Tin nóng

'MIỀN TRUNG YÊU DẤU' - CHUYẾN ĐI THỰC TẾ NĂM BA CỦA K66 KHOA NGỮ VĂN


20-10-2020

Trong tuần từ 7/1 đến 12/1/2019, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô tổ bộ môn Ngôn ngữ cùng các thầy cô chủ nhiệm lớp, các bạn sinh viên K66 Khoa Ngữ văn đã tham gia chuyến đi thực tế “Miền Trung yêu dấu” - một trong những hoạt động thường niên của Khoa Ngữ văn.

*Trung tâm Tin tức Khoa Ngữ văn xin trân trọng gửi tới quý thầy cô cùng các bạn phần tổng hợp series "Du ký Miền Trung".

Trong tuần từ 7/1 đến 12/1/2019, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô tổ bộ môn Ngôn ngữ cùng các thầy cô chủ nhiệm lớp, các bạn sinh viên K66 Khoa Ngữ văn đã tham gia chuyến đi thực tế “Miền Trung yêu dấu” - một trong những hoạt động thường niên của Khoa Ngữ văn nhằm bồi dưỡng những giá trị truyền thống cho sinh viên. Hành trình 6 ngày 5 đêm dọc theo chiều dài Tổ quốc đã để lại trong mỗi cá nhân những dư vị ngọt ngào và đáng nhớ.

Đoàn thực tế "Miền Trung yêu dấu" của Khoa Ngữ văn

NGÀY THỨ NHẤT: ĐƯỜNG TÔI ĐI DÀI THEO ĐẤT NƯỚC

Khi trời Hà Nội chưa ửng sáng, con đường Xuân Thuỷ mới lác đác người qua lại, đoàn thực tế gồm các giảng viên và sinh viên Khoa Ngữ văn đã lên xe, bắt đầu chuyến thực tế “miền Trung yêu dấu”. Những gương mặt dẫu thoáng chút dư âm của giấc ngủ nhưng vẫn ánh lên sự háo hức cho một chuyến đi xa hứa hẹn nhiều thú vị, cảm xúc và trải nghiệm. Thời tiết ngày đầu rất ủng hộ, dự báo một chuyến đi thuận lợi cho đoàn. Tại Hà Nội, trời còn mờ sương nhưng di chuyển về phía Nam, tiết trời ấm dần lên và hửng nắng khi đoàn viếng mộ Đại tướng. Tiết trời dễ chịu đã xua tan đi sự mệt mỏi của ngày di chuyển dài nhất trong toàn chuyến đi (480 km). Một điều thật đặc biệt là khi đoàn bắt đầu dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những ngọn lau bên mộ khẽ rung rinh trong gió như sự chứng giám cho lòng thành của đoàn thực tế Văn khoa. Những làn khói hương giữa đất trời tạo nên một khoảng lặng trong lòng mỗi người, để mỗi người tưởng nhớ và tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc.

NGÀY THỨ HAI: QUÁ KHỨ BI TRÁNG DỆT TƯƠNG LAI MỘNG MƠ

Tạm biệt Quảng Bình yêu dấu, đoàn tiếp tục viếng thăm Nghĩa trang Trường Sơn, nằm trên địa phận tỉnh Quảng Trị. Vào buổi sáng, đoàn có mặt tại nhà Khánh tiết trong Nghĩa trang để tập trung làm lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng anh linh các anh hùng liệt sĩ. Sau đó, đoàn di chuyển đến Đài Tưởng niệm, tiếp tục dâng hương với biết bao niềm thành kính, trước những người anh hùng đã gửi lại tuổi 20 nơi tuyến đường Trường Sơn lịch sử, vì độc lập tự do của dân tộc. Các bạn sinh viên tỏa ra các khu vực trong Nghĩa trang, dâng nén tâm hương tại những phần mộ liệt sĩ với niềm kính ngưỡng sâu sắc.

