Tin nóng

NHỮNG ĐẶC TRƯNG CỦA VĂN BẢN VĂN HỌC DÂN GIAN


08-11-2024

PGS.TS TRẦN ĐỨC NGÔN

 

Trong tạp chí “Văn hóa dân gian” số 3/1990, chúng tôi đã cho công bố bài viết: Một số vấn đề lý luận chung quanh việc nghiên cứu văn bản văn học dân gian. Trong bài viết ấy, chúng tôi đã sơ bộ nêu đặc tính cơ bản nhất của văn học dân gian. Đó là sự kết hợp giữa yếu tố cố định yếu tố biến đổi trong quá trình hình thành văn bản. Để tiếp tục công trình nghiên cứu của mình, chúng tôi xin nêu một số đặc trưng khác phát sinh trên cơ sở đặc trưng cơ bản trên.

Nguyên nhân xuất hiện của các yếu tố cố định và yếu tố biến đổi trong văn bản văn học dân gian chính là phương thức truyền miệng, một thuộc tính chung của văn học dân gian. Như vậy, về mặt lý thuyết, cần phân biệt thuộc tính chung của văn bản văn học dân gian với đặc tính riêng của văn bản văn học dân gian.

Trước hết, không nên đồng nhất khái niệm văn học dân gian và văn bản văn học dân gian. Văn học dân gian là một hiện tượng ngôn từ “sống”, tồn tại trong mối tương quan với các thành tố khác của văn hóa dân gian như âm nhạc, vũ đạo, nghi lễ, phong tục…., còn văn bản văn học dân gian chỉ là hình thức cố định hóa, thể hiện phần cốt lõi nhất của văn học dân gian. Văn bản văn học dân gian là phần cốt lõi nhất còn lại sau khi một số nội dung, ý nghĩa của văn học dân gian mất đi do mối quan hệ với các thành tố khác của văn hóa dân gian tạm thời bị gián đoạn. Không phải lúc nào yếu tố ngôn từ cũng nằm trong chỉnh thể văn hóa dân gian. Chẳng hạn, ca dao, khi diễn xướng, lời và nhạc quyện lẫn vào nhau, tạo nên hiệu quả nghệ thuật tổng hợp mà mỗi thành tố, nếu đứng riêng, không thể có được. Tuy vậy, không phải lúc nào ca dao cũng được diễn xướng. Sau những cuộc hát, trai gái thanh lịch trở về với đời sống thường nhật, có khi chìm trong yên lặng. Những bài ca dao vẫn được ấp ủ, nung náu chờ “đến hẹn lại lên”. Sự ấp ủ chủ yếu dưới hình thức ngôn từ, trong trí nhớ. Đó là một dạng văn bản “phi vật thể”. Khi được trở lại với “vườn xanh”, ca dao lại “tung cánh” trong những giai điệu trầm bổng của âm nhạc. Như vậy, đối với văn học dân gian, sự gián đoạn, sự gián đoạn trong mối quan hệ với các thành tố khác của văn hóa dân gian trước đây chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, ngày nay, đa số trường hợp, sự gián đoạn này không còn là tạm thời nữa mà dường như đã trở thành vĩnh viễn khi văn học dân gian bi mất đi đời sống tự nhiên vốn có của mình. Văn học dân gian cổ truyền (đa số trường hợp – TĐN nhấn mạnh) chỉ để lại phần cốt lõi dưới hình thức văn bản sưu tầm, một hình thức ngôn từ cố định. Vì thế văn bản văn học dân gian là một bộ phận (quan trọng) của văn học dân gian. Truyền miệng là thuộc tính chung của văn học dân gian, chi phối và tạo ra những đặc tính (ở cấp độ thứ hai) của văn bản văn học dân gian. Vai trò của truyền miệng là cực kỳ quan trọng. Nếu hiểu truyền miệng một cách đơn giản (từ cửa miệng người này sang cửa miệng người khác do  thiếu chữ viết) thì không thấy hết được những đặc trưng của văn bản văn học dân gian.

Trong bài viết nêu ở trên (năm 1990), chúng tôi đã đưa ra các tiêu chuẩn ngôn ngữ học về văn bản. Rõ ràng văn bản văn học dân gian không đáp ứng được các tiêu chuẩn này và cần được hiểu hoàn toàn khác trên cơ sở những đặc điểm riêng biệt của nó.

