Tin tức - Sự kiện

TỌA ĐÀM KHOA HỌC: CHƯƠNG TRÌNH - SGK MỚI VÀ VIỆC ĐÀO TẠO - BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN NGỮ VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG SƯ PHẠM


19-10-2020

Ngày 12/3/2018, Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm khoa học với chủ đề “Chương trình - Sách giáo khoa mới và việc đào tạo - bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn trong nhà trường sư phạm”.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả là Chủ biên và thành viên biên soạn chương trình Ngữ văn mới: PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, PGS.TS. Nguyễn Thành Thi, GS.TS. Lê Huy Bắc.

Đại biểu tham dự: TS. Nguyễn Văn Tùng (NXB GDVN), đông đảo giảng viên Ngữ văn, NCS, Học viên cao học, nhiều giáo viên phổ thông.

Buổi tọa đàm diễn ra lúc 8h30 với hai phần chính:

Phần 1: Các chuyên gia trình bày những vấn đề trọng tâm về chủ đề Chương trình - Sách giáo khoa mới và việc đào tạo - bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn trong nhà trường sư phạm.


 

Mở đầu, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống báo cáo những nét mới cơ bản về Chương trình - Sách giáo khoa mới môn Ngữ văn bao gồm:

- Cơ sở phát triển chương trình

- Xu thế quốc tế về phát triển chương trình Ngữ văn

- Tên gọi, tính chất, mục tiêu của chương trình

- Quan điểm thiết kế chương trình

- Cấu trúc chương trình chung, từ lớp 1 đến lớp 12

- Chương trình THPT có nét gì nổi bật

- Ngữ liệu: bắt buộc và tự chọn thế nào…

Tiếp theo, PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng làm sáng tỏ thêm các vấn đề liên quan đến dự thảo chương trình SGK Ngữ văn mới.

-         Trục đọc - nói - nghe - viết là trục “năng lực mở đường”.

-         
 

Giáo viên có thể sử dụng nhiều bộ SGK…

-         Chúng ta không xây dựng chương trình địa phương như nhiều nước, vì vậy phải xây dựng chương trình chi tiết ở cấp quốc gia.

-         SGK mới hướng tới xây dựng kĩ năng đọc, thói quen đọc sách văn học được nuôi dưỡng suốt cuộc đời học sinh.

-         Tiếng Việt trở thành “bè trầm” để phục vụ trực tiếp cho quá trình đọc hiểu.

-         Vấn đề đào tạo giáo viên: đề xuất mô hình đào tạo 2 giai đoạn là đào tạo năng lực chuyên môn và đào tạo năng lực nghề nghiệp.

Nhìn chung, các chuyên gia khách mời đều khẳng định tính thách thức của việc đổi mới chương trình SGK Ngữ văn nói riêng và toàn bộ hệ thống SGK nói chung đồng thời bày tỏ thái độ quyết tâm, tinh thần cầu thị trong quá trình thực hiện.

Phần 2: Các giảng viên Khoa Ngữ văn và những người tham dự đặt câu hỏi, trao đổi, góp ý về vấn đề Chương trình - Sách giáo khoa mới và việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn trong trường phổ thông.


GS.TS Lã Nhâm Thìn chỉ ra một số vấn đề mà theo ông “còn tồn tại” trong Dự thảo Chương trình. Một là chương trình nghiêng về khía cạnh công cụ mà có phần “coi nhẹ” tác dụng thẩm mĩ nhân văn. Năng lực thẩm mĩ chưa được nhấn mạnh chính là sẽ xa rời sức mạnh của môn Văn. Hai là Chương trình phải cho thấy được hệ thống tri thức văn học sử, tri thức văn học sử rất quan trọng. Nếu khó, có thể xử lí bằng chuyên đề. Ba là một số vấn đề về khoa học cơ bản chưa chính xác (hoặc diễn đạt chưa rõ) dẫn đến yêu cầu cần đạt chưa chuẩn (ví dụ: phần về truyện thơ nên tìm yếu tố thơ trong tự sự chứ không tìm yếu tố tự sự trong thơ). Bốn là phần đề xuất ngữ liệu (gợi ý) “dàn đều mặt trận” là không đúng tinh thần SGK. Từ đó, GS đề xuất nên nhìn nhận lại gợi ý ngữ liệu theo nguyên tắc “quý hồ tinh bất quý hồ đa”.

PGS.TS. Lê Nguyên Cẩn cho rằng, nên bổ sung vấn đề Năng lực dạy của người có khả năng kiến tạo nên chuỗi kiến thức cho học sinh (Năng lực người dạy) bên cạnh vấn đề Năng lực của học sinh. Bên cạnh đó, Dự thảo chương trình với trục đọc - nghe - nói - viết (nhìn tổng quát) cho thấy năng lực ngữ nhiều hơn văn.

GS. Lê A thấy rằng nội dung tiếng Việt ở dự thảo chương trình SGK mới sắp xếp chưa rõ ràng, chưa rõ mức độ cần đạt. Bên cạnh đó, GS đề xuất tách riêng các yêu cầu cần đạt về kĩ năng và kiến thức.

