Tọa đàm: Khám phá tiểu thuyết - Thời gian: Ngày 5 tháng 4 năm 2019 - Địa điểm: Khoa Ngữ văn - trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Diễn giả: Nhà văn Diêm Liên Khoa & GS. Vương Nghiêu
1. Diễn giả số 2: Giáo sư Vương Nghiêu - Đại học Tô Châu (Trung Quốc)
GS. Vương Nghiêu sinh năm 1960 tại Giang Tô, Trung Quốc. Trong quá trình công tác, ông đã có những đóng góp nhất định cho nền văn học Trung Quốc. Với vai trò là nhà nghiên cứu phê bình, ông đã lựa chọn cho mình mảnh đất đương đại với những bước phát triển đầy triển vọng của văn học Trung Quốc. Có thể kể đến những công trình công phu mà ông đã chủ biên như bộ sách Đại hệ văn học cách mạng văn hóa, Đại hệ phê bình văn học đương đại Trung Quốc , Tủ sách Nghiên cứu văn học hiện đại Trung Quốc hải ngoại, Ghi chép đối thoại nhân văn mới… Cùng với đó là những tập tản văn tùy bút như Tìm kiếm văn mĩ, Không gian hỗn tạp, Cởi bỏ áo khoác của văn hóa, Những năm 80 của một cá nhân và Phần tử trí thức trên giấy…. Ông được công nhận như một chuyên gia đầu ngành về hạng mục quan trọng quỹ khoa học xã hội quốc gia, từng đạt Giải thưởng hạng mục nhà bình luận văn học của Giải truyền thông văn học Hoa ngữ, giải thưởng văn học Tử Kim Sơn, giải thưởng tản văn Tử Kim Sơn, giải thưởng thành quả ưu tú trong nghiên cứu khoa học xã hội triết học và giải thưởng khoa học giáo dục nhân văn tỉnh Giang Tô.
GS. Vương Nghiêu đã và đang giữ các chức vụ quan trọng như Viện trưởng Viện Văn học Đại học Tô Châu, giáo sư thỉnh giảng Đại học Đông Ngô Đài Loan, Chủ nhiệm Hội đồng Khoa học Đại học Tô Châu, Học giả thỉnh giảng Đại học Harvard – Yanjing, Thành viên ban biên tập tạp chí “Bình luận văn học”, nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Phó chủ tịch hiệp hội Nghiên cứu phê bình văn nghệ tỉnh Giang Tô, phó hội trưởng hội nghiên cứu văn học đương đại tỉnh Giang Tô…
Trong các tác phẩm của ông, đã có cuốn “Văn học đương đại Trung Quốc – tác giả và luận bình” đã được dịch sang tiếng Việt (TS. Đỗ Văn Hiểu dịch). Cuốn sách là tập hợp các bài viết đặc sắc của ông về một số gương mặt tiêu biểu của văn học đương đại Trung Quốc như nhà văn Diêm Liên Khoa (giải thưởng Kafka 2014), nhà văn Mạc Ngôn (giải thưởng Nobel Văn học 2012), Vương An Ức,…
Chắc chắn rằng những nhận định của GS Vương Nghiêu trong tọa đàm “khám phá tiểu thuyết” tới đây sẽ cho chúng ta những cái nhìn chi tiết, rộng rãi về nền văn học đương đại Trung Quốc.
2. Một vài tác phẩm nổi bật
Phê bình văn học là sự phán đoán, bình phẩm, đánh giá, giải thích các tác phẩm văn học. Nó không chỉ tác động qua lại với sáng tác mà còn thúc đẩy sự hình thành, phát triển và chuyển hướng của văn học. Trong nền văn học đương đại Trung Quốc, Vương Nghiêu là một cây bút phê bình độc đáo.
Ông đi sâu vào những nét độc đáo của văn học thời kì này, đồng thời mở ra những hướng tiếp nhận, khai mở cho độc giả những bước đi trong quá trình tiếp cận văn học đương đại Trung Quốc. Ông chủ yếu nghiên cứu về văn hóa tư tưởng và văn học hiện – đương đại Trung Quốc. Ông đã xuất bản các chuyên luận như “Lịch sử tản văn đương đại Trung Quốc”, "Vào sinh ra tử trong Hán ngữ", "Tự thuật và diễn giải của “cách mạng” về “phong trào Ngũ Tứ” và “Văn học nghệ thuật hiện đại”... Ngoài ra, ông còn chủ biên các bộ sách như "Văn học cách mạng văn hóa", "Phê bình văn học đương đại Trung Quốc", Bộ sách dịch"Nghiên cứu văn học hiện đại Trung Quốc ở hải ngoại" và bộ sách "Ghi chép đối thoại nhân văn mới"... Còn có hàng loạt các tập tản văn và tùy bút như "Đi tìm vẻ đẹp văn chương", "Không – thời gian giao thoa" (Tùy bút văn hóa học thuật đương đại),"Cởi bỏ áo ngoài của văn hóa", "Thập niên 80 của một cá nhân" và "Trí thức trên giấy",...
Cuốn “Văn học đương đại Trung Quốc” của GS. Vương Nghiêu cuối năm 2017 đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam (do TS. Đỗ Văn Hiểu dịch). Cuốn sách này là tập hợp các bài viết chuyên luận đặc sắc về một số gương mặt tiêu biểu của văn học đương đại Trung Quốc như Diêm Liên Khoa, Mạc Ngôn, Trương Vỹ, Dư Quang Trung, Lý Nhuệ, Trần Hoán Sinh, Vương An Ức… Ông đã cho người đọc nhìn nhận được sự hình thành, phát triển và chuyển đổi mô hình của phê bình văn học đương đại Trung Quốc để hướng đến sự hình thành một khoa học độc lập với những gợi ý rất rõ ràng: “Phê bình văn học đương đại có thể trở thành một môn khoa học độc lập hay không, điều đó được quyết định bởi phê bình văn học có hình thành lí thuyết phê bình Trung Quốc hóa hay không và làm thế nào để xác lập được phương thức quan tâm đến hiện thực". Đồng thời, ông còn đi sâu vào một số khía cạnh đáng quan tâm các tác phẩm của các tác gia cụ thể như “Văn học sử của một cá nhân hay là xuất phát từ điểm mở của lịch sử văn học” (bàn về tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa); "Đọc lại “Phế đô” và bàn về trí thức thập niên 90, "Tu từ của “sự kiện tư tưởng” (ghi chép khi đọc Thời đại khai sáng của Vương An Ức); "Triết học, thi học ra đời, phát triển trong quan hệ căng thẳng giữa cá nhân và thời đại" (ghi chú khi đọc về Trương Vỹ); Từ “cao lương đỏ” đến “Đàn hương hình” (Ghi chép về đối thoại giữa Mạc Ngôn và Vương Nghiêu) …Cuốn sách này là sản phẩm nghiên cứu vô cùng độc đáo góp phần định hướng tiếp nhận một cách sâu sắc và mở ra những cơ tầng ý nghĩa vô cùng mới mẻ cho người đọc.
Thực hiện: Xuân Bảo, Thảo Nhung (HPT - CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn)