Tin nóng

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH QUẢN LÍ DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN THEO MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC CỦA HỌC SINH Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG


25-05-2024

Trần Thị Mỹ Lệ, Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Đông Thành Phường 5, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, Việt Nam.

Huỳnh Gia Bảo, Trường Đại học Cần Thơ Khu II, đường 3/2, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, Việt Nam.

Ngày nhận bài 11/12/2023; Ngày nhận bài đã chỉnh sửa 03/01/2024; Ngày duyệt đăng 15/4/2024.

TÓM TẮT: Hoạt động dạy học và quản lí hoạt động dạy học luôn là vấn đề được phần lớn giáo viên và các nhà quản lí giáo dục quan tâm. Mục đích là truyền lại cho thế hệ sau những kiến thức, kinh nghiệm dạy học cũng như quản lí hoạt động dạy học, đồng thời tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể nói chung và Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Mục tiêu đó ảnh hưởng và tác động đến các hoạt động dạy, kiểm tra, đánh giá của giáo viên và việc học tập của học sinh. Do đó, việc quản lí hoạt động dạy học môn Ngữ văn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở trường trung học phổ thông cần những thay đổi thích ứng. Bài viết phân tích thực trạng quản lí hoạt động dạy học môn Ngữ văn, từ đó đề xuất biện pháp xây dựng kế hoạch quản lí dạy học môn Ngữ văn theo mục tiêu phát triển năng lực học sinh ở trường trung học phổ thông, đáp ứng mục tiêu Chuơng trình Giáo dục phổ thông sau năm 2018.

1. Đặt vấn đề

Hoạt động dạy học và quản lí hoạt động dạy học luôn là vấn đề được giáo viên và các nhà quản lí giáo dục ở nhiều nước quan tâm. Mục đích dạy học theo Chương trình 2018 không phải là truyền đạt kiến thức mà hình thành và phát triển phẩm chất năng lực người học, dạy học và quản lí dạy học cho thế hệ sau, đồng thời tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong quá trình xây dựng đất nước. Chất lượng giáo dục chỉ được nâng cao nếu có đổi mới trong cách dạy học của giáo viên từng môn học và đổi mới trong quản lí hoạt động dạy học [1]. Vì vậy, nhà quản lí giáo dục không chỉ có kiến thức toàn diện về khoa học quản lí giáo dục mà còn phải có kiến thức về quản lí dạy học trong từng lĩnh vực môn học. Trên thực tế, việc điều hành hoạt động dạy học các môn học chưa đồng bộ ở mọi nơi, mọi lúc. Để một môn học cụ thể đạt được kết quả tốt, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay, cần xác định những đặc điểm riêng của môn học để có biện pháp quản lí phù hợp, hiệu quả. Trước nhiều đổi mới trong hệ thống giáo dục Việt Nam, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về Đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông [2]. Ngoài các môn tự nhiên, Ngữ văn là môn khoa học xã hội và nhân văn của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có vai trò vô cùng quan trọng trong học tập và đời sống của học sinh, cung cấp nhận thức xã hội và sự phát triển tư duy, nhân cách. Ngoài ra, các chủ đề học tập còn nâng cao năng lực văn học, ngôn ngữ cũng như khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn và đáp ứng sở thích, nhu cầu cũng như mục tiêu nghề nghiệp của học sinh. Văn học cũng như các môn học khác, tuy có những đặc thù riêng nhưng cần đổi mới nội dung chương trình dạy học sao cho phù hợp hơn, đáp ứng nhu cầu xã hội [3]. Kể từ khi đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông, việc dạy và học văn có nhiều thay đổi, ảnh hưởng đến hoạt động dạy, kiểm tra, đánh giá của giáo viên và việc học tập của học sinh. Vì vậy, việc quản lí bài học Ngữ văn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở trường phổ thông đòi hỏi phải có những thay đổi thích ứng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề cập đến việc xây dựng kế hoạch quản lí dạy học môn Ngữ văn phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực của học sinh trung học phổ thông và đạt mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Năng lực và các năng lực, phẩm chất cần phát triển cho học sinh