Những chuyến xe lại tiếp tục lăn bánh, dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh năm xưa từng là chiến địa ác liệt. Những bài ca Cách Mạng vang lên cùng không khí trầm mặc của núi rừng Trường Sơn, khiến lòng người lắng lại trong niềm ngưỡng vọng. Băng qua những dặm đường Hồ Chí Minh, đoàn thực tế dừng chân nơi Thành cổ Quảng Trị oanh liệt nằm bên bờ dòng Thạch Hãn. Lễ dâng hương tại Đài Tưởng niệm trong thành và lắng nghe phần thuyết minh về 81 ngày đêm anh dũng của quân dân Việt Nam trong "Mùa hè đỏ lửa" năm 1972 khiến toàn đoàn thực tế không kìm được những dòng nước mắt nghẹn ngào. Lặng nhìn sông Thạch Hãn mênh mông sóng nước mà bồi hồi nghĩ đến mấy vần thơ của Lê Bá Dương:

"Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm"

Lễ dâng hương tại thành cổ Quảng Trị

Bữa trưa ngon miệng tại thành phố Đông Hà - Quảng Trị đã tiếp thêm năng lượng để các thành viên tiếp tục chuyến đi dài, với đích đến là Đà Nẵng - thành phố xinh đẹp nằm nghiêng nghiêng bên bờ sông Hàn. Trên đường đi, đoàn băng qua 3 đường hầm xuyên đèo là Phước Tượng, Phú Gia và Hải Vân (với chiều dài khoảng 6.2km). Đèo Hải Vân lãng đãng mây trời như lời chào đón những thành viên đoàn thực tế Khoa Ngữ văn đến với Đà Nẵng. Cuối buổi chiều, sau khi đi qua những cây cầu biểu tượng của thành phố như cầu Thuận Phước, cầu Rồng,... đoàn nhận phòng nghỉ ngơi tại khách sạn Sông Đà (nằm trên đường Trần Bạch Đằng, TP Đà Nẵng).

Thành phố đã bắt đầu lên đèn, báo hiệu một đêm trên phố biển đầy sôi động và nhiều kỉ niệm, ở nơi thành phố đáng sống nhất trên dải đất Việt Nam. Các bạn sinh viên được tự do đi trải nghiệm những địa điểm du lịch đẹp ở Đà Nẵng. Những địa chỉ quen thuộc như Cầu Tình Yêu, Cầu Rồng, Cầu Quay,.. hay con đường cát ven bờ biển là nơi các bạn sinh viên ghé thăm tại thành phố xinh đẹp này.

NGÀY THỨ BA: LANG THANG XỨ QUẢNG ĐÀ

Ngày thứ ba, nhất là buổi sáng, rất đặc biệt trong chuyến hành trình “miền Trung yêu dấu” của đoàn thực tế K66 - Khoa Ngữ Văn trường ĐHSP Hà Nội. Các điểm đến của Đoàn sẽ nằm gọn trong nội vi thành phố Đà Nẵng xinh đẹp.

Sau khi điểm tâm, đoàn bắt đầu di chuyển về núi Ngũ Hành Sơn. Các thầy cô và các bạn sinh viên đã ghé thăm chùa Linh Ứng, khám phá quần thể núi và hang động Ngũ Hành Sơn. Nhờ sự giới thiệu của các Hướng dẫn viên, đoàn đã tìm đến những địa điểm đẹp, đặc biệt của nơi đây như động Vân Thông, Cổng trời, chùa Tam Thai,... Phóng tầm mắt từ Cổng Trời, ta có thể nhìn rõ bãi biển Non Nước với mặt nước xanh trong, những con thuyền xa xa. Cảnh đẹp của Tổ quốc nên thơ hữu tình làm say lòng người.

Điểm đến thứ hai của đoàn trong buổi sáng hôm nay là chùa Linh Ứng thuộc Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Với những kết cấu, kiến trúc mang hơi hướng hiện đại, cảnh vật nơi đây nổi bật lên giữa nền trời biển xanh biếc. Điều ấn tượng với người viết chính là bức tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao 67m, nổi bật giữa nền trời xanh, hướng ra biển gợi lên biết bao cảm xúc.

