Ngày 9/1, tại Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Ngữ văn tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Đỗ Hữu Châu - Hành trình và tiếp nối. Hội thảo được tổ chức để tưởng nhớ Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Hữu Châu vào dịp 10 năm ngày mất của ông (9/1/2006 - 9/1/2016) và thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu ngôn ngữ học vào công cuộc đổi mới dạy học Ngữ văn trong nhà trường hiện nay.
GS.TS. Đỗ Hữu Châu (1932 - 2006), Nhà giáo ưu tú, Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ, nguyên Trưởng Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học, đã có nhiều đóng góp to lớn trong đào tạo, nghiên cứu và phát triển ngành Việt ngữ học.
Để tưởng nhớ 10 năm ngày mất và kỉ niệm 75 năm sinh GS.TS. Đỗ Hữu Châu đồng thời nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu ngôn ngữ học vào công cuộc đổi mới dạy học Ngữ văn trong nhà trường hiện nay, ngày 9 tháng 1 năm 2016,Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Ngữ văn tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: ĐỖ HỮU CHÂU – HÀNH TRÌNH VÀ TIẾP NỐI. Đến dự Hội thảo, có các vị đại diện lãnh đạo của Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Tạp chí Ngôn ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ & đời sống, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV, Trường ĐH Tây Bắc, Trường CĐ SP Thái Bình, Sở Giao dục Thanh Hóa, Tổng cục Du lịch, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Khoa Ngữ Văn, Phòng Khoa học, Hội cựu Giáo chức Khoa Ngữ văn, các nhà khoa học, các thế hệ học trò trên khắp mọi miền đất nước, từ vùng Tây bắc đến đồng bằng châu thổ, từ dải đất miền Trung với Huế, Đà nẵng, đến miền Nam với Quy Nhơn và TP Hồ Chí Minh …cùng đại diện gia đình GS. Đỗ Hữu Châu.
Trong diễn văn khai mạc, GS.TS. Đỗ Việt Hùng, Nguyên chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Phó hiệu trưởng trường ĐHSP khẳng định: GS.TS.NGƯT. Đỗ Hữu Châu là người thầy, nhà khoa học, đồng nghiệp thân thuộc của những người làm Ngôn ngữ học ở Việt Nam. Ông là một trong số ít các nhà khoa học có công giới thiệu nhiều khuynh hướng lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại của thế giới vào Việt Nam và là một trong những người đi đầu, đặt nền móng xây dựng nhiều chuyên ngành Việt ngữ học. Đóng góp của GS.TS. Đỗ Hữu Châu cho Việt ngữ học trải rộng trên nhiều lĩnh vực như các vấn đề từ, cấu tạo từ, ngữ nghĩa học, ngữ pháp văn bản, ngữ dụng học, ngôn ngữ - văn hóa, phân tích văn học từ giác độ ngôn ngữ học… Đặc biệt GS.TS. Đỗ Hữu Châu là người đầu tiên đưa lí thuyết Ngữ dụng học vào Việt Nam. Những luận điểm trong mỗi công trình của ông dù ở lĩnh vực nào cũng đều là những "viên gạch" chắc chắn để các thế hệ học trò, những người tiếp tục nghiên cứu theo hướng của ông sử dụng làm cơ sở lý luận để triển khai và đã có nhiều kết quả hữu ích, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển Ngôn ngữ học và Việt ngữ học. Cũng theo GS.TS. Đỗ Việt Hùng, GS.TS. Đỗ Hữu Châu là người thầy nghiêm khắc nhưng cũng rất gần gũi, thân thiện và hết mực chăm lo cho học trò. Nhiều lớp học trò lớn lên từ sự dìu dắt, quan tâm của thầy Đỗ Hữu Châu đã coi ông thực sự như một người cha kính yêu.
GS.TS. Đỗ Việt Hùng phát biểu khai mạc
Báo cáo đề dẫn Hội thảo của GS.TS. Bùi Minh Toán, nguyên Trưởng bộ môn Ngôn ngữ, khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu rõ: Hội thảo là cơ hội để nhìn lại toàn bộ sự nghiệp khoa học của GS.TS. Đỗ Hữu Châu, là cơ sở để tiếp tục khẳng định sự "lan tỏa" những ý tưởng khoa học, tiền đề lý luận khoa học trong nghiên cứu Việt ngữ học mà ông là người đặt nền móng.
Ngay sau báo cáo đề dẫn là bài phát biểu của chị Đỗ Thị Phượng Trinh con gái của cố GS.TS. Đỗ Hữu Châu. Thay mặt gia đình, chị Đỗ Thị Phượng Trinh đã xúc động bày tỏ cảm xúc và lời cảm ơn tới các vị đại biểu, các nhà khoa học cùng các thế hệ học trò của cố Giáo sư cùngTrường ĐHSP Hà Nội, khoa Ngữ văn và Bộ môn Ngôn ngữ. Theo Đỗ Thị Phượng Trinh, toàn bộ sự nghiệp của cố GS. Đỗ Hữu Châu, đã khiến chị thấu hiểu khi người ta coi công việc như là cuộc đời chứ ko phải là nghề nghiệp để kiếm sống đơn thuần thì tất cả những gì cố GS. Đỗ Hữu Châu dành cho các thế hệ sinh viên, cho sự nghiệp giáo dục đều là tình yêu thương xuất phát từ cái tâm; vì thế mà con người vượt lên trên mọi hoàn cảnh thiếu thốn và khắc nghiệt; vì thế mà nghĩa của cuộc đời này không nằm trong việc chúng ta sống bao lâu, chúng ta nghèo hay giàu mà chính là chúng ta đã có bao nhiêu cơ hội để sống hết mình với đam mê và chia sẻ nó với những tâm hồn đồng điệu.
