Cựu sinh viên

NỖI XẤU HỔ THỜI SINH VIÊN CỦA TÔI


08-08-2021

Khoá 1972-1976 khoa Ngữ văn của chúng tôi rất đông sinh viên, có tới 8 lớp (A B C D E G I H). Lớp tôi là lớp C. Tổ chức sinh hoạt thì riêng, nhưng học chung với lớp D của bạn Lã Nhâm Thìn trên cùng một giảng đường.

Bạn Lã Nhâm Thìn lúc đó hình như không phải là lớp trưởng, nhưng tôi nhắc đến lớp D là nhắc đến bạn, bởi bạn là sinh viên giỏi nổi tiếng của lớp D, và là nhân vật trung tâm của câu chuyện tôi sẽ kể.

Mùa Xuân năm 1974, sau Tết, sinh viên năm thứ 2 chúng tôi được bố trí đi thực tế một tháng. Hai lớp C và D chúng tôi đi thực tế thành phố Việt Trì, vào các nhà máy và một số trường phổ thông cấp 2 (năm thứ 3 và thứ 4 mới được đi kiến tập, thực tập ở cấp 3).

Đứng giữa thành phố Việt Trì mà chúng tôi còn ngơ ngác hỏi thành phố ở đâu. Gọi là thành phố, nhưng nó giống như làng quê. Đường phố là đường đất, lúc nào có gió cuốn là bụi mù mịt. Có lẽ vì công nhân của 5 nhà máy (Nhà máy Hoá chất, Nhà máy Điện, Nhà máy Đường, Nhà máy Giấy và một nhà máy gì đó tôi không nhớ) và các làng xung quanh gộp lại đủ số lượng cư dân theo quy định, nên Việt Trì được gọi là thành phố.

Đi vào thực tế cuộc sống, tiếp xúc với công nhân, với học sinh, chúng tôi có nhiều cảm xúc mới mẻ, viết lên những vần thơ tươi mới, tin yêu vào cuộc sống… Sau đợt thực tế, mỗi lớp chúng tôi ra một tờ báo tường. Đọc tờ báo của hai lớp, chúng tôi cảm thấy vui vui vì sản phẩm của mình được công bố. Có điều, mấy bài thơ tôi viết ở Việt Trì giờ chẳng nhớ câu nào. Có lẽ nó dở nên không in sâu vào tâm trí. Vả lại, nếu có nhớ thì cũng ngượng vì những vần thơ non nớt vụng về, hô khẩu hiệu thời ấy.

Đọc hai tờ báo tường, chúng tôi chẳng thấy có vấn đề gì để thắc mắc. Bỗng một hôm, các anh trong Chi bộ Đảng gọi tôi và Ngô Xuân Huệ (bạn học cùng lớp) thông báo, bài thơ của Lã Nhâm Thìn trên báo tường lớp D có vấn đề về tư tưởng, các anh giao nhiệm vụ cho chúng tôi đọc kỹ bài thơ và viết bài phê phán.

Tại sao bài trên báo tường lớp D lại giao cho chúng tôi ở lớp C tham gia phê phán? Bởi tuy hai lớp sinh hoạt khác nhau, hai chi Đoàn khác nhau, nhưng lại chung một chi bộ Đảng. Thời ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang hồi cao trào, Đảng với tuổi trẻ chúng tôi là thiêng liêng, thần thánh. Thi môn Chính trị và Triết học, tôi có thể trích dẫn hàng trang trong sách “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng…” của TBT Lê Duẩn mà mình đã thuộc lòng. Các anh đảng viên trong chi bộ đối với chúng tôi là thần tượng, bởi họ vừa trải qua sinh tử trên chiến trường trở về như những anh hùng. Thời chiến, khoá chúng tôi đa số là nữ. Con trai cả hai lớp gộp lại chỉ có khoảng chục thằng là học sinh phổ thông vào đại học, còn lại hơn hai chục anh là bộ đội có thành tích chiến đấu, hoặc bị thương, được tuyển vào học Trường Bổ túc văn hoá Trung ương rồi được cử về học Đại học Sư phạm. Trong buổi gặp gỡ trước khi về học ĐHSP, Thiếu tướng Lê Chưởng gọi họ là những hạt giống đỏ, sẽ được đào tạo thành cán bộ quản lý tương lai của ngành Giáo dục. Đó là các anh Ngô Xuân Tiết, Lê Hiệp Tố, Tô Văn Thơ, Nguyễn Văn Sáu, Trần Văn Tuệ, Nguyễn Văn Thịnh… (lớp C), Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Anh Nông, Nguyễn Đình Khôi… (lớp D). Họ đáng tuổi cha chú, nhưng tôi vẫn gọi họ là anh cho gần gũi, trẻ trung. Trong số đó, anh Ngô Xuân Tiết là người tôi thân thiết nhất, bởi anh là người cùng quê, từng là bộ đội đánh trận chống càn của Pháp nổi tiếng diễn ra ở ngay làng tôi khi tôi chưa sinh ra, rồi chỉ huy đại đội pháo binh thời chống Mỹ, làm tôi rất kính nể. Tính anh cương trực, không chịu quỵ luỵ ai, giống như cái tên Tiết mà cha mẹ đặt cho. Tin tưởng anh, Ba tôi uỷ thác cho anh “rèn cặp” cho tôi nên người. Vì thế, anh ảnh hưởng rất lớn đến tôi trong 4 năm thời sinh viên.

Được các anh trong chi bộ phân tích sai lầm trong bài thơ của Lã Nhâm Thìn, chúng tôi hăng hái nhận lời viết bài phê phán.

Bài thơ của Lã Nhâm Thìn tôi không còn nhớ đầu đề, cũng không nhớ toàn bộ nội dung của nó, bởi đã hơn 40 năm rồi, (gần đây, bỗng dưng tôi quên rất nhiều tác phẩm mà thời trai trẻ tôi đã từng thuộc làu làu), nhưng khổ đầu bài thơ tôi còn nhớ:

 “Tôi đến đây

Không gặp những vườn hoa

Không thấy những công viên

 Chỉ thấy những con đường đỏ bụi

Ông mặt trời cũng ho lên vì khói

Đất như nghèo chỗ ngồi cho những cặp tình nhân...”

Cái cớ để bài thơ bị “đánh” là ở khổ thơ này. Trong bài phê phán Lã Nhâm Thìn, tôi so sánh với bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần để khẳng định Thìn có hơi hướng của Nhân văn Giai phẩm:

“...Tôi bước đi

Không thấy phố

không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

Trên màu cờ đỏ...”

Để tăng sự thuyết phục cho bài phê phán và khoe sự “uyên bác” của mình, tôi viện dẫn đến các Tính Đảng, Tính Giai cấp, Tính Nhân dân.... rồi Phương pháp sáng tác Hiện thực Xã hội chủ nghĩa một cách hùng hồn. Vì bây giờ không nhớ những khổ thơ sau của Lã Nhâm Thìn, nên tôi cũng không nhớ mình phê phán phần sau của bài thơ như thế nào.

Hôm tổ chức hội nghị phê phán, thành phần dự nghe là toàn bộ sinh viên hai lớp C và D. Nhưng do sự ồn ã nổi tiếng về vụ này, các bạn ở các lớp cùng khoá và các lớp khoá trên cũng tò mò đến nghe. Cùng viết bài phê phán Lã Nhâm Thìn, có Ngô Xuân Huệ (lớp C) và hình như có cả bạn Quý con (Lớp D có 2 bạn nữ tên Quý, bạn Quý bé nhỏ gọi là Quý con để phân biệt với chị Quý béo lớn tuổi). Xin lỗi bạn Quý con, nếu chi tiết này tôi nhớ nhầm là bạn có được phân công viết bài. Còn một vài bạn nữa lớp D cũng viết bài, tôi không nhớ tên. Cũng chẳng nhớ họ phê phán những gì. Bởi lúc đó tôi chỉ nghĩ bài của mình là nhất, nhất về tính chiến đấu, nhất về kiến thức, nhất về cách diễn đạt hùng hồn... Lúc đó tôi nghĩ mình là “cái rốn của vũ trụ”. Tôi luôn kiêu ngầm vì khi vào năm thứ Nhất, học môn Cổ văn, tôi đã viết chữ Hán cổ đẹp hơn cả người Tàu, dám lôi cả Kinh Thi ra dịch, được thầy Liệu giao cho làm cán sự bộ môn, phụ đạo cho các bạn trong lớp trước các kỳ thi, rồi có bài thơ “Con mắt phía Tây thành phố” được các thầy và các bạn khen ngợi (Bài thơ viết về Đại đội tự vệ trực chiến của Khoa Văn, được Bộ Tư lệnh Thủ đô tặng cờ Quyết thắng vì thành tích chiến đấu trong đợt 12 ngày Đêm bảo vệ Thủ đô chống B52 của Mỹ). Sau buổi hội thảo phê phán, tôi nghe một số bạn nữ bảo: “Có người ghét bạn, vì trong hội thảo bạn phách lối quá”. Kệ, tôi đâu có thèm hỏi tên ai là người đã ghét mình.

 Còn nhớ, trước đó, tôi và Ngô Xuân Huệ đã có lần tự ái khi Lã Nhâm Thìn bảo: “Các ông làm thơ Tình cảm kiểu Tố Hữu, còn mình làm thơ Trí tuệ kiểu Chế Lan Viên” (Huệ kể lại với tôi như thế). Bùi Văn Thắng (lúc đó hình như trong BCH chi đoàn lớp D, bạn cùng quê với Thìn, sau này là Chủ tịch tỉnh Ninh Bình) được Thìn tin tưởng cho xem những bài thơ trong sổ tay. Thắng đọc cho tôi và Huệ những bài thơ của Thìn, trong đó có câu: “Anh viết tên em ngang hàng tên lãnh tụ...”. Hồi đó, viết được câu thơ như thế quả là độc đáo, tài hoa, và tư duy rất mới. Nếu câu thơ này lọt ra ngoài vào thời điểm ấy, thì còn nguy hiểm cho Thìn gấp bội lần bài thơ đăng trên báo tường. Huệ và tôi bảo Thắng: Chúng mình chỉ phê phán bài thơ của Thìn trên báo tường, không lôi những bài thơ trong sổ tay của Thìn ra để phê phán (vì bạn đã tin tưởng Thắng). Lúc đó, cả ba chúng tôi rất “tự hào” là mình đã xử sự “quân tử”. Sau này ra đời, ngẫm lại, tôi thấy phần nào mình còn giữ được nhân tính khi ra quyết định đó.