Sau một buổi chiều nạp lại năng lượng dưới những con sóng Mỹ Khê, đoàn thực tế Văn khoa bước vào một chuyến đi đặc biệt: ghé thăm phố cổ Hội An và trở về Đà Nẵng trong buổi tối cùng ngày (9/1/2019).

Chiều hoàng hôn đang dần phai. Ba chiếc xe bắt đầu lăn bánh từ Đà Nẵng đến Hội An (Quảng Nam). Thật bất ngờ, khi đoàn vừa đặt chân xuống Hội An, những hàng cây hoa sữa ven đường thoảng mùi hương gợi nhớ về một Hà Nội xưa cũ.

Hội An có lẽ đẹp nhất về đêm, cũng chính là lúc người Khoa Văn dắt tay nhau băng qua những nẻo đường phố cổ. Nhắm mắt để tâm hồn nhẹ chạm vào không gian yên bình nơi phố cổ: một không gian cổ kính pha chút màu sắc hiện đại Những dãy nhà hai bên đường. Những biển hiệu mộc mạc. Cách bài trí trong mỗi cửa hàng. Những hàng dài đèn lồng lung linh sắc màu. Cả cách giao tiếp của những người bán hàng nơi đây. Tấp nập những du khách đến từ nhiều nơi trên thế giới. Giữa không gian tấp nập ấy, chúng tôi vẫn cảm nhận được một khoảng lặng riêng, rất riêng, mà chỉ khi đến với Hội An chúng tôi mới bắt gặp.

Sau những phút dạo quanh Hội An, chúng tôi tập trung tại Chùa Cầu trước khi di chuyển về Đà Nẵng để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho những ngày tiếp theo của hành trình.

Hội An có lẽ đẹp nhất về đêm

NGÀY THỨ TƯ: THƯƠNG LẮM, HUẾ ƠI !

Một ngày mới lại đến. Trong ngày thứ tư của cuộc hành trình Miền Trung yêu dấu, đoàn thực tế Khoa Ngữ văn gửi lời chào tạm biệt một Đà Nẵng sôi động, để hướng về thành phố Huế mộng mơ. Sự trầm mặc của cố đô triều Nguyễn như lan tỏa vào trong không gian bao la. Chúng tôi đến Huế vào lúc những hạt mưa bay giăng đầy nơi góc phố nhỏ. Huế đẹp đến nao lòng, với nhịp sống chầm chậm lặng thinh. Cuối buổi sáng, đoàn thực tế đặt chân đến lăng Tự Đức (nằm trên đường Lê Ngọ Cát, với tổng diện tích vào khoảng 12 ha). Nơi yên nghỉ ngàn đời của vị vua thứ tư triều Nguyễn nằm lặng yên giữa những cánh rừng thông trầm mặc. Mưa vẫn bay. Cứ thế, Huế đón chúng tôi bằng cơn mưa đặc trưng của nó - nhẹ thôi, chẳng đủ thấm ướt tà áo người qua đường, và dịu ngọt như tính cách Huế thương:

"Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ

Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt

Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được

Nét dịu dàng, pha lẫn chút trầm tư"

Buổi chiều, đoàn thực tế tham quan chùa Thiên Mụ. Tọa lạc bên dòng sông Hương, chùa Thiên Mụ là trung tâm tôn giáo lớn và là địa điểm đặc biệt linh thiêng của xứ Huế mơ mộng. Khác biệt với những ngôi chùa khác với mái thuyền rồng cong cong, chùa Thiên Mụ mang dáng dấp của những gian nhà cổ, gợi nhớ gợi thương trong lòng người.

Trái tim của cố đô là kinh thành Phú Xuân. Trải qua bao phong ba bão táp, tòa thành năm xưa vẫn sừng sững "trơ gan cùng tuế nguyệt". Là biểu tượng của một thời vàng son nhưng cũng đau đớn trong dòng chảy lịch sử. Kiến trúc Đại Nội toát lên khí chất hoàng tộc Việt Nam xưa, với hệ thống cung điện nối tiếp nhau như điện Thái Hòa là nơi vua tổ chức thiết triều, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh,... Lang thang trong Đại Nội mênh mông, lạc lối trong dòng kí ức miên man, chợt nhận ra, dù chỉ là một chút thôi, về lối sống cung đình - lối sống của một thời đã xa.

Đến buổi tối, đoàn thực tế di chuyển ra bến Tòa Khâm, để bắt đầu chuyến thưởng ngoạn sông Hương lúc đêm về, và lắng đọng trong không gian của những làn điệu ca Huế dịu dàng.

Dập dềnh giữa sông Hương êm dịu. Những điệu ca Huế thương thánh thót hoà vào từng gợn sóng nhỏ nơi dòng sông Hương êm ả trôi.

Huế về đêm êm dịu quá!

Huế về đêm thướt tha quá!

Huế về đêm đẹp và đáng mến quá!

Sân khấu là chính nền thuyền dập dềnh, dập dềnh. Ánh đèn sân khấu là ngọn đèn vừa đủ tỏ. Chân thật. Mộc mạc. Đó là Huế. Huế thương yêu mà ai cũng biết đến. Có nghe ca Huế vào một đêm thanh bình, dập dìu sóng nước mới thấy yêu sự chân tình của Huế biết bao nhiêu.

Mỗi nghệ sỹ biểu diễn là một giọng ca riêng. Nhưng tựu chung nơi họ là sự ngọt ngào ấm áp, lời hát như lời tâm tình với chúng tôi. Đâu còn là màn trình diễn giữa nghệ sỹ và khán giả. Đó là màn tâm tình mà Huế gửi cho chúng tôi. Chỉ ngồi giữa sóng nước sông Hương, để da thịt được gió từ sông Hương mơn man mới cảm nhận rõ rệt không gian nghệ thuật rất riêng của ca Huế. Chỉ trên sông Hương ta mới nghe được trọn vẹn ca Huế mà thôi.

Hoa đăng trên sông Hương

NGÀY THỨ 5: GỞI LÒNG THÀNH NƠI MIỀN TRUNG ĐỎ LỬA

Sáng thức giấc trong lòng cố đô. Những làn sương sớm bảng lảng khiến khí trời lạnh hơn. Đoàn thực tế Khoa Ngữ văn bước lên xe, chào từ biệt cố đô, khi mà phần lớn Huế thương còn mơ màng trong ánh bình minh ngày mới. Chúng tôi xuất phát từ cố đô, trong buổi sáng, đã băng qua dải đất Quảng Trị đỏ lửa với cây cầu Hiền Lương mang ý nguyện thống nhất giang sơn trong thời kì kháng chiến chống Mỹ; dải đất Quảng Bình trưa nắng chang chang với những cồn cát trắng đã đi vào thơ ca:

"Mẹ rằng: quê mẹ Bảo Ninh

Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình"

và nghỉ trưa bên sóng biển dạt dào tại Bãi đá Nhảy (Bố Trạch, Quảng Bình).

Trong buổi chiều, đoàn tiếp tục di chuyển về miền Bắc Tổ quốc. Chúng tôi viếng thăm một "địa chỉ đỏ" gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc - Ngã ba Đồng Lộc, sau đó là một di tích mang dấu ấn văn hóa lớn lao - Khu tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du. Đoàn thực tế đặt chân đến Ngã ba Đồng Lộc, nơi tuyến đường huyết mạch đã phải hứng chịu hàng loạt trận bom của kẻ thù trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Chúng tôi lần lượt dâng hương tại Đài Tưởng niệm Liệt sỹ Thanh niên xung phong cả nước, Đài Tưởng niệm và mộ phần của 10 người nữ liệt sỹ Thanh niên xung phong đã ngã xuống trong trận bom ác liệt vào mùa thu năm 1968. Niềm xúc động thành kính dâng trào trong lòng người dâng hương. Nước mắt đã lăn dài trên gương mặt chúng tôi trước anh linh của những người đã hi sinh trọn đời cho Tổ quốc thiêng liêng. Rời Ngã ba Đồng Lộc, đoàn di chuyển tới Khu tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du khi chiều đang ngả bóng. Được tận mắt ghé thăm nơi phát khởi của dòng họ Nguyễn Tiên Điền tài hoa danh giá, đó là vinh dự lớn lao đối với những người theo đuổi nghiệp văn học - như chúng tôi. Trăng đã lên trên đỉnh đầu. Khoảnh khắc giao hòa giữa ngày và đêm trên quê hương cụ Tố Như quả khiến lòng người xao xuyến.

