Tin nóng

VĨNH BIỆT PGS.TS. NHÀ GIÁO ƯU TÚ ĐẶNG ANH ĐÀO


12-01-2023

PGS.TS. NGƯT Đặng Anh Đào, nguyên giảng viên Bộ môn Văn học nước ngoài, Khoa Ngữ văn - Trường ĐHSP Hà Nội, đã từ trần hồi 09h49’ ngày 12.01.2023 (tức ngày 21 tháng Chạp năm Nhâm Dần), hưởng thọ 89 tuổi.

Lễ viếng từ 7h15’ ngày Chủ nhật, 15.01.2023, tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào 8h30’, di quan vào hồi 8h45’, an táng tại Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng cùng ngày.

          PGS.TS Đặng Anh Đào (1934 - 2023) đã rời cõi tạm, ra đi một cách thanh thản nhưng những gì mà nhà giáo, nhà nghiên cứu gửi lại cho hậu thế thật sự đáng nể đáng trọng, không phải vì số lượng trang viết mà vì sự đa dạng của sự nghiệp vừa cầm phấn vừa cầm bút, cùng dấu ấn đậm chất nghệ sĩ của mỗi trang văn.

          Xuất thân trong một gia đình trí thức có tên tuổi trong lịch sử đất nước, là cháu nội của Cụ Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, là ái nữ thứ tư của GS học giả uyên bác Đặng Thai Mai, bà được thừa hưởng một nguồn gien trí tuệ uyên thâm. Quê hương của Bà là xã Xuân Triều thuộc tổng Lương Điền, một miền quê sơn cước, nơi có ngọn núi Phượng Hoàng kì vĩ, nằm ở phía nam Thanh Chương, tiếp giáp với Hương Sơn - Đức Thọ, nối kết liền mạch với Nam Đàn - Hưng Nguyên, nơi thế đất, thế song, thế núi tạo thành mạch liên kết ỷ dốc Nam Nghệ Bắc Hà, nơi tinh thần yêu nước quật cường luôn luôn trỗi dậy. Cuộc sống của gia đình gắn với những chặng đường hoạt động của GS Đặng Thai Mai mà vì thế, những cảnh quê khác nhau, từ vùng tự do Thanh Hóa cho đến những địa điểm khác nhau tại chiến khu gió ngàn, đã khiến cho tâm hồn bà trở nên nhạy cảm khác thường, cũng là yếu tố tạo nên chất nghệ sĩ, tạo nên tính chất “hoài niệm” trong trạng thái “mộng du” của nhà nghiên cứu sắc sảo này.

          Nếu quãng thời gian từ 1957 đến 1967, lúc Bà là giáo viên trường Cấp III Hà Nội A là sự nhập thế đời thường, với nghĩa vụ làm vợ làm mẹ, thì từ 1967 cho đến lúc nghỉ hưu, với tư cách là một cán bộ giảng dạy đại học, ngoài những trách nhiệm lo toan vốn có, bà còn thêm trách nhiệm nghiên cứu, bởi đã dạy đại học là phải nghiên cứu khoa học như một lẽ đương nhiên, cho dù đất nước có chiến tranh, hay khi thống nhất với bộn bề những vấn đề nan giải. Nhưng lịch sử là vậy, và cũng như những người thân yêu của gia đình đã và đang xả thân vì nghĩa lớn, bà đã vượt qua tất cả. Bước ngoặt đỉnh cao khẳng định nghị lực vượt lên trên mọi khó khăn để  tạo nên sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy của bà là luận án tiến sĩ về đề tài Kiểu nhân vật chính diện trong Tấn trò đời của Honoré de Balzac, được xuất bản với tiêu đề Balzac và cuộc săn tìm nhân vật chính diện trong bộ Tấn trò đời, năm 1998, tại NXB Giáo dục. Với đề tài này, bà hướng tới khảo sát vai trò nghệ thuật của những con người chân chính, loại nhân vật lí tưởng hướng tới gieo mầm cho tương lai, cũng là định hướng quan trọng của văn chương đích thực, bởi văn chương luôn tạo dựng ý nghĩa và chắp cánh cho cuộc đời và cũng là tư chất của người nghệ sĩ chân chính.

Tên tuổi của PGS.TS Đặng Anh Đào được khẳng định mạnh mẽ gắn với thời kì đổi mới trong văn học, cả về cách thức nghiên cứu lẫn cách thức sáng tác, thể hiện trong chuyên luận Tài năng và người thưởng thức (NXB Hội Nhà văn, 1994) và Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại (NXB Giáo dục, 1995). Các chuyên luận này giữ vai trò khai đường mở lối chuyển tải những tri thức mới, khai thác mối quan hệ biện chứng giữa tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ và khả năng tiếp nhận đồng sáng tạo của công chúng độc giả. Nếu không có sự cộng hưởng này, tác phẩm văn học không có giá trị. Bà lí giải cách thức đổi mới của loại Tiểu thuyết mới trong văn học phương Tây, và mở rộng thành vấn đề về kiểu “nhân vật được nhìn qua ống kính vạn hoa”, về mối quan hệ giữa “nhân vật và cốt truyện”, để kiến giải về “độc thoại nội tâm và dòng tâm tư”, để đi sâu vào vấn đề “thời gian trong tiểu thuyết hiện đại”. Đây cũng là những khái niệm then chốt của thi pháp học hiện đại, của phương pháp nghiên cứu văn học từ góc nhìn nghệ thuật học. Tất cả đều góp phần làm sâu sắc thêm lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy văn học, không chỉ riêng cho văn học nước ngoài mà cho cả văn học dân tộc, góp phần đưa việc nghiên cứu văn chương đi vào con đường hiện đại hóa.

Cách kiến giải mới này về những tác gia tác phẩm văn quen thuộc được bà vận dụng để viết lại các phần Victor Hugo, Stendhal, Honoré de Balzac, Charles Dickens, Wiliam Thackeray, Franz Kafka trong cuốn Văn học phương Tây (NXB Giáo dục xuất bản sau 1990) và các phần V.Hugo, Flaubert, Zola, Anatole France, Samuel Beckett, Eugène Ionesco, André Malraux, Jean-Paul Sartre, Albert Camus và những thập niên cuối, toàn cảnh và viễn cảnh của bộ Lịch sử văn học Pháp do nhà nghiên cứu khả kính Lê Hồng Sâm chủ biên (NXB Thế giới,1991-1992). Bà cũng còn công bố Hugo: bóng tối và ánh sáng (NXB Trẻ, 1994), Hugo: Cuộc đời và tác phẩm (NXB Giáo dục, 1997), với những nhận xét xác đáng và thú vị về nhà văn Pháp, được độc giả Việt Nam mến mộ này.

Dịch thuật cũng là thế mạnh của PGS.TS Đặng Anh Đào. Trước hết là các công trình lí thuyết văn học dịch chung với dịch giả Lê Hồng Sâm như Bản mệnh của lí thuyết văn chương và cảm nghĩ thông thường của học giả Antoine Compagnon (NXB Đại học Sư phạm, 2006) hay Dẫn luận về văn chương kì ảo (NXB Đại học Sư phạm, 2008) của nhà nghiên cứu uyên bác T.Todorov. Ngoài ra, các truyện ngắn bà dịch được in trong Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỉ XIX, Truyện ngắn phương Tây. Cuốn Pierette và nhiều tác phẩm khác của H.de Balzac được bà dịch và in trong bộ Tấn trò đời (bản tiếng Việt gồm 16 tập) mà để ra mắt được bộ tiểu thuyết này thì công sức của bà là không nhỏ bởi dịch cũng là hình thức sáng tạo nghệ thuật, vừa là sự đồng cảm trong quan niệm về nhân tình thế thái với người tạo ra tác phẩm, vừa là sự thấu hiểu cách thức tổ chức trần thuật của tác giả đó, vừa là tình vừa là lí. Công trình thể hiện bà vừa là một nhà nghiên cứu nghiêm túc chặt chẽ kĩ lưỡng trong câu chữ, vừa là một người có sự đam mê mang đậm chất nghệ sĩ trong cách nhìn đời và nhìn người. Nếu không có sự đồng cảm song trùng như vậy, việc dịch hay sáng tác không xảy ra.

Những tính chất này được thể hiện đậm nét trong mảng sáng tác tự truyện hay hồi ức hoài niệm, mở đầu bằng cuốn Để nhớ Đặng Thai Mai (NXB Hội Nhà văn, 1992) gồm các kỉ niệm và những ấn tượng được kể lại từ những người bạn của gia đình, của những học giả tên tuổi… tạo nên cách nhìn đa chiều về  một nhân cách lớn của văn hóa Việt Nam, bao gồm cả cách nhìn từ “tách cà phê”, hay “kỉ niệm mùa thu” để đi tới nhận diện về “cuộc sống của một nhà văn”. Nhân vật được hướng tới “để nhớ” là thân phụ của bà mà nếu không có tính chất đa điểm nhìn trần thuật này, sức thuyết phục của tác phẩm sẽ giảm đi, như đã xảy ra với nhiều tác phẩm hồi kí.

