Tin nóng

Xin vĩnh biệt PGS.NGƯT Lưu Đức Trung - Ông già Haiku của Khoa Ngữ văn chúng tôi


19-10-2020

PGS.NGƯT Lưu Đức Trung sinh ngày 5 tháng 5 năm 1933 tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình cán bộ viên chức. Thân phụ là cụ Lưu Đức Khiêm, trước Cách mạng làm công chức Sở Hỏa xa Đông Dương, sau từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Thân mẫu là cụ Trương Thị Biền, quê Thừa Thiên – Huế, mất năm 1943, khi cậu bé Lưu Đức Trung chưa đầy 10 tuổi.

          PGS Lưu Đức Trung đã sống những năm tháng thiếu niên và thanh niên sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết. Trong thời kì Cách mạng tháng Tám và Kháng chiến chống thực dân Pháp, ngay từ khi còn đi học, PGS từng tích cực tham gia các hoạt động xã hội do tổ chức Đảng lãnh đạo: tháng Tám năm 1945, khi mới 12 tuổi, làm liên lạc viên đội võ trang khởi nghĩa ga Lạc Sơn, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, đồng thời bắt đầu học tập tại trường Trung học Phan Bội Châu, Quảng Bình đến năm 1947; trong hai năm 1947 – 1948, công tác tại Huyện đội Dân quân du kích huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình; từ năm 1948 đến năm 1950, lại trở về học tiếp tại Trường Trung học Phan Bội Châu, Quảng Bình, năm 1949, khi vừa tròn mười sáu tuổi, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi giữ chức Tỉnh đoàn phó Tỉnh đoàn Học sinh Sinh viên tỉnh Quảng Bình.

         Năm 1950, theo tiếng gọi của Tổ quốc, PGS Lưu Đức Trung lên đường tòng quân, biên chế tại Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 cho đến năm 1953, do sức khỏe yếu, đã xuất ngũ.

         Rời quân ngũ, PGS Lưu Đức Trung được cử sang Trung Quốc học Sư phạm Cao cấp tại Khu học xá Nam Ninh từ 1953 đến 1956. Sau khi tốt nghiệp, PGS trở về nước. Theo sự phân công của Bộ Giáo dục, với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, PGS Lưu Đức Trung đã về dạy học nơi tuyến lửa tại Trường Trung học Vĩnh Linh từ năm 1957 đến năm 1958. Cũng trong năm 1958, Trường Ngoại ngữ Hà Nội được thành lập, PGS Lưu Đức Trung được Bộ Giáo dục điều chuyển về giảng dạy ở trường này, làm Trưởng Ban Trung văn, sau đó làm Trưởng phòng Giáo vụ, Đảng ủy viên Trường Ngoại ngữ Hà Nội.

Năm 1963, PGS Lưu Đức Trung quay trở lại Trung Quốc tham gia khoá Thực tập sinh Văn học tại Trường Đại học Tổng hợp Nam Khai, Thiên Tân đến năm 1966. Sau khi tốt nghiệp, PGS Lưu Đức Trung về làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Văn học Nước ngoài, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu. Trong thời gian từ năm 1986 – 1987, PGS Lưu Đức Trung từng thỉnh giảng tại Đại học Phnôm Pênh - Campuchia. Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là nơi PGS Lưu Đức Trung gắn bó lâu dài và sâu nặng. Bởi lẽ trong gần nửa thế kỉ đứng trên bục giảng, có tới 36 năm PGS Lưu Đức Trung công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang ngồi, bàn và trong nhà
 

Trong thời gian công tác tại Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS Lưu Đức Trung giảng dạy chủ yếu là văn học Phương Đông. PGS Lưu Đức Trung là nhà giáo tâm huyết với công việc giảng dạy và đào tạo. PGS Lưu Đức Trung là bậc thầy uyên bác của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, cao học, nghiên cứu sinh. Những bài giảng của phó giáo sư luôn giàu chất trí tuệ, giàu xúc cảm văn chương và gợi mở về phương pháp, do đó truyền được tình yêu và niềm say mê văn học phương Đông đến nhiều thế hệ học trò. Bao thế hệ học trò đã học tập từ PGS Lưu Đức Trung không chỉ những tri thức PGS truyền dạy mà còn cả tinh thần lao động, học tập không mệt mỏi, tình yêu người, yêu nghề sâu sắc cũng như nhân cách cao đẹp.

Là người được đào tạo chính quy về văn học Trung Quốc, PGS Lưu Đức Trung đã mở rộng phạm vi nghiên cứu, trở thành người có công lao khai sơn phá thạch đối với việc nghiên cứu và giảng dạy những nền văn học độc đáo khác của phương Đông như văn học Đông Nam Á, Ấn Độ, Nhật Bản... Những công trình khoa học của PGS Lưu Đức Trung như Lịch sử văn học Trung Quốc, Văn học Ấn Độ - Lào – Campuchia, Văn học Ấn Độ, Bước vào vườn hoa văn học châu Á, Yasunari Kawabata – cuộc đời và tác phẩm, Rabindranath Tagore… đã trở thành cẩm nang đối với những người nghiên cứu, giảng dạy văn học châu Á và những ai say mê muốn bước vào thế giới văn học thâm trầm, giàu hương sắc của phương Đông. PGS trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành trong cả nước về văn học Châu Á. Nhiều thế hệ học trò dưới sự dìu dắt của thầy cũng đã trưởng thành trở thành những chuyên gia nghiên cứu và truyền bá những nền văn học Châu Á vĩ đại. Ngoài mảng văn học Châu Á, PGS Lưu Đức Trung còn quy tụ được nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành, chủ biên và cho ra đời những bộ sách có giá trị Từ điển tác gia tác phẩm văn học nước ngoài trong nhà trường, Giáo trình Văn học thế giới, Chân dung các nhà văn thế giới… giới thiệu với độc giả những giá trị lớn lao của kho tàng văn học thế giới phong phú, đa dạng.

