Em có về A7 chúng mình không?*
Để sống với kỷ niệm xưa nồng ấm
65 năm - một dòng sông ký ức
Càng lắng đầy tình nghĩa thuỷ chung
Ôi, tiếng cười rộn rã đến vô cùng
Dù Thầy Trò tóc phủ sương ngả trắng
Vẫn hồn nhiên, trẻ trung, tinh nghịch lắm
Náo nức cùng về thuở ấy đôi mươi...
Những đàn chim xoải cánh bốn phương trời
Xuyên thế kỷ chưa từng quên nguồn cội
"Mặt trời khoa Văn" - mạch nguồn kết nối
Trái tim Đan-ko tha thiết yêu đời...
* Mượn ý thơ trong một sáng tác nổi tiếng khoa Văn - ĐHSPHN của nhà thơ Thai Sắc.
LTA-CT, 14/8/2016. Kỷ niệm tối hôm qua (13/8/2016) cư dân nhà A7 - khoa Văn ĐHSPHN di trú phương Nam gặp gỡ, giao lưu trước ngày Hội Trường, hội Khoa 65 năm vào tháng 10 tới đây.
Trong cuộc gặp gỡ chuẩn bị hội vinh dự được đón thầy Trần Hữu Tá - cựu giảng viên Khoa Ngữ văn trường ĐHSP Hà Nội.
Trong những ấn tượng tốt đẹp về tình cảm, kỷ niệm vui buồn, sự thành đạt, hạnh phúc được chia sẻ giữa các thế hệ anh chị em lớp sau lớp trước - giờ đã trở thành đồng nghiệp hoặc đồng đội trên nhiều lĩnh vực (không chỉ gắn với sự nghiệp Trồng Người)..., thì mình xúc động và ghi nhớ nhiều nhất những lời tâm tình của PGS-TS Trần Hữu Tá - nguyên Chủ nhiệm Khoa Văn ĐHSP TP.HCM. Thầy không chỉ là một người Thầy lớn của nhiều thế hệ học trò, mà với riêng mình, Thầy còn có vị trí khá đặc biệt. Thầy là Cha của một Amser siêu cổ - cùng trường Am và đội tuyển Văn với mình thời lớp 11 PTTH và là cha chồng của bạn đồng môn (hơn mình một khoá) thời ĐH. Bạn mình tài hoa bạc mệnh, không may đã mất năm 2002 vì bệnh hiểm nghèo. Nói về người con dâu yêu quý, Thầy tỏ lộ sự tiếc nuối thật sự: "Vợ Nguyên mất là nỗi đau lớn nhất của Thầy và gia đình từ khi chuyển vào sinh sống trong SG em à"... Còn khi bộc bạch đôi điều với các thế hệ học trò trước lúc ra về tối qua, Thầy nói (đại ý): Thầy năm nay 80 tuổi, tính tuổi nghề cũng đã được hơn 58 năm. Hiện thầy đang mang trong mình hai căn bệnh, mà bệnh lấy đi của Thầy nhiều sức khoẻ nhất là parkinson. Nó làm tay Thầy run, chân run, môi run, giọng nói cũng run... nên từ đầu năm 2016, Thầy không tham gia giảng dạy nữa, chỉ tập trung chữa bệnh... Hôm nay Thầy biết các em có cuộc gặp gỡ ý nghĩa này, Thầy cố gắng tới, (dù ở nhà mọi người thân cũng đang trông chờ để KN 50 năm ngày cưới cho Thầy Cô), để được nói với các em rằng: nghề của chúng mình hay lắm, vui lắm, hãy giữ lấy tình yêu nghề... Nghề của mình dù không mang lại sự giàu có về vật chất, nhưng rất giàu cảm xúc và tình người... Ngay ngày hôm qua, Thầy đón một "cụ học sinh" đến thăm Thầy. Học sinh ấy hơn Thầy 2 tuổi, năm nay 82, vẫn nhớ đến Thầy giáo cũ và tới thăm, hàn huyên như những người bạn... Tình nghĩa ấy quý lắm. Bởi vậy thi thoảng, không cần Hội Khoa ta cũng nên gặp nhau, thăm nhau, trò chuyện cùng nhau... Các em cũng đừng tổ chức gặp mặt ở nhà hàng cho tốn kém. Một bữa gặp gỡ thế này, lương Giám đốc (có 01 chị là GĐ Sở GD Đồng Nai) và Đại tá QĐND (có hai anh cựu học viên Khoa Văn có mặt tối qua là Đại tá- Chính uỷ 01 đơn vị thuộc BQP), dù cao mấy cũng không đủ trả hết đâu nếu như không tham nhũng... (tất cả chúng tôi cười ồ...). Vì thế, chúng ta duy trì sự quan tâm bằng cách tới thăm nhau, 5 phút cũng được, 15 phút cũng được, lâu hơn càng tốt, uống với nhau một ly trà, đọc cho nhau nghe một bài thơ hay một sản phẩm nghiên cứu mới của mình, cũng là rất quý. Nghề của mình, hạnh phúc là thế các em à...
Thầy nói một mạch, lưu loát, dí dỏm, giản dị, chân tình mà khúc chiết. Không hề có dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi tuổi già và bệnh tật dù vóc dáng Thầy hao gầy hơn nhiều so với trước. Nghe Thầy nói, thấm từng lời. Thầy ơi, mỗi lần gặp Thầy Cô và thế hệ đồng môn, đồng nghiệp lớp trước, lớp sau... chúng em đều thêm tin yêu và tự hào về những giá trị nhân văn Thầy Cô đã trao truyền cho chúng em thuở xưa và ngay trong giây phút hiện thường này. Cầu mong Trời Phật, cúi xin Tổ Nghiệp ân ban cho Thầy Cô sức khoẻ để vui hưởng phúc thọ, an yên bên con cháu, gia đình và luôn cùng đồng hành với lớp lớp học trò đang kế tục sự nghiệp của Thầy Cô, ngày ngày cần mẫn, kiên trì, đầy nhiệt huyết cấy cày trên cánh đồng gieo chữ trồng Văn nhiều thử thách, cam go hôm nay...
Lê Trúc Anh