Tin tức - Sự kiện

CUỘC THI GIAI ĐIỆU TỰ HÀO 2019: TỰ HÀO HÁT MÃI KHÚC QUÂN HÀNH


20-10-2020

Ngày 18/1/2019, tại hội trường 11-10 trường Đại Học Sư phạm Hà Nội, gala chung khảo cuộc thi "Giai điệu tự hào" - điểm nhấn đẹp nhất của một chiến dịch sự kiện lớn do Liên chi Đoàn Khoa Ngữ văn tổ chức, đã diễn ra thành công trọn vẹn.

Vòng sơ khảo diễn ra trước đó một tuần lễ chứng kiến những tiết mục sâu lắng về nội dung và sáng tạo trong cách trình diễn ý tưởng. Các đội thi mang đến cho Ban Giám khảo cũng như các khán giả theo dõi những phần trình diễn phong phú về loại hình nghệ thuật: là bản hòa ca rộn ràng, là màn độc tấu hào hùng trong sự hòa quyện giữa tiếng sáo và tiếng hát, là những vở nhạc kịch công phu gợi lại một thời vang bóng. Tiết mục nào cũng cho thấy chất tài hoa tiềm ẩn trong sinh viên Văn khoa thế hệ mới. Sau quá trình hội ý cân nhắc, các giám khảo đã thống nhất chọn ra những tiết mục xuất sắc để tiếp tục đến với đêm chung kết diễn ra vào 19h30 ngày 18/1/2019 tại hội trường 11/10.

Thời gian một tuần trôi qua nhanh trong niềm mong đợi thời khắc diễn ra gala chung kết. Các đội thi xuất sắc lọt vào vòng đấu cuối cùng này đã tranh thủ từng ngày để đổi mới kịch bản, tập luyện vũ đạo, với mục tiêu mang đến chương trình những phần trình diễn giàu ý nghĩa về nội dung và hình thức, cũng như hướng đến chiếc vương miện danh giá của cuộc thi “Giai điệu tự hào”.

Về phía Ban tổ chức, các thành viên cũng hết sức khẩn trương hoàn thiện nốt những khâu chuẩn bị cuối cùng cho đêm chung kết. Những chia sẻ đến từ ThS Nguyễn Thế Hưng - Bí thư liên chi Đoàn và chị Nguyễn Ngọc Thùy Linh - Chủ nhiệm CLB Nghệ thuật Khoa Ngữ văn càng hâm nóng không khí trước giờ khai mạc.

Đêm chung kết cuộc thi “Giai điệu tự hào” vinh dự đón chào sự hiện diện của những khách mời đặc biệt. Về phía Khoa Ngữ văn có PGS.TS Trần Văn Toàn - Phó trưởng khoa Ngữ văn, PGS.TS Phùng Ngọc Kiếm - đội trưởng đội Thanh niên Xung kích 379 Khoa Ngữ văn, nguyên giảng viên bộ môn Lí luận văn học. Về phía Ban giám khảo là Nhạc sĩ- nhà giáo Trần Phú Thế Cường, TS Trần Bảo Lân- Phó trưởng Khoa Nghệ thuật; Thạc sĩ Nguyễn Thế Hưng- bí thư Liên chi đoàn Khoa ngữ văn, chị Nguyễn Ngọc Thùy Linh- Chủ nhiệm CLB Nghệ Thuật Khoa Ngữ Văn và chị Nguyễn Thị Ninh Ngọc- Phó chủ nhiệm CLB nghệ thuật Khoa Ngữ văn. Đêm chung khảo đã thu hút sự quan tâm của đồng đảo các bạn sinh viên trong và ngoài khoa đến cổ vũ các tiết mục và cùng nhau lắng lại trong niềm xúc động về một thời “Tiếng hát át tiếng bom” oanh liệt của dân tộc.

Đúng 19h30 chương trình chính thức được bắt đầu với lời phát biểu, chia sẻ của ThS. Nguyễn Thế Hưng - đại diện liên Chi Đoàn và PGS.TS Trần Văn Toàn - phó trưởng Khoa Ngữ Văn. Cả hai thầy đều dành rất nhiều lời khen cho nỗ lực tập luyện cũng như ý tưởng độc đáo của các sinh viên Văn khoa để các bạn có thể tự tin toả sáng trên sân khấu ngày hôm nay.

Đúng với tinh thần cuộc thi, mỗi đội thi đều mang đến những giai điệu khác nhau để tấu lên bản hoà ca của lòng tự hào, ngưỡng vọng về một thời hoa lửa, về quá khứ gian lao mà hào hùng của dân tộc. Đó là nhịp rung trầm buồn của những tháng ngày chiến đấu gian lao, trong bối cảnh đất nước đau thương dưới gót giầy quân xâm lược. Đó là khí thế đồng khởi của cả dân tộc bước vào trận tuyến đánh quân thù, vang vọng hào khí Đông A oanh liệt của ngàn năm truyền thống. Đó là khúc ca tự hào, tựa như những nén tâm hương mà thế hệ đời sau dâng kính những người mẹ Việt Nam anh hùng thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, và rồi “nước mắt lại chảy ngược vào trong”; những anh giải phóng quân can trường với khí thế “thế hệ chúng con ra đi như gió thổi”; những người thiếu nữ thanh niên xung phong đã gửi lại tuổi hai mươi để làm nên dáng hình xứ sở. Mỗi một tiết mục như một thanh âm, một nhịp điệu riêng trong cung đàn muôn điệu ngân lên tạo không khí vừa thiêng liêng vừa hào hùng của chương trình ý nghĩa này.

 

Dưới đây là một vài điểm nhấn của chương trình:

Mở màn cho đêm chung kết "Giai điệu tự hào" là tiết mục "Hoa nở mùa khói bom" của lớp G-K68. Bài múa đầy kì công và ấn tượng đã đề cao sự hi sinh cao cả, thầm lặng của những người phụ nữ trong hoàn cảnh chiến tranh.

Lớp CLC-K67 lại mang đến cho cả khán phòng một tiết mục mang âm hưởng dân ca miền Trung đầy cảm xúc với tựa đề " Huyền thoại mẹ". Giọng hát đầy truyền cảm cùng với vũ đạo phù hợp quả thực đã ghi lại một dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả về vẻ đẹp cao thượng của người mẹ Việt Nam anh hùng.

Vở kịch "Bước chân người lính" do lớp C-K67 đã vẽ nên hành trình của những người lính cụ Hồ từ những bước đầu đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đến những ngày tháng gian khổ trong mưa bom bão đạn, làm nên một hình tượng sống mãi trong nền văn học một thời:

"Kính chào anh, con người đẹp nhất!

Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất

Sống hiên ngang bất khuất trên đời

Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi"

Chi Đoàn CLC-K68 lại mang đến một sự ấn tượng khi xây dựng vở kịch "Sống mãi với thủ đô" tái hiện những năm tháng của cuộc kháng chiến đã qua nửa thế kỉ. Với lối diễn xuất sáng tạo và truyền cảm, tiết mục đã tạo được một nốt lặng, mang đến những dư vị đặc biệt khó quên trong lòng người.

Một lần nữa "Huyền thoại mẹ" lại được thể hiện đầy xúc động qua phần thi của lớp A-K67. Dường như tất cả lòng tự hào, nỗi thương yêu, sự biết ơn và khâm phục đều được kết tụ trong tác phẩm một cách tròn trịa và truyền cảm nhất.

"Kho thóc của ta" của lớp B-K67 đã tái hiện lại cảnh nhân dân ta từ lầm than vùng lên chiến đấu, phá kho thóc của Nhật những năm 1945 với khẩu hiệu “đánh chặn xe lương, cướp kho thóc Nhật”. Với giai điệu mạnh mẽ, tiết tấu nhanh từ bài "dậy mà đi" khiến tiết mục như một điểm nhấn cuối chương trình, ghim vào trong lòng người xem một màn trình diễn hoành tráng, một tinh thần chiến đấu bất diệt đậm tinh thần Văn khoa.

Tiếp nối chương trình là hai tiết mục vô cùng ấn tượng "Máu và hoa"  cùng bản hoà tấu "chị Võ Thị Sáu" đến từ câu lạc bộ Nghệ Thuật khoa Ngữ Văn. Dường như những năm tháng chiến đấu Điện Biên Phủ đều đã được gợi về, cái hào khí ngút trời khiến cho "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" như được quy tụ vào trong phần trình diễn một cách chân thực và ám ảnh nhất.

Điểm đặc biệt trong chương trình lần này chính là đề cao tính sáng tạo từ ý tưởng đến cách thể hiện làm sao để toát lên được ý nghĩa cũng như thông điệp được truyền tải. Với hai nội dung thi trình diễn tiết mục và diễn giải ý tưởng qua những lời gợi dẫn của Ban giám khảo, cuộc thi thực sự đã ghi lại dấu ấn khó quên, cho ta một cái nhìn về các sinh viên Văn khoa xinh đẹp, thông minh, tài năng và cũng tràn đầy cảm xúc.

Một số hình ảnh ấn tượng của đêm chung khảo 18/1:

Và giây phút mong đợi nhất của chương trình chính là phần trao giải với những kết quả vô cùng xứng đáng: Quán quân của cuộc thi năm nay chính là lớp A-K67. Ngôi Á quân gọi tên lớp C-K67. Hai giải Ba thuộc về lớp CLC-K68 và lớp B-K67. Hai giải Khuyến Khích là lớp G-K68 và CLC-K67

Chương trình kết thúc vào 21h30 phút sau lời chia sẻ của thầy Nguyễn Thế Hưng và TS. Trần Bảo Lân. Có thể nói, sự kiện “Giai điệu tự hào” nói chung và đêm chung khảo 18/1 nói riêng, đã thành công một cách trọn vẹn trong sự hân hoan, lòng tự hào và tinh thần yêu nước nồng nàn như được lắng lại trong tâm khảm mỗi con người. "Giai điệu tự hào" không đơn thuần chỉ là một cuộc thi, mà nó còn là chuyến xe ngược về quá khứ, là bước chuyển thời gian kéo con người ta trở về chiêm nghiệm một thời khói lửa, để sau cùng thứ đọng lại trong ta là những ngân vang của kí ức vẹn nguyên, hào hùng, oanh liệt từ trăm năm còn vọng lại tới muôn người, muôn đời.

Hãy cùng thưởng thức một tách trà nóng và lắng đọng lại trong video hồi tưởng hành trình "Giai điệu tự hào 2019" dưới đây , để “Giai điệu tự hào” còn ngân vang mãi trong lòng chúng ta!

 
Giai điệu tự hào - Giai điệu Văn khoa

[Giai điệu tự hào - Giai điệu Văn khoa] Giờ này ngày này hôm qua, tất cả chúng ta đều đang say sưa đắm chìm trong đêm Gala Giai điệu tự hào với những ca khúc Cách mạng bất hủ, được dàn dựng, biểu diễn bởi chính những chàng trai cô gái Văn khoa. Giải thưởng đã được trao cho tiết mục xứng đáng, sân khấu đã được dọn dẹp, sự kiện đã chính thức khép lại, nhưng cảm xúc sâu lắng vẫn còn vang mãi trong trái tim mỗi người, từ các bạn thí sinh, cho đến khán thính giả và đặc biệt là với những người làm chương trình, ban giám khảo - những người đứng trong bóng tối thầm lặng để nhường ánh hào quang lại cho âm nhạc thăng hoa. Đêm nay, hãy cùng chúng tôi hồi tưởng lại hành trình của Giai điệu tự hào 2019 và chúc cho Giai điệu tự hào các năm tiếp theo sẽ đều viết ra kết thúc rực rỡ như vậy ----------------------------------- Bài viết, clip: CLB Truyền thông khoa Ngữ văn YDP Ảnh dùng trong clip: - Trung tâm tin tức khoa Ngữ văn HPT - CLB Nghệ thuật khoa Ngữ văn SAP

Posted by Liên chi Đoàn - Liên chi Hội Khoa Ngữ văn - Trường ĐHSP Hà Nội on Saturday, January 19, 2019

 

Post by: Vu Nguyen HNUE
20-10-2020