Tin nóng

Hội thảo khoa học Nghiên cứu thi tuyển chữ Hán Việt Nam


18-10-2020

Ngày 23 tháng 8 năm 2013, Hội thảo Nghiên cứu thi tuyển chữ Hán Việt Nam đã được tổ chức long trọng tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu và Giảng dạy Hán Nôm – Viện Khoa học Xã hội – ĐHSP Hà Nội phối hợp với Khoa Ngữ văn – ĐHSP Hà Nội tổ chức. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học.

 

Ngày 23 tháng 8 năm 2013, Hội thảo Nghiên cứu thi tuyển chữ Hán Việt Nam đã được tổ chức long trọng tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu và Giảng dạy Hán Nôm – Viện Khoa học Xã hội – ĐHSP Hà Nội phối hợp với Khoa Ngữ văn – ĐHSP Hà Nội tổ chức. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học.

          Hội thảo đã nhận được trên 30 bản tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước, đến từ nhiều đơn vị nghiên cứu uy tín như Khoa Ngữ văn, Khoa Việt Nam học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Văn học - Trường ĐHKHXH&NV; Viện Văn học; Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Đại học Sư phạm Hoa Nam - Trung Quốc ...

          Sau diễn từ khai mạc Hội thảo của PGS.TS Nghiêm Đình Vì, Viện trưởng Viện  Khoa học xã hội – ĐHSPHN; TS Hà Văn Minh - Trưởng Bộ môn Hán Nôm - khoa Ngữ văn – ĐHSP Hà Nội báo cáo đề dẫn Hội thảo  Tình hình nghiên cứu thi tuyển chữ Hán Việt Nam thời trung đại – thực trạng và những thách thức đặt ra trong công tác văn bản học Hán Nôm.

Chương trình Hội thảo đã được triển khai theo 3 chủ đề chính:

1. Bàn bạc, trao đổi một số khía cạnh về thi học Việt Nam – những vấn đề lí luận và thực tiễn, thể hiện qua hệ thống thi tuyển chữ Hán Việt Nam. Nhận diện về lịch sử và diện mạo thi tuyển chữ Hán Việt Nam thời Trung đại.

2. Những nghiên cứu cụ thể về các vấn đề văn bản học của các thi tuyển.

3. Khai thác tư liệu từ các thi tuyển để công bố di sản văn hóa thành văn của dân tộc, di sản thơ ca của các tác giả được truyền chép trong hệ thống thi tuyển.

Hội thảo đã diễn ra trong bầu không khí giao lưu học thuật nghiêm túc và cởi mở. Ngoài các thi tuyển nổi tiếng như Việt âm thi tập, Trích diễm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển, Việt thi tục biên, Minh Đô thi vựng…, một số tuyển tập thơ ca khác như Thiền uyển tập anh, Vịnh sử thi quyển, Hà thành thi sao … cũng được khảo cứu, giới thiệu rất công phu và tỉ mỉ.

Các kiến giải, bàn luận trong Hội thảo đều rất có giá trị đối với công tác nghiên cứu và đào tạo về Hán Nôm học hiện nay; thúc đẩy việc khai thác tìm hiểu, phổ biến tri thức Hán Nôm vốn hết sức phong phú đa dạng, góp phần tích cực vào nhiệm vụ gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

Danh mục Kỉ yếu Hội thảo:

      Lời giới thiệu

1.  Nhiệm vụ nghiên cứu thi tuyển chữ Hán Việt Nam

2.  Tình hình nghiên cứu thi tuyển chữ Hán Việt Nam thời trung đại –

     thực trạng và những thách thức đặt ra trong công tác văn bản học Hán Nôm

3.  Tổng quan thực trạng văn bản

     và hướng nghiên cứu hệ thống thi tuyển chữ Hán Việt Nam

4.  Giới thiệu tình hình văn bản và giá trị một số bộ thi tuyển chữ Hán tiêu biểu của Việt Nam thời trung đại

5. Nhận thức về nền thi học Đại Việt qua bài tựa của Phan Phu Tiên và biểu dâng sách “Việt âm thi tập” của Chu Xa

6.  Phát hiện mới về văn bản “Việt âm thi tập”

7.  Phan Phu Tiên, Chu Xa và bộ “Việt âm thi tập”

8.  Việt âm thi tập” – bộ thi tuyển đầu tiên, tư liệu nguồn cho các công trình biên soạn thơ ca đời sau

9. Tìm hiểu “Trích diễm thi tập”, bộ sách kết thúc một giai đoạn nghiên cứu, sưu tập thơ văn Lý – Trần

10. Tựa “Trích diễm thi tập” trong hệ thống văn nghị luận thời trung đại ở chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông

11. Một số đề xuất về việc dạy học văn bản “Trích diễm thi tập tự” trong chương trình Ngữ văn 10 theo định hướng tổ chức minh giải văn bản

12. Về hiện trạng văn bản của “Tinh tuyển chư gia

       luật thi

13. Nhận diện “Thiền uyển tập anh” như một thi tuyển

14. Lê Quý Đôn và công trình “Toàn Việt thi lục”

15. Quan điểm và phương pháp sưu tập, biên định di sản di sản văn hoá thành văn quá khứ của Lê Quý Đôn thể hiện qua “Toàn Việt thi lục”

16. Tổng quan tình hình và giá trị văn bản “Toàn Việt thi lục”của Lê Quý Đôn

17. Một số vấn đề lai lịch và cấu trúc văn bản “Toàn Việt thi lục”-  bộ “bách khoa thư” về di sản thơ ca chữ Hán Việt Nam thời trung đại

18. “Toàn Việt thi lục” sắp được xuất bản tại Đài Loan

19. Xác lập sơ đồ truyền bản bộ sách “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn

20. Khảo luận văn bản và đánh giá giá trị của bản sao “Toàn Việt thi lục”- HM.2139 mới sưu tầm

21. Về phạm vi nội dung và quy mô kết cấu bộ “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn

22. Bước đầu khảo sát, giới thiệu văn bản Hoàng Việt tùng vịnh”- một thi tuyển thời Lê sơ

23. Vài nét về tình hình văn bản Việt thi tục biên

24. Giới thiệu một số tư liệu mới về “Minh đô thi vựng”

25. Những vấn đề văn bản, tác gia, tác phẩm của “Vịnh sử thi quyển

26. Giới thiệu tác giả và tác phẩm “Hà thành thi sao”, một sưu tập thơ cổ về Thăng Long – Hà Nội

27. Khảo sát văn bản và dịch chú thơ của Hoàng Đức Lương trong các thi tuyển

28. Khảo sát, xác lập văn bản và tìm hiểu giá trị thơ đi sứ của Đào Nghiễm qua tư liệu thi tuyển chữ Hán Việt Nam

29. Khảo sát thơ chữ Hán của Nguyễn Quý Đức trong bản sao “Toàn Việt thi lục” A.132

30. Khảo cứu hai dịch phẩm thơ Đường sang   chữ Nôm: “Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm”, “Đường thi tuyệt     cú diễn ca” và vấn đề tiếp nhận thơ Đỗ Phủ tại Việt Nam

 

Một số hình ảnh về Hội thảo:

 

 Chủ tọa Hội thảo: GS.TS Nguyễn Ngọc San và PGS.TS Phạm Văn Khoái

 

ThS. Phạm Vân Dung trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Các nhà khoa học tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 

Bìa sách Kỷ yếu Nghiên cứu thi tuyển chữ Hán Việt Nam

Post by: Vu Nguyen HNUE
18-10-2020