Hai năm học miệt mài, căng thẳng và thơ mộng nhanh chóng kết thúc, khi tôi còn chưa bớt vẻ ngờ nghệch, ngu ngơ của một thanh niên nông thôn dù đã qua trường đại học.
Ngày ra trường, lòng dạ bâng khuâng khôn xiết, muốn cuốn theo bước chân trăm ngả. Tôi cũng không biết ghi nguyện vọng gì, về đâu…
Nhận quyết định về trường Bổ túc văn hoá công nông Trung ương giảng dạy, lòng cứ thấp thỏm bồn chồn. Hai anh lớp Văn B Nguyễn Văn Nghỉ, Phạm Văn Hải cùng được điều về đấy. Thế là trong tình đồng nghiệp chung của một trường lớn, còn ấm tình đồng môn đồng khoá.
Chiến tranh. Trường giải thể.
Tôi được điều về Ty Giáo dục tỉnh Quảng Ninh, lại tiếp công việc bổ túc văn hoá hơn 10 năm. Gặp Nguyễn Thanh Dân (Văn A) từ trường học sinh miền Nam mới giải thể cũng về Quảng Ninh. Đoàn Dư Điệp (Văn B) về Ty Giáo dục. Chiến tranh, mỗi người theo cơ quan về nơi sơ tán men rừng, hầu như không gặp được nhau.
Một ngày buồn ngơ ngác: tin Phạm Vũ Phúc chết, từ trường Sư phạm Hà Nội báo về. Phúc mồ côi cha mẹ, anh chị nuôi em ăn học đến đại học, biết bao công lao, ơn nghĩa khôn đền. Gặp anh trai Phúc giữa rừng, bom đạn ngút trời, tôi không sao cất nổi một lời. Anh Thuận (anh trai Phúc) vốn là học viên bổ túc văn hoá Công nông Trung ương trước đây của tôi. Trời ơi, sao thảm thế! Chết đuối qua suối lũ! Chết giữa chiến trường, người sống đau đớn vẫn có nguồn an ủi, đằng này… Thật xé lòng người thân.
Khoảng đầu năm 1973, lúc bom đạn đã vợi, tôi về Bộ Giáo dục họp, đang lang thang trên đường Tràng Tiền thì gặp Vũ Phi Hồng, chị nói khi tôi còn chưa kịp chào:
- Anh Tề hy sinh rồi, Thuận ạ!
Tôi chết lặng, không cất nổi lời chia sẻ cùng nhau. Trước mắt tôi như mờ nhoà cái dáng điệu, giọng nói dịu trầm nhỏ nhẹ xứ Huế của người lớp phó năm xưa, nhất là điệu hò Huế đằm thắm dân giã: "Cụ Hồ với dân như chân với tay, như chày với cối, như cội với cành, ơ hò…" văng vẳng tiếng anh hò. Người cán bộ trẻ miền Nam tập kết, rất duyên. Chẳng rõ từ bao giờ họ đã yêu nhau? Và lấy nhau bao giờ? Ngày ấy, tôi khờ khạo lắm. Vũ Phi Hồng cho tôi cảm nhận thơ mộng tinh khôi một thời đại học. Tôi vào trường, những ngày tập quân sự đầu tiên, dáng cô gái trẻ măng, xinh xắn lớp phó khơi gợi ấn tượng tươi sáng, trước đó tôi chưa từng gặp. Họ hạnh phúc cùng nhau ngắn ngủi nhưng hẳn có nhiều kỷ niệm đẹp.
Chiến tranh kết thúc, tôi được tỉnh và Sở Giáo dục bố trí làm trạm trưởng trạm Đại học Sư phạm vừa học vừa làm Quảng Ninh theo mô hình đào tạo của Giáo sư Thứ trưởng Nguyễn Cảnh Toàn. Khỏi phải nói, ai cũng rõ thời ấy mà thường xuyên đưa đón thầy từ Đại học Sư phạm Việt Bắc về Quảng Ninh dạy và đưa đón sinh viên đi học tại Thái Nguyên cực nhọc biết nhường nào.
Nhờ thế, tôi thường gặp lại các anh Lâm Đình Tiến, Nguyễn Đăng Thìn, khi đó là Phó Chủ nhiệm khoa văn Đại học Sư phạm Việt Bắc, là bạn đồng học, nhưng nay là thầy giáo mà tôi đưa đón về dạy sinh viên Trạm Quảng Ninh.
Rồi tôi lại được điều sang Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; vài năm sau lại về Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh.
Những ngả rẽ của đường đời không ai hình dung nổi, nhiều khi đến ngạc nhiên… Nguyễn Kim Long, cán sự văn học Tây phương ngày ấy, ai ngờ lại thành nghệ sĩ nhiếp ảnh, theo dõi mảng lý luận phê bình ảnh nghệ thuật của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và tham gia giảng dạy chương trình Nhiếp ảnh ở một khoa Đại học. Nguyễn Thái Vận dạy cấp 3 Cao Bằng bỗng chốc chạy về Vụ bổ túc Văn hóa Bộ Giáo dục, cuối cùng về Nhà xuất bản Lao động. Gặp nhau tại Hội Văn nghệ Quảng Ninh, lúc đó tôi đang làm Chủ tịch Hội, như cùng nhau sống lại những năm tháng đầu những năm sáu mươi. Cả ba cùng làm văn học nghệ thuật, yêu nghề, nhưng vẫn cảm nhận rõ nông nỗi "đoạn trường": Sư phạm thế ấy, hành nghề thế kia!
Đâu biết đó là lần gặp nhau cuối cùng, chia tay mãi mãi. Mới ngoài năm mươi, kể ra vẫn đang sức làm việc, nào ngờ Vận qua đời sau cơn đau tim đột ngột, dữ dội. Khi tôi có mặt thì thi hài Vận đã được đưa xuống nhà lạnh. Tại gia đình, chưa kịp lập bàn thờ, chúng tôi xúm vào cùng làm, kịp được viếng Vận.
Nguyễn Kim Long mất đột ngột ngay trên bục giảng, tôi về Hà Nội
được tin thì anh đã được mai táng từ hôm trước, chỉ còn biết đến gia đình ở Thanh Xuân cùng anh Văn Bảo, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam viếng và chia buồn với chị Long.
Cuối năm 2006, bên thi hài Thanh Dân bị đột quỵ, thấm nỗi bơ vơ "người mòn mỏi hết", thảng thốt trước những cuộc ra đi vội vã không lời trăng trối, cứ muốn hét lên: Người ra đi bỏ lại ta vò võ đau ốm thế này sao! Đời là gì vậy? Đã biết “sinh lão bệnh tử”, qui luật chẳng thiên vị ai, nhưng sao cứ nhằm khoá Đại học Văn Sử 1960 - 1962 của ta mà tróc nã nghiệt ngã đến thế này. Ta có còn có cơ hội gặp lại bạn bè chăng? Có ai đây không? Thưa lên dùm một tiếng nào? Nhưng đầu năm 2012, tôi đã được nghe tiếng gọi đàn. Tôi được gặp lại những anh chị, bạn bè cùng ngành cùng khoá học. Tôi được sống những giờ phút giữa những người tưởng chỉ trở về trong ký ức, tưởng không còn bao giờ được gặp với những trận ốm liệt giường năm này sang năm khác. Xin cất lên tiếng lòng ta. Thơ… ơi!
Hoàng Thuận - Nguyên Giám đốc
Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Quảng Ninh