Tin vắn

TÌM HIỂU VỀ MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT CHUYỂN THỂ TỪ VĂN HỌC (CHUYÊN ĐỀ LỚP 12 - CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 2018)


14-07-2024

Lê Hải Anh, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam.

Ngày nhận bài 17/4/2024; Ngày nhận bài đã chỉnh sửa 09/5/2024; Ngày duyệt đăng 25/5/2024.

TÓM TẮT: Bài viết tìm hiểu về mối liên hệ mật thiết giữa văn học với các loại hình nghệ thuật khác, chỉ ra văn học là nguồn tài nguyên, có thể gợi cảm hứng sáng tác, phóng tác… cho các loại hình nghệ thuật khác. Đồng thời, qua thực tiễn dạy học Ngữ văn với những bất cập ở đội ngũ giáo viên khi chưa theo kịp định hướng đổi mới của chương trình, bài viết nghiên cứu, đề xuất phương pháp dạy chuyên đề lớp 12, Chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông 2018: “Tìm hiểu một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ tác phẩm văn học” theo định hướng phát triển năng lực thẩm mĩ, năng lực nghệ thuật cho học sinh thông qua việc nghiên cứu về chuyển thể tác phẩm văn học sang loại hình nghệ thuật khác như hội họa và điện ảnh. Minh họa bằng hai tác phẩm: Bức tranh “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa” và bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”.

TỪ KHÓA: Chuyên đề, chuyển thể, tác phẩm nghệ thuật, hội họa, âm nhạc, điện ảnh.

1. Đặt vấn đề

Chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông năm 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực của người học, trong đó có năng lực thẩm mĩ. Tiếp cận với một tác phẩm nghệ thuật, rung động trước tác phẩm đó, học sinh dần có khả năng nhận ra, thưởng thức, hiểu biết về vẻ đẹp của một áng văn chương. Từ sự rung cảm trước tác phẩm, học sinh tìm thấy hứng thú sáng tác, có thể phát hiện ra năng khiếu sáng tạo nghệ thuật tiềm ẩn. Xúc động thẩm mĩ bao giờ cũng có khả năng khơi gợi sự đồng cảm kích thích tố chất nghệ sĩ trong mỗi con người. Văn học là một bộ môn nghệ thuật. Văn học tác động đến người đọc bằng con đường cảm xúc, bằng trí tưởng tượng, liên tưởng, bằng những suy ngẫm được khơi lên từ hình tượng nghệ thuật, từ vẻ đẹp ngôn từ. Vì vậy, giá trị của văn học đối với học sinh trước hết phải là giá trị nghệ thuật. Năng lực quan trọng nhất mà văn học tạo lập cho học sinh là năng lực thẩm mĩ. Đó chính là loại năng lực đặc biệt mà các bộ môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội khác không thể tạo ra.

Với tư cách là một nghệ thuật, văn học tồn tại trong mối quan hệ mật thiết với các loại hình nghệ thuật khác. Bởi vậy, bao giờ người nghiên cứu cũng tìm sự gần gũi hoặc khác biệt, sự tác động qua lại của các loại hình nghệ thuật khác đến văn học. Quá trình tương tác đặc biệt đó khiến cho văn học không tồn tại một cách độc lập tuyệt đối. Nó gắn kết và gợi cho người đọc những liên hệ xa xôi, thú vị và độc đáo hơn đến những nghệ thuật khác. Từ đó, người đọc có thêm những kinh nghiệm thẩm mĩ mới, những trải nghiệm nghệ thuật hấp dẫn. Năng lực thẩm mĩ của người tiếp nhận vì thế cũng đầy đặn hơn, hành vi tiếp nhận nghệ thuật trở nên chuyên nghiệp hơn.

Trong trường phổ thông, vấn đề trên đã được gợi ra từ lâu khi giảng dạy môn Ngữ văn. Nhưng mục tiêu, yêu cầu, mức độ cần đạt nay mới được quy định chặt chẽ trong Chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông 2018. Khung chương trình quy định mỗi lớp học 35 tiết chuyên đề/1 năm học. Đây là một hướng tiếp cận năng lực hiệu quả, gắn với định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông. Các chuyên đề được xác định về đề tài, nội dung cần đạt, yêu cầu cần đạt. Giáo viên phải tự đầu tư xây dựng chuyên đề giảng dạy. Hoạt động này đòi hỏi ngoài kiến thức chuyên môn Ngữ văn, giáo viên cần có hiểu biết về các lĩnh vực khác. Trong danh mục do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, chúng tôi chọn một chuyên đề có liên quan sâu đến năng lực thẩm mĩ, năng lực nghệ thuật của giáo viên và học sinh: “Tìm hiểu về tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ tác phẩm văn học” (Chuyên đề 2 - lớp 12) để nghiên cứu và đề xuất một hướng dạy học.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Cơ sở lí luận và thực tiễn

