Các hoạt động

[KÌ 4 - LỜI CON CHƯA NÓI]: Nhịp sóng yêu thương (Tản văn)


13-10-2020
Tác giả: Nguyễn Thị Lương - SV CK66

Trong tháng 3/2019, HPT - CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn phát động cuộc thi Viết về Mẹ với tên gọi "Lời con chưa nói". Những tác phẩm của các bạn sinh viên Khoa Ngữ văn gửi đến BTC cuộc thi đã đong đầy biết bao tình cảm của những người con dành đến cho "Người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời mình". Sau đây, kính mời quý thầy cô cùng các bạn độc giả cùng đến với Tản văn "Nhịp sóng yêu thương" của tác giả Nguyễn Thị Lương - Sinh viên lớp CK66

Cảm xúc của con người thật lạ kì, người ta có thể bất chợt buồn, bất chợt vui và bất chợt tĩnh lặng, sâu lắng giữa những bộn bề của cuộc sống ồn ào, vồn vã của nhịp sống đô thị. Những khoảnh khắc tĩnh lặng ấy cho tôi trở về nhiều thứ, trong đó có bến bờ hạnh phúc mà 22 mùa xuân này tôi vẫn neo đậu và có thể mãi mãi sau này đó vẫn là điểm tựa vững chắc của tôi –“ gia đình”, nơi ghi dấu biết bao những kỉ niệm ngọt ngào với những người thân yêu, gắn bó như chính máu thịt của mình. Sẽ có rất nhiều ngôn từ, hàng vạn suy ngẫm và không biết bao nhiều là tình cảm mà tôi muốn gửi gắm cho mỗi người nơi bến bờ hạnh phúc ấy, nhưng hôm nay với một dịp đặc biệt như thế này, tôi xin phép được gửi tới bạn đọc những “ Nhịp sóng yêu thương” đó là những kỉ niệm ngọt ngào được dệt khắc bởi tình yêu to lớn, vĩ đại mà người mẹ yêu thương của tôi dành cho gia đình đặc biệt là những đứa con, để từ những nhịp sóng ấy, mỗi ta như ngày một trưởng thành biết sống yêu thương và tình nghĩa. Những cơn sóng nhỏ lăn tăn như gợn nhẹ trong lòng, nhưng cũng có khi nó ào ào dữ dội, vỗ những nhịp lớn vào bờ.

Đôi nét về người giữ những nhịp sóng yêu thường, người nhóm lửa và giữ lửa trong gia đình –“ mẹ”. Người phụ nữ ấy vốn là một người nông dân chăm chỉ, cần cù và chịu khó, sống ở vùng ngoại thành Hà Nội từ nhỏ với gia đình, một vùng đất mang đậm những nét đặc trưng của một vùng quê Bắc Bộ với lối sống gắn với nghề nông trồng lúa nước, từ nhỏ mẹ đã cùng bà ngoại làm những công việc đồng áng, để rồi với sự nhanh nhẹn và hoạt bát ấy thì mẹ đã học được rất nhiều kinh nghiệm từ bà. Mọi người đánh giá rằng nó là một con bé hoạt bát, hòa đồng và dễ gần, điều này có lẽ chịu ảnh hưởng từ lối sống cộng đồng, lối sống làng xóm đặc trưng của sinh hoạt làng quê thuở xưa cũ. Sống và lớn lên trong môi trường ấy làm cho con người ta sống tình cảm và yêu thương nhau vô cùng.

Với mọi người mẹ tôi có thể chẳng để lại điểm gì ấn tượng cả, thế nhưng để mỗi lần gần mẹ, nằm với mẹ thì tôi tìm ra những điểm thật đặc biệt, những điểm ấy chính là những vết tích của thời gian, của gian khổ nhưng trên hết là của yêu thương. Một đôi bàn tay như biết bao những đôi bàn tay khác, nhưng bề mặt của nó thô giáp, để rồi mùa đông tới nó chỉ chực nứt nẻ ra, những vết ngấn như chia tách bàn tay ra thành nhiều mảnh, cái bàn tay cho tôi ấn tượng như những ruộng lúa hạn hán nứt nẻ chân chim. Những đầu ngón tay thì cứ ngày một to lên, giữa các ngón còn có sự chai sạn, những vùng thịt cứng đơ mà có đâm kim vào cũng chẳng thấy đau nữa, ở những đốt cuối cùng của ngón tay thì có lẽ bề mặt nó chẳng còn là da thịt nữa mà do cầm cuốc, cầm liềm và lao động quá nhiều làm cho vùng thịt ở đó trơ ra, rắn chắc. Thời gian và vất vả ghi dấu trên đôi tay ấy làm cho tôi cứ mỗi khi nhìn thấy tay ai, thì đều nhớ về nó với môt niềm xót xa ngậm ngùi. Mẹ tôi còn có một đôi vai rộng, đôi vai của những người phụ nữ xưa quen gồng gánh, đôi vai đã từng gánh tôi xuyên qua những con ngõ nhỏ của xóm làng, nghĩ lại cái ngày ấy khi tôi được ngồi trong thúng cầm chiếc bánh rán tỏm tẻm nhai mà giờ này thèm khát được quay trở lại. Dường như, mỗi vết dạn nứt mỗi nỗi đau trên người của mẹ đều có bóng dáng của chúng tôi, bóng dáng của những người thân yêu trong gia đình. Những vết thương ấy cứ dần theo năm tháng lớn lên, đồng nghĩa với việc tình yêu và sự hi sinh của mẹ cũng ngày một đong đầy nhiều hơn.