Yếu tố cố định được hình thành do nhu cầu truyền miệng. Tư duy nghiệ thuật truyền miệng khác hẳn so với tư duy nghệ thuật trong sáng tác văn học viết. Đó là một kiểu tư duy theo lối mòn. Nó có vẻ đơn giản hơn so với tư duy của nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp nhưng hoàn toàn thích hợp với khả năng ghi nhận bằng trí nhớ và quy trình sáng tác ngẫu hứng. Bản chất của kiểu tư duy này là dựa trên những vật liệu có sẵn để nâng cao, bổ sung, qua đó thể hiện một tư tưởng, tình cảm mới, phản ánh một hiện thực mới. Các yếu tố trong văn bản do đó có xu hướng được lưu giữ từ tác phẩm này sang tác phẩm khác. Tính định thức là một trong những đặc điểm nổi bật của văn bản văn học dân gian, chúng ta thấy tính định thức thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau: Ngôn từ, hình tượng nhân vật và cấu trúc.

Những định thức ngôn từ dễ nhận ra trong văn bản văn vần nói chung và thơ ca nói riêng: Các biểu tượng thơ ca, các thành ngữ thơ ca, các câu mở đầu… được lặp đi lặp lại trên cơ sở nguyên nghĩa hoăc bao hàm nghĩa phát sinh. Định thức ngôn từ cũng xuất hiện ở các văn bản văn xuôi nhưng ít hơn.

Hình tượng nhân vật trong văn bản văn học dân gian được phân loại và mỗi loại (kiểu) mang những thuộc tính giống nhau, thường là giống nhau về chức năng và một vài đặc điểm tâm lí khái quát. Những hình tượng đa dạng về tính cách cũng xuất hiện rất hiếm và chỉ trong các văn bản gần gũi với thời đại của chúng ta.

Cấu trúc văn bản theo định thức là hiện tượng phổ biến hơn cả. Tuy vậy, các kiểu cấu trúc được nhìn nhận từ cấp độ thể loại hơn là cấp độ tác phẩm. Một thể loại có thể tuân theo một kiểu cấu trúc, song cũng có thể loại tuân theo nhiều kiểu cấu trúc khác nhau tạo thành nhóm cấu trúc. Cũng có trường hợp tồn tại đồng thời một kiểu cấu trúc chung, dưới nó là nhiều kiểu cấu trúc bộ phận. Ví dụ, cấu trúc theo lối đối đáp trong ca dao trữ tình là phổ biến, song những lời đối đáp lại tuân theo những hình thức cấu trúc riêng.

Tính định thức tạo ra tính dị bản trong hệ thống văn bản văn học dân gian. Trong bài viết năm 1990, chúng tôi đã nói qua về điểm này. Rõ ràng, một tác phẩm văn học dân gian không bao giờ tồn tại bằng một văn bản duy nhất. Mỗi văn bản chỉ có thể ghi nhận tác phẩm khi được trình diễn ở một thời điểm cụ thể. Song quá trình trình diễn đồng thời thời cũng là quá trình sáng tác. Vì vậy, sự sai lệch giữa các văn bản khác nhau là điều thường thấy. Sự sai lệch này tạo ra hệ thống dị bản của tác phẩm. Trong hệ thống dị bản, các định thức được bảo tồn tối đa, khiến cho các văn bản tuy có chỗ khác nhau, nhưng tựu chung vẫn là của cùng một tác phẩm.

Nguyên nhân tạo ra dị bản, trước tiên là nhờ yếu tố cố định. Không có nhiều chỗ giống nhau giữa hai văn bản thì chúng không thể là dị bản của nhau. Yếu tố biến đổi là nguyên nhân thứ hai làm cho văn bản này sai lệch so với văn bản kia. Người ta thường tưởng rằng, nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn nguyên nhân thứ nhất. Không có sự khác biệt, sao họi là dị bản? Chúng tôi quan niệm, hai nguyên nhân có tầm quan trọng như nhau. Thiếu một trong chúng, dị bản không thể hình thành.

Tiếp theo hai đặc tính định thức và dị bản, chúng tôi muốn đề cập đến đặc tính thứ ba: văn bản văn học dân gian luôn luôn “mở” về nội dung và hình thức.

Một văn bản văn học dân gian có thể chưa đầy đủ về ý nghĩa. Trong rất nhiều trường hợp, ý nghĩa của văn bản đươc bổ sung. Có hai cách bổ sung ý nghĩa cho văn bản: trực tiếp và gián tiếp.

Bổ sung trực tiếp là bổ sung bằng lời, làm cho văn bản có thêm phần  mới, chi tiết mới hoặc từ ngữ mới. Chúng ta đều biết đến bài ca: “Ai lên xứ Lạng” :

                Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

        Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

                Ai lên xứ Lạng cùng anh

        Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em.