2.1.1. Văn học - nguồn tài nguyên cho các loại hình nghệ thuật khác

Văn học và các loại hình nghệ thuật khác phân biệt trước hết ở chất liệu xây dựng hình tượng nghệ thuật. Nếu văn học sử dụng chất liệu ngôn từ thì chất liệu của hội họa là màu sắc, đường nét; của điêu khắc là hình khối; của âm nhạc là âm thanh, giai điệu; của điện ảnh là hình ảnh và hiệu ứng thị giác… Mục đích chung của nghệ thuật là: Tất cả các loại hình nghệ thuật đều là sự nắm bắt cuộc sống, con người trên phương diện thẩm mĩ, bằng phương tiện thẩm mĩ. Nghệ thuật là sự rung động thẩm mĩ hoàn toàn vô tư, vô vụ lợi của người nghệ sĩ. “Nghệ thuật giúp cho con người có năng lực tự cảm thấy mình trong sự hài hòa của thế giới và cảm nhận được ý nghĩa của thế giới trong sự phát triển nhân cách toàn vẹn của mình”. Do tính đa dạng của các quá trình và các hiện tượng trong thực tại, do sự khác biệt của các phương thức, phương tiện cũng như nhiệm vụ phản ánh thẩm mĩ và cải tạo hiện thực, do nhu cầu nhiều mặt của con người, đã hình thành các loại hình nghệ thuật khác nhau” [4; tr.199-200] Âm nhạc, hội họa, điện ảnh, điêu khắc, nhiếp ảnh… và văn học chỉ là những mặt khác nhau của một khối thống nhất, là những cách khác nhau (của một con người) tiếp nhận và phản ứng với cuộc sống tự nhiên. Do đó, chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ví dụ: Trong một tác phẩm nhạc cổ điển có “màu sắc”, có “câu chuyện”, trong một bức tranh có “nhịp điệu” và có “câu chuyện”, trong một tiểu thuyết hay một bài thơ cũng có “giai điệu”, có “màu sắc” và đương nhiên có một “cốt truyện”…

Vì sao văn học có thể chuyển thể thành các tác phẩm nghệ thuật khác? Vì hình tượng văn học được xây dựng bằng chất liệu ngôn từ nên nó là hình tượng gián tiếp. Hình tượng văn học có khả năng mở rộng biên độ xa nhất, sâu nhất so với các hình tượng nghệ thuật khác. Trí tưởng tượng càng bay bổng, sự trải nghiệm càng sâu sắc, khả năng liên hệ càng rộng mở thì ý nghĩa của tác phẩm văn học trong người đọc càng phong phú, nhiều chiều kích. Chính chất liệu ngôn từ cho phép văn học tạo ra những không gian và thời gian nghệ thuật rất rộng hoặc rất sâu, không gian và thời gian tâm lí trong văn học cũng được diễn tả vô cùng tỉ mỉ, tinh tế, chạm đến tầng vô thức, tiềm thức con người; trước khi có điện ảnh, văn học là loại hình duy nhất có khả năng dựng lên một thế giới siêu thực, phi thực bằng sự tưởng tượng không giới hạn; văn học cũng có khả năng dự báo đặc biệt.

Lịch sử nghệ thuật ghi nhận nhiều tác phẩm, nhân vật đã trở thành đề tài sáng tác hội họa: Đônkihôtê - Tây Ban Nha (nhân vật trong tiểu thuyết Đônkihôtê, Nhóc Nicholas - Pháp (nhân vật trong sê-ri Nhóc Nicholas, tác giả: Sempé/Goscinny); Harry Potter - Anh (nhân vật trong bộ truyện Harry Potter, tác giả: J.K.Rowling); Thúy Kiều - Việt Nam (nhân vật trong Truyện Kiều, tác giả: Nguyễn Du)…

Nhiều tác phẩm âm nhạc được viết trên nền của tác phẩm văn học: Truyện Sleeping Beauty của Charles Perrault đã thôi thúc một trong những vở ba lê nổi tiếng nhất của Tchaikovsky: “Người đẹp ngủ trong rừng”; “Triệu đóa hồng” là bài hát phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nga Andrey Andreyevich Voznesensky; ca khúc “Đôi mắt của Elsa” do ca sĩ, nhạc sĩ người Pháp Jean Ferrat phổ thơ L.Aragon… “Đôi mắt người Sơn Tây” do Phạm Đình Chương phổ thơ Quang Dũng; “Khúc Thụy Du” do Anh Bằng phổ thơ Du Tử Lê, “Em ơi Hà Nội phố” của Phú Quang phổ thơ bài “Hà Nội phố” của Phan Vũ; “Thơ tình cuối mùa thu” do Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Xuân Quỳnh…

