Các hoạt động

[KÌ 3] ĐỒNG HÀNH CÙNG TỌA ĐÀM "KHÁM PHÁ TIỂU THUYẾT" - DIỄN GIẢ: NHÀ VĂN DIÊM LIÊN KHOA & GS VƯƠNG NGHIÊU


13-10-2020

Tọa đàm: Khám phá tiểu thuyết - Thời gian: Ngày 5 tháng 4 năm 2019 - Địa điểm: Khoa Ngữ văn - trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Diễn giả: Nhà văn Diêm Liên Khoa & GS. Vương Nghiêu

1. Diễn giả số 1: Nhà văn DIêm Liên Khoa

"…Thậm chí có thể nói tôi là một con người của bóng tối. Một người sáng tác độc lập của bóng tối, một linh hồn đam mê sáng tác bị ánh mặt trời ghét bỏ và truy đuổi khắp nơi…" 

Đó là những gì nhà văn Diêm Liên Khoa đã phát biểu trong khi cầm trong tay Giải thưởng văn học Franz Kafka năm 2014, trước hàng trăm gương mặt nổi tiếng của giới văn chương thế giới. Ông cũng là nhà văn Trung Quốc đầu tiên giành được giải thưởng cao quý mang tên cây bút thiên tài người Tiệp Khắc này.

Không những vậy, Diêm Liên Khoa còn dành một sự yêu mến đặc biệt với văn học Việt Nam, khi chính ông đã viết hẳn một bài phê bình cho cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, trong đó có lời nhận xét: “nếu “Nỗi buồn chiến tranh” đã được dịch sang tiếng Trung sớm hơn, thì nhận thức của chúng ta đối với văn học Việt Nam sẽ không đến nỗi phong bế và hạn hẹp như hôm nay; văn học quân đội Trung Quốc cực kỳ cũ kỹ và trì trệ hôm nay cũng nhất định sẽ không bảo thủ, bó chân và tụt hậu như vậy. Thậm chí có thể nói, nếu như có thể kịp thời dịch và giới thiệu Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, văn học quân đội Trung Quốc ngày ấy và bây giờ đều rất có thể đã mang một cảnh sắc và sinh khí khác.”

Nhà văn Diêm Liên Khoa sinh năm 1958 tại vùng nông thôn Điền Hồ, Hà Nam, Trung Quốc. 20 tuổi, Diêm Liên Khoa gia nhập quân đội, trở thành binh sĩ ở Tề Nam, sau đó, lần lượt làm các nhiệm vụ như trung đội trưởng, sĩ quan, thư ký. Năm 1980, ông bắt đầu xuất bản tác phẩm. Tuy nhiên, những sáng tác của ông ở thời kỳ này không gây được tiếng vang. Một thời gian dài, gần 17 năm sau, khi tiểu thuyết Niên nguyệt nhật (1997) ra mắt, Diêm Liên Khoa mới thực sự thành danh. Năm 2004, Diêm Liên Khoa rời quân đội chuyển sang làm nhà văn chuyên nghiệp cho Hội nhà văn thành phố Bắc Kinh, và từ năm 2008 đến nay ông làm giáo sư đại học Nhân dân Trung Quốc.

Diêm Liên Khoa đã giành được gần 30 giải thưởng văn học khác nhau trong và ngoài nước, như Giải thưởng Lỗ Tấn lần thứ nhất và lần thứ 2; Giải thưởng Lão Xá lần thứ 3; Giải thưởng văn học Hoa ngữ quốc tế Hoa Tung 2013; Giải thưởng văn học Kafka 2014. Năm 2013, ông được bình chọn là nhân vật văn hóa có ảnh hưởng toàn Trung Quốc. Tác phẩm của Diêm Liên Khoa được dịch ra tiếng Nhật, Hàn, Việt, Pháp, Anh, Đức, Italia, Hà Lan, Israel, Tây Ban Nha, Serbia… xuất bản ở trên 20 quốc gia và khu vực. Tác phẩm của Diêm Liên Khoa đã được xuất bản ở Việt Nam gồm: Vì nhân dân phục vụ, Phong nhã tụng, Kiên ngạnh như thủy.

Ngay từ khi còn là một đứa trẻ với những cảm thức đầu tiên về cuộc đời, Diêm Liên Khoa đã tự nhận mình có khả năng cảm nhận rõ nhất về bóng tối. Sinh vào đúng vào quãng thời gian tăm tối trong lịch sử Trung Quốc với nạn đói Tam niên đại cơ hoang dẫn đến cái chết của hơn 30 triệu người, Diêm Liên Khoa đã tự khắc ghi trong mình những mảnh kí ức tan vỡ. Đó là nỗi ám ảnh dai dẳng về cái chết và nỗi khổ, về kiếp người chỉ giống như một chiếc lá khô bay theo gió, mà đến mãi tận sau này vẫn đổ dài như một màn đêm mơ hồ trên các trang viết của ông. …đen tối – không chỉ là màu sắc, mà là chính bản thân cuộc sống, là vận mệnh mà người Trung Quốc không thể thoát bỏ. Bởi vậy, mà trong một xã hội Trung Quốc phồn thịnh, giàu có và phát triển rực rỡ như ngày nay, Diêm Liên Khoa vẫn nhìn ra những méo mó, quái gở, biến dị. Ông chọn đứng trong bóng tối, đứng về phía những gì bé nhỏ, đáng thương bị cuộc đời ruồng rẫy, lãng quên để đặt bút viết nên những tác phẩm của mình. Khi thi nhân lãng mạn chọn lựa ca tụng con chim bay trên bầu trời, thì tôi - chọn là người thứ hai. Tôi lựa chọn là người đứng bên con chim bị gãy cánh. Đó là tôn chỉ trong sáng tác của Diêm Liên Khoa.

Trong Diễn từ nhận giải thưởng Văn học Franz Kafka 2014, Diêm Liên Khoa có dẫn ra câu chuyện về một người mù từng sống cùng làng với ông, mỗi khi mặt trời ló rạng, người mù đó đều nhìn về phía mặt trời, tự nhủ: “Ánh sáng hóa ra có màu đen!”. Điều đặc biệt là người mù ấy ngay từ khi còn trẻ, đã có mấy chiếc đèn pin, buổi tối đi trên đường luôn cầm trong tay chiếc đèn pin đã bật, trời càng tối, chiếc đèn pin trong tay ông càng dài, ánh sáng cũng càng sáng rõ. Vì thế, mỗi khi ông bước đi trên đường làng tối đen như mực, người làng sẽ nhìn thấy ông từ rất xa, và không đụng vào ông. Hơn nữa, mỗi khi có người bước qua, người mù còn dùng đèn pin chiếu vào quãng đường phía trước, để mọi người có thể dễ dàng đi tiếp. Từ nhân vật này, Diêm Liên Khoa cảm nhận được một loại sáng tác, đó là nó càng đen tối, thì nó càng ngời sáng, nó càng lạnh lẽo thì lại càng ấm áp. Toàn bộ ý nghĩa của sự tồn tại của nó, chính là để mọi người tránh được sự tồn tại của nó. 

Diêm Liên Khoa và văn của ông chính là người mù bật đèn pin trong bóng tối, bước đi trong bóng đêm, dùng ánh sáng hữu hạn chiếu vào bóng tối, nỗ lực để mọi người nhìn thấy bóng tối để tránh đi. Những sáng tác của ông, vì vậy, thường viết về mặt tối của xã hội, nhưng lại hướng con người đến ánh sáng và nhân tính. Có thể nói, Diêm Liên Khoa là người thắp lên ánh sáng từ bóng tối.

Nhà văn Diêm Liên Khoa tại lễ trao giải thưởng Văn học Franz Kafka 2014

2. Một vài tác phẩm nổi bật

Với những kinh nghiệm sống trong quân ngũ, Diêm Liên Khoa đã xây dựng một hình tượng người lính – nông dân khác so với truyền thống của tiểu thuyết quân đội. Trong trang viết của ông, những quân nhân gốc nông dân nhập ngũ với mục đích khi trở về quê hương sẽ được làm cán bộ, được trưởng thôn cất nhắc, trao cho địa vị, để cưới vợ, được thăng tiến…chứ không có lý tưởng làm một anh hùng, một người chiến đấu vì Tổ quốc. Bởi thế khi trở thành binh sĩ, những người này cố gắng tìm mọi cách để tồn tại, thể hiện, lập công. Do vậy, trong bối cảnh Cách mạng văn hóa, những âm mưu, toan tính, những ham muốn bản năng, sự xung đột của họ tạo nên màn kịch nhân sinh đầy máu và nước mắt của một thời kỳ đen tối trong lịch sử Trung Quốc (Kiên ngạnh như thủy, 2001; Vì nhân dân phục vụ, 2004; Tứ thư, 2011; Tạc liệt chí, 2013)… Hình tượng người lính thời bình trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa đã tước bỏ mọi tính trang nghiêm, cao thượng, thần thánh của văn học quân đội một thời kỳ dài, với quan niệm nhân vật không phải mang bản chất người nói chung, mà là những tạo tác lịch sử ở những thời điểm nhất định. Vì vậy, những tác phẩm của Diêm Liên Khoa có ý nghĩa thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ hình tư duy về lịch sử của văn học Trung Quốc thời đại mới.

Không ai có thể phủ nhận, sức thu hút và nét độc đáo của tiểu thuyết Diêm Liên Khoa đầu tiên là ở nội dung sắc nhọn. Những tiểu thuyết tiêu biểu của ông đều khai thác sâu những mặt tối của xã hội. Đinh trang mộng (2006) kể về những người dân trong thôn bị bệnh AIDS, Phong nhã tụng (2008) xoay quanh câu chuyện một giáo sư đại học với căn bệnh trầm kha của người trí thức…tất cả đều từ vốn sống thực tế, sự trải nghiệm tự thân của nhà văn. Có những tiểu thuyết của ông đã gay tranh luận như Thụ hoạt (2004), Vì nhân dân phục vụ (2004); Đinh trang mộng (2006), hoặc gây ra những tranh luận trái chiều như Phong nhã tụng (2008). Nhưng dù khen hay chê, hầu hết các ý kiến đều đánh giá những tác phẩm trên của Diêm Liên Khoa là kiệt tác. Thiêm Hữu Thuận nhận xét: “Lối viết của Diêm Liên Khoa xứng đáng được xem trọng, ông có đủ sự dũng cảm, và là tác gia đã nêu ra những vấn đề quan trọng trong thời đại của chúng ta”. Dẫn theo Nguyễn Thị Minh Thương, “Diêm Liên Khoa, gương mặt tiêu biểu của văn học Trung Quốc đương đại”

Hơn ai hết, Diêm Liên Khoa nhận thức rõ sự “thừa thãi của nhà văn” trong “thế giới hỗn loạn này” – như cách nói của ông, nhưng, cũng chính ông là người tin tưởng sâu sắc bản thân và các sáng tác của mình có “ý nghĩa không thể thay thế được”. Sự viết, với Diêm Liên Khoa, là một cách thế sống, bởi “Sống là không thể không viết và tất yếu phải viết” - Dẫn theo Diêm Liên Khoa - "Lời tựa 3 cho tiểu thuyết Kiên ngạnh như thủy" (Nguyễn Thị Minh Thương dịch, NXB Hội Nhà Văn, TT Ngôn ngữ Văn hóa Đông Tây).

Với những đóng góp to lớn của mình trong lĩnh vực văn học nhà văn Diêm Liên Khoa đã vinh dự hai lần nhận Giải thưởng Văn học Lỗ Tấn, một lần nhận giải Văn học Lão Xá,Giải thưởng văn học Kafka và nhiều giải thưởng cao quý khác.Các tác phẩm của ông đã được dịch và xuất bản trên 20 quốc gia trên thế giới. Diêm Liên Khoa chính là đại diện cho câu nói "hoa nở muộn, thơm lâu", giữa một rừng những nhà văn lớn của Văn học Trung Quốc như: Trương Hiền Lượng,Giả Bình Ao, Vương Mông, Cửu Đan, Diệp Tân, Tốt Thục Mẫn, Mạc Ngôn...Diêm Liên Khoa vẫn biết cách để tạo ra cho ông điểm nhấn riêng với việc lựa chọn "tiên phong" con đường "chủ nghĩa hiện thực hoang đường" của mình.

Một số tác phẩm của Diêm Liên Khoa đã được tuyển dịch sang tiếng Việt:

Tiểu thuyết Phong nhã tụng

Tiểu thuyết Nàng Tây Thi ở trấn Tây Môn (dịch giả Minh Thương)

 

Tiểu thuyết Đinh trang mộng (dịch giả Minh Thương)

  

Thực hiện: Hoàng Mai, Văn Sỹ (HPT – CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn)

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020