Hồi đó, tôi không để ý tinh thần tiếp thu của Lã Nhâm Thìn về các bài phê phán thế nào trong buổi đấu tranh hừng hực ấy. Cuối năm ấy, Thìn đi bộ đội. Từ sau vụ đó đến nay, đã 42 năm rồi, tôi chưa một lần gặp lại Thìn, phần vì ra trường, đi Tây Bắc xa xôi, rồi hơn một phần tư thế kỷ xa đất nước. Chắc giờ bạn đầu cũng đã bạc như tôi… Không biết bạn sẽ nghĩ gì khi có người nhắc đến tên Trần Quý Phúc? Không biết bạn có hận hoặc căm ghét mình không???

Khi giảng dạy phần Văn học Việt Nam hiện đại ở Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, đọc lại Nhân văn Giai phẩm tôi mới dần tỉnh ngộ và ân hận. Thử đặt mình vào địa vị của Thìn, một chàng trai mới ở tuổi 20 như chim non mới ra ràng, bị đánh đòn hội chợ tơi bời như thế, không hiểu Thìn sẽ đau khổ như thế nào, có mất niềm tin vào cuộc đời hay không, liệu có thui chột tài năng sáng tạo hay không... Sao hồi đó mình vô tâm đến thế? Sao mình có thể độc ác một cách “hồn nhiên” như thế?

Giả sử như Thìn đi bộ đội rồi hy sinh, hoặc sau này Thìn trở thành một công chức bình thường, một người an phận thủ thường không có nghị lực vươn lên sau “tai nạn” đòn hội chợ tuổi 20, thì tôi sẽ ân hận biết chừng nào. Cũng may là Thìn vẫn đứng vững trước giông tố cuộc đời và trưởng thành hơn. Qua bạn bè, tôi biết Lã Nhâm Thìn đã quay trở lại học tiếp Đại học, vẫn phát huy được tài năng của cậu học trò thi học sinh giỏi văn Miền Bắc từ thời cấp 3, rồi được giữ lại trường làm cán bộ Giảng dạy, có thời kỳ làm Trưởng Khoa Ngữ văn.

Năm 1988, về học Sau Đại học, tôi được gặp lại Thầy Nguyễn Đình Chú, thầy Chủ nhiệm lớp tôi năm thứ 3 hồi Đại học. Cách đây hơn chục năm, nghe tin Thầy sang Matxcơva theo lời mời của con trai, tôi tìm đến thăm thầy. Mỗi lần gặp, tôi thấy thái độ của thầy với tôi có khác, ngày càng có thiện cảm hơn, cởi mở hơn. Tôi biết hồi đại học, thầy không có thiện cảm với tôi sau vụ đấu tố Lã Nhâm Thìn, nhưng Thầy vẫn công tâm khen sức học và khả năng làm thơ của tôi. Thầy từng đọc và khen bài thơ “Từ sân đất này” tôi viết sau khi về thăm Làng Sen của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 3 năm 1975, nhưng gạch chân dưới câu: “Nao nao gà gáy trời trưa/ Hàng râm bụt đỏ vẫy đùa khách thơ” và phê: “Đến thăm quê Bác với tư cách khách thơ ư? Nghe nó thế nào ấy.” Tôi hiểu thầy phê phán tính tự kiêu của mình, và đã sửa lại thành: "Hàng dâm bụt đỏ vẫy đùa trẻ thơ".

Không có điều kiện về dự 60 năm Hội Khoa được, từ nước Nga xa xôi, tôi kể lại kỷ niệm buồn này, để xin lỗi bạn Lã Nhâm Thìn, xin lỗi bạn bè hai lớp C và D cùng khoá, xin lỗi các thầy cô về sai lầm một thời nông nổi khờ dại của mình. Viết ra được những dòng này, tôi thấy lương tâm bớt phần day dứt và ân hận đã đeo đẳng mình mấy chục năm trời. Những kỷ niệm đẹp thời sinh viên của tôi về các bạn, về các thầy có rất nhiều, xin dành để dịp Hội Khoa lần sau sẽ kể…

Nỗi xấu hổ Châu Hồng Thủy Matxcơva ngày 13 – 26 tháng 8 năm 2016.

*Tên thật Trần Quý Phúc. Sinh viên Khoa Ngữ Văn 1972- 1976. Học Cao học khoá 12 (1988-1989). Tốt nghiệp Trường viết văn Macxim Gorki - Matxcơva 1994. Tốt nghiệp Trường Thánh Kinh “Lời sự sống” - Matxcơva 2009. Hiện là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga, Tổng biên tập Tạp chí Người Bạn Đường.

Post by: admin
08-08-2021