Các tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học có số lượng vô cùng lớn. Từ những phim kinh điển như “Cuốn theo chiều gió” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Margaret Mitchell; “Oliver Twist” của Charles Dickens; “Bá tước Monte Cristo” của Alexandre Dumas đến những siêu phẩm điện ảnh hiện đại như “Bố già” chuyển thể từ tiểu thuyết của Mario Puzo;… Ở Việt Nam, nhiều bộ phim được dựng từ những tác phẩm văn học lớn như “Chị Dậu” chuyển thể từ tác phẩm Tắt đèn của Ngô tất Tố; “Làng Vũ Đại ngày ấy” chuyển thể từ ba tác phẩm Sống mòn, Lão Hạc, Chí Phèo của nhà văn Nam Cao; “Cánh đồng bất tận” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư; “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chuyển thể từ truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh… Nhiều tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ văn học trở thành kiệt tác vì nó đã bắt được tinh thần thẩm mĩ tuyệt vời ở tác phẩm gốc, được sáng tạo lại qua sự rung cảm mãnh liệt, sự thấu hiểu sâu sắc và tài năng nghệ thuật của người nghệ sĩ. Những tác phẩm ấy tồn tại với một giá trị độc lập đồng thời tôn vinh chính tác phẩm văn học gốc.

2.1.2. Thực tiễn

Lâu nay, việc dạy học môn Ngữ văn trong trường phổ thông chỉ tập trung khai thác văn bản văn học trong thế phân lập của nó. Mặc dù lí luận văn học từ cổ điển đến hiện đại đều khẳng định mối quan hệ của văn học với các loại hình nghệ thuật khác nhưng từ chương trình, sách giáo khoa, người dạy và người học đều không chú ý đúng mức đến vấn đề này. Hầu hết chỉ nhắc đến những định đề đã quen thuộc “Thi trung hữu họa”, “Thi trung hữu nhạc”. Nhưng do hiểu biết về âm nhạc, hội họa của giáo viên và học sinh đều hạn chế nên nắm bắt vấn đề không chính xác, thậm chí thô thiển. Sự chi phối của hội họa, âm nhạc, điêu khắc, điện ảnh… đến văn học rất mạnh nhưng không dễ nhận ra. Lí thuyết liên văn bản khẳng định trong mỗi văn bản văn học đều có dấu ấn của hằng hà sa số các văn bản khác trong đó văn bản hội họa, văn bản âm nhạc. Muốn thấy được cần có một nền tảng kiến thức cơ bản về các nghệ thuật đó. Nhưng đây vẫn đang là điểm yếu của giáo dục Việt Nam. Việc dạy học môn Ngữ văn tách rời khỏi ngữ cảnh nghệ thuật, văn hóa khiến cho học sinh không nhận ra được giá trị đầy đủ của văn học. Giá trị đó không chỉ nằm ở bản thân thể loại mà còn ở tác động, ảnh hưởng của nó đến các thể loại nghệ thuật khác.

2.2. Phương pháp dạy chuyên đề “Tìm hiểu tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ tác phẩm văn học”

Chuyên đề “Tìm hiểu một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ tác phẩm văn học” có các nội dung và yêu cầu như sau:

- Nội dung cần đạt đối với tác phẩm văn học và chuyển thể tác phẩm văn học: Một số điểm khác biệt cơ bản giữa tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học; Cách chuyển thể một tác phẩm văn học thành bộ phim, tác phẩm hội họa, âm nhạc…

- Yêu cầu cần đạt: Học sinh hiểu thế nào là chuyển thể tác phẩm văn học; Biết cách tìm hiểu, giới thiệu, thuyết trình về một tác phẩm nghệ thuật được chuyển thể từ văn học; Nêu được ý tưởng và cách thức tiến hành chuyển thể một tác phẩm văn học.

Với mục tiêu và yêu cầu cần đạt trên, chúng tôi đề xuất phương pháp thực hiện chuyên đề như sau.

2.2.1. Cung cấp kiến thức công cụ

a. Thế nào là chuyển thể tác phẩm văn học

Khái niệm:

Thuật ngữ “Chuyển thể” bắt nguồn từ “Adaptation” nghĩa là “sự sửa đổi”, “sự thay thế”, “làm cho thích hợp”. Thuật ngữ “Chuyển thể” mô tả hành vi diễn giải lại, tái sáng tạo một tác phẩm văn học trở thành một tác phẩm nghệ thuật khác. Tác phẩm văn học được xem là “nguồn”. Tác phẩm nghệ thuật khác là một thực thể độc lập (tương đối) với “nguồn”, có mối quan hệ liên văn bản với “nguồn”. Mối quan hệ này công khai và cụ thể, được thừa nhận từ hai phía nhưng không phải là quan hệ phụ thuộc, nghĩa là tác phẩm nghệ thuật chuyển thể không phải là sản phẩm phụ, sản phẩm phái sinh hoặc bản sao của bản gốc bằng một hình thức khác. Tác phẩm nghệ thuật chuyển thể là sự sáng tạo lại, sự thay thế cho phù hợp với ý đồ nghệ thuật của tác giả, với đặc trưng thể loại, mục đích chuyển thể… Nó vừa giữ dấu ấn của bản gốc vừa mang đặc tính riêng.

