Hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử: Cơ hội mới cho tiểu thuyết và cho lịch sử


29-03-2023

        Gần đây, tiểu thuyết lịch sử được giới sáng tác và nghiên cứu tại Việt Nam quan tâm nhiều. Vấn đề hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử cũng được nhiều người bàn luận, trong đó có những ý kiến trái chiều. Bài viết đề cập đến những quan niệm khác nhau về mối quan hệ giữa hiện thực lịch sử và hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử, đồng thời khẳng định rằng hư cấu nghệ thuật đã mở ra những cơ hội mới cho tiểu thuyết và cho lịch sử.        

        Từ sau 1986, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam được giới sáng tác và nghiên cứu quan tâm nhiều. Xuất hiện nhiều tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử với các tên tuổi như Hoàng Quốc Hải, Ngô Văn Phú, Lê Đình Danh, Lưu Sơn Minh, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Xuân Khánh… Nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử được đặt ra trong tiểu thuyết, nhiều vấn đề liên quan đến tiểu thuyết viết về lịch sử được đem ra bàn thảo, trong đó có những vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả, tạo ra những tranh luận trái chiều, mang đến một không khí sôi nổi, thú vị trên văn đàn. Mối quan hệ giữa hiện thực lịch sử và hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử là một trong những chủ đề được quan tâm như thế.

        Về tiểu thuyết lịch sử

        Tiểu thuyết lịch sử là một loại của tiểu thuyết, viết về những nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử, lấy lịch sử làm tư liệu sáng tác. Xung quanh việc quan niệm về tiểu thuyết lịch sử, có một số khái niệm được đưa ra như sau:

        Theo Encyclopaedia Britannica (Bách khoa toàn thư), tiểu thuyết lịch sử là “tiểu thuyết lấy một giai đoạn lịch sử làm khung cảnh và mong muốn truyền bá cái tinh thần, kiểu cách, và các điều kiện xã hội của một thời kỳ quá khứ với những chi tiết hiện thực và trung thành với sự thật lịch sử (tuy nhiên trong một số trường hợp sự trung thành này chỉ là giả tạo). Công trình sáng tạo đó có thể đề cập đến những nhân vật lịch sử có thật… hoặc có thể bao hàm một sự pha trộn nhân vật lịch sử với nhân vật hư cấu” (Nguyễn Văn Dân, 2011:32).

        Theo Từ điển văn học: bộ mới, tiểu thuyết lịch sử được coi là “tác phẩm tự sự hư cấu lấy đề tài lịch sử làm nội dung chính. Lịch sử trong ý nghĩa khái quát, là quá trình phát triển của tự nhiên và xã hội. Các khoa học xã hội (cũng được gọi là khoa học lịch sử) đều nghiên cứu quá khứ của loài người trong tính cụ thể và đa dạng của nó. Tuy vậy, những tiêu điểm chú ý của các sử gia cũng như các nhà văn quan tâm đến đề tài lịch sử, thường đều là sự hình thành, hưng thịnh, diệt vong của các nhà nước, những biến cố lớn trong đời sống xã hội của cộng đồng quốc gia, trong quan hệ giữa các quốc gia như chiến tranh, cách mạng… cuộc sống và sự nghiệp của các nhân vật có ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử” (Từ điển văn học: bộ mới, 2004:1725).

        Còn theo Trần Nghĩa (1997:11), “tiểu thuyết lịch sử cũng gọi là “lịch sử diễn nghĩa” gồm tác phẩm viết về đề tài lịch sử thông qua việc miêu tả nhân vật và sự kiện, tái hiện một cách nghệ thuật diện mạo xã hội và xu thế phát triển của lịch sử một thời, nhằm mang lại cho người đọc những khơi gợi bổ ích và mỹ cảm văn học”. Bùi Văn Lợi (1999b:23) thì cho rằng “tiểu thuyết lịch sử là những tác phẩm mang trọn đặc trưng của tiểu thuyết nhưng lại lấy nội dung lịch sử làm đề tài, làm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Ở đây, tác giả dựa vào những sự kiện trong quá khứ, hư cấu, tưởng tượng thêm để tạo nên tác phẩm nhằm gây hứng thú cho người đọc. Tiểu thuyết lịch sử tuy mượn đề tài và lấy cảm hứng từ lịch sử nhưng không hề né tránh, xa rời với nhiệm vụ thực tại, thời thế hiện tại (…). Mặc dầu lấy những sự kiện những nhân vật trong lịch sử nhưng các tác giả của tiểu thuyết lịch sử không chỉ trình bày trong cái tư thế lịch sử mà còn cho chúng ta biết nhiều mặt khác của đời sống con người, thậm chí cả những mặt sinh hoạt mang tính chất đời tư của nhân vật”.

