Tọa đàm: Khám phá tiểu thuyết - Thời gian: Ngày 5 tháng 4 năm 2019 - Địa điểm: Khoa Ngữ văn - trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Diễn giả: Nhà văn Diêm Liên Khoa & GS. Vương Nghiêu
1. Đôi điều về văn hóa Trung Hoa
“Ta sống chết trong khoảnh khắc, tình thế cực kỳ hung hiểm, vậy mà người này không sợ nguy nan, dám xông ra, đủ biết là bậc đại trượng phu, hảo hán tử trọng nghĩa khinh sinh. Tiêu Phong được kết nghĩa với những người như thế này, quả không uổng một đời."
Lời nói hào sảng từ một chân anh hùng vang vọng trong trí óc non nớt của những đứa trẻ lên tám đang xúm lại trước màn ảnh nhỏ. Với những đứa trẻ, nghĩa khí giang hồ là một khái niệm khó cắt nghĩa. Chúng chỉ đủ để hiểu rằng: người anh hùng hảo hán ngày xưa đối đãi nhau bằng cái tâm cao thượng, sau những trận thư hùng võ thuật mãn nhãn. Năm ấy các kênh truyền hình thi nhau phát sóng những bộ phim võ hiệp, không ít trong số đó đã bám rễ vào tiềm thức tuổi nhỏ một cách tự nhiên. Là Thiên long bát bộ xoay quanh ba huynh đệ Tiêu Phong, Hư Trúc, Đoàn Dự mà đứa trẻ nào cũng nhao nhao: "Tớ chọn Tiêu Phong rồi nhé". Là Ỷ thiên đồ long ký với tâm pháp Càn khôn đại nã di luyện đến tầng thứ 9, mấy cậu trai giờ nghỉ trưa lại kháo nhau: "Này, cậu luyện đến tầng thứ mấy rồi?". Là mối tình đẹp nhưng trắc trở từng chiếm trọn tâm trí các cô cậu thiếu niên của Dương Quá và Tiểu Long Nữ - một chuyện tình có sức hút mãnh liệt trước khi ngôn tình trở nên hưng thịnh.
Tuổi thơ của những người sinh ra trong thập niên 90 của thế kỷ trước, qua những thước phim cổ trang, là tháng ngày rong ruổi phiêu lưu giữa thế giới giang hồ, ngắm nhìn núi sông hùng vĩ và tiếp xúc với một nền văn hóa giàu bản sắc, đầy ấn tượng. Chúng tôi - những con người đến từ thế hệ ấy - đã tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa bằng con đường độc đáo như thế.
Đất nước Trung Hoa rộng lớn đã trải qua chặng đường hình thành và phát triển hơn mấy ngàn năm. Thụ hưởng sự bồi đắp miệt mài của hai dòng sông mẹ là Trường Giang và Hoàng Hà, Trung Hoa là quốc gia giàu bản sắc với sự chung sống của những cộng đồng dân tộc lớn nhỏ, trong đó Hán tộc chiếm đa số. Bên cạnh lãnh thổ Trung Nguyên của người Hán là các khu tự trị của người Choang, người Tây Tạng, người Mãn Châu, người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ,... Bản thân dân tộc sinh sống trong các khu tự trị ấy, mỗi dân tộc lại có những vẻ đẹp văn hóa riêng. Không nên đồng nhất văn hóa Trung Hoa với văn hóa Hán, đó là nhận thức hợp lý. Một quốc gia với bề dày lịch sử, văn hóa như thế, hiển nhiên ẩn chứa biết bao tinh hoa và cả những bí ẩn chưa ai giải đáp. Ngay từ thời Tam Hoàng - Ngũ Đế, dân tộc Trung Hoa đã có trong tay phương pháp đánh bắt cá, làm nông (dù còn sơ khởi). Với truyền thuyết Phục Hy hữu duyên gặp kì lân bên sông Hoàng Hà, thuật chiêm tinh ra đời và phát triển với những luận giải tướng số độc đáo còn có giá trị đến ngày nay. Đạo Nho phát khởi từ Trung Hoa nêu cao nhân - nghĩa - lễ -trí - tín và công - dung - ngôn - hạnh trong cách đối nhân xử thế, trở thành rường cột tư tưởng cho chính đất nước ấy và các quốc gia lân cận trong thời gian rất dài. Người Trung Hoa giàu sáng tạo đã lần lượt chế tạo "bản thử nghiệm" của những phát minh làm thay đổi lịch sử thế giới (la bàn, thuốc súng,...). Đây cũng là nơi phát tích của nghề làm giấy (ông tổ Thái Luân) và nghề in ấn (với những mộc bản chạm khắc), trở thành cơ sở lưu thông và gìn giữ thư tịch cổ truyền đến mai sau.