Phút tưởng niệm GS.TS.NGUT Đỗ Hữu Châu
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 70 tham luận, bài viết của các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài ngành Ngôn ngữ học, bạn bè đồng nghiệp và các thế hệ học trò của GS.TS. Đỗ Hữu Châu. Các tham luận, bài viết này được Ban tổ chức biên soạn thành một cuốn sách dày 760 trang khổ 16 x 24 cm mang tên Đỗ Hữu Châu - Hành trình và Tiếp nối. Cuốn sách gồm 3 chủ đề lớn. Chủ đề thứ nhất: Hành trình khoa học của Đỗ Hữu Châu, tập trung làm rõ những đóng góp có tính lí luận, tính “mở đường” của GS.TS. Đỗ Hữu Châu. Chủ đề thứ hai: Những tiếp nối sự nghiệp khoa học của Đỗ Hữu Châu, trình bày các kết quả nghiên cứu dựa trên những luận điểm nền tảng mà GS.TS. Đỗ Hữu Châu đã đề xuất, giới thiệu. Chủ đề thứ ba: Hồi ức và kỉ niệm, tập hợp các bài viết bày tỏ cảm xúc, sự kính trọng của đồng nghiệp, của các thế hệ học trò đối với GS.TS. Đỗ Hữu Châu.
Bìa kỉ yếu Hội thảo
Hội thảo đã được nghe 3 báo cáo với những nội dung khoa học rất phong phú cùng những lời phát biểu, đối thoại, trong một không khí tôn vinh tài năng và nhân cách GS.TS. Đỗ Hữu Châu, bên cạnh không khí giao lưu học thuật cởi mở. Đó là báo cáo của GS.TS.Nguyễn Văn Khang: GS.TS. Đỗ Hữu Châu với vấn đề từ tiếng Việt, báo cáo của PGS.TS. Nguyễn Thái Hòa: Một ghi chú về hành trình khoa học của Đỗ Hữu Châu và báo cáo: Trả ngôn ngữ về với nôi đời của PGS.TS. Nguyễn Thị Lương. Mỗi báo cáo trình bày những lĩnh vực, kết quả nghiên cứu ngôn ngữ học khác nhau của GS. Đỗ Hữu Châu. Theo GS.TS. Nguyễn Văn Khang, có 2 điều làm nên một nhà từ vựng học Đỗ Hữu Châu đích thực, đồng thời cũng là đóng góp của GS Đỗ Hữu Châu với Việt ngữ học: Thứ nhất, việc nghiên cứu đơn vị từ của ngôn ngữ cần phải đặt ở trạng thái động, trong một mối quan hệ tương tác đa chiều với các đơn vị khác của ngôn ngữ cũng như với biến thể của chính chúng trong thực tế giao tiếp; Thứ hai: quan điểm của Đỗ Hữu Châu về cơ chế tạo từ tiếng Việt, Toàn bộ hồn cốt chân dung của nhà từ vựng học Đỗ Hữu Châu, được GS Nguyễn Văn Khang thâu tóm lại bằng nhận xét rất tinh và cũng rất mực tài hoa: Trừu tượng và cụ thể, hằng thể và biến thể, nguyên liệu và cơ chế, dứt khoát và trung gian,...đã làm nên một GS.TS Đỗ Hữu Châu sắc sảo, trí tuệ và ngạo nghễ trong giờ lên lớp, trong các buổi chấm luận án, luận văn và, cũng để lại đằng sau đó một Đỗ Hữu Châu đời thường mong manh như sương khói, vấn vương với bao nỗi niềm. Nếu GS.TS. Nguyễn Văn Khang chọn một phương diện nghiên cứu của GS. Đỗ Hữu Châu về vấn đề từ tiếng Việt luận bàn thì PGS.TS. Nguyễn Thái Hòa lại xem xét, đánh giá các công trình nghiên cứu về Việt ngữ của GS.TS. Đỗ Hữu Châu bằng một quá trình, một hành trình. PGS.TS Nguyễn Thái Hòa cho rằng, sự nghiệp nghiên cứu khoa học của GS. Đỗ Hữu Châu được đánh giá cao bởi việc đề xuất phương pháp tiếp cận ngôn ngữ và việc vận dụng kết quả nghiên cứu về nghĩa của từ để tìm hiểu nghĩa của ngôn ngữ văn chương. Cũng theo Nguyễn Thái Hòa, vì GS. Đỗ Hữu Châu đã sẵn có nền móng lý thuyết từ trước về ngữ nghĩa học nên ông nhanh chóng tiếp thu lí thuyết Dụng học trên thế giới, làm cho lí thuyết đó phục vụ có hiệu quả việc nghiên cứu Việt ngữ. Chia sẻ với ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Thái Hòa, PGS.TS. Nguyễn Thị Lương đánh giá cao vai trò của GS.TS. Đỗ Hữu Châu trong việc tiên phong đưa lí thuyết Ngữ dụng học trên thế giới vào Việt Nam. Theo PGS. Nguyễn Thị Lương: Ngữ dụng học là điểm sáng nhất trong sự nghiệp Ngôn ngữ học của GS. Đỗ Hữu Châu. Bởi GS. Đỗ Hữu Châu và Ngữ dụng học đã làm nên một cuộc cách mạng trong giới Ngôn ngữ học ở Việt Nam. Việc chuyên khảo Ngữ dụng học của GS. Đỗ Hữu Châu xuất hiện được ví như một cuộc cách mạng đối với chuyên ngành ngôn ngữ học Việt Nam ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, Đại học Sư phạm Hà Nội có tới vài trăm học viên cao học nhận đề tài về Ngữ dụng học.
