Tin nóng

CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM VĂN HỌC “SỐNG ĐỂ KỂ LẠI” - GẶP GỠ, GIAO LƯU VỚI NHÀ VĂN BẢO NINH


25-11-2023

| CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM VĂN HỌC “SỐNG ĐỂ KỂ LẠI” - GẶP GỠ, GIAO LƯU VỚI NHÀ VĂN BẢO NINH |

💐 Khói lửa chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kí ức về một thời mưa bom bão đạn dường như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của những người đã sống trong thời đại hào hùng ấy. Bước ra từ những ngày tháng chiến tranh, họ là những nhân chứng sống, kể lại cho hậu sinh những gì đã qua một cách chân thực và xúc động. Trong không khí chớm đông, ngày 23/11, Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại - Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức thành công chương trình tọa đàm văn học “SỐNG ĐỂ KỂ LẠI” - GẶP GỠ VÀ GIAO LƯU VỚI NHÀ VĂN BẢO NINH. Buổi tọa đàm là một cơ hội đáng quý giúp thế hệ trẻ hôm nay nhìn lại, lắng nghe và cảm nhận rõ hơn về ký ức thời chiến.

🎥 Buổi tọa đàm là sự kiện thường niên của Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại - Khoa Ngữ văn, nhằm giúp sinh viên trực tiếp tiếp xúc với người làm nghệ thuật từ cự li gần, thu hẹp khoảng cách giữa nhà văn và bạn đọc trong quá trình tiếp nhận văn học. Ngay khi Bảo Ninh xuất hiện với dáng vẻ in dấu những thăng trầm của đời sống, khán giả đều có cảm giác như nhân vật Kiên đã bước ra từ những trang tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh", mang theo tất cả sự suy tư, chiêm nghiệm: “Phải viết thôi. Viết để quên đi, viết để nhớ lại. Viết để có một cứu cánh, một niềm cứu rỗi, để mà chịu đựng, để giữ lòng tin, để mà còn muốn sống”.

📍Buổi tọa đàm vinh dự chào đón sự hiện diện của nhà văn Bảo Ninh - một trong những gương mặt xuất sắc của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Về phía Khoa Ngữ văn, buổi gặp gỡ giao lưu có sự tham dự của PGS.TS Hà Văn Minh - Trưởng Khoa Ngữ văn; GS.TS Trần Đăng Xuyền - Nguyên Phó hiệu trưởng Nhà trường, Nguyên Trưởng Khoa Ngữ văn; PGS.TS Trần Văn Toàn - Nguyên Phó Trưởng khoa Ngữ văn, PGS.TS Đặng Thu Thủy - Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, PGS.TS. Trần Kim Phượng - Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ cùng các thầy cô thuộc Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại. Ngoài ra, chương trình còn có sự góp mặt của PGS.TS Lê Hải Anh - Khoa Sư phạm, Đại học Giáo dục ĐHQGHN và nhiều giáo viên, học sinh đến từ các trường THPT trên các tỉnh thành.

Mở đầu buổi giao lưu, Ban tổ chức chương trình đã công chiếu video giới thiệu khách mời. Những thước phim sinh động đã giúp các khán giả có thêm những hình dung về nhà văn Bảo Ninh và nội dung cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh”. Thước phim cũng giống như một tấm vé hồi ức, đưa cả hội trường trở về một thời máu lửa.

Trước khi đến phần trò chuyện cùng nhà văn, PGS.TS Hà Văn Minh đã có đôi lời chia sẻ về ý nghĩa của cuộc gặp gỡ giữa nhà văn Bảo Ninh với sinh viên Khoa Ngữ văn. Đây không phải là lần đầu tiên Bảo Ninh đến với khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà đây là sự trở về và tiếp nối những lần trở về trước đó của nhà văn. Bởi lẽ, ngay từ khi mới 7, 8 tuổi, nhà văn Bảo Ninh - khi ấy còn là cậu bé Hoàng Ấu Phương đã theo cha mình - Giáo sư Ngôn ngữ học Hoàng Tuệ - đến giảng đường Văn khoa. Trong khung cảnh thân tình và xúc động khi gợi nhắc về những kỉ niệm đó, PGS.TS Hà Văn Minh đã trao tặng cho nhà văn cuốn Kỉ yếu Kỉ niệm 70 năm thành lập Khoa Ngữ văn “Khoảng trời - Cây lớn - Chồi xanh", khẳng định giữa nhà văn Bảo Ninh và Văn khoa từ lâu đã có mối giao tình mà cuộc trở về lần này sẽ mở ra những hành trình tiếp nối.

💟 Không khí chương trình được lắng đọng trong giây phút trò chuyện của nhà văn và PGS.TS Trần Văn Toàn về trải nghiệm đáng nhớ khi ông tham gia chiến trường, về đời sống hậu chiến đã thúc giục ông cầm bút viết nên tác phẩm để đời “Nỗi buồn chiến tranh”. Bảo Ninh thừa nhận ông không phải là người có tài ăn nói; những điều ông chia sẻ về quãng thời gian mặc áo lính và sau khi xuất ngũ đều xuất phát từ tấm lòng, từ những mảng kí ức không bị phai nhạt theo thời gian.

