Để chào mừng ngày 20/10, ngày Phụ nữ Việt Nam, Công đoàn khoa Ngữ văn đã tổ chức chuyến du lịch, tham quan, khám phá mảnh đất Tuyên Quang cho cán bộ, giảng viên Khoa Ngữ văn. Chuyến đi kéo dài hai ngày 16,17 tháng 10 giữa tiết trời đang vào thu của miền Bắc.
5 giờ sáng, xe bắt đầu lăn bánh từ cổng trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Xe rời thành phố khi trời còn tối và se lạnh, cả đoàn đã được chứng kiến khoảnh khắc bình minh trên sông Hồng khi qua cầu Nhật Tân, mặt trời phía Đông rực rỡ và tĩnh lặng bên rìa thành phố.
Trên xe, PGS.TS. Đỗ Hải Phong, Trưởng Khoa Ngữ văn đã đại diện Khoa tặng bó hoa tươi thắm cho các cán bộ nữ của khoa, với lời chúc các cô luôn xinh đẹp, trẻ trung, có thật nhiều sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống.
Hơn 9h, xe tới điểm đến đầu tiên - khu di tích Nà Nưa. Cả đoàn được trải nghiệm chèo mảng nghe hát Đàn Tính trên Hồ Nà Nưa, ngắm nhìn khung cảnh xanh mát trên hồ. Sau đó, đoàn tới dâng hương tại lán Nà Nưa, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) là nơi Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945 để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 giành chính quyền trong cả nước. . Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi. Cả đoàn được nghe hướng dẫn viên chia sẻ những giai thoại lịch sử khi Bác Hồ sinh sống và làm việc tại nơi đây. Tiếp đó, cả đoàn tới thăm di tích cây đa Tân Trào. Chiều ngày 16/8/1945, tại địa điểm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Uỷ ban Khởi nghĩa Toàn quốc đọc Bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân tiến về Hà Nội. Gần đó là mái đình Tân Trào, nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội (ngày 16 và 17/8/1945) - đại hội được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta.
Đoàn tiếp tục di chuyển về Na Hang. Buổi tối, cả Đoàn cùng tham dự chương trình giao lưu Việt Bắc tại khách sạn. Các cô gái dân tộc Tày xinh đẹp, nền nã trong bộ trang phục truyền thống đã biểu diễn những tiết mục đậm đà màu sắc địa phương, các cô cũng chia sẻ rất nhiều những câu chuyện thú vị về vùng đất với một lòng nhiệt tình, hiếu khách. Các thầy cô khoa Ngữ Văn cũng cùng giao lưu ca hát, múa sạp, đốt lửa trại cùng đoàn văn nghệ.
Ngày hôm sau, cả đoàn có thời gian để khám phá vùng đất Na Hang nhiều hơn. Điểm đến đầu tiên là Thác Mơ. Sau đó, đoàn lên tàu để đi khám phá, tận hưởng cảnh sắc của hồ Sông Gâm, được nghe những truyện kể dân gian về từng ngọn núi, bờ sông. Mỗi phiến đá nơi đây đều mang một câu chuyện của huyền thoại, của lịch sử. Sông Gâm may mắn vẫn còn giữ được nhiều nét hoang sơ của tự nhiên, chưa có bàn tay của ccon người. Không khí trên sông thoáng đãng, mát mẻ. Đoàn được thưởng thức bữa ăn trên tàu với những nguyên liệu tươi sạch, được nuôi trồng bởi chính người dân bản địa.
Xe lăn bánh về Hà Nội lúc 7h tối. Chuyến đi Na Hang kết thúc nhưng để lại nhiều niềm vui. Trở lại thủ đô, trở lại với công việc giảng dạy thường nhật, xin kính chúc tất cả những người phụ nữ của Khoa Ngữ văn sẽ luôn luôn có thật nhiều niềm vui, tiếng cười như những ngày cuối tuần vừa qua.