Tin tức - Sự kiện

Vĩnh biệt GS. NGƯT Đặng Thanh Lê


19-10-2020

Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Ngữ văn trường ĐHSP Hà Nội và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được gia đình và cơ quan hết lòng chăm sóc cứu chữa nhưng vì tuổi cao sức yếu, GS. NGƯT Đặng Thanh Lê đã từ trần hồi 11h12 phút ngày 28 /4/2016, nhằm ngày 22 tháng Ba năm Bính Thân, hưởng thọ 86 tuổi.

Chân dung GS.NGƯT Đặng Thanh Lê

 

Giáo sư Đặng Thanh Lê, con gái thứ ba của cố giáo sư Đặng Thai Mai, sinh ngày 08 tháng 04 năm 1932 tại Thanh Xuân - Thanh Chương - Nghệ An. Cô gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1948, đến nay đã được 68 năm tuổi Đảng. Năm 1953, tốt nghiệp Trường sư phạm cao cấp liên khu IV, cô từng là giáo viên trung học ở Bắc Ninh. Từ năm 1959 cô trở thành giảng viên, rồi chủ nhiệm Bộ môn văn học dân gian và trung đại Việt Nam thuộc Khoa Ngữ văn Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Cô được phong hàm giáo sư năm 1991. Từ năm 1997, cô làm giám đốc Trung tâm Việt Nam học – Trường ĐHSP Hà Nội.

GS, NGƯT Đặng Thanh Lê được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương lao động hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục. 

Viết về người bạn - Giáo sư Đặng Thanh Lê, cố Giáo sư Nhà giáo nhân dân Phan Trọng Luận khẳng định: Giáo sư Đặng Thanh Lê đã xứng đáng với truyền thống gia đình, với lòng quý mến của đồng nghiệp, của ngành, của xã hội và đáng vinh danh là một Phụ nữ trí thức tiêu biểu.

Cố Giáo sư Nhà giáo nhân dân Phan Trọng Luận cũng khằng định: "Đặng Thanh Lê là giảng viên nữ lâu năm của trường, của khoa đã sớm xây dựng được một vị thế đáng nể trọng về nhân cách và chuyên môn. Nhiều bạn sau này hay nói vui một cách kính trọng là “quốc mẫu”. Lãnh đạo Khoa và Trường hay tham khảo ý kiến của chị. Vì chị luôn quan tâm đến phong trào chung, là người có thâm niên cao, đáng tin cậy. Chị luôn có chính kiến riêng, vừa khách quan vô tư, không tư lợi. Chị từng là Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội.

 

Trong quan hệ xã hội, nhất là trong khoa học, điểm nổi bật đáng kính trọng là Đặng Thanh Lê không cơ hộị, không hữu khuynh. Chị là người luôn nhạy cảm và sắc bén trong việc nhìn nhận những biểu hiện quá đà trong nghiên cúu phê bình văn học. Về một số hiện tượng văn học sau Đổi mới, tuy không phải là chuyên gia văn học hiện đại nhưng chị luôn theo dõi và bày tỏ chính kiến của mình. Gần đây trong việc đánh giá triều Nguyễn… chị luôn có cách nhìn lịch sử khách quan và bày tỏ quan điểm của mình từ những tư liệu khoa học cụ thể.

Là chuyên gia về Lịch sử văn học trung đại và Truyện Kiều, chị đã có những công trình gây được sự chú ý của giới nghiên cứu. Về cuốn Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm in năm 1973, GS Nguyễn Khánh Toàn, GS Đinh Gia Khánh, nhà nghiên cúu phê bình Trương Chính đã có những đánh giá cao công trình đầu tay của Đặng Thanh Lê... Với phong cách làm việc cẩn trọng, khoa học, tác giả đã đề xuất được những kiến giải mới mẻ về thể loại truyện, một lĩnh vực bấy giờ hầu như chưa được mấy chú ý. Tiếp sau công trình nghiên cứu trên, Đặng Thanh Lê đã cho ra cuốn Giảng văn Truyện Kiều. Công trình này bộc lộ khá nổi bật tư duy lí luận và khả năng cảm xúc thẫm mĩ của người viết. Những trang bình giảng về Truyện Kiềuvừa có độ sâu của những nhận định khái quát mới mẻ, vừa có được cái tinh tế trong cảm thụ văn chương. Đã có nhiều người luận bình về đoạn Tái hồi Kim - Kiềunhưng Đặng Thanh Lê có những suy cảm riêng… “Nếu như “Tiệc đoàn viên” đã hé mở khả năng tìm về hạnh phúc của Thúy Kiều thì với “Đêm tái hợp” cặp tài tử giai nhân tượng trưng cho tình yêu say đắm đó chỉ còn tìm kiếm được mối quan hệ bè bạn… Tình bè bạn đem đến ánh sáng của trí tuệ, sự đồng cảm của tâm hồn nhưng tình bè bạn không thể có ngọn lửa bừng cháy trái tim như trong tình yêu. Đúng như Kiều đã nói “Sự đời đã tắt lửa lòng…”. Vĩnh viễn hai người không thể tìm lại được cung đàn sôi nổi thiết tha trong đêm thề nguyền và tình tự của 15 năm trước…”

Non sáu mươi năm làm công tác giáo dục, trải qua nhiều cuơng vị khác nhau: Giáo sư chuyên gia về Truyện Kiều, Chủ nhiệm bộ môn Văn học trung đại, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phụ nữ, Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố,... Đặng Thanh Lê đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, tạo được một uy tín về nhân cách và về khoa học.

Nhưng có lẽ công việc điều hành Trung tâm nghiên cứu đào tạo và tư vấn Việt Nam học cho người nước ngoài trong 20 năm lại đây mới bộc lộ một cách đầy đủ năng lực toàn diện của chị về tầm nhìn văn hoá, về độ nhạy cảm chính trị, về khả năng tập hợp đội ngũ trí thức và khả năng điều hành một trung tâm văn hoá có quan hệ rộng rãi trong và ngoài nước. Cách đây hơn 20 năm, khi đất nước bắt đầu hội nhập, Đặng Thanh Lê đã đề xuất với trường việc thành lập trung tâm và đưa trung tâm vào hoạt động ngày càng có kết quả về nhiều mặt văn hoá, giáo dục, hữu nghị. Khoa Văn Sư phạm cũng như trường Đại học Sư phạm Hà Nội do quy chế và cơ cấu tổ chức vốn có hạn chế về khả năng và điều kiện giao lưu quốc tế so với các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Quốc gia và nhiều trường đại học khác. Cùng với một số trung tâm khác, Trung tâm Việt Nam học đã góp phần phát triển mối quan hệ đối ngoại với hiệu quả tốt đẹp. Trung tâm đã thu hút được học viên nhiều nước như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Đức, Italia, Mêxicô, Thái Lan… Trung tâm là một trong những đơn vị tạo nguồn và liên kết đào tạo Tiến sĩ cho nước ngoài (Hàn quốc và Trung Quốc), đã cấp chứng chỉ đào tạo tiếng Việt cho nhiều khóa học viên nước ngoài. Khoảng 15 anh chị em trong Khoa Văn đã được giới thiệu với Trường và Khoa đi giảng dạy tiếng Việt tại hai trường Đại học ở Hàn Quốc. Họ đã được giao lưu với giới khoa học nước ngoài và đã khẳng định được trình độ của đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội… Một phụ nữ sức khoẻ không tốt lắm, bận việc gia đình, vừa phải cáng đáng công việc chuyên môn và khoa học vừa tham gia công tác xã hội… thế nhưng đã điều hành được một trung tâm văn hóa - giáo dục có hiệu quả nhiều mặt như vậy trong suốt 20 năm qua, quả thật là một kì tích, riêng tôi rất nể trọng.

Tôi không làm công việc giới thiệu kĩ càng về khoa học về các công tác của Đặng Thanh Lê, chỉ xin ghi lại một vài cảm nhận chưa đầy đủ về người bạn thân thiết của tôi hơn 60 năm nay. Đặng Thanh Lê đã xứng đáng với truyền thống gia đình, với lòng quý mến của đồng nghiệp, của ngành, của xã hội và đáng vinh danh là một Phụ nữ trí thức tiêu biểu."    

Linh cữu GS, NGƯT Đặng Thanh Lê hiện quàn tại Nhà tang lễ Bệnh viện trung ương quân đội.

Lễ viếng tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông – Hà Nội bắt đầu từ 7h00 ngày Thứ năm, 5-5-2016 (29 tháng 3 Bính Thân).

Lễ truy điệu và đưa tang từ 8h30 cùng ngày.

An táng cùng ngày tại nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên, Phù Ninh, Phú Thọ. 

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020