Tin nóng

Hội thảo “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”


18-10-2020

(ĐCSVN) - Ngày 3/10, tại TP.Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức khai mạc Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”.

Hội thảo lần này vừa mang tính khoa học vừa mang tính thực tiễn khi không chỉ tập trung làm rõ về mặt lý thuyết nhiệm vụ xây dựng nhân cách con người Việt Nam của văn học, nghệ thuật (VHNT) mà còn xác định trách nhiệm của từng lĩnh vực VHNT, của người sáng tác VHNT trong việc thực hiện nhiệm vụ. Hội thảo đặt ra 4 vấn đề: Mối quan hệ hữu cơ giữa vai trò, sứ mệnh của VHNT với việc xây dựng, nuôi dưỡng nhân cách con người và nhận thức về đặc điểm, đặc trưng, thực trạng nhân cách con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; Những vấn đề đặt ra trong thực tiễn sáng tạo VHNT Việt Nam thời gian qua về việc nhận thức, phản ánh, khám phá con người Việt Nam, những tìm tòi mới và những hạn chế thiếu sót; Vai trò, trách nhiệm của người sáng tạo VHNT Việt Nam hiện nay để góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Các giải pháp đột phá, khả thi tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển VHNT trong nhiệm vụ xây dựng nhân cách con người Việt Nam.

 

 PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh phát biểu Khai mạc Hội thảo (ảnh:VL)

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng l‎ý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, giáo dục là một chức năng cơ bản của văn học, nghệ thuật. Xưa cũng như nay, trong lịch sử văn hóa nhân loại cũng như lịch sử văn hóa Việt Nam, việc xây dựng nhân cách con người, xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp, đấu tranh chống lại cái giả dối, cái ác, cái thấp hèn, xấu xa trong đời sống xã hội, thường xuyên là bản chất truyền thống của văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh cũng đã thẳng thắn cho rằng, những năm qua, so với những thành quả trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thì thành tựu trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật chưa tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đặc biệt là chưa bảo đảm văn hóa là mục tiêu, là động lực tạo nên sức mạnh nội sinh để tác động có hiệu quả trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách con người và môi trường văn hóa lành mạnh.

Trước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng, Chủ tịch Hội đồng l‎ý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đặt vấn đề phải chăng sự suy thoái ấy nảy sinh từ nhiều nguyên nhân, trong đó có số đông văn nghệ sĩ chưa thật “dấn thân”, còn có biểu hiện né tránh, hoặc đề cập còn mờ nhạt trong tác phẩm?

Sau phần phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, đưa ra những quan điểm cũng như giải pháp xoay quanh chủ đề của Hội thảo “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”.

Khẳng định vai trò quan trọng của VHNT, theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, có nhiều cách để giáo dục nhân cách con người, như có thể dùng thiết chế văn hóa; dùng luật pháp; dùng giáo dục chính trị; dùng giáo dục đạo đức và đúc kết các nội dung đó với nhau song trong các loại hình giáo dục đó thì VHNT chiếm một vị trí đặc thù. Nó hướng con người đến cái thiện, động viên tinh thần, phẩm chất sáng tạo và phát huy tinh hoa. “Vậy chúng ta cần phải làm gì? Cần hết sức chăm lo cho giáo dục các thế hệ trẻ, chăm lo giáo dục nhà trường, gia đình, cộng đồng. Bên cạnh chỉ tiêu phát triển kinh tế rất quan trọng, chúng ta phải đặc biệt chú trọng chăm lo phát triển giáo dục, vừa đào tạo con người có kỹ năng KHKT, vừa đào tạo những con người có phẩm chất, có tâm hồn kế thừa và xứng đáng với truyền thống”, đồng chí Lê Khả Phiêu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đồng chí Lê Khả Phiêu cũng nhắc nhở, kiên trì những định hướng đúng đắn của nền VHNT Việt Nam hiện nay, trong tình hình có ít nhiều sự lộn xộn, xuống cấp, tiêu cực là điều mà cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng về văn hóa, giáo dục, văn học, nghệ thuật phải đặc biệt quan tâm và có kế hoạch tạo mọi điều kiện có thể để các nhà trí thức, văn nghệ sĩ hòan thành nhiệm vụ của mình trước con người và lịch sử.

 

 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu tại Hội thảo (ảnh:VL)

Tại Hội thảo, GS.TS Lê Huy Bắc cho rằng, khi nhân cách xuất hiện thì mới có văn học, và ngược lại văn học ra đời không nằm ngòai mục đích để hình thành và phát triển nhân cách. Nhân cách là một giá trị cao quý mà con người cần phấn đấu. Việc sáng tác một tác phẩm VHNT cũng cần phải có nhân cách và khi người đọc tiếp cận tác phẩm ấy thì cũng có nghĩa người đó cũng được học hỏi rèn luyện nhân cách.

Văn học cũng như mọi hình thức nghệ thuật khác đều không bỏ qua mục tiêu giáo dục con người.Văn chương có thể tác động mạnh mẽ đến hành vi và nhận thức của con người, do đó, GS. TS Lê Huy Bắc gợi ý giải pháp nên sử dụng các tác phẩm VHNT để nhằm vào mục đích hình thành và phát triển nhân cách con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

Cùng quan điểm trên, nhà văn Vũ Hạnh cho rằng, việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam đòi hỏi trước hết gạt bỏ ra khỏi hàng ngũ văn nghệ những người nhân cách suy đồi…Văn nghệ chúng ta là một mặt trận – như lời Bác Hồ nhắc nhở- và chúng ta không chấp nhận sự mất nhân cách bất cứ dưới vỏ bọc nào.

Ở trong tình hình hiện tại, văn nghệ sĩ có bổn phận tôn vinh những con người tốt, phát huy các giá trị tích cực. Những người hùng, những tấm gương sáng và những việc làm kỳ diệu đang còn đầy ắp ở trong quá khứ cũng như hiện tại của dân tộc mình. Muốn xây dựng và bảo vệ nhân cách của người Việt thì ngoài việc sáng tác hướng về chủ đề này, chúng ta cũng phải củng cố, mở rộng lực lượng phê bình, để định hướng cho giới trẻ, đồng thời, chúng ta phải chung sức chung lòng trong sự đổi mới giáo dục cùng với kiện toàn pháp luật, nhà văn Vũ Hạnh chia sẻ.

Hội thảo sẽ được bế mạc vào trưa ngày 4/10. Chiều nay (3/10) và sáng 4/10, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ chia theo tổ để tiến hành thảo luận. Ban Tổ chức cho biết, Hội thảo thu hút 97 tham luận từ các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, nhà giáo dục, quản lý văn hóa, các văn nghệ sĩ uy tín đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật của cả nước. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần thiết thực vào quá trình tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW9 (khóa XI) của Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Bản kết luận Hội thảo sẽ là một tài liệu tốt để Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII của Đảng tham khảo, nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo Báo cáo chính trị./.

Nguồn: http://dangcongsan.vn/

Post by: Vu Nguyen HNUE
18-10-2020