Một số đặc điểm của tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học:

- Tác phẩm chuyển thể sử dụng chất liệu gốc (tác phẩm văn học) trong bối cảnh khác. Đôi khi, bối cảnh đó còn rộng hơn nhiều so với bối cảnh gốc. Phim Làng Vũ Đại ngày ấy mở rộng bối cảnh từ không gian thành phố (nơi giáo Thứ sống và làm việc) đến không gian nông thôn (Làng Vũ Đại). Trong hội họa và âm nhạc, bối cảnh càng khác biệt so với văn học.

- Tác phẩm chuyển thể có thể mang những ý nghĩa, thông điệp khác. Sự sáng tạo là yếu tố quyết định thành công của tác phẩm chuyển thể. Nếu tác phẩm chuyển thể trung thành với bản gốc sẽ xảy ra tình trạng so sánh. Mà so sánh để xem tác phẩm chuyển thể hay hơn hoặc dở hơn bản gốc là một mục tiêu vô nghĩa. Tác phẩm chuyển thể phải làm cho giá trị văn học tái sinh trong một đời sống khác, mang một hồn cốt khác. Vở ballet “Người đẹp ngủ trong rừng” trên nền nhạc của Tchaikovsky có những thay đổi lớn so với tác phẩm gốc. Toàn bộ vở ballet là một câu chuyện cổ tích tràn đầy niềm vui và ánh sáng. Nếu như nhân vật bà tiên xấu bụng Carabosse và lời nguyền độc địa khiến cho truyện gốc có những suy ngẫm về sự độc ác, nhỏ nhen của thần thánh và con người thì trong âm nhạc của Tchaikovsky gần như mờ nhạt. Chỉ có tình yêu của hoàng tử và công chúa là tỏa sáng, và mọi việc thật dễ dàng đối với một tình yêu như thế. Nhưng cũng từ truyện cổ “Người đẹp ngủ trong rừng”, đạo diễn Robert Stromberg và hãng phim Walt Disney Pictures đã sáng tạo nên bộ phim đình đám Maleficent. Bộ phim tái tạo lại câu chuyện nhưng theo góc nhìn của nhân vật tiên hắc ám Maleficent.

- Tác phẩm chuyển thể mang đặc trưng của một thể loại nghệ thuật khác. Khi tác phẩm văn học được diễn giải lại bằng ngôn ngữ của nghệ thuật khác, nó sẽ là một sáng tạo mới. Bởi vậy, không thể đánh giá tác phẩm chuyển thể bằng các tiêu chí của văn học. Giá trị của tác phẩm chuyển thể sẽ nằm ở khu vực thẩm mĩ riêng, không liên quan gì đến văn học. Một bức tranh sẽ được bình giá ở màu sắc, đường nét; một bức ảnh sẽ được đánh giá ở hình ảnh, ánh sáng; một bộ phim được đánh giá trên các tiêu chí: Kịch bản, sản xuất, diễn viên, âm nhạc, quay phim, thậm chí cả phát hành, quảng bá và doanh thu cũng được xem xét đến.

Từ các đặc điểm trên cho thấy muốn thực hiện được chuyên đề, giáo viên phải tìm hiểu thật kĩ và nắm bắt được đặc điểm ngôn ngữ thể loại.

2.2.2. Chọn tác phẩm chuyển thể

a. Phương án 1: Học sinh tự chọn tác phẩm chuyển thể để nghiên cứu

Ưu điểm: Phát huy tính chủ động tích cực của học sinh; Phát huy được năng lực nghệ thuật sẵn có ở học sinh; Phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của học sinh: Hứng thú của học sinh đối với nghệ thuật bao giờ cũng khác biệt rất xa với giáo viên.

Nhược điểm: Học sinh có thể không chọn được tác phẩm chất lượng.

Khuyến nghị: Chỉ sử dụng phương án 1 nếu giáo viên chắc chắn vào năng lực của học sinh.

b. Phương án 2: Giáo viên chọn và giao tác phẩm cho học sinh

Ưu điểm: Tác phẩm được lựa chọn có chất lượng nghệ thuật cao; Tiết kiệm thời gian thảo luận và lựa chọn; Giáo viên có thể kiểm soát tốt về nội dung.

Nhược điểm: Học sinh không được tự chọn tác phẩm nên không có nhiều hứng thú đối với tác phẩm chuyển thể.

Khuyến nghị: Giáo viên cần nắm bắt nhu cầu và đặc điểm tâm lí lứa tuổi thật tốt để chọn tác phẩm gần với học sinh.

2.2.3. Hướng dẫn học sinh nghiên cứu tác phẩm văn học gốc

a. Đọc hiểu văn bản gốc

Đây là khâu rất quan trọng, nếu học sinh không nắm được những vấn đề cơ bản ở tác phẩm gốc thì các em sẽ không nhận ra được giá trị của tác phẩm chuyển thể. Những nội dung cụ thể cần nắm gồm: Đề tài và chủ đề của tác phẩm gốc; Đặc điểm và ý nghĩa của hình tượng nhân vật; Những chi tiết nghệ thuật quan trọng của tác phẩm gốc; Những thông điệp mà học sinh cần nhận ra; Những vấn đề có thể gây nên nhiều cách hiểu khác nhau.

b. Thảo luận vòng 1

Học sinh sẽ trình bày và tranh luận về các nội dung đã nêu ở trên, nêu ra những vấn đề khác nếu phát hiện được. Kết thúc thảo luận, học sinh sẽ chốt lại những vấn đề cơ bản ở tác phẩm gốc để làm nền tảng tiếp nhận tác phẩm chuyển thể.

2.2.4. Nghiên cứu tác phẩm chuyển thể

a. Tiếp cận tác phẩm chuyển thể

Hoạt động này tiến hành theo nhiều hình thức: Giao việc theo nhóm hoặc tổ chức xem chung. Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu tác phẩm chuyển thể dựa trên các tiêu chí chính sau: Tác phẩm chuyển thể giống và khác tác phẩm gốc ở những điểm nào? Những điểm khác biệt có gây bất ngờ hay độc đáo không? Có tạo ấn tượng và những suy ngẫm mới mẻ cho người tiếp nhận không? Ý nghĩa của tác phẩm chuyển thể? Những thông điệp nhân văn nào được chuyển tải ở tác phẩm chuyển thể? Vẻ đẹp nghệ thuật riêng của tác phẩm chuyển thể; Cảm xúc của học sinh khi thưởng thức tác phẩm chuyển thể; Đánh giá của học sinh về tác phẩm chuyển thể.

b. Thảo luận vòng 2

Học sinh trình bày và tranh luận xung quanh những nội dung đã định hướng trước, nêu ra những phát hiện mới, chốt lại về cảm xúc và nhận thức; đúc kết kinh nghiệm tiếp nhận tác phẩm chuyển thể từ văn học; tự đánh giá; đề xuất yêu cầu.

2.2.5. Thuyết trình

Giáo viên nêu vấn đề để học sinh viết bài luận (Nên viết ở nhà) để thuyết trình (Việc này có thể thực hiện theo nhóm hoặc cá nhân). Bài thuyết trình được đánh giá và cho điểm tùy theo kế hoạch giảng dạy, quy định của bộ môn. Đề bài phải ra theo hướng mở, tuyệt đối không áp đặt quan điểm của giáo viên.

2.2.6. Đánh giá

Giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh theo quá trình, không đánh giá bằng bài kiểm tra cuối cùng. Đánh giá học sinh thông qua các lần phát biểu trong tiết học, theo nhóm hoặc cũng có thể tích lũy các lần phát biểu của học sinh, khuyến khích sự tiến bộ của mỗi học sinh để đánh giá thường xuyên…; Hoặc cho học sinh tự đánh giá hoặc đánh giá lẫn nhau trong các nhiệm vụ học tập trên lớp cũng như nhiệm vụ được giao ở nhà. Bài kiểm tra đánh giá cần phong phú, đa dạng, theo hình thức nâng cao dần, chú trọng khả năng vận dụng và xử lí vấn đề thực tiễn… qua nghiên cứu và trình bày.

2.3. Hoạt động trải nghiệm

Tổ chức cho học sinh chuyển thể một tác phẩm nghệ thuật từ tác phẩm văn học. Đây là hoạt động đòi hỏi năng khiếu nghệ thuật thực sự, vì thế không thể áp đặt máy móc cho học sinh. Tiến trình thực hiện như sau: 1) Chọn thể loại chuyển thể; 2) Chọn tác phẩm gốc; 3) Tổ chức cho học sinh trình bày tác phẩm chuyển thể, đánh giá sản phẩm trải nghiệm theo phương pháp đã được học. Hoặc: Nếu có điều kiện thì giáo viên nên cho học sinh gặp gỡ hoặc quan sát quá trình sáng tạo của các nghệ sĩ ở địa phương; đi xem kịch, xem phim, xem triển lãm tranh…; Đối với những nơi ít có điều kiện, giáo viên có thể chọn chiếu một bộ phim, tranh ảnh… qua máy chiếu hoặc xem qua máy vi tính…

2.4. Minh họa bằng một số tác phẩm chuyển thể

2.4.1. Tìm hiểu một tác phẩm hội họa: Bức tranh “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa” của họa sĩ Vũ Cao Đàm

a. Giới thiệu về họa sĩ Vũ Cao Đàm

(Nguồn: https://www.dkn.tv/nghe-thuat/vu-cao-dam - cay-dai-thu-cua-my-thuat-viet-nam-nua-dau-the-ky20.html.)