Bên cạnh các báo cáo là những bài phát biểu ý kiến, chia sẻ cảm xúc. Đó là lời khẳng định của GS.TS. Trần Đình Sử về tầm vóc của Đỗ Hữu Châu. Theo GS. Trần Đình Sử, GS.TS. Đỗ Hữu Châu là nhà sư phạm lỗi lạc, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp giáo dục. Những công trình của Đỗ Hữu Châu thật sự xứng tầm Giáo trình đại học với đúng nghĩa của nó. Đỗ Hữu Châu là nhà khoa học tầm cỡ bởi ông là người đầu tiên đề xuất sự thay đổi trong nội dung dạy học văn; là người tiên phong đưa ngôn ngữ học vào trong nhà trường phổ thông; là nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Việt nam bởi hệ lí thuyết nền tảng về từ vựng học, ngữ nghĩa học và đặc biệt là Ngữ dụng học; đồng thời Đỗ Hữu Châu cũng chính là người đầu tiên nhận ra mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn học. Lời tri ân sâu nặng của các thế hệ học trò qua cảm xúc của TS. Phạm Ngọc Thưởng, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, GS.TS. Lê Phương Nga. TS. Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, phương pháp nghiên cứu khoa học mà GS. truyền đạt cho học trò đã vượt ra khỏi lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nó giúp học trò của Giáo sư làm việc có hiệu quả trên các phương diện, công việc khác nhau của xã hội. PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống cho rằng: thầy Châu là hình mẫu của giáo viên đại học, đã là giáo viên đại học phải như thầy Châu. Giọng ngâm thơ đậm đặc chất Huế của TS. Trương Thị Nhàn đã khơi gợi những hồi ức về những giờ dạy học chuyên đề Ngôn ngữ và văn học của GS. Đỗ Hữu Châu dành cho học viên cao học, NCS. GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, GS. Nguyễn Khắc Phi, GS.TSKH. Phương Lựu ca ngợi nhân cách, trí tuệ của GS. Đỗ Hữu Châu qua các câu chuyện dí dỏm, khôi hài nhưng vẫn nặng ân tình.
Do thời lượng của Hội thảo nên còn rất nhiều bài viết chưa thể trình bày trực tiếp trên diễn đàn trong Hội thảo lần này. Tuy nhiên, những báo cáo, những lời tâm sự, lời phát biểu tại Hội thảo cũng đã thể hiện được chân dung nhà giáo, nhà quản lí, nhà khoa học GS.TS Đỗ Hữu Châu. Đó là vị nhạc trưởng tài ba của “dàn nhạc A7”, là “Bố Châu” của nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngữ văn, là vị chủ nhiệm khoa nghiêm nghị nhưng đầy bao dung, là người đặt nền móng xây dựng nhiều chuyên ngành Việt ngữ học. Và đặc biệt là người đầu tiên đưa lí thuyết Ngữ dụng học vào Việt nam, trả ngôn ngữ về với “nôi đời ” xanh tươi. Các thế hệ học trò mãi nhớ ơn, biết ơn thầy – GS.TS. Nhà giáo ưu tú Đỗ Hữu Châu.
Cuộc đời nghiên cứu khoa học của GS Đỗ Hữu Châu dừng lại ở tuổi 75 nhưng tư tưởng khoa học của Đỗ Hữu Châu thì vẫn không ngừng lan tỏa và phát triển. Với ước nguyện được nhìn thấy sự nghiệp khoa học của GS.TS. Đỗ Hữu Châu luôn được tiếp nối bởi các thế hệ học trò, gia đình cố GS cùng các thế hệ học trò đã tạo lập quỹ giải thưởng dành cho sinh viên mang tên GS.TS. Nhà giáo ưu tú Đỗ Hữu Châu.
Bài: Đặng Thị Hảo Tâm
Ảnh: Sưu tầm
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO