Vào hồi 16h -18h (10h -12h giờ Paris) ngày 26-3/2021 tại phòng họp số 2, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội (số 128, Xuân Thủy, Hà Nội) diễn ra buổi tọa đàm học thuật với đề tài “Tiếp nhận văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam”. Diễn giả là PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Liên, chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy văn học Ấn Độ của khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Buổi tọa đàm diễn ra theo hình thức online giữa hai đầu cầu Hà Nội và Paris (Pháp). Ở đầu cầu Đại học Sư phạm Hà Nội, đông đảo các nhà khoa học, các học viên, sinh viên quan tâm đã tới dự. Tại đầu cầu Đại học Paris, ngài Michel Espagne (chủ trì) và những học giả quan tâm đã xuất hiện từ sớm trước màn hình.
Mở đầu buổi tọa đàm, GS. Michel Espagne đã nhấn mạnh sự hợp tác khoa học chặt chẽ giữa NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Paris (Pháp). Ông cho biết, buổi tọa đàm của PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Liên là một hoạt động khoa học ý nghĩa trong khuôn khổ sự hợp tác đó.
Tiếp theo chương trình, PGS.TS. Đỗ Hải Phong (Chủ nhiệm khoa Ngữ văn) phát biểu ngắn gọn về giá trị của hợp tác học thuật giữa hai đơn vị. Ông cũng đưa ra những nhận định khái quát về ý nghĩa của vấn đề tiếp nhận trong giao lưu văn hóa nhân loại.
Vào 16h15p, PGS. TS. Nguyễn Thị Mai Liên (đồng hành với diễn giả là dịch giả Pháp ngữ Bùi Thị Ngọc Lan) bắt đầu trình bày. Diễn giả đặt vấn đề bằng cơ sở lí thuyết khả tín, tiêu biểu là lí thuyết tiếp nhận và lí thuyết văn học so sánh. Ở phần trọng tâm của chuyên đề, PGS. Nguyễn Thị Mai Liên đã nhấn mạnh, Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ lâu đời, bền vững. Ngay từ những năm đầu công nguyên, trong cuộc hội nhập lần thứ nhất, Việt Nam và Ấn Độ đã thiết lập những quan hệ sâu rộng về thương mại và văn hóa bằng những phương thức du nhập ôn hòa.
Để làm rõ vấn đề tiếp biến văn hóa, diễn giả tập trung vào yếu tố tiếp biến truyện dân gian Ấn Độ ở Việt Nam qua vai trò truyền bá của các tăng lữ. Diễn giả nhận định, người Việt Nam đã tiếp biến truyện dân gian Ấn Độ bằng cách phá vỡ cấu trúc lồng khung xâu chuỗi; giản lược cấu trúc; thay đổi chi tiết, sự kiện, ý nghĩa; tiếp biến các motif trong truyện cổ dân gian. Khía cạnh tiếp biến các motif trong truyện cổ dân gian là nội dung rất thú vị được diễn giả tập trung khai thác và thu hút sự chú ý đặc biệt của người tham dự. Người Việt Nam đã tiếp biến motif tiền thân của Đức Phật, motif xử kiện, motif hoa sen, motif luân hồi và nghiệp báo, motif cấm dục, motif hôn nhân kì lạ và giao hợp thiêng… để sáng tạo ra những yếu tố phù hợp với nhu cầu và tâm thức thẩm mĩ của dân tộc. Nguyên nhân nảy sinh nhu cầu thay đổi đó là do người Việt có tính thực tiễn cao hơn nên đã giảm bớt những nhân tố giáo lí khô khan trừu tượng và chỉ giữ lại những yếu tố thiết thực, phù hợp với tâm thức văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, văn học dân gian thường được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng nên tam sao thất bản. Bằng cách thức đó, người Việt đã thể hiện sự chủ động, sáng tạo.
GS. Michel Espagne rất tâm đắc với vấn đề tiếp nhận văn hóa thông qua màng lọc văn hóa. Ông cho rằng, sự sáng tạo của dân tộc Việt Nam như thế nào qua màng lọc văn hóa đó là vấn đề rất đáng quan tâm.
GS. Tạ Long (Viện dân tộc học) cho rằng diễn giả tiếp cận vấn đề theo phong cách hàn lâm. Ông đặt câu hỏi: “Mức độ “tam sao thất bản” của các motif truyện dân gian Ấn Độ ở Việt Nam, Trung Quốc như thế nào?”. Diễn giả nhận định, Trung Quốc tiếp thu motif tương đối nguyên vẹn (kể cả tính giáo huấn và tính thực tiễn) còn Việt Nam thì có xu hướng giảm bớt những nhân tố giáo lí và giữ lại những yếu tố thiết thực.
Kết lại buổi tọa đàm, GS. Michel Espagne bày tỏ sự cảm kích với diễn giả và những người tham dự đã vượt qua những rào cản về địa lí, dịch bệnh để tạo nên buổi sinh hoạt học thuật lí thú.
Kết quả của tọa đàm sẽ là những kinh nghiệm khoa học bổ ích, tạo điều kiện mở rộng hơn nữa sự hợp tác học thuật giữa trường Đại học Sư phạm Hà Nội và các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học khác trên thế giới. Buổi tọa đàm đã diễn ra sôi nổi trong không khí giàu sức sống của mùa xuân và để lại dấu ấn học thuật sâu sắc.
Đại học Sư phạm Hà Nội, 26/3/2021
Trần Thị Thu Hương ghi