Cựu sinh viên

"Sư phụ" của những cây văn đỉnh nhất Chuyên Thái Bình


13-10-2020
Tác giả: K42: Theo Tiin

Cùng về với quê lúa để lắng nghe câu chuyện nghề của cô giáo Nguyễn Thị Hiền, người dẫn dắt đội tuyển HSG Ngữ Văn của Trường THPT chuyên Thái Bình.

Cùng về với quê lúa để lắng nghe câu chuyện nghề của cô giáo Nguyễn Thị Hiền, người dẫn dắt đội tuyển HSG Ngữ Văn của Trường THPT chuyên Thái Bình.

Nụ cười của trò là niềm vui của cô

Gần 18 năm đứng trên bục giảng là khoảng thời gian đủ dài để cô Nguyễn Thị Hiền hiểu được mọi niềm vui, nỗi buồn với nghề, với học trò.

Cô giáo, chuyên Văn, THPT Chuyên Thái Bình

Cô Nguyễn Thị Hiền

Cô Hiền chia sẻ: “Ban đầu mình làm hồ sơ thi vào Học viện An Ninh nhưng năm đó trường lại không tuyển nữ sinh. Mình chuyển sang thi Sư phạm và quyết định chọn môn Văn dù học đều cả 3 môn khối. Đến khi nhập học, được nghe thầy cô giảng dạy, mình cảm thấy yêu mến và thực sự muốn gắn bó với bộ môn”.

Cái duyên tình cờ đến và rồi nó đi theo cô, trở thành cái nghiệp không thể dứt. Sau một thời gian giảng dạy tại trường THPT chuyên Thái Bình, đến năm 2007, cô Hiền chính thức được giao dạy các em đội tuyển HSG Văn.

Và niềm vui đến ngay trong lần đầu tiên dẫn dắt đội tuyển tham dự kì thi quốc gia khi 6 em dự thi có 5 em đạt giải (2 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích). Đến lần thứ 2 phụ trách đội tuyển vào năm nay, cả 8 em học sinh đều đạt giải và thành tích còn ấn tượng hơn rất nhiều: 1 giải nhất, 2 giải nhì và 5 giải ba.

Cô giáo, chuyên Văn, THPT Chuyên Thái Bình

Đội tuyển văn do cô Hiền dẫn dắt đều giành giải thưởng

Nụ cười của học trò là niềm vui của cô và “điều hạnh phúc nhất khi mình gắn bó với nghề là được nhìn thấy các em trưởng thành và các em biết có cô trong sự trưởng thành ấy”.

Ấn tượng với chàng “mì chính cánh” của đội tuyển

Trong mỗi câu chuyện của cô Hiền hình như đều có hình ảnh học trò trong đó. Và đến hôm nay cô vẫn còn nhớ: “Buổi học cuối cùng trong thời gian ôn thi HSG, các em được nghỉ vài ngày trước kì thi. Mình nghĩ các em sẽ reo lên vì vui sướng, nhưng rất bất ngờ khi tất cả đều đồng thanh bảo: Không! Cô ơi! Đến nhà cô học tiếp nhé?”.

Trong số 8 gương mặt HSG của đội tuyển quốc gia Văn năm nay, người mà cô Hiền ấn tượng nhất chính là Phạm Thế Hưng, chàng trai duy nhất đã “vượt mặt” các bạn nữ mang về giải nhất.

Cô giáo, chuyên Văn, THPT Chuyên Thái Bình

Cô Hiền ấn tượng nhất với chàng trai Phạm Thế Hưng (ngoài cùng bên phải)

Niềm vui và sự tự hào sáng lên trên khuôn mặt cô giáo quê lúa khi kể về cậu học trò của mình: “Hưng là cậu học trò rất kiệm lời, có cá tính nhưng không bảo thủ. Từ top giữa của lớp, Hưng cố gắng để vươn lên và có mặt trong đội tuyển đi thi quốc gia. Đến khi ôn thi, Hưng làm mình rất ngạc nhiên vì em có thể đọc và hiểu những cuốn sách mà các bạn khác chỉ đọc vài trang đã chán. Càng viết, những câu từ của em càng khiến mình cảm thấy thú vị”.

Và chính Hưng cũng chia sẻ: “Nếu giải Nhất của em đạt được chỉ để dành tặng một người, thì chắc chắn em sẽ tặng lại cho cô. Người đã truyền cho em tình yêu với môn học, cùng em đi qua mỗi chặng đường”

Để trò không sợ Văn

Ngữ Văn đối với nhiều bạn đã trở thành nỗi sợ hãi vì các em coi đó là môn học thuộc: thuộc tác phẩm, thuộc văn mẫu, thuộc những đoạn phân tích của cô giáo để rồi mang cái thuộc đó vào bài thi… Nỗi sợ hãi dẫn đến các em ngại và muốn tránh môn học.

Cô hiểu hơn ai hết tâm lý học trò. Bằng tình yêu và kinh nghiệm của bản thân, mỗi năm qua đi cô lại tự tích lũy kinh nghiệm cho mình để có những cách hữu hiệu, giúp học trò không còn sợ môn Văn.

Cô giáo, chuyên Văn, THPT Chuyên Thái Bình

Để học trò không sợ Văn cách tốt nhất là chính thầy cô thay đổi cách dạy

Cô chia sẻ: “Điều đầu tiên, mình luôn nói với các em học sinh, Ngữ Văn không phải là môn học thuộc, nó cũng là một môn khoa học mang tính tư duy cao. Và những kiến thức trong đó không chỉ để các em thi cuối kì cho xong mà nó còn theo các em bước ra ngoài cuộc sống”.

Không chỉ có những yêu cầu cụ thể với học sinh, chính bản thân cô Hiền cũng luôn tự học hỏi để nâng cao khả năng của mình. “Cái khó nhất khi dạy môn Văn là phải truyền được tình yêu, niềm đam mê môn học đến với các em. Khi đã yêu thì bản thân các em sẽ tự giác tìm hiểu và học”, cô Hiền tâm sự.

Mỗi giờ giảng văn của cô Hiền cũng giống như kể một câu chuyện, để rồi học trò vì tò mò mà muốn đi vào phía trong câu chuyện ấy để khám phá, tìm hiểu. Sau mỗi giờ học Văn, cả cô và trò đều tự mình tìm ra được những điều hay và thú vị.

“Làm bất cứ điều gì các em cũng hãy cố gắng hết mình. Khi đã cố gắng thì dù kết quả ra sao mình cũng có thể mỉm cười, không ân hận khi nhìn lại”, đó là điều cô Nguyễn Thị Hiền muốn nhắn nhủ với học trò.

Những chặng đường và những thế hệ học trò mới lại đang đợi cô, để rồi khi các em mỉm cười bước ra khỏi cánh cổng trường chuyên Thái Bình, cô cũng có được niềm vui từ sự trưởng thành ấy.

(Theo Tiin)

Nguồn: http://vietnamnet.vn

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020