Ngã ba Đồng Lộc - nơi hàng ngàn chiến sĩ thanh niên xung phong ngã xuống vì độc lập tự do

Buổi tối, đoàn thực tế dừng lại nghỉ chân tại Cửa Lò, Nghệ An và tham gia chương trình Gala Dinner (giao lưu văn nghệ). Các sinh viên Văn khoa đã chứng tỏ rằng: không chỉ có kiến thức chuyên môn, chung mình còn sở hữu nhiều tài lẻ khác. Điểm nhấn đặc biệt trong chương trình tối nay là tiết mục hòa ca đầy ngọt ngào - bài hát "Mùa xuân đầu tiên" - của các thầy cô Tổ bộ môn Ngôn ngữ và các thầy cô chủ nhiệm lớp dành tặng cho toàn đoàn thực tế.

Một đêm đặc biệt trên biển Cửa Lò, hẳn sẽ vẫn còn mãi trong lòng chúng tôi.

NGÀY THỨ SÁU: ĐỂ MIỀN TRUNG YÊU DẤU CÒN MÃI TRONG TIM

Vào buổi sáng ngày 12/1/2019, đoàn thực tế đã đến thăm quê nội cũng như quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hình ảnh gắn liền với tuổi thơ của Người đã đem lại biết bao dòng cảm xúc nơi thầy và trò của Khoa Ngữ văn.

Sau khi dùng bữa trưa tại thành phố Vinh, đoàn đã lên xe, di chuyển về Hà Nội, kết thúc chuyến hành trình "miền Trung yêu dấu" kéo dài 6 ngày và 5 đêm. Khoảng 18 giờ 30, tất cả các thành viên đã có mặt tại cổng 1 trường ĐH SPHN, chính thức kết thúc chuyến hành trình an toàn.

Sau đây, Trung tâm tin tức Khoa Ngữ văn xin kính mời quý thầy cô và các bạn đến với những chia sẻ về chuyến hành trình đầy ý nghĩa này.

 
Phóng sự: Cảm nhận về chuyến hành trình "Miền Trung yêu dấu"

[DU KÝ MIỀN TRUNG - PHẦN CUỐI]: ĐỂ MIỀN TRUNG YÊU DẤU CÒN MÃI TRONG TIM Vào buổi sáng ngày hôm nay (12/1/2019), đoàn thực tế đã đến thăm quê nội cũng như quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hình ảnh gắn liền với tuổi thơ của Người đã đem lại biết bao dòng cảm xúc nơi thầy và trò của Khoa Ngữ văn. Sau khi dùng bữa trưa tại thành phố Vinh, đoàn đã lên xe, di chuyển về Hà Nội, kết thúc chuyến hành trình "miền Trung yêu dấu" kéo dài 6 ngày và 5 đêm. Khoảng 18 giờ 30, tất cả các thành viên đã có mặt tại cổng 1 trường ĐH SPHN, chính thức kết thúc chuyến hành trình an toàn. Sau đây, Trung tâm tin tức Khoa Ngữ văn xin kính mời quý thầy cô và các bạn đến với những chia sẻ về chuyến hành trình đầy ý nghĩa này. Thực hiện: Xuân Bảo, Hùng Lê, Ái Nghĩa (trung tâm tin tức Khoa Ngữ văn) #DukymienTrung #HPT

Posted by HPT- CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội on Saturday, January 12, 2019

 

Post by: Vu Nguyen HNUE
20-10-2020