Các hoạt động

[KÌ 2] ĐỒNG HÀNH CÙNG TỌA ĐÀM "KHÁM PHÁ TIỂU THUYẾT" - DIỄN GIẢ: NHÀ VĂN DIÊM LIÊN KHOA & GS VƯƠNG NGHIÊU


13-10-2020

Tọa đàm: Khám phá tiểu thuyết - Thời gian: Ngày 5 tháng 4 năm 2019 - Địa điểm: Khoa Ngữ văn - trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Diễn giả: Nhà văn Diêm Liên Khoa & GS. Vương Nghiêu

1. Mối liên hệ giữa hai nền văn học Việt Nam - Trung Quốc

“Trong quá trình phát triển, nền văn hóa và văn học Việt Nam đã tiếp thu có phê phán, chọn lọc tinh hoa của nhiều nền văn hóa và văn học trên thế giới, trong đó nổi bật là văn học Trung Quốc” (Nguyễn Khắc Phi, mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc qua cái nhìn so sánh).

Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (938) lập ra nhà Ngô. Sự kiện này đã chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra thời kì độc lập tự chủ cũng như sự ra đời của nền văn học Trung đại Việt Nam. Ngay từ khi mới hình thành, văn học Trung đại đã tiếp thu một cách “có chọn lọc trên cơ sở sáng tạo và Việt hóa những tinh hoa của Văn học Trung Quốc” . Cha ông ta đã học hỏi, vay mượn những yếu tố của văn hoá, văn học Trung Quốc trên các phương diện ngôn ngữ văn tự, hệ thống thể loại và cả những học thuyết, tư tưởng, tôn giáo.

Về mặt ngôn ngữ văn tự, Văn học Trung đại sử dụng chữ Hán Hán để sáng tác, học hành thi cử. Bên cạnh việc vay mượn văn tự, ta còn vay mượn thi văn liệu, điển cố, điển tích lấy từ sử sách, từ thánh kinh hiền truyện của Trung Quốc. Sự vay mượn đó nhiều đến nỗi trở thành những mô – típ quen thuộc, tạo nên tính quy phạm, ước lệ, tượng trưng trong văn học. Hồi ấy, những sáng tác văn chương có như thế mới được xem là bác học, cao nhã, sang quý. Chẳng hạn, nói đến cây và hoa, người đọc sẽ bắt gặp tùng, trúc, cúc, mai,… Đây là những biểu tượng để chỉ phẩm chất, khí tiết của bậc trượng phu, người quân tử; nói đến vật thì thường là long, ly, quy, phụng; nói đến người thì ngư, tiều, canh, mục; tả cảnh mùa thu phải là rừng phong lá rụng, sen tàn giếng ngọc, mây đùn cửa ải, lá ngô đồng vàng rơi; nói hoa bốn mùa thì thường là xuân lan, thu cúc, hạ sen, đông mai…

Về mặt thể loại, ta sử dụng những thể loại của văn học Trung Quốc để sáng tác, bao gồm vận văn, biền văn và tản văn: Vận văn có các thể thơ cổ phong, thơ luật Đường (bát cú, tứ tuyệt), từ khúc, ca, ngâm; biền văn thì mượn các thể như hịch, phú, cáo; tản văn thì mượn các thể chiếu, chế, biểu, tấu, tự, bạt, bi ký, sử ký, luận thuyết, các tể truyện…

Bên cạnh việc sử dụng văn tự, ngôn ngữ và thể loại, văn học Trung đại còn chịu ảnh hưởng sâu đậm những tư tưởng tôn giáo, những học thuyết của văn hóa Trung Quốc như Phật, Lão, Nho, Bách gia chư tử… Tư tưởng Tam giáo đã in đậm dấu ấn trong tâm lý, trong đời sống con người Việt Nam thời bấy giờ.