2.1.1. Năng lực

Theo OECD (2022), đặc trưng quan trọng nhất để nhận diện năng lực hiệu quả là: Năng lực là “Khả năng đáp ứng một cách hiệu quả những yêu cầu phức hợp trong một bối cảnh cụ thể” [4]. F.E.Weinert (2001) định nghĩa: “Năng lực là khả năng thực hiện có hiệu quả và có trách nhiệm các hành động, giải quyết các nhiệm vụ, vấn đề thuộc các lĩnh vực nghề nghiệp, xã hội hay cá nhân trong những tình huống khác nhau trên cơ sở vận dụng hiểu biết, kĩ năng, kĩ xảo và kinh nghiệm cũng như sự sẵn sàng hành động” [5]. Nhấn mạnh về hiệu quả hoạt động của năng lực, Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2018 nhấn mạnh: “Năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí... thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong điều kiện cụ thể” [3].

Từ các quan điểm trên, chúng tôi đồng tình với quan điểm của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2018 và cho rằng: “Năng lực là khả năng vận dụng một cách hợp lí hệ thống kiến thức, kĩ năng, thái độ để thực hiện thành công một công việc trong một bối cảnh nhất định”.

2.1.2. Các năng lực, phẩm chất cần phát triển cho học sinh

Chương trình Giáo dục phổ thông đảm bảo phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hòa đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và thực tiễn đời sống [3]. Dựa vào những yêu cầu về đặc điểm của người Việt Nam, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã xác định 5 phẩm chất và 10 năng lực cần hình thành, phát triển cho học sinh (xem Hình 1):

Hình 1: Các phẩm chất và năng lực cần phát triển cho học sinh trung học phổ thông

- Năng lực chung: 1) Năng lực tự chủ và tự học; 2) Năng lực giao tiếp và hợp tác; 3) Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

- Năng lực chuyên môn: 4) Năng lực ngôn ngữ; 5) Năng lực tính toán; 6) Năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; 7) Năng lực công nghệ; 8) Năng lực tin học; 9) Năng lực thẩm mĩ; 10) Năng lực thể chất.

Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực Giáo dục ngôn ngữ và văn học. Những năng lực đặc thù môn Ngữ văn bao gồm: Năng lực ngôn ngữ; Năng lực văn học.

2.2. Hoạt động dạy học và quản lí hoạt động dạy học

2.2.1. Hoạt động dạy học

a. Khái niệm hoạt động dạy học

Giáo dục được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Một trong những cách hiệu quả nhất là tổ chức hoạt động dạy học. Mục đích hoạt động dạy học của giáo viên là cung cấp cho học sinh một hệ thống kiến thức khoa học, phát huy phương pháp tư duy sáng tạo và kĩ năng thực hành, nâng cao trình độ học vấn và phát triển lối sống văn hóa. Mục tiêu cuối cùng là làm cho mỗi học sinh trở thành một con người tự chủ, năng động và sáng tạo [6]. Vì vậy, hoạt động dạy học là con đường cơ bản nhất để đạt được mục tiêu giáo dục chung.

Nghiên cứu những yếu tố cấu thành hoạt động dạy học là một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm các yếu tố cơ bản: Mục tiêu, nội dung, phương tiện, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, phương pháp học tập. Các yếu tố này tương tác với nhau để hoàn thành nhiệm vụ tổ chức dạy học nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh nhất định [6], [7].

Từ những quan điểm trên và mục tiêu dạy học hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chúng tôi cho rằng, hoạt động dạy học là một quá trình của hệ sinh thái dạy học (hoạt động dạy - hoạt động học). Giáo viên thực hiện các hoạt động có hệ thống, cụ thể và hỗ trợ học sinh thông qua các hoạt động của chính mình như: Suy nghĩ, nghiên cứu, tự đánh giá và điều chỉnh hành vi với các giá trị đã học. Những giá trị tinh thần, tri thức, kĩ năng, giá trị văn hóa mà con người đạt được là cơ sở để hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực giải quyết nhu cầu thực tiễn trong cuộc sống (xem Hình 2).