Cuốn Tầm xuân (NXB Phụ nữ 1999) được ghi chú là hồi ức, cũng là một kiểu tự truyện nhằm đảm bảo tính chân thật của câu chuyện được kể vừa thể hiện một góc nhìn trần thuật đầy ưu tư, mà tiêu đề của tác phẩm có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Một mặt, vừa là tên một loại hoa chỉ gắn với mùa xuân (hiểu theo khía cạnh danh từ), mặt khác vừa là sự tìm kiếm mùa xuân, chất xuân (hiểu theo nghĩa động từ) từ những mảnh vụn còn lại của thời gian mà những mảnh vụn này có giá trị như những hạt mầm thời gian.

 Cuốn Hoài niệm và mộng du (NXB Phụ nữ, 2019), tái hiện dạng thức suy tư trần tình theo phong cách hồi cố  rất đặc trưng của sáng tác văn chương phương Tây đầu thế kỉ XXI, và cũng rất đậm chất nghệ sĩ, tái hiện cuộc sống nội tâm trước những biến chuyển của đời thường, khiến câu chuyện mà bà kể lại, rất thật đấy nhưng cũng khoác vẻ nghịch lí. Từ đó, nó khẳng định một phong cách sáng tác rất riêng của nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào, tương tự như kiểu kể chuyện đồng dạng trong cuốn Võ Nguyên Giáp qua lời của những người thân (NXB Văn hóa văn nghệ, 2014).

 Đặc biệt, cuốn Nhớ và quên (NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành nhân dịp kỉ niệm 65 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ: 7/05/1954 - 7/05/2019) tái hiện câu chuyện thấm đẫm tình đời tình người, dạng hồi kí chân dung tự truyện của đôi vợ chồng nghệ sĩ - chiến sĩ, Đặng Anh Đào và Phạm Hồng Sơn. Phần 1: “Nửa đời chiến trận” kể về quãng thời gian từ 1945 đến 1975 mà người kể là trung tướng Phạm Hồng Sơn, và phần 2: “Vầng trăng khuyết”, do bà ghi lại quãng thời gian từ sau 1975 cho tới khi ông Phạm Hồng Sơn qua đời. Đây là những cuốn tự truyện có sức lay động lòng người, bởi tính chất thật của người kể chuyện lẫn câu chuyện được kể.

Đặc biệt, cuốn Bắc Kỳ - Phong cảnh và ấn tượng của tác giả Hilda Arnhold mà PGS. TS Đặng Anh Đào là đồng dịch giả, do NXB Kim Đồng xuất bản năm 2022 - được phát hành khi PGS đã nằm trên giường bệnh. Cuốn sách như một biểu tượng của tinh thần lao động không mệt mỏi đến cuối cuộc đời của bà.

Những gì bà để lại đều sâu nặng tình đời và tình người: Là tình đời trong quan hệ với quê hương đất nước, là tình người trong quan hệ gia tộc họ hàng, trong quan hệ gắn bó kéo sơn giữa bà - một nhà giáo, nhà nghiên cứu rất nghệ sĩ nhưng cũng rất sắc sảo với chồng là một chiến binh - tướng lĩnh, quả cảm và thông minh, để luôn có những ngày và đêm bên nhau trong chiều dài thương nhớ, để hiện ra thành những hoài niệm trong chuỗi thời gian năm tháng, mà cho dù ở khu tự do Thanh Hóa, hay những cánh rừng chiến khu hay 95A Lý nam Đế thì hình ảnh một người phụ nữ nhỏ nhắn, bước đi chậm rãi luôn được lưu giữ trong kí ức và kỉ niệm của những người may mắn được bà trực tiếp dạy dỗ.

Với tất cả tấm lòng trân trọng tiếc thương, thầy trò Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội xin thành tâm nguyện cầu cho hương hồn PGS.TS. NGƯT Đặng Anh Đào siêu sinh tịnh độ, an lạc ngàn thu.

(theo bài viết của PGS.TS Lê Nguyên Cẩn,

Nguyên cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)

Post by: Khoa Ngữ văn
12-01-2023