Cựu sinh viên

QUẢ THẬT TRÁI ĐẤT TRÒN


08-08-2021

 

Hạnh phúc biết bao nhiêu niềm vui ngày gặp mặt. Ngày chia tay càng xa, niềm vui càng lớn. Vậy mà, vì công việc không thể từ nan, tôi không được hưởng nhiều niềm vui ấy với các thầy và các bạn cùng khóa sau 50 năm ra trường. Tôi viết những dòng này như một lời tiếc than cho sự thiệt thòi của mình, cũng là xin được các thầy, các bạn đồng môn lượng thứ.

Kể ra, trong ngần ấy năm xa cách thỉnh thoảng, hiếm hoi tôi cũng được hưởng niềm vui gặp lại các thầy, các bạn xưa. Mỗi lần, đều để lại trong tôi một kỉ niệm vui, một sự hồi tưởng khó quên.

Mấy chục năm trước, vô tình được ngồi cùng thầy Hoàng Tuệ, trong cuộc họp cộng tác viên mục Giữ gìn sự trong sáng tiếng việt của Đài tiếng nói Việt Nam. Dĩ nhiên thầy không nhận ra trò, cái thằng thư ký lớp đã không chỉ một lần phải chạy theo, miệng gọi thầy ạ, thầy ạ, để xin thầy ký vào sổ đầu bài. Và có một lần, vào lớp, thầy chỉ ngay chiếc ghế đẩu, nghiêm giọng nói :

- Các anh chị đều biết, không bao giờ tôi ngồi ghế. Nhưng không phải như thế mà để chiếc ghế đẩu này cho tôi. (Quả thật, chiếc ghế tựa chỉ để thầy vắt chiếc áo khoác thôi).

Ba chân bốn cẳng, tôi phải chạy lên văn phòng khoa, mượn một chiếc ghế tựa về. Đấy là bài học đắt giá thầy dạy chúng ta về ứng xử trong quan hệ sống. Tôi nói, nhờ học thầy và những cuộc tranh luận về từ ngữ sau giờ giảng mà bây giờ tôi trở thành người viết được nhiều nhiều về ngôn ngữ. Cũng lại vì chuyện ngôn ngữ mà tôi gặp lại bạn Nguyễn Thế Lịch (đã mất) lớp B, còn chuyên sâu hơn cả tôi về lĩnh vực này, vì anh đã có học vị tiến sĩ.

Nhưng có một cuộc gặp lại trớ trêu để lại trong tôi một cảm giác vô cùng hổ thẹn. Hôm ấy là ngày giỗ đầu họa sĩ Trần Văn Cẩn, chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam. Người ta xếp vợ chồng tôi ngồi cùng mâm với vợ chồng Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (Khi ấy ông đã nghỉ hưu). Hỏi ông nhiều chuyện rất vui. Ông còn bảo, nếu cơ quan cần nghe về kinh tế thị trường thì ông sẽ đến nói chuyện. Tôi chuyển sang hỏi, “Thế bác gái công tác gì ạ”. Ông vội cải chính ngay :

 - Không, đây là chị Hà, vợ anh Võ Nguyên Giáp đấy chứ!

Trời ơi, không có lỗ nẻ mà chui.

Tại thời gian lâu quá rồi? Tại cứ đinh ninh, những chuyện hiếu hỉ thế này thì đi với nhau phải là vợ chồng chứ… Mặt xanh đít nhái, rồi đỏ bừng lên, tôi ấp úng xin lỗi cô…

Sau đó, một lần đến thăm, tôi tặng cô và Đại tướng sách. Cầm cuốn sách trên tay, cô băn khoăn:

- Anh Bắc Sơn ạ, anh Văn nhà tôi kỹ tính lắm.

Biết cô nghĩ gì, tôi vội thưa:

- Đây không phải là tiểu thuyết đâu ạ. Nó có tên là Đá dậy thì, vì trong này em có viết về nhà điêu khắc trẻ đương đại, nổi tiếng Việt Nam và thế giới. Bức ảnh tượng khỏa thân mùa xuân vĩnh viễn của Ôguýsrôđanh in trên bìa là phiên bản tượng của anh ấy. Trong này có một bài ký, em viết kỹ về thầy vào cái đêm thầy đưa ra quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy quân sự của mình nhân chuyến đi thăm Điện Biên Phủ nên em tặng thầy. Còn cuốn Luật đời này em xin tặng cô, nhờ công dạy dỗ của cô em mới được nên người như hôm nay.

 Cô vui vẻ nhận, nhưng nói :

- Hôm nay anh Văn không được khỏe nên không trực tiếp nhận sách được. Nhìn vẻ mặt trò, cô đọc được điều tôi ngầm ước vọng đã không được đáp ứng. Cô hỏi:

- Còn quyển nào không ?

Trong kịch bản, tôi có dự kiến tình huống này rồi. Thế là cô cầm vào gian trong, rồi trở ra.

- Anh Văn tặng anh một chữ ký.

Tôi trân trọng mừng vui đón lấy, lặng ngắm chữ ký tươi của đại tướng, dưới ghi rõ “Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 15 tháng 4 năm 2004”.

Nguyện vọng một không thành, tôi chuyển sang nguyện vọng hai, xin được cô kể đôi điều về mình, hậu phương vững chãi của người lính – đại tướng, cũng không đạt.

- Cảm ơn anh, anh có viết gì về anh Văn thì viết thôi. Đừng viết về tôi. Vậy nên, tôi chỉ có một bài viết dài về đại tướng, chứ không có một dòng nào về cô. Hơn 40 năm, cô vẫn là cô giáo của tôi với tất cả ý nghĩa đầy đủ nhất. Và đến giờ và có thể mãi về sau, cô vẫn là ẩn số với tất cả mọi người. Chuyện trò quên thầy như thế thật đáng trách. Còn chuyện thầy nhận ra trò sau năm mươi năm gặp thì thật là hạnh phúc bất ngờ.

Lễ kỉ niệm 60 năm trường Đại học Sư phạm Hà Nội và sau đó là lễ kỉ niệm 60 năm thành lập Khoa văn, bất ngờ tôi gặp thầy Đoàn Trọng Huy, người dạy chúng ta Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm. Tôi nhận ngay ra đôi mắt nheo nheo sau lần kính cận dày. Và vô cùng ngạc nhiên khi thầy gọi đúng tên tôi. Sướng chết đi được… Rồi tôi nhận được thư thầy gửi ra từ TP Hồ Chí Minh cho tôi và anh Ma Văn Kháng – bạn viết thân thiết của tôi, học khóa sau nhưng là bậc đàn anh về tuổi tác, bậc thầy về nghề viết của tôi. Điều ngạc nhiên hơn nữa là thầy còn làm thơ tặng tôi, trong đó nhiều tên sách của tôi được thầy dùng làm chất liệu cho bài thơ của mình. Một sự chia sẻ như thế, một sự khích lệ như thế thật xúc động và trân trọng biết bao.

Tôi vốn là cộng tác viên ruột của báo Tiền phong. Một lần đi đưa đám tang thân phụ nhà văn Lê Anh Hoài, phụ trách Tiền phong chủ nhật, đứng trước tin cáo phó mới biết rằng, Hoài chính là con thầy Lê Hiền, dạy ngôn ngữ lớp ta. Gặp lại thầy lúc thầy đã đi rồi ! Oái oăm chưa.

Nhớ thầy Trần Văn Bính vẫn đứng giảng lý luận văn học ngày xưa. Sau này tôi gặp lại thầy nhiều lần vì thầy đã là chủ nhiệm khoa Văn hóa, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, và bây giờ thầy là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long. Và tôi được làm việc dưới quyền thầy với tư cách ủy viên Hội đồng khoa học ấy.

Đúng là quả đất tròn, nhớ lại năm 1972, thầy Bùi Văn Ba dẫn sinh viên về thực tập ở trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội. Trong số sinh viên ấy có một người học trò cũ của tôi. Buổi liên hoan chia tay, tôi và anh đã cầm tay nhau hát bài Thanh niên ra tiền tuyến, và sau đó cả hai cùng đi bộ đội, mấy năm sau may mắn cùng lành lặn trở về. Giờ gặp lại, anh đã là Hiệu trưởng ngôi trường của chúng ta – Đại học Sư phạm Hà Nội – GS. TS Nguyễn Viết Thịnh.

Cũng có lần may mắn là tôi đã từng được gặp lại anh Hân lớp trưởng ở Huế, anh Lộc con ở Hải Phòng, chị Tôn Phương Lan ở Phổ Yên khi chị còn khỏe. Năm 1978, đưa học sinh đi lao động ở nông trường Đồng Giao, tôi ngẩn người ra khi gặp anh Nguyễn Thái Vận, lúc ấy đang làm việc ở báo Người giáo viên nhân dân, cũng đi thực tế ở đấy. Thái Vận đã là một nhà thơ tên tuổi. Vậy mà anh đi sớm quá khi tài hoa đang vào độ chín.

Một hôm, nhận được lời đề nghị giới thiệu trên báo cuốn nhật ký của một Nhà giáo liệt sĩ vượt Trường Sơn. Tôi từ chối, vì không quen mà cũng không thích làm việc giới thiệu sách. Nhưng, bản tính tò mò nên cũng hỏi thêm nhà giáo ấy là ai? Giật mình khi nghe tên Võ Tề. Bao kỉ niệm về thôi thúc tôi viết với tất cả lòng yêu thương vô hạn người bạn đồng môn lớn tuổi, chững chạc, già dặn mà sự hy sinh của anh đã để lại bao nhiêu tiếc thương cho gia đình, bạn bè.

Không một cuộc gặp mặt nào có mặt đông đủ, dù chỉ sau vài ba năm, nữa là đã già nửa đời người. Vì vậy, tuy mới được non nửa khóa học, nhưng tôi rất cảm phục, rất biết ơn bạn Kiều Văn Sinh, Nguyễn Hùng Tuấn, Đỗ Trọng Văn, Nguyễn Trí, Trịnh Thu Tiết, Đặng Thị Vượng, Vũ Vĩnh Nga… đã công phu góp phần tổ chức thành công cuộc gặp mặt kỉ niệm 50 năm ngày ra trường.

Lại còn với cuốn Kỉ yếu kỷ niệm “50 chúng tôi ra trường” này thì đặt ở đâu cái dáng vẻ của Sinh viên Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội!

Nguyễn Bắc Sơn (Nguyễn Công Bác) Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường PTTH Chu Văn An, Hà Nội 

Tháng 4/2012

Post by: admin
08-08-2021