Họa sĩ Vũ Cao Đàm sinh ngày 29 tháng 02 năm 1908, tại tỉnh Nam Định, lớn lên tại Hà Nội. Ông theo học khóa 2 Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương (1926 - 1931), cùng khóa với danh họa Tô Ngọc Vân. Trong năm đầu tiên, ông học cả hội họa và điêu khắc nhưng từ năm thứ hai thì chuyển hẳn sang điêu khắc. Tốt nghiệp năm 1931 với kết quả xuất sắc, ông được nhận học bổng sang Pháp nghiên cứu và nâng cao kiến thức về tạo hình tại Bảo tàng Louvre. Từ đó, ông định cư tại Pháp rồi trở thành một họa sĩ đa tài, sáng tác cả điêu khắc và hội họa.

Ở các tác phẩm của họa sĩ Vũ Cao Đàm, chúng ta nhận thấy có một tiếng nói chung của các họa sĩ Việt Nam xưa, đó là những nét vẽ mang đậm tính dân tộc, thể hiện cái đẹp dịu dàng, thuần hậu và nét văn hóa đặc trưng của người Á Đông. Ví dụ, bức tranh lụa tiêu biểu Chân dung thiếu nữ trong vườn. Tuy sống ở Pháp nhưng phong cách nghệ thuật của ông là sự kết hợp tư tưởng văn hóa Đông - Tây với chủ đề Việt Nam. Tranh của Vũ Cao Đàm chịu ảnh hưởng của phong cách mĩ thuật miền Nam nước Pháp - vào thời cực thịnh của trường phái ấn tượng. Nhiều tác phẩm điêu khắc của ông được coi là mẫu mực của điêu khắc Việt Nam hiện đại, trong đó có hai bức tượng hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam là bức Chân dung và Thiếu nữ cài lược. Hai bức tượng này đã được nhiều thế hệ họa sĩ, kiến trúc sư vẽ lại, hoặc tạo các phiên bản thạch cao.

b. Văn bản văn học gốc

Bức tranh Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa được gợi hứng từ trích đoạn Truyện Kiều (Nguyễn Du), câu 132 đến 146. Đây là một trong những đoạn hay nhất của Truyện Kiều: Cảnh cuộc gặp mặt của Kim Trọng với hai Kiều trong ngày Thanh minh. Đó cuộc gặp gỡ định mệnh của cặp trai tài gái sắc. Không chỉ dựng lên một sự kiện, Nguyễn Du đã tạo ra một bầu không khí ngập tràn cảm xúc. Vẻ đẹp tươi tắn rạo rực sức xuân của cảnh vật bao bọc lấy cái đẹp thanh khiết, tao nhã của “Người quốc sắc, kẻ thiên tài”. Kì diệu hơn nữa, đoạn thơ lan tỏa lớp sóng tình vô hình nhưng đã nồng nàn ngây ngất của hai con tim dính tiếng sét ái tình trong buổi đầu gặp gỡ. Tất cả những gì Nguyễn Du mô tả trong đoạn thơ này đều đạt đến độ lí tưởng. Tìm hiểu đoạn thơ này, chúng ta thấy yếu tố tạo hình nổi bật qua mấy điểm chính sau:

Hình ảnh:

Không gian: Toàn bộ không gian sáng bừng lên khi chàng Kim xuất hiện. Ánh sáng tỏa ra từ màu áo Kim Trọng: “Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời”, sắc trắng của con ngựa “Tuyết in sắc ngựa câu dòn”. Vẻ đẹp của chàng Kim làm cả vùng trở nên xinh đẹp rạng rỡ.

Nhân vật: Kim Trọng được miêu tả như một nam tử lịch lãm cao quý, phong thái tao nhã tự nhiên, ngời ngời khí chất. Còn hai nàng Kiều được miêu tả với vẻ đẹp nữ tính truyền thống: “E lệ, nép vào dưới hoa”. Vẻ e ấp dịu dàng, cái luống cuống dễ thương, hành động tránh mặt rất gia giáo được thể hiện chỉ trong một câu thơ. Nhưng tất cả những e dè, giữ lễ đó không giữ nổi trái tim đôi trẻ rung lên nhịp yêu đương đầu đời “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”

Ngôn ngữ:

Không chỉ đoạn thơ này mà trong toàn bộ tác phẩm, khi khắc họa vẻ đẹp lí tưởng của các nhân vật chính diện, Nguyễn Du đã sử dụng một hệ thống ngôn từ mang tính ước lệ chuẩn mực nhằm thể hiện thái độ trân trọng, yêu mến, sự ngợi ca và tôn vinh các biểu tượng của cái đẹp theo quan niệm của tác giả. Tính chất ước lệ tượng trưng của ngôn từ triệt tiêu tính cụ thể hóa của tả thực nhưng lại mở ra khả năng tưởng tượng rất cao cho người đọc. Đó của là thế mạnh về tạo hình của ngôn ngữ ước lệ.

c. Bức tranh “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”

Đối với Vũ Cao Đàm, vẽ (phong cách) thế nào, luôn tùy thuộc vào “bản tính” người ấy, bản tính chi phối sự yêu ghét, thích thú hoặc thờ ơ… Câu 146 đó “chạm” vào và lay động ngưỡng cảm xúc của họa sĩ để tạo ra cái “background”: “Một vùng như thể cây quỳnh cành dao” với gam màu rực rỡ. Những mảng màu lớn, nét cọ mạnh bạo, màu sắc tươi sáng rất hợp với nét thanh xuân của hai nàng Kiều. Trước đó, trong hai câu thơ (97-98): “Một vùng cỏ áy bóng tà/Gió hiu hiu thổi một và bông lau” biên độ của sắc vàng trong bức tranh lan từ màu “cỏ áy” đến “Một vùng như thể cây quỳnh, cành giao”, từ úa tàn đến tươi tắn rạng rỡ, từ buồn bã đến vui sướng, từ héo hắt đến thanh tân, từ cái chết đến tình yêu. Thêm nữa, ánh vàng rực rỡ của hoàng hôn hắt lên màu áo và gương mặt của hai Kiều khiến cho động thái thì e lệ mà thần thái thì ngời sáng. Ở đây có một chi tiết: Thay vì diễn tả Kim Trong dắt hoặc ngồi trên lưng ngựa: “Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình” thì Vũ Cao Đàm lại thể hiện Kim Trọng đang ngồi thoải mái trên cỏ. Đây chỉ là cách xử lí bố cục của riêng Vũ Cao Đàm (Vì trong ngữ cảnh này, người ta có thể thể hiện nhiều bố cục khác nhau, tùy theo sự tưởng tượng và cảm xúc của mỗi người, vốn rất khác nhau)

Về hai Kiều, nét vẽ mềm mại, tinh tế đã diễn tả vẻ đẹp khuê các dịu ngọt nhưng trẻ trung thanh tân của hai nàng. Gương mặt e lệ dịu dàng, thân hình thiếu nữ mảnh mai khép nép nhưng ánh nhìn lại hướng về chàng công tử nho nhã đang thảnh thơi ngồi trên cỏ. Ở bức tranh “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”, sự kì diệu của ngôn ngữ văn học được tái hiện tài tình bằng ngôn ngữ hội họa. Cùng một đối tượng, nếu như Nguyễn Du đặt người đọc vào sự tưởng tượng thì Vũ Cao Đàm cho hình tượng hiện diên sống động trên tranh.

2.4.2. Tìm hiểu một tác phẩm điện ảnh: Bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy

Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%A0ng_ V%C5%A9_%C4%90%E1%BA%A1i_ng%C3%A0y_ %E1%BA%A5y (1) https://news.zing.vn/lang-vu-dai-ngay-ay-bo-phimkinh-dien-giup-bui-cuong-noi-tieng-post865796.html (2)

a. Đạo diễn và diễn viên chính

Đạo diễn Phạm Văn Khoa; các diễn viên chính: Hữu Mười – giáo Thứ; Bùi Cường – Chí Phèo; Đức Lưu – Thị Nở; Kim Lân - Lão Hạc.

b. Kịch bản: Nhà văn Đoàn Lê.

c. Tìm hiểu bộ phim

Bộ phim được dựng từ tiểu thuyết Sống mòn và hai truyện ngắn Chí Phèo, Lão Hạc của nhà văn Nam Cao bằng ngôn ngữ điện ảnh nhuần nhị. Sau khi ngôi trường tư thục của giáo Thứ bị đóng cửa, anh phải đưa vợ con về quê (làng Vũ Đại) sống. Ở đây, anh đã chứng kiến những bi kịch khốn cùng của những phận người nông dân sống trong xã hội tăm tối nghẹt thở trước 1945. Đó là bi kịch của Lão Hạc và Chí Phèo, những con người tuyệt vọng vì bị ức hiếp và bị đẩy vào con đường lưu manh hóa, bị tước đoạt quyền sống như một con người. Cả hai đều kết thúc cuộc đời trong cái chết dữ dội, thảm khốc đầy ám ảnh.

