Sáng ngày 15 tháng 1 năm 2016, trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Khoa Ngữ văn tổ chức Hội thảo “Đổi mới nghiên cứu và dạy học ngữ văn trong nhà trường sư phạm” hướng tới mục tiêu nhận diện những xu hướng mới trong nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn trên thế giới, thực trạng dạy học ở các trường Sư phạm Việt Nam, từ đó đặt ra những giải pháp đổi mới nghiên cứu và dạy học ngữ văn phù hợp với yêu cầu mới của xã hội.
Ngày 15 tháng 1 năm 2016, thực hiện chỉ đạo và phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Khoa Ngữ văn tổ chức Hội thảo “Đổi mới nghiên cứu và dạy học ngữ văn trong nhà trường sư phạm”. Hội thảo hướng tới mục tiêu nhận diện những xu hướng mới trong nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn trên thế giới, thực trạng dạy học ở các trường Sư phạm Việt Nam, từ đó đặt ra những giải pháp đổi mới nghiên cứu và dạy học ngữ văn phù hợp với yêu cầu mới của xã hội;
Đến tham dự Hội thảo, có TS Nguyễn Trọng Hoàn và PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS Nguyễn Văn Trào - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học, PGS.TS Vũ Thanh – Phó Viện trưởng, Viện Văn học; TS. Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm; TS. Nguyễn Thị Hiên – P. Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng; TS. Trần Thị Lệ Thanh – P. Hiệu trưởng trường Đại học Tân Trào;; PGS. TS. Nguyễn Thành Thi - Trưởng khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh;, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; TS. Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; PGS.TS Ngô Văn Giá - Trưởng khoa Lí luận phê bình và sáng tác, Đại học Văn hoá Hà Nội... và hơn 100 nhà khoa học đến từ 29 cơ quan nghiên cứu và đào tạo trong cả nước: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Thủ đô Hà Nội, Đại học Hải Phòng, Đại học Vinh, Đại học Tây Bắc, Đại học Tân Trào, Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, Cao đẳng Sư phạm Điện Biên...
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: “Bối cảnh mới của một thời đại bùng nổ thông tin, toàn cầu hóa và đa văn hóa cùng với phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc nghiên cứu và dạy học Ngữ văn trong nhà trường. Hội thảo khoa học này hướng tới mục tiêu nhận diện những xu hướng mới trong nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn trên thế giới, thực trạng dạy học ở các trường sư phạm Việt Nam, từ đó đặt ra những giải pháp đổi mới nghiên cứu và dạy học Ngữ văn phù hợp với yêu cầu mới của xã hội”.
PGS.TS. Nguyễn Văn Trào phát biểu khai mạc
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 104 tham luận khoa học được gửi tới từ 29 cơ sở nghiên cứu, đào tạo, trường phổ thông. Sau phiên toàn thể, Hội thảo được tổ chức thành hai tiểu ban: Tiểu ban 1- Đổi mới nghiên cứu ngữ văn trong nhà trường sư phạm; Tiểu ban 2- Đổi mới dạy học ngữ văn trong nhà trường sư phạm. Tại hai tiểu ban này, đông đảo cử tọa gồm đại biểu, báo cáo viên, các nhà khoa học quan tâm đã làm việc trong không khí học thuật nghiêm túc, tranh luận, thảo luận sôi nổi.
Không khí làm việc tại tiểu ban Đổi mới dạy học ngữ văn trong nhà trường sư phạm
Không khí làm việc tại tiểu ban Đổi mới nghiên cứu ngữ văn trong nhà trường sư phạm
104 báo cáo tham gia Hội thảo đã được Ban tổ chức Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với trường Đại học Tân Trào biên tập, xuất bản. Các tham luận đã tập trung làm sáng tỏ 4 tiểu chủ đề chính: Những vấn đề chung trong công cuộc đổi mới nghiên cứu và dạy học ngữ văn; những vấn đề về đổi mới nghiên cứu ngữ văn; những vấn đề về đổi mới dạy học ngữ văn ở trường sư phạm; những vấn đề hướng tới đổi mới dạy học ngữ văn ở trường phổ thông.
Ở mảng nội dung những vấn đề chung trong công cuộc đổi mới nghiên cứu và dạy học ngữ văn, 17 tham luận tập trung xác định triết lí giáo dục, mục tiêu đào tạo, chủ trương đổi mới; chỉ ra thực trạng nghiên cứu, dạy học ngữ văn ở nước ta hiện nay, giải pháp, các khuynh hướng, phương thức đổi mới chương trình, tổ chức nghiên cứu, dạy học ngữ văn. Tham luận của GS.TS Lã Nhâm Thìn chỉ ra mục tiêu của trường ĐHSP là đào tạo nên những con người có tư cách, có “năng lực làm công tác giảng dạy” và “công tác nghiên cứu”; tập trung xác định chủ trương “đổi mới ở Đại học Sư phạm nằm trong sự đổi mới chung của ngành giáo dục, chuyển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu cung cấp kiến thức sang hướng tiếp cận, bồi dưỡng, phát huy năng lực của người học”; khẳng định: “không có năng lực tự nhiên, tự thân, năng lực chỉ có thể hình thành trên cơ sở kiến thức”... PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Xu hướng chung của các nền giáo dục tiên tiến là chú trọng giúp người học phát triển năng lực giao tiếp ngôn ngữ - năng lực cốt lõi, thiết yếu nhất trong chương trình giáo dục phổ thông - ở tất cả các hình thức: đọc, viết, nói, nghe và năng lực giao tiếp đa phương thức.
PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng tham gia báo cáo
Mảng nội dung đổi mới nghiên cứu ngữ văn từ lí thuyết đến thể nghiệm gồm 16 tham luận, một mặt, giới thiệu một số khuynh hướng nghiên cứu từ lý thuyết đến ứng dụng, mặt khác, công bố những nghiên cứu phát hiện cụ thể. Nổi trội lên trong các khuynh hướng lý thuyết được giới thiệu tại Hội thảo là tiếp cận văn hóa và cận văn hóa: PGS.TS Trần Mạnh Tiến nhấn mạnh “tiếp cận văn học từ phê bình văn hóa”; PGS.TS Lê Lưu Oanh – Trần Thị Ánh Nguyệt đề cập đến “phê bình sinh thái”; TS Hoàng Phong Tuấn chỉ ra bước “chuyển hướng văn hóa của nghiên cứu tiếp nhận”; PGS.TS Lê Nguyên Cẩn phân tích “tính chất đa hệ thống và đa văn hóa trong tác phẩm văn chương...
Ở mảng nội dung giải pháp đổi mới cụ thể trong đào tạo, dạy học ngữ văn ở các trường sư phạm, Hội thảo có 36 tham luận hướng vào những vấn đề sau: Lí luận và phương pháp dạy học ngữ văn; Ứng dụng thành tựu khoa học cơ bản vào dạy học; Nâng cao khả năng tự học của sinh viên và hoạt động đọc và các giải pháp, phương pháp dạy học cụ thể ở các phân môn khác nhau trong nhà trường sư phạm; vấn đề kiểm tra, đánh giá. Nhiều phương pháp đã được nêu ra thảo luận tại Hội thảo như phương pháp “học thông qua dạy”; dạy học phân hóa cho sinh viên; phương pháp tích hợp... Tham luận của nhóm nghiên cứu do Nguyễn Thị Hồng Nam đứng đầu đưa ra “mô hình tập giảng phát triển kỹ năng chiêm nghiệm, quan sát và phản hồi cho sinh viên” được đánh giá là một công trình tập thể công phu, có ý nghĩa khoa học cao, có thể gợi mở những trao đổi, thảo luận cho Hội thảo.
Mảng nội dung phương pháp, kiến giải cụ thể hướng tới đổi mới dạy học ngữ văn ở trường phổ thông gồm 35 tham luận tập trung vào các vấn đề đổi mới tư duy dạy học và đọc văn, làm văn và chương trình ngữ văn phổ thông; đổi mới dạy học, đánh giá một số bộ phận, bài học khác nhau trong chương trình ngữ văn phổ thông. Tại Hội thảo, GS.TS Trần Đình Sử đề xuất đưa kí hiệu học vào môn đọc văn trung học phổ thông: “Học Tiếng Việt, học Ngữ học, học Văn học, thực chất là học sử dụng kí hiệu, giải mã kí hiệu, biết qua kí hiệu mà nắm bắt thông tin, sáng tạo nghĩa, chiếm lĩnh văn hóa”; “Dạy đọc văn theo kí hiệu, chúng ta có thể không cần hướng dẫn học sinh tái hiện mọi chi tiết của tác phẩm. Giáo viên chỉ lưu ý tập trung khai thác một số chi tiết kí hiệu có ý nghĩa then chốt, rồi tập trung phân tích lí giải các kí hiệu – biểu tượng đó, đưa đến sự hiểu bài văn...”
GS. TS. Trần Đình Sử tham gia báo cáo
Với những thành công đã đạt được, Hội thảo Đổi mới nghiên cứu và dạy học ngữ văn trong nhà trường sư phạm là một bước đi tiệm cận gần hơn với mục đích của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ảnh lưu niệm của các nhà khoa học tham gia Hội thảo
Tin hội thảo: LH