... Nhịp sóng ấu thơ. Từ những ngày bập bẹ biết nói, lẫm chẫm biết đi, mẹ là người đầu tiên dẫn tôi tập tành những thứ đó, mẹ dạy bi bô những âm thanh đầu tiên của cuộc đời, cho tôi biết những điều hay, những  điều mới lạ, …là cầu nối cho tôi bước vào thế giới này. Rồi đến khi tôi bắt đầu biết cảm nhận sự sống, biết được những gì đang chuyển động quanh mình, không còn ngô nghê mà biết chủ động nhớ những gì đã xảy ra, biết ý thức về cuộc sống. Bình yên và vui vẻ lớn, trong suốt quãng thời gian ấy thì hình ảnh lưu lại trong trí óc tôi lâu nhất cho tới giờ là hình ảnh của một người phụ nữ tất bật với công việc, lo toan đủ mọi điều. Tấm ảnh ấy được tôi “chụp” lại bằng máy ảnh trí nhớ là vào một ngày tháng 6, một ngày nắng, bầu trời trong veo, xanh thăm thẳm, không một gợn mấy trắng, tiếng ve phát ra râm ran thành từng đợt, nơi sườn đê dưới những gốc bạch đàn, tôi ngồi và nhìn ra xa ngắm nghía hình ảnh của một người phụ nữ, một người đội chiếc nón mà gần giống như chiếc nón của “thị” trong Vợ nhặt mà sau này tôi được học, ngồi nhìn ngắm tôi bàn tay của mẹ, tay phải thì cầm liềm, tay trái cầm lượm cắt đứt quai buộc, rồi nhẹ nhẹ tung nó đều ra mặt đê, cứ như vậy cho tới lúc kín hết mặt con đê mới xong. Nhưng nếu cứ nhìn từ xa như vậy, có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ thấy hết được vẻ đẹp của nó, di sát máy chụp cho tới gần nhé, tôi thấy được hình ảnh của một người với vẻ mặt mệt nhọc khi phải làm việc dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, hai má cô ấy ửng đỏ, những giọt mồ hôi chạy dài từ hai thái dương nhỏ thành từng giọt mặn chát, ở mũi và dưới cằm thì có những chấm nước lấm tấm hình như cũng sắp ào vào nhau để tạo giọt mà chảy xuống, mỗi lần cắt đứt dậy buộc là lại như một cơn mưa rơi xuống, hòa cũng với những giọt nước còn sót nơi lượm rơm mới tuốt. Tất cả hình ảnh ấy cứ nhẹ nhàng bước từng bước vào trí nhớ của tôi, cho tới tận bây giờ mảnh kí ức ấy vẫn cứ sống động như thuở ấy. Một con người tân tảo cho tôi những bài học về sự chăm chỉ chịu thương chịu khó, “Có làm thì mới có ăn/ Không dưng ai dễ mang phần đến cho”, rồi còn là cả những kinh nghiệm làm lụng mà mẹ để lại cho tôi, chẳng biết sau này tôi còn có dịp sử dụng lại không nữa, nhưng đó quả là một cuộc trải nghiệm tuyệt vời. Đặc biệt hơn cả, cũng chính từ trong thơ ấu, tôi được vun trồng bởi nguồn mạch yêu thương ấy, để giờ đây trở thành một con người sống tình cảm.

... Nhịp sóng tiếp theo mà tôi sẽ chia sẻ với mọi người là một kí ức mà cho tới bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy mình sai nhiều lắm, ân hận nhiều lắm. Nó bắt đầu vào một sáng chủ nhật, tôi ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm, cái tính trẻ con ham vui, chơi thì quên tất cả, sa đà vào những đám trẻ ở ngõ là chuyện thường và tôi thì dĩ nhiên không ngoại lệ. Trông em gì chứ tôi chẳng nhớ gì nữa cả, vụt chạy ra ngõ theo mấy đứa bé hơn cả tuổi tôi, thế rồi bỗng em tôi thét lên, nó gào như xé toanh tất cả, vụt nhanh như tia chớp tôi chạy về thì thấy nó ngồi trên chiếc xe lao từ trên hè xuống sân, chiếc xe thì lộn mấy vòng và đầu em tôi ngay lập tức chuyển màu mà sưng tấy lên, nhìn nó tôi sợ mất sắc, không còn hồn vía gì nữa. Bố tôi ở đâu chạy về thấy vậy thì hốt hoảng, bế lấy đứa nhỏ và lấy sẵn cái gậy trong tay dựng ở đầu hè vụt cho tôi một cái vào chân, tôi tức tối cãi lại, lí sự rằng, tôi không có làm, chẳng qua là nó tự ngã. Và rồi từ lúc tôi bị ăn cái gậy đó, tôi chẳng thèm nói chuyện với bố, vì tôi tự cho rằng mình đúng cơ mà, mình chẳng có gì sai, cũng trong thời gian ấy luôn, tôi không nói chuyện gì với bố, không hỏi, không mời bố ăn cơm,… sự việc đẩy lên đỉnh điểm khi cả hai bên cũng không nói gì thì lúc ấy mẹ tôi bắt đầu ra mặt. Mẹ gặp tôi và nhỏ nhẹ khuyên bảo, phân tích lẽ phải lẽ trái, để giúp tôi hiểu ra nhiều điều, và tôi đoán chắc chắn mẹ cũng nói điều gì nữa với bố, để cái tối hôm đó, bố đã nói chuyện trở lại với tôi. Nhìn bố con tôi nói chuyện, mẹ tôi cười và mắng yêu “ Hờn với chả dỗi. Cái nết  của mày to hơn cái đình làng này.” Giờ đây từ trong đáy lòng mình, đôi khi kỉ niệm dừng chân ở điểm này thì bản thân tôi luôn cảm thấy hổ thẹn, nhưng cũng qua lần ấy tôi mới thấm được cái mà mẹ tôi gọi là sợ dây gắn kết, thấm cái ngọn lửa mà mẹ tôi đã nhen nhóm và giữ nó cháy rừng rực trong gia đình của tôi. Người phụ nữ trong gia đình quan trọng vậy đó, họ là người vợ, người mẹ, người con,…nhiều quá nhỉ? Nhưng quan trọng hơn họ là người vun trồng, gìn giữ tổ ấp, khơi nguồn hạnh phúc tạo thành dòng chảy, thậm chí có thể nói là biển lớn yêu thương.

… và những con sóng cứ chảy mãi chảy mãi như thế. Đến một ngày mẹ tôi sinh thêm em trai tôi bây giờ. Quả thật, mỗi khi đoạn kí ức này chạy qua thì sự sợ hãi lại dậy sóng trong tôi. Khi ấy mẹ tôi mang thai đôi và một sự cố xảy ra, cả hai đứa em tôi như kiểu tranh nhau đòi chui ra ngoài, đến tháng thứ 7 chúng nó đều quay đầu về phía cửa mình của mẹ, bác sĩ có dự đoán rằng, nếu như để đến lúc đau đẻ thì ngay lập tức người mẹ sẽ chết, bở rằng cả hai cái đầu đều chui ra một lúc sẽ làm vỡ tử cung người mẹ. Tôi nghe đến đây thì thất khiếp và cứ nghĩ mình sẽ mất mẹ nếu như cơn đau ấy kéo đến. Cuối cùng thì may mắn thay, mẹ tôi đã được bác sĩ giúp đỡ và đưa ra những giải pháp hữu hiệu, mẹ tôi đã sinh em thành công. Gương mặt phờ phạc, như không còn giọt máu nhìn hai đứa nhỏ,….Hạnh phúc! Hạnh phúc lắm! Hạnh phúc vô cùng! Chẳng còn đau đớn của những vết cắt vết cứa trên thân thể, chẳng còn quan tâm tới những vết dạn nứt ở bụng,chẳng quan tâm đến vẻ ngoài đẹp hay xấu, mẹ ôm nó và cho nó bú. Bấy giờ tôi như vỡ ra, hiểu ra một cái gì rất mới mẻ trong đó, ngộ ra nhiều điều từ hình ảnh đó. Người xưa nói rằng “ Người chửa cưa mả” đúng quả không sai, người phụ nữ khi vượt cạn như thể đấu tranh với tử thần ấy chứ nhỉ? Họ đau đớn, khổ cực lắm chứ. Nhưng cũng lạ cơ, người phụ nữ kia, hai bên hai đứa nhỏ cũng bú, cô ấy từ phòng mổ vừa ra, nhưng chẳng có lời than vãn nào, chẳng kêu ca gì cả, và chỉ còn lại là nụ cười tươi rói nở trên đôi môi thâm thì, tái nhợt. Cái vỡ ra trong đầu tôi hiện lên: niềm vui, niềm hạnh phúc của người mẹ chỉ đơn giản có thế, niềm vui được nhìn thấy còn mình, được thấy chúng lớn lên khỏe mạnh, vui cười không âu lo, những cặp mắt trong veo chưa nhuốm màu bụi bặm cuộc sống như một nguồn sức mạnh lớn để mẹ cố gắng sống và hiến dâng. Và giờ đây thi thoảng khi chạy ra ngõ ngồi lê đôi mách với mọi người thì mẹ tôi vẫn cười xòa và nói, tài sản tôi chả có gì, có mỗi mấy đứa con, nghe mấy lời đó mới thấy rằng với mẹ thì con thật sự là tất cả. . Người phụ nữ ấy có thể hi sinh tất cả cho chúng tôi, có thể chết để chúng tôi sống, có thể nhịn để chúng tôi được ăn no, có thể rét cóng để chúng tôi được ấm áp, nín lặng và buồn bã âu sầu mỗi khi chúng tối ốm, sốt, cảm cúm….có thể cùng vui cùng buồn cùng chia sẻ tất cả với chúng tôi. Mẹ là người như vậy đó. Thật đơn giản nhưng lại ý nghĩa biết bao! Bức ảnh quá khứ này gợi cho tôi suy ngẫm về thiên chức cao cả của “Người Mẹ”! Về sự hi sinh và niềm hạnh phúc.

… Còn biết bao những nhịp sóng yêu thương khác nữa, cứ chảy trôi, cứ vỗ về mãi mãi, lòng mẹ, tình yêu của mẹ như chính những gợn sóng ấy, những con sóng yêu thương vô hạn, những con sóng dạt dào. Tại sao tôi lại lấy tên là những nhịp sóng? Bạn có thắc mắc ngày từ đầu chăng? Bởi rằng tình mẹ cũng giống như những cơn sóng ấy, chẳng bao giờ ngưng nghỉ, chẳng bao giờ mất đi, sóng có lúc dữ dỗi, nhưng cũng có lúc nhẹ nhàng, êm ái, sóng cho ta nhớ tới đại dương nhớ tới biển rộng, nhớ tới những gì lớn lao khó có thể đo đếm đêm giống như tấm lòng của mẹ.

Sẽ không có một ngôn từ mĩ miều, hay bất cứ những sự vật hiện tượng nào có thể so sánh, hay dùng nó mà viết về mẹ cả. Bài viết này được dệt lên bằng những khoảnh khắc của kí ức đã qua, của kỉ niệm ngọt ngào, nhân một dịp đặc biệt dành cho những người phụ nữ, phút bất chợt làm tôi nhớ về mẹ và viết lên những dòng này.

Không nhất thiết phải đợi tới 8-3 hay 20-10 mà tôi nghĩ bất cứ khoảng thời gian nào, bất cứ nơi đâu chúng ta đều có thể nói về mẹ bằng những cảm xúc tự đáy lòng mình như vậy. Thời gian phôi pha làm cho da mẹ nhăn lại, tóc đã có những cái sâu,nhưng với tôi người phụ nữ ấy đã trở thành người phụ nữ thật phi thường, người phụ nữ đẹp nhất và cũng mãi đẹp như thế. Người đã đồng hành cùng tôi trên những chặng đường đời đầu tiên và cũng sẽ luôn đồng hành và dõi theo trên suốt những chặng đường cuộc sống mãi sau này.

Cuối tuần vừa rồi, tôi về nhà, thoải mái và yên bình tựa tên bờ vai ấy, được ăn những bữa cơm giản dị nhưng lại ấm áp vô cùng. Sáng sớm chủ nhật mẹ và tôi lại dạo bước trên con đê đầu làng nhưng con đê ấy giờ đây không còn là dặng bạch đàn hai bên sườn đê, không còn mặt đê toàn đất đá nữa. cũng chẳng còn những bụi xấu hổ, những cây găng, cây bồ tên nữa…mà là đường bê tông với làn gió nhẹ của những ngày đầu xuân, của những ngày đầu mùa cấy hái, của những ruộng mạ non thơm ngào ngạt….

Với những bậc sinh ra ta, chữ cảm ơn hình như chưa một lần được nói, thế nhưng trong tâm can, đáy lòng  hai tiếng ấy đã thốt lên hàng ngàn vạn lần. Tôi yêu mẹ rất nhiều và mong rằng những điều tốt đẹp nhất luôn đồng hành bên mẹ của tôi. Cảm ơn mẹ đã cho con được nhìn thấy mặt trời, được hít thở không khí và được sống những ngày thật tươi đẹp, ý nghĩa!

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020