Tuy nhiên, Văn học Trung đại Việt Nam không hề vay mượn, bắt chước máy móc, mà trong suốt hơn mười thế kỉ cha ông ta luôn có những thay đổi, sáng tạo vận động phát triển theo hướng “dân tộc hóa”:

Về mặt văn tự: Nếu ban đầu văn học Lý – Trần sử dụng chữ Hán thì từ đầu thế kỷ XIII, các tác giả còn sử dụng chữ Nôm để sáng tác. Việc chữ Nôm ra đời và được sử dụng đã chứng tỏ ý thức độc lập dân tộc ngày càng được khẳng định, nâng cao; văn hoá, văn hiến đã được phát triển, đang cố gắng để thoát khỏi sự lệ thuộc văn hoá phương Bắc. Đồng thời, sự ra đời của chữ Nôm còn cắm cái mốc cho sự phát triển văn học, làm tiền đề để cho giai đoạn sau kết tinh nên những kiệt tác văn chương bởi những tác giả ưu tú như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông (thế kỷ XV), Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ XVI), Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương (thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX)…

Về điển cố, điển tích, văn thi liệu, bên cạnh sự vay mượn của văn học Trung Quốc thì văn học Lý – Trần còn sử dụng văn thi liệu của Việt Nam, lấy ngay đề tài ở Việt Nam để viết về cuộc sống con người Việt Nam, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước Việt Nam, phần nào biểu lộ niềm tự hào dân tộc. Chúng ta có thể thấy rõ qua những vần thơ của Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập hay tiêu biểu là Nguyễn Khuyến - nhà thơ của làng cảnh Việt Nam..

Về thể loại, mặc dù có vay mượn các thể loại của Văn học Trung Quốc nhưng Văn học Trung đại Việt Nam vẫn có những sáng tạo riêng của mình. Các tác giả trung đại thường chỉ mượn thể loại còn nội dung lấy từ văn học dân gian hoặc từ trí tưởng tượng cá nhân : Việt Điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái lục,... Còn đối với những tác phẩm vay mượn cốt truyện của văn học Trung Quốc, bản thân tác gỉa đã có sự sáng tạo, thêm thắt, chỉnh sửa cho phù hợp với văn hóa Việt Nam : Trong Truyền kì mạn lục Nguyễn Dữ mặc dù viết dựa theo Tiễn Đăng Tân Thoại của Cù Hựu nhưng ông đã sáng tạo thêm nhiều chi tiết kì ảo, hoang đường ; có nhiều truyện ông lấy từ tích truyện dân gian để sáng tác (Chuyện người con gái Nam Xương viết dựa trên truyện “Vợ chàng Trương”...) hay ở cuối mỗi truyện Nguyễn Dữ đều có phần bình để bàn luận... Kiệt tác Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du viết dựa trên Kim Vân Kiều Truyện - tiểu thuyết chương hồi gồm 20 chương của Thanh Tâm Tài Nhân. Nguyễn Du chuyển một tác phẩm tự sự (tiểu thuyết) sang trữ tình (truyện thơ) ông đã lược bỏ đi những chi tiết rườm rà, chỉ giữ lại những nội dung cốt yếu của Kim Vân Kiều Truyện để viết lên hơn 1300 câu thơ, còn hơn 1900 câu thơ còn lại là Nguyễn Du tự sáng tác. Nguyễn Du sắp xếp lại trật tự , bố cục cốt truyện một cách hợp lí, tăng độ dài của phần trao duyên, đưa vào tác phẩm của mình những câu thơ miêu tả cảnh thiên nhiên, những lời độc thoại nội tâm của nhân vật,... để tạo ra một cô Kiều “Việt Nam” hành động theo hướng tình cảm,nhân văn chứ không phải một cô Kiều “Trung Quốc” chủ động, lí trí, mang nặng tư tưởng Nho giáo như Thanh Tâm Tài Nhân xây dựng.

Ngoài các thể loại vay mượn ra, văn học Trung đại Việt Nam còn có những thể loại nội sinh : thơ lục bát, thơ song thất lục bát, truyện thơ Nôm, hát nói... mang đậm tính dân tộc.

Về mặt tư tưởng, mặc dù chịu tác động mạnh mẽ từ Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo tuy nhiên các tác giả Trung đại có những cách tiếp cận riêng. Ở thời kỳ Lý - Trần Phật giáo giữ vị trí chủ đạo, nhóm tác giả thiền sư và thơ thiền đóng vai trò quan trọng trong sáng tác thời kỳ này. Tuy nhiên điểm khác biệt giữa văn học Việt Nam so với Văn học Trung Quốc đó là “Phật giáo nhập thế” các thiền sư tham gia vào việc triều chính, giúp vua giải quyết các vấn đề bang giao(Pháp Thuận,Vạn Hạnh,Trần Nhân Tông...) Ở thế kỉ XV-XVII, khi Nho giáo độc tôn, các tác giả thời kỳ này chủ yếu là nhà Nho, khi đất nước thái bình hưng thịnh vua sáng tôi hiền,họ ra thi cử làm quan,trả món nợ “công danh”,sáng tác thể hiện tình yêu nước,ca ngợi triều đại..., khi đất nước rối ren,vua chúa bạo ngược, họ lựa chọn con đường xuất xử “lánh đục tìm trong” học theo Lão, Trang lui về sống ẩn dật, hòa hợp với thiên nhiên (Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm...). Đến thế kỉ XVIII – nửa đầu XIX,khi chế độ phong kiến suy yếu đi xuống, đó là cơ hội cho sự trỗi dậy của Phật giáo, Đạo giáo, cũng như lối sống thành thị đã làm làm nảy sinh tư tưởng “ dân chủ”, cái “tôi” cá nhân và trào lưu nhân đạo chủ nghĩa. (Đặng Trần Côn,Hồ Xuân Hương,Nguyễn Du...). Đến cuối thế kỉ XIX,trước sự xâm lược của thực dân Pháp,thất bại của Triều Nguyễn và sự sụp đổ của Nho giáo với chế độ thi cử cùng những giá trị đạo đức truyền thống vốn đã tồn tại hàng chục thế kỉ đã tạo nên sự khủng hoảng về tư tưởng đối với những nhà nho yêu nước,hình thành nên tư tưởng trào phúng đối với các tác giả nhà nho thời kỳ này(Nguyễn Khuyến, Tú Xương).

Bước sang thế kỷ XX, văn học Việt Nam đã có tiếp xúc với nguồn tác động mới. Văn học Việt Nam phát triển, hiện đại hóa. Việc hiện đại hóa văn học ở Trung Quốc và Việt Nam hầu như xảy ra đồng thời. Văn học Trung Quốc cận, hiện đại với tư cách là văn học nước ngoài đã có ảnh hưởng không nhỏ về mặt tư tưởng nghệ thuật. Song ảnh hưởng của văn học cổ điển Trung quốc như một yếu tố nội tại vẫn không giảm sút. Trong phong trào thơ mới 1932 - 1945 ảnh hưởng thơ Đường vẫn rất đậm trong thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Thâm Tâm... Trên một mức độ nhất định ta có thể tán thành với ý kiến của Leon Van Đermetsơ là: “ở Nhật, ở Trung Quốc, Việt Nam và Singapore ánh trăng thu đã được chiêm ngưỡng bằng con mắt của Lý Thái Bạch”.

Ảnh hưởng của văn học Trung Quốc đối với Việt Nam là ảnh hưởng kép. Là một hiện tượng văn học nước ngoài, văn học Trung Quốc ảnh hưởng tới văn học Việt Nam như mọi văn học nước khác. Đồng thời văn hóa Trung Quốc đã ảnh hưởng tới văn học Việt Nam như một yếu tố nội tại, tiềm ẩn trong truyền thống văn học Việt Nam. Trong thời hiện đại yếu tố tiềm ẩn này đang giảm bớt trong những thế hệ không học chữ Hán, song nó không bao giờ mất đi, bởi đã ăn sâu vào trong văn học cổ điển của dân tộc.

2. Tiếp cận văn hóa - văn học Trung Quốc dưới góc nhìn của sinh viên Khoa Ngữ văn

Từ xưa đến nay, chưa có một dân tộc nào “có thể tự hào rằng nền văn học nước mình không hề vay mượn và tiếp thu một ít vốn liếng của văn học nước khác”. Một nền văn học trẻ bao giờ cũng chịu sự ảnh hưởng của một nền văn học già - đấy là quy luật vô cùng tất yếu của văn học. Và văn học Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng để có được sự ảnh hưởng đấy phải thông qua một quá trình tiếp nhận, chọn lọc và phát triển. Quá trình ấy nhiều khi không phải do chủ ý, mà đơn thuần chỉ là một cảm hứng thoáng qua khơi gợi sự tò mò trong lòng bạn đọc, dần dần thu hút người ta tiếp cận, thấm thấu vào lòng ta tự khi nào không biết.

Trong dòng chảy của lịch sử văn học thế giới, văn học Trung Quốc nổi lên như một nền văn học lớn, có lịch sử lâu dài và ngày càng phát triển với nhiều thành tựu rực rỡ. Văn học Trung Quốc phát triển với nhiều loại hình đa dạng và nội dung sâu sắc gắn với hàng loạt cây bút nổi tiếng. Bởi vậy việc tiếp cận nền văn học này không những hiểu thêm, xác định được vị thế của của một nền văn học tồn tại liên tục 5 ngàn năm mà còn phần nào bồi dưỡng thêm tri thức trong ta, giúp ta tiếp nhận được những tinh hoa sáng tạo của nhân loại. Vậy con đường nào đã dẫn lối bạn đọc đến với những trang văn Trung Hoa, đặc biệt là những chàng trai, cô gái Văn khoa?

“ Văn học là biểu hiện của văn hóa, cho nên văn học là tấm gương của văn hóa”. Nhiều sinh viên đã được dẫn lối tới văn chương thông qua cây cầu văn hóa. Họ đam mê văn hóa Trung Quốc với trà, rượu, thư pháp, âm nhạc, mỹ thuật... và một lần nữa họ bắt gặp những điều ấy được phản ánh lại trong văn chương. Dường như văn hóa trở thành một “bầu khí quyển” bao trùm lên trang viết, thấm vào bút mực của nhà văn để rồi làm nên một cây cầu nhịp nhàng dẫn lối bạn đọc tiếp nhận. Từ đó, có thể thấy, nếu văn học có chức năng phản ánh hiện thực thì cũng không thể phản ánh trực tiếp được, mà chỉ có thể phản ánh thông qua “lăng kính” văn hóa, thông qua “bộ lọc” của các giá trị văn hóa, và đó chính là cánh cửa gợi mở sự tiếp nhận cho một số bộ phận bạn đọc.

Có bạn lại đến với Văn học Trung Quốc như một “ cơ duyên” thông qua những bộ phim kiếm hiệp, cổ trang. Họ ấn tượng với sự hào sảng, phóng túng, thích cái sự phiêu lưu trong chốn giang hồ đầy mạo hiểm, thích cái khẩu khí, cái nghĩa khí của những lãng tử trong phim. Từ đó cũng thu hút họ đi sâu thêm để tìm hiểu văn học Trung Quốc và bắt đầu nghiên cứu sâu về nó ở những bình diện nội dung, nghệ thuật. Dường như văn học và các bộ môn nghệ thuật khác có một sợi dây gắn bó, hòa kết giao thoa với nhau làm nên một con đường nghệ thuật đưa người đọc đến với xử sở của cái đẹp - văn chương.

Có người lại vô tình đọc một vài trang tiểu thuyết Trung Hoa như Tam Quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng,...rồi bị cuốn vào câu chuyện, thích cái nội dung nhà văn phản ánh trong truyện, quan tâm đến một giai đoạn lịch sử của Trung Quốc mà tác phẩm phản ánh hay một kiểu nhân vật đặc biệt gây ấn tượng. Sau đó sự hứng thú sẽ khiến họ tìm đọc những tác phẩm có liên quan, thu thập thêm tư liệu để rồi tiếp cận nền văn học này một cách có chủ ý, quan tâm nhiều hơn đến bề sâu ngôn từ, nội dung phản ánh, ý nghĩa của hình thức biểu hiện trong từng tác phẩm chứ không đơn thuần chỉ là đọc để giải trí.

Mỗi sinh viên khoa Ngữ văn sẽ có những cách tiếp cận văn học Trung Quốc khác nhau, nó biểu trưng cho cách tiếp nhận của bạn đọc trước một nền văn học, một giai đoạn văn học, một tác phẩm văn học…Dù cách tiếp cận khác nhau nhưng sau cùng nó vẫn sẽ là tiền đề ta có thể lĩnh hội những thành tựu của nền văn học “già” này. 

Trên đây là một số chia sẻ của các sinh viên khoa Ngữ văn về việc tiếp cận văn học Trung Quốc. Còn bạn? Điều gì đã dẫn lối bạn tới mảnh đất văn học 5 ngàn năm này? 

Thực hiện: Văn Sỹ, Thảo Nhung (HPT - CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn)

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020