BỒI HỒI NHỚ NHỮNG KỈ NIỆM ĐẸP


12-08-2021

Số sinh viên: 41 gồm: 18 là giáo viên, Hiệu trưởng cấp II, 23 là học sinh tốt nghiệp cấp III.

Tuổi: cao nhất là anh Nguyễn Văn Trí (sinh 1932), nhỏ nhất là Vũ Kim Thanh, Thái Sơn (sinh 1948).

Hầu hết quê ở miền Bắc: Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Tây, Thái Bình; 5 là cán bộ, học sinh miền Nam tập kết: Trần Nam, Dương Đình Lãm, Hồ Vĩnh, Đào Ngọc An, Nga Ri Vê; 2 là Hoa kiều: Tăng Linh Linh, Khô Khởi Lai, 4 là dân tộc: Hoàng Văn Chí, Ngô Ngọc Châu, Đào Thanh Hồ, Nga Ri Vê.

Khóa 15 học trọn vẹn 3 năm trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước 1965-1968.

Thời gian và địa điểm học: Từ tháng 10/1965 đến tháng 2/1966: ở trường ĐHSP Cầu Giấy: học môn chung: tâm lý, chính trị, quân sự, kiểm tra 1 bài về môn sẽ học + 1 bài nhận thức về tác phẩm “Bất khuất”, “Sống như Anh”, Từ tháng 2/1966 đến tháng 8/1966: sơ tán về huyện Phù Cừ, Hưng Yên. 6 lớp ghép thành 3 lớp học A+B, C+D, E+G ở thôn Thị Giang, Sĩ quý xã Nguyên Hòa. Từ tháng 8/1966 đến tháng 9/1968 về huyện Yên Mỹ. Lớp E+G ở thôn Xuân Tảo: một vũng trũng, sâu, xa cuối xã Cộng Hòa. Lớp học là một gian nhà cấp 4, đủ chỗ ngồi cho 80-100 sinh viên. Lớp học mái rạ, tường là vách đất rơm trộn bùn, bàn ghế học là những tấm ván thô sơ đặt trên các cọc tre chôn sâu xuống nền nhà. Trên trần lớp được che kín bởi một lớp nùm rơm cuộn chặt, dưới chân là đường hào để tránh bom bi. Lớp E+G có chung một bếp, ăn ở gần ngôi chùa nhỏ đơn sơ ở đầu thôn. Sinh viên được chia vào ở các nhà dân theo nhóm từ 2 đến 3 người. Lớp G được chia thành 4 tổ. Lớp trưởng: anh Thanh Bình, lớp phó: anh Hà, chị Loan, chị Thái Hoa. Giờ lên lớp học các bộ môn: ngày 1 buổi sáng, buổi chiều tự học theo hiệu lệnh kẻng. Mỗi buổi tối từ 19 đến 20 giờ: tổ viên tập trung ở nhà tổ trưởng nghe đọc “Bất khuất”, “Sống như Anh”. Ngoài giờ học sinh còn tham gia lao động, giúp bếp ăn gánh gạo than từ Trung tâm khoa (Quần Ngựa) về bếp ăn. Vụ mùa thì giúp dân gặt lúa, gánh rạ, đập lúa ở sân kho. Hoạt động văn nghệ thường là vào buổi tối, ngoài các đợt học ôn kiểm tra, thi, các bài hát có tính thời điểm được phổ biến kịp thời (Cô giáo vùng cao, Cánh chim poongle... hoặc tập các vở kịch minh họa tác phẩm học như Thúy Kiều báo ân báo oán (Truyện Kiều) Bà lão hàng xóm (Tắt đèn)

Suốt 3 năm học trong thời chiến gian khổ và thiếu thốn lớp văn 1,2,3,G luôn là một tập thể đoàn kết, chăm chỉ hỗ trợ nhau về kiến thức và vốn sống. Cuối khóa 41 sinh viên đều đủ điều kiện ra dạy: 2 về phòng TCCB bộ Giáo dục, 5 ở lại các khoa, 1 về viện KHGD. Đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. 1 là tiến sĩ tâm lý, 1 là nhà giáo ưu tú. Đến nay tất cả đã nghỉ hưu từ 8 đến 23 năm; 11 anh chị đã mất, 2 anh không có tin. Số còn lại vẫn thường xuyên họp mặt ghi đậm tình bạn thân thiết, chân tình.

Những ký ức không phai mờ về  khóa văn 1965 – 1968

 Những hình ảnh đẹp về thầy cô.

Tôi đến với trường Đại học Sư phạm là sự nối tiếp nghề làm thầy sau 12 năm là giáo viên, Hiệu trưởng cấp I, II (1953 – 1965). Với tôi, khi vào học ĐHSP không phải là bước khởi đầu. Song, ở khóa văn thứ 15 thì ba năm học là một mốc thời gian đáng ghi nhớ, không thể nào quên. Đó là thời gian trọn vẹn ba năm học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chỉ học môn chung tại trường, được nghe bài nói chuyện của thầy Hiệu trưởng Phạm Huy Thông một lần rồi đi sơ tán tại huyện Phù Cừ, Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên cho đến khi ra trường. Ba năm học, chúng tôi thường được gặp các thầy, cô giáo khoa văn, cao nhất là thầy chủ nhiệm khoa Lê Trí Viễn.

Không thể nào quên được hình ảnh của các thầy cô nhiệt tình, đồng cam cộng khổ cùng giáo sinh nơi sơ tán, thiếu thốn, khó khăn, nguy hiểm song vẫn sáng mãi lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm cao, không chỉ là người thầy, cô lo truyền đạt kiến thức cho các giáo viên cấp III tương lai, mà còn là người cha, người anh luôn cảm thông, chăm lo điều kiện ăn, ở, học tập cho từng lớp; đến từng thôn, xóm dù là xa xôi cách trở. Đến với lớp văn 2 – 3 E + G nơi vùng sâu, trũng ở cuối xã Cộng Hòa, các thầy cô đã phải đi qua một đoạn đê dài chênh vênh, qua cầu thôn Tam Trạch rồi mới đến thôn Xuân Tảo; đường sống trâu, nắng thì gập ghềnh, mưa thì lầy lội. Nắng chói chang, mưa dầm gió bấc không ngăn được nhiệt tình của thầy cô đến với giáo sinh. Hoàn cảnh vô cùng gian khổ mà vẫn ấm tình sư phạm.

Các giờ lên lớp của 3 khối A+B, C+D, E+G là ở các phòng học cấp 4 lợp mái rạ, tường lớp là vách rơm trộn bùn, trên trần lớp là những vòng nùm rơm chống bom bi, dưới nền là hầm chông máy bay oanh tạc. Bàn ghế ngồi học là những tấm ván thô sơ đặt trên các cọc tre cắm chặt xuống nền đất. Ở đây, chúng tôi đã được ân hưởng những tiết giảng hàm súc về nội dung và đầy hấp dẫn về sự truyền đạt. Chúng tôi ghi nhớ sâu sắc các giờ văn học Việt Nam của thầy Nguyên, thầy Chú, thầy Dung, thầy Khung, thầy Luận; giờ văn học dân gian của thầy Trị, văn học phương Tây của thầy Nam, thầy Hà, thầy Trung; giờ văn học Trung Quốc của thầy Đề. Tôi nhớ mãi bài “Quan quan thư cưu, Lạc Thư” trong “Kinh Thi”, dễ nhớ, dễ thuộc. Tiếp đến: giờ ngôn ngữ của thầy Chính, thầy Lạc; giờ Lý luận văn học của thầy Luận tưởng như lý thuyết khô khan nhưng rất hùng biện, chặt chẽ, giờ giáo học pháp của thầy Đạm (môn Nghề của giáo viên) thật khúc chiết, mẫu mực; giờ cổ văn của cô Hảo mới dí dỏm làm sao! Bài Tề nhân trí nhất thê nhất thiếp” mỗi người dịch một kiểu, song ý chung vẫn hiểu đúng. Tuy bận công tác quản lý, thầy Lê Trí Viễn đã lên lớp với đoạn trích trong Hoàng Lê nhất thống chí thật thâm thúy và sâu sắc. Giờ trích giảng văn học của thầy Quách Hy Dung thật súc tích, lắng đọng... Cuối năm thứ ba, tôi làm luận văn tốt nghiệp về đề tài “Người phụ nữ trong thơ văn Phan Bội Châu do thầy Nguyễn Đình Chú phụ trách. Tuy rất bề bộn với khối lượng công việc giảng dạy, nghiên cứu, gia đình, thầy vẫn ân cần chỉ dẫn cho tôi hoàn thành khóa luận.

Không thể nào nói hết được những ấn tượng tốt đẹp trong tôi về tấm gương sáng của các thầy cô. Những kiến thức sâu rộng và nhiệt thành truyền nghề của các thầy cô đã trang bị vốn quý cho chúng tôi bước vào nghề vào đời. Chúng tôi xin mãi mãi tri ân.

 Các thầy cô dạy khóa 15 chúng tôi giờ đây một số đã về với tổ tiên, số còn lại thì đã ở tuổi nghỉ hưu.

Chúng tôi xin gửi đến anh linh các thầy cô đã ra đi lời tưởng niệm kính trọng. Xin gửi lời kính chúc các thầy cô đang hưởng tuổi thọ luôn an khang hạnh phúc. Năm nay 2016 khoa Ngữ văn tròn 65 tuổi – Lớp văn 3G khóa 15 (19651968) chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ nhà giáo từ cách đây 23 năm với các giáo sinh là cán bộ đi học, 8 năm với lớp học sinh phổ thông đi học.

Vậy mà nghĩ đến ngày hội ngộ thầy bạn trong hội khoa, lòng chúng tôi lại háo hức chờ đợi, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm đẹp về các thầy cô đã giảng dạy chúng tôi cách đây gần nửa thế kỷ.

 15-6-2016 - Hoàng Thị Hảo

 

Post by: admin
12-08-2021