Điểm nổi bật trong văn hóa Trung Quốc còn nằm ở thành tựu Y học và Ẩm thực. Tinh hoa y thuật cổ truyền Trung Hoa đọng lại trong những bài thuốc dân gian phối hợp các giống thảo hoa bình dị mà có khả năng nâng cao sức khỏe con người. Người đời thường xưng tụng Hoa Đà như thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử, và sau này thành ngữ "Hoa Đà tái thế" được dùng để trỏ những lương y tay nghề cao. Ẩm thực Trung Quốc có lẽ không cần bàn đến bởi sức phổ biến của những bánh màn thầu, mì hoành thánh, há cảo chiên,.. đã lan tỏa khắp thế giới. Muốn tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc, bạn chỉ cần tìm đến một quán ăn theo lối Trung Hoa. Chặng đường còn lại, ẩm thực sẽ trả lời giúp bạn vì những câu chuyện thú vị bên lề, những gửi gắm khéo ẩn chứa trong từng món ăn, tất cả đều đã trở thành những mảnh ghép của lịch sử văn hóa dân tộc.
Kiến trúc Trung Hoa trở thành biểu tượng của sự tỉ mỉ, phi thường và chính xác. Vạn Lý Trường Thành sừng sững vắt ngang một dải biên cương hay Cố Cung bề thế toát lên khí chất hoàng tộc là minh chứng cho tài năng kiến trúc của người Trung Quốc. Bàn tay điêu luyện của nghệ nhân cộng hưởng cùng thắng cảnh tự nhiên đã làm nên những chốn bồng lai tiên cảnh trên mặt đất, để đến độ người đời phải thốt lên: "Trên là thiên đàng, dưới là Tô Hàng" (Tô Châu, Hàng Châu là vùng đất nổi tiếng bởi vẻ hòa hợp của cảnh đẹp thiên tạo và nhân tạo.
Văn học Trung Quốc được đánh giá là sự kết tinh văn hóa đẹp nhất của nền văn minh phương Đông hùng vĩ ấy. Tòa lâu đài văn chương lộng lẫy nguy nga được gây dựng bởi tầng tầng lớp lớp những tác phẩm ở các thể tài khác nhau. Mỗi thời đại phong kiến đi qua lại để lại nơi lịch sử những đỉnh cao văn học, đến nỗi nhân thế còn khéo định danh: "Tiên Tần tản văn, Hán phú, Đường thi, Tống từ, Nguyên tạp kịch, Minh Thanh tiểu thuyết". Đến thời kì hiện đại và sau này là đương đại, văn học Trung Quốc vẫn giữ vững bước tiến thần tốc trong quá trình hội nhập với thi đàn văn chương quốc tế. Các nhà văn Trung Hoa được đề cử nhiều giải thưởng văn học. Giải thưởng Nobel văn học. Giải thưởng Franz Kafka. Cùng những danh hiệu cao quý khác. Đó là sự bảo chứng hoàn hảo cho những cống hiến của văn học Trung Hoa, văn hóa Trung Hoa đến cộng đồng quốc tế.