Về với Khoa Ngữ văn, với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là cơ duyên của PGS Lưu Đức Trung, cũng là cơ duyên của cả khoa và trường. Trong môi trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năng lực và đức độ của PGS Lưu Đức Trung được phát huy, khoa và trường có thêm một chuyên gia đầu ngành về văn học châu Á, tổ chức Đảng, bộ môn có thêm một người lãnh đạo tâm huyết, giàu kinh nghiệm, môn sinh có thêm một người thầy thông tuệ, đồng nghiệp có thêm người bạn lớn nhân hậu. Trong thời gian công tác tại khoa Ngữ văn, thầy Lưu Đức Trung đã được phong hàm Phó giáo sư, nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú, thầy từng đảm nhận các chức vụ Đảng ủy viên, Phó Chủ nghiệm bộ môn Văn học Nước ngoài. Và quan trọng hơn cả thầy đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh Khoa Ngữ văn – ĐHSP Hà Nội.

Tháng Tám năm 2003, PGS Lưu Đức Trung hưu trí tại tư gia Nhà D6, Khu Tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Năm 2004, thầy chuyển vào sinh sống cùng gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh ở địa chỉ số 16, ngõ 413 Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Với PGS Lưu Đức Trung, nghỉ hưu là hưu công chức chứ không khi nào hưu công việc. Thầy vẫn tiếp tục tham gia công tác giảng dạy và đào tạo sau đại học tại các Trường ĐHSP Hà Nội, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh… Năm 2007, PGS Lưu Đức Trung sáng lập và làm Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Haiku Việt TP Hồ Chí Minh, trực thuộc Hội Hữu nghị Việt – Nhật. Sau 10 năm hoạt động, Câu lạc bộ đã là cây cầu kết nối người yêu thơ haiku trên khắp đất nước và đồng thời là cây cầu góp phần kết nối tình hữu nghị, sự giao lưu hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc Việt Nam – Nhật Bản. PGS Lưu Đức Trung cũng là thành viên Hiệp hội Haiku Thế giới tại Nhật Bản (WHA).

Không chỉ là một nhà giáo, một nhà khoa học, PGS Lưu Đức Trung còn là một người sáng tác đầy cảm hứng. Những năm cuối đời, PGS Lưu Đức Trung dành nhiều thời gian và tâm lực cho việc thử nghiệm viết hồi kí, truyện cực ngắn và thơ haiku – những thể loại độc đáo tiếp nhận từ nền văn học Nhật Bản. Trong 7 năm từ 2006 đến 2013, PGS Lưu Đức Trung đã xuất bản 4 tập thơ haiku Tươi mãi với thời gian 1 (2006), Tươi mãi với thời gian 2 (2007), Bốn mùa hoa (2010), Hoa bìm bìm (2013). Thơ haiku của PGS Lưu Đức Trung hàm súc những triết lí sống đậm ý vị thiền sâu sắc, những tâm tình và ân tình sâu nặng, những kỉ niệm đơn sơ, bình dị với con người và vạn vật nhưng được nâng niu, trân trọng cất giữ như những vật báu trong tâm. Tập tryện cực ngắn Đuổi bắt bong bóng chất chứa những ưu tư, triết lí sâu sắc của một người từng trải chiêm nghiệm về cuộc đời. Tập hồi kí Kỉ niệm ấm lòng xuất bản năm 2011 ghi lại chân thực và cẩn trọng những kỉ niệm xúc động trong cuộc đời từ thuở hoa niên cho tới năm 78 tuổi. Kỉ niệm ấm lòng đọng lại một tấm chân tình của phó giáo sư với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò.

Ở bất cứ công việc nào, cương vị nào, PGS Lưu Đức Trung cũng luôn là người nhiệt thành, hết lòng với công việc.

Với những đóng góp lớn cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và sự nghiệp giáo dục của nước nhà, PGS Lưu Đức Trung đã được Đảng và Nhà nước tặng những danh hiệu cao quý: Huy chương kháng chiến Hạng Nhì (1961), Huy hiệu kháng chiến, Huân chương chống Mĩ cứu nước Hạng Nhì, Huy chương Hữu nghị của Chính phủ Camphuchia, danh hiệu Nhà giáo ưu tú, và nhiều bằng khen, nhiều danh hiệu cao quý khác.

 PGS.NGƯT Lưu Đức Trung sau một thời gian điều trị bệnh, đã từ trần hồi 17giờ 55 phút ngày 2 / 5 / 2017, hưởng thọ 85 tuổi.Ban Giám hiệu, Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Ngữ văn, Bộ môn Văn học Nước ngoài cùng tất cả những thế hệ học sinh, sinh viên, học viên xin vĩnh biệt Thầy, một nhà giáo, một nhà khoa học lớn, một nhân cách cao đẹp, một người cha, người ông thân yêu của gia đình,

Trong hình ảnh có thể có: 2 người

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020