        Nhiều nhà nghiên cứu khác trong các công trình của mình đã đưa ra những cách hiểu khác nhau về tiểu thuyết lịch sử, nhưng tựu trung lại đều thống nhất đó là một loại của tiểu thuyết, lấy những câu chuyện, nhân vật có thực trong lịch sử để tái hiện lại một không gian, một giai đoạn quá khứ, nhằm làm sáng rõ những vấn đề lịch sử và cả những vấn đề của thời đại ngày nay.

        Hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử

        Lấy lịch sử làm đề tài, tái hiện lại một giai đoạn lịch sử trong đó tồn tại những con người, sự kiện có thật, vậy một câu hỏi được đặt ra là: một cuốn tiểu thuyết lịch sử khác với một công trình sử ký ở chỗ nào?

        Bên cạnh việc cấu trúc lại câu chuyện lịch sử theo một cách thức mới, không đơn giản và trình tự như một cuốn biên niên sử, thổi hồn vào ngôn ngữ, giọng điệu cho giàu chất thẩm mĩ và sử dụng một loạt các biện pháp nghệ thuật khác để xây dựng nhân vật, phát triển cốt truyện, nhà tiểu thuyết đã vận dụng trí tưởng tượng để hư cấu, tạo nên những phần không có trong chính sử, nhằm làm tác phẩm phong phú, sinh động và gợi mở hơn. Trong Từ điển thuật ngữ văn học, các tác giả cho rằng “các tác phẩm viết về đề tài lịch sử này có chứa đựng các nhân vật và các chi tiết hư cấu, tuy nhiên nhân vật chính và sự kiện chính thì được sáng tạo trên các sử liệu xác thực trong lịch sử, tôn trọng lời ăn tiếng nói, trang phục, phong tục, tập quán phù hợp với giai đoạn lịch sử ấy. Tác phẩm văn học lịch sử thường mượn chuyện xưa nói chuyện đời nay, hấp thu những bài học của quá khứ, bày tỏ sự đồng cảm với những con người và thời đại đã qua, song không vì thế mà hiện đại hóa người xưa phá vỡ tính chân thực lịch sử của thể loại này” (Từ điển thuật ngữ văn học, 2007:30).

        Có thể thấy mối quan hệ giữa hiện thực lịch sử và hư cấu nghệ thuật đã làm nảy sinh những tranh cãi trong giới nghiên cứu. Trên thế giới cũng có những quan niệm trái chiều, chẳng hạn như A. Tolstoy, một nhà văn nổi tiếng Liên Xô, cho rằng “Bộ tiểu thuyết của tôi chính xác như một tác phẩm nghiên cứu lịch sử và đó chính là sức mạnh của nó”, còn Alexandre Dumas, một tiểu thuyết gia nổi tiếng Pháp, lại cho rằng: “Lịch sử đối với tôi là gì? Nó chỉ là một cái đinh để tôi treo các bức họa của tôi mà thôi” (dẫn theo Bùi Văn Lợi, 1999a:83). Nhiều người ủng hộ ý kiến của Tolstoy, cho rằng tiểu thuyết phải tôn trọng tuyệt đối sự chính xác của sử liệu, nhưng nhiều người lại thấy ý kiến của A. Dumas đã mở ra một cánh cửa rộng lớn cho các nhà viết sử bằng tiểu thuyết có thể bay nhảy; theo họ, lịch sử chỉ là cái nền, là bức tường trắng phía sau để nhà tiểu thuyết có thể treo các bức tranh sặc sỡ của riêng mình.

        Ở Việt Nam cũng vậy, trong giới sáng tác và nghiên cứu đều có những ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. Kĩ thuật hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử nên được thực hiện như thế nào, ở mức độ nào? Nó có phải là điểm để phân biệt tiểu thuyết với một công trình sử ký? Có nên tuyệt đối hóa nó khi đánh giá một tác phẩm về đề tài lịch sử hay không?