2. Văn học Trung Quốc trên chặng đường hiện đại
Đất nước Trung Hoa cùng những trầm tích văn hóa lắng sâu, bao kiệt tác văn học chắc chắn sẽ mãi là một niềm tự hào lớn lao của muôn đời, để từ những giá trị truyền thống được bảo lưu và gìn giữ đó mà tạo nên những cú hích mạnh mẽ cho những thành tựu tương lai. Nếu hình dung đến bức tranh văn chương Trung Quốc trong dòng chảy đằng đẵng của lịch sử thì không thể không phác họa từ tản văn Tiên Tần, Sử ký đến Đường thi, Tống từ, Nguyên hí và Minh Thanh tiểu thuyết. Chính chân trời nghệ thuật rộng mở, phong phú và kết tinh ấy đã góp phần làm nên một gương mặt rất riêng và vô cùng đặc biệt.
Nhưng lịch sử, với lẽ hằng thường của nó, luôn là dòng chảy vận động và tiếp nối, trăn trở vượt thoát và kiến tạo những đường hướng phù hợp, tiến bộ hơn. Văn học tất nhiên cũng không thể nằm ngoài quỹ đạo đó. Bước sang thời hiện đại cũng đồng nghĩa với việc khước từ những rào cản cố hữu của chế độ phong kiến, thủ cựu và kiềm tỏa, văn học lúc này đã mang trong mình một sứ mệnh và hiện diện với hình hài mới mẻ, mà cổ vũ tư tưởng cộng hòa, dân chủ là mục tiêu hàng đầu.
Nhìn một cách bao quát thì văn học hiện đại Trung Quốc có thể tính từ Cách mạng Tân Hợi năm 1911. Quá trình phát triển không phải đi theo một đường thẳng mà có lúc thăng, lúc trầm, có thời điểm đỉnh cao và kết tinh thành tựu nhưng cũng không thể tránh khỏi các giai đoạn khủng hoảng trầm trọng trong tư tưởng và thi pháp sáng tác. Có thể kể đến những tên tuổi nổi bật như Lỗ Tấn, Chu Lập Ba, Ngải Thanh, nữ sĩ Dương Mạt, La Quảng Bân, Điền Hán. vv…
Thời kỳ văn học đạt được những thành tựu đột phá nhất phải kể đến từ sau 1976, mở ra thời kỳ phục hưng và làm lành những “vết thương” trước đó, nhờ đó giữ vai trò tiên phong trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật và đời sống tinh thần của công chúng Trung Quốc. Những cây bút trẻ hăm hở tìm tòi phương pháp mới, bắt kịp xu thế của văn chương Tây Âu, Nga, Mỹ,… đồng thời kế thừa những cách thức sáng tác truyền thống của Trung Quốc và nhân loại. Nhiều tác giả mới nhanh chóng khẳng định được vị thế của mình, tạo sức hút mạnh mẽ trong đời sống văn học nghệ thuật. Hàng trăm cây bút, tiêu biểu với hàng chục tác giả xuất sắc như Diêm Liên Khoa, Trương Hiền Lượng, Vương Mông, Đường Mẫn, Phùng Kí Tài, Cao Hiểu Thanh, Giả Bình Ao Lưu Tâm Vũ, Mạc Ngôn, Vệ Tuệ, Miên Miên, Cửu Đan, Diệp Tân, Như Chí Quyên, Uông Tằng Kỳ, Tốt Thục Mẫn, Diệp Văn Linh. . . Những “Đinh Trang Mộng” (Diêm Liên Khoa), “Song cầm tế” (Lương Hiểu Thanh), “Phong nhũ phì đồn” (Mạc Ngôn),… thực sự đã làm nên những bước ngoặt đáng trân trọng; chứng tỏ một nền văn học có bề dày luôn tự đổi mới và sinh sắc, không bao giờ đặt dấu chấm cuối cùng.
Không ngoa khi cho rằng, văn học chính là đại diện cho gương mặt văn hóa, tinh thần và bản sắc của một quốc gia. Trăn trở và vươn lên – đó phải chăng là con đường đúng đắn nhất để khai mở những kỳ tích? Văn học hiện đại Trung Quốc, do đó, có thể nói là bảo chứng rõ nhất cho điều này.
Thực hiện: Hùng Lê, Ái Nghĩa (HPT - CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn)