa kia nghe súng vang bên trời điệu  kèn rộn ràng/ Là trang nam nhi quyết chiến sa trường, sống thác coi thường/ Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai” (Chiến sĩ Việt Nam), “Mây núi rừng thiêng chính khí ca/ Tinh binh rộn rã trên đường xa/ Đây hồn chinh chiến oai hùng ngự/ Một thuở đao binh giục lánh nhà” (Chính khí ca).

Tượng đài Huỳnh Văn Nghệ vừa được dựng ở Đồng Nai cũng là phỏng theo một bức ảnh có thật: vị tướng cưỡi ngựa rất oai hùng.

Đó là loại ngôn ngữ “hào sảng” hồn nhiên, vừa mới lạ, vừa cổ kính, nhưng thích hợp với khẩu khí, khí thế con người thời đại mới – thời đại cách mạng và kháng chiến mang dấu ấn lịch sử một đi không trở lại.

Thơ Đồng Nai vì vậy  là sản phẩm thi ca của một thời đoạn lịch sử mang nét đặc sắc riêng.

Ra đời năm 1949, đó là tập thơ kháng chiến lớp đầu tiên. Đây là thơ của những người nhập cuộc dũng cảm, dám lấy máu của mình để viết thành thơ. Trần Mai Ninh (1917-1947) viết Nhớ máu, Hồng Nguyên (1922-1954) viết Nhớ…và tiếp theo là Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi… thế hệ nhà thơ hình thành trong kháng chiến chống Pháp với những sáng tác tiêu biểu. Bài thơ Cờ xuất hiện cùng thời gian với Ngọn quốc kỳ của  Xuân Diệu tuy cảm hứng có phần khác nhưng về đại thể  là ý tưởng ca ngợi: “Cao, rộng làm sao! Cờ của tôi… In thêm muôn điểm sao ngời sáng/ Và một vừng ô rạng khắp nơi” như: “Cờ đã nâng cao/Màu đỏ máu/Với sao vàng rực rỡ”( Nhớ máu Trần Mai Ninh). Đó là những vần thơ lãng mạn anh hùng cách mạng một thời. Huỳnh Văn Nghệ có thơ đăng ở tuần báo Sống, Sài Gòn từ 1935 (khoảng  mươi bài về đề tài tình cảm, dân sinh), có quan hệ thơ văn với Đông Hồ, Mộng Tuyết thuộc lớp các nhà Thơ mới ở Nam Bộ.Tuy nhiên, nhà thơ trẻ đã sớm đi vào ngả đường thơ cách mạng .Những bài thơ về hoạt động  bí mật từ 1940 (Thanh niên) và 1942, 1944 (Tha hương, Tết quê người, Bến cũ…), nhất là từ 1943 với Về Bắc đã khẳng định vị trí chắc chắn của nhà thơ trong dòng thơ mới cách mạng. Huỳnh Văn Nghệ có thể coi là lớp nhà thơ chuyển tiếp – trước và sau Cách mạng 1945.

           Thơ Đồng Nai của Huỳnh Văn Nghệ mang đầy sức trẻ. Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: “Thơ chúng ta ngày nay đang ở tuổi trẻ nhất của thời đại mới. Nhịp sống chúng ta, từ sau Cách mạng đập lên nhiều phen dữ dội đến bàng hoàng, đồng thời mở rộng ồ ạt” (Mấy ý nghĩ về thơ - 1949). Nhận xét này cũng rất đúng với thơ Huỳnh Văn Nghệ buổi đầu. Tập thơ “đứa con đầu lòng” tinh thần, là “bó hoa đầu của mùa tưới mới” mang vẻ đẹp “lối thơ riêng biệt”: “Một lối thơ thật và đẹp, thẳng thắn như lòng người, đẹp cái đẹp chất phác còn hơi hoang vu của bờ sông xanh ruộng mía hay sầm uất cây rừng”. Và đúng như nhà thơ tự thấy: “Sau nầy sông sẽ trong xanh như ngọc” (Tựa - Viết cho lần xuất bản thứ nhất, năm 1949 - Văn Nam).

           Xin thêm một lời bình luận  kết thúc: “Thơ Đồng Nai – tập thơ đầu tay của Huỳnh Văn Nghệ - đẹp và quý như một con sông đầu nguồn ào ạt tuôn chảy”. Đó là “sông nước ngàn xưa”(La Ngà) tiếp mạch từ “Suối bạc ngàn reo chuỗi hạt châu” chan hoà “Ánh sáng tưng bừng trên lá non” (Chiến khu).

           Con sông thơ ấy đã mang linh hồn lịch sử.

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020