        Thời trung đại, các cuốn tiểu thuyết lịch sử thường được viết bằng chữ Hán và theo kiểu kết cấu chương hồi, dựa chủ yếu vào chính sử, có hư cấu nghệ thuật nhưng chưa rõ rệt. Đầu thế kỉ XX, một số tiểu thuyết gia viết về đề tài lịch sử xuất hiện như Nguyễn Tử Siêu, Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Văn Triện, Tân Dân Tử, Khái Hưng, Lan Khai… Giai đoạn này, tiểu thuyết lịch sử chủ yếu vẫn dựa vào chính sử, nhưng đã có những tác phẩm thể hiện rõ tính chất tiểu thuyết hiện đại theo hướng hiện đại của tiểu thuyết phương Tây với cách xây dựng nhân vật, kết cấu và ngôn ngữ sống động, giàu chất lãng mạn, thể hiện sự sáng tạo của nhà văn. Văn học từ sau năm 1986 mới thực sự được đổi mới, quan niệm về nghệ thuật cũng thay đổi, từ đây, người nghệ sĩ được tự do sáng tạo, bộc lộ cá tính. Quan niệm về lịch sử cũng thay đổi, quan điểm về tiểu thuyết cũng vậy. Tiểu thuyết lịch sử được quan tâm nhiều hơn, và vấn đề hư cấu trong nghệ thuật viết tiểu thuyết lịch sử được đề cao. Tuy nhiên, tùy theo quan niệm của từng người về lịch sử, về cuộc sống, tùy theo quan niệm nghệ thuật của từng tác giả, mà có các xu hướng sáng tác khác nhau, cùng với đó cũng là những chiều hướng và mức độ hư cấu nghệ thuật khác nhau.

        Trong khi Hoàng Quốc Hải, tác giả của Bão táp triều Trần (bộ sáu cuốn), Tám triều vua Lý, được Nguyễn Văn Dân xếp vào loại tác giả tiểu thuyết lịch sử viết theo xu hướng giáo huấn, coi trọng sự kiện lịch sử khách quan, bị đánh giá là quá lệ thuộc, gò bó vào sự thật lịch sử, khiến cho nghệ thuật hư cấu bị hạn chế, thì Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân lại đại diện cho xu hướng sáng tác tiểu thuyết lịch sử luận giải, đề cao khai thác các yếu tố như luận đề, tâm lý, coi tiểu thuyết lịch sử trước hết là tiểu thuyết (tức nhấn mạnh tính tiểu thuyết trong các tác phẩm viết về lịch sử), “nhấn mạnh sự tự do phóng khoáng của trực giác” (Nguyễn Văn Dân, 2011:39). Bùi Văn Lợi cho rằng “một trong những đặc điểm quan trọng nhất là người nghệ sĩ phải làm sống lại những tài liệu lịch sử bằng trí tưởng tượng, bằng quyền hư cấu và sáng tạo nghệ thuật của mình”, sự nghiên cứu lịch sử “không thay thế sự tưởng tượng, hư cấu và sáng tạo của các nhà văn” (Bùi Văn Lợi, 1999a:27). Trong một công trình khác, Bùi Văn Lợi quan niệm giữa tiểu thuyết lịch sử và sử học có liên quan với nhau nhưng đã có sự khác nhau căn bản: “ở tiểu thuyết lịch sử nhà văn có quyền hư cấu do đặc trưng mang tính chất thể loại của tiểu thuyết lịch sử quy định. Trong khi đó bút pháp của chính sử chỉ có một con đường duy nhất là trung thành, chính xác với “sự thực”. Nói cách khác, phận sự của nhà sử học là “truyền tín”, quý ở “cái chân” còn phận sự của nhà tiểu thuyết lịch sử là truyền kỳ, quý ở truyền. Ngòi bút của nhà sử học là “thực lục” còn ngòi bút của nhà tiểu thuyết là “hư bút”. Ở tiểu thuyết, nhà văn thường hư hóa cái thực, thực hóa cái hư. Nó khêu gợi trí tưởng tượng và tăng cường tính mỹ cảm văn học (Bùi Văn Lợi, 1999b:29-30).

        Sự diễn dịch của nhà văn về lịch sử là một diễn dịch khác: nó là một lựa chọn mang tính cá nhân của nhà văn, ở đó các nền móng lịch sử có thể bị biến đổi theo hướng làm hiển lộ các vấn đề, khía cạnh khác có thể đã tồn tại nhưng chưa từng được ghi trong các cuốn biên niên sử. Tuy nhiên, hầu hết các nhà văn và các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng hư cấu có thể mở ra những cánh cửa mới để người đọc thâm nhập vào lịch sử nhưng không có nghĩa nó có quyền làm mất đi tính xác thực lịch sử.

        Cơ hội mới cho tiểu thuyết và cho lịch sử

        Nhà nghiên cứu văn học Vinhem Serer đã từng nói: “Tôi thiên về phía thừa nhận rằng trí nhớ và tưởng tượng chẳng qua chỉ là một mà thôi: đấy là khả năng gợi lại các biểu tượng cũ” (dẫn theo M. Arnauđốp, 1978:253). M. Arnauđốp gọi trí nhớ và tưởng tượng là hai chức năng giáp giới nhau của tinh thần. Trí nhớ đưa lại các liên tưởng sáo mòn, còn tưởng tượng thì tạo ra một sự hợp nhóm các biểu tượng ấy một cách không gò bó và hợp lý.

Như vậy, thực ra trí nhớ và tưởng tượng, hiện thực và hư cấu không quá cách xa nhau như chúng ta tưởng. Bởi vì, trên cơ sở “hợp nhóm” các biểu tượng có trong trí nhớ, trong ý thức, trong kinh nghiệm, tưởng tượng và hư cấu được phát triển lên, đôi khi chúng phản ánh những điều chưa từng có trong thực tế nhưng không phải là không thể có. Nhiều khi sự thực không nằm ở những điều đã xảy ra mà còn có thể nằm ở nơi nó có khả năng xảy ra.

        Hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử, do đó, đã mang lại cho chúng ta một cách nhìn mới không chỉ về tiểu thuyết mà còn về lịch sử. Ở phương diện này, lịch sử có cơ hội được nhận chân lại bằng thái độ hoài nghi khoa học, khi nó được tiếp cận từ nhiều khía cạnh, góc độ hơn thay vì từ duy nhất một con đường là những dữ kiện có trong chính sử. Bên cạnh đó, tiểu thuyết cũng có cơ hội được phát huy những thế mạnh của chính nó khi khai thác đề tài lịch sử. Từ nay, nó không bị quá gò bó vào những điều mà người ta có thể thấy trong các công trình sử ký. Nó được thêm “chất phụ gia”, thậm chí được đưa vào tác phẩm những yếu tố phi lịch sử, bởi nói như Hà Minh Đức, “có quyền vi phạm sự đúng đắn về mặt sự kiện lịch sử bởi vì tác giả chỉ cần đúng đắn lí tưởng mà thôi” (dẫn theo Bùi Văn Lợi, 1999a:27).

        Xem lịch sử như một quá trình chưa hoàn tất, các nhà văn đã cấu tạo lại hiện thực lịch sử bằng các tiểu tự sự. Nếu như trước đây, các đại tự sự được quan tâm thể hiện, tiểu thuyết lịch sử thường tái hiện các sự kiện lớn với các nhân vật có số phận gắn với lịch sử, mọi thủ pháp nghệ thuật đều hướng đến việc mô tả sự lớn lao, vĩ đại, tinh thần yêu nước chống giặc, vì cộng đồng của nhân vật, thì từ sau Đổi mới, với xu hướng phát huy tính dân chủ trong hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật, người nghệ sĩ có cơ hội được tự do sáng tạo, và cái mà họ khao khát chính là hướng tới các tiểu tự sự. Đó là việc dừng lại lâu hơn, chậm và kĩ lưỡng hơn ở thân phận con người. Đó là việc cho ngòi bút thâm nhập sâu hơn vào từng ngõ ngách của tâm hồn nhân vật, khiến cho đời sống tinh thần của họ trở nên sống động, khơi gợi cảm xúc, sự suy tư của người đọc về những con người trong quá khứ, làm sống dậy không chỉ một cái tên trong lịch sử mà cả con người toàn diện của họ, con người với đầy đủ hình dáng, tính cách, tình cảm, suy nghĩ, số phận.

        Phan Bội Châu trong Trùng quang tâm sử đã “bất chấp lịch sử” (Bùi Văn Lợi, 1999a:84). Tác giả đã sáng tạo ra nhiều thứ không hề có trong chính sử, từ hình thức, hành động, lời nói đến tư tưởng của những nhân vật như Lê Lợi, Trần Quý Khoáng, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Xí… Trong Chúa Trịnh Khải, nhà văn Nguyễn Triệu Luật đã hư cấu thêm nhiều chi tiết không có trong các tài liệu lịch sử, ví dụ như chi tiết tên Trang đưa Trịnh Tông đến nộp cho Nguyễn Huệ, tác giả đã miêu tả những hành động, lời nói của Nguyễn Huệ như một vị anh hùng đầy vị tha, độ lượng. Nguyễn Huy Tưởng trong Đêm hội Long Trì tô đậm thêm tính cách của Đặng Lân với những chi tiết lột tả sự độc ác, dâm loạn, thậm chí sáng tạo thêm nhân vật không có thực trong lịch sử là Nguyễn Mại. Với những đoạn miêu tả ngoại hình, hành động, đối thoại của các nhân vật trong Mẫu thượng ngàn và Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh đã dùng trí tưởng tượng và kĩ thuật hư cấu để tái hiện lại các nhân vật lịch sử một cách sống động. Chính những “chất phụ gia” đó đã khiến cho tác phẩm trở nên hấp dẫn và giàu chất thơ, hơn nữa, nó khiến người ta suy tư về lịch sử, vốn là một tự sự luôn “động” chứ không “tĩnh”, vốn là một thứ có thể xảy ra chứ không phải là thứ đã xảy ra. Chẳng hạn, so với Đại Việt sử ký toàn thư, nhân vật Hồ Quý Ly trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh đã trở nên khác và sống động hơn rất nhiều. Nhân vật này trong chính sử được coi như một kẻ thoán nghịch, còn trong thiên truyện của Nguyễn Xuân Khánh, nhân vật hiện lên từ nhiều góc soi chiếu. Người đọc thấy ở đó một Hồ Quý Ly với một thế giới nội tâm đầy phức tạp và mâu thuẫn. Bên cạnh vai trò là một kẻ tiếm quyền, Hồ Quý Ly còn được thể hiện là một người có tài, có nhiều trăn trở với đất nước. Những trang văn của Nguyễn Xuân Khánh đã thực sự trả lại cho lịch sử cơ hội được nhìn nhận lại một cách khách quan và đa chiều, trả lại cho tiểu thuyết một tâm thế mới: sẵn sàng bộc lộ những quan điểm cá nhân về vấn đề lịch sử, sẵn sàng sáng tạo lại lịch sử, từ góc độ nghệ thuật.

        Tóm lại, hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử đã mở ra những cơ hội để tiểu thuyết và lịch sử thực hiện sứ mệnh của mình một cách trọn vẹn hơn: với lịch sử, đó là sự nhìn nhận và tư duy lại theo một hướng mở; với tiểu thuyết, đó là hướng tới những chân trời rộng lớn, nơi nó được tái cấu trúc lại hiện thực để tìm đến những hiện-thực-khác, nơi nhà văn được bộc lộ khả năng suy đoán, tưởng tượng và cá tính của mình. Tuy nhiên, nói như Nguyễn Văn Dân (2018), cũng không nên tuyệt đối hóa vai trò của hư cấu khi đánh giá thành công nghệ thuật của nhà văn. Bởi vì, nếu hư cấu mà không dựa vào những nguyên tắc nhất định của sáng tạo trong lĩnh vực thể hiện đề tài lịch sử, tác phẩm sẽ bị đẩy xa khỏi lịch sử, khi ấy, người đọc sẽ mất phương hướng, hoang mang và có thể sẽ có những nhận thức sai lệch về lịch sử.

Phạm Quỳnh An

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 20 bản in)

 

Tài liệu tham khảo:

  1. M. Arnauđốp (Hoài Lam, Hoài Ly dịch) (1978), Tâm lý học sáng tạo văn học, Nxb. Văn học.
  2. Nguyễn Văn Dân (2011), “Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại – phác họa một số xu hướng chủ yếu”, Thông tin Khoa học xã hội, số 12, tr.32-41.
  3. Nguyễn Văn Dân (2018), “Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại – hiện thực và hư cấu”, Tuyên giáo, số 3, tr.56-59.
  4. Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử (đồng chủ biên) (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Giáo dục.
  5. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên) (2004), Từ điển văn học: bộ mới, Nxb. Thế giới.
  6. Bùi Văn Lợi (1999), “Mối quan hệ giữa tính chân thực lịch sử và hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX”, Tạp chí Văn học, số 9, tr.83-90.
  7. Bùi Văn Lợi (1999), Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ XX đến 1945 (diện mạo và đặc điểm), LATS, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  8. Trần Nghĩa (1997), “Tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, danh mục và phân loại”, Tạp chí Hán Nôm, số 3, tr.3-16.

 

Nguồn: https://tapchisonglam.vn/

Post by: Khoa Ngữ văn
29-03-2023