"Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/ Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới". Những câu hát chất chứa xúc cảm mà nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ngay trong đêm 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc nổ súng tấn công biên giới phía Bắc Tổ quốc, sau bốn mươi năm lại ngân vang hào hùng trong nhịp vỗ tay khí phách của các cựu thành viên đội TNXK Trường ĐHSP Hà Nội và các cựu chiến binh Sư đoàn 337, trong Lễ kỉ niệm 40 năm đội TNXK Trường ĐHSP Hà Nội tham gia giữ gìn biên giới phía Bắc.
***
"Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới
Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới"
Những câu hát chất chứa xúc cảm mà nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ngay trong đêm 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc nổ súng tấn công biên giới phía Bắc Tổ quốc, sau bốn mươi năm lại ngân vang hào hùng trong nhịp vỗ tay khí phách của các cựu thành viên đội TNXK Trường ĐHSP Hà Nội và các cựu chiến binh Sư đoàn 337, trong Lễ kỉ niệm 40 năm đội TNXK Trường ĐHSP Hà Nội tham gia giữ gìn biên giới phía Bắc.
Sáng 28/2, Lễ kỉ niệm 40 năm đội TNXK trường ĐHSP Hà Nội tham gia giữ gìn biên giới phía Bắc đã diễn ra trọng thể tại phòng họp I - nhà Hiệu bộ, trường ĐHSP HN. Đến dự buổi lễ, về phía Trường ĐHSP HN có sự hiện diện của GS. TS Đỗ Việt Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường, Th.s Nguyễn Nhật Tân - Chủ tịch Công đoàn Trường, TS Nguyễn Văn Thỏa - Bí thư Đoàn Trường; về phía Khoa Ngữ văn là sự tham dự của PGS. TS Đỗ Hải Phong - Trưởng Khoa , PGS. TS Hà Văn Minh - Phó Trưởng Khoa, Th.s Nguyễn Thế Hưng - Bí thư Liên chi Đoàn cùng các bạn sinh viên đến từ CLB Truyền thông và CLB Thanh niên Xung kích của Khoa Ngữ văn. Nhân vật chính của buổi lễ kỉ niệm kết hợp gặp gỡ họp mặt lần này, dĩ nhiên chính là những cựu thành viên của đội TNXK năm xưa đã từng hành quân về phương súng nổ, cùng các cựu chiến binh của Sư đoàn 337 tỉnh Lạng Sơn (gồm đại tá Chu Lâm Hành - Sư đoàn trưởng và nhiều đồng chí khác) . Đối với thế hệ ngày nay, các cô các bác là những nhân chứng sống mãi cùng thời đại, là những người đã chứng kiến và trực tiếp trở thành một phần của một trong những khúc ngoặt đau thương mà bi tráng nhất trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Trước đó, trong chiều ngày 27/2, các cựu thành viên đội TNXK và cựu chiến binh Sư đoàn 337 dưới sự chủ trì của PGS. TS Phùng Ngọc Kiếm - nguyên Giảng viên Khoa Ngữ văn đồng thời là thành viên đội TNXK 40 năm trước đã tổ chức cuộc gặp gỡ thân tình tại phòng 101, nhà B, Khoa Ngữ văn. 40 năm đã trôi qua. Những chàng trai cô gái tuổi mười chín, đôi mươi của đội TNXK và những anh bộ đội thuộc biên chế Sư đoàn 337 bám trụ kiên cường trên tuyến biên giới tháng 2 -3 / 1979, giờ đây mái đầu họ đều bạc phơ màu thời gian. Nhưng ở các cô các bác vẫn toát lên khí thế oai hùng năm xưa . Những cái bắt tay, những nụ cười và ánh mắt đều lấp lánh nét tươi trẻ, nhiệt tình, hào sảng của một thời hoa nở mùa khói bom. Những người thân của thửo ấy gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hàn huyên vài câu chuyện và chia sẻ cùng nhau những kỉ niệm còn mãi của năm tháng ấy. Phát biểu tại cuộc gặp thân tình ấy, đại tá Chu Lâm Hành rưng rưng nghẹn ngào: "Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương, vậy mà đội TNXK vẫn lên tiếp lửa cho tiền tuyến. Lẽ nào trong thời kì đóa hoa hòa bình đang nở rộ trên mọi miền Tổ quốc, cựu chiến binh 337 chúng tôi lại ngại đường sá xa xôi để không về tham dự buổi gặp mặt lần này?" Lời chia sẻ của vị đại tá nay đã ở vào tuổi 80 có lẻ ấy càng củng cố tình cảm thắm thiết giữa bộ đội Sư đoàn 337 và sinh viên Sư phạm, sinh viên Văn khoa, giữa tiền tuyến và hậu phương.
Trở lại buổi lễ sáng 28/2, một không khí trang nghiêm được dựng lên qua phút chào cờ và mặc niệm dành cho những liệt sỹ, nhân dân 6 tỉnh biên giới đã ngã xuống vì lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trong mùa xuân 1979, đồng thời tưởng nhớ những cựu thành viên đội TNXK nay đã không còn. Thầy Phạm Đăng Dư - đội trưởng đội TNXK lên Lạng Sơn tháng 3/1979, thầy Đinh Văn Thiện - người nghệ sĩ với tiếng đàn accordiong thuở nào,... đều đã an nghỉ nơi cõi ngàn mây trắng. Phút mặc niệm khiến lòng người lắng lại trong sự xúc động.
Tại buổi lễ, thay mặt nhà trường, GS. TS Đỗ Việt Hùng phát biểu chúc mừng ngày kỉ niệm 40 năm của đội TNXK Trường ĐHSP Hà Nội, đồng thời khẳng định: "Chương trình là minh chứng để chúng ta ôn lại những kỉ niệm đội TNXK đã trải qua, đồng thời lời chia sẻ của các thầy cô cũng trở thành tấm gương để thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên hiện nay nhận thức đúng đắn và làm giàu thêm truyền thống của nhà trường".
Sau lời giới thiệu của PGS. TS Phùng Ngọc Kiếm, các thành viên tham dự lễ kỉ niệm lần lượt chia sẻ câu chuyện của mình, tâm sự về kỉ niệm những ngày lên biên giới tiếp lửa cho sư đoàn 337. Có những câu chuyện dù đã kể hôm qua nhưng nay nghe lại vẫn thấy thú vị như lần đầu. Có những sự kiện rất mới khiến cả khán phòng ngạc nhiên trầm trồ hay lắng lại xúc động. Đó là chuyện về quá trình thành lập của đội TNXK với những tái hiện chi tiết về quân phục, tư trang và tinh thần "đi bộ đội thực sự" nơi những thầy cô giáo tương lai. Đó là tâm trạng những đội viên đếm trước ngày lên đường: dù biết đi vào tuyến lửa nhưng sinh viên cả trường không ai run sợ, khí thế lên biên giới chi viện cho tiền tuyến sục sôi hào hùng trong toàn đơn vị. Đó còn là những lần di chuyển từ khi trời còn mờ sương, băng qua làn đạn ác liệt để đến với các cứ điểm của quân ta, nhằm biểu diễn văn nghệ động viên tinh thần quân dân biên giới. Thú vị hơn nữa khi các thành viên nữ năm xưa chia sẻ về sợi chỉ đỏ xe duyên giữa đội TNXK và sư đoàn 337, có những câu chuyện đi đến hạnh phúc viên mãn, lại có những mối tình chưa thành được kí gửi qua từng phong thư. Mỗi kỉ niệm nhờ lối dẫn dắt rất duyên của những người truyền lửa năm nào như hiện diện ngay trước mắt người nghe, và đặc biệt nhờ những câu chuyện chân thực ấy, thế hệ trẻ của Trường Sư phạm nói chung và Khoa Ngữ văn nói riêng có mặt trong buổi lễ lại tri nhận những hiểu biết mới, củng cố thêm lòng tự hào về quá khứ hào hùng và vững tin trên con đường kiến thiết tương lai tươi sáng.
Cùng với phần tâm sự đến từ các cựu thành viên đội TNXK, người tham dự buổi lễ còn có dịp lắng nghe lời chia sẻ của chính những người trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến khu thuở ấy. Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh - chính ủy ban chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn đã kể lại những hiện thực đau thương và gian khó trong những ngày tháng 2 đỏ lửa: "Chúng ta phải đối đầu với một lực lượng quân đội được đánh giá là bậc thầy của chúng ta", "Khi đối phương nổ pháo, một đồng chí của ta trong lúc hướng dẫn đồng đội xuống hầm trú ẩn đã trúng đạn và ngã xuống", "Súng mới nổ đây thôi mà đã có thương binh di chuyển đến, nhìn đau xót lắm các bạn ạ"... và còn vô vàn hình ảnh khốc liệt của cuộc chiến tranh năm 1979 nữa. Gian khổ là vậy nhưng quân dân biên giới nói chung, sư đoàn 337 nói riêng vẫn chắc tay súng nơi địa đầu Tổ quốc, chính nhờ sự hiện diện của đội TNXK Trường ĐHSP HN - mà như đại tà Khuỳnh chia sẻ: "Đó là một luồng gió mới thổi bùng lên ý chí quyết tâm của anh em bộ đội ngày ấy. Các thầy cô giáo tương lai, phần lớn xuất thân từ Hà Nội mà dám lên đây đứng cùng anh em trước làn mưa bom bão đàn, chúng tôi cảm nhận được sức mạnh mãnh liệt từ hậu phương. Sư đoàn 337 ngày ấy xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, cũng là nhờ công của đội TNXK và nhà trường Sư phạm".
Trong buổi lễ, dường như ranh giới giữa quá khứ và hiện tại được xóa nhòa đi, bởi sự hòa quyện giữa những lời tâm tình ngày ấy của đội TNXK và các cựu chiến binh, với những ca khúc cách mạng hào hùng do tập thể sinh viên đến từ CLB Thanh niên Xung kích Khoa Ngữ văn trình bày. "Tổ quốc gọi tên mình", "Giai điệu Tổ quốc", "Chiếc khăn Piêu",... âm vang không khí hào hùng năm xưa dưới giọng hát của các sinh viên hôm nay như những món quà đặc biệt mà sinh viên Khoa Ngữ văn dành tặng và tri ân những bậc lão thành đã cống hiện tuổi thanh xuân để làm nên một phần lịch sử dân tộc.
Bốn mươi năm đã trôi qua. Bụi thời gian có thể phủ mờ lên nhiều sự kiện, nhưng tinh thần sẵn sàng lên tuyến lửa vì độc lập, tự do ngày ấy của sinh viên Sư phạm nói chung, sinh viên Khoa Ngữ văn nói riêng vẫn mãi ngời sáng và trở thành điểm nối kết vững chắc giữa quá khứ với hiện tại. Người Sư phạm, Người Khoa Văn trong suốt hơn nửa thế kỷ dựng xây và phát triển đã và đang gắn bó chặt chẽ với những đổi thay của đất nước, và hứa hẹn tiếp tục trở thành đầu tàu của thế hệ trẻ trên con đường kiến thiết tương lai. Tinh thần mãnh liệt của đội TNXK Trường ĐHSP Hà Nội, nòng cốt là sinh viên Khoa Ngữ văn bốn mươi năm về trước đã tạc nên những cột mốc chói lọi trong lịch sử hào hùng của nhà trường nói chung và Khoa Ngữ văn nói riêng - như lời thơ của thầy giáo Nguyễn Hữu Việt (cựu sinh viên Văn Khoa) nhân ngày gặp mặt:
"Kể chi đêm Thất Khê, ngủ chật ngoài sân
Kể chi ngày Bình Gia, vượt đèo bụng đói
Có một thời chiến trường vẫy gọi
CHÚNG TA THÀNH CỘT MỐC Ở ĐƯỜNG BIÊN"
Bài viết: Tuấn Hùng
Video: Ngọc Thắng, Minh Quang, Xuân Bảo
Ảnh: Trung Hiếu (Đoàn TN Trường)