Điểm giống với tác phẩm gốc: 1) Phim tôn trọng triệt để tính chủ đề của các tác phẩm gốc; 2) Bộ phim xây dựng được các nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình đúng tinh thần các tác phẩm gốc; 3) Phim tập trung khắc họa những bi kịch đau đớn mà con người ở cả hai tầng lớp nông dân và trí thức tiểu tư sản phải chịu đựng. Sự tha hóa, định kiến, sự mất mát tính người là bi kịch ở chiều sâu, có tính phổ quát chứ không chỉ dừng tính thời sự; 4) Phim đảm bảo thông điệp nhân văn của các tác phẩm gốc: niềm tin vào chất người, tính người, tình yêu và sự nhân hậu của con người Việt Nam.

Điểm khác với tác phẩm gốc: 1) Kết nối và dựng nên một cốt truyện hoàn toàn độc lập với người kể chuyện. Qua điểm nhìn của giáo Thứ, thân phận con người và diện mạo xã hội được nhìn nhận ở bản chất, sâu sắc và bao quát hơn; 2) Bối cảnh mở rộng: Từ không gian thành thị đến không gian nông thôn; 3) Các nhân vật vật chính trong ba tác phẩm văn học xuất hiện trong một tác phẩm điện ảnh độc lập: Giáo Thứ (Sống mòn), lão Hạc (Lão Hạc), Chí Phèo (Chí Phèo). Các nhân vật trở thành người cùng làng, chứng kiến và tham dự vào sinh hoạt cũng như bi kịch của mỗi cá nhân; 4) Mở rộng về nội dung: Cảnh “sống mòn” của con người diễn ra ở mọi cấp độ, mọi phạm vi, con người không có lối thoát dù chuyển đổi không gian sống; 5) Phim chuyển hóa được chất trào lộng và trữ tình bằng ngôn ngữ điện ảnh nhuần nhuyễn.

Đánh giá chung: Phim Làng Vũ Đại ngày ấy dựa trên các tác phẩm văn học gốc, các nhà làm phim đã sáng tạo nên một sản phẩm hoàn toàn mới, với những giá trị mới. Bộ phim đã ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử điện ảnh Việt Nam thế kỉ XX.

3. Kết luận

Việc đưa các chuyên đề vào dạy học ở cấp Trung học phổ thông là một thay đổi quan trọng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Mục tiêu hướng tới là nâng cao các năng lực ngôn ngữ và văn học cho học sinh, đặc biệt là những học sinh có định hướng khoa học xã hội và nhân văn. Thực hiện tốt các chuyên đề sẽ giúp củng cố kiến thức văn học ngôn ngữ, tăng cường kĩ năng vận dụng vào thực tiễn cho học sinh, bước đầu định hướng nghề nghiệp sát với nhu cầu và năng lực của học sinh. Bài viết này đề xuất một hướng giải quyết chuyên đề ở mức độ phù hợp với khả năng xử lí dữ liệu và tiếp cận phương pháp của giáo viên, học sinh hiện nay. Trên cơ sở các phương pháp được đưa ra, giáo viên đầu tư nâng cao chất lượng giờ dạy theo điều kiện riêng nhưng càng sáng tạo càng có giá trị. Chuyên đề “Tìm hiểu một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ tác phẩm văn học” là một chuyên đề hay, có khả năng ứng dụng cao nhưng độ khó cũng cao. Để dạy được chuyên đề, giáo viên ngoài việc nắm chắc kiến thức văn học phải có hiểu biết nhất định về các loại hình nghệ thuật khác.

Tài liệu tham khảo

[1] Mai Quỳnh Nga, (2017), Chuyển thể hay cải biên, http:// vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/Chuyen-the-haycai-bien-465811/, Văn nghệ Công an Online.

[2] Trần Đình Khiêm, (2024), Tiếp nhận Kiều dưới góc nhìn “Thi trung hữu họa”. https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacp ham&action=detail&id=19244

[3] Bùi Trần Quỳnh Ngọc, (5/2017), Chuyển thể và liên văn bản (trường hợp tác phẩm Long thành cầm giả ca), Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

[4] Lê Bá Hãn - Trần Đình Sử- Nguyễn Khắc Phi, (2010), Từ điển Thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục Việt Nam.

[5] Nguyễn Thanh Đạt, (20/1/2024), Từ tác phẩm văn học đến tác phẩm điện ảnh, Tạp chí Điện tử Lí luận, Phê bình văn học, Nghệ thuật, https://lyluanphebinh.vn/tin-tuc/nghien-cuu-trao-doi/ 2516/tu-tac-pham-van-hoc-den-tac-pham-dien-anh.

Post by: Khoa Ngữ văn
14-07-2024