Tin nóng

VĨNH BIỆT NHÀ GIÁO NGUYỄN ĐÌNH CAO


19-10-2020

Nhà giáo Nguyễn Đình Cao, nguyên phó trưởng bộ môn Tiếng Việt 2, tiền thân của bộ môn Phương pháp dạy học Tiếng Việt - Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội, đã từ trần hồi 21h56 phút ngày 11/2/2018 (26 tháng Chạp năm Đinh Dậu), hưởng thọ 88 tuổi.

Lễ viếng và truy điệu từ 10h30 - 12h00 ngày 13/2/2018 (28 tháng Chạp năm Đinh Dậu) tại Nhà tang lễ Bệnh viện Bộ CA 19-8, số 9 ngõ 58 Trần Bình - Cầu Giấy- Hà Nội.
An táng cùng ngày tại Lạc Hồng Viên - Lương Sơn - Hòa Bình.

Nhà giáo Nguyễn Đình Cao sinh ngày 14 tháng 01 năm 1931 tại làng Áng Sơn, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình trong một gia đình danh tiếng. Thân sinh thầy là bác sĩ chuyên trị bệnh cứu người, sinh được 16 người con, trong đó có 5 người tham gia Kháng chiến chống Pháp. Gia đình được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng danh hiệu Gia đình vẻ vang. Hai anh trai của thầy là GS. Nguyễn Lương Ngọc, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và GS. Nguyễn Đình Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Em trai là GS. Nguyễn Ngọc San, nguyên Trưởng Bộ môn Hán Nôm, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội…
Từ năm 1948 - 1952, thầy phục vụ trong quân đội, từng là thư ký Ban chính trị, trung đoàn 77 Thanh Hóa, tham gia Đoàn kịch chiến sỹ thuộc Phòng chính trị, Bộ tư lệnh Liên khu IV, vào công tác ở vùng địch hậu Bình Trị Thiên, là Phóng viên báo “Vệ quốc quân” phân khu Bình Trị Thiên và Trung Lào, công tác tại mặt trận Bình Trị Thiên, là Cán bộ Phòng chính trị, Bộ tư lệnh Liên khu 4. 
Năm 1952 - 1953, thầy là học viên, rồi ủy viên Hiệu đoàn trường Trung cấp sư phạm Liên khu 3. 
Từ năm 1953 - 1956, thầy làm giáo viên, rồi Hiệu trưởng trường PT Cấp II Nguyễn Quốc Ân, Ninh Bình. Năm 1956 - 1958, thầy làm giáo viên, rồi Hiệu trưởng Trường cấp II Thanh Oai, kiêm Bí thư chi bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn huyện Thanh Oai – tỉnh Hà Đông cũ. Năm 1958 - 1959, thầy làm Hiệu trưởng trường PT Cấp II huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông. 
Từ năm 1959 - 1961, thầy về học tại trường ĐHSP Hà Nội; rồi từ tháng 8 năm 1963, thầy là giảng viên Bộ môn Lý luận văn học, Khoa Ngữ Văn trường ĐHSP HN. Năm 1963 - 1965, thầy là cán bộ giảng dạy Nga Văn, kiêm Bí thư chi bộ Ngoại ngữ Trường ĐHSP HN. 

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, bộ vét, kính mắt và cận cảnh


Từ năm 1966 - 1969, thầy được Bộ Giáo dục cử đi công tác tại Liên Xô, làm công tác biên dịch tại Đài phát thanh Mạc Tư Khoa. 
Từ năm 1969 - 1974, thầy là Cán bộ giảng dạy Nga Văn, rồi Tổ trưởng chuyên môn Phòng nghiên cứu khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội. 
Từ năm 1996 - 1997, thầy được cử đi làm công tác Tuyên giáo giáo dục tại Viêng Chăn - CHDCND Lào. 
Từ năm 1997 thầy trở về làm việc tại bộ môn Phương pháp dạy học Văn và tiếng Việt - Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP HN, rồi năm 2000 nghỉ hưu tại Trường. 
Ở cương vị công tác nào, nhà giáo Nguyễn Đình Cao cũng cố gắng khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm chất lượng công tác và là một tấm gương sáng cho đồng nghiệp noi theo. 
Thầy là một trong những người đầu tiên đề nghị đưa chương trình Ngữ pháp văn bản vào môn Tiếng Việt và Làm văn ở trường phổ thông cơ sở.
Thầy Cao là tác giả chính của giáo trình "Làm văn", 2 tập, xuất bản năm 1989 và 1991. Giáo trình này được Bộ môn Phương pháp dạy học Ngữ văn sử dụng trong hàng chục năm. Thầy còn là tác giả của các công trình "Sổ tay chính tả", "Sổ tay giải thích thành ngữ tiếng Việt", là những cuốn sách được tái bản rất nhiều lần và là tác giả của hàng chục bài báo khoa học đăng trên các báo và tạp chí chuyên ngành.

Trên con đường gần một thế kỉ qua, nhà giáo Nguyễn Đình Cao luôn đau đáu quan tâm đến các thế hệ học trò cũng như việc phát triển công tác chung của Bộ môn. Khi đã nghỉ hưu, thầy vẫn tiếp tục cống hiến công sức của mình trong việc giảng dạy cho Khoa Ngữ văn và các khoa khác, cho nước bạn Lào. Thầy là cộng tác viên uy tín của 9 tờ báo, tạp chí và Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Trong những ngày lâm bệnh nặng, thầy vẫn cố gắng hết mình để hoàn thiện cuốn sách cuối cùng "Từ điển từ đồng nghĩa Tiếng Việt".

Cuốn sách còn dang dở... thầy đã ra đi...

Cõi vĩnh hằng, mong thầy được an lòng: việc dở dang, các thế hệ học trò sẽ chung tay gánh vác.

Vô cùng thương tiếc tiễn biệt thầy!

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020