VĂN HỌC MIỀN NAM VIỆT NAM 1954-1975: những KHUYNH HƯỚNG chủ yếu và THÀNH TỰU HIỆN ĐẠI HÓA (Phần 1)


19-07-2023

           Những năm 1954-1975, trên miền đất từ vĩ tuyến 17 trở vào, có hai nền văn học cùng tồn tại, đan xen và tranh chấp với nhau. Một là văn học giải phóng hay văn học cách mạng tập hợp các nhà văn kháng chiến, chủ yếu hoạt động ở nông thôn, rừng núi, nhưng vẫn có tác giả và tác phẩm xuất hiện ở đô thị. Đây là nền văn học nối dài của văn học cách mạng hình thành trên miền Bắc, với đường hướng sáng tác, đội ngũ được xây dựng theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Hai là văn học trên vùng lãnh thổ do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý, chủ yếu ở đô thị, nhưng vẫn có tác giả, tác phẩm hiện diện ở nông thôn. Nền văn học này lại phân hóa thành nhiều xu hướng, trào lưu, quan niệm khác nhau rất phức tạp, vừa quan hệ thuận chiều hay nghịch chiều với văn học cách mạng, vừa chịu ảnh hưởng của văn học hiện đại phương Tây, vừa nỗ lực tìm một lối đi riêng để khẳng định sự sáng tạo của chính mình.

MỞ ĐẦU

     Khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) và việc ký kết Hiệp định Genève (20-7-1954), đất nước Việt Nam vẫn chưa được thống nhất như ước nguyện của người dân. Hiệp định này quy định lực lượng kháng chiến của Việt Minh và lực lượng của Pháp, vốn ở thế đan cài giữa nông thôn, rừng núi, đô thị, phải đình chiến và tập kết ở hai miền, lấy ranh giới là vĩ tuyến 17, trong khi chờ hai năm sẽ hiệp thương bầu cử để thống nhất đất nước.

      Điều đó gây ra những biến động xã hội to lớn và tâm trạng bất an trong dân chúng, nhất là những người từng liên quan mật thiết đến một phía tham gia chiến tranh, trong đó có trí thức, văn nghệ sĩ. Tác động trực tiếp của việc này là 14 vạn người miền Nam và miền Trung từng tham gia kháng chiến chống Pháp đi tập kết ra miền Bắc để bảo toàn lực lượng; đồng thời khoảng một triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam để “tị nạn cộng sản”.

     Cuộc sống người dân từ vĩ tuyến 17 trở vào chứng kiến những xáo trộn và biến động to lớn, từ cơ cấu dân cư, các thành phần kinh tế, chế độ chính trị, đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.

      Giai đoạn 1954 – 1975, trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía Bắc vĩ tuyến 17 đời sống tinh thần chịu sự chi phối của ý thức hệ Marx-Lenin và văn hóa xã hội chủ nghĩa; trái lại trên lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa ở phía Nam, các luồng tư tưởng đến từ phương Tây tranh chấp nhau ảnh hưởng và gây ra những tác động đa chiều và đa dạng đến đời sống người dân.

     Tiến trình lịch sử đầy biến động những năm tháng đó tạo ra cho miền Nam một cấu trúc đa dạng và phức tạp trên mọi lãnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, tư tưởng và văn học nghệ thuật. Trong giai đoạn đó, miền Nam là hợp thể của những đối cực về văn hoá mà những giá trị thực sự muốn giành vị trí để được thừa nhận rộng rãi phải trải qua thời gian dài tranh cãi, thuyết phục.

      Trong quãng thời gian gần 21 năm đó, trừ vài năm đầu tương đối ổn định, xã hội và con người miền Nam không lúc nào bình yên để lo nghĩ và đầu tư cho những dự án văn hóa dài hơi. Về mặt Nhà nước, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục, Viện Đại học Sài Gòn và nhiều trường đại học ở các thành phố lớn, Trung tâm Văn bút (Pen Club), Thư viện Quốc gia,… Về mặt dân sự, nhiều hội đoàn văn hóa văn nghệ, nhà xuất bản và báo chí tư nhân được thành lập. Tất cả góp phần làm phong phú và đa dạng đời sống tinh thần, nhưng những nỗ lực canh tân cũng bị chiến tranh và sự phân hóa về tư tưởng làm cho ngưng trệ hoặc bị biến dạng. Trong hoàn cảnh đó, miền Nam đã chứng kiến sự hình thành và phát triển của một đời sống văn hóa đặc biệt mang trong lòng nó nhiều mâu thuẫn phức tạp trong điều kiện chiến tranh liên tục và một xã hội tiêu thụ trên cơ sở kinh tế thị trường.

     Những năm 1954-1975, trên miền đất từ vĩ tuyến 17 trở vào, có hai nền văn học cùng tồn tại, đan xen và tranh chấp với nhau. Một là văn học giải phóng hay văn học cách mạng tập hợp các nhà văn kháng chiến, chủ yếu hoạt động ở nông thôn, rừng núi, nhưng vẫn có tác giả và tác phẩm xuất hiện ở đô thị. Đây là nền văn học nối dài của văn học cách mạng hình thành trên miền Bắc, với đường hướng sáng tác, đội ngũ được xây dựng theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Hai là văn học trên vùng lãnh thổ do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý, chủ yếu ở đô thị, nhưng vẫn có tác giả, tác phẩm hiện diện ở nông thôn. Nền văn học này lại phân hóa thành nhiều xu hướng, trào lưu, quan niệm khác nhau rất phức tạp, vừa quan hệ thuận chiều hay nghịch chiều với văn học cách mạng, vừa chịu ảnh hưởng của văn học hiện đại phương Tây, vừa nỗ lực tìm một lối đi riêng để khẳng định sự sáng tạo của chính mình.

1. Những khuynh hướng văn học chủ yếu

     Tính chất phức tạp về ý thức hệ nơi lực lượng sáng tác dẫn đến tính chất phức tạp của các khuynh hướng tư tưởng và nghệ thuật trong vùng văn học thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Căn cứ trên thực tiễn văn học, có thể khái quát thành năm khuynh hướng sau đây.

     1.1. Khuynh hướng văn học đề cao chủ nghĩa quốc gia

     Chủ nghĩa quốc gia là thuật ngữ quen dùng ở miền Nam để dịch từ “nationalism”, gắn với sự xuất hiện của chính phủ Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm quốc trưởng kiêm thủ tướng năm 1949. Chủ nghĩa quốc gia vừa bao hàm khái niệm chủ nghĩa dân tộc, vừa nhấn mạnh sự đối lập với chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc tế. Khuynh hướng này đáp ứng mục tiêu của Mỹ và các chính quyền thân Mỹ từ Ngô Đình Diệm (Đệ nhất Cộng hòa) đến Nguyễn Văn Thiệu (Đệ nhị Cộng hòa) là xây dựng miền Nam thành “một tiền đồn của thế giới tự do”, lấy chủ nghĩa quốc gia đối lập và ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam và Đông Nam Á.

     Những nhà văn sáng tác và nghiên cứu theo khuynh hướng này chủ yếu là những người bất đồng với các chính sách của cách mạng. Một mặt họ vẽ ra hình ảnh những người cộng sản không có đời sống tình cảm bình thường của nhân loại. Mặt khác, họ mở ra viễn cảnh một miền Nam tự do, đề cao những giá trị gia đình, coi trọng chủ nghĩa nhân vị (personnalisme), kế thừa những truyền thống tâm linh của dân tộc.

     Những tiếng nói bất bình từ miền Bắc trước hậu quả của những sai lầm trong cuộc cải cách ruộng đất và việc trừng phạt những văn nghệ sĩ tham gia các báo Nhân văn – Giai phẩm, Trăm hoa và Văn vọng vào miền Nam, được khai thác để chứng minh cho chọn lựa của những người chống Cộng. Cùng với đó là những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới: cuộc nổi dậy của Hungary và Tiệp Khắc bị Liên Xô đưa quân đàn áp, cuộc khủng hoảng Vịnh Con Heo ở Cuba suýt biến thành chiến tranh thế giới lần thứ ba, phản ứng của André Gide đối với chủ nghĩa xã hội sau khi từ Liên Xô trở về,… đã tiếp thêm lý lẽ cho những người quốc gia. Một số tác phẩm của Nguyễn Mạnh Côn (Đem tâm tình viết lịch sử, Mối tình màu hoa đào), Doãn Quốc Sỹ (Khu rừng lau, Dòng sông định mệnh), Võ Phiến (Người tù, Mưa đêm cuối năm, Thác đổ sau nhà), Nghiêm Xuân Hồng (Người viễn khách thứ mười) có thể xem là thuộc khuynh hướng này.

     Giữa những diễn ngôn chính trị và diễn ngôn nghệ thuật trong sáng tác của một số nhà văn theo chủ nghĩa quốc gia thường có mâu thuẫn: chính trị thì gay gắt, bạo liệt, nhưng nghệ thuật thì khiên cưỡng, gò ép và có tính chất minh họa. Trong những tác phẩm nhằm xiển dương chủ nghĩa quốc gia, ít có những nhân vật gây ấn tượng và được lưu giữ lâu dài trong lòng bạn đọc. Lẩn khuất trong thế giới hình tượng đó là mặc cảm của những người đồng hành với đội quân chiếm đóng, thể hiện qua sự phân trần lắm lúc vụng về trong ngôn ngữ người kể chuyện hay ngôn ngữ nhân vật.

    Văn học biện minh cho chủ nghĩa quốc gia tất nhiên không ngừng tìm cách khai thác những cuộc thảm sát trong chiến tranh mà những chứng lý từ hai phía, trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng lúc đó, thật ra đều không hoàn toàn thuyết phục: chiến cuộc Tết Mậu Thân (1968) ở Huế, mùa hè đỏ lửa (1972) ở Quảng Trị,… Tuy nhiên, điều đập vào mắt người dân hàng ngày lại là sự tàn bạo của lính Mỹ, lính Đại Hàn đối với thường dân, là “hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng” (Đại bác ru đêm, ca khúc của Trịnh Công Sơn), là chất độc khai quang phủ đầy rừng núi.

     Chính vì vậy mà đến thời Đệ nhị Cộng hòa nhiều nhà văn chống Cộng thuộc thế hệ lớn lên sau 1954 không còn lên tiếng gay gắt như trước nữa. Họ nghĩ đến một viễn cảnh hòa bình chắc chắn rồi sẽ đến, tuy không hình dung ra cụ thể thế nào, nhưng phải tìm những cách ứng xử mới. Một số nhà văn trẻ chống Cộng từ những kinh nghiệm chiến trường máu lửa của họ, nhưng không phải là số đông so với những nhà văn phản chiến. Và điều quan trọng nữa là, so với các nhà văn lớp trước, các nhà văn trẻ không còn quan tâm đến một chủ thuyết nào nữa, dù là chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa nhân vị. Những danh xưng đó dần dần trở thành xa lạ trong đời sống tinh thần của người Việt miền Nam, có chăng chỉ còn sử dụng trong nội bộ một số đảng phái mà vai trò ngày càng mờ nhạt.

     1.2. Khuynh hướng văn học thể hiện tinh thần phản kháng

     Ngỡ ngàng và hụt hẫng trước sự chia đôi đất nước theo Hiệp định Genève 1954 mà hai năm sau vẫn chưa thấy triển vọng thống nhất, những người Việt miền Nam dần dần chấp nhận thực tế đau lòng đó và tìm cách ứng phó với nó. Một số nhà văn từ chiến khu trở về theo sự sắp xếp của tổ chức cách mạng, sau những lúng túng lúc đầu, đã tìm được nơi để gửi gắm tiếng nói của mình. Những tờ báo và cơ sở xuất bản có lập trường dân tộc là nơi kết nối các nhà văn Lý Văn Sâm, Thiếu Sơn, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Viễn Phương, Lê Vĩnh Hòa, Văn Phụng Mỹ (Trang Thế Hy), Ngọc Linh, Tô Nguyệt Đình (Tô Kim Thủy, Nguyễn Bảo Hóa), Dương Trữ La, Chinh Ba, Truy Phong, Lê Văn (Vĩnh Điền),… Nét độc đáo là tiếng nói phê phán của họ đối với thực tại lúc này không bộc lộ qua một bút pháp hiện thực nghiêm nhặt như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao,… trước kia mà qua bút pháp ẩn dụ, bóng gió. Mượn những câu chuyện lịch sử và dã sử, văn học cảnh báo về những nguy cơ của đất nước từ dã tâm của các thế lực xâm lăng. Lý Văn Sâm có Chuông rung trên tháp đổ, Viễn Phương có Tình Yên Triệu, Lê Vĩnh Hòa có Trăng lu,…

     Chính quyền Ngô Đình Diệm không thể để yên cho tinh thần phản kháng đó được lan truyền, nên chỉ vài năm sau, một số nhà văn bị bắt giam, rồi tìm đường thoát ra chiến khu, trở thành những nhà văn cách mạng sáng tác trong vùng lãnh thổ do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiểm soát.

     Nửa đầu những năm 1960, tinh thần phản kháng được dấy lên theo một khuynh hướng khác. Đó là văn thơ tranh đấu theo tinh thần bất bạo động của Phật giáo và chủ trương “cách mạng xã hội không cộng sản” của một bộ phận trí thức Công giáo. Thơ Nhất Hạnh, Trụ Vũ, tiểu thuyết Võ Đình Cường,… mang triết lý Phật giáo, không phê phán trực diện xã hội nhưng gợi lên tình cảm bất bình với thực tại chiến tranh phi nhân. Những nhà văn trong ban biên tập tạp chí Hành trình và tạp chí Thái độ không chấp nhận cả chủ nghĩa cộng sản toàn trị theo mô hình Stalin lẫn chủ nghĩa thực dân mới đang giơ nanh vuốt đến các thuộc địa cũ. Họ chủ trương làm cách mạng cơ cấu để thay đổi xã hội miền Nam tuy họ cũng không hình dung được cụ thể phải thay đổi như thế nào.

     Khoảng mười năm cuối của cuộc chiến tranh, tinh thần phản kháng trong văn học ngày càng lên cao. Sáng tác và phê bình trên tạp chí Tin văn và những truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận của Vũ Hạnh, Lưu Nghi, Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Nguyễn Nguyên, Lữ Phương, Lê Nguyên Trung (Vương Quế Lâm, tức Nguyễn Văn Bổng), Lương Sơn (Hoàng Hà),… phơi bày một xã hội rối ren về chính trị, suy đồi về đạo đức. Khi tạp chí Hành trình đình bản, những cây bút khuynh tả như Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Thế Nguyên, Diễm Châu,… tập hợp quanh các tạp chí Đất nước, Trình bầy, Đối diện,… càng dứt khoát hơn trong lập trường chống Mỹ, phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa giải và hòa hợp dân tộc.

     Với hơn nửa triệu quân Mỹ và đồng minh đổ vào các thành phố và làng mạc miền Nam, hình ảnh thế giới tự do có thực tế để đối chứng. Tâm lý thực dụng và lối sống hưởng thụ bắt đầu xuất hiện. Từ giữa những năm 1960, các thành phố Sài Gòn, Cam Ranh, Chu Lai, Đà Nẵng,… như lên cơn sốt: người từ nông thôn đổ về, vật giá leo thang, lính Mỹ nghênh ngang ngoài đường, phụ nữ bị làm nhục, thanh niên bị bắt lính,… Điều đó cung cấp chất liệu cho văn học hiện thực phê phán, đặc biệt trong sáng tác của những nhà văn trẻ có ý thức xã hội. Nói theo Thế Nguyên, “thực tế xã hội đó đã quất vào mặt người làm văn nghệ những lằn roi rướm máu”1.
__________
1 Thế Nguyên (1972), Cho một ngày mai mơ ước, NXB Trình Bầy, Sài Gòn, tr.151.

     Trên nền của phong trào văn nghệ sinh viên, học sinh, đã hình thành một lớp nhà văn trẻ mang tinh thần phản kháng, tập hợp quanh các tạp chí Việt, Ý thức, Văn mới,… Về văn xuôi, đó là Ngụy Ngữ, Thế Vũ, Trần Duy Phiên, Trần Hữu Lục, Trần Hồng Quang, Huỳnh Ngọc Sơn, Võ Trường Chinh,… Về thơ, đó là Trần Quang Long, Phan Duy Nhân, Ngô Kha, Trần Vàng Sao, Nguyễn Quốc Thái, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Chinh Văn, Đông Trình, Đỗ Nghê, Tần Hoài Dạ Vũ, Võ Quê, Lê Ký Thương, Hữu Đạo, Trần Đình Sơn Cước, Lê Gành, Nguyễn Đông Nhật, Triệu Từ Truyền, Trần Vạn Giã, Cao Quảng Văn, Lê Nhược Thủy, Trần Phá Nhạc,… Về tiểu luận phê bình, đó là Thế Nguyên (Trần Trọng Phủ), Nguyễn Trọng Văn, Trần Triệu Luật, Hồng Hữu (Trần Hồng Quang và Trần Hữu Lục),…

     Văn học phản chiến còn thu hút tiếng nói của những cây bút tài năng đang phục vụ ngay trong quân đội Việt Nam Cộng hòa như Thái Lãng, Chu Vương Miện, Nguyễn Quang Tuyến, Thái Luân, Phan Trước Viên, Trần Hoài Thư, Ngô Thế Vinh, Luân Hoán, Nguyễn Bắc Sơn, Mường Mán, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Lệ Uyên,… và cả những nhà văn lớp trước như Nguyên Sa, Thế Phong,…

     Có thể nói tinh thần phản chiến và phản kháng trong văn học đô thị miền Nam 1954- 1975 ngày càng tăng theo chiều rộng và chiều sâu. Tinh thần đó thể hiện trước hết trên báo chí, rồi lan sang các xuất bản phẩm, trong văn chính luận cũng như trong thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Từ những lời kết án theo quan điểm chính trị hay đạo đức, văn học đã xây dựng được những hình tượng nghệ thuật theo tinh thần của chủ nghĩa hiện thực phê phán.

     Trong khi một bộ phận nông dân bị đốt cháy nhà cửa, mất ruộng mất vườn phải trôi dạt sống tạm bợ ở phố thị để bảo toàn mạng sống, thì chính ở thành thị những ảnh hưởng tiêu cực của lối sống thực dụng kiểu Mỹ đã bào mòn và làm suy thoái từng bước nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Văn học ở đô thị đã làm chứng cho sự khủng hoảng của xã hội, đặc biệt là sự khủng hoảng và nỗi băn khoăn của tuổi trẻ miền Nam. Chỉ cần đọc nhan đề một số tác phẩm cũng có thể nhận ra điều ấy: Nghĩ trong một xã hội tan rã của Thế Uyên, Quê hương rã rời của Nguyễn Quang Tuyến, Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang của Trần Hoài Thư, Con thú tật nguyền của Ngụy Ngữ, Sống thảm của Võ Trường Chinh,…

     1.3. Khuynh hướng văn học tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc

     Trong tình cảnh đó, văn học cố gắng đi tìm một chỗ dựa tinh thần khả dĩ giúp con người vượt qua hay ít ra, đứng vững trước cơn khủng hoảng. Một trong những chỗ dựa đó là văn hóa dân tộc.

     Về khảo cứu, tinh hoa triết lý Nho, Phật, Đạo hình thành cội nguồn tư tưởng của văn hóa dân tộc đã tạo nên một làn sóng học thuật cho đời sống tinh thần trong lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa trước ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Thành tựu này gắn với những tên tuổi có uy tín: Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Thích Minh Châu, Nhất Hạnh, Bửu Cầm, Kim Định, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục, Trần Trọng San, Tuệ Sỹ,… Không loại trừ có một ít học giả hướng việc nghiên cứu đó nhằm hạn chế ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản, nhưng nhìn chung đó là một nhu cầu tìm hiểu, học hỏi và quảng bá bình thường trong xã hội.

     Việc thành lập các phân khoa Phật học, triết học Đông phương trong các trường đại học càng làm tăng lên nhu cầu đưa việc nghiên cứu này đi vào chiều sâu.

     Ở một mức độ phổ biến hơn, việc khảo cứu và công bố những công trình về dân tộc học, sử học, ngôn ngữ học, văn học truyền thống, phong tục, tập quán của các tộc người trên mảnh đất Việt Nam cũng được quần chúng đón nhận tích cực. Đó là những tác phẩm của Đông Hồ, Vương Hồng Sển, Lê Văn Siêu, Toan Ánh, Quách Tấn, Thiếu Sơn, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyễn Văn Xuân, Lê Ngọc Trụ, Thanh Lãng, Phan Khoang, Nguyễn Thế Anh, Nghiêm Toản, Phạm Đình Khiêm, Phạm Việt Tuyền, Phạm Văn Diêu, Nguyễn Khuê, Nguyễn Văn Hầu, Nghiêm Thẩm, Bửu Lịch, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Khắc Ngữ, Phạm Cao Dương, Lê Văn Hảo, Thái Văn Kiểm, Bùi Đức Tịnh, Trần Ngọc Ninh, Bằng Giang, Thẩm Thệ Hà, Hoàng Sỹ Quý, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Sâm, Huỳnh Văn Tòng, Nguyễn Đình Tư, Huỳnh Minh, Phạm Trung Việt,…

     Đỉnh cao của hoạt động xiển dương văn hóa Việt Nam là việc thành lập Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc ở Sài Gòn vào ngày 07-8-1966, do giáo sư Lê Văn Giáp làm chủ tịch. Lời tuyên bố trong cuộc hội thảo về phê bình văn học do Hội Bạn trẻ em Việt Nam, Hiệp hội Văn học nghệ thuật, Hội đồng Bảo vệ Tinh thần Thanh thiếu nhi, tạp chí Bách khoa, tạp chí Tin văn đồng phối hợp tổ chức ngày 15-01-1967 có đoạn viết: “Chúng tôi hoan nghênh và hậu thuẫn trong mọi hoàn cảnh cho tất cả tác giả các bài phê bình đã qua, hiện nay và sắp tới, không phân biệt quan điểm và trường phái nghệ thuật, nhằm phát huy nền văn học hùng mạnh và tiến bộ, chống đối mọi biểu hiện dâm ô và đồi trụy, trong ý hướng bảo tồn và phát triển dân tộc”.

     Lập trường đó thể hiện rõ nét trong những bài tiểu luận phê bình của Nguyễn Ngọc Lương (Nguyễn Nguyên), Vũ Hạnh trên tạp chí Tin văn và những cuốn sách của Lữ Phương (Mấy vấn đề văn nghệ), cô Thanh Ngôn (Đường lối văn nghệ dân tộc), Lương Sơn (Công việc viết văn),… Hai cuốn sách của Lý Chánh Trung cũng có tác dụng tích cực trong việc phục hưng văn hóa, hoà giải và hòa hợp dân tộc là Tìm về dân tộc, Tôn giáo và dân tộc.

     Vẻ đẹp của văn hóa dân tộc không chỉ là đề tài bàn luận của những cây bút chính luận mà đã đi vào hình tượng nghệ thuật. Thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, Mặc Khải, Phương Đài, Bàng Bá Lân, Trần Thị Tuệ Mai, Phạm Thiên Thư, Trụ Vũ, Tường Linh, Thi Vũ,… còn giữ tiếng gọi hồn của thơ ca truyền thống, nồng nàn tình người, tình nhà, tình quê, tình nước.

     Văn xuôi giai đoạn này vừa thể hiện tình cảm thống nhất đất nước, vừa phản ánh phong tục, tập quán, sinh hoạt của một vùng đất mà nhà văn thông thuộc: miền Bắc (Vũ Bằng, Mai Thảo, Nhật Tiến, Thế Nguyên, Phan Văn Tạo,…), miền Trung (Nguyễn Văn Xuân, Võ Hồng, Vũ Hạnh, Phan Du, Trần Huiền Ân, Nguyễn Mộng Giác,…), miền Nam (Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Nguyễn Thị Thụy Vũ,…). Những đặc điểm thiên nhiên, con người, lối sống ở nông thôn chưa bị đô thị hóa được lưu dấu trong hình ảnh những làng mạc hẻo lánh miền Trung hay những vùng quê sông nước miền Nam. Văn xuôi không chỉ phản ánh nếp sống bên ngoài mà cả sức mạnh tinh thần qua hình tượng những người nông dân trọng nghĩa, giàu lòng hy sinh, có ý thức kháng cự sức mạnh tha hóa của đồng tiền. Các nhà văn không chỉ làm chứng cho sự băng hoại của xã hội mà còn làm chứng cho sự hồi sinh của văn hóa và con người.

     Viết về những gương anh hùng liệt nữ trong lịch sử, những truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân trong Bão rừng, Hương máu và Dịch cát muốn truyền thêm sức mạnh từ truyền thống cho con người Việt Nam hiện đại. Viết về cuộc kháng chiến chống Pháp một cách chân thực, tiểu thuyết Hoa bươm bướm và Như cánh chim bay của Võ Hồng cho thấy cuộc kháng chiến đó là một vận hội lớn của sự đoàn kết dân tộc lẽ ra không nên bỏ lỡ. Viết về thiên nhiên và con người đất Mũi qua các truyện ngắn trong tập Hương rừng Cà Mau, Sơn Nam cho thấy sức sống bền bỉ và sáng tạo của dân tộc trên con đường khai phá những miền đất mới. Truyện ngắn Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc ví những thế hệ tiền bối như những cây mắm mọc lên để giữ phù sa đắp bồi cho đất: “Tổ tiên ta từ ngày xưa từ miền Trung tràn vào đây đều chịu số phận làm cây mắm cả, từ xứ Đồng Nai nước ngọt tới đây, ở đâu cũng hoang vu cả. Họ đã ngã rạp trong chốn ma thiêng nước độc này để lót đường cho con cháu họ đi tới…”.

     Bảo vệ vẻ đẹp truyền thống, nhưng nhạy cảm với những biến đổi của thời thế ở một địa bàn luôn giao lưu và tiếp biến văn hóa, văn học dần dần khắc phục tư tưởng bảo thủ, khép kín qua sự lý tưởng hóa nông thôn gia trưởng hay thi vị hóa thị hiếu dùng hàng nội hóa như đã từng thể hiện trong văn xuôi cuối những năm 1950. Điều đó có nghĩa là ý thức dân tộc cũng luôn vận động và phát triển.

 

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
(Giáo sư. Tiến sĩ, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM)

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay.
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ  trang 710 đến trang 723)

 

Nguồn bài đăng: thanhdiavietnamhoc.com

Post by: Khoa Ngữ văn
19-07-2023