🎶 Không khí chương trình trở nên sôi động khi hội trường được thưởng thức những giọng hát sâu lắng, những điệu múa uyển chuyển và diễn xuất nhập tâm của các bạn sinh viên trong CLB Nghệ thuật thể hiện. Những tiết mục đặc sắc ấy là món quà tinh thần mà sinh viên Văn khoa gửi tặng tới khách mời.

⭐️ Trong phần thứ hai của buổi tọa đàm, cử toạ đã có khoảng thời gian giao lưu, đặt câu hỏi, bày tỏ những suy nghĩ, cảm nhận xoay quanh tác phẩm cùng nhà văn Bảo Ninh. Phần trao đổi và hỏi đáp cùng nhà văn diễn ra trong không khí cởi mở, gần gũi. Qua đó, khán giả được mở rộng thêm tri thức về văn chương nghệ thuật, gợi ra những góc nhìn sâu sắc.

Kết thúc chương trình, PGS.TS Đặng Thu Thủy, đại diện Ban Tổ chức đã gửi tới nhà văn Bảo Ninh lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất. Đồng thời, cô khẳng định buổi tọa đàm hôm nay thực sự là một trải nghiệm đáng giá cho những ai yêu mến và say mê văn chương Bảo Ninh.

💕Chương trình tọa đàm văn học “SỐNG ĐỂ KỂ LẠI” - GẶP GỠ VÀ GIAO LƯU VỚI NHÀ VĂN BẢO NINH đã diễn ra thành công tốt đẹp, với những lời chia sẻ, tâm sự quý giá không những về nghiệp viết văn mà còn cả về những nỗi niềm của “một thời máu lửa”. Đây chính là một cơ hội giúp sinh viên Khoa Ngữ văn nói riêng và toàn thể cử tọa nói chung có thêm nhiều trải nghiệm, góc nhìn mới mẻ về các tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh.

🌸 Xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới khách mời - nhà văn Bảo Ninh bởi sự hiện diện của ông trong buổi Tọa đàm ngày hôm nay. Khoa Ngữ văn kính chúc nhà văn Bảo Ninh sức khỏe, niềm vui và luôn là người “truyền lửa” văn chương cho nhiều thế hệ.

Có thể là hình ảnh về 6 người, cái bục và văn bản

Có thể là hình ảnh về 2 người, cái bục và văn bản

Nhiều câu chuyện đã được Bảo Ninh “kể lại” trong không khí văn chương sâu lắng, đan xen quá khứ - hiện tại, vinh quang - mất mát. Nhà văn kể với tư cách là người “còn sống sót và trở về”. Ông bồi hồi nhớ lại ngày đó nửa lớp học đi lính, sau cùng chỉ có 3 người sống sót trở về. Sáu năm tham gia cuộc chiến là hồi ức luôn hằn sâu trong tâm trí nhà văn, chẳng thể nguôi ngoai. Nhà văn tâm sự: “Tôi cũng đang hi vọng được vào đại học nhưng từ bỏ ngay để đi nhập ngũ, nó là chuyện bình thường. Lúc tôi 17 tuổi nhập ngũ cho đến lúc tôi giải ngũ năm 1977, năm 1975 lúc tôi 23 tuổi cuộc kháng chiến không phải như chúng tôi hình dung lúc còn ở nhà, đó là cuộc chiến tranh cực kì khốc liệt”. Ngày giải phóng năm 1975, nhà văn đã trở thành “anh lính già” giữa lớp lớp lính trẻ 17,18 tuổi. Sau chiến thắng và vinh quang, hồi ức đè nặng trong tâm trí ông sâu sắc hơn cả thời kì bom đạn là khi ông quay trở lại làm công tác hài cốt liệt sĩ trong rừng rậm Tây Nguyên. Có lẽ, đó là động lực thôi thúc nhà văn đặt bút viết nên tác phẩm để đời thời hậu chiến. Qua phần giao lưu, đối thoại trực tiếp cùng nhà văn, khán giả được hiểu rõ hơn về tác phẩm cũng như những trăn trở của nhà văn.

Có thể là hình ảnh về 2 người và văn bản

Có thể là hình ảnh về 2 người và văn bản

Có thể là hình ảnh về 2 người và văn bản

Đến với buổi tọa đàm, sinh viên Khoa Ngữ văn không chỉ là những người lắng nghe và học hỏi, mà hơn hết còn là những độc giả trong quá trình tiếp nhận văn học. Dưới góc nhìn cá nhân, các bạn sinh viên Khoa Ngữ văn đã có cơ hội chia sẻ cảm nhận về tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh. Các bạn sinh viên đã có những cách đặt vấn đề và phân tích nội dung mới mẻ, đem đến nhiều góc nhìn độc đáo trong việc tiếp nhận tác phẩm. Thông qua những chia sẻ đó, khán giả có cơ hội một lần nữa được nhìn lại và suy ngẫm sâu hơn về tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh”.

Một số hình ảnh đẹp trong buổi Tọa đàm:

Có thể là hình ảnh về 5 người và cái bục

Có thể là hình ảnh về 14 người, cái bục và văn bản

Có thể là hình ảnh về 10 người, đang trình diễn võ thuật và văn bản

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang học và văn bản

Có thể là hình ảnh về 3 người, cái bục và văn bản

Post by: Khoa Ngữ văn
25-11-2023