Tin tức - Sự kiện

GIAO LƯU NGHỆ THUẬT QUỐC TẾ "NHỮNG CHÂN TRỜI THI CA - HORIZONS OF POETRY "


20-10-2020

Trong khuôn khổ những hoạt động của Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII, Hội nhà văn Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức buổi Giao lưu nghệ thuật "Những chân trời thi ca" nhằm gặp mặt, giao lưu, kết nối các nhà thơ từ nhiều quốc gia khác nhau với sợi chỉ đỏ xuyên suốt là thơ ca, để tất cả đều hoà mình đắm chìm trong bầu khí quyển của nghệ thuật.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và trong nhà
 

Buổi giao lưu bắt đầu vào lúc 14:30 tại hội trường 11.10 Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Mở đầu chương trình là tiết mục “Lời ru Âu Lạc” được thực hiện bởi tốp ca nam nữ khoa Ngữ văn và khoa Nghệ thuật; đặc biệt là phần biên đạo, dàn dựng công phu và mãn nhãn của đội múa gồm các sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ 4 của khoa Ngữ văn. Buổi giao lưu nghệ thuật vinh dự đón chào sự hiện diện của các khách mời đặc biệt. Bên phía Hội nhà văn có sự góp mặt của nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Quang Quý - Phó Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, nhà thơ Võ Sa Hà cùng nhiều nhà thơ, nhà văn khác . Về phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường cùng PGS.TS. Nguyễn Văn Trào - Phó hiệu trưởng nhà trường, PGS. TS Đỗ Hải Phong - Trưởng Khoa Ngữ văn, TS Đinh Văn Tuyến - Trưởng Khoa Nghệ thuật cùng nhiều cán bộ giảng viên trong và ngoài nhà trường. Đặc biệt, tham dự buổi giao lưu nghệ thuật này là 17 nhà thơ đến từ 15 quốc gia khác nhau.

Mở đầu chương trình là những tiết mục văn nghệ độc đáo được dàn dựng công phụ của tập thể giảng viên, sinh viên Khoa Ngữ văn và Khoa Nghệ thuật mang bản sắc dân tộc đậm đà, như những nét chấm phá các giá trị quý báu ngàn đời trong lòng văn hoá Việt Nam. Đó là tiết mục hát múa "Lời ru Âu Lạc" - tiết mục mở màn gợi lại câu chuyện truyền thuyết con Rồng cháu Tiên của nhân dân Việt Nam, giải thích nguồn cội cao quý của người Việt với âm hưởng hào hùng như lời của cha ông từ ngàn đời vọng về; là tiết mục "Cô đôi thượng ngàn" do giảng viên ca sĩ Thu Hà cùng sinh viên Khoa Ngữ văn phản ánh một món ăn tinh thần, một nét tín ngưỡng đặc biệt của văn hoá Việt Nam- hát chầu văn; là khúc dân ca quan họ lời cổ "Bạn đến chơi nhà" như một lời chào tới các thi nhân quốc tế thưởng thức văn hoá Việt Nam với miếng trầu têm cánh phượng. Tất cả các tiết mục ấy đã khiến toàn bộ khán phòng như được sống trong một không gian văn hoá đặc trưng của người Việt, tạo phông nền cho buổi giao lưu thêm phần sinh động và hấp dẫn.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, GS.TS. Nguyễn Văn Minh- hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội thay mặt Ban Giám Hiệu nhà trường gửi lời chào mừng và cảm ơn sự hiện diện của các nhà thơ trong nước và quốc tế cũng như các nhà hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Người lãnh đạo nhà trường chia sẻ: " Chúng tôi đang hội nhập và muốn tiếp thu những cái hay cái đẹp của văn hoá thế giới trong đó có văn học, nghệ thuật và chúng tôi cũng muốn thế giới biết về những nét đẹp văn hoá của chúng tôi, và đây là cơ hội quý giá" và bày tỏ nguyện vọng thông qua lần gặp gỡ này, chúng ta có thể cũng "đồng hành với những giá trị cao đẹp của loài người".

Đại diện cho các nhà thơ Việt Nam, đặc biệt là hơn 1000 cây bút thuộc Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội nhà văn đã thể hiện niềm hạnh phúc khi được hoà chung vào buổi gặp gỡ, được dùng chung ngôn ngữ văn chương - " ngôn ngữ của tình yêu thương"- thứ ngôn ngữ không rào cản kết nối những tâm hồn đồng điệu.

Đặc biệt, điểm nhấn của chương trình là phần đọc thơ của các nhà thơ quốc tế. Đại diện cho Hội nhà văn, nhà thơ Trần Quang Quý đã tuyển dịch và trình bày các bài thơ "Thơ là đời, nhưng cuộc đời không phải là thơ" của tác giả Lkhagvaa (Mông Cổ), "Tình trạng khó tả" của Mookie Katigbak- Lacuesta (Philippines), "Blindness"(Sự mù quáng) của Biplap Majee, "Tree: A Mental Picture" của Tulasi Diwasa. Tiếp đến là nhà thơ Võ Sa Hà cùng tác phẩm "Hà Giang đây" và nhà thơ Trịnh Công Lộc với "Mộ gió" vô cùng xúc động và truyền cảm. Kết thúc phần đọc thơ, khán giả được thưởng thức những tác phẩm của Bengt Berg (Thụy Điển) với bài thơ "Về hạnh phúc", "Sẵn sàng cho ngày mới" và nhà thơ Thái Lan với " Con ơi con có hạnh phúc không?" Dường như tất cả đều nín lặng để thưởng thức những câu từ, giai điệu đậm tính nghệ thuật của các tác phẩm từ nhiều cây bút trên thế giới để rồi ngân lên những rung cảm của trái tim, của tâm hồn như được đồng điệu với những lời tâm tình trong thơ ca của các tác giả.

Khép lại chương trình là tiết mục "Việt Nam trong tôi là" của các bạn sinh viên Khoa Ngữ văn. Tiết mục nhẹ nhàng, truyền cảm của tập thể sinh viên đã mang lại cho khán giả một cái nhìn đẹp đẽ về Việt Nam. Một Việt Nam xinh đẹp nhưng không kém phần hùng vĩ với các danh lam thắng cảnh, một Việt Nam giàu giá trị với những khúc ca , những lời ru ầu ơ ngọt lành, thể hiện niềm tự hào của những người con "máu đỏ da vàng" đối với quê hương đất nước.

Buổi giao lưu nghệ thuật kết thúc vào lúc 16:20 vô cùng trọn vẹn, để lại trong lòng người những dư ba sâu sắc. Đây còn là cầu nối nghệ thuật kết nối giữa các nhà thơ và các bạn sinh viên.

Trong không khí vui tươi và đầm ấm của những ngày xuân đầu năm
"Những chân trời thi ca" đã thực sự mang lại cho tất cả thính giả, khán giả nhiều cảm xúc sâu lắng và tươi mới, để chúng ta có thể bắt đầu một năm đầy hứng khởi và thật nhiều năng lượng.

Thực hiện: Thảo Nhung, Minh Quang, Ngọc Thắng (HPT - CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn)

Post by: Vu Nguyen HNUE
20-10-2020