TS. Trần Hạnh Mai cho rằng nội dung cũng như ngữ liệu của dự thảo chưa thực sự mới, chương trình chỉ chốt ở một số kiểu loại và đề xuất nên bù đắp thêm nữa sắc thái thẩm mĩ cho chương trình. Tính cập nhật của ngữ liệu chưa cao: người học trẻ, hiện đại, cần định hướng ngữ liệu mang tính đương đại nhiều hơn.


 

PGS.TS Trần Mạnh Tiến đưa ý kiến cho rằng Việt nam là quốc gia đa tộc người, văn học của nhiều tộc người rất sâu sắc. Tuy thế, trong Dự thảo chương trình, mảng văn học dân tộc thiểu số chưa được chú ý thỏa đáng.


 

PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương cho rằng Chương trình đã kế thừa nền tảng quá khứ và tiếp thu xu hướng thế giới. Tuy nhiên, PGS cũng đặt câu hỏi liệu có cách sắp xếp khác cho các yêu cầu không? (Như sắp xếp trục diễn tiến quá trình tiếp nhận văn bản của HS; sắp xếp đồng tâm...). Đặc biệt PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương cho rằng vấn đề bồi dưỡng GV ngữ văn khi SGK mới ra đời là vấn đề vô cùng trọng yếu và nhiều thách thức. Chúng ta phải có tầm nhìn và thực hiện theo từng chặng.

PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Liên đề nghị chú ý đến dung lượng và vị trí của các tác phẩm văn học nước ngoài trong SGK mới để hướng đến giáo dục toàn diện cho học sinh.


 

PGS.TS. Đỗ Hải Phong cho rằng, chức năng Chương trình Ngữ văn là định chuẩn cho các bộ SGK. Chương trình đã xây dựng chuẩn năng lực, tuy nhiên cần rõ chuẩn phổ biến đến từng tiểu loại. Đề xuất này được các chuyên gia đặc biệt quan tâm.

PGS.TS. Hà Văn Minh cho rằng linh hồn của các bộ SGK là hệ thống ngữ liệu, do đó hệ thống ngữ liệu cần được chuẩn hóa. Vậy chuẩn ngữ liệu được xác định như thế nào? Nếu không xây dựng chuẩn ngữ liệu, có thể dự đoán một thực tế “bề bộn” giữa các bộ sách. Đặc biệt phải chú ý hệ thống tác phẩm dịch, chất lượng các bản dịch không như nhau, có khi giữa các bản dịch mâu thuẫn với nhau; các tác phẩm trung đại có nhiều dị bản, nhiều bản phiên chú khác nhau… nên nếu không có chuẩn ngữ liệu chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng lộn xộn. SGK sẽ còn qua khâu thẩm định, nhưng chúng ta lấy cơ sở nào để thẩm định cho chắc chắn?

Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến – quan điểm khác nhau về các tác phẩm bắt buộc: có nên quy định không? Nếu quy định thì có nên mở rộng không? Mở rộng ở phạm vi nào (Chọn tác giả? Chọn thể loại? Chọn nội dung?...).

          Ghi chép và tiếp thu tất cả ý kiến của các giảng viên, các nhà khoa học sư phạm Ngữ văn, các chuyên gia khách mời đã giải đáp một số vấn đề nổi trội. Các tác giả soạn thảo Chương trình [PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, PGS.TS. Nguyễn Thành Thi, GS.TS. Lê Huy Bắc] đều lần lượt có các ý kiến trao đổi lại.

Thứ nhất, ngữ liệu của chương trình là ngữ liệu mở, trong đó ngữ liệu bắt buộc là tối thiểu (6 tác phẩm), ngữ liệu đề xuất chỉ là gợi ý. Tuỳ tác giả các bộ sách lựa chọn.

Thứ hai, về vấn đề chương trình nghiêng về Ngữ nhiều hơn Văn, các chuyên gia cho biết bốn trục chính đọc - nói - nghe - viết tạo cảm giác chương trình nghiêng về Ngữ nhưng thực tế không phải vậy, đọc kĩ các triển khai cụ thể sẽ thấy sự hợp lí.

Thứ ba, chuẩn cần đạt (chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra) chương trình đã có, chuẩn nội dung sẽ cần chú ý xây dựng thêm để cụ thể hóa.

Thứ tư, các chuyên gia khẳng định, cần đổi mới chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn. Đây chính là nhiệm vụ trực tiếp của khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội và các trường ĐH Sư phạm khác trên toàn quốc. Những vấn đề còn lại, các chuyên gia khẳng định tiếp thu và tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện Chương trình.

          Buổi tọa đàm “Chương trình - Sách giáo khoa mới và việc đào tạo - bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn trong nhà trường sư phạm” đã diễn ra sôi nổi, trí tuệ và văn minh. Hy vọng, các đội ngũ tác giả của khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội tham gia vào các bộ SGK mới sẽ hoạt động tích cực, hiệu quả trong giai đoạn tới vì sự nghiệp đổi mới nền giáo dục nước nhà.

Tọa đàm kết thúc vào 12h15 cùng ngày.


 

(TS. Trần Thị Thu Hương lược ghi)

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020