Có lẽ chỉ bốn câu thơ, đã nói lên cảnh và tình. Song dân gian không dừng lại ở đó. Bài ca được nói thêm:

              Tay cầm bầu rượu nắm nem

        Mải vui quên hết lời em dặn dò.

Và những câu tiếp theo làm cho bài ca trở nên “lang thang” :

             Gánh vàng đi đổ sông Ngô

       Đêm nằm tư tưởng đi mò sông Thương.

Nhân vât trữ tình lại trở về chùa Tam Thanh:

             Vào chùa thắp một tuần hương

       Miệng khấn tay vái bốn phương chùa này

             Chùa này có một ông thày

       Có hòn đá tảng, có cây ngô đồng.

Tiếp theo là một sự liên tưởng “không biên giới” :

      Cây ngô đồng không trồng mà mọc

      Rễ ngô đồng, rễ dọc rễ ngang.

Và dường như có một sự chắp vá :

      Quả dưa gang trong vàng ngoài trắng

      Quả mướp đắng trong trắng ngoài xanh.

Trước đây người ta đã tốn công sức, giấy mực để đi tìm chủ đề nhất quán của bài ca, đi tìm một logic ý nghĩa, một sự thống nhất về hình tượng. Song những cách giải thích khác nhau đều có vẻ khiên cưỡng, chủ quan. Thực ra, văn bản của bài ca này được hình thành trong bối cảnh hát ru. Ta đã biết, mục đích của hát ru là làm cho trẻ em ngủ. Vì thế nội dung của bài ca không phải lúc nào cũng quan trọng và cũng  cần đến một thứ logic nghiêm ngặt. Dường như câu cuối cùng vẫn chưa phải điểm dừng của bài ca này. Nhìn từ góc độ “mở”, bài ca “ Ai lên xứ Lạng” có xu hướng tiếp nhận theo kiểu “tràng giang đại hải”, thiếu nhất quán về ý nghĩa. Đây là trường hợp “mở” tiêu biểu. Nhìn chung, ở những mức độ khác nhau, các văn bản văn học dân gian đều có khả năng “mở” trực tiếp.

Bổ sung gián tiếp là bổ sung bằng cách hiểu trong quá trình tiếp nhận văn bản. Từ những cách hiểu khác nhau, tác giả dân gian đi tới sửa chữa, điều chỉnh văn bản. Không ở đâu, người ta hiểu văn bản một cách tự do như trong văn học dân gian. Nguyên nhân có thể do tính chất lập lờ hoặc tối nghĩa của văn bản, cũng có thể vì văn bản vốn mang tính đa nghĩa. Ví dụ:

      Một trăm đám cưới không bằng hàm dưới cá trê

                                                                        (Tục ngữ)

     Bụt Nam Sang mà từ oản chiêm

                                                                       (Tục ngữ)

Trong nhiều trường hợp khác, dân gian cố tình hiểu chệch văn bản, thậm chí hiểu ngược lại với nghĩa chính của văn bản. Điều này thường thấy trong “văn học nhại”. Tác phẩm gốc mang ý nghĩa nghiêm túc, văn bản “nhại” trở thành sáng tác trào phúng, khôi hài.

Trong tiến trình phát triển lịch sử của văn hóa dân gian nói chung có hiện tượng hiểu lại, xem xét lại những giá trị tinh thần của thời đại trước. Điều đó tạo ra sự tiếp nhận mới đối với những sáng tác ngôn từ truyền miệng và văn bản văn học dân gian có thêm ý nghĩa mới. Tuy vậy, từ luận điểm này, dẫn đến khẳng định đa nghĩa là thuộc tính của văn bản văn học dân gian thì chưa hẳn đã đúng. Tính đa nghĩa chỉ phù hợp với tục ngữ. Đối với văn bản của của các thể loại khác, việc bổ sung ý nghĩa thường là cục bộ, không diễn ra một cách tổng thế.

Đặc điểm “mở” của văn bản văn học dân gian dẫn đến tính không xác định về không gian và thời gian trong văn bản. Việc đi tìm những dấu hiệu lịch sử - xã hội để khẳng định sự ra đời của văn bản trở nên rất khó khăn, phức tạp. Những yếu tố mới và cũ thường đan xen, cài lồng với nhau. Càng để lâu, sự phức tạp càng tăng lên. B.P.Ke-rơ-be-li-te trong bài: Các kiểu cốt truyện của truyện cổ tích thần kỳ, sau khi khảo sát rất nhiều cốt truyện khác nhau, đã khẳng định: Trong tiến trình phát triển của mình, truyện cổ tích thần kỳ được hình thành với kết cấu từ đơn giản đến phức tạp, trở thành hạt nhân của kết cấu phức tạp. Kết cấu phức tạp bao trùm lên kết cấu đơn giản, trở thành hạt nhân của kết cấu phức tạp. Truyện cổ tích thần kỳ càng có kết cấu phức tạp thì càng mới. Những truyện phức tạp nhất là truyện gần gũi với thời đại chúng ta.

Tuy vậy, thật khó xác định được một hình thức kết cấu của một văn bản truyện cổ tích thần kỳ thuộc về thời điểm lịch sử nào. Chúng ta chỉ có thể xác định một cách chung chung: Về nguyên tắc, văn bản mang nhiều dấu hiệu của thời đại nào thì thuộc về thời đại ấy.

Về phương diện nội dung cũng như vậy. Truyện cổ tích thần kỳ còn bảo lưu những chi tiết rất cổ. Ví dụ: tục hiến sinh trong truyện Thạch Sanh, hiện tượng ăn thịt người trong truyện Tấm Cám. Trong kho tàng truyện cổ tích thế giới như Nga và các nước Đông Nam Á, môtíp “ăn thịt người” khá phổ biến. Nhưng trường hợp nào là phản ánh thực tại, trường hợp nào là bịa đặt để dọa trẻ con, chúng ta không thể phân biệt được.

Về không gian, có sự di chuyển các yếu tố trong văn bản từ nơi này đến nơi khác do những biến động của lịch sử hoặc do sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Tuy nhiên, các yếu tố đó phần lớn đã được địa phương hóa cho nên rất khó xác định nguồn gốc ban đầu. Chúng ta chỉ có thể nêu ra những giả thuyết mà thôi.

Cuối cùng, văn bản văn học dân gian mang tính phi cá thể hóa. Mỗi văn bản chỉ mang những đặc điểm chung của thể loại. Hầu như không có văn bản nào mang phong cách riêng. Tính phi cá thể hóa được tạo lập bởi một ý thức cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống. Ý thức cá nhân chưa chiếm lĩnh được vị trí quan trọng trong lĩnh vực sáng tác văn học dân gian. Phong cách cá nhân vì thế bị thủ tiêu, không tạo ra được sự đa dạng của nghiệ thuật thể hiện. Tuy vậy, nếu cho rằng tính phi cá thể hóa hạn chế khả năng sáng tạo của tác giả dân gian, làm nên sự đơn điệu của tác phẩm thì không đúng. Văn bản văn học dân gian, một mặt, có vẻ đơn điệu, nhưng mặt khác lại cực kỳ phong phú và đa dạng. ta hãy nhìn vào truyện cổ tích: Cốt truyện dường như giống nhau nhưng hàng triệu truyện cổ tích trên thế giới lại khác nhau. Điều đó chứng tỏ sức sáng tạo của của dân gian là vô bờ bến. Tuy vậy, mối truyện cổ tích vẫn không thoát li khỏi truyền thống nghệ thuật thể loại của mình. Tính “mở” và tính phi cá thể hóa tạo tạo điều kiện cho sự xâm nhập mạnh mẽ vào nhau giữa các văn bản của cùng một thể loại và giữa các văn bản của các thể loại khác nhau. Chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến sự xâm nhập giữa các thể loại. Sự xâm nhập này làm yếu đi truyền thống nghệ thuật vốn có của mỗi thể loại, nhất là, đường ranh giới giữa các thể loại trở nên mờ nhạt. Vì vậy, có hiện tượng một văn bản có thể xếp vào thể loại này, song cũng có thể đưa vào thể loại khác, gây ra những cuộc tranh luận kéo dài mà không nhất trí.

Nhìn chung, chúng ta cần đặt văn bản văn học dân gian trong trạng thái “động” để nghiên cứu thì các đặc điểm riêng của nó mới được bộc lộ ra. Vì những đặc trưng trên, văn bản văn học dân gian đòi hỏi phải có một phương pháp nghiên cứu đăc thù. Vì thế khoa nghiên cứu văn học dân gian cần lấy văn bản văn học dân gian làm đối tượng chính, xây dựng một hê thống phương pháp nghiên cứu riêng, đào tạo một đội ngũ chuyên gia riêng để tự xác định mình là một chuyên ngành khoa học độc lập.

 

(Bài in trong Góp phần nâng cao chất lượng sưu tầm nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nxb. Văn hoá dân tộc, 2000)

Post by: Khoa Ngữ văn
08-11-2024