Hình 2: Hệ sinh thái dạy học phát triển phẩm chất, năng lực

b. Các thành tố của hoạt động dạy học

Hoạt động dạy học là một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm các yếu tố cơ bản: Mục tiêu, nội dung, phương tiện, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và phương pháp học tập. Các yếu tố này tương tác với nhau để hoàn thành nhiệm vụ dạy học, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động dạy học (xem Bảng 1) [8]:

Mối quan hệ giữa các thành tố cấu trúc của hoạt động dạy học được thể hiện ở quá trình dạy học, với vai trò điều khiển của giáo viên và hoạt động của học sinh, về bản chất là biểu hiện của mọi hoạt động có chủ ý. Có kế hoạch giữa giáo viên và học sinh nhằm giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách có hệ thống về tự nhiên, xã hội, từ đó phát triển các kĩ năng, thói quen và hành động. Hoạt động dạy học cũng như các hoạt động khác trong xã hội đều chịu ảnh hưởng của yếu tố môi trường (xem Hình 3).

Hình 3: Mối quan hệ giữa các thành tố cấu trúc của hoạt động dạy học

2.2.2. Quản lí hoạt động dạy học

Quản lí hiệu quả chất lượng dạy học với mục tiêu phát triển năng lực học sinh của cán bộ quản lí nói chung và hiệu trưởng nói riêng là một trong những yếu tố trọng tâm quyết định thương hiệu của nhà trường. Quản lí hoạt động dạy học phù hợp với mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của người học gắn với quản lí các yếu tố cơ bản: Quản lí xây dựng kế hoạch dạy học; Quản lí tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học; Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học; Quản lí hoạt động kiểm tra - đánh giá giáo viên (xem Hình 4) [9].

Hình 4: Chu trình quản lí hoạt động dạy học

Xét trên bình diện dạy - học trong hệ sinh thái dạy học theo mục tiêu phát triền phẩm chất, năng lực, quản lí môi trường dạy học cũng cần được quan tâm. Nó không chỉ là đáp ứng những yêu cầu mà xã hội đặt ra đối với trường học; không chỉ quản lí về vật chất và tinh thần; các yếu tố bên trong và bên ngoài của giáo viên và học sinh ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học. Quản lí môi trường dạy học là quản lí môi trường vận hành, quản lí sự kết nối giữa giáo viên và học sinh. Các yếu tố này luôn ở trạng thái “động”, tương tác tích cực với nhau và trở nên quan trọng hơn đối với học sinh, giáo viên và các hoạt động của họ (cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…).

2.3. Thực trạng quản lí hoạt động dạy học môn Ngữ văn theo mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh ở trường trung học phổ thông

2.3.1. Thực trạng quản lí thực hiện mục tiêu, nội dung, chương trình dạy học

Việc quản lí thực hiện mục tiêu, chương trình dạy học môn Ngữ văn theo mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh ở trường trung học phổ thông được quan tâm, chú trọng. Có thể nói, hiệu trưởng của các trường trung học phổ thông đã chủ động bám sát chủ trương chính sách đổi mới giáo dục để có thể làm tốt hoạt động này. Tuy nhiên, vẫn còn một vài hạn chế do nhà trường chưa bố trí nhân sự kiểm soát, giám sát nên kết quả học sinh thực hiện theo mục tiêu chưa đồng đều.

2.3.2. Thực trạng quản lí phương pháp dạy học

Trước đây, giáo viên môn Ngữ văn khi giảng dạy thiên nhiều về các phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, giảng giải và ít chú trọng tới các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tích cực như dạy học trải nghiệm, công não, hoạt động nhóm, dạy học dự án, dạy học trong phòng bộ môn.... Chính vì vậy, khi thực hiện dạy học theo mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, giáo viên phải đổi mới về phương pháp tổ chức dạy học phù hợp với nội dung dạy học của mỗi bộ môn và đáp ứng những mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho người học.

2.3.3. Thực trạng quản lí hình thức tổ chức dạy học

Hiện nay, cán bộ quản lí thực hiện chỉ đạo:

- Quản lí tổ chuyên môn nghiên cứu đổi mới hình thức tổ chức dạy học môn Ngữ văn theo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh;

- Chỉ đạo triển khai và quản lí giờ dạy mẫu đổi mới hình thức tổ chức dạy học môn Ngữ văn;

- Tổ chức và quản lí thao giảng, hội giảng về đổi mới hình thức tổ chức dạy học môn Ngữ văn;

- Quản lí việc nhân rộng mô hình tổ chức dạy học môn Ngữ văn theo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.

2.3.4. Thực trạng quản lí hoạt động học của học sinh

Giáo viên có ý thức tổ chức, hướng dẫn học sinh. Nhưng trên thực tế, học sinh còn tâm lí e ngại, thiếu động cơ học tập, hứng thú học tập môn Ngữ văn. Các em chưa tự giác và tích cực chủ động tham gia. Nhiều em học Ban Khoa học tự nhiên có suy nghĩ môn Ngữ văn bắt buộc phải học để thi tốt nghiệp chứ không thi đại học nên chỉ học ở mức trung bình, thụ động, chưa tự giác học tập. Như vậy, học sinh chưa thực sự quan tâm tìm phương pháp học tập hiệu quả nhằm phát huy năng lực bản thân. Điều này ảnh hưởng không ít đến chất lượng học tập của học sinh tại trường. Trong thời gian tới, cán bộ quản lí cần tiếp tục đẩy mạnh các hình thức nhằm nâng cao khả năng tự học, chủ động học cho học sinh.

2.3.5. Thực trạng quản lí các điều kiện đảm bảo cho hoạt động dạy học

Đa số giáo viên và tiết dạy môn Ngữ văn vẫn thực hiện theo phương pháp dạy học cũ, chưa ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong dạy học. Tâm lí e ngại đổi mới của giáo viên cùng với khả năng làm quen với phương pháp học tập mới của học sinh còn rất hạn chế. Quan trọng hơn là chưa có sự đồng bộ giữa cách thức học và thi như hiện nay (học hướng đến yêu cầu đổi mới, nhằm phát triển năng lực học sinh nhưng thi cử nặng về nội dung, kiến thức) chính là rào cản lớn nhất trong đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn hiện nay. Học sinh mang nặng tâm lí học để đi thi nên không hứng thú với các giờ dạy sử dụng thiết bị dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin. Nhà trường chưa có biện pháp phù hợp thúc đẩy hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học trong dạy học.

2.3.6. Thực trạng quản lí kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn

Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn dựa theo mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh ở trường trung học phổ thông. Mỗi nội dung được thực hiện ở các mức độ khác nhau, với những vai trò khác nhau. Những nội dung này đều được hiệu trưởng, cán bộ quản lí nhà trường thực hiện ở các mức độ nhất định mang lại hiệu quả đáng kể trong công tác kiểm tra, đánh giá chuyên môn. Điều này khẳng định rằng, các trường đã quan tâm hơn tới công tác kiểm tra, đánh giá khi tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Bởi vì, nếu không có kiểm tra, đánh giá sẽ không có thông tin cho cán bộ quản lí, giáo viên xem xét lại những ưu điểm, hạn chế và tồn tại trong suốt quá trình thực hiện hoạt động chuyên môn của nhà trường, hoạt động giảng dạy của bộ môn Ngữ văn. Khi có được những thông tin cần thiết, cán bộ quản lí và giáo viên môn Ngữ văn có cơ sở để đề ra các biện pháp tổ chức, chỉ đạo, triển khai hiệu quả hoạt động giảng dạy chuyên môn.

2.4. Biện pháp xây dựng kế hoạch quản lí hoạt động dạy học môn Ngữ văn theo mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh ở trường trung học phổ thông

Xuất phát từ thực tiễn quản lí hoạt động dạy học, có nhiều biện pháp quản lí được đưa ra như sau: 1) Nâng cao nhận thức đội ngũ quản lí, giáo viên; 2) Xây dựng kế hoạch quản lí hoạt động dạy học; 3) Tăng cường quản lí tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học bộ môn; 4) Chỉ đạo đổi mới phương pháp, hình thức dạy học; 5) Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá của hoạt động dạy học. Trong các biện pháp đó, chúng tôi nhận thấy: “Xây dựng kế hoạch quản lí hoạt động dạy học theo mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh ở trường trung học phổ thông là một trong những biện pháp cốt lõi nhất”.

2.4.1. Mục tiêu của biện pháp

Mục tiêu của biện pháp là việc triển khai hoạt động dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông theo đúng mục tiêu phát triển năng lực của học sinh vào kế hoạch quản lí hiệu quả:

- Mục tiêu cho hoạt động của giáo viên và học sinh phù hợp với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh trong dạy học môn Ngữ văn.

- Cán bộ quản lí giúp giáo viên dạy môn Ngữ văn xác định đúng chất lượng bộ môn, cùng với giáo viên xây dựng chỉ tiêu năm học cho từng khối lớp. Quan trọng hơn, cán bộ quản lí cùng với giáo viên dạy môn Ngữ văn tìm ra các biện pháp giúp đạt được chỉ tiêu đã xây dựng cho từng lớp, khối lớp trong năm học.

- Phát huy năng lực dạy học của giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học môn Ngữ văn phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực học sinh ở trường phổ thông.

2.4.2. Nội dung của biện pháp

Tổ trưởng (cán bộ quản lí) chỉ đạo giáo viên xác định rõ các yêu cầu, khai thác các nguồn lực để tổ chức xây dựng kế hoạch dạy học ở trường trung học phổ thông theo mục tiêu phát triển năng lực cho học sinh với các nội dung được mô tả ở Hình 5:

Hình 5: Kế hoạch quản lí dạy học môn Ngữ văn

2.4.3. Cách thức thực hiện

Trong phạm vi bài viết, việc xây dựng kế hoạch quản lí hoạt động dạy học môn Ngữ văn theo mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh ở trung học phổ thông được xem xét với phân quyền quản lí của tổ trưởng chuyên môn cần được thực hiện theo quy trình sau (xem Bảng 2):

Bảng 2: Các bước thực hiện kế hoạch quản lí dạy học môn Ngữ văn

2.4.4. Điều kiện thực hiện

Để thực hiện biện pháp này cần các điều kiện sau: 1/ Cán bộ quản lí trường trung học phổ thông, trong đó có tổ trưởng chuyên môn, phải có năng lực chỉ đạo xây dựng kế hoạch dạy học; 2/ Giáo viên phải có năng lực hợp tác, xây dựng kế hoạch dạy học theo mục tiêu phát triển năng lực học sinh.

3. Kết luận

Quản lí hoạt động dạy học nói chung và quản lí trong xây dựng kế hoạch hoạt động dạy học môn Ngữ văn theo mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực của học sinh nói riêng trong Chương trình Giáo dục phổ thông hiện nay là một hướng đi tất yếu và phù hợp. 

Qua nghiên cứu lí luận, bài viết đã xác định được bốn yếu tố cơ bản sau: 1/ Quản lí việc xây dựng kế hoạch dạy học; 2/ Quản lí việc thực hiện kế hoạch dạy học; 3/ Quản lí đổi mới phương pháp dạy học; 4/ Quản lí hoạt động kiểm tra - đánh giá giáo viên để quản lí hoạt động dạy học theo mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực người học. Các nội dung quản lí này có mối quan hệ biện chứng với nhau. Đồng thời, chúng tôi trình bày quy trình các bước xây dựng kế hoạch quản lí hoạt động dạy học môn Ngữ văn. Mỗi bước có một vị trí, chức năng khác nhau tạo thành một quy trình quản lí hoàn chỉnh, góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn tại các trường phổ thông.

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Đặng Quốc Bảo - Nguyễn Trọng Hậu - Nguyễn Quốc Chí, (2015), Quản lí giáo dục một số vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

[2] Quốc hội, (28/11/2014), Nghị quyết 88/2014/QH13 về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2018), Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn, Hà Nội.

[4] OECD, (2002), Definition and Selection of Competencies, DeSeCo, Theoretical and Conceptual Foundations, Strategy Paper. DEELSA/ED/CERI/CD (2009).

[5] Franz E Weinert, (2001), Concept of competence: A conceptual clarification.

[6] Đỗ Tiến Sỹ, (9/2013), Quản lí đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông, Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 96.

[7] Trần Kiểm, (6/2009), Phương pháp luận đổi mới quản lí giáo dục, Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 45.

[8] Hammerness, K, (2011), Classroom management in the United States: A view from New York City, Teaching Education, 22(2), 151-167.

[9] Hồ Xuân Hồng, (8/2016), Xây dựng và vận hành hệ thống quản lí ở trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở theo tiếp cận mô hình CIPO, Tạp chí Quản lí Giáo dục. số 8, tr.19-26.

[10] Phan Văn Kha, (2007), Quản lí nhà nước về giáo dục, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Post by: Khoa Ngữ văn
25-05-2024